Tại sao không nên uống sữa khi đói? Uống sữa thay bữa sáng có được không?
Một số chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, không được uống sữa vào lúc đói, vì khi đó bạn có thể bị đau bụng hoặc tiêu chảy. Điều này có thực sự đúng không? Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về vấn đề có nên uống sữa khi đói không.
1 Sữa là một loại thực phẩm đặc biệt
Sữa là một trong những loại thực phẩm dùng hàng ngày khá đặc biệt. Cụ thể, sữa có dạng lỏng nhưng lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tựa như một bữa ăn cho cơ thể. Trên thực tế, 1 cốc sữa (240ml) nguyên chất chứa:
- 149 Calo
- 8 gam chất đạm
- 8 gam chất béo
- 12 gam tinh bột
- 21% nhu cầu Canxi hàng ngày
- 6% nhu cầu Magie hàng ngày
- 16% nhu cầu Vitamin D hàng ngày
Ngoài ra, sữa từ động vật có vú còn có chứa đường lactose. Lượng Lactose trong sữa mẹ là khoảng 7% còn trong sữa bò là khoảng 4-5%.
Với nguồn dinh dưỡng lớn này, hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và hấp thu chúng. Tuy nhiên, vì ở dạng lỏng nên thời gian di chuyển của sữa bị rút ngắn hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác như thịt hay trứng. [1]
2 Tại sao không nên uống sữa khi đói?
Sữa là nguồn thức ăn đầu tiên của em bé khi mới chào đời, nếu em bé khóc vì đói thì mẹ sẽ cho em bú. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành thì sữa có phải là một món ăn lý tưởng khi đói không?
2.1 Sữa là một bữa ăn 'khó' khi đói
Nhiều thường xuyên bị vội vàng vào buổi sáng và họ thường uống tạm một cốc sữa trước khi ra khỏi nhà. Vấn đề này gây ra nhiều tranh cãi, rằng uống sữa thay bữa sáng có tốt không.
Theo các chuyên gia, bắt đầu buổi sáng với chỉ một ly sữa không phải là lựa chọn hay. Như đã nói ở trên, sữa là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn uống chúng khi trong bụng chẳng có gì cả, thì sữa sẽ nhanh chóng trôi tuột xuống ruột mà chưa kịp tiêu hóa hết tại dạ dày.
Cụ thể, khi vừa thức dậy, trong dạ dày không có vị trấp từ các loại thức ăn đã được tiêu hóa và khi bụng đói, nhu động tiêu hóa sẽ chuyển động nhanh hơn. Do vậy, các chất dinh dưỡng trong sữa không được tiêu hóa hết tại dạ dày mà sẽ nhanh chóng đi thẳng xuống ruột non rồi tới ruột già. .
Tại ruột già, hệ vi khuẩn sẽ ăn các chất dinh dưỡng này và tạo ra một lượng khí lớn gây đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, các chất đạm, chất béo,... khi xuống ruột sẽ tăng kéo nước vào trong lòng ruột và có thể dẫn đến tiêu chảy. Vì vậy mà nhiều người uống sữa khi đói bị buồn nôn, bị đau bụng và đi ngoài. [2]
2.2 Một số người lớn không tiêu hóa được lactose trong sữa
Trong sữa của động vật có vú nói chung có chứa một loại đường ở dạng lactose. Và một số người bị mắc chứng không dung nạp lactose có thể không tiêu hóa được hoàn toàn lượng đường trong sữa. Kết quả là họ bị tiêu chảy, đầy hơi và khó tiêu sau khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa. Tình trạng này thường vô hại nhưng các triệu chứng của nó có thể gây khó chịu.
Giải thích cho chứng không dung nạp lactose, đó là tình trạng một số người có quá ít enzyme lactase - một enzyme được sản xuất tại ruột non và có vai trò chính trong việc phân giải đường sữa.
Thông thường, men lactase sẽ biến đường sữa thành 2 loại đường đơn là Glucose và galactose để dễ dàng hấp thu vào máu qua niêm mạc ruột. Nếu mức độ lactase của bạn quá thấp, đường lactose sẽ di chuyển đến ruột già mà không được xử lý. Tại ruột kết, các vi khuẩn sẽ ăn lượng đường sữa này và sinh ra các khí độc gây đầy chướng bụng. Ngoài ra, sự có mặt của lactose trong ruột kết sẽ kéo thêm nhiều nước vào lòng ruột và gây tiêu chảy.
Đây là lý do tại sao một số người uống sữa lại bị buồn nôn, tiêu chảy, đầy bụng,... bất kể lúc đói hay lúc no.
Vậy tại sao, có một số người khi còn bé vẫn bú sữa mẹ mà khi lớn lên thì không uống được sữa nữa? Điều này được giải thích dựa vào quá trình phát triển của con người.
Cụ thể, ở độ tuổi sơ sinh, nguồn thức ăn chính hoặc duy nhất của các bé là sữa nên lượng enzyme lactase mà cơ thể tiết ra rất dồi dào. Khi lớn lên, trẻ bắt đầu học ăn các thực phẩm khác như cơm, rau xanh, thịt cá,... Lúc này, cơ thể bắt đầu giảm sản xuất enzyme lactase mà thay vào đó là các enzyme tiêu hóa chất đạm, chất béo,... như Protease, Lipase,...
Ở đa phần người trưởng thành, lượng enzyme lactase có giảm nhưng vẫn đủ để tiêu hóa lượng sữa trong chế độ ăn uống điển hình của nhóm người này. Tuy nhiên, có một số người, mức lactase giảm xuống quá nhiều khiến sữa trở thành một loại thực phẩm khó tiêu hóa với họ, đặc biệt là khi đói bụng. [3]
3 Nên uống sữa vào lúc nào trong ngày?
Không có khuyến nghị chính thức nào về thời điểm uống sữa trong ngày. Tuy nhiên, một số bác sĩ khuyên nên uống sữa cùng hoặc sau bữa ăn.
Một ly sữa sau bữa ăn trưa hoặc ăn tối sẽ cung cấp chất dinh dưỡng một cách an toàn cho cơ thể. Còn nếu bạn muốn uống sữa vào buổi sáng, hãy ăn nhẹ một món gì đó trước. Chất đạm hoặc tinh bột là những bữa ăn được ưu tiên hơn cho buổi sáng.
Ngoài ra, việc uống sữa vào buổi tối có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, giấc ngủ được kéo dài hơn.
>>> Xem thêm: Người ốm có ăn được thịt chó không? Bị bệnh gì không nên ăn thịt chó?
Tóm lại, việc uống sữa vào lúc đói có thể làm lãng phí sữa, vì hệ tiêu hóa không kịp hấp thụ hết các chất dinh dưỡng, và gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Tài liệu tham khảo
- ^ Adda Bjarnadottir (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 11 năm 2019). Is There a Best Time to Drink Milk?, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 04 năm 2023
- ^ Food every moment (Ngày đăng: Ngày 05 tháng 02 năm 2021). CAN I DRINK MILK ON AN EMPTY STOMACH?KEEP THESE TABOOS IN MIND, Forbidden News. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 04 năm 2023
- ^ Sparshita Saxena (Ngày đăng: Ngày 18 tháng 10 năm 2021). Should You Be Having Milk On An Empty Stomach?, NDTV FOOD. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 04 năm 2023