1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Siêu âm thường quy trong thai kỳ và những điều mẹ cần lưu ý

Siêu âm thường quy trong thai kỳ và những điều mẹ cần lưu ý

Siêu âm thường quy trong thai kỳ và những điều mẹ cần lưu ý

Nguồn: Giáo trình Sản phụ khoa - Tập 1: Sản khoa.

Đại học Huế - Trường ĐH Y Dược

Đồng chủ biên:

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy,

GS.TS. Cao Ngọc Thành,

PGS.TS. Lê Minh Tâm,

PGS.TS. Trương Thành Vinh,

Cùng nhiều tác giả tham gia biên soạn.

1 ĐẠI CƯƠNG 

Siêu âm thường quy là một phần quan trọng trong công tác chăm sóc tiền sản. Siêu âm hiện nay xu hướng tiếp cận từ quý 1 để có thể phát hiện sớm các bất thường thai kỳ. 

Một số thuật ngữ được sử dụng để phân loại siêu âm: 

  • Siêu âm cơ bản (standard examination) hay siêu âm thường quy: Được chỉ định ở quý 2, quý 3 của thai kỳ nhằm đánh giá ngôi thai, thể tích nước ối, hoạt động tim thai, vị trí bánh rau, các chỉ số sinh trắc học thai nhi, số lượng thai. 

  • Siêu âm giới hạn (limited examination): Đây là kỹ thuật không thay thế cho siêu âm cơ bản, chỉ được thực hiện trong những trường hợp có yêu cầu cụ thể. 

  • Siêu âm chuyên sâu (specialized examination): Siêu âm hình thái chuyên sâu được thực hiện khi nghi ngờ tiền sử, bệnh sử, hoặc có những bất thường dựa trên kết quả xét nghiệm hay hình ảnh siêu âm cơ bản và siêu âm giới hạn. Ví dụ: Siêu âm doppler, siêu âm đánh giá chỉ số sinh trắc học thai nhi, siêu âm tim thai... 

2 SIÊU ÂM THAI SỚM TRONG BA THÁNG ĐẦU THAI KỲ 

2.1 Mục đích 

Siêu âm ba tháng đầu thai kỳ được thực hiện trước 13 tuần 6 ngày thai kỳ. Siêu âm quý 1 có thể tiếp cận bằng đường bụng hoặc đường âm đạo với một số mục đích như sau: 

(1) Xác định có thai hay không, thai đã vào buồng tử cung chưa, đặc biệt ở những phụ nữ có tiền sử thai ngoài tử cung hay sẩy thai, nghi ngờ có thai trên người có đặt dụng cụ tử cung. 

(2) Đánh giá một trường hợp nghi ngờ thai ngoài tử cung. 

(3) Đánh giá khi nghi ngờ có thai hoặc đã biết có thai với những triệu chứng bất thường như ra máu âm đạo, đau bụng vùng chậu, tử cung không tương xứng với thời gian trễ kinh, có khối u cạnh tử cung. 

(4) Xác định tuổi thai. 

(5) Chẩn đoán song thai, đa thai: trong trường hợp đa thai, cần đánh giá thêm số lượng bánh rau và số lượng buồng ối. 

(6) Xác định hoạt động tim thai. 

(7) Hướng dẫn thực hiện một số thủ thuật dưới siêu âm: Sinh thiết gai rau, chọc ối. 

(8) Đánh giá một số bất thường bẩm sinh sớm trong quý 1: thoát vị não, màng não... 

(9) Thực hiện sàng lọc lệch bội. 

(10) Đánh giá những trường hợp nghi ngờ thai trứng. 

(11) Đánh giá vùng chậu của sản phụ, khối u vùng chậu hoặc những bất thường tử cung bẩm sinh. 

