Dấu hiệu và điều trị rối loạn tăng động thiếu chú ý

Trungtamthuoc.com - Các triệu chứng của rối loạn tăng động thiếu chú ý có thể được phân thành 2 loại hành vi là thiếu tập trung và hiếu động quá mức hay bốc đồng. Vậy dựa vào đâu để nhận biết trẻ bị rối loạn thiếu hoạt động giảm chú ý?
1 Rối loạn tăng động thiếu chú ý là gì?
Rối loạn tăng động thiếu chú ý (ADHD) là một tập hợp các triệu chứng của sự không tập trung và mất tập trung, có hoặc không kèm theo tăng động. Đây là một loại rối loạn tâm thần có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, chúng gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, học tập, quan hệ xã hội của con người. Tình trạng này thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.

2 Nguyên nhân gây rối loạn tăng động thiếu chú ý ở trẻ
Các nghiên cứu thấy rằng gen di truyền đang là một nguyên nhân chính gây rối loạn tăng động thiếu chú ý. Trong gia đình, nếu anh chị, cha mẹ bị rối loạn tăng động thiếu chú ý thì trẻ cũng dễ bị mắc chứng này hơn, dù cơ chế của nó chưa rõ.
Trẻ có thể mắc chứng rối loạn tăng động thiếu chú ý do một tổn thương nào đó ở não. Ở những trẻ này có thể có sự mất cân bằng về dẫn truyền thần kinh trong não hoặc các chất này bị rối loạn hoạt động.
Không những thế, nếu trẻ sống trong môi trường chật hẹp, nhiễm độc tố từ môi trường hay không được giáo dục đúng cách cũng có thể mắc ADHD.
Những trẻ nhẹ cân hay sinh non trước tuần thứ 37 của thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ gây rối loạn tăng động thiếu chú ý.
Ngoài ra, nếu trong thời kỳ mang thai, người mẹ hút thuốc lá, sử dụng rượu, chất ma túy hoặc nhiễm độc thai kỳ trẻ sinh ra cũng có thể mắc ADHD.

3 Dấu hiệu của trẻ tăng động thiếu chú ý
Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý có thể được phân thành 2 loại hành vi là thiếu tập trung và hiếu động quá mức hay bốc đồng. Hầu hết trẻ bị rối loạn tăng động thiếu chú ý đều có vấn đề thuốc 2 loại hành vi, còn một số trường hợp chỉ có rối loạn 1 loại hành vi.
Với chứng bệnh thiên về không chú ý, trẻ phải bao gồm ít nhất 6 triệu chứng và kéo dài ít nhất 6 tháng như sau:
- Trẻ thường không chú ý đến các chi tiết hoặc bất cẩn trong học tập, công việc hay các hoạt động khác.
- Trẻ thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý trong các nhiệm vụ hoặc hoạt động vui chơi.
- Trẻ dường như thường xuyên không nghe những gì mọi người xung quanh đang nói.
- Thường không tuân theo các hướng dẫn và không hoàn thành việc học, công việc hoặc nhiệm vụ tại nơi làm việc. Triệu chứng này không phải do trẻ có hành vi đối lập hoặc không hiểu hướng dẫn.
- Thường gặp khó khăn khi tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động.
- Xu hướng tránh hoặc không thích các nhiệm vụ như bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà mà cần sự nỗ lực về tinh thần.
- Trẻ hay để mất những vật dụng cần thiết cho các công việc hoặc hoạt động như bài tập ở trường, bút chì, sách, dụng cụ hoặc đồ chơi.
- Trẻ dễ bị phân tâm bởi các kích thích từ môi trường tác động vào.
- Thường hay quên trong sinh hoạt hàng ngày.

Nếu trẻ bị ADHD thiên về thể hiếu động thì phải bao gồm ít nhất 6 trong số các triệu chứng sau trong ít nhất 6 tháng:
- Lo lắng hay với hoặc gõ tay hoặc chân khi ngồi trên ghế.
- Trẻ không thể ngồi yên, rời khỏi chỗ ngồi trong lớp học đặc biệt là môi trường yên tĩnh.
- Chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong các tình huống không phù hợp.
- Khó chơi hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí yên tĩnh, trầm lặng.
- Không thể hoặc không thoải mái khi vẫn làm cùng 1 việc hay một trạng thái trong thời gian dài.
- Trẻ có biểu hiện nói quá nhiều, nói quá lên.
- Không thể chờ đến lượt mình, hay trả lời trước khi câu hỏi được hoàn thành.
- Khó khăn trong việc chờ đợi trong hàng hoặc chờ đến lượt khi tham gia các trò chơi hoặc hoạt động nhóm.
- Làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc xâm phạm người khác thậm chí là chiếm đoạt những gì người khác đang làm.

