1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Tăng sinh nội mạc tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tăng sinh nội mạc tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tăng sinh nội mạc tử cung: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Tăng sinh nội mạc tử cung là một trong các bệnh lý sản khoa thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh. Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh lành tính. Tuy nhiên cũng không ít người mắc phải bị tiến triển thành ung thư. Vậy tăng sinh nội mạc tử cung là gì? Làm sao để điều trị bệnh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1 Tăng sinh nội mạc tử cung là gì?

Nội mạc tử cung là một lớp cấu trúc trong cùng của tử cung. Nó là một biểu mô tuyến gồm lớp đáy mỏng ít thay đổi theo kinh nguyệt và lớp nông thường tróc ra khi hành kinh.

Tăng sinh nội mạc tử cung được hiểu là sự tăng sinh quá mức về kích thước và hình dạng của tuyến nội mạc tử cung. Hay nói cách khác, đó là tình trạng lớp nội mạc tử cung tăng sản xuất các tế bào khiến lớp này trở nên quá dày so với tiêu chuẩn.[1]

Hình ảnh minh họa cấu tạo tử cung
Hình ảnh minh họa cấu tạo tử cung

Dựa vào thành phần cấu trúc tuyến/mô đệm và có hình thành nhân hay không, người ta sẽ chia bệnh này thành 4 nhóm:

  • Tăng sinh đơn giản: có sự gia tăng số lượng tuyến nhưng cấu trúc vẫn giữ nguyên.
  • Tăng sinh phức tạp: có sự gia tăng cả về số lượng tuyến và thay đổi cấu trúc.
  • Tăng sinh điển hình: sự tăng sinh không có các tế bào có nhân dị dạng.
  • Tăng sinh không điển hình: sự tăng sinh có các tế bào có nhân dị dạng.

2 Nguyên nhân gây tăng sinh nội mạc tử cung

Một số nghiên cứu cho thấy, sự tăng sinh nội mạc tử cung là do lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ vượt quá mức cho phép trong khi không có progesterone. Nếu không có sự rụng trứng, Progesterone sẽ không được tạo thành, lớp lót tử cung sẽ không bong ra mà tiếp tục phát triển và trở nên dày hơn. Dần dần trở thành tình trạng tăng sinh lạc nội mạc tử cung. Nó có thể là lành tính nhưng cũng có thể tiến triển thành ung thư.[2]

3 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Tăng sinh nội mạc tử cung thường gặp ở nhiều phụ nữ, đặc biệt là các nhóm đối tượng sau:

  • Các bé gái trong độ tuổi dậy thì: Tuổi này, cơ quan sinh sản của các bé gái chưa phát triển hoàn thiện. Sự rụng trứng không đều đặn, có tháng không rụng trứng khiến hoàng thể không được hình thành. Điều này sẽ gây ra những bất thường trong chu kì hormone và kéo theo đó là sự tăng sinh nội mạc tử cung
  • Phụ nữ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh: Những người này thường sử dụng các loại thuốc bổ sung estrogen cho cơ thể quá mức khiến nồng độ hormone này trong cơ thể tăng cao. Lớp nội mạc tử cung cũng tăng sinh liên tục theo đó và dần trở thành bệnh lý.
  • Người có chu kì kinh nguyệt không đều: khiến lớp nội mạc tăng sinh thất thường và tiến triển dần thành bệnh.
Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có nguy cơ cao bị tăng sinh nội mạc tử cung
Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có nguy cơ cao bị tăng sinh nội mạc tử cung

Ngoài ra, những người bị béo phì, bướu buồng trứng, thiểu năng buồng trứng, buồng trứng đa nang,... cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường.

4 Các triệu chứng nhận biết bệnh

Một số triệu chứng thường gặp khi bị tăng sinh nội mạc tử cung là:

  • Những ngày hành kinh thì lượng máu chảy nhiều hơn, hoặc thời gian hành kinh kéo dài hơn.
  • Chu kì kinh nguyệt chỉ ngắn dưới 21 ngày là lặp lại.
  • Đã đến tuổi mãn kinh nhưng vẫn chảy máu âm đạo.
  • Xuất huyết tử cung bất thường kèm với đau co thắt vùng bụng dưới.
Theo dõi chu kì kinh nguyệt
Theo dõi chu kì kinh nguyệt

5 Chẩn đoán tăng sinh lạc nội mạc tử cung

Ngoài các triệu chứng thường gặp, bấc sĩ có thể thực hiện các thao tác và xét nghiệm chẩn đoán khác như sau:

  • Khám âm đạo có huyết từ buồng tử cung.
  • Siêu âm tử cung để xác định độ dày của lớp nội mạc tử cung.
  • Soi buồng tử cung để xác định độ dày tử cung và việc nạo sinh thiết được chính xác hơn.
  • Nạo sinh thiết nội mạc tử cung để lấy mô và quan sát dưới kính hiển vi (phát hiện ung thư nếu có).

6 Cách điều trị tăng sinh lạc nội mạc tử cung

Việc điều trị tăng sinh nội mạc tử cung sẽ có các chỉ định khác nhau tùy thuộc và độ tuổi, loại tăng sinh đang mắc, dấu hiệu lâm sàng và mong muốn của người bệnh (có muốn sinh con nữa hay không).

Với người bị tăng sinh nội mạc tử cung điển hình: điều trị nội khoa bằng progestin đường uống, tiêm bắp, bôi kem âm đạo hoặc đặt tử cung. Với những người ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (đủ con) có thể chỉ định cắt tử cung.

