1. Trang chủ
  2. Mắt
  3. Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý

Nguồn: Nguyên lý và thực hành Phẫu thuật thẩm mỹ Phần 1: Cắt mí và sửa mi hỏng

Chủ biên: H. Ryun Jin

Dịch giả: Bác sĩ Trần Ngọc Trung

1 Tóm tắt ý chính:

  • Sự hình thành nếp gấp trên da mí mắt khi mắt ở trạng thái mở là một trong những đặc điểm khác biệt giữa những người Đông Á. Ở những người có mắt hai mí, mí mắt trên có một nếp gấp ở bên trên bờ mi trong khi những người có mắt một mí lại không có đặc điểm này.
  • Tạo mắt hai mí là quy trình tạo sự liên kết giữa da mí mắt (lớp đằng trước) và cơ nâng mi (lớp đằng sau). Có hai phương pháp tạo mắt 2 mí, một là phẫu thuật và 2 là không phẫu thuật. Tạo mắt hai mí không phẫu thuật hay còn gọi là bấm mí/nhấn mí bằng chỉ là phương pháp tạo nếp gấp mí mắt mà không cần bóc tách hay cắt rạch. Đây là một quy trình đơn giản, không xâm lấn mà lại hiệu quả để tạo mắt hai mí nhưng không phải khi nào cũng phù hợp.
  • Kỹ thuật tạo mắt hai mí này cần được điều chỉnh tùy theo nhiều yếu tố, chẳng hạn như độ phồng của mí mắt (độ dày của bọng mỡ), chức năng của cơ nâng mi (có bị suy yếu hay không) và có mắc chứng lồi mắt không. Với những người mà mí mắt trên có bọng mỡ dày (mắt bụp) thì mỡ cần được loại bỏ một cách tối đa và nếp mí mới cần được tạo ở vị trí thấp nhất có thể. Nếu nếp mí được tạo quá cao thì sẽ khiến cho khe mi mắt bị mở to hết cỡ và gây khó chịu khi mở mắt, đặc biệt là trong những trường hợp mí mắt bị sụp. Trong những trường hợp bị lồi mắt thì nếp mí cũng cần được tạo thấp hơn bình thường để tránh làm cho mắt có nếp mí cao bất thường.
  • Tùy thuộc vào việc nếp mí có chạm đến bờ mi ở khóe mắt hay không mà mắt có thể có mí kín (nếp mí rõ rệt, kéo dài đến tận khóe mắt) hoặc mí hở (nếp mí, ngắn mờ, không chạm đến khóe mắt).
  • Khi nhắm mắt, phần giữa của nếp mí phải nằm cao hơn một cách vừa đủ so với phần ở bên trong và phần ở đuôi mắt để tránh cho nếp mí nằm thành một đường thẳng khi mở mắt.
  • Trong quá trình tạo mắt hai mí không phẫu thuật, sau khi đánh dấu, mí mắt sẽ được bấm 5 lỗ hoặc rạch các đường nhỏ bằng kim hoặc lưỡi dao mổ số 11. Sau đó, một đoạn chỉ không tự tiêu 7/0 được luồn qua da đến rìa trên của sụn mí rồi vòng lại, xuyên qua cùng một vị trí trên sụn đến da. Cuối cùng, da mí mắt được liên kết cố định với sụn mí.
  • Khi loại bỏ mỡ hốc mắt, cần cân nhắc kỹ vị trí của túi mỡ. Túi mỡ này có thể dịch chuyển lên trên hoặc về phía đuôi mắt khi ở tư thế nằm ngửa.
  • Với những trường hợp cần gấp cơ Muller thì sẽ dùng chỉ nylon 7/0 luồn qua da đến rìa trên của sụn mi. Chỉ được xuyên qua sụn đến vịtrí kết mạc mi gần túi cùng kết mạc trên rồi vòng lại xuyên qua kết mạc đến lớp sụn ởcùng một vị trí và cơ Muller được gấp lên. Chỉ khâu xuyên qua sụn mi đến da và được thắt nút lại.
  • Khi đi xuyên qua sụn mi, chỉ khâu có thể nổi lên ở kết mạc mi (lớp niêm mạc bên trong của mí mắt) và gây ra cảm giác cộm và đau. Nếu gặp hiện tượng này thì bác sĩ cần lật mí mắt lên và kiểm tra cẩn thận.

