Điều trị tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh
Trungtamthuoc.com - Đa số trẻ sơ sinh khi điều trị khỏi tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, có khoảng 25% trẻ có di chứng về phát triển của hệ thần kinh, với biểu hiện của khiếm khuyết về ngôn ngữ và khả năng tiếp thu. Vậy tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh điều trị như thế nào?
1 Tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ là gì?
Tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh là hậu quả của sự thất bại của quá trình chuyển tiếp tuần hoàn bình thường sau sinh. Đây là hội chứng đặc trưng bởi tình trạng tăng huyết áp phổi, làm thiếu oxy thứ phát từ shunt ngoài phổi từ trái sang phải. [1]
Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh là một rối loạn phổi nghiêm trọng xảy ra với tỷ lệ 1,9: 1000. [2] Tình trạng này có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh đủ tháng hay thiếu tháng. Do hậu quả từ việc thiếu oxy lên não, trẻ có thể bị các biến chứng trên cả tâm thần và vận động.
2 Nguyên nhân làm tăng áp lực động mạch phổi ở trẻ
Khi một đứa trẻ được sinh ra, chúng thở mạnh hoặc khóc, làm phổi chứa đầy không khí thay vì chất lỏng. Khi phổi chứa đầy không khí, các mạch máu dẫn máu từ tim đến phổi sẽ giãn ra và oxy có thể được mang từ phổi, trở lại tim, bơm đến não và phần còn lại của cơ thể sau khi cắt dây rốn. Áp lực bên trong phổi và các mạch máu lúc này đang ở mức thấp.
Nếu có một vấn đề nào đó xung quanh thời điểm sinh làm cản trở quá trình này, các mạch máu có thể không mở ra đúng cách nên áp lực bên trong chúng vẫn cao. Đây được gọi là tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh (PPHN). Kết quả là các mạch máu không mở ra, máu không thể vào phổi để lấy oxy và khi đó cơ thể sẽ không có đủ oxy cho não và các cơ quan khác. [3]
Người ra thấy rằng tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh có thể do hiện tượng co mạch phổi cấp do biến cố thời kỳ chu sinh như:
- Bệnh phổi như mô do hít phải phân su, suy hô hấp, viêm phổi gây thiếu oxy phế nang thứ phát.
- Hay trẻ bị tăng thông khí do ngạt, hay do yếu tố thần kinh khác.
- Hoặc do trẻ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.
Giảm sản phổi cũng là một nguyên nhân gây tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nếu hiện tượng này kèm theo dị tật thoát vị cơ hoành bẩm sinh sẽ làm tăng đè ép phổi, nguy cơ tử vong cao. Không những thế, mẹ thiểu ối trong thời kỳ mang thai, hay trẻ có u nang tuyến phổi bẩm sinh cũng làm giảm phổi.
Ngoài ra, có đến 10% trẻ bị tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng là không rõ nguyên nhân.
Không chỉ vậy, trong thời kỳ mang thai, mẹ bị đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu, dùng thuốc SSRIs, Aspirin và nonsteroid cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Người ta cũng nhận thấy rằng trẻ sinh non, sinh mổ, đẻ ngạt cũng có nguy cơ cao hơn.
3 Tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ có triệu chứng gì?
Triệu chứng đặc trưng trẻ sơ sinh có tăng áp lực phổi dai dẳng là hiện tượng giảm nồng độ oxy máu, shunt phải - trái. Trẻ sơ sinh thường có biểu hiện suy hô hấp, rối loạn nhịp thở, thở gắng sức, thông khí phổi kém và nghe rì rầm.
Trẻ cũng có thể bị hạ huyết áp toàn thân, và các triệu chứng sốc.
Không những thế, trẻ có thể có biểu hiện suy tim phải, phù, giảm lượng nước tiểu, gan to hoặc không. Thậm chí, trẻ có thể giảm cung lượng tim, trụy mạch, cuối cùng là chảy máu phổi gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.
Đa số trẻ sơ sinh khi điều trị khỏi tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, có khoảng 25% trẻ có di chứng về phát triển của hệ thần kinh, với biểu hiện của khiếm khuyết về ngôn ngữ và khả năng tiếp thu.[1]
Để chẩn đoán trẻ bị tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng, ta còn phải dựa vào các xét nghiệm khí máu, siêu âm tim và chụp X - quang tim phổi.
Cần phân biệt tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng với bệnh tim bẩm sinh tím, bệnh phổi nhu mô nguyên phát, nhiễm trùng huyết, loạn sản mao mạch phế nang.
4 Phác đồ điều trị tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ
4.1 Nguyên tắc điều trị chung
Nguyên tắc chung trong điều trị cho trẻ sơ sinh có tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng như sau:
Điều chỉnh và duy trì thân nhiệt bình thường và điều chỉnh rối loạn điện giải hoặc bất thường Glucose và nhiễm toan chuyển hóa.[1]
Duy trì huyết áp hệ thống, làm giảm sức cản mạch máu phổi, đảm bảo vận chuyển oxy đến các mô. Đồng thời làm giảm thiểu tổn thương khí áp gây ra bởi nồng độ oxy cao và áp suất máy thở cao, thiết lập lại shunt trái - phải.
