Khi nào nên nhổ răng khôn (răng số 8) bị mọc lệch

Trungtamthuoc.com - Răng khôn là răng mọc trong cùng và mọc cuối cùng, nên thường xảy ra sự bất thường trong việc mọc răng như mọc lệch, mọc ngầm, mọc sang ngang gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Lúc này người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật nhỏ răng này ra.
1 Răng khôn là gì?
Răng khôn hay còn được gọi là răng số 8, là răng trong cùng của hàm răng. Người bình thường sẽ có 32 răng, thường sẽ mọc đủ 28 răng trước. Răng khôn là 4 răng còn lại trong cùng ở cả hai bên hàm trên và dưới mọc chậm hơn và thường mọc ở độ tuổi trưởng thành.
Răng khôn là răng mọc trong cùng, nên thường xảy ra sự bất thường trong việc mọc răng như mọc lệch, mọc ngầm, mọc sang ngang gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Lúc này người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật nhỏ răng này ra.
Răng khôn cũng là răng nằm góc trong cùng nên việc vệ sinh răng miệng cũng rất khó khăn, bàn chải đánh răng thường không đánh tới vì vậy mà rất dễ bị sâu răng. Do đó, các bác sĩ nha khoa thường khuyên bệnh nhân nhổ răng khôn ngay cả khi nó không mọc lệch. [1]

2 Một số kiểu răng khôn mọc lệch
Do răng khôn là răng mọc trong cùng nên thường có hiện tượng mọc sai vị trí do xương hàm đã cố định, hoặc đôi khi do răng hàm số 7 to chiếm vị trí mọc của răng khôn (răng số 8).
Thường có các kiểu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm phổ biến sau đây:
2.1 Răng khôn mọc lệch về phía răng số 7
Răng khôn mọc lệch về phía răng số 7 là tình trạng hay gặp nhất do trục răng bị nghiêng về răng số 7. Răng khôn chèn ép vào răng số 7 gây đau, lệch, ảnh hưởng lớn đến răng nhai số 7. Khi gặp trường hợp này, cần nhổ răng khôn càng sớm càng tốt để không gây ảnh hưởng làm lung lay răng số 7.
2.2 Răng khôn mọc kẹt theo chiều thẳng đứng
Đây là trường hợp mọc răng nhưng bị lợi trùm, khi đó răng bị kẹt lại khó mọc lên. Hoặc quá trình mọc răng chậm lại do lợi bao phủ một phần răng gây đau nhức, khó chịu, gây sưng, viêm lợi. Một vài trường hợp khác, kẽ răng giữa răng số 7 và răng số 8 không chuẩn, tạo kẽ hở lớn gây dét thức ăn vào kẽ răng. Hậu quả gây hôi miệng, viêm lợi, viêm quanh răng, sâu răng.
2.3 Răng mọc kẹt nghiêng về phía sau
Thường gặp ở hàm dưới, răng mọc kẹt nhưng không nghiêng về phía răng số 7 mà nghiêng về phía bên trong hàm. Nên nhỏ răng sớm để hạn chế các biến chứng.
2.4 Răng mọc kẹt nằm ngang
Đây là trường hợp răng khôn mọc lệch đặc biệt nghiêm trọng, răng nằm nghiêng một góc 90 độ so với răng số 7. Thường chỉ phát hiện khi chụp x - quang hàm hoặc khi răng mọc dài có thể chèn ép vào răng số 7, gây đau. Răng khôn mọc lệch dạng này rất dễ gây nang quanh răng dẫn đến u nang, hỏng răng số 7.
2.5 Răng mọc kẹt trong xương hàm
Răng khôn mọc kiểu này khó phát hiện, răng bị xương hàm bọc kín, không thể thoát ra ngoài được.
Răng khôn mọc sai vị trí, mọc lệch, ngang, mọc ngầm thường kèm theo các triệu chứng sưng lợi, viêm lơi, sưng nướu, đau buốt và cứng hàm.

