Tải PDF miễn phí sách Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y
Không biết từ đâu và tự bao giờ, khi đề cập đến các tác phẩm kinh điển của Đông y học cổ truyền, người ta thường chỉ nhắc đến Nội – Nạn – Thương – Kim. Quả thật Nội Kinh, Nạn kinh, Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược mặc dù xuất hiện trên dưới 2000 năm nhưng vẫn luôn xứng đáng kinh nhật tụng, là sách gối đầu giường, là kim chỉ nam soi sáng lý luận và chỉ đạo thực tiễn lâm sàng cho bao thế hệ thâỳ thuốc đông y.
Tuy nhiên, theo tôi sự tổng kết trên đây còn một vài vấn đề cần xem xét lại. Trong khi Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược thật ra chỉ là hai phần của bộ sách Thương hàn tạp bệnh luận, nguyên tác của Trương Trọng Cảnh đời Đông Hán, do người đời sau biên chép lại phân làm hai sách như ta thấy hiện nay, thì trong bộ tứ kinh điển kia lại thiếu một quyển sách cực kỳ quan trọng, vốn là bộ dược liệu học đầu tiên của đông y, đó là Thần Nông Bản thảo kinh, thường được gọi tắt là Bản kinh.
Người xưa từng nói :” Dục học lương y tiên độc bản thảo dĩ tri dược tính” nghĩa là muốn làm thầy hay trước nên đọc bản thảo cho rõ tính thuốc.Như vậy sách bản thảo hay dược liệu học có một vị trí hết sức quan trọng nếu như không muốn nói là hàng đầu trong kho tàng thư tịch kinh điển của Đông y.
Nên chăng cần sửa lại câu tổng kết Nội – Nạn- Thương – Kim thành Nội – Nạn- Bản – Thương?
1 BẢN THẢO LÀ GÌ?
Bản thảo là tên thường gọi chỉ sách ghi chép các vị thuốc của Đông y. Vị thuốc tuy gồm nhiều loại thảo mộc, ngọc thạch, trùng ngư, điểu thú…nhưng nhiều nhất là thảo mộc nên được chọn làm đại biểu định danh là bản thảo. Sự định danh này hẳn có liên quan đến tên quyển sách thuốc đầu tiên của Đông y là Thần Nông Bản thảo kinh. Sách này gồm 3 quyển, ngoài ghi chép 365 vị thuốc chia làm 3 phẩm thượng- trung- hạ, còn tổng kết và khẳng định được một số hiểu biết lý luận cơ bản về dược liệu làm nền tảng cho bộ môn dược liệu học Đông y phát triển về sau. Sách này tương truyền do vua Thần Nông soạn ra, nên trước hết chúng ta cần tìm hiểu qua đôi nét về vị vua huyền thoại này.
2 THẦN NÔNG LÀ AI? CÓ PHẢI LÀ TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT?
Thần Nông là một trong tam hoàng của lịch sử Trung quốc cổ đại, có niên đại vào khoảng năm 3219 trước Công nguyên. Theo truyền thuyết Thần Nông nổi tiếng nhân từ, khoan dung, có công lao rất lớn đối với nhân dân. Vua dạy dân cày cấy, trồng ngũ cốc, lập làng, mở chợ lưu thông hàng hoá, dạy dân nhìn bóng nắng mà định giờ giấc, đặc biệt chính vua đã tìm kiếm được nhiều loại cây cỏ làm thuốc chữa bệnh cho dân bằng cách trực tiếp nếm thử nên có ngày trúng độc đến 72 lần. Tuy sử sách Trung quốc ghi chép về vua nhuốm màu sắc thần thoại: Thần Nông chính là thần Mặt Trời, được Thiên Đế phong làm vua ở phương Nam, tức là Viêm Đế (ông vua xứ nóng), nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian của Việt nam, Trung quốc và Hoa kỳ đã chứng minh Thần Nông là vị thần của cư dân phương Nam, ngoài nước Trung hoa cổ đại, là tổ tiên huyền thoại của các vua Hùng: Thần Nông sinh ra Đế Minh, Đế Minh sinh ra Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng được người Việt cổ tôn thờ cùng với Trời và Thần núi ở vị trí hiện nay của Đền Hùng. Như vậy là có cơ sở để tin Thần Nông chính là vị thần nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước đã được người Trung hoa cổ đại vốn là cư dân phương Bắc đưa vào hệ thống nhân vật huyền thoại của họ. Ngay tên gọi của thần – Thần Nông cũng mang đặc trưng ngữ pháp của ngôn ngữ phương Nam.
