1. Trang chủ
  2. Nội tiết - Đái Tháo Đường
  3. Nguy cơ mắc Cushing và suy thượng thận do dùng Corticoid sai cách

Nguy cơ mắc Cushing và suy thượng thận do dùng Corticoid sai cách

Nguy cơ mắc Cushing và suy thượng thận do dùng Corticoid sai cách

Nhóm thuốc Corticoid (hay còn gọi là Glucocorticoid) có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và giảm đau rất nổi bật. Tuy nhiên, chúng thường kéo theo nhiều tác dụng phụ nguy hiểm với sức khỏe. Đặc biệt là khi lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về nguy cơ mắc Cushingsuy thượng thận do dùng corticoid sai cách. 

1 Nhóm thuốc Corticoid là gì?

Corticoid là nhóm các hoạt chất được tổng hợp dựa trên cấu trúc của cortisol - một loại hormone có trong cơ thể do tuyến thượng thận tiết ra. Các hoạt chất điển hình trong nhóm thuốc Glucocorticoid bao gồm hydrocortison, methylprednisolon, Fluocinolone, Triamcinolone, Budesonide, dexamethasone, betamethasone,... Trong đó, dexamethasone, betamethasone là những Glucocorticoids có hoạt tính mạnh nhất. 

1.1 Tác dụng của nhóm thuốc Cocorticoid

Tương tự như hormone cortisol trong cơ thể, Corticoids có nhiều chức năng khác nhau. Trong đó, điển hình là tác dụng ngăn chặn quá trình viêm, ức chế cơn đau. Ngoài ra, các thuốc Glucocorticoid cũng giúp cơ thể đối phó với căng thẳng, điều chỉnh quá trình sử dụng chất béo và đường. 

Với những công dụng điển hình đó, Corticoid được ứng dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Đặc biệt, tác dụng chống viêm của Corticoid khá nổi bật. Tùy thuộc vào độ mạnh của từng hoạt chất mà có thể sử dụng để điều trị và hỗ trợ các bệnh lý khác nhau như:

  • Methylprednisolone: dùng để điều trị chứng viêm khớp trong bệnh thấp khớp, viêm khớp dạng thấp,...
  • Prednisone và dexamethasone: dùng để điều trị dị ứng, viêm khớp, hen suyễn, các vấn đề về thị lực,...
  • Triamcinolone: có trong các loại kem bôi da
  • Budesonide: được dùng để điều trị viêm loét đại tràng hoặc các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. 
  • Ngoài ra, nhóm các thuốc Corticoid còn được sử dụng để điều trị bệnh suy thượng thận, suy tim, bệnh ung thư, chàm da và trong phẫu thuật. 
Các loại kem bôi ngoài da có thể chứa Glucocorticoid
Các loại kem bôi ngoài da có thể chứa Glucocorticoids

1.2 Nguyên tắc sử dụng nhóm thuốc Corticoid

Việc sử dụng Glucocorticoids cần rất thận trọng vì chúng có liên quan chặt chẽ tới việc sản xuất hormone của tuyến thượng thận. Nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến suy thượng thận do dùng corticoid

Về cơ bản, khi sử dụng Corticoid cần nắm vững 2 nguyên tắc sau:

  • Nên bắt đầu với mức liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả.
  • Không được dừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều từ từ để tránh. 

1.3 Tác dụng phụ của nhóm thuốc Corticoid 

Glucocorticoids nghe có vẻ giống như thần dược, nhưng chúng lại kéo theo nhiều tác dụng phụ. Trong đó, một số tác dụng phụ ở mức nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do mà thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ và không nên dùng dài ngày. [1]

Các tác dụng phụ khi sử dụng Glucocorticoids  bao gồm:

  • Tăng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Ức chế khả năng hấp thu Canxi của cơ thể, có thể dẫn đến loãng xương.
  • Tăng mức cholesterol và chất béo trung tính.
  • Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
  • Ức chế hệ thống miễn dịch, khiến vết thương khó lành và dễ bị nhiễm trùng hơn. 

