1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?

Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?

Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?

Trungtamthuoc.com - Dùng ARV điều trị HIV/AIDS được thực hiện với mục đích để hạn chế và ngăn chăn sự nhân lên của HIV trong cơ thể và phục hồi hệ thống miễn dịch. Thông qua phương pháp điều trị này sớm, sẽ làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do HIV cùng các bệnh cơ hội khác. Không chỉ vậy, nhờ đó mà cũng làm giảm tỷ lệ lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

HIV được điều trị bằng thuốc ARV.
HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

1 Nguyên tắc điều trị HIV

Người bệnh HIV cần được điều trị sớm để hạn chế khả năng nhân lên của virus, đồng thời làm giảm nồng độ của HIV trong máu và suy giảm miễn dịch.

Người bệnh HIV cần được điều trị kết hợp tối thiểu 3 loại thuốc ARV.

Đồng thời, việc điều trị cần diễn ra liên tục, suốt đời và theo dõi trong toàn bộ quá trình điều trị.

Bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng liều, đúng giờ và đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với các bé từ 5 tuổi trở lên và người lớn, được chỉ định điều trị ARV khi CD4 từ 500 TB/mm3 trở xuống. Chỉ định điều trị ARV không liên quan đến số lượng tế bào CD4 cũng được dùng với các đối tượng:

  • Người bệnh có nhiễm HIV tiến triển giai đoạn 3 và 4, có thể cùng với nhiễm lao, viêm gan B mạn tính nặng theo quy định.
  • Người đang mang thai và cho con bú có bị HIV.
  • Người bệnh HIV trong khi vợ hay chồng của họ không bị bệnh.
  • Bệnh nhân HIV từ 50 tuổi trở lên hoặc sống, làm việc ở khu vực vùng sâu xa, hải đảo, hoặc có sử dụng ma túy, bán dâm, quan hệ đồng giới.

​Chỉ định điều trị ARV cho các bé dưới 5 tuổi bị nhiễm HIV không căn cứ vào giai đoạn lâm sàng hay tế bào CD4. Hay với các bé dưới 18 tháng tuổi, kết quả PCR dương tính hay có kháng thể kháng HIV và có biểu hiện: nấm miệng, viêm phổi, nhiễm trùng nặng hay bị AIDS.[1]

2 Thuốc ARV là gì?

Thuốc ARV (Antiretroviral) hay còn gọi là thuốc kháng HIV, là tên gọi chung của nhiều nhóm thuốc khác nhau có bản chất là men sao chép ngược và có khả năng ức chế sự nhân lên của virus HIV.

Trong vài năm qua, các thuốc ARV đã trở nên hiệu quả hơn, ít độc hơn. Vì thế, chúng được sử dụng rộng rãi trong việc phòng và điều trị lây nhiễm HIV.[2]

Thông qua phương pháp điều trị này sớm, sẽ làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do HIV cùng các bệnh cơ hội khác. Không chỉ vậy, nhờ đó mà cũng làm giảm tỷ lệ lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

3 Thuốc ARV có mấy loại?

3.1 Thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside/nucleotide (NRTI)

Sau khi vi-rút HIV giải phóng vật liệu di truyền của nó vào tế bào chủ, enzyme phiên mã ngược sẽ chuyển đổi ARN của vi-rút thành DNA, một quá trình được gọi là 'phiên mã ngược. Khi đó, NRTI nhắm mục tiêu vào men sao chép ngược và phá vỡ cấu trúc của một đoạn DNA tiền virus mới, do đó ngăn chặn quá trình phiên mã ngược và ngăn chặn sự nhân lên của HIV.[3]

NRTI đôi khi được gọi là "xương sống" khi kết hợp với các thuốc khác trong liệu pháp đầu tay điều trị HIV. Các hoạt chất thuộc nhóm này bao gồm: 