2 Giới thiệu

2.1 Mắt hai mí và mắt một mí

Một trong những chức năng quan trọng nhất của mí mắt trên là mở ra, để lộ nhãn cầu, cho phép chúng ta có thể quan sát và đóng lại để bảo vệ nhãn cầu, giống như chức năng của bộ phận màn trập trong máy ảnh. Hình dạng bên ngoài của mí mắt trên thay đổi liên tục. Khi ở trạng thái đóng, mí mắt giãn ra để che đi giác mạc và kết mạc củng mạc (lớp màng mỏng bao quanh bề mặt nhãn cầu). Khi mở mắt, lớp bao bên ngoài (gồm có da và kết mạc mi) gấp lại, làm cho mí mắt trên co lại và để lộ ra nhãn cầu. Khi nhìn từ bên ngoài thì sẽ không thấy nếp gấp ở lớp kết mạc nhưng có thể quan sát thấy nếp gấp ở bên ngoài da. Đây chính là nếp gấp mí mắt hay nếp mí – một đặc điểm có sự khác nhau ở mỗi người Đông Á. Mức độ và đặc điểm của sự hình thành nếp gấp sẽ quyết định hình dạng của đôi mắt, đặc biệt là ở mí mắt trên. Thông thường, da gấp lại ởphần giữa của mí mắt và mép của nếp gấp này nằm bên trên hàng lông mi, để lộ ra toàn bộ giác mạc khi mắt ở trạng thái mở hoàn toàn. Nếp mí, bờ mi và lông mi nằm song song nhau. Ở những người có mắt hai mí, mí mắt gồm có hai đường rõ rệt (nếp mí và bờmi) trong khi ở những người có mắt một mí thì mí mắt chỉ có một đường vì nếp gấp da hình thành ở bên dưới bờ mi. Nếp gấp da che đi bờ mi và đẩy lông mi xuống dưới (hình 12.2). Cũng chính vì nếp gấp da nằm ở vị trí thấp nên khe mi mắt của mắt một mí cũng nhỏ hơn so với mắt hai mí. Mắt một mí là đặc điểm phổ biến ở nhiều nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ trong khi các nước Châu Âu, Châu Mĩ và Nam Á lại chủ yếu là mắt hai mí. 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.1: Mắt hai mí phổ biến ở phụ nữ các nước Nam Á. Mí mắt gồm có hai đường rõ rệt vì nếp gấp da hình thành bên trên bờ mi, để lộ nhãn cầu tối đa khi mở mắt
Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.2: Mắt một mí phổ biến ở phụ nữ Đông Á

a. Ở trạng thái mở, nếp gấp da nằm vị trí thấp

b. Lông mi bị đẩy xuống. So với mắt hai mí thì khe mi mắt của mắt một mí nhỏhơn do bị che đi một phần bởi nếp gấp da.

2.2 Cấu tạo mí mắt trên

Mí mắt trên là một cấu trúc gồm nhiều lớp, được chia thành lớp trước, lớp giữa và lớp sau. Lớp trước gồm có da và cơ vòng mi. Lớp sau gồm có sụn mi và kết mạc. Lớp giữa gồm có vách hốc mắt và mỡ ngăn cách phần trong hốc mắt với các cấu trúc trước vách hốc mắt. Khi nhìn từ mặt cắt dọc đứng, mí mắt trên có hình tam giác ngược với phần trên dày gồm có ba lớp riêng biệt và càng về phía bờ mi thì càng mỏng, trong đó lớp trước và lớp sau (da, cơ vòng mi và sụn) ép sát vào nhau. Vách và mỡ hốc mắt (lớp giữa) chỉ kéo dài đến vị trí hợp nhất của lớp trước và lớp sau, có thể xác định được bằng nếp gấp ở bề mặt da. Bờ mi liên kết với các cơ thực hiện chức năng nâng mí mắt như cân cơ nâng mi (levator aponeurosis), cơ nâng mi trên (superior levator palpebralis muscle) và cơ Muller, chủ động co lại khi bắt đầu chu kỳ mở mắt (Hình12.3). Trong khi đó, lớp trước và lớp giữa bên trên vị trí hợp nhất lại được gấp lại một cách thụ động do chuyển động mở ra của mí mắt.

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hinh 12.3: Quá trình mở của mí mắt trên: (a) Ở trạng thái nhắm, lớp da bên ngoài mí mắt trên được kéo căng. (b) Ở đầu chu kỳ mở mắt, phần da ngay bên trên nếp mí (phần màu xanh lá) cuộn lên và kéo theo bờ mi. (c) Khi ở trạng thái mở hoàn toàn, phần màu xanh lá nằm hoàn toàn đằng sau vùng da bên trên.

Với hiện tượng co lại của cơ nâng mitrên, phần da bên trên bờ mi (bềmặt màu đỏ) - vốn được liên kết trực tiếp với các cơ nâng mi – bắt đầu co lên trên, trong khi phần trên của lớp trước (bề mặt màu xanh lá và xanh dương) vẫn không thay đổi. Khi mắt mở to hơn, phần bên trên nếp mí của lớp đằng trước (đường màu xanh lá) được cuộn lên và bờ mi cũng được kéo lên. Lúc này, nếp mí được gấp lại và trở nên rõ rệt hơn. Khi mắt mở thêm nữa thì phần da màu xanh lá sẽ nằm hoàn toàn đằng sau ở vùng da bên trên (đường màu xanh dương) và tạo nên nếp gấp mí mắt (nếp mí).

Ở mắt một mí thì lớp giữa phát triển mạnh và lớp mỡ hốc mắt mở rộng xuống thấp hơn. Do đó, lớp trước và lớp sau cũng hợp nhất ở vị trí thấp hơn so với mắt hai mí và khoảng cách từ nếp gấp da đến bờ mi (đường màu đỏ) cũng rất nhỏ. Do đó, da được gấp lại ở một vị trí thấp hơn nhiều khi mở mắt và che đi toàn bộ bờ mi, bao gồm cả lông mi.

Hơn nữa, phần trên của khe mi mắt cũng bị che đi một phần bởi nếp gấp da, kể cả khi mắt đã mở to hết cỡ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như khi bị sụp mí (xệ mí), cơ trán sẽ phải hoạt động nhiều hơn để kéo da mí mắt lên trên và cải thiện tầm nhìn.

Trong khi đó, ở mắt hai mí thì nếp gấp da được hình thành ở vị trí cao hơn và mép của nếp gấp này nằm bên trên bờ mi nên không gây cản trở tầm nhìn (hình 12.4).

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.4: Điểm khác biệt lớn nhất về giải phẫu giữa mắt một mí và mắt hai mí là vị trí mà lớp trước và lớp sau của mí mắt trên hợp nhất, cũng như là vị trí mà da gập lại. Đặc điểm của nếp gấp da này khi mở mắt quyết định hình dạng của đôi mắt. (a) Ở mắt một mí, nếp gấp da được hình thành ở vị trí thấp hơn và che đi bờ mi, lông mi và làm cho mắt nhỏ hơn. (b) Trái lại, ở mắt hai mí thì nếp gấp da hình thành ở vị trí cao hơn, nằm ở bên trên lông mi. 