2.2 Thời điểm siêu âm thai sớm 

Siêu âm thai sớm không nhất thiết được chỉ định một cách thường quy chỉ để xác định tình trạng thai nếu không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hay những chỉ định đặc biệt từ bác sĩ lâm sàng. Siêu âm quý 1 có thể trì hoãn đến thời điểm 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày vì lúc này có thể đánh giá những yếu tố quan trọng. Lưu ý trước khi siêu âm, cần tư vấn cho bệnh nhân những lợi ích cũng như những giới hạn khi thực hiện tại thời điểm này. 

2.3 An toàn của siêu âm thai sớm 

Khoảng thời gian 3 tháng đầu rất nhạy cảm với phôi thai, vì vậy để đảm bảo an toàn thời gian thực hiện siêu âm thai nên giảm thiểu đến mức tối đa: Thời gian siêu âm ngắn nhất, cường độ sóng thấp nhất để đạt được mục tiêu khảo sát. Khuyến cáo này được nhiều tổ chức và hiệp hội Siêu âm sản phụ khoa đồng thuận. Ngoài ra, các tổ chức Quốc tế đều đề nghị nên dùng B Mode và M Mode khi thực hiện siêu âm giai đoạn này. Siêu âm Doppler có năng lượng cao hơn nên có nhiều tác động sinh học lên phôi thai. Vì vậy, chỉ sử dụng siêu âm Doppler khi có chỉ định trên lâm sàng, và hạn chế thời gian tối đa khi ứng dụng siêu âm Doppler. 

2.4 Các hình ảnh siêu âm để xác định tình trạng thai ở giai đoạn sớm 

2.4.1 Xác định tình trạng thai trong tử cung 

Sự hiện diện của túi thai nằm trong buồng tử cung giúp khẳng định là thai trong buồng tử cung. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để chẩn đoán túi thai lại không rõ ràng, các thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả túi thai giai đoạn này như “túi thai trống”, “màng rụng kép”, “túi thai giả”. Do đó chưa đủ cơ sở để khẳng định một cách chắc chắn hay loại trừ hoàn toàn thai trong tử cung. Thông thường, túi thai bắt đầu xuất hiện từ sau tuần thứ 4 vô kinh. Lúc này túi thai đo được khoảng 5 mm. Vào tuần thứ 5 vô kinh, yolk sac xuất hiện, túi thai đo được khoảng 10-12mm. Việc xác định túi thai trong buồng tử cung giai đoạn này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm và mang tính chủ quan. Vì vậy, nếu không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt, nên đợi đến khí xuất hiện phối thái để khẳng định chắc chắn thai trong buồng tử cung 

2.4.2 Xác định tình trạng phôi thai sống trong buồng tử cung 

Hoạt động tim thai phôi thai có thể nhìn thấy sớm nhất lúc thai được 37 ngày tuổi. Hoạt động tim thai nhìn được khi chiều dài phôi ≥ 2mm, tuy nhiên có 5-10% trường hợp phôi có chiều dài 24mm nhưng chưa thấy hoạt động tim thai. 

Hình 1. Hình ảnh thai giai đoạn sớm 

2.5 Các phép đo thai trong quý 1 thai kỳ 

2.4.2.1 Các phép đo thai giai đoạn sớm 

Kích thước túi thai (GS - Gestational sac) và kích thước túi thai trung bình (MSD - Mean gestational sac diameter) được sử dụng để mô tả trong giai đoạn sớm khi túi thai chưa xuất hiện phôi thai. MSD là trị số trung bình của ba phép đo trên ba chiều của túi thai trong buồng tử cung. Khi túi thai đã xuất hiện phôi thai, đo chiều dài phôi sẽ giúp dự đoán tuổi thai và ngày dự sinh chính xác hơn MSD. 