  • Abacavir (ABC) là một chất tương tự guanosine được phosphoryl hóa thành Carbovir triphosphate. Nó gây cản trở DNA polymerase phụ thuộc RNA virus HIV dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Hiện nay, Abacavir không còn được khuyên cáo là liệu pháp đầu tay ở hầu hết những người nhiễm HIV do lo ngại về mối liên quan của nó với bệnh tim mạch và nguy cơ quá mẫn với Abacavir. Biệt dược phổ biến hiện nay là Ziagen, Triumeq (abacavir/lamivudine/dolutegravir).
Các thuốc kháng retro virus điều trị cho người HIV gồm những thuốc nào?
Các thuốc kháng retro virus điều trị cho người HIV gồm những thuốc nào?
  • Didanosine(ddI) một chất tương tự nucleoside và sản phẩm khử amin của dideoxyadenosine (ddA). Nó ức chế sự sao chép của HIV ở cả tế bào T và tế bào đơn nhân. Didanosine được chuyển đổi trong tế bào thành mono-, di- và triphosphate của ddA. Các triphosphate ddA này hoạt động như cơ chất và chất ức chế cơ chất sao chép ngược HIV và chất ức chế men sao chép ngược HIV. Do đó thuốc ngăn chặn sự tổng hợp DNA của virus và ngăn chặn sự sao chép của HIV.
  • Emtricitabine (FTC) là một chất tương tự Cytosine được phosphoryl hóa nội bào thành Emtricitabine 5'-triphosphate. Từ đó, chất này gây cản trở DNA polymerase phụ thuộc RNA virus HIV gây ức chế sự nhân lên của chúng. Hoạt chất này có trong viên kết hợp emtricitabine/tenofovir disoproxil, Descovy, efavirenz/emtricitabine/tenofovir disoproxil, Biktarvy, Eviplera,...
  • Lamivudine (3TC), chất tương tự Cytosine ức chế sao chép ngược HIV thông qua chấm dứt chuỗi DNA virus. Nó ức chế các hoạt động DNA polymerase phụ thuộc RNA và DNA của enzyme sao chép ngược. Trong viêm gan B, dạng Lamivudine monophosphate được tích hợp vào DNA virus bằng polymerase virus viêm gan B, dẫn đến chấm dứt chuỗi DNA. Lamivudine có  thể được bán trên thị trường dưới tên Epivir. Ngoài ra, hoạt chất này còn có trong một số dạng kết hợp như abacavir/lamivudine, lamivudine/zidovudine, Triumeq, Delstrigo và Dovato.
  • Zidovudine (AZT), chất tương tự Thymidine gây cản trở DNA polymerase phụ thuộc RNA của virus HIV dẫn đến ức chế sự nhân lên của nó. Zidovudine có thể được bán trên thị trường dưới tên Retrovir. Ngoài ra hoạt chất này có trong viên kết hợp với Lamivudine.
  • Tenofovir (TDF) chất tương tự của Adenosine 5'-monophosphate, can thiệp vào DNA polymerase phụ thuộc RNA virus HIV và ức chế sự nhân lên của virus. Đầu tiên TDF được chuyển đổi nội bào bằng cách thủy phân thành Tenofovir và sau đó được phosphoryl hóa thành Tenofovir diphosphate hoạt động. Tenofovir ức chế sự sao chép của HBV bằng cách ức chế HBV polymerase.[4] Tenofovir disoproxil có thể được bán trên thị trường dưới tên Viread nhưng cũng có thể có trong các dạng kết hợp như emtricitabine/tenofovir disoproxil, efavirenz/emtricitabine/tenofovir disoproxil, Delstrigo, Eviplera và Stribild. Một công thức mới hơn của Tenofovir là Tenofovir alafenamide có sẵn ở dạng viên kết hợp: Biktarvy, Descovy, Genvoya, Odefsey và Symtuza .

3.2 Thuốc ức chế men sao chép ngược non-nucleoside (NNRTI)

Các chất ức chế men sao chép ngược non-nucleoside (NNRTI) cũng nhắm đến men sao chép ngược, nhưng theo một cách khác với NRTI.

Các NNRTI là chất ức chế men sao chép ngược không nucleoside, có hoạt tính chống lại HIV-1 bằng cách liên kết với enzyme sao chép ngược. Do đó, nó ngăn chặn các hoạt động DNA polymerase phụ thuộc RNA và DNA, bao gồm cả sao chép HIV-1.

Một số thuốc thuộc nhóm này được dùng cho người bệnh HIV gồm Nevirapine (NVP) Efavirenz (EFV), Etravirine (ETV).

3.3 ​Nhóm thuốc ức chế Protease

Các thuốc nhóm này bao gồm Atazanavir + Ritonavir (ATV/r), Darunavir + Ritonavir (DRV/r), Lopinavir/Ritonavir (LPV/r).