2.3 Tạo mắt hai mí không phẫu thuật bằng chỉ 

Sự khác biệt lớn nhất giữa mắt một mí và mắt hai mí là vị trí hình thành của nếp gấp da hay nếp mí do sự mỏng đi và hợp nhất của lớp trước, lớp sau tạo nên. Ở mắt hai mí, nếp mí này nằm ở bên trên lông mi, rất rõ rệt ngay cả khi mắt ở trạng thái thư giãn, nhìn thẳng vì nếp gấp được định hình rõ nét và đủ cao. Còn ở những người có mắt một mí, nếu muốn có mắt hai mí thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp chỉnh sửa. Mục đích của các phương pháp này là tạo ra sự liên kết giữa da (lớp đằng trước) và cơ nâng mi (lớp đằng sau) ở vị trí cao hơn để tạo ra đôi mắt hai mí.

Các phương pháp này được chia làm 2 loại chính: thứ nhất là tạo mắt 2 mí không cần phẫu thuật, rạch mổ bằng kỹ thuật khâu vùi (nhấn mí hay bấm mí) và thứ hai là tạo mắt 2 mí bằng phương pháp phẫu thuật cắt mí qua đường rạch bên ngoài (cắt mí). Trong khi các kỹ thuật nhấn mí hay bấm mí tạo sự liên kết giữa da và cơ nâng mi bằng cách luồn chỉ đơn giản thì phương pháp cắt mí lại cắt bỏ cả da và cơ nâng mi rồi liên kết chúng lại với nhau nhờ sự hình thành mô sẹo. Phương pháp cắt mí cũng cần đến kỹ thuật khâu vùi để liên kết da và cơ nâng mi. Do đó, dù có phẫu thuật rạch mổ hay không thì kỹ thuật thắt vòng chỉ là điều cần thiết ở cả hai phương pháp. Phương pháp bấm mí giúp hình thành nếp mí bằng cách thắt chỉ mà không cần rạch mổ hay bóc tách. Phương pháp này có nhiều cách thực hiện khác nhau và có thể được sử dụng cho mục đích đơn giản là tạo mắt 2 mí hoặc để khắc phục tình trạng sụp mí.

3 Đánh giá trước phẫu thuật

Ngoại trừ các trường hợp bị sụp mí nghiêm trọng, chức năng cơ nâng mi bị suy yếu hoặc lớp mô mềm ở mí mắt quá dày ra thì phương pháp tạo mắt hai mí không phẫu thuật có thể áp dụng được cho hầu hết những ai có nhu cầu sửa mắt một mí thành hai mí. Tuy nhiên quy trình thực hiện sẽ được lựa chọn dựa trên yêu cầu cụ thể của từng trường hợp cũng như là tình trạng về cấu tạo và chức năng mí mắt của từng người. 

3.1 Mắt bụp

Tạo sự liên kết ổn định ở vị trí cao hơn giữa lớp trước và lớp sau vốn tách biệt của mí mắt là mục đích chính của các phương pháp tạo mắt hai mí. Lớp mô mềm lỏng lẻo (cơ vòng mi, mỡ hốc mắt) ở giữa da (lớp đằng trước) và cơ nâng mi (lớp đằng sau) chính là điều gây cản trở cho sự hợp nhất của hai lớp này. Vì thế, lớp mô mềm quá dày ở mí mắt trên là một yếu tố gây khó khăn lớn cho việc tạo mắt hai mí, dù là bằng phương pháp phẫu thuật hay không phẫu thuật. Mặc dù lớp mỡ đằng sau vách hốc mắt có thể được cắt bỏ qua một đường rạch nhỏ (cắt mí qua đường rạch một phần) trước khi luồn chỉ nhưng với lớp mỡ đằng trước vách hốc mắt và cơ vòng mi thì lại bắt buộc phải tiến hành phương pháp cắt mí qua đường rạch toàn phần mới có thể loại bỏ được. Với những người có mí mắt trên bị bụp (sưng phồng) thì lớp mỡ ởđằng sau vách hốc mắt cần được loại bỏ tối đa và nếp mí cần được tạo ở vị trí thấp nhất có thể với phương pháp bấm mí bằng chỉ.

3.2 Suy yếu chức năng cơ nâng mi

Mặc dù phương pháp gấp cơ Muller có thể xử lý tình trạng sụp mi nhẹ nhưng lại không thể áp dụng cho các trường hợp bị sụp mí mức độ nặng với cân cơ nâng mi bị suy yếu, lỏng lẻo. Trong những trường hợp này thì sẽ cần tiến hành kéo cao cơ nâng mi. Việc tạo nếp mí mới sẽ làm gia tăng áp lực lên bộ phận đảm nhiệm sự chuyển động của mí mắt. Hơn nữa, phần bên trên của da mí mắt dày hơn và đòi hỏi lực lớn hơn để có thể gấp lại. Việc tạo nếp mí quá cao có thể gây cản trở sự mở to hết cỡ của khe mí mắt và gây khó chịu khi mở mắt, đặc biệt là trong những trường hợp bị sụp mí.

