Tại sao phải dạy con tự lập sớm? Cách dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ
Trungtamthuoc.com - Một trong những mục tiêu nuôi dạy con cái hàng đầu đối với mỗi ông bố bà mẹ là rèn luyện cho trẻ tính tự lập. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Bài viết dưới đây Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những cách dạy con tự lập ngay từ khi trẻ còn nhỏ
1 Tự lập là gì?
Tự lập có thể hiểu theo cách đơn giản là tự làm mọi thứ, tự suy nghĩ và đưa ra quyết định, hành vi phù hợp với những tình huống xảy ra trong cuộc sống mà không cần phụ thuộc vào những người xung quanh.
Tự lập là một trong những phẩm chất không thể thiếu trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống. Rèn luyện tính tự lập giúp con hình thành thói quen chủ động trong cả suy nghĩ và hành động, biết chủ động giải quyết vấn đề, biết tự động viên bản thân khi gặp phải khó khăn.
2 Có nên cho trẻ tự lập từ sớm?
Tính tự lập có thể được hình thành trong mọi giai đoạn của cuộc đời, tuy nhiên, vì đây là một đức tính có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống sau này của con do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên dạy con tính tự lập càng sớm càng tốt.
Dạy con tự lập là một hành trình không hề dễ dàng đối với các bậc làm cha mẹ, nhưng việc hình thành tính tự lập lại giúp ích cho con rất nhiều trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.
Có nhiều trường hợp trên thực tế khi đã trưởng thành nhưng vẫn chưa xây dựng được tính tự lập cho bản thân, vẫn dựa dẫm vào những người xung quanh, điều này xảy ra cũng một phần do cha mẹ quá bao bọc con cái. Điều này nếu kéo dài, trẻ sẽ dễ hình thành tâm lý ỷ lại, khó nêu ra quan điểm trong cuộc sống đồng thời thiếu hụt kỹ năng giải quyết tình huống, không dám đương đầu với thử thách. [1]
2.1 Đối với con
Trẻ nhỏ là giai đoạn dễ uốn nắn và tiếp thu những thứ mới lạ xung quanh, do đó, việc dạy con tính tự lập từ sớm giúp con phát triển tư duy độc lập, hình thành các thói quen tốt trong cuộc sống như chủ động trong việc học tập, vệ sinh cá nhân, giúp đỡ cha mẹ. Khi lớn lên, con tự tin và chín chắn hơn trong các suy nghĩ và hành động của mình.
2.2 Đối với cha mẹ
Việc nuôi dạy một đứa trẻ có tính tự lập dễ dàng hơn rất nhiều, cha mẹ lúc này đóng vai trò là người góp ý, đưa lời khuyên cho con nếu cần thiết, không cần tham gia quá nhiều vào cuộc sống của con, để con tự đưa ra quyết định của mình.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, tự lập không đồng nghĩa với việc để trẻ tự giải quyết mọi công việc ngoài khả năng của con. Cha mẹ nên là người đồng hành với con, đưa ra quan điểm của mình để giúp trẻ có quyết định đúng đắn nhất.
Nhìn chung, với những đứa trẻ được rèn luyện tính tự lập từ sớm có khả năng phát triển tư duy một cách tối đa, đem lại nhiều cơ hội phát triển trong tương lai đồng thời biết cách chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm mà con phạm phải.
3 Lợi ích của việc dạy con tính tự lập
3.1 Giúp con hình thành suy nghĩ độc lập
Tự lập giúp hình thành những thói quen tốt. Những đứa trẻ có tính cách tự lập thường có suy nghĩ độc lập, không muốn dựa dẫm vào người khác, tự tìm cách giải quyết vấn đề và tự nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau để tìm được phương án tối ưu nhất.
3.2 Xây dựng sự tự tin ở trẻ
Xây dựng sự tự tin ở trẻ rất quan trọng, một đứa trẻ tự tin có xu hướng thích tìm tòi, học hỏi những kỹ năng mới, trong khi những đứa trẻ kém tự tin hơn thường gặp khó khăn khi bắt đầu làm một việc gì đó. Khi đứa trẻ thấy mình có khả năng học được một kỹ năng mới, tự mình làm mọi việc hoặc tự hoàn thành mọi việc theo cách mình muốn, những đứa trẻ đó sẽ ngày càng tự tin hơn. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành được tính cách tự tin, dám đối đầu với những thử thách trong cuộc sống.
