Tạo mắt hai mí bằng phương pháp phẫu thuật cắt mí
Nguồn: Nguyên lý và thực hành Phẫu thuật thẩm mỹ Phần 1: Cắt mí và sửa mi hỏng
Chủ biên: H. Ryun Jin
Dịch giả: Bác sĩ Trần Ngọc Trung
1 TẠO MẮT HAI MÍ BẰNG PHƯƠNG PHÁP PHẪU THUẬTCẮT MÍ
Tóm tắt ý chính
- Mí mắt trên của người Đông Á có một số điểm khác biệt về đặc điểm giải phẫu, gồm có nếp mí thấp, không rõ nét hoặc không có nếp mí, khe mi mắt hẹp và có nếp rẻ quạt ở khóe mắt.
- Mục đích của phương pháp phẫu thuật cắt mí trên ở người châu Á là tạo nếp mí mới hoặc làm cho nếp mí mờ nhạt trở nên rõ nét hơn, tạo đôi mắt tươi tỉnh, trẻ trung và hấp dẫn hơn trong khi vẫn giữ được nét đặc trưng của người Châu Á.
- Phẫu thuật cắt mí là giải pháp cần thiết cho những trường hợp có da thừa, mí mắt bụp do mô mềm và mỡ, nếp mí bị biến mất sau khi đã bấm mí hoặc cần phẫu thuật sửa lại sau khi tạo nếp mí hỏng.
- Chiều cao của nếp mí ở người Đông Á là khoảng 6-8mm ở nữ và thấp hơn một chút ở nam. Khi mở mắt, khoảng cách từ nếp mí đến bờ mi thường là khoảng 2 –3mm, chiếm khoảng 20 -30% so với khe mi.
- Chiều cao và hình dạng của nếp mí được tạo khi phẫu thuật cắt mí cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng người tùy thuộc vào khe mi mắt và nếp rẻ quạt.
- Cắtcơ vòng mi và mỡ hốc mắt là điều cần thiết để tạo nếp mí bền lâu hơn. Đôi khi lớp mỡ đằng sau cơ vòng mi cũng cần được cắt bỏ, tùy thuộc vào mức độ phồng của mí mắt.
- Nếu nếp mí được tạo ở chiều cao thích hợp và cố định đúng cách thì sẽ cho ra kết quả tự nhiên và hấp dẫn.
1.1 Giới thiệu
Phẫu thuật tạo mắt hai mí hay cắt mí là một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất ở nhiều nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trên thực tế, 50% người Châu Á sinh ra đã có nếp gấp ở mí mắt trên nhưng đa phần thì nếp gấp này nằm quá thấp và chỉ rõ nét ở 10% nam giới và 30% phụ nữ. Mục đích của phương pháp phẫu thuật cắt mí ở người Châu Á là tạo ra một đôi mắt trẻ trung, tươi tắn và hấp dẫn hơn mà vẫn giữ được nét đặc trưng riêng. Mí mắt trên của người Đông Á có một vài nét khác biệt về đặc điểm giải phẫu so với người phương Tây, bao gồm nếp mí thấp, không rõ nét hoặc không có nếp mí, khe mi mắt hẹp và có nếp rẻ quạt. Trong phần lớn các trường hợp thì bờmi ở những người Châu Á có mắt một mí đều được che đi bởi da mí mắt trên. Vì thế, khi phẫu thuật cắt mí, da mí mắt trên được kéo lên, giúp tăng kích thước đáng kể cho đôi mắt. Đây là phương pháp được rất nhiều người tìm đến để làm cho mắt to và hấp dẫn hơn.
Quy trình phẫu thuật tạo nếp mí không chỉ được thực hiện vì lí do thẩm mỹ mà còn nhằm mục đích khắc phục một số vấn đề như lật mí, sụp mí hay hẹp khe mi. Đa số khách hàng đều muốn khắc phục cả những vấn đề này trong khi phẫu thuật cắt mí. Trong những trường hợp cắt mí cho người bị sụp mí, khe mi sẽ trở nên rộng hơn và giúp đôi mắt có hình dáng hấp dẫn hơn.
Quy trình cắt mí ở người Châu Á rất khác so với cắt mí ở người phương Tây, trong đó mục đích là tạo nếp mí giống như mắt hai mí tự nhiên.