3.3 Mắt lồi

Sự chuyển động của mí mắt bị ảnh hưởng bởi cấu tạo của các cấu trúc xung quanh, lượng mỡ, độ sâu của hốc mắt, mức độ lồi ra của nhãn cầu và một số các yếu tố khác. Ở những người bị chứng lồi mắt thì khi mở mắt, nếp gấp da sẽ căng hơn so với những người bình thường hoặc người bị chứng lõm mắt do nhãn cầu đẩy mí mắt về phía trước. Ở người bị lồi mắt thì nếp gấp da và bờ mi ở bên dưới nằm tương đối cao, đặc biệt là phần ở giữa. Nếu chứng lồi mắt ở mức độ nặng thì nếp mí cần được tạo thấp xuống để tránh mí mắt quá to. 

3.4 Khoảng cách từ nếp mí đến bờ mi

Các phương pháp tạo mắt hai mí không chỉ tạo ra nếp mí mới mà còn thay đổi cả hình dạng của vùng giữa nếp mí và bờ mi. Phần da này là một đặc điểm rất quan trọng của đôi mắt và là yếu tố quyết định hình dáng của mí mắt. Vì vùng này thay đổi theo góc nhìn và mức độ mở của mắt nên phương hướng chỉnh sửa cần được xác định khi mắt ở trạng thái thư giãn và nhìn thẳng.Vùng giữa mí mắt là vịtrí mà da gập sâu nhất, có nghĩa là ở vị trí này, mí mắt co lên cao hơn so với phần trong và đuôi mắt. Vì thế, phần giữa của nếp mí cần được tạo ở vị trí thích hợp để tạo khoảng cách cân đối từ bờ mi đến nếp mí dọc theo chiều dài của mắt. (Hình 12.5) 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.5. Các hình dạng khác nhau của phần da nằm giữa bờ mi và nếp mí. (a) Nếu khoảng cách từ bờ mi đến nếp mí rộng thì mắt sẽ có hình dạng tròn hoặc oval. (b) Khoảng cách từ bờ mi đến nếp mí hẹp. (c) Bờ mi và nếp mí cần nằm song song hoặc hơi cách xa nhau về phía đuôi mắt. 

3.5 Nếp mí kín và hở

Tùy vào việc nếp gấp mí mắt có chạm đến tận bờ mi ở khóe mắt hay không mà đôi mắt có thể có nếp mí kín (nếp mí chạm khóe mắt) hoặc nếp mí hở (nếp mí không chạm khóe mắt). Ở mắt có nếp mí kín, nếp mí giao với nếp rẻ quạt. Khi cần sửa mắt một mí thành hai mí, để khóe mắt mở to hơn thì nếp mí cần được tạo riêng biệt và cao hơn so với phần đầu của nếp rẻ quạt. Xu hướng được ưa chuộng hiện nay là tạo mắt hai mí lai giữa nếp mí kín và hở, sao cho nếp mí còn cách khóe mắt một khoảng nhỏ chứ không chạm hẳn và nếp mí cao dần về phía đuôi. Thực chất đây vẫn là nếp mí hở nhưng vì chỉ cách khóe mắt một khoảng rất nhỏ và chiều cao tăng dần về phía đuôi nên khi nhìn từ xa thì sẽ giống như nếp mí kín. (Hình 12.6) 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
HÌnh 12.6. 3 dạng mắt hai mí khác nhau. (a, b)Nếp mí kín (nếp mí chạm bờ mi ở khóe mắt) hoặc hở (nếp mí không chạm đến bờ mi).(c) Lai giữa nếp mí kín và nếp mí hở, trong đó nếp mí còn cách khóe mắt một khoảng nhỏ nhưng chiều cao của nếp mí tăng dần về phía đuôi. (d) Nếp mí hở–đường màu đỏ; nếp mí kín(đường màu xanh) và lai giữa nếp mí kín và hở (đường màu vàng).

3.6 Những trường hợp cần chỉnh sửa sau bấm mí

Vì lớp đằng trước của mí mắt ngay bên trên vị trí hợp nhất được gấp lại một cách thụ động bởi sự co của lớp đằng sau nên ngay cả một vết sẹo rất nhỏ bên dưới da cũng có thể gây cản trở và khiến cho nếp mí không đều. Trong những trường hợp nghiêm trọng, vết sẹo cần được cắt bỏ (bằng phương pháp phẫu thuật) hoặc nếp mí cần được điều chỉnh cao hơn so với vị trí vết sẹo (bằng phương pháp không phẫu thuật) để giữ cho vùng da bên trên nếp mí luôn đồng đều. Tuy nhiên, không thể sử dụng phương pháp không phẫu thuật cho những trường hợp cần hạ thấp nếp mí, đặc biệt là những trường hợp đã từng phẫu thuật cắt mí trước đó.

3.7 Chất liệu chỉ

Vì phương pháp bấm mí hay nhấn mí không đòi hỏi phải bóc tách hay rạch mổ nên sự liên kết giữa da và cơ nâng mi được duy trì nhờ độ bền kéo của sợi chỉ chuyên dụng và các nút thắt. Vì thế nên việc lựa chọn chất liệu chỉ là điều rất quan trọng. Loại chỉ được sử dụng phổ biến nhất là chỉ nylon không tự tiêu (polyamide 7/0) sợi đơn. Mặc dù loại chỉ này có nhược điểm là ghi nhớ hình dạng (tức là có thể trở lại hình dạng ban đầu) và nút thắt dễ bị lỏng nhưng có ưu điểm là tỉ lệ nhiễm trùng thấp. Chỉ nylon không nhuộm được sử dụng phổ biến cho các ca tạo mắt hai mí không phẫu thuật vì loại chỉ này có độ bền kéo cao hơn so với loại chỉ nhuộm màu có chứa tạp chất. Tuy nhiên, loại chỉ này lại ít khi được sử dụng trong những trường hợp cần chỉnh sửa lại do kết quả không như mong muốn. 

