Rôm sảy ở trẻ em và cách trị rôm sảy cho bé tại nhà
Trungtamthuoc - Rôm sảy là hiện tượng thường xảy ra ở trẻ em, bé bị rôm sảy đặc biệt là vào các mùa nắng nóng, độ ẩm cao. Vậy rôm sảy có những biểu hiện nào, nguyên nhân là gì và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1 Rôm sảy là gì?
Rôm sảy hay còn gọi là phát ban do nhiệt, nó có tên tiếng anh là heat rash hoặc miliari, là hiện tượng xảy ra do bít tắc tuyến mồ hôi, khiến các bộ phận trên da cảm thấy châm chích hoặc ngứa rất nhiều và nổi mẩn đỏ . Bất cứ ai cũng có thể bị rôm sảy nhưng phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở trẻ 2 tuần tuổi trở xuống, với tỉ lệ từ 4,5% đến 9% trẻ sơ sinh. [1]
2 Nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ như:
2.1 Tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, hệ thống tuyến mồ hôi chưa hoạt động mạnh, và ống dẫn mồ hôi có thể chưa phát triển hoàn chỉnh, điều này có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mồ hôi. Rôm sảy thường xuất hiện khi có sự tắc nghẽn ở tuyến mồ hôi gần bề mặt da hoặc lớp biểu bì và lớp mô bên dưới, dẫn đến việc nước mồ hôi không thể thoát ra bề mặt da, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn[2]
2.2 Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong việc gây ra tình trạng rôm sảy ở trẻ. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dị ứng da, eczema, hoặc các vấn đề da liễu khác, có thể tăng khả năng trẻ sẽ phát triển tình trạng tương tự.
2.3 Môi trường sống
Môi trường sống có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra tình trạng rôm sảy ở trẻ. Môi trường ẩm ướt và nóng là một môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ rôm sảy ở trẻ. Trong các môi trường như này, đặc biệt là ở các khu vực có thời tiết nóng, việc kiểm soát độ ẩm và giữ cho da bé khô ráo là điều quan trọng.
2.4 Dị ứng
Dị ứng cũng là một nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ. Trong những năm tháng đầu đời, da của bé rất dễ nhạy cảm, do đó những tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, thức ăn, thành phần sữa tắm cũng ảnh hưởng đến da của trẻ, làm tăng nguy cơ bị rôm sảy ở các bé.
3 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rôm sảy
Các biểu hiện chính của bệnh lý rôm sảy ở trẻ bao gồm: ngứa, phát ban đỏ, nổi mụn nước. Tuy nhiên tùy vào loại rôm sảy, nó có những đặc điểm riêng như:
3.1 Rôm sảy đỏ (Miliaria rubra)
Đây là loại phát ban do nhiệt phổ biến nhất và thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh từ 1–3 tuần tuổi. Loại phát ban này phát triển khi có sự tắc nghẽn ở tuyến mồ hôi gần bề mặt da hoặc lớp biểu bì và lớp mô bên dưới, lớp hạ bì. Các triệu chứng của bệnh miliaria rubra bao gồm: những vết sưng nhỏ, màu đỏ hoặc mụn nước đổi màu. Loại rôm sảy này thường gây ngứa nên trẻ sơ sinh có thể gãi liên tục trên da..[3]
3.2 Rôm sảy dạng tinh thể (Miliaria crystallina)
Nguyên nhận gây ra có thể do nhiễm trùng do vi khuẩn Miliaria Crystallina hoặc sudamina phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ từ 2 tuần tuổi trở xuống. Đây là dạng phát ban do nhiệt ít nghiêm trọng nhất. Nó xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở tuyến mồ hôi ở lớp biểu bì. Triệu chứng duy nhất của Miliaria crystallina là những mụn nước nhỏ trong hoặc trắng giống như giọt nước. Chúng trông không có màu đỏ hoặc bị viêm. Phát ban thường khỏi trong vòng một ngày sau khi lớp da bị ảnh hưởng bong ra.
3.3 Rôm sảy sâu (Miliaria profunda)
Đây là loại phát ban do nhiệt nghiêm trọng nhất nhưng hiếm gặp. Khi mồ hôi liên tục rò rỉ vào lớp hạ bì, nó có thể gây đỏ bừng và bỏng rát. Trẻ sơ sinh bị bệnh miliaria sâu rộng cũng có thể phát triển các dấu hiệu kiệt sức do nhiệt do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn ngừng tiết mồ hôi để làm mát em bé. Các triệu chứng của loại rôm sảy này bao gồm các đốm cứng, lớn, có màu thịt, trông giống như mụn nhọt và ngứa từ nhẹ đến dữ dội. Ngoài ra, nếu trẻ gãi vết phát ban có thể bị nhiễm trùng.
4 Cách trị rôm sảy cho bé tại nhà
4.1 Giữ cho vùng da của bé được khô ráo
Giữ cho vùng da bị rôm sảy luôn khô ráo là quan trọng. Mẹ cần chú ý thay tã đều đặn và đúng cách cho bé và lau khô vùng da cẩn thận sau mỗi lần tắm. Điều này sẽ giúp da của bé luôn được khô ráo.
4.2 Chọn quần áo thoáng khí
Bố mẹ cần chọn cho bé quần áo có vải mát, thoáng khí đặc biệt là vào thời tiết mùa hè và làm sạch quần áo trẻ thường xuyên.