1.2 Cấu tạo mí mắt đông á
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của mí mắt người Châu Á là không có nếp mí hoặc nếp mí nằm rất thấp và mí mắt bụp, khác với mắt của người phương Tây đa phần đều có nếp mí rõ rệt. Đôi mắt không có nếp gấp ở mí mắt trên được gọi là mắt một mí. Mặc dù không nhìn thấy nhưng thường thì mí mắt vẫn có một nếp gấp nhỏ nằm ẩn bên dưới da mí mắt. Mí mắt của người Châu Á có thể được chia ra làm ba dạng: mắt một mí, mắt có nếp mí thấp và mắt hai mí rõ rệt.
Mắt không có nếp mí hoặc có nhưng nếp mí thấp là do các nguyên nhân sau: thứ nhất là do vách hốc mắt hợp nhất với cân cơ nâng mi ở bên dưới bờ trên của sụn mi. Thứ hai là do sự nhô ra của túi mỡ giữa và lớp mỡ dày bên dưới da cản trở cơ nâng mi mở rộng về phía vùng da gần bờtrên sụn mi.Thứ ba là do vị trí mà cân cơ nâng mi đi vào cơ vòng mi và da mí mắt trên nằm quá gần bờ mi. (Hình 13.1)
Những người Châu Á mắt một mí có lớp mỡ dưới da và mỡ sau cơ vòng mi nổi rõ ở vùng bên trên sụn mi. Ngoài ra, một số bộ phận như lớp mô xơ mỡ dưới da và dây chằng ngang thấp được phát hiện chỉ có ở mí mắt người Châu Á.
Mục đích của phương pháp phẫu thuật cắt mí không chỉ đơn thuần là tạo nếp mí mà còn phải làm sao cho nếp mí mới đồng nhất với đặc điểm tự nhiên vốn có ở hầu hết người Châu Á
1.3 Khi nào nên phẫu thuật cắt mí
Có nhiều phương pháp tạo mắt hai mí khác nhau, gồm có kỹ thuật bấm mí luồn chỉ không rạch mổ, kỹ thuật rạch mổ một phần và phẫu thuật cắt mí qua đường rạch toàn phần. Việc lựa chọn ra một kỹ thuật phù hợp sẽ dựa trên lựa chọn của khách hàng, “chất lượng” của da và lượng mỡ có ở mí mắt trên. Mỗi một phương pháp tạo nếp mí, dù phẫu thuật hay không phẫu thuậtđều có một số ưu điểm và nhược điểm riêng. Ưu điểm của các phương pháp không phẫu thuật là thời gian hồi phục nhanh chóng, không để lại sẹo nhưng nhược điểm là không thể cắt túi mỡ giữa và mô mềm quanh hốc mắt, điều này khiến cho nếp mí mới tạo nhanh biến mất.
Phẫu thuật tạo mắt hai mí hay cắt mí là giải pháp cần thiết cho những trường hợp có da thừa, mí mắt bụp do mô mềm và mỡ, nếp mí biến mất sau khi tạo mắt hai mí không phẫu thuật hoặc cần phẫu thuật sửa lại do cắt hỏng. (Hình 13.2)
Nhược điểm chính của phương pháp phẫu thuật cắt mí là thời gian hồi phục dài (thường mất khoảng 1 tuần để giảm sưng phù). Nhiều người thường lo lắng về vấn đề sẹo nhưng nếu quy trình cắt mí được thực hiện chuẩn xác thì sẽ không để lại sẹo bên ngoài. Tuy nhiên, kỹ thuật rạch một phần thường để lại sẹo rõ hơn so với kỹ thuật rạch toàn phần vì khi rạch một phần, vết sẹo sẽ bị dừng lại đột ngột trên mí mắt.
1.4 Đánh giá trước phẫu thuật
Đa số những người tìm đến phương pháp cắt mí đều có nhu cầu tạo nếp mí vĩnh viễn và tự nhiên. Trong buổi tư vấn, bác sĩ sẽ xác định mục đích và kỳ vọng của mỗi khách hàng. Chiều cao của nếp mí thường được xác định dựa trên kích thước của khe mi mắt và chiều cao của sụn mi. Chiều cao lý tưởng của nếp mí ở người Đông Á là từ 6 –8mm đối với nữ và thấp hơn một chút đối với nam.
