Uống sữa hạt hàng ngày có tốt không? Cảnh báo trào lưu sữa hạt cho trẻ
Trungtamthuoc.com - Sữa hạt đang được sử dụng ngày càng phổ biến và rộng rãi ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhiều người lạm dụng sữa hạt thay thế sữa từ động vật thông thường gây ra tác động xấu đến sức khoẻ. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc tìm hiểu về uống sữa hạt có thật sự tốt không trong bài viết bên dưới.
1 Sữa hạt là gì? Có các loại sữa hạt nào?
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11216:2015 về sữa và sản phẩm sữa có định nghĩa rằng sữa là dưỡng chất thu được từ một hoặc nhiều lần vắt từ tuyến vú của động vật cho sữa. Như vậy sữa hạt không phải là sữa mà chỉ là thức uống được chế biến từ các loại hạt như hạt ngũ cốc, vứng, ngô, yến mạch, các loại đậu như đậu nành, đậu tương, đậu đỏ hoặc cũng có thể từ các loại hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt điều. Thông thường có màu trắng như sữa nên ở Việt Nam mọi người quen gọi là sữa.
Sữa hạt có nguồn gốc từ thực vật nên thường không có Lactose phù hợp với những người không dung nạp được sữa động vật, hoặc những người ăn chay. [1]
Sữa hạt chứa thành phần dinh dưỡng tương tự như các loại ăn được chế biến dạng rắn gồm vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất béo, giúp cải thiện nhiều vấn đề sức khoẻ như cải thiện làn da, rối loạn tiêu hoá, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Dựa theo thành phần của các loại hạt trong sữa có thể chia thành 2 nhóm:
- Sữa hạt giàu chất béo, protein gồm sữa hạnh nhân, sữa óc chó, các loại đậu…
- Sữa hạt ngũ cốc gồm yến mạch, Gạo Lứt, khoai lang, sữa ngô…
2 Ưu nhược điểm của sữa hạt
Sữa hạt ngày càng được ưa chuộng, hãy cùng tìm hiểu về các lợi ích và nhược điểm của sữa hạt mang lại.[2]
2.1 Ưu điểm
Các ưu điểm của sữa hạt phải kể đến như:
- Chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như các vitamin (A, B, E), khoáng chất (canxi, magiê, Kali) và các chất chống oxy hóa.
- Có hàm lượng chất bột đường (carb) thấp hơn sữa động vật.
- Hàm lượng chất béo, đặc biệt là các axit béo không no khá cao, tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Hàm lượng chất xơ lớn
- Nhiều loại sữa hạt ít calorie, ít đường phù hợp với nhiều đối tượng.
- Phù hợp với người ăn chay, người dị ứng gluten, người cao tuổi khó hấp thu sữa từ động vật.
2.2 Nhược điểm
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng sữa hạt còn nhiều hạn chế, cụ thể:
- Hàm lượng protein trong sữa hạt thường thấp hơn so với sữa bò và không có sự cân đối do mỗi loại hạt có hàm lượng khác nhau.
- Thiếu các acid amin thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, nên đối với trẻ em không nên thay thế hoàn toàn sữa bò bằng sữa hạt.
- Không có chứa Vitamin B12, một vitamin tham gia trực tiếp sinh tổng hợp huyết cầu, nên người uống sữa hạt thay thế sữa bò thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh nhược sắc.
- Một số sản phẩm sữa hạt đóng hộp có thể chứa đường, chất bảo quản hoặc hương liệu nhân tạo gây hại cho sức khỏe.
- Các acid phytic trong sữa hạt gắn kết với calci, Sắt, Kẽm làm cơ thể không được cung cấp đủ lượng khoáng chất này, khiến trẻ bị còi xương, thiếu dinh dưỡng.
===> Xem thêm bài viết: 5 ngũ cốc lợi sữa giúp mẹ sau sinh nhiều chất, nhiều sữa, sữa về ướt áo
3 Cảnh báo trào lưu cho trẻ uống sữa hạt thay sữa động vật
Gần đây trào lưu dùng sữa hạt cho trẻ nổi lên mạnh mẽ, nhiều cha mẹ thậm chí đã thay thế hoàn toàn sữa bò, sữa công thức mà cho con dùng sữa hạt hoàn toàn với nhiều lý do khác nhau. Vậy sự thật sữa hạt có thay thế sữa bò được hay không?
