1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Tắm Onsen là gì? Tác dụng của tắm khoáng nóng Onsen Nhật Bản đối với sức khỏe

Tắm Onsen là gì? Tác dụng của tắm khoáng nóng Onsen Nhật Bản đối với sức khỏe

Tắm Onsen là gì? Tác dụng của tắm khoáng nóng Onsen Nhật Bản đối với sức khỏe

Trungtamthuoc.com - Tắm Onsen không những mang đến nhiều tác dụng cải thiện sức khoẻ mà còn là một biểu tượng đặc trưng trong văn hoá người Nhật. Vậy tắm Onsen là gì? Vì sao tắm Onsen tốt cho sức khỏe? Văn hóa tắm Onsen Nhật Bản có gì đặc biệt? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1 Tắm Onsen Nhật Bản là gì?

Onsen trong tiếng Nhật tạm dịch là suối ấm, đây là một hoạt động tắm suối nước nóng tự nhiên rất phổ biến tại quốc gia này. Mạch nước suối nóng có nguồn gốc từ mạch nước ngầm được magma núi lửa làm nóng lên, trong đó chứa lượng lớn khoáng chất từ các lớp địa chất và xác sinh vật hóa thạch phân huỷ. Ngoài ra một số nguồn nước suối nóng lên do đi qua tâm trái đất.  Như vậy việc tắm Onsen không chỉ là cách thư giãn tinh thần mà còn được xem là phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Hình thức tắm nước nóng rất phổ biến ở đây, nên mọi người có thể nhầm lẫn tắm Onsen với tắm Sentou. Tắm Sentou là sử dụng nước đun nóng rồi đổ vào bồn tắm, còn tắm Onsen là nguồn nước nóng tự nhiên có chứa khoáng chất.

Tại Nhật Bản có tới 110 ngọn núi lửa và địa hình đồi núi chiếm tới hơn 75%, do đó gần như khắp nơi đều có suối nước khoáng nóng và văn hóa tắm Onsen đã trở thành một nét đẹp đặc trưng của đất nước này. Các suối nước nóng thông thường có nhiệt độ từ 25 độ C tới 60 độ C, thậm chí tới 100 độ C, nhưng các địa điểm tắm Onsen đã được các chuyên gia nghiên cứu và tìm kiếm nguồn nước phù hợp, đảm bảo an toàn cho du khách.

Tắm Onsen là gì?
Tắm Onsen là gì?

2 Vì sao tắm khoáng nóng tốt cho sức khỏe

Từ lâu việc tắm nước khoáng nóng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng và điều trị nhiều bệnh tật. Điều này xuất phát từ 3 yếu tố là tác dụng của nước, của nhiệt độ và của khoáng chất chứa bên trong. Cụ thể:

  • Thuỷ trị liệu: phương pháp này dùng hơi nước nóng để giúp tăng cường sự lưu thông máu, làm giãn mạch, giảm sự co cơ từ đó đem lại sự chuyển động linh hoạt hơn của xương khớp, hạ huyết áp, điều hoà hệ hô hấp, tim mạch. Hệ tiêu hoá được kích thích tiêu thụ và hấp thu dưỡng chất tốt hơn, hệ thần kinh được thư giãn, dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ.
  • Nhiệt trị liệu: tắm khoáng nóng làm giãn nở mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn và sự trao đổi chất trong cơ thể. Hỗ trợ giảm đau nhờ khả năng tái tạo các tổ chức.
  • Khoáng trị liệu: nguồn khoáng chất dồi dào bên trong suối khoáng nóng sẽ được cung cấp cho cơ thể. Tuy nhiên từng vùng nước khoáng nóng khác nhau sẽ có chứa những khoáng chất khác. Chẳng hạn một số suối chứa nhiều Lưu Huỳnh có thể điều trị các bệnh ngoài da hiệu quả, nguồn nước chứa nhiều bicarbonat có tác dụng tốt với người bị xương khớp, bệnh gout, hen phế quản. 

Nhờ 3 yếu tố tác động trên mà tắm Onsen hay tắm suối khoáng nóng ngày càng phổ biến với những lợi ích mang lại cho sức khỏe.