Bước đầu tiên là mô phỏng nếp mí ở vị trí mong muốn bằng các dụng cụ như kẹp phẫu tích, que thông lệ đạo, kẹp giấy hoặc đầu tăm bông. Những dụng cụ này có thể tạo ra và giúp hình dung được các hìnhdạng và chiều cao khác nhau của nếp mí. Chiều cao và hình dạng của nếp mí để có đôi mắt tự nhiên cần được quyết định sau khi đã thảo luận kỹ lưỡng với khách hàng. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu tạo nếp mí quá cao và hình dáng không phù hợp với đôi mắt thì bác sĩ cần giải thích để giúp khác hàng đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Tình trạng sụp mí trên được đánh giá bằng cách đo chiều cao khe mi mắt và chỉ số MRD1 (khoảng cách từ điểm chính giữa bờ mi trên tới điểm phản xạ ánh sáng của đồng tử). Tình trạng lông mi bị hướng xuống dưới là do da mí mắt trên bị xệ và đây là điều cần được lưu ý, khắc phục trong quá trình phẫu thuật.9 Các dấu hiệu sụp mí ban đầu thường khá giống với triệu chứng bệnh nhược cơ nhưng hai vấn đề này cần đến phương pháp chẩn đoán khác nhau.
Mỡ quanh hốc mắt là một phần rất quan trọng cần lưu ý khi phẫu thuật cắt mí, đặc biệt là khi lớp mỡ dưới chân mày hay còn gọi là mỡ sau cơ vòng mi (retro-orbicularis orbital fat -ROOF) được phân bố lên tận vách hốc mắt và khiến cho mí mắt trên bị phồng. Tình trạng này khác với thoát vị mỡ hốc mắt. Mỡ hốc mắt ở mí mắt trên được chia ra làm hai phần: túi mỡ giữa và túi mỡ bên trong. Túi mỡ giữa có màu vàng trong khi túi bên trong có màu trắng ngà và được tạo nên từ các thùy mỡ nhỏ hơn.
Quy trình phẫu thuật cắt mí còn được tùy chỉnh theo “chất lượng” của da mí. Bác sĩ sẽ đánh giá độ dày của da, mức độ mất nước và độ đàn hồi cũng như là các sợi Collagen, dựa trên mức độ lão hóa. Nếu mức độ lão hóa nặng và da mí dày thì đường rạch sẽ được tạo ở vị tríthấp và không cần phải cắt da thừa.
Trước khi phẫu thuật, dáng và tình trạng xệchân mày, hình dáng mí mắt và mức độ chảy xệ cũng như là độ nhô ra của túi mỡ cần được ghi lại bằng hình vẽ hoặc ảnh chụp. Đây là điều rất quan trọng vì căn cứ vào đó, bác sĩ có thể giải quyết những khiếu nại của khách hàng sau khi phẫu thuật.
1.5 Người châu Á ưa chuộng loại mí mắt nào?
Hình dáng của nếpmí có thể được chia làm ba loại: nếp mí đóng, nếp mí hởvà nếp mí bán nguyệt. Rất ít người Châu Á có nếp mí bán nguyệt nhưng đây lại là dáng nếp mí phổ biến ở người phương Tây. Nếp mí tự nhiên của người Châu Á thường rơi vào hai loại còn lại:
- Nếp mí đóng: nếp mí với phần đầu thấp và chạm khóe mắt, phần giữa nằm song song với bờ mi và phần đuôi hơi hếch lên trên (hình 13.3a)
- Nếp mí hở: đầu nếp mí không chạm khóe mắt. Dáng nếp mí này còn được chia tiếp làm ba loại: loại thứ nhất có đầu nếp mí hướng xuống khóe mắt (nhưng không chạm), loại thứ hai là nếp mí chạy song song với bờ mi, chiều cao không đổi từ đầu đến đuôi mắt và loạithứ ba là nếp mí với phần đầu hơi chếch lên trên từ khóe mắt nhưng từ phần giữa lại chạy song song với bờ mi.