3.8 Lựa chọn kim

Việc lựa chọn kim phụ thuộc vào vị trí đã định trước của vòng chỉ trong mô mí mắt. Vòng chỉ có thể được tạo ra bằng cách xuyên qua toàn chiều dày của mí mắt hoặc bấm một phần da mí mắt vào sụn mi. Đối với phương pháp xuyên qua toàn chiều dày của mí mắt thì sử dụng kim tròn cong 3/8 dài 24mm với chỉ nylon trắng 7/0. Nhưng nếu dùng kỹ thuật bấm một phần thì chọn kim nhỏ hơn. Kim cắt tam giác có thể gây tổn thương mạch máu nên cần sử dụng kim cắt tam giác hoặc tròn.

4 Quy trình thực hiện

4.1 Tạo mắt hai mí không phẫu thuật – bấm mí bằng chỉ

Tốt nhất là nên xác định vị trí nếp mí cần tạo khi khách hàng ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng vì hình dạng của mắt và nếp mí có thể thay đổi khi nằm xuống. Hơn nữa, khi khách hàng đứng thẳng, bác sĩ cũng sẽ dễ dự đoán kết quả hơn.

Nếp mí có thể bắt đầu ở ba vị trí khác nhau. Thứ nhất, nếp mí có thể bắt đầu ở bên dưới nếp rẻ quạt, đây được gọi là nếp mí kín. Nếp mí này trông tự nhiên nhưng mắt có thể bị nhỏ hơn so với các dạng nếp mí khác. Dạng thứ hai là nếp mí bắt đầu bên trên nếp rẻ quạt, gọi là nếp mí hở. Với loại nếp mí này thì mắt trông to hơn nhưng lại không được tự nhiên bằng nếp mí kín. Còn dạng thứ ba là lai giữa nếp mí kín và nếp mí hở, có nghĩa là điểm bắt đầu của nếp mí nằm thấp hơn so với nếp mí hở nhưng vẫn chưa chạm đến nếp rẻ quạt như nếp mí kín. Dạng nếp mí này cho vẻ ngoài tự nhiên và mắt tohơn. (Hình 12.6d)

Trước khi tiến hành bấm mí, nếp mí mới cần được đánh dấu bằng bút chuyên dụng nét mảnh dọc theo đường cong tự nhiên trên mí mắt. Nhìn chung, chiều cao của nếp mí thường là từ 4 –10mm, nhưng lý tưởng nhất là từ 6 -8mm tính từ lông mi. Chiều rộng của sụn mi ở người Châu Á thường nằm trong khoảng 6 – 8mm, vì thế nên sau khi chỉ khâu xuyên qua da có thể được cố định ở trên sụn mi.

Khi nhắm mắt, phần giữa của nếp mí phải cao hơn phần đầu và phần đuôi để tránh khi mở mắt, nếp mí nằm thành một đường thẳng. Nếu khách hàngcó da mí mắt mỏng và chức năng cơ nâng mi vẫn còn tốt thì có thể tạo nếp mí ở vị trí cao hơn. Mặc khác, nếu khách hàng có da mí mắt dày và cơ nâng mi đã bị suy yếu thì nên tạo nếp mí ở vị trí thấp một chút vì việc tạo nếp mí cao trong những trường hợp này thường khiến cho mắt trông không tự nhiên. Bác sĩ sẽ đánh dấu thêm 5 đường dọc trên đường nằm ngang, chia đường ngangra làm 4 phần (hình 12.7). Nếp mí cần bắt đầu ở đỉnh của nếp rẻ quạt hoặc ngay sát bên cạnh, còn phần đuôi của nếp mí kết thúc ở bên trên điểm cuối cùng của khe mi mắt.

Quy trình tạo mắt hai mí không phẫu thuật thường được thực hiện dưới phương pháp gây tê tại chỗ sử dụng Lidocaine 2% trộn với epinephrine 1/100.000 kết hợp tiền mê. Để gây tê da, bác sĩ dùng kim 26G tiêm nông vào dưới da vì nếu tiêm sâu thì sẽ gây chảy máu và sưng, gây khó khăn cho việc dự đoán kết quả cuối cùng. Lớp kết mạc cũng được gây tê bằng cách tiêm lidocaine. Còn đối với giác mạc thì dùng dung dịch proparacaine hydrochloride 0,5% để gây tê. Trong quá trình thực hiện cần sử dụng miếng bảo vệ giác mạc bằng Nhựa để bảo vệ cho nhãn cầu. Các bước tạo mắt hai mí không phẫu thuật được trình bày trong hình 12.8. Các điểm đã đánh dấu trước đó được bấm lỗ bằng kim 26G. Các điểm đánh dấu này là vị trí vào và ra của chỉnylon. Bên cạnh cách bấm lỗ, bác sĩ còn có thể chọn cách tạo các đường rạch nhỏ bằng lưỡi dao mổ số 11.

Nếu bọng mỡ hốc mắt quá lớn khiến cho mí mắt trên bị phồng/bụp thì cần tiến hành cắt bỏ mỡ qua đường rạch nhỏ ở phần đuôi của nếp mí. Trong khi giữ vách hốc mắt bằng kẹp phẫu tích có mấu, bác sĩ tạo một đường rạch nhỏ trên vách hốc mắt bằng kéo sắc và mỡ hốc mắt được lấy ra bằng kẹp phẫu tích không mấu.  