Các triệu chứng trên được khởi phát trước 12 tuổi, thường sớm nhất trong độ tuổi từ 3 đến 6, có thể kéo dài qua tuổi thiếu niên đến trưởng thành. Các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề về cảm xúc hay kỷ luật hoặc bị bỏ sót hoàn toàn ở trẻ im lặng làm chậm chẩn đoán. Các triệu chứng của ADHD thay đổi theo thời gian và sự phát triển của con người, trẻ nhỏ thì triệu chứng tăng động và bốc đồng thường chiếm ưu thế hơn.[1]
4 Điều trị rối loạn tăng động thiếu chú ý ở trẻ
Để điều trị ADHD cho trẻ cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ với gia đình và nhà trường. Các phương pháp điều trị hiện nay làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng gồm thuốc, tâm lý trị liệu cùng với giáo dục đào tạo.
4.1 Điều trị rối loạn tăng động thiếu chú ý bằng thuốc
4.1.1 Thuốc chứa thành phần Methylphenidate
Thuốc kích thích tâm thần, dùng cho các đối tượng tử 6 tuổi trở lên, có tác dụng kích thích vỏ não và cấu trúc dưới vỏ. Methylphenidate được bào chế dưới 2 loại là loại thường và loại tác dụng kéo dài. Thuốc dạng tác dụng thông thường ngày uống 2 đến 3 lần vì tác dụng chỉ kéo dài trong vòng 2 đến 3 giờ. Loại tác dụng kéo dài chỉ dùng 1 lần/ ngày.
Các chế phẩm thông thường như Ritalin LA được dùng với liều ban đầu là 5mg uống trước bữa ăn tầm 30 đến 45 phút, ngày 2 - 3 lần. Sau đó cứ 3 ngày lại tăng thêm 5 đến 10mg đến liều tác dụng, mỗi ngày không dùng quá 60mg.
Các chế phẩm kéo dài như Concerta thì mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Ban đầu uống Concerta với liều 18mg mỗi ngày, sau đó có thể tăng 18mg/ngày vào mỗi tuần. Không được dùng quá 54mg/ngày với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi và 72mg/ngày ở thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi.