Nhìn chung, ở những người có nếp rẻ quạt lớn thì kết quả sau khi tạo mắt hai mí thường chủ yếu là nếp mí đóng. Loại nếp mí này được coi là tự nhiên hơn so với nếp mí hở. Trước đây, nếp mí hở từng được nhiều người ưa chuộc nhưng ngày nay lại bị coi là thiếu tự nhiên, khiến cho đôi mắt trông “Tây”, không phù hợp với người Châu Á, đặc biệt là người Đông Á. (Hình 13.4)
Nếp rẻ quạt là một đặc điểm phổ biến ở mắt người Châu Á. Vì đặc điểm này nên nhú tuyến lệ (phần mô màu hồng nhô lên trong khóe mắt) thường không lộ rõ. Hình dáng của nếp mí phụ thuộc vào chiều cao, cấp độ và hình dạng của nếp rẻ quạt. Nếu tạo nếp mí hở mà không mở góc mắt trong (mở rộng khóe mắt) thì phần trong nếp mí có thể bị cách khóe mắt quá xa và trông không được tự nhiên (hình 13.5). Để làm cho mắt to hơn và hấp dẫn hơn thì nên kết hợp mở rộng khóe mắt trong quá trình tạo mắt hai mí, đặc biệt là trong những trường hợp mà nếp rẻ quạt ở cấp độ vừa đến lớn (có nghĩa là che nhiều lên mắt, khiến mắt nhỏ lại).
1.6 Chiều cao nếp mí
Chiều cao của nếp gấp mí mắt cần phụ thuộc vào kích thước của khe mi và chiều caocủa sụn mi. Chiều cao nếp mí ở người Châu Á thường là từ 6 –8mm đối với nữ và thấp hơn một chút đối với nam. Ở những người có khe mi lớn hoặc da mí mắt mỏng thì nên tạo nếp mí ở vị trí cao. Mặt khác, nên tạo nếp mí thấp hơn ở những người có khe mi nhỏ.
Mức độ nhô ra của nhãn cầu và kích thước chiều cao/chiều dài của khe mi mắt cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc xác định chiều cao của nếp mí. Nếu khe mi mắt ngắn thì việc tạo nếp mí cao sẽ khiên đôi mắt thiếu tự nhiên. Nếp mí cao chỉ tự nhiên đối với những người có khe mi mắt dài. Tuy nhiên, nếp mí cao lại trông không tự nhiên ở những người có da mí mắt dày. Mức độ nhô ra ngoài của nhãn cầu ở người Đông Á thường khá lớn nên cũng không phù hợp với nếp mí quá cao.
Ở người Châu Á, nếp mí được che phủ một phần bởi phần da bên trên. Chiều cao của nếp mí (hay đường rạch tạo nếp mí) được xác định bởi khoảng cách từ bờ mi đến nếp mí khi mở mắt (hình 13.6a). Khoảng cách này ở người Đông Á thường là khoảng 2 –3mm, chiếm 20 –30% chiều cao của khe mi, nhưng nó còn tùy thuộc vào chiều cao của nếp gấp trên sụn mi và mức độ xệ của da mí mắt ở từng người (hình 13.6b). Chiều cao của nếp mí sẽ phụ thuộc vào lượng da được cắt trong quá trình phẫu thuật. Càng cắt đi nhiều da thì nếp mí sẽ càng nằm ở vị trí cao sau phẫu thuật.
1.7 Quy trình phẫu thuật
1.7.1 Xác định vị trí nếp mí
Dưới đây là phương pháp xác định chiều cao của nếp mí. Trước tiên, mí mắt trên được lật lên và chiều cao của sụn mi ở phần giữa được đo bằng thước cặp. Bác sĩ sẽ đánh dấu một điểm bằng đúng chiều cao này ở trên da mí mắt. Cũng có thể không cần dùng đến thước cặp mà thay vào đó có thể xác định vị trí nếp mí tự nhiên bằng cách đẩy mí mắt bằng đầu tăm bông. Nhìn chung thì nếp mí cao thường là nếp mí hở còn nếp mí trung bình đến thấp là nếp mí kín. Hình dạng của nếp mí phụ thuộc vào nếp rẻ quạt ở khóe mắt. Ở những người có nếp rẻ quạt thì nếp mí được tạo ra thường là nếp mí kín. Nếu có nhu cầu tạo mí mắtto thì cần mở rộng khóe mắt trong quy trình phẫu thuật cắt mí.
