Vạch trần sự thật truyền trắng da mang lại hiểm họa cho con người
Trungtamthuoc.com - Làn da trắng là ao ước của nhiều chị em, nhất là với những ai có nước da ngăm bẩm sinh, việc trắng da bằng mỹ phẩm hay các phương pháp thiên nhiên có tác dụng chậm và kém hiệu quả. Do đó, nhiều người đã tìm đến với các liệu pháp cho hiệu quả nhanh chóng hơn, chẳng hạn như truyền trắng da. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp thêm cho bạn các thông tin về phương pháp làm trắng này.
1 Truyền trắng da là gì?
Truyền trắng da là đưa các chất có khả năng làm trắng thông qua cơ chế phân giải sắc tố melanin, làm trắng sáng và đều màu da, chẳng hạn như glutathione và vitamin C, được truyền trực tiếp qua đường tĩnh mạch rồi hấp thu vào các lớp biểu bì của da và phát huy tác dụng.
Các dưỡng chất trên còn được gọi là thuốc truyền trắng da. Các hoạt chất trong thuốc truyền trắng da đã được cấp phép bởi Bộ Y tế bao gồm: Glutathione, Axit tranexamic, L-cystin peptide. Bên cạnh đó, các vitamin và dưỡng chất khác như vitamin C, axit hyaluronic, nhau thai cừu cũng được thêm vào thuốc truyền trắng nhằm tăng tác dụng làm trắng sáng da.
2 Truyền trắng có tốt không?
Vậy, có nên truyền trắng da không? Chúng ta cùng xem xét tác dụng của các thành phần trong thuốc truyền trắng nhé.
2.1 Tác dụng của Glutathione
Glutathione là một hợp chất axit amin có tự nhiên trong các tế bào khắp cơ thể, được tạo nên bởi ba axit amin sau: Cystein, axit glutamic và glyxin. Glutathione làm giảm stress oxy hóa trong cơ thể để cải thiện làn da tổng thể của bạn. Hơn thế nữa, glutathione có khả năng chuyển đổi melanin thành màu sáng hơn và vô hiệu hóa enzym tyrosinase - enzym giúp sản xuất sắc tố da. Với phương pháp truyền trắng da glutathione, bạn có thể nhận được các lợi ích sau:
- Tông màu da sáng hơn, sáng hơn.
- Làm đều màu da với giảm các đốm đen.
- Giảm khuyết điểm trên da.
- Làm mờ sẹo mụn.
- Giúp da tươi trẻ, mịn màng hơn.
Việc đưa glutathione vào cơ thể tương đối an toàn vì bản chất của nó là protein của cơ thể nên ít gây ra phản ứng quá mức. Ngoài ra, L-cystin là một chất thay thế cho glutathione trong trường hợp bạn có tình hình tài chính ở mức vừa phải vì có giá thành rẻ hơn[1].
2.2 Axit tranexamic làm trắng da
Axit tranexamic vốn được sử dụng trong các trường hợp bị tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, sau khi truyền vào cơ thể người ta thấy một tác dụng khác của nó là làm da trắng lên. Điều này có được là nhờ cơ chế ức chế quá trình hoạt động của plasminogen ở vị trí phân tử lysin, từ đó hạn chế quá trình sinh tổng hợp melanin. Trong bệnh nám da, axit tranexamic gây ra sự co lại của mạch máu da và giảm tổng hợp melanin bằng cách thay đổi sự tương tác của tế bào sừng, tế bào hắc tố và giảm hoạt động của tyrosinase.
2.3 Tác dụng của vitamin C
Vitamin C được sử dụng trong truyền trắng đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, mặc dù nó được sử dụng bằng đường uống từ rất lâu với nhiều tác dụng hữu ích. Mỗi lần truyền trắng hoặc tiêm trắng, hàm lượng vitamin C được sử dụng là 1000mg, đây là cách tiết kiệm chi phí nhất và truyền thống nhất được nhiều người tin tưởng sử dụng.
Vitamin C hoạt động bằng cách phát huy khả năng chống oxy hóa tuyệt vời của nó, ức chế sự hoạt động của các gốc tự do, giúp da sáng hơn, đều màu hơn và giảm thâm hiệu quả; vì vậy, truyền vitamin C giúp da sáng lên tương đối nhanh chóng[2].
