Tại sao phụ nữ có thai dễ bị táo bón? Các thuốc điều trị táo bón cho bà bầu
Trungtamthuoc.com - Tình trạng táo bón khi mang thai thường là một trong những vấn đề khó chịu mà hầu hết phụ nữ mang thai phải đối mặt. Ngoài ra, táo bón còn gây ra một số vấn đề nguy hiểm cho bà bầu. Vậy điều trị táo bón cho bà bầu như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1 Tại sao phụ nữ có thai dễ bị táo bón?
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi gây ra việc dễ bị táo bón như sau:
Thay đổi hormone: Cơ thể bạn sản sinh ra nhiều hormone Progesterone hơn khi bạn mang thai. Sự thay đổi lượng hormone progesterone, trong cơ thể phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Hormone này có tác động giãn cơ và có thể làm chậm quá trình di chuyển thức ăn qua đường ruột, góp phần tạo điều kiện cho táo bón.
Áp lực từ sự phát triển của thai nhi: Khi thai nhi ngày càng phát triển có thể tạo áp lực lên ruột của bà bầu, khiến chất thải khó di chuyển ra khỏi cơ thể hơn.
Bổ sung lượng Sắt dư thừa: Việc sử dụng nhiều thức ăn chứa sắt và dùng thực phẩm bổ sung sắt chưa đúng cách cũng có thể làm tăng khả năng tạo ra phân nặng và khô, góp phần gây ra tình trạng táo bón.
Thiếu chất xơ và nước: Một chế độ ăn chứa ít chất xơ và không bổ sung đầy đủ lượng nước trong ngày cũng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón.
Lối sống: Chế độ ăn uống và sự thay đổi lối sống, đặc biệt là việc giảm hoạt động thể chất, cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột.[1]
2 Triệu chứng táo bón ở phụ nữ có thai
Triệu chứng táo bón ở phụ nữ mang thai có thể bao gồm:
Ít đi đại tiện: Điều này có thể xuất hiện khi phụ nữ mang thai có ít hơn ba lần đi đại tiện mỗi tuần.
Khó chịu ở bụng dưới: Khi bị táo bón, mẹ bầu thường có cảm giác khó chịu, căng tức ở bụng trước khi đi vệ sinh hoặc sau khi ăn.
Đi ngoài ra máu: Cố gắng rặn khi đại tiện có thể gây nứt kẽ hậu môn và dẫn đến chảy máu, đau rát hậu môn. Bên cạnh đó có thể dẫn đến bệnh trĩ.
Chán ăn, buồn nôn: Táo bón cũng có thể gây ra một số rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu, khiến mẹ cảm thấy đầy bụng, chán ăn, buồn nôn.
3 Táo bón ở phụ nữ có thai qua các giai đoạn thai kỳ
3.1 Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ
Đây là giai đoạn mà cơ thể của mẹ bầu có nhiều thay đổi về sự thay đổi nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng, quá trình vận động hằng ngày. Táo bón ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng. Điều này có thể gây ra cơn đau bụng, sự khó chịu, đại tiện có thể đi kèm với máu, và cảm giác đau rát ở hậu môn.
3.2 Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ
Ở 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi dần phát triển, bụng bầu của mẹ dần to lên và có thể gây áp lực lên ruột khiến cho việc đi đại tiện khó khăn hơn. Ngoài ra việc bổ sung sắt dư thừa cũng có thể gây ra táo bón cho mẹ bầu trong giai đoạn này.
3.3 Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ
Gần 50% phụ nữ mang thai phải đối mặt với vấn đề táo bón, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Cũng như các giai đoạn trước, ở tam cá nguyệt thứ 3, nồng độ hormone nội tiết tố, đặc biệt là nồng độ hormone progesterone tăng cao. Thêm vào đó, đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ, kích thước của thai nhi lớn dẫn đến áp lực lên ruột, vận động khó khăn hơn, do đó mẹ bầu dễ bị táo bón. Nếu điều trị táo bón không đúng cách có thể gây ra đau bụng, đau rát hậu môn, đi cầu ra máu, thậm chí có thể sinh non hoặc sẩy thai.