Chúng liên kết với vị trí của hoạt động Protease HIV-1, ức chế sự phân cắt của tiền chất polyprotein của virus thành protein chức năng riêng biệt cần thiết cho lây truyền HIV. Điều này dẫn đến sự hình thành các hạt virus chưa trưởng thành, không nhiễm trùng.Thành phần ritonavir ức chế chuyển hóa CYP3A của Lopinavir, Darunavir, Lopinavir cho phép tăng nồng độ các chất này trong huyết tương.

3.4 Nhóm thuốc ức chế men tích hợp

Raltegravir, chất ức chế hoạt động xúc tác của integrase, ngăn chặn sự tích hợp của gen provirus vào DNA của người. 

4 Tác dụng phụ của thuốc ARV

Mặc dù đã cải thiện nhiều nhưng các loại thuốc kháng virus dùng điều trị HIV vẫn tồn tại một số tác dụng phụ điển hình. Các tác dụng phụ nhẹ có thể hết ngay khi cơ thể quen với thuốc, nhưng một số tác dụng phụ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu dùng thuốc trong thời gian dài.

4.1 Chán ăn

Một số thuốc kháng virus (chẳng hạn như Abacavir, Zidovudin) có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng. Do đó thuốc khiến người bệnh không muốn ăn dẫn đến suy nhược, gầy sút cân.

Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh có thể áp dụng các mẹo sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn trong ngày
  • Uống sinh tố hoặc sử dụng các thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể có đủ vitamin và khoáng chất
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia nếu bạn muốn sử dụng các sản phẩm kích thích sự thèm ăn.

4.2 Loạn dưỡng mỡ

Loạn dưỡng mỡ là tình trạng ảnh hưởng đến chức năng tiêu thụ và dự trữ chất béo của cơ thể. Kết quả là gây ra tăng hoặc giảm mỡ ở một số vùng của cơ thể, khiến ngoại hình bị thay đổi. Điều này có thể khiến một số người cảm thấy tự ti hoặc lo lắng. 

Điển hình là sự kết hợp của nhóm thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside/nucleotide (NRTI) và nhóm chất ức chế protease, có thể gây loạn dưỡng mỡ.

Để cải thiện tác dụng không mong muốn này, người bệnh có thể áp dụng các mẹo sau:

  • Tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm mỡ toàn thân, bao gồm cả những vùng bị tích tụ mỡ
  • Một loại thuốc tiêm có tên là Tesamorelin (Egrifta) có thể giúp giảm mỡ bụng dư thưad ở những người đang sử dụng thuốc ARV. Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng Tesamorelin, mỡ bụng có thể sẽ quay trở lại. 
  • Hút mỡ bụng cũng là một giải pháp để loại bỏ lượng chất béo tích tụ.
  • Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc sử dụng Metformin có thể giúp giảm mỡ bụng do loạn dưỡng mỡ. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

4.3 Tiêu chảy

Thuốc kháng virus ARV có thể khiến người bệnh đi ngoài phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày, kèm theo các triệu chứng như đau bụng, tăng nhu động ruột,... Thuốc nhóm NRTI và các chất ức chế protease là nguyên nhân thường gặp gây ra tác dụng phụ này. 

Để hạn chế tác dụng phụ gây tiêu chảy, người bệnh nên:

  • Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm cay nóng và chiên rán
  • Hạn chế uống sữa khi bụng đói
  • Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều chất xơ không hòa tan
  • Có thể sử dụng thuốc chống tiêu chảy Loperamid, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ

4.4 Mệt mỏi

Mệt mỏi là một tác dụng phụ điển hình của việc điều trị HIV bằng thuốc kháng virus, nhưng nó cũng là một triệu chứng của HIV. Người bệnh thường cảm thấy thiếu năng lượng, uể oải, thiếu sức sống. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể:

  • Ăn bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng năng lượng
  • Tập thể dục thường xuyên và đều đặn để tăng cường trao đổi chất
  • Tránh hút thuốc và uống rượu bia
  • Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học và ngủ đủ giấc

4.5 Tăng mức cholesterol và chất béo trung tính

Các thuốc kháng virus ARV có thể gây tăng hàm lượng cholesterol và triglyceride trong máu, nhưng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh nên:

  • Hạn chế hút thuốc và tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất béo không lành mạnh
  • Tập thể dục nhiều hơn
  • Ăn cá và các thực phẩm có nhiều aixt béo omega-3, ví dụ như các loại hạt và dầu thực vật.
  • Đối với những người có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa cần định kỳ theo dõi mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu
  • Có thể sử dụng statin hoặc các loại thuốc giảm cholesterol khác theo đơn của bác sĩ.

