1. Trang chủ
  2. Ung Bướu
  3. Tầm soát ung thư là làm những gì? Có đau không? Hết bao nhiêu tiền?

Tầm soát ung thư là làm những gì? Có đau không? Hết bao nhiêu tiền?

Tầm soát ung thư là làm những gì? Có đau không? Hết bao nhiêu tiền?

Trungtamthuoc.com - Tỷ lệ mắc ung thư trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang ngày càng gia tăng. Do vậy, việc tầm soát ung thư định kỳ là điều cần thiết giúp bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Tuy nhiên nhiều cơ sở lợi dụng tâm lý lo lắng của người bệnh, phát sinh nhiều gói tầm soát ung thư không cần thiết. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu về các phương pháp tầm soát ung thư cho từng bệnh cụ thể trong bài viết dưới đây.

1 Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư hiểu đơn giản là một phương pháp nhằm phát hiện ung thư trước khi có các biểu hiện của bệnh. Việc thực hiện được thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết, giúp phát hiện sớm tế bào có nguy cơ chuyển thành ác tính và loại bỏ chúng. Đây được coi là cách thức hiệu quả phát hiện kịp thời ung thư, từ đó có phác đồ điều trị sớm nâng cao khả năng hồi phục.

Tầm soát ung thư có vai trò quan trọng phòng chống ung thư
Tầm soát ung thư có vai trò quan trọng phòng chống ung thư

2 Tầm soát ung thư quan trọng thế nào?

Bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hoá, đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này. Vì vậy tầm soát ung thư là việc vô cùng quan trọng, giúp phát hiện sớm và chủ động giảm các tác nhân tăng nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động… Các biện pháp kiểm tra được hầu hết các loại bệnh ung thư, bằng các công nghệ hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đảm bảo kết quả gần như hoàn toàn chính xác. 

Mỗi năm mọi người nên tầm soát ung thư tối thiểu 1 lần, sau đó có thể phát hiện các biện pháp bổ sung và điều chỉnh hợp lý, giảm nguy cơ mắc bệnh.

3 Quy trình tầm soát ung thư diễn ra như thế nào?

Quy trình tầm soát ung thư
Quy trình tầm soát ung thư

Mỗi đối tượng sẽ được chỉ định các phương pháp tầm soát ung thư khác nhau. Đối với người khoẻ mạnh, nếu muốn tầm soát thì sẽ được áp dụng các kỹ thuật chung, chưa xâm lấn sâu, nhằm phát hiện các bất thường nếu có. Quy trình gồm các bước sau:

3.1 Bước 1: Khám lâm sàng

Đây là bước khởi đầu mà khi đi khám sức khỏe tổng quát hay bệnh lý thông thường đều tiến hành. Bác sĩ sẽ hỏi thăm về thuốc đang sử dụng, các yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh của người thăm khám hoặc cả gia đình họ. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được chính xác bệnh hơn.

3.2 Bước 2: Kiểm tra cận lâm sàng 

Bao gồm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm nước tiểu…sẽ thực hiện ngay sau khi bước khám lâm sàng kết thúc.

3.3 Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh

Với tuỳ bộ phận khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định thăm dò hình ảnh khác nhau, các phương pháp thực hiện thường gặp như nội soi, siêu âm, chụp CT, chụp XQ, chụp MRI… 

4 Các phương pháp tầm soát cho một số loại ung thư phổ biến

Các bộ phần cần tầm soát ung thư sớm
Các bộ phần cần tầm soát ung thư sớm

4.1 Tầm soát ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong số nguyên nhân tử vong cao, đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư trên thế giới. Trong đó khu vực châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất, và tại Việt Nam theo thống kê của tổ chức phòng chống Ung thư, có khoảng hơn 15.000 người được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nam và nữ có sự chênh lệch, nam giới chiếm số lượng nhiều hơn nữ giới.

Các kiểm tra chủ yếu bao gồm:

  • Nội soi dạ dày: là kỹ thuật ưu tiên trong tầm soát các bệnh đường tiêu hoá trong đó có dạ dày. Thông qua những hình ảnh quan sát từ máy ảnh của dụng cụ nội soi sẽ giúp bác sĩ nhận biết những vấn đề xảy ra bên trong ống tiêu hoá.
  • Sinh thiết: là cách lấy một ít mô nhỏ tại các khu vực có nghi ngờ là dấu hiệu bất thường của tế bào dạ dày. Bác sĩ thường lấy tế bào trong quá trình nội soi rồi sau đó đem quan sát dưới kính hiển vi xác định tế bào ác tính hoặc lành tính.
  • Chụp cắt lớp dạ dày: các kỹ thuật như chụp CT, PET-CT tạo ra các hình ảnh cắt lớp cụ thể của các bộ phận bên trong, xem xét sự di căn của tế bào ung thư nếu có. 