3.3 Hình thành tính sáng tạo
Tự lập giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, mở rộng khả năng suy nghĩ, giúp con có cái nhìn đa chiều và chủ động giải quyết vấn đề của mình mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.
3.4 Xây dựng lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm với bản thân
Khi đã xây dựng được tính tự lập, trẻ sẽ có ý thức hơn, nâng cao trách nhiệm của bản thân, xây dựng kế hoạch cho riêng mình, tự đưa ra mục tiêu để phát triển.
3.5 Phát triển kỹ năng mềm
Một đứa trẻ được xây dựng tính tự lập từ sớm, trẻ dần có xu hướng tạp lập cho mình các thói quen tốt trong cuộc sống. Trẻ chủ động hoàn thành những công việc của bản thân mình và giúp đỡ cha mẹ, thúc đẩy sự tự tin, nỗ lực để vượt qua khó khăn,...
Tự lập giúp trẻ biết tự chăm sóc cho bản thân, tự làm những việc trong khả năng như tự vệ sinh cá nhân, tự phục vụ các nhu cầu khác của mình,...
3.6 Phát triển khả năng xử lý vấn đề
Tự lập không khuyến khích con người dựa dẫm hay phụ thuộc vào những người xung quanh, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề của riêng mình. Lâu dần, thói quen này giúp trẻ nhận thức được vấn đề bản thân đang gặp phải, nhìn nhận nó một cách đa chiều và đưa ra biện pháp xử lý vấn đề một cách tối ưu nhất.
3.7 Tự chủ trong hành động và suy nghĩ
Một đứa trẻ có suy nghĩ tự lập thường chủ động hơn trong hành động và suy nghĩ của bản thân, tự xây dựng kế hoạch và cố gắng để đạt được những mục tiêu mà bản thân đặt ra.
Tự lập giúp trẻ bớt phụ thuộc vào cha mẹ, tự phát huy được khả năng của mình thông qua quá trình rèn luyện hàng ngày.
3.8 Giúp trẻ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội
Việc hình thành thói quen tự lập giúp trẻ trở thành một con người có ích cho xã hội. Trẻ luôn ở trạng thái chủ động học tập, tìm tòi, khám phá những thứ mới mẻ, giúp con tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Nếu không có tính tự lập, trẻ dần mất đi phương hướng trong cuộc sống nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ hoặc những người xung quanh từ đó, nếu gặp khó khăn thường dễ xuất hiện tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc.
3.9 Giúp trẻ thích nghi với môi trường sống thay đổi
Nhờ khả năng tự chủ trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày, trẻ dễ dàng thích nghi với cuộc sống, điều kiện sống thay đổi đặc biệt là khi trẻ chuyển nơi ở, chuyển lớp học,...
4 Cách dạy con tự lập theo độ tuổi
Trẻ nhỏ thường hình thành các thói quen khác nhau tùy theo độ tuổi phát triển của bản thân, do đó, cha mẹ có thể dạy con tính tự lập theo độ tuổi, giúp con dễ dàng tiếp thu và vận dụng.
Hành trình dạy con tự lập thường bắt đầu bởi những hoạt động nhỏ nhất ngay từ những năm đầu đời. Cha mẹ đóng vai trò là người hướng dẫn, đồng hành cùng với con để giúp con sớm phát triển tư duy độc lập, chủ động trong mọi việc.
4.1 Đối với trẻ từ 1-2 tuổi
Trẻ bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh nhiều hơn, các giác quan cũng phát triển mạnh mẽ, con bắt đầu học theo những thứ mà cha mẹ làm hàng ngày. Ở giai đoạn này, mẹ có thể dạy con tự lập trong ăn uống (cho con quyết định đồ ăn mà con muốn ăn), dạy con cách cầm thìa hoặc bàn chải đánh răng để con có thể tự phục vụ bản thân.