2.4.2.2 Các phép đo trong quý I 

Trường hợp phôi thai đã xuất hiện thì thực hiện phép đo chiều dài đầu mông (CRL - Crown-rump length), đo thai ở tư thế trung tính (đầu và cổ nằm trên một mặt phẳng, không ngửa không gập), thai/phôi nằm ngang trên màn hình, thực hiện trên mặt cắt dọc giữa chuẩn, phóng to màn hình, cực đầu và cực mông phải được quan sát rõ ràng. Trong quý 1, có thể đo đường kính lưỡng đỉnh (BPD - Biparietal diameter) và chu vi vòng đầu (HC - Head circumference) từ tuần thai thứ 11. Phép đo khoảng mờ da gáy (nucheal translucancy - NT) được thực hiện từ tuổi thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày nhằm sàng lọc những bất thường nhiễm sắc thể. 

Hình 2. Khoảng mờ da gáy và xương mũi thai nhi ở tuần thai thứ 12 

2.6 Chẩn đoán tuổi thai 

Hình 3. Đo chiều dài đầu mông của thai nhi ở tư thế trung tính  

Khoảng thời gian lý tưởng để siêu âm xác định tuổi thai và có ngày sinh dự đoán chính xác là từ 8 - 13 tuần 6 ngày, vì thời điểm này tư thế thai thường trung tính (đầu và cổ trên một đường thẳng không ngửa không gập). Xác định tuổi thai đúng là mốc quan trọng khi theo dõi thai và đây là một chỉ định thường quy của siêu âm quý 1. Nó cung cấp các thông tin quan trọng cho việc đánh giá sự tăng trưởng sau này của thai và định hướng xử trí cho nhóm thai kỳ sinh non và thai quá ngày. 

Trong khoảng 85% các trường hợp, độ sai lệch giữa tuổi thai thực tế và tuổi thai ước tính theo siêu âm là: 

  • ± 7,6 ngày trong khoảng tuổi thai 13 - 18 tuần. 

  • ± 11,9 ngày trong khoảng tuổi thai 19 - 24 tuần. 

  • ± 13,4 ngày trong khoảng tuổi thai 25 - 30 tuần. 

  • ± 13,8 ngày trong khoảng tuổi thai 31 - 36 tuần. 

2.7 Siêu âm đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể 

Siêu âm sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể ở quý 1 có thể được thực hiện tùy theo nhân lực và các chính sách của mỗi quốc gia về sức khỏe cộng đồng. Siêu âm sàng lọc quý 1 nên bao gồm siêu âm đo khoảng mờ da gáy (NT). Sàng lọc quý 1 sẽ hiệu quả khi khi kết hợp NT, phối hợp với các chỉ điểm sinh hóa như beta hCG tự do, PAPP-A (Pregnancy associated plasma protein A). Trong một số trường hợp, một số chỉ điểm lệch bội khác như bất sản xương mũi, hở van ba lá, đảo ngược sóng a ống tĩnh mạch. Hầu hết các tài liệu điều khuyến cáo nên đo NT ở thời điểm 11 tuần - 13 tuần 6 ngày, tương ứng với CRL từ 45 - 84 mm. 

2.8 Những lưu ý trên siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ 

Đa thai 

Hình 4. Dấu hiệu “lamda” và dấu “T” trong song thai hai bánh rau và song thai một bánh rau 

Trên siêu âm, cần chú ý số lượng túi thai hay số phôi thai trong buồng tử cung qua đó có thể xác định một thai, đa thai hay thai trứng. Với đa thai, cần thực hiện tiếng âm sàng lọc quý I từ 11 tuần - 13 tuần 6 ngày để chẩn đoán số lượng bánh rau, số lượng buồng ối dựa trên dấu hiệu “lamda” và dấu hiệu “T sign” bên cạnh những vấn để sàng lọc lệch bội. 

2.8.1 Thai ngừng phát triển trong tử cung 

Với thai kỳ sớm, chẩn đoán thai ngừng phát triển, chủ yếu dựa vào các tiêu chí trên siêu âm 

  • CRL ≥ 7mm mà không thấy tim thai. 

  • MSD ≥ 25mm và không thấy phôi thai. 