Theo FDA, sữa được định nghĩa là chất lỏng màu trắng được sản xuất bởi tuyến vú của động vật có vú.[3]. Do đó, bản chất sữa hạt không phải là sữa, đây chỉ là từ thông dụng để chỉ các loại nước ép từ các hạt ngũ cốc hoặc sinh tố ngũ cốc, nguồn gốc từ thực vật.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa hạt có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng đối với trẻ nhỏ nếu sử dụng sai cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Trong thành phần sữa hạt thiếu hụt các loại acid amin cần thiết, nguồn protein thấp hơn so với đạm động vật. Ngoài ra sự pha trộn của nhiều loại hạt làm tăng nguy cơ gặp dị ứng ở trẻ nhỏ. Đặc biệt với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng lớn nhất trẻ hấp thu được hoàn toàn từ sữa, nên nếu sử dụng sữa hạt thay cho sữa bò sẽ không đảm bảo cung cấp đủ chất cho sự phát triển của con, vì vậy không thay thế sữa hạt bằng sữa bò cho trẻ.
Như vậy trẻ có thể sử dụng sữa hạt như một món ăn bổ sung hàng ngày nhưng với liều lượng vừa đủ với độ tuổi, và không thể dùng thay thế cho sữa động vật. Cha mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ lượng dinh dưỡng và Canxi từ sữa bò cho sự tăng trưởng của trẻ trước khi cân nhắc dùng đến sữa hạt.
4 Tác dụng của sữa hạt dinh dưỡng với sức khỏe
Các thành phần của sữa hạt như protein, canxi và các vi chất cần thiết, khá tốt cho nhiều nhóm đối tượng, dưới đây là một số tác dụng mà sữa hạt mang lại:[4]
4.1 Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Sữa hạt bổ sung cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết như chất xơ, các vitamin và khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, kẽm, vitamin D… Hầu hết các loại hạt có chứa Omega-6, một số ít cũng có Omega-3. Trung bình trong 100ml sữa hạt chứa khoảng 15g chất đạm, 30g chất béo nên đây cũng là nguồn cung cấp đạm khá tốt đáp ứng 30-40% nhu cầu của cơ thể mỗi ngày.
4.2 Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Đa số các loại hạt đều có thành phần chất xơ, chất béo không bão hoà hỗ trợ giảm nguy cơ tăng cholesterol, cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm các biến cố liên quan đến tim mạch. Người cao huyết áp, bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng sữa hạt theo khuyến cáo của bác sĩ mỗi ngày.
4.3 Tăng cường sức khỏe cho mắt
Trong sữa hạt có chứa hàm lượng Luxanthin và Zeaxanthin có tác dụng chống oxy hóa mạnh có tác động lên thị giác giúp bảo vệ khỏi sự tổn thương, stress từ các tác nhân gốc tự do.
4.4 Tốt cho tiêu hoá
Sau khi tiêu thụ những đồ ăn khó tiêu, uống một cốc sữa hạt sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu vì chứa hàm lượng chất xơ cao, ngăn ngừa đầy hơi, chướng bụng, hỗ trợ tiêu hoá. Với một số người không tiêu thụ được lactose, sữa hạt sẽ là lựa chọn hoàn hảo vì không chứa thành phần này, không gây dị ứng và còn ngăn cản tiêu chảy ở những đối tượng trên.
4.5 Hỗ trợ giảm cân do ít năng lượng
Lượng calo trong sữa hạt ít hơn so với sữa bò, ngoài ra chúng còn giúp người uống cảm thấy no lâu nên hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Sữa hạt cũng rất phù hợp với đối tượng muốn duy trì cân nặng, tuy nhiên nên có kế hoạch giảm cân cụ thể, không thay thế hoàn toàn sữa hạt cho các bữa ăn hàng ngày.
4.6 Duy trì làn da khỏe mạnh
Sữa hạt chứa nhiều đồng, kẽm duy trì sự khỏe mạnh cho làn da, ngăn ngừa dầu nhờn trên da. Ngoài ra các thành phần trong sữa hạt cũng giúp tăng sinh Collagen, Elastin hỗ trợ tăng độ đàn hồi, duy trì làn da căng sáng.