4.2 Đối với trẻ từ 2-3 tuổi
Trẻ thích thú đối với việc bắt chước các hành động của ông bà cha mẹ và những người xung quanh, thích tìm tòi, khám phá, vượt qua giới hạn của bản thân. Ở thời điểm này, cha mẹ cần gương mẫu để con noi theo, cho con quyết định mặc quần áo, lựa chọn đồ ăn mà con thích, cha mẹ cũng nên dạy con cách rửa tay, đi vệ sinh sao cho đúng cách.
4.3 Cách dạy trẻ 4 tuổi tự lập
Đây là giai đoạn vàng để dạy con cách quản lý thời gian, mẹ để con tự rửa mặt, đánh răng, chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp để con hình thành thói quen chủ động, tự lập trong cuộc sống.
Mẹ cùng con có thể lên kế hoạch công việc cụ thể hàng ngày để con làm theo.
4.4 Đối với trẻ từ 5-6 tuổi
Tính tự lập ở giai đoạn này sẽ bộc lộ và phát triển mạnh mẽ nếu cha mẹ cho con tự làm chủ mọi hoạt động. Ở thời điểm này, cha mẹ nên cho con tự sắp xếp thời gian, lên kế hoạch học tập, vui chơi sao cho phù hợp.
5 8 cách dạy con tự lập của người Nhật
5.1 Rèn luyện tính tự giác
Một trong những phương pháp dạy con của người Nhật là rèn luyện tính tự giác cho trẻ ngay từ khi con còn nhỏ, đây sẽ là hành trang theo con suốt cuộc đời.
Trẻ nhỏ được dạy tính tự lập từ những việc nhỏ nhất như cách cầm đũa, cách chào hỏi người lớn, cách cảm ơn và xin lỗi, trẻ cũng được học cách dọn dẹp đồ chơi, giúp đỡ cha mẹ và ông bà hàng ngày.
5.2 Khuyến khích con phát huy năng lực của bản thân
Trẻ em được khuyến khích tham gia các hoạt động tập thể, phát huy thế mạnh của riêng mình, tạo điều kiện cho con thực hiện đam mê của bản thân.
Ngoài việc học tập trên trường, cha mẹ Nhật cũng rất chú trọng phát triển năng lực của con vì họ tin rằng, mỗi đứa trẻ đều là những cá thể độc lập và có những thế mạnh không giống nhau.
5.3 Dạy con tôn trọng người khác
Cha mẹ Nhật hướng dẫn con cách cư xử khi gặp những tình huống khác nhau trong cuộc sống. Thay vì gay gắt, nóng giận, trẻ em Nhật Bản được dạy dỗ để cư xử một cách lịch sự và khéo léo, giúp con dễ dàng giải quyết những bất đồng quan điểm trong cuộc sống.
Tại Nhật, không có sự phân biệt đối xử trong các lớp học, trẻ em Nhật luôn được học cách tôn trọng người khác bất kể xuất thân gia đình và tầng lớp xã hội.
Trẻ nhỏ được dạy cúi đầu khi cảm ơn, xin lỗi hoặc khi chào hỏi người lớn tuổi.
5.4 Không dạy con ở nơi công cộng
Một trong những nguyên tắc của cha mẹ Nhật là không dạy dỗ hoặc la mắng con ở nơi công cộng, điều mà rất nhiều phụ huynh Việt mắc phải. Việc la mắng trẻ ở những nơi công cộng dễ hình thành tính cách tự ti, nhút nhát, khiến con bị áp lực. Điều này cũng giúp cho trẻ hiểu rằng, trẻ cần tôn trọng không gian chung và có những hành động cũng như cư xử đúng mực ở nơi công cộng.
5.5 Dạy con về lòng biết ơn
Câu cảm ơn và cúi đầu khi cảm ơn là văn hóa tốt đẹp mà trẻ em Nhật được dạy ngay từ khi con nhỏ.
Thông qua việc dạy con về lòng biết ơn, trẻ em Nhật biết cách tôn trọng những giá trị mà người khác tạo ra, biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.
5.6 Không gây áp lực khi trẻ làm sai
Đứa trẻ nào cũng có thể mắc sai lầm ở bất cứ độ tuổi nào, do đó, thay vì chỉ trích con, cha mẹ Nhật thường tế nhị, dạy con một cách nhẹ nhàng, cho con những lời khuyên cần thiết, tìm hiểu nguyên nhân con mắc sai lầm, cùng con thảo luận và tìm ra hướng giải quyết.
