Rối loạn sự thích ứng là gì? Cách phân biệt với bệnh trầm cảm và stress nghiêm trọng
Trungtamthuoc.com - Rối loạn sự thích ứng là rối loạn tâm lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Nó gây ra phản ứng tâm lý mạnh hoặc rối loạn cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị rối loạn sự thích ứng trong bài viết bên dưới.
1 Định nghĩa rối loạn sự thích ứng F43. 2 theo ICD-10
Rối loạn sự thích ứng tiếng anh là Adjustment disorders, được Phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD - International Classification of Diseases) phiên bản 10, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát triển xếp vào mã F43.2. F43.2 là một phần trong nhóm F43 (Phản ứng stress cấp tính và rối loạn thích nghi) trong ICD-10. [1]
Rối loạn điều chỉnh hay rối loạn sự thích ứng được mô tả là một trạng thái tâm lý xuất hiện khi một cá nhân gặp phải stress hoặc biến động lớn trong cuộc sống gây ra phản ứng mạnh về cảm xúc hoặc hành vi quá mức so với bình thường. Biểu hiện có thể như cảm thấy dễ khóc hoặc chán nản, tuyệt vọng, sa đà vào những hành vi liều lĩnh, bốc đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ xã hội, công việc cũng như học tập.
Triệu chứng rối loạn sự thích ứng có thể gặp sau một sự kiện căng thẳng hoặc nhiều sự kiện kết hợp đẩy tâm lý người bệnh lên điểm giới hạn gây ra các triệu chứng rối loạn. Sau một thời gian thích nghi các triệu chứng sẽ giảm dần, thông thường khoảng 6 tháng.
Các vấn đề công việc, đi học xa, bệnh tật hoặc bất kỳ thay đổi nào trong cuộc sống đều có thể gây ra căng thẳng. Hầu hết thời gian, mọi người sẽ quen với những thay đổi như vậy trong vòng vài tháng. Nhưng nếu mắc chứng rối loạn điều chỉnh, sẽ gặp các phản ứng về mặt cảm xúc hoặc hành vi kéo dài hơn, khiến người bệnh càng mệt mỏi và chán nản.
Hiện nay, mức độ phổ biến của bệnh ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu toàn cầu nhận thấy rằng hội chứng này đang tác động đến khoảng 2% dân số trên thế giới, chiếm từ 5% đến 20% các bệnh nhân ngoại trú đến thăm khám khoa tâm thần kinh tại Hoa Kỳ.
2 Có những loại rối loạn sự thích ứng nào?
Rối loạn điều chỉnh được phân loại trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê bệnh tâm thần (DSM-5) gồm 6 loại. DSM-5 là hướng dẫn của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ về các tình trạng sức khỏe tâm thần. Cụ thể các loại rối loạn điều chỉnh và các triệu chứng liên quan bao gồm:[2]
Rối loạn sự thích ứng với lo âu: cảm giác lo lắng, căng thẳng, sợ hãi hoặc hồi hộp quá mức, khó tập trung. Trẻ em thường thể hiện qua hành vi lo âu chia ly hoặc bám dính lấy cha mẹ.
Rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm: Cảm giác buồn bã, thất vọng, mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, thậm chí khóc không lý do.
Rối loạn sự thích ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Cảm thấy vừa lo lắng vừa chán nản, bao gồm căng thẳng, sợ hãi, cảm giác vô vọng, khó ngủ.
Rối loạn sự thích ứng với rối loạn hành vi: Các triệu chứng về hành vi như hành động nổi loạn, phá hoại, liều lĩnh hoặc bốc đồng, sử dụng chất kích thích. Ở trẻ em, có thể là cãi lời, chống đối cha mẹ.
Rối loạn sự thích ứng hỗn hợp: có sự xáo trộn hỗn hợp về cảm xúc và hành vi, biểu hiện lo lắng, trầm cảm kết hợp với các hành vi nổi loạn, phá phách.
Rối loạn sự thích ứng không đặc hiệu: không thuộc các loại trên nhưng có thể gặp các triệu chứng về thể chất như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau bụng, hồi hộp hoặc mất ngủ.
3 Nguyên nhân gây rối loạn thích ứng
Rối loạn thích ứng là do những thay đổi hoặc yếu tố gây căng thẳng lớn xảy ra trong cuộc sống.
Di truyền, trải nghiệm sống và tính cách có thể là yếu tố làm tăng khả năng mắc rối loạn thích ứng. Cụ thể:[3]
Biến cố hoặc áp lực lớn trong cuộc sống:
- Những mất mát cá nhân như mất người thân, ly hôn, chia tay
- Thay đổi trong công việc như bị sa thải, áp lực công việc mới, nghỉ hưu, sinh con.
- Xung đột gia đình, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
- Thay đổi môi trường sống như chuyển nhà, chuyển trường, nhập cư
- Các tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như bị tấn công, hành hung hoặc thiên tai.
- Vấn đề tài chính như mất mát tài sản, nợ nần, phá sản.