5 Hướng dẫn uống sữa hạt đúng cách
Để sử dụng sữa hạt hiệu quả nhất, người dùng nên tuân thủ theo liều lượng, thời điểm uống để sản phẩm phát huy hiệu quả tối đa.
5.1 Uống sữa hạt vào thời điểm nào là tốt nhất?
Việc uống sữa hạt vào đúng thời điểm sẽ hỗ trợ sự hấp thu dinh dưỡng tốt nhất cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, buổi sáng là thời điểm cơ thể cần hấp thu lượng dinh dưỡng lớn sau một đêm dài nên khi bổ sung vào thời gian này hệ tiêu hoá đang rỗng sẽ kích thích hấp thu tối đa. Ngoài ra buổi trưa cũng có thể dùng sữa hạt như một món tráng miệng. Tuy nhiên không nên uống sữa hạt để thay thế các bữa ăn đầy đủ vì lượng calo thấp không đáp ứng đủ trong ngày.
Hạn chế dùng vào buổi tối vì có thể gây khó chịu do tăng cường năng lượng, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
5.2 Nên uống bao nhiêu sữa hạt mỗi ngày?
Bạn nên uống 200 - 250 ml/lần và uống tối đa 500 ml sữa hạt mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên chọn loại sữa hạt phù hợp với tình trạng sức khỏe để mang lại hiệu quả tốt nhất:
Lượng sữa hạt bổ sung mỗi ngày có thể khác nhau tùy vào tuổi tác, mục tiêu sức khỏe. Thông thường khuyến cáo khoảng 250ml/ lần và tối đa tới 500ml mỗi ngày. Với liều lượng này sẽ cung cấp vừa đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, mà không gây dư thừa calo hoặc ảnh hưởng đến bữa ăn khác trong ngày.
Một số loại sữa hạt phù hợp với từng độ tuổi và thể trạng người dùng như:
- Người cao tuổi: Sữa hạt Sen, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, hoặc sữa óc chó, tốt cho tim mạch và xương khớp.
- Trẻ em trên 5 tuổi: Chọn loại sữa hạt giàu dinh dưỡng, như sữa đậu nành, sữa hạt óc chó, hoặc kết hợp nhiều loại hạt.
- Người bị tiểu đường: uống sữa đậu nành, hoặc sữa óc chó có thể hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng nhưng không gây tăng đường huyết.
5.3 Những người không nên uống sữa hạt?
Một số người không nên sử dụng sữa hạt, chẳng hạn như:
- Người dị ứng với các loại hạt hoặc ngũ cốc: những người dị ứng với hạnh nhân, óc chó, mắc ca hoặc bất cứ thành phần nào trong sữa hạt, cần phải tránh lựa chọn những sản phẩm này.
- Trẻ em dưới 1 tuổi: những trẻ trong thời gian này sự phát triển phụ thuốc hoàn toàn vào sữa, nếu bổ sung sữa hạt thay thế cho sữa mẹ hay sữa công thức sẽ thiếu trầm trọng protein, canxi, Vitamin D gây suy dinh dưỡng và chậm phát triển.
- Người bị rối loạn tiêu hoá, có vấn đề về dạ dày: các loại sữa yến mạch, sữa đậu xanh có chứa hàm lượng chất xơ không hòa tan cao nên gây tình trạng đầu bụng, khó tiêu. Nếu muốn sử dụng cần ưu tiên các loại sữa dễ tiêu hoá như sữa Hạt Sen, sữa hạnh nhân.
- Người mắc bệnh tiểu đường: các loại sữa gạo, sữa yến mạch có hàm lượng tinh bột cao, gây tăng đường huyết.
- Người bị gout: Một số loại sữa hạt từ đậu (như sữa đậu xanh, đậu đỏ) có thể chứa purine, chất góp phần tăng axit uric, làm nặng thêm tình trạng gout ở người bệnh.
- Người thiếu máu: vì sữa hạt thiếu vitamin B12, hỗ trợ cho quá trình hình thành máu nên làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Người cần protein cao: Sữa hạt thường chứa ít protein hơn sữa bò hoặc sữa đậu nành, nên không phù hợp với người đang luyện tập thể dục, vận động viên hoặc trẻ em trong giai đoạn phát triển.
5.4 Cách bảo quản sữa hạt
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, tránh hư hỏng sữa hạt, người dùng cần phải lưu ý các bước cụ thể như:
- Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì: có thể một số loại sữa hạt cần phải bảo quản lạnh ngay sau khi mua về, một số loại khác có thể để ở nhiệt độ phòng, nên người mua cần đọc kỹ hướng dẫn bảo quản của sản phẩm.