3 Lợi ích nổi bật của tắm Onsen đối với cơ thể

Cụ thể một số lợi ích của việc tắm Onsen với sức khỏe:

Lợi ích nổi bật của tắm Onsen
Lợi ích nổi bật của tắm Onsen

3.1 Chữa lành tổn thương trên da

Magiê, một khoáng chất chính trong những vùng nước khoáng nóng, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe làn da bằng cách giảm viêm, giảm sưng trong các bệnh da liễu như viêm da, bệnh vẩy nến và chàm. Nó giúp chữa lành hàng rào bảo vệ da, giúp da chống lại các chất gây kích ứng và dị ứng tốt hơn.

Ngoài magiê, suối nước nóng thường chứa các khoáng chất có lợi khác như lưu huỳnh, Canxinatri bicarbonate, mỗi loại đều có đặc tính chữa bệnh riêng. Ví dụ, lưu huỳnh được biết đến với tác dụng chống nấm và kháng khuẩn, có lợi cho làn da dễ bị mụn trứng cá, trong khi canxi có thể giúp tái tạo tế bào và duy trì hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh. Ngâm mình trong nước suối khoáng giàu khoáng chất có thể là phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế tuyệt vời cho những người bị các chứng rối loạn da do vi khuẩn và viêm mãn tính. Giảm tình trạng ngứa da, mụn trứng cáviêm da tiết bã nhờn, hoặc da đầu ngứa, bong  tróc. 

3.2 Giảm căng thẳng

Nước ấm giúp thư giãn cơ và tăng cường lưu thông máu, có thể làm giảm các triệu chứng căng thẳng về mặt thể chất. Trong khi đó, khung cảnh thanh bình, một đặc điểm nổi bật của nhiều địa điểm suối nước nóng, mang đến một môi trường yên tĩnh thúc đẩy sự thư giãn về mặt tinh thần. Cảnh quan thiên nhiên, sự yên tĩnh và khoảng cách với cuộc sống thường ngày góp phần tạo nên trạng thái tinh thần giúp mức độ căng thẳng có thể giảm đáng kể. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy sau 2 tuần điều trị, những người tham gia đã giảm 60% các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng.

Tắm Onsen giúp giảm căng thẳng
Tắm Onsen giúp giảm căng thẳng

3.3 Tăng cường lưu thông máu

Nước ấm làm tăng tuần hoàn và giúp oxy lưu thông trong cơ thể. Nhiệt từ nước giúp giãn nở mạch máu, từ đó tăng cường lưu lượng máu khắp cơ thể. Sự lưu thông tăng lên này cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn cho các tế bào, hỗ trợ loại bỏ các chất thải và thúc đẩy sức khỏe tế bào. Đối với những người bị lưu thông kém hoặc các vấn đề về tim mạch,tắm suối nước nóng có thể mang lại những lợi ích đáng kể. Các khoáng chất có trong những loại nước tự nhiên này, chẳng hạn như canxi và natri bicarbonate, đóng vai trò thúc đẩy sức khỏe tim mạch và cải thiện lưu thông, khiến suối nước nóng trở thành trải nghiệm thú vị và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

3.4 Thúc đẩy giấc ngủ ngon

Khi ngâm mình trong suối nước nóng, nhiệt độ cơ thể tăng lên và quá trình làm mát sau đó khi rời khỏi nước tương tự sự giảm nhiệt độ cơ thể tự nhiên xảy ra trước khi ngủ, báo hiệu cho cơ thể bạn rằng đã đến lúc nghỉ ngơi. Quá trình điều hòa nhiệt độ này có thể giúp giải quyết chứng mất ngủ và thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn, phục hồi hơn. Ngoài ra, các khoáng chất trong nước suối nóng, chẳng hạn như magiê, được biết đến với tác dụng làm thư giãn hệ thần kinh và tăng cường chất lượng giấc ngủ bằng cách giảm mức độ căng thẳng và lo lắng.

3.5 Giảm đau

Nhiệt từ nước giúp tăng lưu lượng máu và tuần hoàn , có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành bằng cách đưa nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn đến các vùng bị ảnh hưởng. Các khoáng chất có trong suối nước nóng, chẳng hạn như lưu huỳnh, được cho là có đặc tính trị liệu góp phần vào quá trình chữa lành cơ và khớp. Sự kết hợp giữa nhiệt và khoáng chất này không chỉ làm giảm đau mà còn có thể giúp giảm viêm, hỗ trợ thêm cho quá trình phục hồi cơ và khớp. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy việc tiếp xúc với nước khoáng nóng có thể ngăn chặn các thụ thể đau trong cơ thể và có thể có tác động tích cực đến khớp và cơ.