4 Táo bón ở phụ nữ có thai có nguy hiểm không?
Táo bón ở phụ nữ mang thai là một vấn đề phổ biến và thường không gây nguy hiểm cho mẹ bầu nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, táo bón có thể tạo ra một số rắc rối và không thoải mái cho bà bầu.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng khi mang thai thường xuất phát từ tình trạng táo bón. Bà bầu có thể trải qua cảm giác đầy bụng, buồn nôn, khó đại tiện, dẫn đến chán ăn và giảm khẩu phần dinh dưỡng, gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt có thể gây suy dinh dưỡng cho thai nhi.
Ngoài ra, việc bị táo bón khi mang thai còn mang theo nhiều nguy cơ khác, bao gồm nguy cơ sảy thai do việc đại tiện khó khăn và mệt mỏi, mẹ thường dễ cáu gắt, lo lắng. Tình trạng táo bón lâu dài cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như trĩ, viêm đại tràng. Đặc biệt, táo bón có thể tạo điều kiện cho sự tích tụ của các chất độc hại trong ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, có thể gây nhiễm độc mãn tính và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
5 Cách trị táo bón cho phụ nữ có thai tại nhà
Khi bị táo bón, việc quan trọng nhất vẫn là áp dụng các phương pháp trị táo bón tại nhà, bằng cách thay đổi sinh hoạt và lối sống mà không dùng thuốc. Một số phương pháp mà bà bầu có thể áp dụng là:
Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ: Mẹ bầu nên tiêu thụ từ 25 đến 30 gam chất xơ mỗi ngày từ trái cây, rau, ngũ cốc ăn sáng, bánh mì nguyên hạt, giúp tăng khối lượng phân và tạo điều kiện thuận lợi để chúng di chuyển qua ruột.
Uống nhiều nước: Uống đủ nước là một cách “nhỏ mà có võ” trong việc phòng ngừa táo bón cho phụ nữ có thai. Mẹ bầu nên uống 10 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Hạn chế các thức uống như cafe, nước ngọt, nước có ga
Tập thể dục thường xuyên: Việc không vận động nhiều sẽ khiến cho nguy cơ bị táo bón cao hơn. Mẹ bầu nên đi bộ, và tập một số bài tập yoga vừa phải để kích thích ruột tốt hơn thay vì ngồi một chỗ quá lâu. Nên tập thể dục tối thiểu ba lần một tuần, mỗi lần 20-30 phút.
Bổ sung sắt đúng cách: Khi mang thai, mẹ bầu rất chú trọng đến việc bổ sung sắt. Tuy nhiên chất bổ sung sắt có thể góp phần gây táo bón. Do đó, chia nhỏ liều lượng sắt uống trong ngày thay vì uống hết cùng một lúc và chọn dạng bào chế dễ hấp thu có thể làm giảm táo bón.
Lựa chọn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa: Bổ sung một số thực phẩm như cà rốt, chuối, Đu Đủ chín, khoai lang, bí đỏ,... vào chế độ ăn hàng ngày của bà bầu giúp cải thiện hệ tiêu hóa, từ đó giúp hạn chế táo bón trong quá trình thai kỳ của bà bầu.[2]
Bổ sung probiotics: Probiotic giúp cân bằng vi khuẩn trong ruột, cung cấp sự hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Một số probiotic có thể tăng sản xuất các chất béo có lợi, như acid béo béo, có thể giúp làm mềm phân và tăng độ đàn hồi của ruột.
Giữ cho tinh thần thoải mái: hạn chế stress, lo âu, mệt mỏi, luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan sẽ giúp giảm triệu chứng táo bón ở mẹ bầu.
Có thể sử dụng các phương pháp này để trị táo bón cho bà bầu 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối thai kỳ.