4.1.2 Thuốc có thành phần là Dexmethylphenidate
Dexmethylphenidate được dùng cho các bé từ 6 tuổi trở lên, với liều 2,5mg uống 2 lần một ngày và cách nhau ít nhất 4 tiếng.
Sau đó điều chỉnh liều theo mức tăng từ 2,5mg đến 5mg mỗi tuần theo nhu cầu và đáp ứng của trẻ, không vượt 20mg mỗi ngày.
4.1.3 Thuốc chứa thành phần là Dextroamphetamine
Thuốc có tác dụng làm tăng lượng dopamine và norepinephrine lưu hành trong vỏ não bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu chúng. Dùng cho các bé bị rối loạn tăng động thiếu tập trung từ 3 tuổi trở lên.
Với các bé từ 3 đến 5 tuổi, khởi đầu Dextroamphetamine với liều 2,5mg mỗi ngày, có thể tăng liều 2,5mg hàng tuần.
Các bé từ 6 đến 17 tuổi, liều ban đầu là 5mg/liều, mỗi tuần có thể tăng liều lên 5mg mỗi ngày. Không được dùng Dextroamphetamine nhiều hơn 40mg mỗi ngày. Các chế phẩm tác dụng ngay mỗi ngày dùng 2 lần, cách nhau ít nhất 4 tiếng, còn chế phẩm kéo dài thì ngày dùng 1 lần.
4.1.4 Thuốc có chứa thành phần Atomoxetine
Atomoxetine chọn lọc ức chế tái hấp thu norepinephrine, thuốc được chỉ định dùng cho các bé trên 6 tuổi mắc chứng rối loạn hoạt động giảm chú ý.
Các bé có thể trọng dưới 70kg: Liều dùng ban đầu là 0,5mg/kg/ngày, sau đó tăng liều dần dần đến 1,2mg/kg mỗi ngày sau tối thiểu 3 ngày với liều ban đầu. Không được dùng Atomoxetine không quá 1,4mg/kg mỗi ngày, hoặc 100mg/ngày.
Với các bé thể trọng trên 70kg: Liều lượng ban đầu là 40mg/ngày, rồi tăng lên đến 80mg/ngày sau tối thiểu 3 ngày với liều ban đầu. Sau 2 đến 4 tuần có thể tăng lên liều tối đa là 100mg/ngày.
4.1.5 Các thuốc chống trầm cảm dùng điều trị cho trẻ rối loạn hoạt động giảm chú ý
Được sử dụng cho trẻ ADHD khi các thuốc kích thích trên không hiệu quả.
Imipramine được dùng cho các bé từ 6 tuổi trở lên với liều ban đầu là 1mg/kg mỗi ngày, tối đa 2,5mg/kg mỗi ngày.
Desipramine được dùng cho các bé từ 5 tuổi trở lên với liều ban đầu là 1,5mg/kg mỗi ngày, chia làm 2 lần. Sau đó hàng tuần tăng lên đến liều 3,5mg/kg một ngày cho đến tuần thứ 3.
4.1.6 Các thuốc đồng vận α2-adrenergic điều trị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý
Thuốc có chứa Clonidine được dùng cho các bé từ 6 tuổi trở lên. Các bé từ 45kg trở xuống ban đầu dùng với liều 0,05mg trước khi đi ngủ. Sau đó hàng tuần, cứ sau 3 đến 7 ngày tăng lên 0,05mg/ngày, mỗi lần uống là 0,05mg cho đến liều tối đa theo cân nặng.Với các bé trên 45kg: Ban đầu dùng liều 0,1mg trước khi đi ngủ. Sau đó hàng tuần, cứ sau 3 đến 7 ngày tăng 0,1mg/ngày, mỗi lần uống 0,1 mg liều tối đa mỗi ngày là 0,4mg.
Thuốc chứa thành phần là Guanfacine dùng cho các bé từ 6 tuổi trở lên. Ban đầu uống với liều mỗi ngày một lần 1mg vào cùng thời điểm trong ngày. Sau đó hàng tuần, tăng lên 1mg/ngày tùy vào đáp ứng của bệnh nhi.[2]
4.2 Tâm lý trị liệu và can thiệp tâm lý xã hội
Sử dụng liệu pháp hành vi, nhận thức hỗ trợ điều trị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý:
Cần lý giải cho trẻ hiểu những việc cần phải làm, chia thành các nhiệm vụ và hướng dẫn trẻ biết cách để hoàn thành.
Giao bài tập về nhà, nhấn mạnh cho trẻ tầm quan trọng của việc làm bài tập ra vở.
Sau khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có hành vi tốt cần khen thưởng để trẻ củng cố hành vi.

Cha mẹ, thầy cô cần chú ý lắng nghe trẻ giải thích và chỉ cho trẻ biết trẻ không đúng chỗ nào và cùng tìm cách giải quyết.
Nếu trẻ vẫn tái phạm những hành vi sai trái, cần có biện pháp nghiêm khắc hơn như phạt không được hưởng quyền lợi và nói cho trẻ sai như thế nào.
Trong giáo dục cho trẻ, cha mẹ cần kết hợp mềm mỏng và cương quyết, không xử phạt bằng đòn roi, nặng lời.
Hướng dẫn trẻ các kỹ năng giao tiếp xã hội. Đồng thời, cho trẻ chơi các trò chơi trị liệu phù hợp để trẻ giảm bớt căng thẳng, luyện tập tính kiên trì, biết lắng nghe.
5 Các phương pháp phòng rối loạn tăng động thiếu chú ý ở trẻ
Đảm bảo các phương pháp an toàn thai sản, phụ nữ mang thai không được hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Đảm bảo môi trường xung quanh ổn định, an toàn, chống các nguy cơ nhiễm độc, nhiễm trùng.
Luôn luôn quan tâm dạy dỗ trẻ phù hợp với lứa tuổi, cần giải thích cho trẻ những điều trẻ không hiểu. Đồng thời, không được cho trẻ sử dụng tivi, điện thoại, máy tính chơi game quá nhiều, thay vào đó là hoạt động.

Kiểm tra sự phát triển tâm lý của trẻ, nếu thấy trẻ hiếu động nên cho đi khám và đánh giá tâm lý.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc nhận biết trẻ bị rối loạn tăng động thiếu chú ý sớm để điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NIH (Ngày đăng: tháng 9 năm 2021). Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder, NIH. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2021.
- ^ Tác giả: Maggie A Wilkes, MD (Ngày đăng: ngày 9 tháng 9 năm 2021). Pediatric Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD) Treatment & Management, Medscape. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2021.