Cần chú ý tỉ mỉ chăm sóc trẻ trong quá trình điều trị, theo dõi liên tục nồng độ oxy, huyết áp và khả năng tưới máu, giảm thiểu các kích thích.
4.2 Phương pháp điều trị cụ thể tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng sơ sinh
Sử dụng các liệu pháp hỗ trợ hô hấp và oxy như Oxy và hô hấp như can thiệp thở oxy, CPAP...
Cho trẻ sử dụng dạng bơm bolus dung dịch natriclorua 0,9%, đảm bảo chức năng co bóp của cơ tim và huyết áp hệ thống duy trì trong ngưỡng cho phép.
Sử dụng thuốc vận mạch để hỗ trợ tuần hòa, duy trì tưới máu đầy đủ và vận chuyển oxy tới các mô, điều trị tránh làm tăng thể tích quá mức.
Cho trẻ truyền tĩnh mạch dopamin hay dobutamin với liều từ 5 đến 10 mcg/kg mỗi phút. Hoặc dùng noradrenalin với liều từ 0,1 đến 0,2 mcg/kg mỗi phút. Hoặc dùng adrenalin từ 0,1 đến 0,25 mcg/kg trong mỗi phút khi chức năng co bóp cơ tim bị rối loạn.
Truyền cho trẻ dung dịch Albumin human 20%, Biseko 5% để đảm bảo khối lượng tuần hoàn, và duy trì nồng độ Hct và Hb ổn định.
Kiểm soát cân bằng kiềm toan bằng dung dịch bicarbonate 4,2% với liều từ 2 đến 3 mEq/kg mỗi ngày.
Cho trẻ sử dụng thuốc an thần, giảm đau như Morphin Midazolam hay Fentanyl với liều lượng cho phép
Thuốc giãn cơ được sử dụng là Tracrium với liều từ 5 đến 10 mcg/kg mỗi phút.
Nếu trẻ có tổn thương phối thì có thể cho trẻ dùng thêm Surfactant.
Để giảm sức cản mạch máu phổi cho trẻ sử dụng Nitric Oxide (iNO).[1]
- Đây là chất có nguồn gốc nội mô, làm giãn mạch nhanh và mạnh các cơ trơn mạch máu. Thuốc có thể được truyền qua máy thở, và chỉ định khi chỉ số oxy (IO) nằm trong khoảng từ 15 đến 25.[1]
- Không sử dụng iNO cho những bé bị bệnh tim bẩm sinh với đặc trưng lưu lượng máu phụ thuộc ống động mạch và rối loạn chức năng thất trái trầm trọng.
- Trong quá trình sử dụng iNO cần theo dõi liên tục nồng độ NO2, và nồng độ methemoglobin trong huyết thanh.
- Cho trẻ sử dụng iNO với liều ban đầu là 20 ppm, sau đó giảm liều dần dần còn 5 ppm.
Hoặc cho trẻ sử dụng thuốc giãn mạch prostacyclin, một chất có tác dụng giãn mạch, chống kết tập tiểu cầu, đồng thời bảo vệ tế bào và giảm sự quá sản. Một trong những dẫn chất của prostacyclin được sử dụng cho trẻ là Iloprost.[1]
- Với Iloprost dạng hít: Thuốc có tác dụng ngắn nên cần cho trẻ hít liên tục từ 6 đến 12 lần mỗi ngày để có hiệu quả ổn định. Một lần hít tương đương liều là 2 mcg/kg.
- Với Iloprost tĩnh mạch thì cho trẻ truyền với liều từ 1 đến 4 ng/kg mỗi phút.
Ngoài ra có thể cho trẻ sử thuốc thuốc đối kháng receptor của Endothelin-1, thuốc ức chế phosphodiesterase type 5 hay dùng kỹ thuật ECMO.
Để xác định xem trẻ có đáp ứng với điều trị hay không ta dựa vào các thông số: PAPm giảm trên 20%, cung lượng tim không giảm và PVR/SVR giảm.
Trẻ sơ sinh tăng áp lực động mạch phổi, sau khi điều trị hồi phục thường bú kém từ vài ngày đến vài tuần sau đó. Nên cần cho trẻ ăn qua đường mũi cho đến khi trẻ ăn được bằng miệng.
4.3 Theo dõi chăm sóc sau điều trị
Do có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh, mất thính giác, giác quan nên trẻ cần được theo dõi chặt chẽ trong 2 năm đầu đời. Tốt nhất là định kỳ cho trẻ đi khám để theo dõi sự phát triển.[1]
Đề nghị sàng lọc toàn bộ trước khi bệnh nhi đến lứa tuổi đi học, để xác định xem trẻ có bất kỳ thiếu sót nào có ảnh hưởng đến quá trình học tập của bé hay không.
Đánh giá lại thính giác, khả năng nghe của trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn trong quá trình phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ sơ sinh bị tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Kate A Tauber, MD, MA; Persistent Pulmonary Hypertension of the Newborn (PPHN), Medscape. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Ann R Stark, MDEric C Eichenwald, MD, Persistent pulmonary hypertension of the newborn, Uptodate. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Persistent Pulmonary Hypertension of the Newborn (PPHN), NHS.UK. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021