Từ những phát hiện mới này, gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề đi sâu tìm hiểu bộ sách thuốc đầu tiên cũng như lịch sử hình thành và phát triền của Đông y dược trong lòng văn hoá dân tộc. Tất nhiên là chúng ta không hoàn toàn ngây thơ đánh đồng Thần Nông với tác giả thật sự của Bản thảo kinh, vì theo khảo sát của các nhà nghiên cứu thì sách này cùng với Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn được viết vào thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên) hoặc thành sách vào thời Tần – Hán (246- 220). Như GSTS.Đỗ Tất Lợi nhận định: "theo các nhà nghiên cứu khoa học hiện nay, vua Thần Nông nói ở đây không phải là một người, mà là kinh nghiệm của nhiều người tích luỹ lại, ghi chép thành sách, rồi để dễ gây tin tưởng và truyền bá, tác giả bộ sách đã đặt ra truyền thuyết về vua Thần Nông nếm cỏ cây tìm thuốc, thời gian viết cũng không phải xa như vậy…Qua thực tế ta thấy không thể có một người nào đúc kết được tất cả những kinh nghiệm dùng thuốc mà chỉ sưu tầm, ghi chép lại cho có hệ thống mà thôi." Tuy nhiên, việc đặt tên sách và gán ghép cho Thần Nông là tác giả cũng hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc như BS.Trần Văn Tích đã viết: "đây là tổng kết những tri thức do giới nông dân thu thập qua thời gian và không gian, và vì vậy, tác giả của nó chỉ có thể là một nhân vật huyền thoại, hư cấu, tượng trưng, đại biểu cho khối quần chúng cày ruộng đông đảo đã cộng lực sáng tác ra sách. " Mà Việt nam là một chiếc nôi của nền văn minh nông nghiệp, chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong việc cộng lực sáng tác ấy. Hy vọng trong thời gian đến sẽ có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử y dược đi sâu tìm hiểu chứng minh rõ hơn về vấn đề này.
3 TÌM LẠI DẤU XƯA
Trở lại với những khảo cứu về tác phẩm Thần Nông Bản thảo kinh, theo như sách Trung quốc y học đại từ điển thì nguyên bản gốc của sách này không còn, những bản lưu hành ngày nay đều do người đời sau thu góp sao chép biên tập mà thành. Đây cũng là số phận chung của hầu hết các tác phẩm kinh điển Đông y và Nho gia khác. Xét tên sách Bản thảo chỉ thấy trong Hán thư Bình đế ký và Lâu hộ truyện; còn trong Nghệ văn chí không thấy ghi tên sách bản thảo, nhưng lại có ghi sách Thần Nông Hoàng Đế thực cấm 7 quyển, người ta ngờ rằng đây là tên gọi khác hay hợp tuyển sách Bản thảo của Thần Nông với sách của Hoàng Đế vậy. Xem trong Hán chí các phần viết về nông binh,ngũ hành,tạp chiêm,kinh phương, thần tiên chư gia đều có nhắc đến sách Thần Nông.
Sách Lễ ký có viết:”Y bất tam thế bất phục kỳ dược”, Trịnh tiên sinh chú giải đó là dạy ta cẩn thận khi dùng thuốc (không nên uống thuốc của ông thầy chưa đủ ba đời); nhưng Khổng tiên sinh lại sớ dẫn câu đó theo người xưa cho rằng tam thế (ba đời) đó là: một là Hoàng Đế châm cứu, hai là Thần Nông bản thảo, ba là Tố Nữ mạch quyết. Từ đây mới nghe nói đến Thần Nông bản thảo. Tuy nhiên phải đến đời nhà Lương, trong bộ Thất lục mới có chép rõ ràng tên sách Thần Nông bản thảo 3 quyển. Bộ Kinh tịch chí đời tuỳ cũng chép Thần Nông bản thảo kinh 3 quyển.