- Thời gian sử dụng: nên uống hết sữa hạt trong ngày, hoặc sau khi mở nắp cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong khoảng 3 ngày.
- Nhiệt độ: nên bảo quản ngăn mát tủ lạnh, hoặc để ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh nắng trực tiếp.
6 Những lưu ý khi sử dụng sữa hạt
Một số lưu ý khi sử dụng sữa hạt, người dùng nên biết:
Chọn loại sữa phù hợp: tuỳ vào mục đích sử dụng để người mua chọn lựa được loại sữa phù hợp, chẳng hạn như người cần tăng cường dinh dưỡng nên chọn loại sữa giàu chất béo, protein.
Không thay thế hoàn toàn nguồn dinh dưỡng khác: trong sữa hạt thiếu Vitamin B12, canxi, protein hoàn chỉnh nên cần kết hợp sữa hạt với chế độ ăn đa dạng để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Không uống sữa hạt khi bụng đói: trong sữa hạt hàm lượng tinh bột, chất béo cao nên gây khó tiêu, nên uống sau bữa ăn nhẹ hoặc kèm trái cây.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: những đối tượng có bệnh lý mạn tính như tiểu đường, sỏi thận, đặc biệt phụ nữ có thai hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi sử dụng sữa hạt cần hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia.
Không lạm dụng sữa hạt: sử dụng quá nhiều sữa hạt có nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng, gây áp lực cho thận và có thể làm tăng cân nếu sữa chứa nhiều đường.
Chế biến sữa hạt tại nhà: nếu muốn tự làm sữa hạt tại nhà bạn cần phải nắm rõ các bước ngâm hạt, nấu hạt để đảm bảo không mất đi lượng dinh dưỡng trong khi chế biến.
7 Một số câu hỏi thường gặp về sữa hạt
7.1 Uống sữa hạt có tăng cân không?
Sữa hạt có nhiều loại, một số có hàm lượng calo khá thấp, tuy nhiên nếu bạn uống bổ sung thêm mà không có sự điều chỉnh về lượng thực phẩm ăn hàng ngày có thể bị tăng cân. Vì vậy hãy thiết lập một chế độ ăn phù hợp với cân nặng mà vẫn phát huy tốt công dụng của sữa hạt nhé.
7.2 Uống sữa hạt thay bữa sáng có tốt không?
Theo các chuyên gia không nên thay thế hoàn toàn sữa hạt cho bữa sáng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên dạ dày. Và hàm lượng calo trong sữa hạt không đủ duy trì cho cả ngày, do đó người dùng nên kết hợp ăn với bánh mì, súp, cháo để cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
7.3 Uống sữa hạt tự làm có tốt không?
Sữa tự làm có thể không cần chất bảo quản hay xử lý công nghiệp mà vẫn giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tùy vào mục tiêu sức khỏe, người dùng có thể chọn lựa loại hạt phù hợp để làm sữa theo nhu cầu.
8 Kết luận
Sữa hạt là một phần bổ sung dinh dưỡng tự nhiên lành mạnh cho cơ thể nếu sử dụng đúng cách. Không nên lạm dụng hoặc thay thế sữa hạt cho các loại sữa dinh dưỡng từ động vật, điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Hãy kết hợp uống sữa với chế độ ăn uống và lối sống khoa học để có hiệu quả tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Swati Sethi 1, S K Tyagi 1, Rahul K Anurag (ngày đăng 2 tháng 9 năm 2016) Plant-based milk alternatives an emerging segment of functional beverages: a review. NIH. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024
- ^ Tác giả Sai Kranthi Vanga, Vijaya Raghavan (ngày đăng 2 tháng 11 năm 2017) How well do plant based alternatives fare nutritionally compared to cow’s milk?. NIH. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024
- ^ Chuyên gia FDA (Ngày cập nhật 30 tháng 8 năm 2024) CFR - Code of Federal Regulations Title 21. FDA. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024
- ^ Tác giả Rebecca Ramsing và cộng sự (ngày đăng 10 tháng 6 năm 2023) Dairy and Plant-Based Milks: Implications for Nutrition and Planetary Health.NIH. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024