Các yếu tố cá nhân:
- Khả năng thích nghi kém, quản lý căng thẳng hoặc ít kinh nghiệm đối phó với khó khăn.
- Có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc mắc các bệnh tâm lý khác.
- Người nhạy cảm và dễ xúc động khi gặp các biến cố lớn.
- Cảm giác cô đơn, thiếu người để chia sẻ hoặc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Nhiều trường hợp dấu hiệu của rối loạn sự thích ứng xuất hiện không chỉ khi căng thẳng hay chấn thương lớn gặp phải, đôi khi chúng có thể xảy ra xoay quanh những thay đổi rất tích cực trong cuộc sống. Rối loạn điều chỉnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, có tỷ lệ như nhau ở cả nam và nữ.
4 Triệu chứng rối loạn điều chỉnh
Các triệu chứng rối loạn sự thích nghi ảnh hưởng đến mỗi người theo cách khác nhau và tùy theo từng loại. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi sự kiện xảy ra, bao gồm:
4.1 Triệu chứng cảm xúc
Cảm thấy buồn rầu, thất vọng hoặc khóc mà không rõ lý do.
Lo lắng quá mức, cảm giác bất an, bồn chồn.
Cảm thấy không thể kiểm soát hoặc đương đầu với các tình huống.
Cảm thấy bản thân vô dụng hoặc thất bại
4.2 Triệu chứng hành vi
Hành vi bốc đồng hoặc liều lĩnh.
Không thể tập trung vào công việc hoặc học tập.
Dễ bị kích động, xuất hiện những hành vi không lành mạnh như uống rượu, lạm dụng chất kích thích hoặc nổi nóng thường xuyên.
Tranh cãi hoặc xa lánh người thân, bạn bè.
4.3 Triệu chứng thể chất
Cảm thấy mệt mỏi nhưng không ngủ được, ngủ không ngon.
Cảm thấy đau nhức cơ thể, đau đầu , đau bụng, hoặc các triệu chứng cơ thể khác mà không rõ nguyên nhân.
Nhịp tim không đều như rối loạn nhịp tim
Chán ăn hoặc ăn uống quá mức.
5 Hệ luỵ của rối loạn sự thích ứng là gì?
Rối loạn điều chỉnh có thể đe dọa tính mạng và gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, bao gồm:
- Tự tử, có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân, đặc biệt nếu cảm giác bất lực và tuyệt vọng kéo dài.
- Lạm dụng chất kích thích như rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác, dẫn đến nguy cơ nghiện ngập.
- Rối loạn sự thích ứng có thể phát triển thành rối loạn trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu kéo dài.
- Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề như đau đầu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
6 Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thích ứng theo DSM-5
Theo DSM-5, tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thích ứng bao gồm các yếu tố sau:
- Các triệu chứng này xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi yếu tố gây stress xảy ra. Các yếu tố stress này có thể là một sự kiện đơn độc (ví dụ chia tay) hoặc là nhiều sự kiện (ví dụ khó khăn trong kinh doanh và vấn đề hôn nhân).
- Các triệu chứng hoặc hành vi có ý nghĩa lâm sàng, được biểu hiện qua một hoặc cả hai yếu tố gồm sự khó chịu vượt mức chịu đựng đối với một yếu tố gây stress cụ thể và sự suy giảm chức năng đáng kể trong lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội, học tập.
- Phản ứng không đáp ứng đủ các tiêu chí của một rối loạn tâm thần khác và không phải là sự bùng phát của một rối loạn tâm thần có từ trước.
- Triệu chứng không phản ánh một phản ứng mất mát thông thường.
- Sau khi yếu tố gây stress hoặc hậu quả của yếu tố đó đã được loại bỏ, các triệu chứng không kéo dài quá 6 tháng.
7 Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị cụ thể cho các rối loạn thích ứng sẽ được bác sĩ cung cấp các liệu pháp dựa trên những yếu tố như:
- Độ tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh tật
- Mức độ các triệu chứng ở tuổi vị thành niên
- Phân nhóm của rối loạn điều chỉnh
- Khả năng chịu đựng đối với các liệu pháp cụ thể
- Tính cách của người bệnh.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm:
7.1 Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp nhận thức - hành vi: Sử dụng phương pháp tiếp cận nhận thức - hành vi giúp bệnh nhân thay đổi cách suy nghĩ và hành vi tiêu cực liên quan đến yếu tố căng thẳng. Nâng cao các kỹ năng giải quyết, kỹ năng quản lý cơn giận, kỹ năng giao tiếp phù hợp với lứa tuổi.
Trị liệu hỗ trợ: Tạo không gian an toàn để bệnh nhân chia sẻ cảm xúc và được hỗ trợ tâm lý. Biện pháp này cần sự hỗ trợ gia đình và các thành viên.
Liệu pháp nhóm: Liệu pháp nhóm thường tập trung vào việc phát triển và sử dụng các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp, giúp người bệnh kết nối với những người có trải nghiệm tương tự, từ đó cảm thấy được đồng cảm và học hỏi cách ứng phó hiệu quả.