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.7 Đánh dấu trước khi bấm mí. Phần giữa của nếp mí phải cao hơn so với phần đầu và đuôi khi nhắm mắt.
Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.8: Quy trình tạo mắt hai mí không phẫu thuật. (a) Sau khi gây tê tại chỗ bằng dung dịch hỗn hợp lidocaine 2% vàepinephrine 1/100.000 cùng với tiền mê nhẹ, các điểm đánh dấu được bấm bằng kim 26G. Những điểm này là vị trí vào và ra của đoạn chỉ nylon 7/0 được luồn vào sau này. (b) Mỡ hốc mắt được loại bỏ qua đường rạch nhỏ ở phần đuôi của nếp mí. (c) Chỉ được luồn qua da đến rìa trên của sụn mi. Trong quá trình luồn chỉ, mí mắt trên được lật lên bằng kẹp phẫu tích không mấu hoặc các loại kẹp khác dùng cho sụn. (d) Kim được xuyên trở lại qua cùng một vị trí trên sụn mi và đến da. (e) Chỉ được luồn ở dưới da đến lỗ tiếp theo. (f) Quy trình được lặp lại cho các lỗ còn lại. 

Mỡ hốc mắt sau khi được kéo ra ngoài sẽ được đốt điện và cắt bỏ. Quá trình này cần được thực hiện một cách cẩn thận vì có nhiều mạch máu nhỏ bên trong vách hốc mắt.

Bác sĩ sử dụng chỉ sợi đơn không tự tiêu 7/0 cùng với kim 24mm 3/8c. Kim tròn được sử dụng vì kim đầu vát có thể cắt đứt chỉ. Chỉ được luồn qua da đến rìa của sụn mi trên và lại xuyên qua lớp sụn đến da ở cùng một vị trí. Sau đó, da mí được cố định trên sụn mi.

Trong quá trình luồn chỉ, mí mắt trên được lật lên bằng kẹp phẫu tích không mấu hoặc các loại kẹp phẫu tích khác dùng cho sụn. Để xuyên qua sụn ở khoảng cách ngắn nhất thì cần đâm kim theo chiều thẳng đứng. Nếu không, mô mềm bên dưới da có thể bị khâu vào sụn và gây ra vết lõm không mong muốn. Lưu ý phải làm sao để khoảng cách từ bờ mi đến vị trí lỗ luồn chỉ ở cả mặt ngoài của mí mắt (da) và mặt trong (kết mạc) phải bằng nhau. Nếu khoảng cách này ở trên da lớn hơn khoảng cách ở lớp kết mạc thì nếp mí sẽ bị sâu hơn bình thường và lông mi sẽ bị lật lên trên. Ngược lại, nếu khoảng cách ở trên da ngắn hơn so với khoảng cách ở lớp kết mạc thì vùng da bên dưới nếp mí sẽ bị xệ. Sau khi được xuyên qua sụn mí và đi ra ngoài lỗ trên da, chỉ sẽ tiếp tục được luồn bên dưới da đến lỗ tiếp theo và quy trình được lặp lại. Tuy nhiên, thứ tự của quy trình có thể thay đổi tùy theo từng bác sĩ. Các lỗ trên da được đánh số từ 1 đến 5, tính từ khóe mắt đến đuôi mắt và có thể thực hiện theo thứ tự 5-3-1-2-4-5 hoặc 4-5-3-1-2-4 nếu cần loại bỏ mỡ hốc mắt (hình 12.9). Đuôi của sợi chỉ được thắt lại ở vị trí đuôi mắt và nút thắt được giấu ở bên dưới da. Nút thắt có thể được đặt ở bất kỳ vị trí nào nhưng cần tránh ở chính giữa vì đây là vị trí rất dễ bị lộ. Đường rạch da được đóng lại bằng chỉ nylon 7/0 hoặc thậm chí không cần đóng lại vì đường rạch rất nhỏ.

Cuối cùng, khách hàng nhắm mắt để bác sĩ kiểm tra hình dạng của nếp mí và sự cân đối giữa hai bên mắt. Vùng quanh mắt được chườm đá trong vòng 2 ngày để giảm sưng. Chỉ thường được tháo bỏ sau 3 –5 ngày. 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.9 Thứ tự luồn chỉ thông thường trong quy trình tạo mắt hai mí không phẫu thuật. Các lỗ trên da được đánh số từ 1 đến5 từ khóe mắt đến đuôi mắt. Đoạn cuối của chỉ được thắt lại ở đuôi mắt và nút thắt được giấu bên dưới da. 

4.2 Gấp cơ Muller qua đường rạch kết mạc

Trong những trường hợp bị sụp mí nhẹ ở một hoặc cả hai bên mắt thì có thể tiến hành phương pháp gấp cơ Muller qua đường rạch kết mạc trong quá trình bấm mí (hình 12.10). Trước khi bấm mí, vị trí tạo nếp mí cần được đánh dấu dọc theo nếp gấp tự nhiên trên da. Vị trí của các mũi khâu gấp cơ Muller được đánh dấu dưới dạng đường kẻ dọc đứng. Quá trình này thường được thực hiện dưới phương pháp gây tê tại chỗ bằng dung dịch hỗn hợp lidocaine 2% và epinephrine 1/100.000 cùng với tiền mê. Các đường rạch nhỏ được tạo bằng kim hoặc lưỡi dao số11 ở những vị trí kim đi qua da. Sau khi lật mí mắt trên, bác sĩ tạo một mũi khâu kéo ở rìa trên của sụn mi với chỉ nylon 5/0.