Mặc dù vậy, nếu chỉ sử dụng đơn độc vitamin C, da sẽ chỉ sáng hơn chứ không bật tone rõ ràng. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo kết hợp vitamin C với các chất làm trắng da khác.
Các thuốc truyền trắng chính hãng, được kiểm định chất lượng kỹ càng, được cấp phép là một lựa chọn tốt cho truyền trắng da bởi có độ an toàn cao, cho tác dụng tốt, đảm bảo vô trùng, có hàm lượng thích hợp. Như vậy, chúng tôi đã trả lời giúp bạn câu hỏi “truyền trắng có an toàn không, có trắng không”. Tóm lại, truyền trắng da là một phương pháp đem lại hiệu quả trắng sáng da thật sự, phù hợp với những người trưởng thành trên 18 tuổi, sở hữu một làn da tối màu, đen sạm, đen bẩm sinh, không hiệu quả với các phương pháp làm trắng da khác. Ưu nhược điểm của phương pháp truyền trắng da được trình bày sau đây.
3 Ưu điểm
- Cho hiệu quả làm bật tông da thực sự, đem lại làn da trắng sáng, mịn màng từ bên trong, ngay cả với những làn da tối màu lâu năm.
- Thuốc truyền trắng có chứa các thành phần tương đối an toàn cho cơ thể.
- Cho tác dụng trắng da nhanh chóng hơn so với các biện pháp khác như sử dụng kem dưỡng trắng, hay các mẹo trắng da tại nhà, do đó tiết kiệm thời gian hơn.
4 Nhược điểm
- Chi phí khá cao.
- Có nguy cơ gặp tác dụng phụ nguy hiểm nếu chứa các tá dược không được thẩm định.
- Không dùng được cho phụ nữ có thai, người có da nhạy cảm, người có cơ địa dễ bị kích ứng, phản vệ.
5 Truyền trắng có hại không?
Mặc dù truyền trắng mang lại những lợi ích tốt cho làn da nhưng nhiều tác hại của truyền trắng cũng đã được nghiên cứu và cảnh báo.
5.1 Nhiễm trùng trong truyền trắng
Theo FDA, các phương pháp điều trị bằng đường tĩnh mạch “có khả năng không an toàn và không hiệu quả, đồng thời có thể chứa các thành phần độc hại hoặc chất gây ô nhiễm không xác định. FDA đã không chấp thuận bất kỳ loại thuốc tiêm nào để làm trắng hoặc làm sáng da.”
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm chất bẩn hoặc nhiễm trùng từ vết tiêm là một mối quan tâm nghiêm trọng. Nhiều khách hàng khi tới các spa y tế hay các thẩm mỹ viện không tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình sẽ được truyền cũng như độ uy tín, an toàn và đảm bảo vô trùng tại phòng khám. Đặc biệt là, nếu nhân viên được đào tạo kém về kỹ thuật tiêm, sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết gây tử vong.
5.2 Tác dụng phụ của chất làm trắng
Trên thực tế, vào năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines đã cảnh báo rằng việc tiêm glutathione nhiều lần có thể dẫn đến suy thận, nhiễm độc máu và hoại tử biểu bì nhiễm độc - một bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khiến da bị bong tróc[3].
Việc tiêm tĩnh mạch axit tranexamic cũng có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, bệnh tiêu chảy, chóng mặt, cảm thấy nhẹ đầu, ngứa nhẹ hoặc phát ban… Vì axit tranexamic ảnh hưởng tới quá trình tiêu sợi huyết nên truyền trắng bằng axit tranexamic không sử dụng cho người có bệnh lý về máu, chẳng hạn như rối loạn đông máu.
5.3 Sốc phản vệ
Trong trường hợp truyền trắng liên tục sẽ gây ra nguy cơ sốc phản vệ cao, nhất là khi thường xuyên thay đổi loại thuốc truyền; vì vậy, nếu bạn đã “hợp” với một loại nào đó, bạn không nên thử hay chuyển sang loại khác.
Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể gặp sau khi truyền trắng bao gồm:
- Đau đầu, sốt cao.
- Khó thở, suy hô hấp.
- Nôn liên tục.
- Mẩn đỏ toàn thân.
- Tụt huyết áp, mạch nhanh…
Vào năm 2018, một người phụ nữ tại Hà Nội sau khi tiêm truyền trắng da tĩnh mạch đã bị sốc phản vệ với các dấu hiệu như trên, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, may mắn là đã được cấp cứu kịp thời.
Để giảm thiểu nguy cơ có hại do truyền trắng gây ra, chúng tôi khuyên các bạn nên:
- Lựa chọn cơ sở thực hiện truyền trắng uy tín, đảm bảo an toàn và vô trùng trong quá trình thực hiện.
- Thử độ an toàn của thuốc truyền trắng trước khi truyền, chỉ sử dụng khi sản phẩm không gây ra các phản ứng dị ứng nào.
- Không nên thay đổi loại thuốc truyền trắng nếu đã có hiệu quả và an toàn với một thương hiệu nào đó.
- Chăm sóc thích hợp sau khi truyền trắng da, sẵn sàng cho các phản ứng phụ có thể gặp phải.
- Không nên thực hiện truyền trắng tại nhà vì không đảm bảo điều kiện vô trùng và tay nghề chuyên môn tốt.
6 Quy trình truyền trắng da
6.1 Chuẩn bị
Ngoài thuốc truyền trắng, bạn sẽ được cơ sở truyền trắng chuẩn bị cho các thiết bị, dụng cụ như sau:
- Cồn khô: Nhằm làm sạch, sát khuẩn da.
- Thuốc dự phòng sốc phản vệ: Sốc phản vệ sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc chuẩn bị các thuốc chứa các hoạt chất tác dụng lên thần kinh như adrenalin là rất cần thiết trong trường hợp xảy ra vấn đề xấu.
- Máy đo huyết áp: Để đo huyết áp của người được truyền trắng trước khi tiến hành truyền.
- Bông băng, kim tiêm, kim bướm, dịch truyền (thường là nước muối truyền)...: Bạn cần kiểm tra xem chúng còn nguyên vẹn và còn hạn dùng hay không, các dụng cụ phải đảm bảo chất lượng để tránh nhiễm trùng khi truyền.
6.2 Các bước thực hiện
Một quy trình truyền trắng da đảm bảo sẽ bao gồm các bước sau:
- Lấy thuốc: Y tá hoặc bác sĩ sẽ sử dụng bơm tiêm để lấy thuốc truyền trắng từ trong các ống chứa. Lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bạn, thường là 5mL.
- Pha dịch truyền: Bơm thuốc vừa hút vào chai dịch truyền đã chuẩn bị sẵn, tỷ lệ pha thường là 5ml thuốc truyền trong 100ml dịch truyền.
- Truyền trắng: Xác định ven sẽ truyền. Sát khuẩn bằng cồn khô. Cắm kim bướm để truyền dịch đã pha. Cố định vết truyền.
Trong quá trình truyền, y tá sẽ luôn theo dõi việc truyền trắng để có thể xử lý ngay những vấn đề có thể xảy ra. Thời gian truyền sẽ vào khoảng 15-20 phút cho mỗi chai dịch truyền 5ml/100ml. Chỉ nên truyền 1 lần/tuần. Một liệu trình truyền khoảng 10 lần.
6.3 Chăm sóc da sau khi truyền trắng
Sau khi truyền trắng, bạn cần phải biết cách chăm sóc da đúng cách để phát huy tối ưu được tác dụng của truyền trắng cũng như duy trì làn da trắng sáng được lâu dài, bao gồm:
- Truyền trắng giúp làm trắng da từ bên trong, do đó bạn cũng cần loại bỏ làn da xấu xí bên ngoài, bằng cách tẩy da chết thường xuyên, thoa kem dưỡng trắng, dưỡng ẩm.
- Chống nắng mỗi ngày, lựa chọn kem chống nắng có chỉ số spf từ 30 trở lên.
- Sử dụng sữa rửa mặt hay sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH phù hợp với da mặt hay da cơ thể.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin giúp chống oxy hóa như Vitamin E, C.