Ngoài ra với bệnh nhân tầm soát ung thư dạ dày sẽ có thêm test vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) bằng nhiều cách như xét nghiệm máu, ở mẫu sinh thiết, kiểm tra hơi thở, nước bọt.

4.2 Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng xếp thứ 5 trong số nguyên nhân tử vong do ung thư tại nước ta. Người cao tuổi là đối tượng thường gặp nhất, bệnh có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện từ giai đoạn sớm. Khả năng sống trên 5 năm nếu bệnh nhân phát hiện và điều trị khi ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 là trên 90%, giai đoạn 2 là hơn 80%, giai đoạn 3 là khoảng 60%, giai đoạn càng muộn thì tỷ lệ càng thấp. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người trên 45 tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư đại tràng cho đến 75 tuổi và người trên 85 tuổi thì không cần tầm soát nữa.

Các kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện khi tầm soát gồm:

  • Xét nghiệm máu trong phân: thường gặp khi đại tràng có polyp trên niêm mạc hoặc một số bệnh lý đường tiêu hoá khác như kiết lỵ, táo bón.
  • Nội soi đại tràng: phương pháp này giúp quan sát bên trong lòng đại tràng, phát hiện được các polyp nếu có, các tế bào mô thất thường. Ngoài ra biện pháp này được thực hiện để lấy mô làm sinh thiết.
  • Sinh thiết: là việc phết lấy các mẫu tế bào bất thường, phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định tính chất ác tính hay lành tính của tế bào.
  • Siêu âm ổ bụng: kỹ thuật này thường khó phát hiện được khối u nếu có kích thước nhỏ vì sự cản trở của các bộ phận khác đường tiêu hoá, tuy nhiên đây là cách hỗ trợ tìm thấy những dấu hiệu khác thường trên thành đại tràng, tắc ruột.
  • Chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ: khi phát hiện thấy khối u, việc sử dụng các phương pháp này sẽ giúp xác định đặc điểm hình dạng và kích thước của nó, ngoài ra còn cả sự di căn của các tế bào này.
Tầm soát Ung thư đại tràng
Tầm soát Ung thư đại tràng

4.3 Ung thư phổi

Ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới. Vào năm 2020, toàn cầu đã có hơn 1,8 triệu người mất và tại Việt Nam có khoảng 24.000 nghìn ca tử vong mỗi năm, theo GLOBOCAN.

Các phương pháp tầm soát ung thư phổi được thực hiện bao gồm:

  • CT ngực liều thấp: thực hiện không có thuốc cản quang và có liều tia hấp thụ thấp hơn phương pháp CT Scan nên hạn chế được những tác dụng không mong muốn. Nếu có bất cứ phát hiện nào bất thường sẽ thường kết hợp tiêm thuốc cản quang, quan sát kỹ hơn..
  • Sinh thiết: phát hiện các nốt bất thường ở phổi, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết.
  • CT scan có thuốc cản quang: sử dụng khi thấy có các nốt bất thường trên phổi, có kích thước từ 7-10 mm

4.4 Ung thư gan

Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao và tiến triển nhanh chóng. Bệnh tiến triển âm thầm nên phần lớn khi phát hiện ra bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, điều trị sẽ khó khăn và tốn kém. Do đó việc tầm soát bệnh lý này thường xuyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các cách áp dụng khi tầm soát ung thư gồm:

  • Xét nghiệm AFP trong máu: đối với bệnh nhân có dấu hiệu ung thư gan, chỉ số này thường khá cao, nhưng không phải tất cả nên cần kết hợp thêm các xét nghiệm khác trước khi đưa ra chẩn đoán.
  • Chẩn đoán hình ảnh: các biện pháp như siêu ẩm bụng, chụp CT & MRI gan sẽ giúp quan sát được kích thước, mức độ xâm lấn của tế bào ung thư nếu có.
  • Sinh thiết: các khối u được nghi ngờ là tế bào ác tính sẽ được tiến hành sinh thiết. Việc lấy tế bào này thường dùng kim đâm qua da, rồi tiến hành phân tích dưới kính hiển vi để xác định tính chất tế bào này.