Trong quy trình gấp cơ Muller, chỉnylon 7/0 được luồn qua da đến rìa trên sụn mi. Chỉ được xuyên qua lớp sụn đến một điểm trên kết mạc nằm gần túi cùng kết mạc và quay lại, xuyên qua kết mạc đến sụn ở cùng một vị trí và gấp cơ Muller. Đoạn chỉ đi xuyên qua sụn đến da và được buộc nút để thắt chặt. Quá trình tương tự được lặp lại ở bên kia và sau đó, đoạn chỉ kéo được tháo bỏ. Tiếp theo, quy trình tạo nếp mí được thực hiện như bình thường. Nút thắt của chỉ cần được giấu bên dưới da để không bị lộ ra ngoài.  

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.10: Quy trình gấp cơ Muller. Hình 1 - Đánh dấu đường rạch, điểm số 2 và 4 là để luồn chỉ gấp cơ; điểm số 1, 3, 5 và 6 là để tạo nếp mí. Hình 2 - Một đoạn chỉ kéo được luồn qua rìa sụn mi trên. Hình 3 – Chỉ gấp cơ được luồn qua da đến rìa sụn mi. Hình 4 - Chỉ gấp cơ Muller được luồn qua sụn đến một vị trí nằm gần túi cùng kết mạc trên . Trợ lý dùng đoạn chỉ kéo lật mí mắt lên và dùng tăm bông đẩy phần trên mí mắt xuống để quy trình thực hiện dễ dàng hơn. Hình 5 - Đoạn chỉ được xuyên lại qua kết mạc đến sụn mi ở chính lỗ ban đầu để gấp cơ Muller. 

4.3 Những điểm quan trọng cần lưu ý

  1. Khi đánh dấu nếp mí, phần giữa phải cao hơn phần đầu và phần đuôi một cách vừa đủ (khi nhắm mắt) để tránh nếp mí nằm thành một đường thẳng, không tự nhiên khi mở mắt.
  2. Khi loại bỏ mỡ hốc mắt, cần cân nhắc kỹ vị trí của túi mỡ. Túi mỡ này có thể dịch chuyển lên trên hoặc về phía đuôi mắt khi ở tư thế nằm ngửa.
  3. Trong quá trình luồn chỉ qua sụn mi có thểsẽ tạo ra nút thắt không mong muốn ở phía bên trong (kết mạc). Điều này có thể gây ra cảm giác cộm và vướng. Nếu khách hàng gặp hiện tượng này thì bác sĩ cần lật mí mắt lên và kiểm tra.
  4. Trong quá trình gấp cơ Muller, trợl ý cần giữ đoạn chỉ kéo và đẩy phần trên mí mắt xuống bằng tăm bông để quy trình được thực hiện dễ dàng hơn.
  5. Tốt nhất là vị trí mà đoạn chỉ đi ra ở kết mạc nên nằm gần túi cùng kết mạc trên. 

5 Các vấn đề và cách xử lý

5.1 Nếp mí biến mất

Vì không có sự liên kết mô giữa lớp trước và lớp sau của mí mắt trên nên sự tồn tại của nếp mí mới sau khi bấm mí phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ. Sau khoảng vài tháng, đoạn chỉ này sẽ mất đi khả năng giữ mô nên lượng mô được giữ bởi mỗi nút thắt sẽ giảm dần. Do đó, dù ban đầu được thắt chặt đến đâu thì sự liên kết giữa hai lớp cũng sẽ lỏng dần sau một thời gian. Mặc dù hiện tượng lỏng mức độ nhẹlà điều bình thường nhưng đôi khi, sự liên kết này có thể bị lỏng quá mức, làm mờ đi nếp mí nhanh chóng hoặc tạo ra nhiều nếp gấp trên mí mắt. Đây là một điểm hạn chế lớn của phương pháp bấm mí bằng chỉ. Ở những người mà mí mắt có bọng mỡ thì nguy cơ này sẽ cao hơn.

Nguyên nhân phổ biến nhất của những vấn đề này sau khi bấm mí là do nút thắt chỉ không giữ đủ lượng mô xơ. Về lý thuyết, bác sĩ phải phân bố lực căng của mỗi nút thắt một cách đồng đều và phải làm sao cho mỗi nút thắt giữ được nhiều mô xơ để tạo nên cấu trúc hỗ trợ. Một nguyên nhân khác là do sự suy yếu của chất liệu chỉ. Loại chỉ thuần nylon không màu có độ bền kéo cao hơn trong khi chỉ có màu thường dễ bị chùng và đứt. Tuy nhiên, nguyên nhân rất ít khi đến từ chất liệu của chỉ.

5.2 Nếp mí không đều

Sự hình thành nếp mí khi mở mắt là một quá trình diễn ra từ từ. Vào đầu chu kỳ mở mắt, nếp gấp da dần trở nên sâu hơn và nhãn cầu lộ ra nhiều hơn. Phần da bên trên nếp mí sẽ tạo một bóng đổ song song. Lúc này, nếu như nếp mí không nằm song song với các đường nhăn da tự nhiên (RSTL-relaxed skin tension line) thì sẽ xuất hiện thêm nhiều nếp gấp nhỏ, ảnh hưởng đến sự liền mạch của bóng đổ nếp mí vàlàm mất đi vẻ tự nhiên của đôi mắt hai mí. Do đó, nếp mí phải được tạo ở vị trí song song với các đường nhăn tự nhiên của da.

Mặc dù hiện tượng nếp mí không đều có thể rất rõ rệt ở vị trí nút thắt chỉ khi vừa mới bấm mí do lúc này mô còn đang bị kéo căng nhưng vì da có khả năng đàn hồi và co lại nên thường thì nếp mí sẽ đều hơn trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, nếu xảy ra hiện tượng lõm do mô sẹo thì thường không tự cải thiện được do mô sẹo có khả năng đàn hồi kém hơn so với mô da. Ngoài ra, vì sẹo trong da sẽ khiến cho nếp mí không đều nên cần tính toán sao cho vết sẹo nằm bên dưới nếp mí (hình 12.11). 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.11: Sẹo bị lộ rõ. Hiện tượng lõm ở vị trí có mô sẹo sẽ không dễ dàng tự cải thiện vì mô sẹo ít đàn hồi hơn mô da.