3.6 Giảm huyết áp

Một nghiên cứu năm 2012 tại Nhật Bản đã chứng minh rằng suối nước nóng làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân bị suy tim mãn tính. Độ ấm của nước thúc đẩy sự thư giãn và giãn nở của các mạch máu, có thể làm giảm sức cản đối với dòng máu và do đó làm giảm huyết áp. Quá trình giãn mạch này có lợi cho những người bị huyết áp cao, vì nó giúp giảm bớt căng thẳng cho tim và động mạch.

Tuy nhiên, những người mắc bệnh tim hoặc tăng huyết áp nghiêm trọng cần tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi sử dụng suối nước nóng như một biện pháp điều trị. Khung cảnh yên tĩnh của suối nước nóng cũng góp phần làm giảm căng thẳng, tác động tích cực đến mức huyết áp. Tham gia liệu pháp suối nước nóng thường xuyên, vừa phải có thể là một phương pháp bổ sung để kiểm soát huyết áp, cùng với lối sống lành mạnh và thuốc uống điều trị.

3.7 Hỗ trợ giảm cân

Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ từ việc ngâm mình trong nước khoáng nóng có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất, tăng đốt cháy calo trong cơ thể. Tắm Onsen có thể cải thiện lượng đường và Insulin khi đói, do đó hỗ trợ giảm cân. Vì vậy phương pháp tắm khoáng nóng có thể là liệu pháp bổ sung hiệu quả để cải thiện cân nặng ở những người ít tập thể dục. 

4 Ai không nên tắm suối khoáng nóng Onsen?

Tắm khoáng nóng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên một số trường hợp bên dưới nên cẩn trọng khi tắm nước suối nóng. Cụ thể:

  • Người mắc bệnh tăng huyết áp nhưng khó kiểm soát bằng thuốc.
  • Người đang bị bệnh cấp tính liên quan đến nhiễm khuẩn, sốt.
  • Người bị viêm khớp cấp tính, đang có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ quanh khớp.
  • Người mắc bệnh lao, suy gan, suy thận nặng.
  • Người bị nhồi máu cơ tim hoặc tiền sử đột quỵ gần đây.
  • Bệnh nhân tâm thần, động kinh, mất cảm giác.
  • Người có những tổn thương loét lớn trên da chưa liền.

Những đối tượng trên cần tránh tắm suối khoáng nóng vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và nên tham khảo ý kiến các chuyên gia trước khi thực hiện tắm khoáng nóng.

5 Những kinh nghiệm và lưu ý khi tắm Onsen

Để đạt hiệu quả trị liệu tốt nhất mà tắm Onsen mang lại, bạn cần nắm được nhưng lưu ý sau đây:

  • Thời gian tắm suối nước nóng tuỳ thuộc vào nhiệt độ của suối, nếu trong khoảng dưới 40 độ, có thể tắm từ 20-30 phút, nhưng trên 45 độ chỉ nên tắm dưới 10 phút. 
  • Đối với người mới tắm Onsen lần đầu nên ngâm mình trong khoảng 10 phút, rồi lên bờ và sau đó mới ngâm tiếp. 
  • Khi xuống bồn tắm không nên gieo toàn bộ người xuống ngay lập tức, thay vào đó từ từ đưa chân xuống trước rồi toàn bộ người xuống sau.
  • Tác hại của tắm khoáng nóng quá lâu có thể gặp như giãn mạch toàn thân gây tụt huyết áp, say nóng, truỵ tim mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
  • Trong một số suối nước khoáng nóng có chứa lưu huỳnh có thể gây ra tính trạng nổi mẩn đỏ với làn da nhạy cảm sau khi tắm. Thông thường không cần phải quá lo lắng, vết mẩn sẽ giảm ngay sau khi bôi lotion và dưỡng ẩm.
  • Không lạm dụng tắm Onsen thường xuyên sẽ làm da mất nước, thô ráp và lão hoá nhanh hơn.