6 Các thuốc trị táo bón cho phụ nữ mang thai
Quy tắc điều trị táo bón cho phụ nữ có thai ở các giai đoạn thai kỳ 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối là giống nhau. Ưu tiên điều trị táo bón bằng các phương pháp không dùng thuốc tại nhà. Nếu sau khi áp dụng các phương pháp trị táo bón tại nhà không hiệu quả, mẹ bầu có thể cân nhắc điều trị bằng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Sau đây là một số nhóm thuốc trị táo bón mà phụ nữ mang thai có thể sử dụng.[3]
6.1 Thuốc nhuận tràng tạo khối
Cơ chế hoạt động: Chất tạo khối có cơ chế như chất bổ sung chất xơ, đây là những hợp chất làm tăng kích thước phân và giúp phân hấp thụ nhiều nước hơn. Do đó phân sẽ trở nên mềm hơn, lớn hơn và giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Chất tạo khối được coi là an toàn khi sử dụng lâu dài trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu như đầy hơi, chướng bụng và chuột rút.
Các thuốc nhuận tràng tạo khối có thể sử dụng cho bà bầu như: Psyllium (Colon Care), Canxi polycarbophil (Fibercon), Methylcellulose (Citrucel).
Tên thuốc | Liều dùng |
Psyllium (Colon Care) | Liều 1 đến 2 viên/ngày, uống trước khi ngủ. |
Canxi polycarbophil (Fibercon) | Liều 1g x 1-4 lần/ngày |
Methylcellulose (Citrucel) | Liều 1–2g x 1-3 lần/ngày |
6.2 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu được coi là sự lựa chọn thứ hai trong việc điều trị táo bón ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thuốc tạo khối không mang lại hiệu quả.
Nhóm thuốc này có chức năng hút nước vào ruột, dẫn đến tăng lượng nước trong phân và thúc đẩy nhu động ruột. Lượng nước tăng lên trong ruột sẽ làm mềm phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Một số thuốc nhuận tràng thẩm thấu như: Lactulose (Duphalac), Sorbitol (Sorbitol Delalande 5g), Polyethylene glycol (Forlax 10g)
Tên thuốc | Liều dùng |
Lactulose (Duphalac) | Liều khởi đầu: 15-45 ml, tương ứng 1-3 gói Liều duy trì: 15-30 ml, tương ứng 1-2 gói |
Sorbitol (Sorbitol Delalande 5g) | Liều dùng 1 gói/lần, uống vào buổi sáng lúc đói |
Polyethylene glycol (Forlax 10g) | Liều dùng 1 đến 2 gói mỗi ngày |
Tuy nhiên, khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu và kích thích trong thời gian ngắn hoặc thỉnh thoảng để tránh tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng điện giải ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra khi sử dụng nhóm thuốc này có thể có một số tác dụng phụ như đầy hơi và chướng bụng.
6.3 Thuốc làm mềm phân
Thuốc làm mềm phân hoạt động như một chất làm giảm sức căng bề mặt của khối phân, giúp nước dễ thấm vào, làm cho phân trở nên mềm hơn và dễ dàng đào thải ra ngoài. Thuốc được sử dụng trong nhóm thuốc này là Docusate (Colace) với liều dùng từ 50 đến 300mg mỗi ngày, chia ra 1 đến 4 liều.
Docusate được coi là an toàn khi sử dụng và chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng phụ khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên đã có trường hợp báo cáo về việc bà mẹ sử dụng natri docusate lâu dài trong suốt thai kỳ, có liên quan đến triệu chứng hạ Magie máu ở trẻ sơ sinh. Do đó thuốc chỉ nên sử dụng thời gian ngắn khi bị táo bón.