7.2 Điều chỉnh lối sống
Quản lý căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, hít thở sâu.
Tăng cường hoạt động thể chất bao gồm tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.
7.3 Sử dụng thuốc
Thuốc có giá trị rất hạn chế trong việc điều trị các rối loạn sự thích ứng, một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng các thuốc như:
- Thuốc chống lo âu (benzodiazepin): dùng trong thời gian ngắn để giảm lo âu nghiêm trọng.
- Thuốc chống trầm cảm ( thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine ): khi bệnh nhân có triệu chứng rối loạn trầm cảm kéo dài.
8 Sự khác biệt giữa rối loạn sự thích ứng, trầm cảm và stress trầm trọng
Dưới đây là bảng tóm tắt điểm khác biệt chính của các rối loạn tâm lý trên:
Đặc điểm | Rối loạn sự thích ứng | Trầm cảm | Stress trầm trọng |
Nguyên nhân | Phản ứng với một yếu tố gây stress xác định, nhưng không nghiêm trọng đến mức gây sang chấn. | Có thể liên quan đến stress hoặc không; thường là phản ứng cảm xúc với mất mát hoặc thất bại. | Xảy ra sau một sự kiện sang chấn mạnh (tai nạn, thiên tai, bạo lực). |
Thời gian khởi phát | Trong vòng 3 tháng | Không cố định | Ngay lập tức sau sự kiện. |
Triệu chứng chính | Lo âu, khó thích nghi | Buồn bã, mất hứng thú | Lo âu, sợ hãi, mất phương hướng |
Thời gian kéo dài | Tối đa 6 tháng | Thay đổi, thường ngắn hạn | Vài giờ đến vài ngày |
Mức độ | Mức độ nhẹ đến trung bình, không đủ để chẩn đoán rối loạn tâm thần lớn. | Nhẹ hơn rối loạn trầm cảm nặng, nhưng có thể tiến triển nếu không được can thiệp. | Cấp tính, có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) nếu kéo dài. |
9 Phòng ngừa rối loạn thích ứng
Không thể ngăn ngừa mọi nguyên nhân gây ra rối loạn sự thích ứng, nhưng các biện pháp đề phòng sự rối loạn này khá hiệu quả trong việc giảm căng thẳng và thích nghi tốt hơn với sự thay đổi:
- Tăng cường khả năng đối phó với stress: bằng cách học quản lý căng thẳng như thiền, yoga, các bài tập hít thở sâu. Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện tâm trạng hoặc phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề để giảm cảm giác bị quá tải.
- Xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ: Dành thời gian cho gia đình, bạn bè hoặc các nhóm hỗ trợ để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc hoặc yêu cầu giúp đỡ từ những người xung quanh, cho phép họ biết bản thân bạn như thế nào để có thể giúp khi bạn cần.
- Phát triển tư duy tích cực: tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống bằng cách ghi nhớ những khoảnh khắc thành công, hạnh phúc để tăng sự lạc quan. Luôn thể hiện lòng biết ơn để suy ngẫm hơn về những điều tốt đẹp trong cuộc sống,
- Học cách thích nghi với thay đổi: chuẩn bị tâm lý kỹ về sự thay đổi như chuyển nhà, công việc mới, du học, hoặc bất cứ thay đổi lớn nào trong cuộc sống. Cố gắng nhắn nhủ bản thân chấp nhận sự thay đổi đó.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đủ vitamin và khoáng chất để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Ngủ đủ giấc để hạn chế tăng độ nhạy cảm với căng thẳng. Giảm thiểu tiêu thụ rượu, chất kích thích và tránh hút thuốc. Tập thể dục thường xuyên có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý: Tham gia tư vấn hoặc trị liệu tâm lý nếu cảm thấy căng thẳng kéo dài hoặc không thể kiểm soát được cảm xúc. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm để hỗ trợ.
- Theo dõi sức khỏe tâm thần: Chú ý đến những dấu hiệu ban đầu của căng thẳng hoặc rối loạn tâm lý, như mất ngủ, mất hứng thú, khó tập trung, hoặc cảm giác bất lực. Nếu gặp các triệu chứng bất thường trên nên trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt.
10 Kết luận
Như vậy, rối loạn sự thích ứng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay, việc phát hiện sớm và nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ và gia đình có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về rối loạn sự thích ứng đến người đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia WHO, (Đăng năm 2016) International statistical classification of diseases and related health problems - 10th revision. ICD-10. Truy cập ngày 20 tháng 01 năm 2025.
- ^ Chuyên gia American Psychiatric Association. Updates to DSM-5 Criteria & Text. APA. Truy cập ngày 20 tháng 01 năm 2025.
- ^ Tác giả Patricia Casey , Susan Bailey, (đăng ngày tháng 2 năm 2011) Adjustment disorders: the state of the art. NIH. Truy cập ngày 20 tháng 01 năm 2025.