4.6 Thay đổi tâm trạng

Một số bệnh nhân sử dụng ARV đã ghi nhận các biểu hiện như trầm cảm và lo lắng. Đây có thể là tác dụng phụ của thuốc nhưng cũng có thể là một triệu chứng của HIV. Thuốc chống trầm cảm hoặc các phương pháp trị liệu tâm lý có thể giúp ích cho bệnh nhân trong trường hợp này.

4.7 Buồn nôn và ói mửa

Hầu như tất cả các loại thuốc kháng virus điều trị HIV đều có tác dụng phụ gây buồn nôn hoặc nôn. Để giảm thiểu tác dụng phụ này, người bệnh nên:

  • Chia nhỏ bữa ăn và nhai kỹ khi ăn
  • Tránh ăn mặn
  • Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng
  • Có thể sử dụng thuốc chống nôn nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ

4.8 Phát ban

Phát ban là tác dụng không mong muốn của hầu hết các loại thuốc ARV điều trị HIV. Người bệnh có thể gặp các vết mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy trên da. Khi đó, những mẹo sau đây có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn

  • Dưỡng ấm da với lotion mỗi ngày
  • Tránh tắm bằng nước quá nóng, thay vào đó, nên sử dụng nước mát hoặc nước ấm
  • Sử dụng loại sữa tắm, xà phòng và bột giặt dịu nhẹ, không gây kích ứng
  • Lựa chọn quần áo có chất vài mềm, thoáng khí và rộng rãi
  • Có thể sử dụng thuốc kháng histamin nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ

Đôi khi tình trạng phát ban có thể trở nên nghiêm trọng với các triệu chứng của phản ứng dị ứng như: phát ban nhanh chóng và lan rộng, khó thở hoặc khó nuốt, sốt, xuất hiện mụn nước (đặc biệt là quanh miệng, mũi và mắt). Nếu xuất hiện các triệu chứng này trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời. 

4.9 Các tác dụng phụ khác

Các tác dụng không mong muốn khác của thuốc kháng virus ARV bao gồm: mất ngủ, xuất huyết, loãng xương, tăng đường huyết, nhiễm axit lactic, bệnh tim mạch, tổn thương thận hoặc gan hoặc tuyến tụy, tê bì chân tay,...[5]

5 Các phác đồ điều trị HIV bằng ARV

5.1 Các phác đồ điều trị ARV bậc 1

5.1.1 Với đối tượng nhiễm HIV là gười lớn và trẻ từ 10 tuổi trở lên

Ban đầu, bệnh nhân được điều trị bằng cách dùng kết hợp TDF + 3TC + EFV.

Nếu người bệnh không được dùng TDF thì thay thế bằng AZT, nếu không dùng được EFV thì dùng NVP, hay có thể thay FTC cho 3TC.

Nếu trẻ đủ 10 tuổi trở lên nhưng lại dưới 35kg thì điều tị bằng phác đồ dành cho trẻ em dưới 35kg.

5.1.2 Phác đồ điều trị cho các bé từ 3 đến 10 tuổi

Ban đầu cho các đối tượng này dùng kết hợp các thuốc gồm ABC+ 3TC + EFV.

Nếu người bệnh không dùng được ABC thì thay thế bằng AZT, hay dùng NVP thay thế cho EFV, hay FTC thay vì 3TC.

5.1.3 Với các bé dưới 3 tuổi bị nhiễm HIV

Bắt đầu cho người bệnh dùng phác đồ điều trị bao gồm 3 thuốc ABC + 3TC + LPV/R.

Tuy nhiên, có thể thay thế AZT cho ABC, hay NVP cho LPV/r nếu người bệnh có chống chỉ định.

5.1.4 Điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV

Các bé sinh ra có mẹ bị nhiễm HIV, được ưu tiên điều trị bằng NVP (Nevirapine).