5.3 Lật bờ mi

Chiều cao của vị trí luồn chỉ ở mặt bên trong và bên ngoài mí mắt có thể khác nhau. Nếu vị trí luồn chỉ ở mặt bên trong (cân cơ nâng mi và sụn) cao hơn so với lớp bên ngoài (da) thì phần da bên dưới nếp mí sẽ bị kéo căng. Nếu ở trong phạm vi bình thường, da chỉ bị kéo căng nhẹ thì mí mắt trông sẽ vẫn bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, phần da bên dưới nếp mí bị kéo căng quá mức và trở nên mỏng đi trong khi phần da bên trên lại bị đẩy lên và trở nên dày hơn. Sự khác biệt về độ dày của da dọc theo nếp mí sẽ tạo vẻ không tự nhiên (hình 12.12a). Ngoài ra, lông mi cũng sẽ bị lật lên trên và vùng kết mạc mí mắt cũng trở nên bất thường (hình 12.12b). Không giống như khi cắt mí, tình trạng căng sau khi bấm mí thường tự đỡ dần theo thời gian. Tuy nhiên, sau này, nếp mí có thể hạ xuống thấp và tạo thành một đường cong không tự nhiên (hình 12.12c). Do đó, tạo lực căng da vừa đủ là điều rất quan trọng khi bấm mí.

5.4 Nghẽn mạch máu

Nút thắt chỉ có thể gây cản trở sự lưu thông máu và dẫn đến tắc nghẽn mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Nếu chỉ bị tắc nghẽn thông thường mà không bị tổn thương mô thì sẽ không gây ra vấn đề về lâu dài nhưng có thể dẫn đến sụp mí hoặc vấn đề khi mở mắt trong một thời gian ngắn sau bấm mí. Tình trạng này có thể kéo dài thời gian hồi phục và khiến cho bờ mi bị nặng. Để tránh xảy ra vấn đề này thì cần phân bố đều lượng mô được giữ bởi mỗi nút thắt và lực căng của chỉ bấm mí.

5.5 Áp-xe và lộ nút thắt chỉ

Vì chỉ nylon sợi đơn có thể trở lại hình dạng ban đầu và khả năng giữ nút thắt kém nên cần buộc nhiều lần bằng kỹ thuật thắt nút vuông để tránh nút thắt bị lỏng. Sau khi buộc, nút thắt cần được giấu xuống đủ sâu để tránh bị lộ hoặc bị sờ thấy từ bên ngoài. Vì phần giữa của mí mắt mỏng hơn so với phần trong và phần đuôi do đây là vị trí mà nhãn cầu nhô ra nên nút thắt chỉ ở phần giữa mí mắt thường dễ bị phát hiện hơn so với các vị trí khác. Vì thế nên cần lựa chọn một vị trí đủ sâu cho nút thắt và nên giấu nút thắt ở bên dưới cơ vòng mi. Nếu được thực hiện không chính xác và không đủ sâu thì chỉ bấm mí có thể gây áp-xe hoặc bị lộ. Trong những trường hợp như vậy thì sẽ phải tháo bỏ toàn bộ chỉ.  

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.12: Lật bờ mi do quá căng. (a) Mức độ căng ở bờ mi phải vừa đủ và cần được tính toán cẩn thận trong bước đánh dấu trước khi bấm mí. Sự chênh lệch về độ dày da dọc theo nếp mí sẽ gây mất tự nhiên.(b) Ngoài ra, mi mắt cũng sẽ bị lật lên trên và phần kết mạc bên trong bị lộ ra ngoài. (c) Sau này, nếp mí sẽ hạ xuống thấp và tạo thành đường cong không tự nhiên. CÁC TRƯỜNG HỢP THỰC TẾ Trường hợp1: Tạo nếp mí không phẫu thuật với kỹ thuật bấm mí bằng chỉ Một khách hàng 25 tuổi có nếp mí thấp và không đều muốn tạo nếp mí cao, rõ rệt hơn (hình 12.13a). Có loại bỏ mỡ hốc mắt trong quá trình bấm mí. Sau 6 tháng, nếp mí đều hơn và cao hơn. (hình 12.13b).

6 Các trường hợp thực tế

6.1 Trường hợp1: Tạo nếp mí không phẫu thuật với kỹ thuật bấm mí bằng chỉ

Một khách hàng 25 tuổi có nếp mí thấp và không đều muốn tạo nếp mí cao, rõ rệt hơn (hình 12.13a). Có loại bỏ mỡ hốc mắt trong quá trình bấm mí. Sau 6 tháng, nếp mí đều hơn và cao hơn. (hình 12.13b).

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.13a: Trước bấm mí
Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý
Hình 12.13b: Sau khi bấm mí

6.2 Trường hợp 2: Gấp cơ Muller

Một khách hàng nữ 35 tuổi bị sụp mí nhẹ ở mắt trái và nếp mí không đều (hình 12.14a). Trước khi bấm mí 1 tháng đã từng phẫu thuật cắt mí. Trong quá trình bấm mí có gấp cơ Muller cho bên mắt trái. Chiều cao của nếp mí được giữ nguyên. Sau 2 tuần, tình trạng sụp mí được khắc phục và nếp mí ở hai bên đều nhau hơn (Hình 12.14b). 

Tạo mắt hai mí không phẫu thuật: quy trình và lưu ý

 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633