Với bệnh nhân bị tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình cách điều trị tốt nhất là cắt bỏ tử cung (nhóm tăng sinh không điển hình phức tạp có nguy cơ tiến triển thành ung thư khá cao). Tuy nhiên, nếu chưa sinh đủ con thì trước hết có thể điều trị bằng thuốc trước, nếu không khả quan thì sẽ cắt bỏ tử cung.

Công thức phân tử progestin
Công thức phân tử progestin

6.1 Nhóm bệnh nhân trẻ tuổi và chưa mãn kinh

6.1.1 Trường hợp tăng sinh điển hình

Sử dụng thuốc tránh thai ít nhất 6 tháng.

Bổ sung Progestin trong thời gian tối thiểu là 12-14 ngày mỗi tháng, liên tục trong 3-6 tháng. Có thể sử dụng các thuốc sau:

  • Hằng ngày dùng 10mg Medroxyprogesterone.
  • Sử dụng 200mg Micronized progesterone mỗi ngày.
  • Dùng Norethindrone acetate 5-15mg mỗi ngày.
  • Tiêm bắp Depot - provera 150mg mỗi 3 tháng.
  • Đặt thuốc chứa nội tiết ở tử cung với bệnh nhân muốn ngừa thai.

Theo dõi các biểu hiện của bệnh, chu kì kinh nguyệt có trở lại bình thường không thì kết thúc điều trị.

Nếu muốn mang thai thì kích thích phóng noãn.

Lưu ý nếu có xuất huyết tử cung bất thường thì phải làm sinh thiết.

6.1.2 Trường hợp tăng sinh không điển hình

Nếu bệnh nhân còn muốn sinh con:

  • Sử dụng thuốc ngừa thai phối hợp với bổ sung Progestins bằng thuốc hoặc đặt vòng tránh thai. Sau 3 tháng điều trị, sinh thiết nội mạc tử cung thấy bệnh lý chưa dứt thì tăng liều điều trị. Sau 7-9 tháng điều trị mà tiên lượng việc điều trị nội khoa thất bại thì bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt tử cung. 
  • Sau khi điều trị nội khoa hết bệnh thì nên có thai sớm. Nếu chưa muốn thì cần tiếp tục duy trì điều trị và sinh thiết sau mỗi 6-12 tháng.[3]

Việc cắt bỏ tử cung được chỉ định với những người không muốn sinh thêm con, bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc và kiểm tra sinh thiết theo lịch hoặc người bị xuất huyết tử cung trầm trọng.

Cắt bỏ tử cung được chỉ định với những người không muốn sinh thêm con
Cắt bỏ tử cung được chỉ định với những người không muốn sinh thêm con

6.2 Nhóm bệnh nhân tuổi mãn kinh

6.2.1 Trường hợp tăng sinh điển hình

Nếu đang điều trị nội tiết thì cần ngưng thuốc ngay.

Có bướu buồng trứng thì cần phẫu thuật.

Điều trị bằng Progestin liên tục trong 3 tháng rồi sinh thiết đánh giá lại tình trạng bệnh. Lặp lại điều trị sâu 6-12 tháng.

Nếu bệnh nhân còn ra huyết bất thường và kết quả nạo sinh thiết không khả quan thì phải cắt tử cung.

Bệnh nhân bị bệnh nội khoa nặng không thể điều trị bằng cách phẫu thuật thì vẫn duy trì điều trị bằng progestins.

6.2.2 Trường hợp tăng sinh không điển hình

Cách điều trị tốt nhất là cắt tử cung.

Nếu không thể thì có thể sử dụng Progestin liên tục hoặc đặt dụng cụ tử cung chứa progestins. 

Cần sinh thiết cẩn thận để loại trừ khả năng bị ung thư nội mạc tử cung. Kiểm tra lại sau 3 tháng điều trị và sau đó là 6-12 tháng.

6.2.3 Một số phương pháp điều trị khác

GnRH đồng vận: Sử dụng cách này nếu điều trị tăng sinh nội mạc tử cung điển hình 6 tháng mà không hiệu quả.

Cắt đốt nội mạc tử cung tăng sinh qua nội soi: thành công tới 68-73% nhưng phải chú ý theo dõi di chứng có thể để lại.

Điều trị bằng Danazol. Tuy nhiên thuốc này có tác dụng phụ khá nhiều.

7 Phòng ngừa tăng sinh lạc nội mạc tử cung

Để giảm thiểu nguy cơ bị tăng sinh nội mạc tử cung, chị em nên chú ý:

  • Nếu dùng các biện pháp bổ sung estrogen sau thời kì mãn kinh thì cần bổ sung đồng thời progestin hay progesterone.
  • Nếu chu kì kinh nguyệt thất thường cần đi khám ngay để được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị cụ thể.
  • Ăn uống điều độ, tập luyện thể thao để duy trì cân nặng vừa phải. Tránh tình trạng béo phì.
Ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, tránh béo phì
Ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, tránh béo phì

Tăng sinh nội mạc tử cung là bệnh có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị từ sớm. Do đó chị em nên chú ý các bảo vệ sức khỏe tốt nhất và đi thăm khám ngay nếu có các dấu hiệu bất thường để được xử trí tích cực. Tránh để tình trạng bệnh nặng hơn, việc điều trị khi đó sẽ rất khó khăn.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp được thêm kiến thức bổ ích về bệnh sản-phụ khoa cho bạn đọc!

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Gunjan Singh, Yana Puckett (Ngày đăng: ngày 26 tháng 7 năm 2021). Endometrial Hyperplasia, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: chuyên gia y tế Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 28 tháng 8 năm 2020). Endometrial Hyperplasia, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Eric S. Surrey, MD (Ngày đăng: tháng 6 năm 2020). Endometriosis, Healthywomen. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633