Sau khi đã xác định được hình dạng và chiều cao của nếp mí thì bác sĩ sẽ đánh dấu lại. Đường rạch bên trên được đánh dấu dựa trên mức độ chảy xệ của da (hình 13.7). Một phần ba bên trong của đường rạch được đánh dấu hướng về phía khóe mắt hoặc chạm đến nếp rẻ quạt. Một phần ba bên ngoài của đường rạch thường nằm ngang hoặc hơi hếch lên trên. Đường đánh dấu ở bên mắt còn lại cần được thiết kế sao cho hai bên cân đối nhất có thể.
1.7.2 Gây tê
Thông thường, quá trình phẫu thuật cắt mí được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ, chủ yếu là bằng hỗn hợp Lidocaine 2% (Xylocaine, AstaZeneca) và epinephrinepha loãng với tỉ lệ 1 :100.000. Nếu bác sĩ muốn sử dụng hyaluronidase thì có thể pha 10mldung dịch hỗn hợp lidocaine 2% có chứa epinephrine 1:100,000 với 150 đơn vị hyaluronidase. Hyaluronidase giúp tăng phạm vi phân tán của thuốc tê và khả năng thẩm thấu vào mô, điều này giúp tăng cường hiệu quả gây tê và giảm lượng thuốc cần sử dụng. Nếu ca phẫu thuật kéo dài thì có thể sử dụng hỗn hợp lidocaine 2% và Bupivacaine 0.5% hay 0.75% với tỉ lệ 1:1. Thuốc gây tê được tiêm từ từ để giảm cảm giác đau. Bác sĩ cần hết sức cẩn thận, chỉ tiêm dung dịch thuốc tê vào vùng bề mặt của cơ vòng mi để tránh gây tụ máu do tổn thương cơ. Để tránh gây chảy máu thì cần ấn nhẹ lên vị trí kim tiêm đi vào da.
1.7.3 Tạo đường rạch
Đường rạch được tạo bằng lưỡi dao số 15 dọc theo đường đã đánh dấu. Để hạn chế chảy máu thì có thể sử dụng laser CO2 hoặc sóng tần số vô tuyến radiofrequencyở vị trí đường rạch (hình 13.8a). Sau đó cắt bỏ phần da giữa hai đường rạch bằng kéo hoặc dao đốt điện đơn cực và lưu ý, chỉ cắt đi lớp ngay bên dưới da.
1.7.4 Cắt da và cơ vòng mi
Cơ vòng mi cũng được cắt cùng với da bằng cách cắt một vạt da cơ hoặc cắt da trước rồi mới đến cơ một cách riêng biệt. Nâng da lên bằng kẹp phẫu tích để bảo vệ vách hốc mắt không bị tổn hại trong quá trình cắt. Nên chừa lại một phần cơ vòng mi quanh vạt da cơ được cắt bỏ. Nếu như cắt bỏ toàn bộ thì rất dễ tạo nên nhiều nếp gấp trên mí mắt (Hình 13.8b).
Nếu có quá nhiều mô mềm trước sụn mi thì cần phải cắt bỏ để tạo sự liên kết bền vững cho nếp mí. Khi cắt bỏ bớt mô mềm trước sụn mi thì cần cẩn thận không cắt phải bờtrên của sụn mi để tránh tổn hại đến cân cơ nâng mi. Việc cắt bỏ mô mềm quá mức sẽ tạo nên sự liên kết quá chặt giữa da và sụn, dẫn đến tình trạng nếp mí vẫn hằn rõ kể cả khi nhắm mắt. Hơn nữa, nếu mô mềm trước sụn mi bị cắt đi quá nhiều và lỡ tạo nếp mí quá cao thì việc phẫu thuật sửa lại sẽ rất phức tạp.
1.7.5 Lấy mỡ hốc mắt và mỡ sau cơ vòng mi
Có thể dễ dàng phân biệt được vách hốc mắt với túi mỡ giữa nhô lên bằng cách ấn nhẹ lên nhãn cầu khi mở mắt. Cần kéo căng mí mắt trên về phía trước và hơi kéo xuống dưới trong khi dùng kẹp phẫu tích kéo vách hốc mắt theo hướng ngược lại. Sau đó dùng mũi kéo rạch lên vách hốc mắt để tạo một lỗ hở và để lộ ra túi mỡ giữa (hình 13.9a). Tiếp tục kéo dài đường rạch vách hốc mắt về hai bên bằng kéo hoặc dao đốt điện và để lộ ra cân cơ nâng mi cùng với túi mỡ giữa màu vàng.
