Nghiên cứu mới: Uống rượu trong thời gian dài khiến não bộ bị thu nhỏ
Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Thống kê cho thấy, việc sử dụng rượu quá mức đã dẫn đến hơn 140.000 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ (từ 2015 – 2019). Rượu đã rút ngắn tuổi thọ của những người tử vong trung bình là 26 năm. Ngoài ra, uống rượu quá mức là nguyên nhân gây ra 1/5 số ca tử vong ở người trưởng thành từ 20-49 tuổi.[1]. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về vấn đề rượu ảnh hưởng đến sức khỏe như thể nào.
1 Rượu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào: Rủi ro ngắn hạn
Ảnh hưởng của việc sử dụng rượu quá mức có thể đến rất nhanh và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Rủi ro của việc uống rượu say thường bao gồm:
- Chấn thương: Chẳng hạn như tai nạn xe cơ giới , ngã, chết đuối và bỏng.
- Bạo lực: Bao gồm giết người, tự tử, tấn công tình dục và bạo lực gia đình.
- Ngộ độc rượu: Nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ra các triệu chứng như hạ thân nhiệt, da dẻ tím tái, co giật, khó thở, hôn mê,...
- Các hành vi tình dục rủi ro: Bao gồm quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ tình dục với nhiều đối tác. Những hành vi này có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn hoặc lây truyền bệnh qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.
- Ảnh hưởng đến thai nhi: Uống rượu khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu hoặc hội chứng rượu bào thai (FAS).
2 Rượu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào: Rủi ro dài hạn
Rượu có thể ảnh hưởng đến cơ thể bạn theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào lượng bạn uống. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ có thể uống tối đa 1 ly rượu và đàn ông có thể uống tối đa 2 ly rượu mỗi ngày.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để trả lời cho câu hỏi Uống rượu có tác hại gì. Kết quả cho thấy, nếu uống nhiều hơn mức này hoặc uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch hoặc tổn thương gan. Cụ thể tác hại của rượu đối với sức khỏe con người bao gồm[2]:
2.1 Não bộ bị thu nhỏ
Nếu bạn uống nhiều rượu trong một thời gian dài, rượu có thể ảnh hưởng đến kích thước và khả năng hoạt động của bộ não. Một số nghiên cứu cho thấy, các tế bào não có xu hướng thay đổi, thậm chí nhỏ lại ở những người tiêu thụ rượu ở mức cao.
Uống quá nhiều rượu thực sự có thể khiến bộ não của bạn co lại. Và điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ một cách nghiêm trọng. Trong trường hợp này, uống nhiều rượu có nghĩa là 8 ly trở lên mỗi tuần đối với phụ nữ và 15 ly trở lên đối với nam giới.
2.2 Rối loạn giấc ngủ
Tác dụng làm giảm hoạt động của não bộ có thể khiến người uống rượu cảm thấy buồn ngủ. Vì thế, những người uống nhiều rượu thường dễ ngủ gật và tăng nguy cơ gặp tai nạn.
Tuy nhiên, giấc ngủ do rượu thường không chất lượng. Vì cơ thể vẫn tiếp tục xử lý rượu trong khi bạn ngủ, nên khi các chất độc được xử lý hết, bạn sẽ trằn trọc và khó ngủ sâu giấc.
Người uống nhiều rượu thường không có được giấc ngủ REM ngon lành mà cơ thể cần để hồi phục. Người uống nhiều rượu có nhiều khả năng gặp ác mộng hơn. Ngoài ra, họ cũng có thể phải thức dậy nhiều lần để đi vệ sinh.
2.3 Gây tăng axit dạ dày
Rượu có thể kích thích niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết dịch tiêu hóa. Lượng axit dư thừa và cồn trong dạ dày có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn và nôn mửa.
Quá nhiều axit có thể gây ra những vết loét tại niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm dạ dày.
2.4 Gây tiêu chảy và ợ nóng
Rượu có thể khiến thức ăn di chuyển nhanh hơn và kích thích nhu động của đường ruột. Điều này có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, rượu làm giãn cơ trơn phế quản, gây ra các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng,...
2.5 Gây tiểu nhiều
Bình thường, bộ não có khả năng giúp cơ thể điều hòa số lần đi tiểu bằng cách tạo ra một loại hormone giữ cho thận không tạo ra quá nhiều nước tiểu. Tuy nhiên, khi uống rượu, rượu có thể khiến não bộ ngừng sản xuất loại hormone này. Điều đó có nghĩa là bạn phải đi tiểu nhiều lần hơn khi uống rượu.
Ảnh hưởng này tưởng chừng như vô hại, nhưng đi tiểu nhiều lần có thể khiến bạn bị mất nước. Nghiêm trọng hơn, uống rượu trong nhiều năm có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng thận.
2.6 Làm suy giảm chức năng gan
Gan là cơ quan chính trong việc xử lý các độc tố do rượu. Vì thế, uống nhiều rượu khiến gan bị quá tải và có thể dẫn đến suy giảm chức năng.
Ngoài ra, uống rượu trong thời gian dài làm tích tụ mô mỡ và mô xơ trong nội tạng khiến lưu lượng máu đến gan giảm. Điều này làm cho các tế bào gan không nhận được đủ dưỡng chất để tại. Các tế bào gan bị phá hủy dẫn đến hình thành mô sẹo và gây bệnh xơ gan.