Nếu người mẹ đã được xác định HIV trước sinh, điều trị ARV trên 4 tuần, hoặc không điều trị hoặc điều trị từ 4 tuần trở xuống và không cho con bú thì cho trẻ dụng NVP từ khi sinh đến 6 tuần. Nếu mẹ điều trị bằng ARV từ 4 tuần trở xuống và có cho con bú thì cho trẻ dùng NVP từ khi sinh đến 12 tuần.

Nếu mẹ được chẩn đoán HIV sau khi sinh thì cho trẻ dùng NVP trong 12 tuần nếu mẹ được chẩn đoán trong 72 giờ sau sinh hoặc quá 72 giờ nhưng con không bú.

Nếu trẻ được chẩn đoán xác định là mắc HIV thì không điều trị NVP nữa mà điều trị ngay ARV.

Thất bại điều trị HIV phác đồ 1 khi:

  • Bé trên 10 tuổi và người lớn có các bệnh lý giai đoạn 4 sau điều trị ARV tối thiểu 6 tháng. Hoặc CD4 giảm xuống thấp hơn trước điều trị hoặc CD4 ít hơn 100 tế bào/mm3 ở 2 lần xét nghiệm liên tiếp cách 6 tháng và không có nhiễm trùng gây giảm CD4.
  • Bé từ 10 tuổi trở xuống mà có các bệnh lý giai đoạn 3 và 4 sau điều trị ARV tối thiểu 6 tháng. Hoặc trẻ không có nhiễm trùng gây giảm CD4 mà trong 2 lần xét nghiệm liên tiếp cách 6 tháng CD4 giảm xuống thấp hơn trước khi điều trị theo tiêu chuẩn.
Các phác đồ điều trị ARV bậc 1, bậc 2 và bậc 3.
Các phác đồ điều trị ARV bậc 1, bậc 2 và bậc 3.

5.2 ​Các phác đồ điều trị ARV bậc 2

Với các đối tượng từ 10 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và cho con bú có thể điều trị bằng AZT + 3TC (hoặc FTC) kết hợp LPV/r hoặc ATV/r. Nếu ban đầu khi điều trị bằng phác đồ bậc 1 họ có dùng AZT thì phác đồ bậc 2 sẽ tương tự như trên nhưng thay AZT bằng TDF.

  • Với các đối tượng trên vừa nhiễm lao, vừa nhiễm HIV cũng dùng phác đồ điều trị như trên, nhưng tăng liều LPV/r hoặc ATV/r theo hướng dẫn.
  • Nếu người bệnh trên vừa bị HIV vừa nhiễm HBV thì điều trị bằng phác đồ gồm AZT + TDF + 3TC (hay FTC) + ATV/r (hay LPV/r).

​Với các bé dưới 3 tuổi, phác đồ bậc 2 giống như phác đồ bậc 1.

Các bé từ 3 đến 10 tuổi, dựa vào phác đồ bậc 1 nhưng thay LPV/R bằng EFV đồng thời thay ABC với AZT cho nhau.

Tất cả đối tượng nhiễm HIV thất bại với phác đồ bậc 1 thì điều trị bằng AZT + 3TC + LPV/r hoặc ABC (hoặc TDF) + 3TC (hoặc FTC) + LPV/r.[6]

5.3 Phác đồ điều trị ARV bậc 3

Lúc này, người bệnh được sử dụng các chất ức chế men tích hợp raltegravir, thuốc ức chế men sao chép ngược không nucleoside và thuốc ức chế men protease thế hệ hai.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về sử dụng ARV trong điều trị HIV, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.

5.4 Lưu ý khi sử dụng ARV trong điều trị HIV

  • Nên bắt đầu điều trị bằng ARV càng sớm càng tốt, sau khi chẩn đoán nhiễm HIV. Đây là một trong những liệu pháp được ưu tiên hàng đầu với mục đích cải  thiện sức khỏe và tuổi thọ của người bệnh. Đồng thời lọi bỏ nguy cơ lây truyền HIV sang bạn tình hoặc người cùng tiêm chích ma túy, cũng như trẻ sơ sinh. 
  • Nên nhanh chóng bắt đầu điều trị bằng ARV (trong vòng 7 ngày kể từ ngày chẩn đoán) nếu bệnh nhân đã sẵn sàng và không có bằng chứng về nhiễm trùng cơ hội đang xảy ra. Ở những nơi có nguồn lực hạn chế, việc bắt đầu điều trị ARV nhanh chóng đã cải thiện khả năng sống sót và cải thiện
  • Khuyến cáo bắt đầu điều trị ARV tại thời điểm chẩn đoán nhiễm HIV cấp tính.
  • Bắt đầu điều trị ARV được khuyến cáo trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị đối với hầu hết các bệnh nhiễm trùng cơ hội