Giữ túi mỡ bằng kẹp cầm máu và cắt bỏ. Luôn phải đảm bảo kẹp cầm máu không bị lỏng để kiểm soát mức độ chảy máu ở phần bị cắt của túi mỡ. Chỉ được nới lỏng kẹp sau khi đã cầm máu. Nếu cắt bằng laser CO2thì không cần dùng đến kẹp cầm máu (hình 13.9b). Để lấy túi mỡ ở bên trong thì cần rạch ở vị trí bên trong vách hốc mắt.Túi mỡ bên trong và nhô ra ngoài có màu trắng hơn so với túi mỡ giữa. Khi cắt túi mỡ trong, bác sĩ cần cẩn thận tránh gây tổn hại đến động mạch ở vị trí này hoặc cần đốt điện để tránh chảy máu. Ngoài ra cần tiêm thêm thuốc gây tê để giảm đau trước khi lấy túi mỡ trong. Điều quan trọng là phải cắt lượng mỡ tương đương nhau ở cả hai bên mắt.
Đôi khi, nếu mí mắt có lớp mỡ quá dày thì còncần phải cắt cả phần mỡ sau cơ vòng mi (ROOF) ở nửa bên ngoài của mắt, kể cả khi đã cắt túi mỡ giữa (hình 13.9c). Tuy nhiên cần lưu ý không loại bỏ đi phần mỡ nằm gần cơ.
Việc cắt đi quá nhiều mỡ hoặc cơ vòng mi dọc theo đường rạch bên dưới khi phẫu thuậtcắt mí có thể tạo nên nhiều nếp gấp trên mí mắt ở những người trẻ tuổi. Trong những trường hợp mà nếp gấp thừa chỉ mờ và nhỏ thì có thể cần dán băng keo hoặc tiêm chất làm đầy để khắc phục (hình 13.10).
1.7.6 Khâu cố định nếp mí
Phương phápkhâu cố định nếp mí sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của từng bác sĩ, gồm có: (1) khâu da –cơ nâng mi –da, (2) khâu da –sụn –da, (3) khâu cân cơ nâng mi với lớp bên dưới da (hay cơ vòng mi) và (4) khâu sụn mi với lớp dưới da.
Bước cố định nếp mí có thể được thực hiện từ bên trong hoặc từ bên ngoài bằng chỉ nylon hoặcProlene 6/0 hay 7/0. Trong phương pháp cố định từ bên trong, chỉ nylon hoặc Prolene 7/0 được luồn qua lớp mô dưới da và cố định vào sụn mi hoặc cân cơ nâng mi, chỉ được buộc lại và sau đó nút thắt được giấu đi. Trong phương pháp cố định từ bên ngoài, chỉ nylon hoặc Prolene 6/0 được luồn qua mép của đường rạch dưới đến sụn mi hoặc cân cơ nâng mi, sau đó đi ra ở mép của đường rạch bên trên. Hai phương pháp khâu cố định này đều cho kết quả với tính bền vững và thẩm mỹ ngang nhau (hình 13.12). Thông thường thìphải khâu ba mũi để cố định nhưng cũng có thể khâu thêm nhiều hơn để tránh chỉ bị lỏng và nếp mí mờ đi. Phương pháp khâu cố định vào sụn mi có thể khiến mí mắt hằn sâu hơn và hiện rõ ngay cả khi nhắm mắt. Với phương pháp khâu cố định từ bên trong vào sụn mi hoặc cân cơ nâng mi, nếu da mí mắt mỏng thì nút thắt có thể nổi rõ qua da.
