1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả

Phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả

Phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả

Trungtamthuoc.com - Sạm da là tình trạng dư thừa melanin - sắc tố màu nâu tạo ra màu da bình thường, hình thành các cặn lắng trên da. Tăng sắc tố có thể ảnh hưởng đến màu da của mọi người thuộc mọi chủng tộc với các nguyên nhân rất đa dạng. Bài viết dưới đây chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc những thông tin cơ bản nguyên nhân, các phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả.

1 Bệnh sạm da và nguyên nhân

1.1 Sạm da là gì?

Sạm da hay tăng sắc tố da là một tình trạng da phổ biến, trong đó các mảng da trở nên sẫm màu hơn so với vùng da bình thường xung quanh.  Hiện tượng sẫm màu này xảy ra khi dư thừa melanin - sắc tố màu nâu tạo ra màu da bình thường, hình thành các cặn lắng trên da. [1] Tăng sắc tố có thể ảnh hưởng đến màu da của mọi người thuộc mọi chủng tộc với các nguyên nhân rất đa dạng.

Sạm da có thể ảnh hưởng đến màu da của mọi người thuộc mọi chủng tộc.

1.2 Nguyên nhân gây tăng sắc tố, nám da, sạm da 

Nguyên nhân khiến da sạm màu phụ thuộc vào loại. Các nguyên nhân phổ biến nhất của tăng sắc tố là:

  • Cơ thể sản xuất nhiều melanin để bảo vệ da khi được tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Điều này có thể tạo các đốm đen hoặc các mảng trên da được gọi là đốm tuổi hoặc đốm nắng.
  • Một số trường hợp viêm da có thể làm một số vùng da bị sẫm màu hơn như mụn trứng cá, chàm, lupus hoặc chấn thương da. Những người có làn da sẫm màu có nhiều nguy cơ tiến triển thành nám sau viêm.
  • Các mảng da sẫm màu hơn có thể xuất hiện do sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt trong quá trình mang thai.
  • Hay có một số loại thuốc, như thuốc chống sốt rét và thuốc chống trầm cảm ba vòng, có thể gây tăng sắc tố, lúc này mảng da người bệnh có thể chuyển sang màu xám. Hoặc khi sử dụng hóa chất trong phương pháp điều trị tại chỗ cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
  • Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn của tăng sắc tố bao gồm bệnh Addison và bệnh thừa Sắt (hemochromatosis). Bệnh Addison ảnh hưởng đến tuyến thượng thận. Nó có thể gây tăng sắc tố ở một số khu vực của cơ thể, bao gồm: Nếp gấp da, môi, khuỷu tay, đầu gối, ngón tay, ngón chân... Hemochromatosis là một tình trạng di truyền khiến cơ thể chứa quá nhiều chất sắt. Nó có thể gây tăng sắc tố, làm cho da tối hơn hoặc rám nắng.

2 Chẩn đoán sạm da như thế nào?

2.1 Các triệu chứng lâm sàng của người bệnh sạm da

2.1.1 Sạm da bẩm sinh

Bệnh sạm da mang tính chất bẩm sinh thường có một số hội chứng như sau:

  • Hội chứng LEOPARD với sự xuất hiện của nốt ruồi, điện tim không bình thường, khoảng cách hai mắt xa, hẹp động mạch phổi, điếc, chậm phát triển...
  • Hội chứng PEUTZ-JEGHERS với sự có mặt của nốt ruồi ở môi dưới, các mảng sắc tố sơ sinh, thuở nhỏ, chúng dần dần có thể mất đi. Tuy nhiên, những người gặp phải hội chứng này thì các tổn thương trong miệng sẽ không biến mất.
  • Tàn nhang là các đốm nhỏ màu nâu, sẫm màu, thường thấy ở vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và trước 3 tuổi là chủ yếu. Bệnh nặng hơn ở tuổi dậy thì, tăng lên trong mùa xuân hè và giảm nhẹ hơn vào mùa đông.
  • Hội chứng CALM bao gồm các mảng màu cà phê sữa, nhợt đồng đều, rải rác, có rất sớm khi mới sinh, và dần biến mất khi trẻ lớn lên.
  • Bệnh BECKER bao gồm mảng da màu nâu, kích thước đa dạng, ranh giới rõ nhưng bờ không đều, thường thấy ở vai, dưới vú hay sau lưng. Các triệu chứng này thường thấy sau khi phơi nắng nhiều.
  • Nhiễm sắc tố đầu chi của DOLI có các vùng da tăng sắc tố lốm đốm đan xen những vùng mất sắc tố ở mu tay và mu chân.
  • Tăng sắc tố vùng đầu chi của Kitamura là có những mạng lưới tăng sắc tố tương tự như tàn nhang ở bàn tay.
Chẩn đoán sạm da như thế nào?

Nhiễm sắc tố dầm dề, người bệnh thường xuất hiện triệu chứng qua 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1, người bệnh có các bọng nước, mụn nước nổi lên khi đẻ hay sau 2 tuần.
  • Giai đoạn 2 bao gồm sự xuất hiện của các sẩn tổn thương dạng lichen, các vết sùi.
  • Giai đoạn3 là người bệnh có các mảng tăng sắc tố màu nâu, sậm dần đến 2 tuổi rồi giảm dần, và kém phát triển tinh thần.