Đối với những người mắc bệnh lao hoạt động mà không có bằng chứng của bệnh lao màng não, nên bắt đầu điều trị ARV trong vòng 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bệnh lao, đặc biệt đối với những người có số lượng tế bào CD4 dưới 50/μL 

Đối với những người bị viêm màng não do lao, nên bắt đầu dùng steroid liều cao cùng với điều trị bệnh lao và nên bắt đầu điều trị ARV trong vòng 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bệnh lao và steroid 

Đối với những người bị viêm màng não do cryptococcus được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc hỗ trợ cho các biến cố bất lợi, nên bắt đầu điều trị ARV từ 2 đến 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng nấm. Những người chưa từng điều trị ARV có kháng nguyên cryptococcus trong máu không có triệu chứng và kết quả chọc dò tủy sống âm tính không có bằng chứng viêm màng não do cryptococcus nên bắt đầu điều trị ARV ngay lập tức.

Bắt đầu điều trị với ARV được khuyến nghị ngay lập tức trong bối cảnh chẩn đoán ung thư mới, nhưng cần chú ý đến tương tác thuốc-thuốc.[7]

6 Sử dụng ARV trong thời kỳ mang thai

Tất cả những người nhiễm HIV đang mang thai nên được điều trị ARV vì sức khỏe của chính họ và để ngăn ngừa lây truyền HIV sang thai nhi. Những người được chẩn đoán nhiễm HIV trong khi mang thai nên bắt đầu điều trị ARV ngay lập tức với phác đồ 3 loại thuốc được khuyến nghị. Đó làTAF/XTC cộng với dolutegravir, với TDF/XTC cộng với dolutegravir là một lựa chọn thay thế phù hợp nếu không có sẵn tenofovir alafenamide.

Có thể thay thế dolutegravir bằng các lựa chọn sau đây:

  • Raltegravir (400 mg hai lần mỗi ngày) 
  • Atazanavir cộng với ritonavir 
  • Darunavir cộng với ritonavir
  • Rilpivirine

Những thuốc sau đây không nên sử dụng cho phụ nữ có thai do chưa đủ dữ liệu an toàn:

  • Bictegravir
  • Doravirine
  • Cabotegravir
  • DTG/3TC
  • DTG/RPV

Không sử dụng phác đồ có chứa cobicistat cho phụ nữ mang thai.

Sử dụng ARV ở bệnh nhân có nhiễm trùng và ung thư

Đối với những người mắc đồng thời nhiễm trùng cơ hội, nên bắt đầu điều trị ARV trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị nhiễm trùng cơ hội, trừ khi có bằng chứng ủng hộ việc trì hoãn điều trị ARV do tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong.

7 Tình trạng kháng thuốc ARV

7.1 HIV kháng thuốc là gì?

Thuốc điều trị HIV hoạt động bằng cách ngăn chặn virus nhân lên. Vì thế, khi một chủng HIV cụ thể tạo ra một phiên bản bản đột biến của chính nó, hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra. Những người nhiễm HIV có thể có một hoặc nhiều đột biến kháng thuốc khiến họ ít nhạy cảm hơn với một hoặc nhiều loại thuốc ARV.

Ví dụ: nếu một người có đột biến protease, thì HIV của họ kháng thuốc ức chế protease, nghĩa là một loại thuốc như darunavir (Prezista), chất ức chế protease, có thể không có hiệu quả với họ. Hay những người có đột biến men sao chép ngược có thể kháng một loại thuốc như emtricitabine/TDF (Truvada).

Bên cạnh đó, có hiện tượng kháng chéo giữa các ARV trong cùng 1 nhóm. Cụ thể, nên nếu virus trở nên kháng một loại thuốc trong nhóm, thì virus có thể trở nên kháng một phần hoặc hoàn toàn với tất cả các loại thuốc trong nhóm đó. Ví dụ, một người phát triển kháng thuốc HIV với Prezista cũng có thể kháng atazanavir (Reyataz), vì cả hai đều là chất ức chế protease.