  • Không thấy phôi thai, tim thai kể từ sau 2 tuần siêu âm đã thấy túi thai, không có túi noãn hoàng. 

  • Không thấy phôi thai, tim thai kể từ sau 11 ngày siêu âm đã thấy túi thai có túi noãn hoàng. 

2.8.2 Tụ máu/ chảy máu dưới màng đệm 

Là hậu quả khi bong mép rau hoặc vỡ các xoang mạch máu ở rìa rau tạo thành khối máu tụ dưới màng đệm. Màng đệm bị bóc tách khỏi lớp màng rụng và bị khối máu tụ nâng lên. Giai đoạn cấp tính, khối máu tụ có phản âm dày hoặc đồng dạng so với bánh rau. Sau khoảng 1 - 2 tuần, khối máu tụ thoái hóa và cho phản âm trống trên siêu âm. 

Hình 5. Tụ máu dưới màng đệm 

2.8.3 Thai trứng 

Hình ảnh siêu âm điển hình trong thai trứng toàn phần là hình ảnh “bão tuyết” hoặc “tổ ong”. Trường hợp thai trứng bán phần, dễ nhầm với thai lưu thoái hóa trong tử cung hoặc u xơ cơ tử cung bị hoại tử. Khi đó cần kết hợp với các xét nghiệm khác như định lượng beta hCG, chụp buồng tử cung có cản quang hoặc thay đổi đầu dò khác để tìm hình ảnh đặc trưng. 

Hình 6. Thai trứng với hình ảnh tổ ong 

2.8.4 Thai ngoài tử cung 

Hình 7. Thai lạc chỗ 

Với thai ngoài tử cung nên kết hợp siêu âm đường bụng và siêu âm đầu dò đường âm đạo để nâng cao khả năng chẩn đoán. Siêu âm thấy lòng tử cung trống Thai ngoài tử cung ở tại vòi chưa vỡ có các dấu hiệu giúp chẩn đoán trên siêu âm: 

  • Tái thái nằm ngoài tử cung có túi noãn hoàng và phôi thai có hoặc không có hoạt động của tim thai.

  • Khi cạnh tử cung có hình ảnh một đường echo dày bao quanh túi thai. 

  • Khối phản âm trống không đồng dạng nằm tách biệt với buồng trứng. 

Khi thai ngoài tử cung vỡ, siêu âm thấy dịch tự do trong ổ bụng và ở túi cùng sau, nếu lượng máu trong ổ bụng nhỏ hơn 50ml thì khó xác định được. 

2.8.5 Thai làm tổ vết mổ cũ 

Với những trường hợp có tiền sử mổ lấy thai, cần lưu ý đánh giá thai có làm tổ vết mổ cũ hay không khi thực hiện siêu âm thai sớm. Những dấu hiệu giúp chẩn đoán thai làm tổ vết mổ cũ: 

  • Buồng tử cung trống, kênh cổ tử cung trống. 

  • Túi thai nằm hoàn toàn trong vùng cơ sẹo mổ lấy thai hoặc một phần trong cơ và một phần trong lòng tử cung. 

  • Trường hợp thai < 8 tuần: túi thai có dạng hình tam giác, nếu thai > 8 tuần: túi thai hình tròn hay oval. 

  • Lớp cơ tử cung giữa túi thai và bàng quang còn rất mỏng 1-3mm hay mất hoàn toàn. 

  • Tăng tưới máu nhiều ở vị trí sẹo mổ lấy thai khi khảo sát siêu âm Doppler. 

  • Không có dấu hiệu trượt. 

3 SIÊU ÂM THAI THƯỜNG QUY VÀO QUÝ 2 VÀ QUÝ 3 THAI KỲ 

Siêu âm quý 2 và quý 3 là một bằng chứng quan trọng để đối chiếu với siêu âm các thời điểm sau trong đánh giá sự tăng trưởng và sức khỏe thai nhi và đặc biệt giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh của thai nhi. 