Sử dụng Glucocorticoids lâu dài có thể dẫn đến hội chứng Cushing với các biểu hiện như tăng cân, khuôn mặt tròn, xuất hiện bướu mỡ ở giữa vai, rạn da, huyết áp cao, mệt mỏi, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục, chu kỳ kinh nguyệt không đều. 

Bên cạnh đó, nếu đột ngột ngừng sử dụng Glucocorticoids sau thời gian dài sử dụng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng của bệnh suy tuyến thượng thận. [2]

2 Nguy cơ suy thượng thận do sử dụng Corticoid sai cách

Bình thường, sự bài tiết hormon cortisol của tuyến thượng thận nằm dưới sự kiểm soát của hormone giải phóng corticotropin ở vùng dưới đồi (CRH) và hormone ACTH từ tuyến yên. Trong đó, ACTH là yếu tố chính quyết định sự phát triển và trưởng thành của tuyến thượng thận. Ngược lại, nếu nồng độ cortisol được tiết ra quá nhiều, nó sẽ ức chế quá trình giải phóng CRH và ACTH.

Vì các thuốc nhóm Corticoid có cấu trúc tương tự như hormon cortisol, nên lượng lớn corticoid ngoại sinh này cũng có khả năng ức chế trục HPA (trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận) và nếu kéo dài, hậu quả là thiếu ACTH nội sinh dẫn đến thiểu sản hoặc teo vỏ thượng thận. Liều lượng càng cao và thời gian điều trị bằng thuốc Corticoid càng dài thì nguy cơ phát triển bệnh suy thượng thận càng cao. 

Nguy cơ suy tuyến thượng thận do sử dụng Corticoid sai cách
Nguy cơ suy tuyến thượng thận do sử dụng Corticoid sai cách

Nguy cơ phát triển suy thượng thận do thuốc Corticoid liên quan nhiều đến chế độ điều trị, tức là liều dùng và cách dùng thuốc. Theo quan sát, nguy cơ suy thượng thận tăng cao ở những bệnh nhân dùng Corticoid với liều hàng ngày vượt quá mức tương đương sinh lý (ví dụ: ≥5 mg prednisone/ Prednisolone), dùng nhiều lần trong ngày, dùng vào ban đêm hoặc sử dụng thuốc tác dụng kéo dài (ví dụ dexamethasone ) và/hoặc các chế phẩm Corticoid toàn thân. 

Ngược lại, nếu sử dụng Corticoid đúng cách, sẽ giảm thiểu được nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận. Chẳng hạn như việc sử dụng liều duy trì thấp (nghĩa là không vượt quá mức tương đương sinh lý), dùng 1 liều duy nhất vào buổi sáng và/hoặc dùng cách ngày, dùng loại thuốc Corticoid tác dụng ngắn (ví dụ Hydrocortisone) và bôi tại chỗ. 

Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý suy tuyến thượng thận rất đa dạng, bao gồm suy nhược, mệt mỏi, khó chịu, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng), chán ăn/giảm cân, nhức đầu, sốt, đau cơ, đau khớp, các triệu chứng tâm thần và tăng trưởng chậm ở trẻ em. Đối với những bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do sử dụng Corticoid sai cách, các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ngừng sử dụng thuốc. Hậu quả lâu dài của bệnh lý suy tuyến thượng thận, nếu không được điều trị phù hợp, bao gồm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, nhiễm trùng, ung thư và tăng tỷ lệ loãng xương dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. [3]

3 Nguy cơ mắc Cushing khi sử dụng Glucocorticoid bôi ngoài da ở trẻ em

Hội chứng Cushing (CS) là một bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết do nồng độ Glucocorticoid trong máu cao bất thường. Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất đến từ việc lạm dụng các loại thuốc có chứa Glucocorticoid.