Qua những khảo sát trên đây, ta yên tâm rằng sách TNBTK quả thật đã có từ xa xưa và được truyền lại hoàn toàn có căn cứ đáng tin cậy. Tuy do bản gốc sách từ xưa thất lạc, về sau việc chép đi biên lại không tránh khỏi tình trạng thêm thắt lẫn lộn ở một số chi tiết như thêm vào các địa danh quận huyện mới có đời sau này, nhưng nhìn chung về đại thể vẫn giữ được nội dung chính yếu của sách.
Những bộ Bản thảo còn truyền đến ngày nay đều do công của Đường Thận Vi đời Bắc Tống biên tập. Sách này có 2 bản: Một là bản của Trần Chấn Tôn tra cứu đề giải gọi là Đại quan bản thảo, một bản của Triệu Công Vũ đọc sách ghi chép lại gọi là Chứng loại bản thảo. Bộ Chứng loại bản thảo được in khắc sửa chữa nhiều lần nên có sai sót nhiều. Bộ Đại quan bản thảo tuy cũng in nhiều lần nhưng chữ son (đỏ), chữ mực (đen) còn phân biệt rõ ràng: phần nguyên bản của Thần Nông là phần in chữ đỏ, phần do các danh y đời sau bổ chú thêm vào là phần in chữ đen, nhờ vậy mà được xem là bản đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, cần ghi nhận việc mạnh dạn sửa chữa tăng bổ thêm các vị thuốc trên cơ sở sách TNBTK là một nổ lực rất lớn của các nhà y dược học các triều đại đã giúp cho bộ môn dược liệu học Đông y không ngừng phát triển.
Nếu như quyển TNBTK đầu tiên có ghi 365 vị (nhưng thật ra chỉ có 347 vị vì có 18 vị chép trùng), thì đến thế kỷ thứ V-VI , Đào Hoằng Cảnh đời Lương đã viết Bản thảo kinh tập trú trên cơ sở chỉnh lý bản thảo kinh và tổng kết thêm 365 vị thuốc từ đời Hán Tấn trở về sau, nâng tổng số vị thuốc lên 730 vị. Đến năm 659 triều đại nhà Đường đã ban hành quyển Đường tân tu bản thảo trong đó có 844 vị, 25 quyển phụ đồ (hình vẽ minh hoạ). Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII, nhờ việc ấn loát có tiến bộ, triều đại nhà Tống đã từng mấy lần đính chính dược thư, quyển Gia Hựu bản thảo số vị thuốc đã có đến 1082 loại. Niên hiệu Nguyên Hựu (1086-1093), nhà dược học trứ danh đời bắc Tống là Đường Thận Vi đã soạn bộ Kinh sử chứng loại bị cấp bản thảo đã dưa tổng số vị thuốc lên đến 1746 loại. Đến năm 1108 (niên hiệu Đại quan thứ 2), triều Tống mới đem sách ấy sửa chữa in lại gọi là Đại quan bản thảo. Đến năm 1116 (Chính hoà thứ 6), lại đính chính lần nữa ,đổi tên sách là Chính hoà tân tu kinh sử chứng loại bị dụng bản thảo. Đến năm 1578, nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân biên soạn hoàn thành bộ sách nổi tiếng Bản thảo cương mục có 1892 vị thuốc. Đến năm 1675 Triệu Học Mẫn soạn Bản thảo cương mục thập di bổ sung thêm 716 vị thuốc , đưa tổng số vị thuốc trong sách Đông dược lên đến 2608 vị.
4 THAY LỜI KẾT
Điểm lại một số tư liệu lịch sử chung quanh việc hình thành và phát triển của bộ dược thư đầu tiên TNBTK không chỉ mong muốn xác định lại vị trí của sách thuốc bản thảo trong kho tàng thư tịch kinh điển của Đông y như trong phần đầu bài viết đã đề cập, điều quan trọng hơn là làm thế nào khai thác hết được những tri thức quý giá về dược liệu học đã được nhân loại tích luỹ hàng ngàn năm nay để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người trong xã hội hiện đại. Mong rằng Tạp chí Cây thuốc quý, cơ quan ngôn luận của Hội Dược Liệu Việt Nam, chuyên san về dược liệu và sức khoẻ cộng đồng trong năm mới 2004 đến sẽ nổ lực cải tiến nội dung hình thức, mở thêm nhiều trang mục bổ ích nhằm phổ cập những kiến thức dược liệu quý giá trong các thư tịch cổ ấy đến với mọi người, mọi nhà.