3.1 Siêu âm quý 2 thai kỳ 

3.1.1 Mục đích 

  • Xác định hoạt động tim thai, số lượng thai. 

  • Đánh giá tuổi thai. 

  • Đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi. 

  • Đánh giá hình thái học thai nhi. 

  • Đánh giá những trường hợp chảy máu âm đạo bất thường. 

  • Đánh giá suy chức năng cổ tử cung. 

  • Đánh giá những trường hợp đau bụng vùng hạ vị, vùng chậu.  

  • Chẩn đoán ngôi thai. 

  • Đánh giá song thai, đa thai. 

  • Hỗ trợ các trường hợp thực hiện thủ thuật: Chọc ối hoặc những can thiệp khác.

  • Đánh giá vị trí, cấu trúc bánh rau và những trường hợp nghi ngờ rau tiền đạo.

  • Đánh giá nước ối hay khi có nghi ngờ bất thường nước ối. 

3.1.2 Thời điểm siêu âm quý 2 thai kỳ 

Siêu âm thường quy quý 2 thường được thực hiện ở tuổi thai 18 - 22 tuần. Ở một số quốc gia, tuổi thai chấm dứt thai kỳ có giới hạn, chính vì vậy, nên cân nhắc thời điểm nào phù hợp để việc phát hiện dị tật thai tốt nhất và đủ thời gian cho tư vấn tiến sản cũng như thực hiện một số xét nghiệm hỗ trợ khác. 

3.2 Đánh giá hình thái học thai nhi 

Siêu âm tại thời điểm quý 2 thai kỳ phải thực hiện đánh giá hình thái học thai nhi 

Bảng 1. Siêu âm hình thái học thai nhi 

Đầu

Vòm sọ toàn vẹn, vách trong suốt, đường giữa, đồi thị, tiểu não, hố sau 

Mặt

Có hai nhãn cầu, mặt nghiêng: Miệng, môi trên liên tục 

Cổ/ Ngực/ Tim

Không có khối u, hình dạng và kích thước ngực, phối bình thường tìm hoạt động (4 buồng tim ở vị trí tim bình thường, đường ra thất trái động mạch chủ và động mạch phổi). Không có thoát vị hoành 

Bụng

Dạ dày ở vị trí bình thường, ruột không giãn, thận hai bên có, dây rốn cắm vào thành bụng bình thường 

Hệ xương

Cột sống không có chẻ đôi hay u bướu ở mặt cắt dọc và ngang tứ chi bình thường 

Rau

Không có khối u rau hay bánh rau phụ 

Dây rốn

Có ba mạch máu 

3.2.1 Các chỉ số sinh trắc học 

Vào quý 2, quý 3 thai kỳ, các thông số trên siêu âm được đo đạc để đánh giá tuổi thai, kích thước thai bao gồm: Đường kính lưỡng đỉnh (BPD), chu vi đầu (HC), chu vi bụng (AC - Abdominal circumference), chiều dài xương đùi (FL - Femur length). Quy trình thực hiện các phép đo trên siêu âm cần tuân thủ theo các tiêu chí chuẩn. 

Các chỉ số sinh trắc học của thai nhi có thể đo từ tuần 14 của thai kỳ. Việc đo đạc nên được thực hiện theo các tiêu chuẩn. Việc đối chiếu kết quả đo với các bảng tham chiếu phát trên của thai nhi giúp đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi. Cần ghi rõ tên bằng tham chiếu được sử dụng trong kết quả của siêu âm. Nếu tuổi thai chưa được dự đoán ở quý 1, có thể tính tuổi thai ở quý 2 dựa trên kích thước của đầu (BPD và/hay HC). Nếu tuổi thai đã được xác định bởi siêu âm đạt chuẩn ở thời điểm sớm của thai kỳ thì các lần siêu âm sau đó không nên tính lại tuổi thai. 

