1. Trang chủ
  2. Nhi Khoa
  3. Tăng áp lực nội sọ ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tăng áp lực nội sọ ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tăng áp lực nội sọ ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Trungtamthuoc.com - tăng áp lực nội sọ là sự tích tụ áp lực xung quanh não [1] do tăng chèn ép, tác động đến hệ thống thần kinh khiến trẻ đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực. Nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến giảm ý thức và vận động. Từ đó, khiến người bệnh có tình trạng choáng váng, khó khăn trong hô hấp và hôn mê. Vậy tăng áp lực nội sọ ở trẻ sẽ như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bải viết dưới đây nhé!

1 Tăng áp lực nội sọ ở trẻ là gì?

Tăng áp lực nội sọ là một triệu chứng lâm sàng của rối loạn thần kinh, trong đó áp lực dịch não tủy trong hộp sọ tăng cao. Các áp lực trong sọ não được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg), thông thường khi nó có giá trị lớn hơn 20mmHg trong 5 phút thì được xác định là tăng áp lực nội sọ.

Trẻ được gọi là tăng áp lực nội sọ dai dẳng khi áp lực nội sọ có giá trị như sau: Từ 21 đến 29mmHg từ 30 phút trở lên, hoặc từ 30 đến 39mmHg từ 15 phút, hoặc trên 40mmHg lâu hơn 1 phút.

2 Nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ

Hội chứng tăng áp lực nội sọ có thể do hậu quả của những điều sau đây:

  • Các tổn thương chiếm diện tích trong sọ não như có khối u, áp xe hay xuất huyết nội sọ…
U não có thể gây tăng áp lực nội sọ.
  • Hiện tượng tắc nghẽn dịch não tủy do các tổn thương trên làm cản trở dòng lưu thông của dịch não tủy, hẹp đường dẫn, dị tật Chiari…
  • Trẻ bị phù não do có các chấn thương đầu, đột quỵ do thiếu máu cục bộ với phù mạch, thiếu oxy hoặc bệnh não do thiếu máu cục bộ, phù sau phẫu thuật.
  • Tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch do có huyết khối xoang tĩnh mạch não, suy tim, tĩnh mạch chủ trên hoặc có huyết khối gây tắc nghẽn tĩnh mạch cảnh.
  • Trẻ có các rối loạn chuyển hóa như hạ huyết áp, hạ natri máu, bệnh não niệu, bệnh não gan...
  • Đặc biệt là tình trạng tăng sản xuất dòng dịch não tủy do có khối u màng đệm, có thể là u nhú hoặc ung thư biểu mô.
  • Thậm chí có những trường hợp trẻ bị tăng áp lực nội sọ không rõ nguyên nhân hay chính là hiện tượng Pseudotumor cerebri.

3 Khi bị tăng áp lực nội sọ trẻ có biểu hiện gì?

Hầu hết các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ đều bắt nguồn từ các kích thích thần kinh, chèn ép và phù nề.

Đại đa số các người bệnh đều có triệu chứng nhức đầu không đặc hiệu, do ảnh hưởng đến sợi thần kinh cảm giác đau của dây thần kinh sinh ba trong màng cứng và mạch máu não. Người bệnh thường bị đau lan tỏa và đau nhiều hơn vào buổi sáng khi ngủ dậy. Đồng thời, người bệnh còn có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều.

Không những thế, do tăng chèn ép, tác động đến dây thần kinh thị giác làm người bệnh có thể có hiện tượng nhìn đôi, thường là nhìn đôi ngang. Các bất thường thị giác thoáng qua xảy ra thường xuyên, thường làm mờ dần thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Các bất thường thị giác nặng hơn khi người bệnh thay đổi tư thế. Đặc biệt, một số người bệnh còn có thể mất phân biệt màu sắc, hay mất thị lực đột ngột.