7.2 Dấu hiệu kháng thuốc ARV là gì?

Các Hướng dẫn điều trị HIV khuyến cáo nên xét nghiệm HIV kháng thuốc trước khi bắt đầu điều trị. Cụ thể những biểu hiện kháng thuốc ARV trên cận lâm sàng là:

  • Tải lượng virus vượt quá 1.000 bản sao/mL (hoặc nằm trong khoảng 500 bản sao/mL - 1.000 bản sao/mL)
  • Kết quả điều trị không làm giảm tải lượng virus nhanh nhất có thể

Trong những trường hợp đó, việc xét nghiệm kháng thuốc là cần thiết. Có hai loại xét nghiệm kháng thuốc: xét nghiệm kiểu gen và xét nghiệm kiểu hình.[8]

8 Thuốc ARV giá bao nhiêu?

Giá thuốc ARV có thể thay đổi tùy thuộc vào nhóm thuốc, nhà sản xuất và mức độ tham gia bảo hiểm y tế của người bệnh.

Thông thường, mức giá thuốc ARV sẽ dao động từ 1-4 triệu đồng/ 1 hộp 30 viên. Một hộp thuốc có thể được sử dụng trong vòng 1 tháng. Hiện nay, giá thành các loại thuốc ARV ngày càng rẻ. Đây là một tin vui đối với nhiều người mắc HIV. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, chi phí sử dụng thuốc ARV có thể trở thành gánh nặng kinh tế. Hơn nữa, những người mắc HIV cần phải dùng thuốc ARV suốt đời. Vì thế nhiều người mong muốn nhận được thuốc ARV miễn phí.

Để được sử dụng thuốc ARV miễn phí, người bênh nhiễm HIV cần có bảo hiểm y tế. Đối với người đã tham gia bảo hiểm y tế, sau khi được chẩn đoán mắc HIV, họ có thể đến các cơ sở y tế có cấp phát các loại thuốc ARV để được nhận miễn phí.

>>>Xem thêm: Thuốc Điều Trị HIV Mới Nhất Và Phác Đồ Điều Trị HIV Chuẩn Theo Bộ Y Tế

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Shelley A Gilroy, MD (Ngày đăng: ngày 20 tháng 8 năm 2020). What is the role of antiretroviral therapy (ART) for HIV infection?, Medscape. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ Quốc Long (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 09 năm 2021). Điều trị Dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV, VAAC. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 06 năm 2023
  3. ^ Roger Pebody (Ngày đăng: Tháng 05 năm 2021). Types of antiretroviral medications, Aidsmap. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
  4. ^ Tác giả: Jonathan E. Kaplan, MD (Ngày đăng: ngày 09 tháng 6 năm 2020). The History of HIV Treatment: Antiretroviral Therapy and More, WebMD. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021.
  5. ^  Monica Kean (Ngày đăng: Ngày 06 tháng 06 năm 2022). Antiretroviral HIV Drugs: Side Effects and Adherence, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 06 năm 2023
  6. ^ Tác giả: Huldrych F. Günthard; MD, Michael S. Saag; MD; Constance A. Benson, MD; Carlos del Rio, MD (Ngày đăng: ngày 12 tháng 7 năm 2016). Antiretroviral Drugs for Treatment and Prevention of HIV Infection in Adults, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021.
  7. ^  Rajesh T. Gandhi, Roger Bedimo, Jennifer F. Hoy (Ngày đăng: Ngày 01 tháng 12 năm 2022). Antiretroviral Drugs for Treatment and Prevention of HIV Infection in Adults, JAMA Network. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
  8. ^  Warren Tong (Ngày đăng: Ngày 04 tháng 12 năm 2017). Here’s what you need to know about HIV drug resistance, SFAF. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 06 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không? 5/ 5 4
    5
    100%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
    • Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?
      H
      Điểm đánh giá: 5/5

      Nhà thuốc rất uy tín

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?
      E
      Điểm đánh giá: 5/5

      Nhà thuốc rất uy tín

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?
      E
      Điểm đánh giá: 5/5

      Nhà thuốc rất uy tín

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Thuốc ARV là gì? Giá bao nhiêu? Người bị HIV có được nhận miễn phí không?
      K
      Điểm đánh giá: 5/5

      Nhà thuốc rất uy tín

      Trả lời Cảm ơn (0)
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633