6 Quy trình tắm khoáng nóng Onsen chuẩn văn hoá Nhật

Dưới đây là quy trình tắm Onsen chuẩn văn hoá Nhật, bạn đọc có thể tham khảo trước khi trải nghiệm. 

Quy trình tắm khoáng nóng Onsen
Quy trình tắm khoáng nóng Onsen 

Bước 1. Tắm gội sạch sẽ 

Để đảm bảo nguồn nước trong bể tắm Onsen luôn sạch sẽ, các khách tham gia cần phải tắm gội trước khi tắm. Các loại sữa tắm, dầu gội đều đã được trang bị đầy đủ tại khu vực thích hợp, mọi người không lo lắng chuẩn bị trước tại nhà.

Bước 2. Ngâm mình trong nước suối khoáng nóng

Trước khi ngâm mình xuống bồn, để hạn chế sự sốc nhiệt đột ngột, bạn nên đặt chân xuống từ từ sẽ giúp mạch máu giãn nở dần, tuần hoàn máu tốt hơn. Trong quá trình tắm nên massage sẽ hỗ trợ giảm cảm giác đau và mệt mỏi cơ bắp.

Bước 3. Lau khô người bằng khăn

Bạn không phải tắm lại bằng nước sạch, chỉ cần lên lau khô người và mặc quần áo. Điều này giúp các khoáng chất không bị rửa trôi và lưu trên cơ thể lâu hơn.

Bước 4. Sấy khô tóc và bôi dưỡng ẩm

Tại các nhà tắm Onsen tại Nhật Bản sẽ có những khu vực để máy sấy tóc và kem dưỡng ẩm cho khách hàng sử dụng sau khi tắm. Việc bôi kem dưỡng ẩm hỗ trợ cho da không bị khô và sau khi tắm, khách hàng cũng nên bổ sung nước cho cơ thể.

Bước 5. Nghỉ ngơi, ăn uống 

Tại Nhật Bản, sau khi tắm xong họ vẫn sẽ ở lại phòng tắm khoảng 30 phút để trò chuyện và nghỉ ngơi, ăn uống cùng nhau. Đây là cách rất tốt để kết nối tình cảm và phục hồi năng lượng.

7 Nét độc đáo trong văn hóa tắm Onsen Nhật Bản

Tại Nhật Bản, tắm Onsen là một nét văn hoá độc đáo của dân tộc. Hãy cùng tham khảo trong phần bên dưới để tránh bỡ ngỡ khi có dịp trải nghiệm văn hoá này.

Văn hóa tắm Onsen Nhật Bản
Văn hóa tắm Onsen Nhật Bản

7.1 Không mặc đồ khi tắm Onsen

Trong văn hóa Nhật Bản, việc tắm khoả thân là điều bình thường và điều này còn mang lại rất nhiều tác dụng cho sức khỏe. Nếu bạn là người mới trải nghiệm lần đầu có thể hơi bỡ ngỡ và lo lắng khi không mặc đồ. Tại các suối nước nóng Onsen có trang bị những chiếc khăn mỏng, bạn có thể sử dụng để che chắn những phần cần thiết, giảm thiểu sự ngại ngùng khi tắm chung với người lạ.

Ngoài ra, các khu vực tắm của nam và nữ sẽ chia ra riêng biệt. Một số nhà tắm có các phòng đơn, bạn có thể đặt riêng để tránh sự không thoải mái. Hoặc sử dụng phòng tắm có nước màu trắng đục để cảm thấy riêng tư hơn.

7.2 Không cho phép người có hình xăm tắm onsen

Việc xăm hình trên cơ thể không được ưa thích tại Nhật Bản, thậm chí còn được xem như điều cấm kỵ. Theo quan niệm của người tại đây, những hình xăm này có thể liên quan đến các tổ chức tội phạm, vì vậy khi trên người có xăm hình, bạn sẽ không được phép trải nghiệm dịch vụ tắm Onsen dù có chứng minh lý lịch và bằng chứng không liên quan đến hoạt động trái phép nào. Tuy nhiên, nếu chỉ là một hình xăm nhỏ, bạn có thể dùng miếng dán để che lại để có thể trải nghiệm văn hoá này.

7.3 Không được chụp ảnh tại khu vực tắm Onsen

Quy định không được chụp ảnh tại các khu vực tắm Onsen nhằm bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Nếu muốn chụp ảnh, hãy xin phép nhân viên và lựa chọn khu vực phù hợp nhất, không ảnh hưởng đến người khác.