6.4 Thuốc nhuận tràng bôi trơn
Cơ chế hoạt động của thuốc này thường liên quan đến việc tạo ra một lớp màng trơn tru để giảm ma sát khi tiếp xúc với các bề mặt trong cơ thể, từ đó phân được đào thải dễ dàng khi đại tiện. Dầu khoáng ( Fleet Enema ) là thành phần chính của nhóm này. Mẹ bầu có thể sử dụng thuốc bằng cách thụt trực tràng 1 lần mỗi ngày. Thường, thuốc nhuận tràng dạng bôi trơn thường bắt đầu có tác dụng trong khoảng 6-8 giờ sau khi sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng lâu dài không được khuyến khích do có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc và gây thiếu hụt một số loại vitamin quan trọng như A, D, E và K cho cơ thể. Nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như chuột rút, đau dạ dày.
6.5 Thuốc nhuận tràng kích thích
Đây là nhóm thuốc trị táo bón với cơ chế kích thích sự co bóp của cơ trong ruột, giúp phân dễ di chuyển qua ruột một cách thuận tiện hơn.
Thuốc nhuận tràng kích thích được sử dụng phổ biến là Bisacodyl (Dulcolax 5mg, Bisacodyl DHG). Liều dùng của thuốc này là 5-10mg vào buổi tối, có thể tăng liều lên 15-20mg nếu cần thiết.
Bisacodyl không gây ra nguy cơ dị tật ở thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể gặp các tác dụng phụ khó chịu như đau bụng khi sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích. Thêm vào đó trong một số trường hợp,việc sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích khi điều trị táo bón có thể gặp phải tình trạng co thắt tử cung và sử dụng nhóm thuốc này kéo dài có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải.
7 Thuốc nhuận tràng nào không dùng cho phụ nữ có thai?
Nhóm thuốc nhuận tràng được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ có thai bao gồm nhuận tràng tạo khối và nhuận tràng thẩm thấu. Nên hạn chế việc sử dụng thuốc nhuận tràng làm trơn, nhuận tràng làm mềm phân, và tránh sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích, vì chúng có thể tăng co bóp tử cung và gây ra một số tác dụng phụ cho mẹ bầu. Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích cũng không được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng trước khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai bị táo bón, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Yoga trị táo bón cho bà bầu
Như đã trình bày, tăng cường vận động là một trong những phương pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa táo bón cho bà bầu, trong đó yoga là một bài tập không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu mà còn giảm được các triệu chứng táo bón trong thai kỳ. Mẹ có thể tập một số bài tập yoga nhẹ nhàng như Tư thế cánh bướm, tư thế tam giác, tư thế chiến binh, tư thế con mèo, con bò,...Nên tập yoga khoảng 30 phút mỗi buổi, tối thiểu 3 buổi/ lần.
Xem thêm về cách tập các động tác tại: Yoga có lợi như thế nào đối với bà bầu? Các bài tập yoga hiệu quả cho bà bầu
Lưu ý khi tập yoga mẹ nên tránh các động tác có độ khó cao, đòi hỏi nhảy hay bật lên, các động tác vặn, xoắn người hay làm tăng nhiệt độ quá cao cho cơ thể, vì sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi.
8 Kết luận
Phương pháp điều trị táo bón đầu tiên cho phụ nữ có thai vẫn là thay đổi lối sống sinh hoạt và ăn uống bằng cách:
- Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày
- Uống đủ nước
- Tăng cường vận động hằng ngày
- Thay đổi cách bổ sung sắt
Nếu những cách này không hiệu quả, thuốc nhuận tràng là phương pháp điều trị thứ hai. Bởi vì hầu hết các thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng tức thời, không thể điều trị triệt để táo bón, ngoài ra có thể gây một số tác dụng phụ cho mẹ bầu như chuột rút, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, mất cân bằng điện giải, co thắt dạ dày. Do đó khuyến cáo thuốc điều trị táo bón cho mẹ bầu chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của Cleveland Clinic (Ngày đăng 10/19/2021), Pregnancy Constipation: Pain, Causes, Treatments & Relief, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2024
- ^ Chuyên gia của NHS (Ngày đăng 8 tháng 3 năm 2021), Common health problems in pregnancy, NHS. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2024
- ^ Tác giả Magan Trottier và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2012), Treating constipation during pregnancy - PMC , NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2024