Trong những trường hợp tạo nếp mí thấp thì phương pháp cố định vào sụn mi sẽ hiệu quả hơn so với cố định vào cân cơ nâng mi. Hơn nữa, việc khâu quá cao dọc theo cân cơ nâng mi sẽ làm cho nếp mí bị sâu và kéo lông mi lật lên trên. Điều này làm cho mí mắt không tự nhiên và tạo nên một đường rãnh sâu khi nhắm mắt. Nếu khách hàng có mắt lồi thì bác sĩ cần tránh tạo nếp mí sâu. Ngược lại, nếu khâu cố định quá thấp so với chiều cao đãxác định của nếp mí thì sẽ tạo nên các nếp nhăn và mí mắt bị phồng (hình 13.13).
Cố định nếp mí một cách phù hợp có thể cải thiện được cả hướng lông mi ở những trường hợp có lông mi mọc hướng xuống dưới và quặm mi bởi hướng mọc của lông mi có thể được điều chỉnh trong quá trình khâu cố định. Ở người Đông Á, việc khâu cố định ở vị trí cao trong những trường hợp cần tạo nếp mí thấp sẽ khiến lông mi bị lật lên trên. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ của mí mắt. Tốt nhất là nên điều chỉnh hướng lông mi ở góc khoảng 90⁰. Nếp mí được tạo ở chiều cao thích hợp và khâu cố định chuẩn xác sẽ cho kết quả một đôi mắt hai mí tự nhiên và hấp dẫn về mặt thẩm mỹ.
1.7.7 Đóng đường rạch
Sau khi cố định nếp mí và xác nhận máu đã ngừng chảy hoàn toàn, đường rạch được đóng lại bằng chỉ mảnh. Tại Hàn Quốc, các bác sĩ thẩm mỹ chủ yếu dùng mũi khâu liên tục hoặc mũi khâu rời bằng chỉ nylon 6/0 hoặc chỉ tự tiêu nhanh 6/0. Da của người Châu Á thường đòi hỏi phải khâu nhiều mũi hơn so với người phương Tây (hình 13.14)
1.7.8 Kéo cao cơ nâng mi và điều trị sụp mí
Ở các nước Đông Á, trong những trường hợp có chức năng cơ nâng mi bình thường và không bị sụp mí nhưng vẫn cần chỉnh sửa đôi mắt cho to hơn thì phương pháp kéo cao cân cơ nângmi thường được kết hợp thực hiện trong quy trình phẫu thuật tạo mắt hai mí. Sau khi bóc táchcân cơ nâng mi, mức độ nâng sẽ được quyết định dựa trên vị trí mí mắt và mức độ cân đối của hai bên mắt khi khách hàng ở tư thế ngồi thẳng.
Trong những trường hợp chỉ bị sụp mí ở một mắt hoặc sụp mí không đều giữa hai mắt thì nếp mí cần được tạo ở vị trí thấp hơn một chút so với những người có mí mắt bình thường. Trong trường hợp sụp mí ở cả hai mắt thì nếp mí được tạo ở vị trí thấp hơn 1 –2mm so với chiều cao thông thường. Nếu không khắc phục hoàn toàn tình trạng sụp mí thì tốt hơn hết là không nên tạo nếp mí bởi nếp mí sẽ nằm quá cao hoặc mờ nhạt, khiến cho đôi mắt trông lờ đờ, kém hấp dẫn. Do đó, khắc phục sụp mí là điều vô cùng quan trọng trước khi tạo mắt haimí. (Hình 13.15)
1.8 Những điểm quan trọng cần lưu ý
- Nhìn chung, nếp mí cao thường là nếp mí hở, trong khi nếp mí vừa và thấp thường là nếp mí kín. Hình dáng của nếp mí còn phụ thuộc vào nếp rẻ quạt. Những người có nếp rẻ quạt thường chủ yếu có nếp mí kín sau khi cắt mí.
- Khoảng cách từ nếp mí đến bờ mi khi nhắm mắt ở người Đông Á thường là 2 –3mm, chiếm khoảng 20 –30% chiều cao khe mi mắt. Khoảng cách này sẽ quyết định lượng da thừa cần cắt.
- Nếp mí được tạo ở vị trí thích hợp và khâu cố định chuẩn xác sẽ cho kết quả là đôi mắt hai mí tự nhiên, hấp dẫn.