- Có thể kết hợp uống glutathione theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả trắng da tốt hơn, nhanh chóng hơn.
7 Những câu hỏi thường gặp
7.1 Truyền trắng với tiêm trắng khác nhau như thế nào?
Mặc dù tiêm trắng với truyền trắng đều đưa trực tiếp các chất làm trắng vào tĩnh mạch nhưng có cách thức thực hiện khác nhau. Trong khi tiêm trắng da là tiêm trực tiếp thuốc vào tĩnh mạch thì truyền trắng lại tiến hành pha loãng thuốc trong nước muối sinh lý rồi truyền với tốc độ chậm vào tĩnh mạch. Vì vậy, truyền trắng da có độ an toàn cao hơn tiêm trắng, giảm thiểu nguy cơ bị sốc phản vệ, kích ứng…, đồng thời cho hiệu quả cao hơn so với tiêm trắng.
7.2 Truyền trắng bao nhiêu tiền?
Giá truyền trắng bao nhiêu? Tùy thuộc và loại thuốc truyền trắng, các thiết bị y tế và quy trình được sử dụng, mỗi liệu trình truyền trắng sẽ có chi phí khác nhau, dao động từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Điều quan trọng là bạn phải tìm được địa chỉ truyền trắng uy tín với sản phẩm chất lượng tốt, cơ sở vật chất hiện đại, quy trình tiên tiến, đảm bảo với mức giá hợp lý, tương xứng với chất lượng.
7.3 Truyền trắng mấy lần thì trắng?
Mỗi liệu trình truyền trắng bao gồm khoảng 10 lần truyền, thực hiện trong 10 tuần. Bạn nên tiến hành ít nhất một liệu trình để đảm bảo được hiệu quả lâu dài.
7.4 Truyền trắng da giữ được bao lâu?
Sắc tố melanin là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người và do di truyền, vì vậy có những người da đen bẩm sinh, có những người lại “trắng từ trong trứng”. Do đó, kể cả khi bạn truyền trắng, làn da được thay đổi từ bên trong nhưng vẫn sẽ có thời hạn nhất đinh.
Thông thường, sau mỗi liệu trình truyền trắng, làn da của bạn sẽ trắng sáng và mịn màng trong 6 tháng tới vài năm, tùy thuộc vào loại thuốc truyền trắng mà bạn dùng, cách bạn chăm sóc da sau khi truyền và cơ địa mỗi người. Vì thế, hãy yêu cầu bác sĩ lựa chọn cho bạn một loại thuốc tốt và chăm chỉ chăm sóc da đúng cách như ở trên đã trình bày.
7.5 Truyền trắng da ở đâu an toàn?
Truyền trắng da body hay truyền trắng da mặt đều nên được thực hiện tại những cơ sở uy tín. Mặc dù việc truyền trắng là tương đối an toàn nhưng vẫn có khả năng xui rủi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, hãy lựa chọn địa chỉ uy tín đảm bảo các tiêu chí sau:
- Được Bộ Y tế cấp phép cho hoạt động truyền trắng da.
- Được thăm khám, tư vấn và hướng dẫn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu chuyên môn tốt, tránh dính phải “lang băm” đội lốt bác sĩ giỏi.
- Truyền trắng được thực hiện bởi y tá hay bác sĩ có tay nghề tốt, giàu kinh nghiệm.
- Cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
- Thuốc truyền trắng còn hạn dùng, có thành phần với hàm lượng thích hợp, xuất xứ, thương hiệu uy tín, mã vạch đầy đủ, đảm bảo chính hãng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Witoo Dilokthornsakul, Teerapon Dhippayom, Piyameth Dilokthornsakul (Ngày đăng 20 tháng 3 năm 2019). The clinical effect of glutathione on skin color and other related skin conditions: A systematic review, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022
- ^ Tác giả Juliet M. Pullar, Anitra C. Carr và Margreet CM Vissers (Ngày đăng 12 tháng 8 năm 2017). The Roles of Vitamin C in Skin Health, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022
- ^ Chuyên gia của WebMD. Glutathione - Uses, Side Effects, and More, WebMD. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022