Sốt siêu vi: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị
Trungtamthuoc.com - Sốt do virus hay sốt siêu vi là một thuật ngữ chỉ nhóm các bệnh do virus, đặc trưng là sốt cao, nhiệt mắt, đau đầu, đau nhức cơ thể. Thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh bị sốt siêu vi hay buồn nôn và ói mửa. Sốt do virus thường gặp ở trẻ em và người già vì khả năng miễn dịch thấp hơn.
1 Đại cương về sốt
1.1 Sốt là gì?
Định nghĩa về sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể hoặc nhiệt độ cơ thể cao. Sốt không được coi là có ý nghĩa về mặt y khoa cho đến khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38oC. Sốt được coi là một trong những phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút không thể sống ở nhiệt độ cao hơn. Vì lý do đó, sốt nhẹ thường không được điều trị, trừ khi kèm theo các triệu chứng khó chịu như ho, đau họng, mệt mỏi, đau khớp, ớn lạnh, buồn nôn...
Sốt 40oC hoặc cao hơn có thể nguy hiểm, cần điều trị ngay vì có thể gây mê sảng và co giật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già.
Sốt không nên nhầm lẫn với chứng tăng thân nhiệt - một khiếm khuyết trong phản ứng của cơ thể với nhiệt, cũng có thể làm tăng nhiệt độ. Điều này thường do các nguồn bên ngoài gây ra, chẳng hạn như trong môi trường nóng. Đột quỵ do nhiệt và kiệt sức do nhiệt là các dạng tăng thân nhiệt. Các nguyên nhân khác của tăng thân nhiệt có thể bao gồm các tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc điều kiện y tế nhất định.
Sốt cũng không nên nhầm lẫn với những cơn nóng hoặc đổ mồ hôi ban đêm do thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm gây ra cảm giác nóng đột ngột và dữ dội, và có thể kèm theo đỏ bừng và đổ mồ hôi nhưng khác sốt.
1.2 Nguyên nhân gây sốt
Sốt là kết quả của một phản ứng miễn dịch của cơ thể với yếu tố ngoại lai xâm nhập. Những yếu tố này bao gồm vi-rút, vi khuẩn, nấm hoặc các chất độc khác.
Những yếu tố ngoại lai này được coi là chất gây sốt, kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Chất gây sốt báo hiệu vùng dưới đồi trong não để tăng nhiệt độ cơ thể thiết lập nhiệt điểm để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Sốt là một triệu chứng phổ biến của hầu hết các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, viêm dạ dày ruột. Các bệnh nhiễm trùng điển hình có thể gây sốt bao gồm viêm tai, họng, phổi, bàng quang và thận. Ở trẻ em, tiêm vacxin hoặc mọc răng có thể gây sốt nhẹ, ngắn hạn. Ngoài ra, còn có một số yếu tố gây sốt khác như: Rối loạn tự miễn dịch trong viêm khớp dạng thấp, lupus và viêm ruột, tác dụng phụ của thuốc, co giật, cục máu đông, rối loạn nội tiết tố, ung thư...
Sốt tự nó không lây nhiễm, tuy nhiên, nếu sốt là do nhiễm vi-rút hoặc vi khuẩn, kí sinh trùng có thể lây nhiễm.
1.3 Các triệu chứng của sốt
Sốt có thể khiến một người cảm thấy rất khó chịu. Các dấu hiệu và triệu chứng sốt bao gồm:
- Nhiệt độ lớn hơn 38 độ C ở người lớn hay trẻ em, run rẩy, ớn lạnh và đau đầu.
- Đau nhức cơ và khớp, thậm chí đau nhức cả các vùng cơ thể khác.
- Người bệnh sốt đổ mồ hôi nhiều, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, da đỏ bừng hoặc nóng.
- Cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu.
- Người mệt mỏi, yếu, ăn không ngon.
Cũng cần lưu ý ở trẻ em là các triệu chứng có thể kèm theo nhiễm trùng, bao gồm đau họng, ho, đau tai, nôn mửa và tiêu chảy.
Với nhiệt độ rất cao (> 40 độ C), co giật, ảo giác, hoặc nhầm lẫn có thể xảy ra.
2 Sốt siêu vi là gì?
Sốt do virus hay sốt siêu vi là một thuật ngữ chỉ nhóm các bệnh do virus, đặc trưng là sốt cao, nhiệt mắt, đau đầu, đau nhức cơ thể. Thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh bị sốt siêu vi hay buồn nôn và ói mửa.
Sốt do virus thường gặp ở trẻ em và người già vì khả năng miễn dịch thấp hơn. Bản thân bệnh sốt không phải là một căn bệnh, mà là triệu chứng của nguyên nhân cơ bản, đó là nhiễm virus. Nhiễm virus có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể như ruột, phổi, đường dẫn khí... Sốt sẽ xảy ra do nhiễm trùng, sốt cao thường là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch của cơ thể, chống lại các virus xâm nhập và tiêu diệt chúng.