Thậm chí, tăng áp lực nội sọ còn khiến người bệnh bị ù tai, tăng nhịp đập khi nằm ngửa, uốn cong. Nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến giảm ý thức và vận động. Từ đó, khiến người bệnh có tình trạng choáng váng, khó khăn trong hô hấp và hôn mê. [2]

4 Điều trị tăng áp lực nội sọ ở trẻ em

4.1 Nguyên tắc điều trị tăng áp lực nội sọ

Nếu trẻ bị tăng áp lực nội sọ mạn tính thì chủ yếu tập trung vào điều trị nguyên nhân. Nếu trẻ tăng áp lực nội sọ cấp tính thì trước tiên cần làm cho bệnh nhân ổn định huyết động, ngăn ngừa và điều trị các nguyên nhân làm nặng hơn.

Phải đảm bảo cho trẻ được tưới máu não tối thiểu gồm có: Duy trì cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng tối thiểu cho não, duy trì áp lực tưới máu não tối thiểu phải trên 40 mmHg. Đồng thời phải duy trì áp lực nội sọ có giá trị nhỏ hơn 20 cmH2O. Nếu trẻ bị viêm não hay viêm màng não mủ thì áp lực tưới máu phải duy trì trên 60 mmHg. Và nồng độ huyết sắc tố duy trì ở mức 10 g/dl.

Ổn định huyết động tránh tình trạng tăng áp lực nội sọ trở nên nặng hơn.

5 Các biện pháp điều trị ban đầu

Cần phải đảm bảo đường thở và hoạt động thở cho trẻ. Nếu trẻ bất tỉnh, điểm Glasgow dưới 8, có phù não, đường thở tắc nghẽn, não có tổn thương nguy cơ chèn ép, thành ngực tổn thương thì  đặt nội khí quản.

  • Trong khi đặt nội khí quản cho trẻ ta không dùng ketamin. Thay vào đó là tiêm tĩnh mạch mỗi lần bằng Midazolam liều 0,2 – 0,3mg/kg hoặc 5 – 10µg/kg fentanyl, hoặc 0,1 mg/kg morphine. Đồng thời, phối hợp tiêm tĩnh mạch với thuốc giãn cơ vecuronium mỗi lần 0,1mg/kg hoặc atracurium liều 0,5 mg/kg một lần.
  • Khi hút nội khí quản cho trẻ ta dùng lidocain với liều 1mg/kg/lần bằng tiêm tĩnh mạch, hoặc bơm nội khí quản trước khi hút 5 phút.
  • Mục đích của kỹ thuật này là để duy trì cho trẻ có PaO2 trên 60mmHg, SpO2 trên 92%, PaCO2 từ 35 đến 40 mmHg và PEEP từ 3 đến 5 cmH2O.

Đảm bảo duy trì khối lượng tuần hoàn cho trẻ sao cho CVP đạt từ 10 đến 12 cmH2O. Và huyết áp trung bình cũng cần được duy trì phù hợp theo tiêu chuẩn của từng lứa tuổi để đảm bảo áp lực tưới máu não và phòng thiếu máu não. Để làm được điều này, bác sĩ có thể xem xét dùng thuốc vận mạch chứa dopamin hay noradrenalin.

Nếu trẻ bị huyết áp tăng do tăng áp lực nội sọ kịch phát, theo dõi và không cần dùng thuốc hạ huyết áp. Trường hợp cần điều trị tăng huyết áp thì kê cho trẻ các thuốc ức chế β hoặc clonidine để không ảnh hưởng tới áp lực nội sọ. Không nên cho trẻ dùng các thuốc giãn mạch để hạ huyết áp vì chúng có thể khiến tình trạng tăng áp lực nội sọ trở nên trầm trọng hơn.

Nếu trẻ có sốt cần điều trị nguyên nhân và làm hạ sốt cho trẻ bằng uống hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 4 - 6 giờ Paracetamol liều 10 – 15mg/kg/lần. Vì sốt làm tăng tốc độ chuyển hóa ở trẻ, khi trẻ tăng 1 độ C thì tốc độ chuyển hóa tăng từ 10 đến 13%. Khi sốt sẽ khiến cho mạch máu não giãn ra, làm tăng dòng máu ở não từ đó làm tăng áp lực nội sọ, có thể gây tổn thương não.