3.2.1.1 Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) 

Tiêu chí giải phẫu thực hiện mặt cắt: Cắt ngang đầu thai nhi, ở vị trí đồi thị lý tưởng sóng siêu âm vuông góc với đường giữa đầu; hai bán cầu đại não đối xứng nhau; đường giữa bị gián đoạn bởi đồi thị và hộp vách trong suốt; không quan sát thấy tiểu não. 

Vị trí đặt con trỏ: Vị trí đặt điểm đo tùy theo chọn phương pháp nào (ngoài . trong hay ngoài - ngoài), đặt ở vị trí có thể đo được BPD lớn nhất, vuông góc với đường giữa. 

3.2.1.2 Chu vi đầu (HC) 

Tiêu chí giải phẫu thực hiện mặt cắt: Tương tự như mặt cắt lưỡng đĩnh. 

Vị trí đặt con trỏ: Chu vi đầu được đo trực tiếp bằng cách đặt hình elip xung quanh bờ ngoài của xương sọ. 

3.2.1.3 Chu vi bụng (AC) 

Tiêu chí giải phẫu thực hiện mặt cắt: Mặt cắt ngang bụng thai nhi (tròn tối đa có thể); tĩnh mạch rốn đoạn xoang của; dạ dày; không thấy hai thận. 

Vị trí đặt con trỏ: Đo chu vi bụng là đo bờ ngoài của đường viền da, có thể dùng trực tiếp hình elip hoặc tính từ hai đường thẳng đo vuông góc với nhau, thường là đường kính bụng trước sau (APAD) và đường kính ngang bụng (TAD). Để đo APAD, con trỏ được đặt ở bờ ngoài, từ sau (chỗ da bao phủ cột sống) cho đến thành bụng trước. Để đo TAD, con trỏ được đặt bờ ngoài của bụng, ngang chỗ bụng rộng nhất. AC được tính bằng công thức 

AC=π (APAD+TAD)/2 = 1.57 (APAD + TAD) 

3.2.1.4 Chiều dài xương đùi (FL) 

Tiêu chí giải phẫu thực hiện mặt cắt: hình ảnh lý tưởng để đo chiều dài xương đùi là thấy cả hai đầu cốt hóa tận xương đùi. Do đoạn cốt hóa trên trục dọc dài nhất. Dùng bảng tham chiếu có cùng kỹ thuật đo. 

Vị trí đặt con trỏ: Con trỏ được đặt ở đầu tận của điểm cốt hóa xương đùi không bao gồm phần mẩu trên của xương đùi. Không đo phần ảnh giả hình cựa tam giác vì dễ nhầm với phần xa của xương đùi. 

3.3 Siêu âm quý 3 thai kỳ 

3.3.1 Chỉ định siêu âm quý 3 thai kỳ 

Chẩn đoán ngôi thai 

Đánh giá tăng trưởng của thai nhi, ước lượng trọng lượng thai nhi. 

Đánh giá tim thai. 

Đánh giá vị trí, cấu trúc bánh rau và những trường hợp nghi ngờ rau tiền đạo. 

Đánh giá nước ối hay khi có nghi ngờ bất thường nước ối. 

Trong một số trường hợp thai kỳ nguy cơ cao, cần đánh giá thêm siêu âm Doppler: thai chậm tăng trưởng tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ

3.3.2 Thời điểm siêu âm quý 3 thai kỳ 

Siêu âm quý 2 thai kỳ được thực hiện từ tuần thai thứ 30 - 32 tuần. 

3.3.3 Đánh giá sinh trắc học và ước lượng cân nặng thai nhi 

Hình 8. Sinh trắc học của thai 
(Đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu, chu vi bụng, chiều dài xương đùi) 

Các thông số sinh trắc học được thực hiện như trong quý 2 thai kỳ. Ước tính cân nặng thai nhi: Dựa vào các chỉ số BPD, HC, AC và FL. Ước lượng nên nặng thai nhi trên siêu âm là thông số cơ bản để được dự báo thai chậm tăng trưởng. Nếu tuổi thai được xác định bằng siêu âm sớm hoặc theo ngày đầu kỳ kinh cuối chính xác trọng lượng thai có thể được so sánh với bảng tham chiếu chuẩn bình thường của thai nhi để đánh giá mức độ tăng trưởng của thai. 