2.1.2 Sạm da do rối loạn chuyển hoá

Sạm da do rối loạn chuyển hoá gây ra tình trạng thiếu sắc tố, lão hóa nhanh.

2.1.3 Sạm da do rối loạn nội tiết

Người bệnh Addison có các vết da màu nâu rải rác khắp toàn thân nhưng đa số tập trung ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng.

Phụ nữ đang mang thai cũng có thể có các dát sắc tố, thường gặp ở da mặt, cổ, vú, bộ phận sinh dục ngoài.

2.1.4 Sạm da do hóa chất

Sạm da do hoá chất thường xảy ra ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng - chúng đóng vai trò là chất cản quang gây nhiễm sắc tố da.

2.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng

Có thể dùng đèn Wood trong điều kiện tối để xác định sạm da khu trú ở thượng bì, trung bì hay hỗn hợp.

  • Nếu sắc tố khi soi thấy đậm hơn khi nhìn mắt thường xác định là tăng sắc tố thượng bì.
  • Sắc tố mờ đi thậm chí là không thấy thường là tăng sắc tố trung bì.
  • Nếu có vùng thì tăng sắc tố, vùng lại mờ đi gọi là tăng sắc tố hỗn hợp.

Ngoài ra, người bệnh có thể cần làm xét nghiệm mô bệnh học, sinh hóa máu, điện tim, siêu âm, để xác định tổn thương. [2]

3 Cách điều trị sạm da

3.1 Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị nguyên nhân gây sạm da nếu tìm được.
  • Điều hòa để cân bằng lại các rối loạn chuyển hoá, rối loạn nội tiết.
  • Người bệnh có thể phải dùng kháng sinh, thuốc kháng virus, kháng nấm khi cần thiết.
  • Không dùng các thuốc, hoá chất làm tăng sắc tố trên da
  • Người bệnh cần đảm bảo các phương pháp chống nắng khi ra ngoài đường, đồng thời bổ sung đầy đủ vi chất và vitamin.
  • Trường hợp người bệnh tăng sắc tố do khối u cần loại bỏ bằng phẫu thuật.
Phương pháp điều trị và dự phòng sạm da hiệu quả.

3.2 Điều trị tại chỗ

Các thuốc làm giảm sắc tố da được dùng hiện nay bao gồm: Hydroquinon, Azaileic Acid, Resorcinol, Leucodinin B, Isotretionoin.

Các loại kem chống nắng cần được dùng 30 phút trước khi ra ngoài trời, kể cả khi trời không có ánh nắng.

Ngoài ra, người bệnh sạm da có thể sử dụng thuốc mỡ Hydrocortisol để bôi ngày từ 1-2 lần.

Ngoài ra việc điều trị cũng bao gồm cả việc sử dụng kem chống nắng. Kem chống nắng là yếu tố quan trọng nhất trong việc cải thiện hầu hết các nguyên nhân gây tăng sắc tố. Cần tìm kiếm loại kem chống nắng đạt các tiêu chuẩn như:

  • Kem chống nắng vật lý, tốt nhất là loại chứa thành phần Kẽm oxyd.
  • Phạm vi chống nắng phổ rộng (UVA, UVB).
  • SPF từ 30 đến 50.

3.3 Điều trị toàn thân

Sạm da có thể điều trị bằng thuốc theo đường toàn thân như Cloroquin, Hydroxyl Cloroquin, Camoquil, có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Ngoài ra bệnh nhân cần được phối hợp các thuốc Vitamin C, B, PP, L- cystin liều cao, kéo dài.

4 Phòng ngừa sạm da

Khi ra ngoài nắng dùng mũ rộng vành, đeo kính. Sử dụng kem chống nắng hàng ngày. Thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu bạn ra nắng - thường xuyên hoặc hơn nếu bạn đổ mồ hôi hoặc đi bơi. Nên hạn chế ra nắng nếu không cần thiết đặc biệt mùa xuân hè.

Hạn chế dùng các chất như chất cản quang, hoá chất nguồn gốc dầu mỏ, mỹ phẩm, thuốc nhóm Cyclin và Sulphamid sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng tăng sắc tố.

Có chế độ ngủ nghỉ và sinh hoạt hợp lý, hạn chế bia rượu và chất kích thích.

Sạm da nói chung không có hại đến sức khỏe và thường không phải là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Một số trường hợp, các vùng sậm màu sẽ tự mờ đi khi được chống nắng tốt. Trong các trường hợp khác, cần điều trị tích cực hơn. Các vùng da sạm sẽ không thể biến mất hoàn toàn.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Debra Jaliman, MD, Ngày đăng: 07 tháng 8 năm 2021, Hyperpigmentation, Hypopigmentation, and Your Skin, WebMD. Truy cập ngày ngày 10 tháng 09 năm 2021.
  2. ^ Bộ Y tế, Xuất bản ngày 13 tháng 1 năm 2015, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, kcb.vn. Truy cập ngày ngày 10 tháng 09 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Sạm da phòng ngừa bằng cách nào?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Phương pháp điều trị và phòng ngừa sạm da hiệu quả
    HN
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn thông tin nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900.888.633