Nhiều người tự dùng thuốc khi sốt, đôi khi họ còn uống thuốc kháng sinh khi bị sốt cao liên tục với ớn lạnh, nhưng đó là một sai lầm. Thuốc kháng sinh không thể diệt virus mà chỉ giết vi khuẩn có hại. Nếu lạm dụng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, tiêu diệt vi khuẩn đường ruột tốt, gây tăng tiết acid và ảnh hưởng đến gan, thận.
3 Nguyên nhân gây sốt siêu vi?
Sốt do virus được truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Khi người bị nhiễm bệnh ngáp, hắt hơi, ho, hay nói chuyện, các chất lỏng nhỏ li ti phân tán ra ngoài không khí, có thể lây nhiễm vào người khác. Một khi virus xâm nhập vào cơ thể, phải mất từ 16 giờ đến 48 giờ để chuyển sang một bệnh nhiễm trùng bùng phát. Bệnh nhân có thể đột nhiên bị sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ thể và suy nhược nhanh.
Một số chủng virus trầm trọng gây ra xuất huyết lan truyền do muỗi, bọ ve cắn, hoặc bằng cách tiếp xúc với máu hoặc tinh dịch của người bị nhiễm bệnh.
4 Chẩn đoán sốt siêu vi
Các triệu chứng của sốt do virus bao gồm:
- Sốt liên tục tăng và giảm, người bệnh thấy mệt mỏi, chóng mặt, yếu ớt, ớn lạnh, đau đầu, cơ bắp, cơ thể và đau khớp.
- Nhiều người bệnh có tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi khó thở, viêm họng, đau amidan, ho.
- Khi bị sốt siêu vi bệnh nhân cũng có thể có cảm giác nóng rát trong mắt, viêm da.
- Thậm chí, một số bệnh nhân còn có tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa.[1]
Vì các triệu chứng sốt do virus thường gặp ở nhiều bệnh, nên việc chẩn đoán dạng sốt cụ thể có thể khó khăn. Yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để xác nhận chẩn đoán và loại trừ khả năng của bất kỳ bệnh nào như sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya, thương hàn...
5 Cách điều trị sốt siêu vi
Sốt virus thường tự khỏi sau 1 - 2 tuần, tuy nhiên ở những bệnh nhân có sốt cao thì cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ em.[2]
Điều đầu tiên cần lưu tâm khi bị sốt đó là uống nhiều nước, ở trẻ còn bú thì phải cho trẻ bú đầy đủ. Thường dùng là Oresol, mỗi gói pha 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo tình trạng sốt có thể sử dụng 2 - 3 gói/ngày. Thay vì sử dụng Oresol có thể dùng viên hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha trong 200ml nước. Phải pha thuốc đúng hướng dấn, nếu quá loãng sẽ không đủ lượng chất điện giải cần thiết, hay quá tải các chất điện giải nếu quá đặc.
Phòng ở của người bệnh cần ấm, không có gió lùa và nhiệt độ phòng thấp hơn nhiệt độ cơ thể, mặc quần áo rộng rãi. Bệnh nhân có thể được lau người thường xuyên bằng nước ấm để hạ thân nhiệt và tuyệt đối không tự chườm đá lạnh tại nhà. Ngoài ra, để hạ sốt ở những người bệnh sốt siêu vi có thể sử dụng các miếng dán hạ sốt.
Nếu người bệnh sốt > 38,5 độ C nên sử dụng thuốc hạ sốt, đa phần là Paracetamol với liều 10 - 20 mg/kg, cách mỗi 4 - 6 tiếng dùng một lần.
Người bệnh sốt siêu vi có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh cơ hội khác, do đó họ cần được vệ sinh sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm xong, bệnh nhân cần lau khô người sạch sẽ rồi mới mặc quần áo sạch sẽ, thoáng mát.
Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh hay truyền dịch, nếu không có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời không được dùng thuốc hạ sốt liên tục và không tắm bằng nước quá lạnh hay quá nóng, không uống nước đá.
Nếu bệnh nhân sốt liên tục trên 5 ngày, hay thân nhiệt trên 39 độ C không giảm khi dùng thuốc hạ sốt, co giật, đau đầu, buồn nôn cần đưa đến bệnh viện.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Daniel Murrell, MD (Ngày đăng: ngày 31 tháng 7 năm 2018). A Guide to Viral Fevers, Healthline. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Carmen Fookes, BPharm (Ngày đăng: ngày 29 tháng 10 năm 2021). How long does a fever last with a virus?, Drugs.com. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021.