Khi trẻ kích động và đau có thẻ làm tăng huyết áp và áp lực nội sọ.[1] Do đó cần điều trị hỗ trợ bằng thuốc an thần và giảm đau khi thở máy. Có thể cho trẻ tiêm ngắt quãng midazolam với liều mỗi lần 0,1mg/kg phối hợp với Morphin với  liều 0.1mg/kg mỗi lần, cách 4 – 6 giờ. Hoặc truyền liên tục trong 1 giờ cho trẻ midazolam liều 1 đến 3µg/kg và morphin với liều 10 đến 30µg/kg. Hoặc có thể thay thế morphin bằng Fentanyl với liều từ 2 đến 4 µg/kg truyền liên tục trong 1 giờ.

Cần điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ ở trẻ.

Đồng thời, để giảm sức cản của dòng chảy tĩnh mạch và cải thiện dịch não tủy từ khoang nội sọ đến khoang cột sống cần nâng cao đầu giường cao lên. Phải giữ đầu trẻ nâng lên khoảng 30 độ và đặt ở vị trí trung lập.[1]

Nếu trẻ tổn thương nhu mô não hay trẻ viêm não, viêm màng não, có GCS dưới 8 điểm, triệu chứng tăng ICP, bệnh sử co giật thì phải phòng co giật. Cho trẻ cắt cơn co giật bằng midazolam, Diazepam với liều 0,5 mg/kg mỗi lần. Trường hợp trẻ không hết co giật thì tiêm tĩnh mạch chậm bằng Phenobarbital với liều mỗi lần từ 10 đến 15 mg/kg. Có thể điều trị dự phòng cho trẻ bằng gardenal với liều mỗi ngày là 3 đến 5 mg/kg, chia làm 2 lần.

Điều trị khi trẻ có áp lực nội sọ trên 20 mmHg

Trường hợp này cần tăng thông khí nhẹ nhàng cho trẻ, và PaCO2 duy trì từ 30 đến 35 mmHg. Tuy nhiên, trước đó cần phải điều chỉnh tư thế đầu cho trẻ, sử dụng liệu pháp an thần và tăng áp lực thẩm thấu.

  • Cho trẻ an thần sâu bằng lorazepam hoặc midazolam như trên và kết hợp với sử dụng thuốc giãn cơ. Thuốc giãn cơ được sử dụng để truyền tĩnh mạch trong 1 giờ như atracurium liều từ 5 đến 15 µg/kg/giờ hoặc vecuronium liều 1 đến 3 µg/kg/giờ. Nếu trẻ có nguy cơ xảy ra co giật cao thì trong quá trình sử dụng cần thường xuyên theo dõi điện não đồ.
  • Làm liệu pháp thẩm thấu cho trẻ bằng dung dịch Manitol 20% hoặc dung dịch muối ưu trương theo hướng dẫn để làm giảm phù não.
  • Chọc dò thắt lưng để dẫn lưu dịch não tủy làm giảm áp lực nội sọ. Cần lưu ý, nếu áp lực dịch não tủy giảm quá thấp sẽ có nguy cơ thoát vị địa đệm khi tăng áp lực nội sọ thứ phát.
  • Tiến hành phẫu thuật loại bỏ các tổn thương trong sọ não làm tăng sản xuất dịch não tủy càng sớm càng tốt.

Phẫu thuật loại bỏ tổn thương gây tăng áp lực nội sọ.

  • Khi các phương pháp khác thất bại, tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp lực nội sọ.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng tăng áp lực nội sọ ở trẻ em.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Intracranial hypertension, NHS.UK. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Sandeep Sharma ; Muhammad F. Hashmi ; Anil Kumar ., Intracranial Hypertension, NCBI. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633