5.7 Khen ngợi khi con làm tốt
Điều này giúp trẻ phát triển được tâm lý tự tin, giúp con mạnh mẽ đối mặt với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
5.8 Cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh
Cha mẹ Nhật dạy con cách tự bảo vệ bản thân khi bị người khác đánh, tìm kiếm những nơi an toàn hoặc sự giúp đỡ của người khác sau đó mới tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những phương án giải quyết.
6 Cách dạy con tự lập phù hợp với Việt Nam
Ngoài phương pháp dạy con tự lập theo độ tuổi, phương pháp dạy con của người Nhật, dưới đây là những phương pháp dạy con mà cha mẹ có thể áp dụng ở mọi độ tuổi để con hình thành được tính cách tự lập, chủ động trong cuộc sống.
6.1 Tôn trọng, tin tưởng con
Trẻ ở giai đoạn nào cũng cần được tôn trọng, có ý kiến riêng của mình. Do đó, khi dạy con tính tự lập, cha mẹ cũng cần tôn trọng sở thích cá nhân, năng lựa của con, trao cho con quyền làm chủ, tự quyết định những việc nằm trong khả năng của mình.
Ví dụ: Con có thể lựa chọn màu sắc quần áo mà con yêu thích, học những môn học phù hợp với năng khiếu của con, lựa chọn món ăn mà con cảm thấy ngon miệng, tham gia những hoạt động mà con thích thú,...
Ngay cả khi con không làm theo những yêu cầu của cha mẹ, cha mẹ cũng không nên tỏ ra thái độ bực bội hay trách móc con, tôn trọng con trong mọi hoàn cảnh, dành thời gian nói chuyện, hướng dẫn cho con nghe, nêu lý do tại sao cha mẹ muốn con làm như vậy.
Luôn quan sát con, đặc biệt là khi con còn nhỏ, chỉ giúp đỡ con khi con thực sự gặp khó khăn ngoài khả năng giải quyết của con.
6.2 Dạy con kỹ năng sống cơ bản, tự chăm sóc bản thân
Một trong những yếu tố của tính tự lập là con biết tự chăm sóc bản thân, hình thành được những kỹ năng sống cơ bản. Do đó, cha mẹ cần:
- Dạy con cách tự vệ sinh cá nhân, tự cất đồ chơi, tự cầm đũa, thìa xúc ăn,...
- Dạy con cách giao tiếp với những người xung quanh (biết chào hỏi, nói lời cảm ơn và xin lỗi,...).
- Dạy con giúp đỡ, tôn trọng người khác: Giúp cha mẹ làm việc nhà, giúp ông bà khi cần thiết.
- Dạy con cách quản lý thời gian học, chơi hoặc khi tham gia các hoạt động khác.
- Dạy con kỹ năng phòng tránh nguy hiểm.
- Dạy con chủ động học tập, tìm tòi những thứ mới mẻ.
6.3 Xây dựng thời gian biểu giúp rèn luyện tính tự lập
Tự lập là thói quen, phẩm chất không thể hình thành trong thời gian ngắn mà cần quá trình rèn luyện hàng ngày. Xây dựng thời gian biểu là cơ hội để con phát triển tính tự lập, duy trì những thói quen sinh hoạt tốt, biết chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.
Thời gian biểu của con nên được xây dựng cụ thể, theo từng khung giờ, từng ngày để con biết được mình cần phải làm gì. Đối với những trẻ lớn, cha mẹ có thể dạy con cách rửa bát, phụ giúp cha mẹ dọn nhà, nấu cơm,...
Việc xây dựng thời gian biểu cụ thể cũng là một trong số những kỹ năng tự lập cho học sinh tiểu học rất phổ biến.
6.4 Thường xuyên trò chuyện với con
Thường xuyên nói chuyện với con để tạo môi trường gần gũi, khuyến khích con chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, đồng hành cùng con để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thay con giải quyết những khó khăn mà hướng dẫn con nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau để con tự giải quyết.