2.7 Tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Các nghiên cứu cho thấy, rượu có khả năng làm tổn thương tuyến tụy và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Thông thường, tuyến tụy tạo ra Insulin và một số hormone khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu khiến tuyến tụy giảm sản xuất các hormone này và bị viêm nhiễm. Sau nhiều năm, lượng insulin giảm mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, người uống rượu nhiều hoặc uống trong thời gian dài cũng có nhiều khả năng bị ung thư tuyến tụy.
2.8 Gây hội chứng hangover
Hangover là cụm từ để chỉ cảm giác khó chịu, nôn nao khi uống nhiều rượu. Cụ thể, người uống nhiều rượu sẽ gặp phải các triệu chứng như:
- Thức dậy với cảm giác mệt mỏi, mắt lờ đờ, khô miệng
- Đau đầu dữ dội: Do rượu gây mất nước và làm các mạch máu trong não giãn ra.
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói: Do dạ dày có xu hướng loại bỏ lượng độc tố và axit dư thừa và rượu tạo ra.
- Yếu mệt và run tay chân: Bởi vì gan quá bận rộn để xử lý một lượng độc tố lớn do rượu nên làm giảm giải phóng đường vào máu dẫn đến tụt đường huyết.
2.9 Gây loạn nhịp tim
Say rượu có thể làm rối loạn dẫn truyền các tín hiệu điện khiến nhịp tim không ổn định. Uống rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây ra chứng loạn nhịp tim, thậm chí có thể dẫn đến suy tim.
Các nghiên cứu cho thấy, uống rượu nhiều hoặc uống trong một thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về tim mạch bao gồm: Bệnh cơ tim (cơ tim căng và xệ), rối loạn nhịp tim, đột quỵ, huyết áp cao.
2.10 Làm thay đổi nhiệt độ cơ thể
Rượu khiến các mạch máu giãn nở, tăng lưu thông máu đến da. Điều này khiến bạn bị đỏ bừng mặt, cảm thấy nóng bức và khó chịu khi uống rượu. Tuy nhiên, mạch máu giãn nở có thể khiến cơ thể bị mất nhiệt nhanh chóng. Vì thế, người uống rượu rất dễ bị nhiễm lạnh gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tiếp tục uống nhiều rượu khiến cơ thể giải phóng nhiều hormone gây căng thẳng làm các mạch máu co lại dẫn đến tăng huyết áp và tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
2.11 Làm suy giảm miễn dịch
Rượu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể giảm sản xuất các tế bào bạch cầu cần thiết để chống lại vi khuẩn. Vì thế, nếu uống quá nhiều rượu, bạn rất dễ bị ốm trong vòng 24 giờ sau đó.
Nghiêm trọng hơn, những người nghiện rượu nặng trong thời gian dài có nhiều khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến miễn dịch như viêm phổi hoặc bệnh lao.
2.12 Ảnh hưởng đến nội tiết tố
Nội tiết tố ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể từ tốc độ tiêu hóa thức ăn đến ham muốn tình dục. Tuy nhiên, rượu có thể gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể bạn.
Một số nghiên cứu cho rằng, uống rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở một số phụ nữ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nam giới uống nhiều rượu có thể làm giảm nồng độ Testosterone và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.
2.13 Gây mất thính lực
Mặc dù chưa biết cơ chế chính xác, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, rượu có thể ảnh hưởng đến thính giác của bạn. Cụ thể, rượu có thể làm rối loạn chức năng xử lý âm thanh trong não hoặc làm tổn thương các dây thần kinh và những sợi lông nhỏ trong tai. Vì thế người uống nhiều rượu trong thời gian dài có nguy cơ bị suy giảm thính lực, thậm chí mất thính lực.
2.14 Làm giảm mật độ xương
Uống nhiều rượu có thể làm giảm nồng độ Canxi trong cơ thể, giảm quá trình tạo xương khiến xương mỏng vào xốp. Mật độ xương giảm làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Ngoài ra, rượu cũng làm giảm lưu lượng máu đến cơ bắp và cản trở quá trình hình thành protein. Kết quả là khiến cơ bắp suy yếu, chuột rút và cuối cùng là teo cơ.
2.15 Làm tăng nguy cơ ung thư
Các chất độc trong quá trình xử lý rượu của cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư. Chẳng hạn như ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng và trực tràng.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ: "Có một sự đồng thuận khoa học mạnh mẽ rằng uống rượu có thể gây ra một số loại ung thư.” Ngay cả những người không uống quá một ly mỗi ngày và những người những người uống rượu say đều có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Dựa trên dữ liệu từ năm 2009, ước tính có khoảng 3,5% ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ (khoảng 19.500 ca tử vong) có liên quan đến rượu.[3].
>>>Xem thêm: WHO: Rượu Bia Và Tất Cả Đồ Uống Có Cồn Đều Có Thể Gây Ung Thư!
Tài liệu tham khảo
- ^ CDC (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 04 năm 2022). Alcohol Use and Your Health, CDC. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 05 năm 2023
- ^ Carmelita Swine (Ngày đăng: Ngày 04 tháng 11 năm 2021). How Alcohol Affects Your Body, WebMD. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 05 năm 2023
- ^ NIH. Alcohol's Effects on Health, NIH. Ngày truy cập: Ngày 25 tháng 05 năm 2023