7.4 Không được uống rượu bia

Việc uống rượu bia bị cấm tại các khu tắm vì những chất kích thích này sẽ làm tăng hoạt động hệ tim mạch, gan, thận nên cơ thể sẽ nóng lên, kết hợp với sức nóng trong suối khoáng làm tác động tiêu cực đến sức khoẻ của bạn.

8 Một số thắc mắc về tắm Onsen

8.1 Tác hại của tắm Onsen là gì?

Tắm suối nước nóng có thể gây hại cho sức khoẻ nếu thời gian tắm quá lâu và thường xuyên trong ngày. Một số tình trạng có thể gặp như tụt huyết áp, truỵ tim mạch, say nóng. Ngoài ra, đối với phụ nữ, khi ngâm trong suối khoáng nóng có thể làm thay đổi tính pH của âm đạo, mất đi các chất tự nhiên bên trong, dễ dẫn đến viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

8.2 Tắm Onsen hết bao nhiêu tiền?

Onsen ở Nhật Bản có rất nhiều tầm giá khác nhau, thông thường chi phí cho một lần tắm tại Nhật Bản dao động từ 800 yên đến 1.300 yên tương đương khoảng 170.000 đồng đến 275.000 đồng.

8.3 Địa điểm tắm Onsen nổi tiếng tại Việt Nam

Tắm Onsen tại Hà Nội bạn có thể tham khảo các địa chỉ như: GenkiLand Onsen & Spa tại quận Ba Đình hoặc SHIO Spa tại quận Hai Bà Trưng…

Tắm Onsen tại TP Hồ Chí Minh có thể tham khảo địa chỉ như: Alagon City Hotel & Spa (P. Bến Thành, Quận 1)...

Môt vài địa điểm nổi tiếng ở tỉnh thành khác như Công viên Núi Thần Tài (Đà Nẵng), Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), Serena Resort Kim Bôi (Hoà Bình).

9 Kết luận

Nhìn chung, tắm Onsen hay nước suối khoáng nóng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe về cả tinh thần và thể chất. Tuy nhiên cũng có những đối tượng không thích hợp để tắm khoáng nóng nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trước khi tắm Onsen tại Nhật Bản nên tìm hiểu về quy trình, những lưu ý và các nét độc đáo của văn hoá này để có sự trải nghiệm tuyệt với nhất. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc có những thông tin hữu ích về loại hình tắm Onsen.

10 Tài liệu tham khảo

Tác giả Jun-ichi Oyama và cộng sự (Ngày đăng 11 tháng 1 năm 2012) Hyperthermia by bathing in a hot spring improves cardiovascular functions and reduces the production of inflammatory cytokines in patients with chronic heart failure. Springer Link. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.

Tác giả Achamyelesh Gebretsadik và cộng sự (Ngày đăng 15 tháng 10 năm 2021) Balneotherapy for Musculoskeletal Pain Management of Hot Spring Water in Southern Ethiopia: Perceived Improvements. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.

Tác giả J Greiner 1, W Diezel (Ngày đăng tháng 11 năm 1990) [Inflammation-inhibiting effect of magnesium ions in contact eczema reactions]. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024

Tác giả Lolita Rapolienė 1, Artūras Razbadauskas 2, Antanas Jurgelėnas (Ngày đăng 19 tháng 3 năm 2015) The reduction of distress using therapeutic geothermal water procedures in a randomized controlled clinical trial. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.

Tác giả Vienna E. Brunt và cộng sự ( Ngày 30 tháng 6 năm 2016) Passive heat therapy improves endothelial function, arterial stiffness and blood pressure in sedentary humans. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024.

Tác giả Sara Cacciapuoti, và cộng sự (Ngày 22 tháng 9 năm 2020) The Role of Thermal Water in Chronic Skin Diseases Management: A Review of the Literature. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2024. 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    tắm bao nhiêu lần trong ngày là tốt?


    Thích (0) Trả lời 1
    • dạ bạn nên tắm từ 1-2 lần/ngày và mỗi lần dưới 10 phút sẽ tốt cho cơ thể ạ.

      Quản trị viên: Dược sĩ Hoàng Mai vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633