4.5 Tầm soát ung thư cổ tử cung

Không chỉ cần tiêm phòng HPV, việc tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ cũng vô cùng quan trọng. Bệnh lý này luôn nằm trong top 3 bệnh lý tử vong hàng đầu ở nữ giới và đang có xu hướng trẻ hoá từng ngày. Tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu ở độ tuổi 25.

Dưới đây là các chỉ định được thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung:

  • Phết tế bào cổ tử cung: đây là cách chẩn đoán chính xác nhất khả năng có bị mắc ung thư cổ tử cung hay không. Các tế bào phết sẽ được quan sát dưới kính hiển vi và phân tích các tính chất lành tính hoặc ác tính. Những phụ nữ chưa có quan hệ tình dục trước đó thì không thực hiện được phương pháp này. Tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng, có nguy cơ bị ung thư cao thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn thực hiện xét nghiệm này.
  • Xét nghiệm HPV: các dòng virus HPV luôn được coi là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư ở bộ phận sinh dục nữ. 
  • Soi cổ tử cung: sử dụng các dụng cụ thích hợp để xâm lấn qua cổ tử cung, quan sát bên trong nhằm phát hiện các tế bào bất thường và tiến hành sinh thiết.
  • Nạo niêm mạc cổ tử cung: cách này giúp lấy mô kiểm tra dưới kính hiển vi, xác định tính chất của tế bào.

Các biện pháp này sẽ được chỉ định tuỳ độ tuổi và tiền sử gia đình người bệnh.

Tầm soát ung thư ở phụ nữ
Tầm soát ung thư ở phụ nữ

4.6 Tầm soát ung thư vú ở nữ giới

Đây là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong ở rất cao ở phụ nữ và ngày nay ngày càng gia tăng và trẻ hoá. Các chuyên gia khuyến cáo ,việc tầm soát nên thực hiện mỗi năm 1 lần từ năm 40 tuổi. Chị em phụ nữ cũng nên tự kiểm tra vú hàng ngày, có thể phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời. Các khối u vú thường lành tính và chỉ khoảng 10-20% là ác tính. 

Các phương tiện tầm soát ung thư vú gồm có:

  • Siêu âm tuyến vú: cách này giúp quan sát được kích thước khối u, vị trí khối, là bước đầu phát hiện những bất thường trên tuyến vú.
  • Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI): cắt lớp các tế bào nhằm phát hiện xem ung thư đã di căn chưa.
  • Sinh thiết: để xác định tính chất tế bào ung thư vú là lành tính hay ác tính.. 

4.7 Ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới

Đây là bệnh hay gặp ở nam giới có độ tuổi từ 50 trở lên. Bệnh gây tử vong thứ 2 sau ung thư phổi trên thế giới và cụ thể ở nước ta tỷ lệ này đứng thứ 11 trong tổng số ca tử vong do ung thư được thống kê năm 2018.

Các xét nghiệm giúp tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Khám trực tràng : khi chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ thực hiện bước này đầu tiên nhằm xác định có dấu hiệu bất thường gì hay không. Thông thường sẽ sử dụng tay trực tiếp để chẩn đoán.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt: nồng độ chất PSA trong máu sẽ cảnh báo các tế bào này bình thường hay ác tính, nếu có sự gia tăng về nồng độ này sẽ là một gợi ý phát hiện về bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: cho những hình ảnh chi tiết, xác định được sự lan rộng của các tế bào ung thư ở các hạch bạch huyết và xương xung quanh.
  • Chụp xạ hình xương: xương là nơi các tế bào ung thư tiền liệt tuyến di căn nên chụp xạ nhằm phát hiện giai đoạn ung thư. 
  • Sinh thiết: các mẫu sinh thiết là dịch hoặc mô của tuyến tiền liệt. Sau khi cạo phết tế bào sẽ được soi dưới kính hiển vi xác định tính chất của bệnh là lành tính hay ác tính.

5 Khi nào cần tầm soát ung thư?

Tầm soát ung thư là điều cần thiết bất cứ ở độ tuổi nào. Nếu bạn sống trong môi trường ô nhiễm, sử dụng thực phẩm bẩn và chế độ sinh hoạt không khoa học có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đã có thể bị mắc ung thư bao gồm:

  • Giảm cân nhanh
  • Ho ra máu
  • Tiểu ra máu
  •  m đạo tiết dịch bất thường
  • Có cục ở vú
  • Khó nuốt, vướng họng.

Khi gặp những triệu chứng trên,người bệnh nên chủ động đi khám bác sĩ cáng sớm càng tốt. 

Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư và người bệnh cần tầm soát thường xuyên hơn:

  • Tuổi: một số loại ung thư xuất hiện phổ biến ở độ tuổi trung niên như ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung thì nên tầm soát và theo dõi định kỳ sức khoẻ khi qua 40 tuổi. Với những người có tiền sử gia đình bị những bệnh trên thì được khuyến cáo tầm soát sớm hơn.
  • Yếu tố nguy cơ: các yếu tố như di truyền, sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, thừa cân, béo phì thì nên tầm soát ung thư sớm và theo dõi định kỳ.
  • Tiền sử bệnh: những bệnh nhân từng bị ung thư và được điều trị khỏi nhưng vẫn cần thực hiện tầm soát định kỳ của bác sĩ.

Như vậy việc tầm soát ung thư là quyết định cá nhân mỗi người, bạn nên chăm sóc sức khỏe thật tốt, xem xét các yếu tố nguy cơ của bản thân và thảo luận với các bác sĩ để có phương án lựa chọn tốt nhất.

6 Các câu hỏi thường gặp khác về tầm soát ung thư

6.1 Khám tầm soát ung thư ở đâu tốt nhất?

Tầm soát ung thư là tự nguyện nên mọi người có thể lựa chọn bất kỳ bệnh viện nào cung cấp dịch vụ này để tầm soát.  Nên chọn các cơ sở uy tín, nổi tiếng đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Một vài cơ sở tham khảo như bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM …

6.2 Tầm soát ung thư có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Việc tầm soát ung thư là tự nguyện chưa có trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên mọi người nên có ý thức chăm sóc sức khỏe sớm vì chi phí cho việc tầm soát thấp hơn so với chi phí điều trị bệnh.

6.3 Tầm soát ung thư toàn diện hết bao nhiêu tiền? 

Số tiền phải trả mỗi lần tầm soát ung thư là điều băn khoăn của rất nhiều người. Mức tiền sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm tương ứng với từng khu vực tầm soát ung thư. Thông thường sẽ giao động từ 1 triệu đến vài triệu đồng cho một khu vực. 

Ngoài ra mức giá cũng khác nhau tuỳ bệnh viện nên bạn cần tìm hiểu kỹ và chọn cơ sở uy tín để tầm soát ung thư, tránh phát sinh những chi phí không cần thiết.

6.4 Nên đi khám tổng quát hay tầm soát ung thư?

Khám sức khỏe tổng quát là kiểm tra toàn bộ cơ thể, không tập trung chuyên sâu vào một bệnh cụ thể nào. Còn tầm soát ung thư là quá trình kiểm tra cụ thể từng bệnh và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, sinh thiết các tế bào để phát hiện tính chất lành tính hay ác tính của ung thư. Vì vậy trong gói khám tổng quát sẽ không có tầm soát ung thư nên tùy vào mục đích mà người bệnh lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với bản thân. Nếu có điều kiện thì kết hợp cả 2 gói khám này là lựa chọn tốt nhất.

6.5 Người trẻ có cần tầm soát ung thư không?

Thông thường tầm soát ung thư được khuyến cáo từ độ tuổi 40-50 tuổi trở lên, nhưng các bệnh lý ung thư có liên quan đến yếu tố gia đình như ung thư vú, ung thư đại tràng thì người trong gia đình nên đi tầm soát sớm hơn từ 5-10 năm. Đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao hơn so với người bình thường.

7 Kết luận

Ngày nay tỷ lệ tử vong do ung thư ngày càng cao và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng quan trọng. Các gói tầm soát ung thư được bác sĩ khuyến khích thực hiện nhằm phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về việc tầm soát ung thư cho bạn đọc.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Chuyên gia Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (Ngày đăng 1 tháng 11 năm 2023) Guidelines for the Early Detection of Cancer. American Cancer Society. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2024
  2. Tác giả Praseeda Moleyar-Narayana, Stephen W. Leslie , Sudha Ranganathan (Ngày đăng 31 tháng 5 năm 2024) Cancer Screening. Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2024
  3. Tác giả Michael Bretthauer 1, Paulina Wieszczy (Ngày đăng 1 tháng 11 năm 2023) Estimated Lifetime Gained With Cancer Screening Tests: A Meta-Analysis of Randomized Clinical Trials. Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Nên tầm soát ung thư dạ dày mấy lần/năm


    Thích (0) Trả lời 1
    • Nên tầm soát khoảng 1 năm/lần hoặc tối thiểu là 2 năm/lần với người bình thường ạ

      Quản trị viên: Dược sĩ Hoàng Mai vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    0985.729.595