Đối với trẻ em, việc kê đơn và sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Glucocorticoid vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì hiệu quả ban đầu mà các loại thuốc này mang lại với các bệnh da liễu khá rõ rệt và nhanh chóng nên nhiều người có xu hướng lạm dụng chúng. 

Đã có một số báo cáo về các trường hợp trẻ em có nguy cơ cao mắc hội chứng Cushing hoặc chậm tăng trưởng sau khi sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Glucocorticoid.

Một trong những trường hợp điển hình là sử dụng các loại kem bôi da khi trẻ bị mẩn đỏ hoặc viêm da. Ví dụ, khi thấy con bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, mẹ đã sử dụng kem 1% Clotrimazole (một hoạt chất nhóm imidazol có tác dụng chống nấm) để thoa làm dịu da cho con. Nhưng khi tình trạng có vẻ nặng lên, bác sĩ có thể chỉ định sang loại kem có chứa betamethasone để bôi ngắn ngày. Với đặc tính ức chế miễn dịch mạnh mẽ, nên hiệu quả ban đầu của loại kem này khá tích cực. Điều này dẫn đến việc người mẹ hiểu nhầm và thường xuyên sử dụng cho con trong nhiều tháng mà không cần hỏi lại chuyên gia y tế. Kết quả là một số trẻ nhập viện với các triệu chứng của hội chứng Cushing. Bao gồm: khuôn mặt tròn, tích tụ mỡ ở mặt, bụng và vai, rậm lông, xuất hiện các vết rạn hoặc bầm tím trên da, chậm phát triển chiều cao,... 

Nguy cơ mắc hội chứng Cushing ở trẻ nhỏ khi lạm dụng thuốc bôi ngoài da chứa Glucocorticoids
Nguy cơ mắc hội chứng Cushing ở trẻ nhỏ khi lạm dụng thuốc bôi ngoài da chứa Glucocorticoids

Nếu phát hiện các dấu hiệu này trong quá trình sử dụng thuốc Glucocorticoid cho con, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. 

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, khi kê toa loại thuốc này, các bác sĩ cần lưu ý về tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc và theo dõi bệnh nhân chặt chẽ. Bên cạnh đó, bệnh nhân và/ hoặc người thân của họ nên được thông báo về các biến chứng có thể xảy ra và được nhấn mạnh về vai trò của việc tuân thủ sử dụng thuốc đúng. [4]

Mặc dù các trường hợp sử dụng Glucocorticoid ngoài da dẫn đến hội chứng Cushing ở trẻ em khá hiếm gặp nhưng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lại nguy hiểm với trẻ nhỏ. Vì thế, khi quyết định sử dụng các loại thuốc có chứa Glucocorticoids cho con, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Teresa Carvalho (Ngày đăng: Ngày 23 tháng 12 năm 2022). Topical Glucocorticoids Can Trigger Cushing’s Syndrome in Children, Cushing's Disease. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 04 năm 2023.
  2. ^  Javiera Hansen, Patricia Lacourt R (Ngày đăng: Tháng 06 năm 2018). Iatrogenic Cushing’s syndrome in a infant due to prolonged use of topical corticosteroids. Case report, Scielo.Cl. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 04 năm 2023.
  3. ^  M.Gurnell,  L. G. Heaney, [...] (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 03 năm 2021). Long-term corticosteroid use, adrenal insufficiency and the need for steroid-sparing treatment in adult severe asthma, Wiley Online Library. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 04 năm 2023.
  4. ^  Zara Risoldi Cochrane (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 07 năm 2020). Glucocorticoid, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Chế độ dinh dưỡng cho người suy thượng thận?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nguy cơ mắc Cushing và suy thượng thận do dùng Corticoid sai cách 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nguy cơ mắc Cushing và suy thượng thận do dùng Corticoid sai cách
    HN
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633