4 SIÊU ÂM CỔ TỬ CUNG VÀ PHẦN PHỤ THAI NHI 

4.1 Siêu âm chẩn đoán bánh rau 

Trong quá trình siêu âm, cần mô tả vị trí bánh rau và mối liên quan của bánh rau và lỗ trong cổ tử cung. Hiện nay, theo Hội Sản Phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG - Royal College of Obstetricians and Gynaecologists) thuật ngữ rau tiền đạo được mô tả trên siêu âm là khi bánh rau che lấp lỗ trong cổ tử cung; rau bám thấp khi mép dưới bánh rau cách lỗ trong cổ tử cung < 20mm. Nếu ở quý 2 thai kỳ, siêu âm thấy mép dưới bánh rau cách lỗ trong cổ tử cung < 20mm hay có che lấp lỗ trong cổ tử cung cần siêu âm lại vào tuần thai 32 tuần bằng đường âm đạo để xác định vị trí bánh rau. Trường hợp vị trí bánh rau vẫn bám thấp hoặc che lấp lỗ trong cổ tử cung vào tuần thứ 32 thai kỳ và không có triệu chứng cần tiếp tục thực hiện siêu âm đường âm đạo chẩn đoán vào tuần thai thứ 36 để quyết định phương pháp sinh. Siêu âm đường âm đạo chẩn đoán rau tiền đạo được đồng thuận là an toàn và tin cậy. 

Hình 9. Rau bám thấp và rau tiền đạo trên siêu âm đường âm đạo 

Các thai phụ có tiền sử mổ mổ lấy thai và có rau bám thấp mặt trước hay rau tiền đạo sẽ có nguy cơ rau cài răng lược. Các trường hợp này khi siêu âm cần tìm các dấu hiệu rau cài răng lược, dấu hiệu có độ nhạy nhất là sự hiện diện của các xoang mạch máu đa hình dạng (lacunae), nguyên uỷ là các động mạch hay dòng chảy hỗn hợp bên trong bánh rau. Hình ảnh bất thường của vùng ranh giới giữa thành tử cung và thành bàng quang rất đặc hiệu để chẩn đoán phổ rau cài răng lược. 

4.2 Siêu âm khảo sát tình trạng nước ối 

Khảo nước ối trên siêu âm chủ yếu dựa vào hai chỉ số Chỉ số nước ối (AFI - Amniotic fluid index) và khoang ối lớn nhất (SDP - Single deepest pocket measurement). Với khoang ối lớn nhất, tiến hành đo theo chiều thẳng đứng bề sâu một khoang ối lớn nhất, không bao gồm dây rốn và các phần thai. Để đo chỉ số nước ối, chia buồng tử cung làm 4 phần và và tính tổng số số đo bề sâu của khoang ối lớn nhất trong mỗi buồng ối. 

Bảng 2. Thông số chẩn đoán nước ối trên siêu âm. 

 

     Thiểu ối     

 Ối bình thường 

       Đa ối     

Khoang ối lớn nhất   

0 - 2

2.1 - 8

> 8

Chỉ số nước ối

0 -5

5.1 - 24

> 24

Hình 10. Cách đo khoang ối lớn nhất và chỉ số nước ối 

4.3 Siêu âm chiều dài cổ tử cung 

Chiều dài cổ tử cung là một trong những thông số quan trọng để dự báo sinh non. Tùy thuộc vào tiền sử sản khoa của bệnh nhân để xác định thời điểm và tần suất đo chiều dài cổ tử cung ở lần mang thai này. Nếu sản phụ không có tiền sử sinh non, chỉ cần đo chiều dài cổ tử cung vào thời điểm 18 - 24 tuần; nếu sản phụ có tiền sử sinh non trước đó, siêu âm đo chiều dài cổ tử cung nên được thực hiện sớm hơn, vào tuần thai 16 và tần suất lập lại phụ thuộc vào kết quả đo. Đo chiều dài tử cung ở ngoài thai kỳ không có giá trị trong dự đoán sinh non. 