1.9 Chăm sóc hậu phẫu
Sau khi phẫu thuật cắt mí, vết mổ cần được vệ sinh mỗi ngày và bôi thuốc mỡ tra mắt kháng sinh trong vòng 3 tuần. Khách hàng cần chườm đá liên tục để giảm sưng và tụ máu trong vòng 24 –48 tiếng đầu. Mặc dù không cần thiết phải uống thuốc kháng sinh nhưng các bác sĩ thường vẫn chỉ định uống trong vòng 3 ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ khâu được tháo bỏ trong vòng 5–7 ngày, tùy thuộc vào chất liệu chỉ khâu. Có thể trang điểm mắt trở lại sau khoảng 2 tuần. Đôi khi có thể dùng thuốc mỡ hoặc các loại thuốc uống trị sẹo để hạn chế sự hình thành sẹo sau khi cắt mí.
1.10 Các biến chứng và cách xử lý
1.10.1 Mí mắt không đều
Một trong những vấn đề thường xảy ra sau khi phẫu thuật cắt mí là mí mắt không đều, có thể là do lỗi trong quá trình xác định nếp mí ban đầu, cắt da, mỡ không đều, cố định nếp mí ở chiều cao không cân nhau giữa hai bên hoặc do khác biệt vềsự liên kết giữa mô dướida và cân cơ nâng mi trên.
1.10.2 Nếp mí biến mất
Nguyên nhân khiến nếp mí mới tạo mờ đi hoặc biến mất là do khâu cố định không chuẩn xác giữa lớp mô dưới da với cân cơ nâng mi hoặc sụn mi; hoặc cũng có thể là do tụ máu khiến cho mũi khâu không ổn định. Vấn đề này thường xảy ra phổ biến với phương pháp bấm mí bằng chỉ hơn là phẫu thuật cắt mí. Nếu trước đây khách hàng đã từng bấm mí thì có thể khắc phục bằng cách tiếp tục bấm mí một lần nữa hoặc lựa chọn phẫu thuật cắt mí. Nếu cắt mí thì sẽ cần loại bỏ bớt mỡ vàmô mềm bên dưới, sau đó cố định chắc cân cơ nâng mi và da bằng nhiều nút thắt. Nếu trước đó đã cắt mí thì cũng có thể bấm mí hoặc cắt mí lại và lần này sẽ cần cố định chắc chắn hơn để tạo sự liên kết bền vững. Nếu khách hàng bị sụp mí nhẹ thì cần tiến hành phương pháp kéo caocân cơ nâng mi trên khi phẫu thuật cắt mí.
1.10.3 Nếp mí quá cao hoặc quá thấp
Nếu nếp mí quá cao thì sẽ gây mất tự nhiên, còn nếu nếp mí quá thấp thì lại khiến mắt không rõ hai mí. Để khắc phục nếp mí quá thấp thì có thể tạo nếp mí mới ở vị trí cao hơn nếu như vẫn còn đủ da. Bác sĩ sẽ xác định chiều cao nếp mí mới và sau đó cắt bỏ da cùng với nếp mí cũ. Tuy nhiên, nếu như không còn đủ da thì sẽ cần phải tiến hành ghép da trước. Trong trường hợp nếp mí được tạo quá cao thì việc chỉnh sửa sẽ phức tạp hơn và kết quả có thể sẽ vẫn không được như mong muốn.
1.11 Trường hợp thực tế
Trường hợp 1: Chỉnh sửa nếp mí ngắn, kín thành nếp mí hở
Một khách hàng nữ 22 tuổi có nếp mí kín, ngắn, thấp và muốn sửa thành nếp mí hở cho cả hai bên mắt (hình13.16a). Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt mí và mở góc mắt trong. Sau khi phẫu thuật, khách hàng đã có nếp mí như mong muốn.
Trường hợp 2: Sửa nếp mí cao xuống thấp
Một khách hàng nữ 22 tuổi có nếp mí quá cao (hình 13.17a). Khách hàng này đã từng bấm mí trước đó 4 tuần nhưng không ưng ý và muốn hạ nếp mí xuống thấp hơn. Bước đầu tiên trong quy trình sửa lại là cắt bỏ hết chỉ. Sau 3 tháng, nếp mí ở mắt phải biến mất nhưng ở mắt trái thì vẫn còn (hình 13.17b). Sau 6 tháng bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt mí để sửa lại và kết quả là mí mắt đã tự nhiên hơn nhiều (hình 13.17c).