6.5 Làm gương cho con
Trẻ từ 0 đến 6 tuổi thường có khả năng bắt chước những thứ chúng quan sát được một cách rất nhanh. Trẻ thường bắt chước hành động, lời nói của những người xung quanh. Do đó, cha mẹ sẽ là tấm gương để trẻ noi theo. Cha mẹ có thể thực hiện những hành động đơn giản như tự vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp sau khi ăn xong, có lời nói tôn trọng trẻ, tôn trọng những người xung quanh, đọc sách, làm việc, nghỉ ngơi đúng giờ,...để trẻ noi theo.
6.6 Đồng hành cùng con
Những đứa trẻ sẽ rất thích thú khi được cha mẹ chơi cùng hoặc làm cùng bởi vì trẻ sẽ luôn có cảm giác cha mẹ đồng hành và bản thân không bị bỏ lại một mình. Khi học hoặc chơi cùng con, trẻ cũng dễ học được những thói quen tốt của cha mẹ bao gồm những hành động, cử chỉ và lời nói.
6.7 Khích lệ con mỗi ngày
Dạy trẻ tính tự lập không chỉ đơn thuần là dạy con kỹ năng mà còn là cách để cha mẹ gần gũi con. Việc khích lệ khi con làm đúng, làm tốt giúp con hình thành được sự tự tin, động lực, bản lĩnh để con đối mặt với những thử thách khó khăn hơn trong cuộc sống.
Mỗi đứa trẻ đều giống như những tờ giấy trắng, những viên đá nhỏ mà cha mẹ cần rèn rũa, dạy bảo mỗi ngày. Nếu cha mẹ tạo điều kiện để con phát triển, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ tự lập trong cuộc sống.
7 Sách dạy con tự lập
Trong hành trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ không chỉ tham khảo ý kiến của những người đi trước mà có thể tìm đọc những cuốn sách dạy con tự lập để kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn hàng ngày, giúp cha mẹ tự tin hơn trong quá trình nuôi dạy con cái.
Cha mẹ Nhật dạy con tự lập của tác giả Sugahara Yuko là một trong số những cuốn sách dạy con tự lập của người Nhật nổi tiếng được nhiều cha mẹ tìm mua và học hỏi.
8 Những lưu ý khi dạy con tự lập
Dạy con là một hành trình dài, trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn riêng. Dưới đây là một số lưu ý đối với cha mẹ khi dạy con tự lập:
- Hãy lựa chọn phương pháp hợp lý: Mỗi giai đoạn, mỗi thời đại sẽ có những phương pháp dạy con khác nhau. Cha mẹ hãy là những người hiểu biết, bản lĩnh, kiên trì theo phương pháp mà mình đã lựa chọn để dạy con hàng ngày, giúp con hình thành được thói quen tốt cho bản thân.
- Cha mẹ cần kiên nhẫn trong quá trình dạy con: Ngoài việc khuyến khích trẻ tự lập trong những hoạt động hàng ngày, chính cha mẹ cũng là những đối tượng cần rèn luyện tính kiên nhẫn, theo dõi con trong từng hành động, không nên làm thay con mà hãy trở thành những người bạn đồng hành cùng con.
- Không làm thay con, không giúp đỡ con: Một trong những nguyên tắc khi dạy trẻ tự lập là cha mẹ không nên làm thay con, không giúp đỡ con nếu con vẫn có thể tự giải quyết vấn đề của mình. Việc làm thay con sẽ khiến con hình thành thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Nhiều cha mẹ với tâm lý con còn quá nhỏ, không thể tự làm được bất kỳ việc gì. Tuy nhiên, tự lập là đức tính nên được rèn luyện sớm, cha mẹ có thể giúp con hình thành thói quen bằng những công việc phù hợp với độ tuổi và khả năng của con.
- Không nên coi thất bại của con là vấn đề lớn: Ai cũng có những sai lầm và thất bại, do đó thay vì chán nản, cha mẹ nên là nguồn động lực động viên con cố gắng trong những lần tiếp theo.
9 Kết luận
Tự lập là một đức tính tốt, dạy con tự lập nên được bắt đầu sớm. Cha mẹ nên lựa chọn phương pháp dạy con tự lập sao cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Lynnda M. Dahlquist và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2015). Parenting and Independent Problem-Solving in Preschool Children With Food Allergy, NCBI. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2024