4.3 Tránh sử dụng sản phẩm chứa hóa chất có tính kích ứng
Da của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có làn da vô cùng nhạy cảm, do đó cần tránh sử dụng các sản phẩm như nước rửa tay, sữa tắm, dầu gội đầu chứa hóa chất mạnh, thay vào đó là chọn cá sản phẩm có độ lành tính cao, thân thiện với môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
4.4 Không xoa phấn rôm cho trẻ khi trẻ đổ nhiều mồ hôi
Nhiều người cho rằng khi trẻ bị rôm sảy thì cần phải xoa phấn rôm cho trẻ, ngay cả khi trẻ ra nhiều mồ hôi. Tuy nhiên điều này là không đúng. Khi xoa phấn rôm trong trường hợp da trẻ khô ráo. Còn nếu xoa phấn rôm cho trẻ khi trẻ đổ nhiều mồ hôi thì sẽ làm cho lỗ chân lông bị bít tắc, từ đó rôm sảy sẽ trở nên nghiêm trọng hơn
5 Hình ảnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể bị rôm sảy ở nhiều bộ phận khác nhau, thường thì trẻ sơ sinh bị nổi rôm sảy ở mặt, ở cổ hoặc là ở sau lưng.
6 Bé bị rôm sảy bôi thuốc gì?
Rôm sảy thường không cần phải dùng thuốc điều trị, có thể tự hỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng rôm sảy của bé trở nên nặng và lan rộng thành mảng lớn, có dấu hiệu tấy đỏ, thì việc mua kem trị rôm để thoa cho bé có thể giúp giảm ngứa và mang lại cảm giác thoải mái.
Mẹ có thể sử dụng kem có chứa Calamine hoặc Lanolin (Kem em bé) là những loại thuốc bôi rôm phổ biến được sử dụng cho bé. Dung dịch Calamine giúp làm dịu cảm giác ngứa, trong khi Lanolin giúp ngăn chặn tình trạng bít tắc ống mồ hôi, từ đó ngăn ngừa sự xuất hiện của nốt rôm sảy mới.
7 Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì?
Ngoài việc sử dụng thuốc bôi thì khi bị rôm sảy, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian để giảm bớt triệu chứng của rôm sảy cho bé. Tuy nhiên nếu có bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào mẹ cần dừng việc sử dụng lá tắm cho bé
7.1 Tắm bằng lá tía tô
Lá Tía Tô có tính chất kháng khuẩn và chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp dưỡng da và giảm tình trạng rôm sảy ở trẻ. Mẹ có thể cho bé tắm lá tía tô bằng cách lấy một nắm lá tía tô tươi, rửa sạch. Sau đó nấu sôi lá tía tô trong nước khoảng 5-10 phút rồi chắt nước lá tía tô sau khi đã nấu sôi, thêm nước lạnh để đạt đến nhiệt độ dễ chịu cho da của trẻ và tắm cho bé bằng nước này.
7.2 Sử dụng nước cốt chanh khi tắm
Trong quả chanh có chứa acid citric với đặc tính kháng khuẩn tương đối hiệu quả. . Bạn có thể vắt nửa quả chanh tươi vào chậu nước rồi tắm hằng ngày cho bé để giảm tình trạng rôm sảy.
7.3 Tắm bằng lá khế
Lá khế có tính chất tán nhiệt, giải độc và chống viêm hiệu quả, có thể hỗ trợ trong việc trị rôm sảy cho bé. Mẹ có thể tắm cho bé bằng lá khế bằng cách rửa sạch một nắm lá khế rồi nấu sôi với muối trắng. Sau khi đun sôi khoảng 5 phút, sử dụng nước chắt của lá khế và thêm nước ấm vào để tắm cho bé.
7.4 Tắm bằng mướp đắng
Mướp Đắng là một loại dược liệu được biết đến với công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, do đó nó có tác dụng trị sảy tương đối tốt. Mẹ có thể sử dụng tinh chất mướp đắng bằng cách xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt, sau đó bôi lên vùng da bị rôm khoảng 10 phút rồi tắm lại bằng nước sạch.
7.5 Tắm bằng lá dâu tằm
Trong lá dâu tằm có chứa axit amin tự do cùng các loại vitamin tốt cho cơ thể, có tính mát, giúp giảm ngứa hiệu quả trong rôm sảy. Bố mẹ có thể dùng lá dâu tằm để nấu nước tắm cho bé như các loại lá khác cũng rất hiệu quả.
8 Rôm sảy ở trẻ có tự hết không?
Rôm sảy là một bệnh ngoài da lành tính, có thể tự hết nếu trong trường hợp nhẹ. Tuy nhiên nếu rôm sảy kéo dài và gây ngứa ngáy cho trẻ, hoặc xuất hiện nhiều biến chứng khác như ớn lạnh, sốt, sưng hạch bạch huyết,...bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để có các hướng điều trị đúng đắn nhất.
9 Kết luận
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên đây là bệnh lý không quá nguy hiểm, thường tự khỏi trong vòng 3-4 ngày nếu bố mẹ chú ý và quan tâm đến việc giữ vệ sinh cho con. Nếu trong trường hợp bệnh kéo dài hoặc xuất hiện các biến chứng khác, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ quan y tế để khám và chữa trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Karla C. Guerra và cộng sự (Ngày đăng 8 tháng 8 năm 2023, Miliaria - StatPearls, NCBI. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2024
- ^ Tác giả Evan Starkman và cộng sự (Ngày đăng 21 tháng 12 năm 2023), Heat Rash (Prickly Heat): Causes, Symptoms, and Treatment, WebMD. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2024
- ^ Chuyên gia của Medical news today, Baby heat rash: Types, pictures, treatment, duration, and more, Medical news today. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2024