Hình 11. Chiều dài cổ tử cung thay đổi khi bàng quang đầy và khi được làm rỗng 

Siêu âm chiều dài cổ tử cung bằng đường âm đạo là phương pháp an toàn và cho kết quả đáng tin cậy so với siêu âm đường bụng. Trước khi thực hiện siêu âm đường âm đạo, cần làm trống bàng quang, thực hiện mặt cắt dọc giữa xác định chiều dài cổ tử cung. Cần phóng to màn hình, thấy được lỗ trong - lỗ ngoài; thời gian đo kéo dài ít nhất trong vòng 3 - 5 phút để quan sát chiều dài cổ tử cung thay đổi theo áp lực của ở bụng. Do từ lỗ trong đến lỗ ngoài cổ tử cung. Nếu chiều dài cổ tử cung ngắn hoặc ngắn hơn khi bị tác động bởi áp lực của ổ bụng, nên đo ba lần chiều dài của phần khép kín còn lại của cổ tử cung chiều dài ngắn nhất được đánh giá là chiều đài thực sự của cổ tử cung. Chẩn đoán cổ tử cung ngắn khi chiều dài cổ tử cung đo được ≤ 25mm ở tuần thai 16 - 24 tuần. 

5 TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. American Institute of Ultrasound in Medicine. AIUM practice guideline for the performance of pelvic ultrasound examinations. J Ultrasound Med 2010; 29:166. 

2. Byrne JJ, Morgan JL, Twickler DM, et al. Utility of follow-up standard sonography for fetal anomaly detection. Am J Obstet Gynecol 2020; 222:615.e1. 

3. Committee on Practice Bulletins - Obstetrics and the American Institute of Ultrasound in Medicine. Practice Bulletin No. 175: Ultrasound in Pregnancy. Obstet Gynecol 2016; 128:e241. 

4. Đỗ Danh Toàn. Siêu âm sản khoa thực hành. Nhà xuất bản Y học 2018. 

5. Drukker L, Cavallaro A, Salim I, et al. How often do we incidentally find a fetal abnormality at the routine third-trimester growth scan? A population-based study. Am J Obstet Gynecol 2020; 223:919.e1. 

6. ISOUG. ISUOG Practice Guidelines: performance of first-trimester fetal ultrasound scan. Ultrasound Obstet Gynecol 2013; 41: 102-113. 

7. Henderson JT, Webber EM, Sawaya GF. Screening for Ovarian Cancer: Updated Evidence Report and Systematic Review for the US Preventive Services Task Force. JAMA 2018; 319:595. 

8. Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Lê Minh Tâm, Võ Văn Đức, Cao Ngọc Thành Đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm trong dự báo sinh non. Tạp chí phụ sản 2017; 15 (1) 

9. Phan Trường Duyệt. Siêu âm chẩn đoán và một số vấn đề lâm sàng sản phụ khoa liên quan, Nhà xuất bản Y học; 2018, 

10. RCOG. Placenta Praevia and Placenta Accreta: Diagnosis and Management. Green-top Guideline 2018; No. 27a. 

11. Shipp D. T.. Overview ultrasound examination in obstetrics and gynecology. [Online]. 2022. Available from: URL: https://www.uptodate.com/contents/overview- of-ultrasound-examination-in-obstetrics-and-gynecology. 

12. Võ Văn Đức, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Siêu âm hình thái học thai nhi. Nhà xuất bản Đại học Huế 2021. 
 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633