3 Chẩn đoán răng khôn mọc lệch
3.1 Các triệu chứng
Mặt sưng nề do viêm, sưng ở bên răng mọc gây mất cân xứng.
Đau, đau khi nhai, đôi khi người bệnh chỉ ăn được cháo do đau không nhai được.
Há miệng hạn chế, đau khi há miệng.
Vùng niêm mạc quanh răng số 7 và số 8 có sưng đỏ, đau, có mủ.
Bệnh nhân có thể thấy sốt nhẹ.
3.2 Cận lâm sàng
X-Quang: Panorex, cận chóp.
Trên phim thấy hình ảnh răng khôn mọc sai vị trí lệch, ngang, ngầm biến chứng.

4 Điều trị răng khôn mọc lệch, ngang, ngầm
4.1 Chỉ định
Chỉ định điều trị cho bệnh nhân răng khôn lệch, ngang, ngầm, lợi trùm.
Những người răng khôn mọc đúng vị trí nhưng có nhu cầu nhổ răng do sợ nguy cơ sâu răng khi không thể làm sạch được răng số 8 bằng đánh răng thông thường.
4.2 Chống chỉ định
Việc điều trị cho bệnh nhân răng khôn mọc sai vị trí cũng cần chú ý:
Chống chỉ định đối với các bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, các bệnh lý về máu...(muốn phẫu thuật phải xin ý kiến Bác sĩ chuyên khoa).
Bệnh nhân đang điều trị ung thư (xạ trị).
Phụ nữ có thai: 3 tháng đầu, 3 tháng cuối của thai kỳ.

4.3 Phẫu thuật nhổ răng khôn
4.3.1 Trước khi phẫu thuật điều trị nhổ răng khôn
Xét nghiệm máu: công thức máu, TS, TC,...(tùy theo cơ địa bệnh nhân mà có chỉ định cần thiết).
X-Quang.
4.3.2 Các bước tiến hành
Sát trùng tại chỗ bằng Povidone Iodine 10%.
Gây tê tại chỗ.
Rạch vạt , bóc tách niêm mạc, bộc lộ răng 8.
Khoan xương ổ răng và tạo điểm tựa, cắt chia răng.
Nạo dũa, bơm rửa, kiểm tra vết thương.
Cuối cùng tiến hành khâu vết thương.
Kê thuốc dùng sau điều trị: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
4.3.3 Sau phẫu thuật
Theo dõi sau phẫu thuật, hẹn sau 1 tuần cắt chỉ.
Không ngậm nước muối sau nhổ răng, ngậm nước đá lạnh thời gian đầu.
Sưng mặt ở khu vực răng được nhổ thường xảy ra. Để giảm thiểu tình trạng sưng tấy, hãy đặt một miếng đá, bọc trong một miếng vải, lên vùng da mặt 10 phút, sau đó nghỉ 20 phút.
Thuốc giảm đau chẳng hạn như Acetaminophen (Tylenol) hoặc Ibuprofen (Motrin hoặc Advil), có thể được dùng để giảm đau nhẹ.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn mềm. [2]
4.4 Nhổ răng khôn có khiến răng mọc lệch lạc không?
Nhổ răng khôn không thể khiến răng mọc lệch lạc. Tuy nhiên, có một số lý do khiến quan niệm sai lầm này:
- Sau khi nhổ răng, trong miệng sẽ tạo ra nhiều khoảng trống hơn, tạo cảm giác răng đang dịch chuyển.
- Việc giảm áp lực lên răng cũng có thể dẫn đến cảm giác rằng răng đã di chuyển.
- Răng có thể dịch chuyển nhẹ để khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc lệch lạc sau khi nhổ răng khôn. [3]
Tài liệu tham khảo
- ^ Nha khoa Premier Oral Surgeryct. What is Wisdom teeth, and When can it cause problems?, Nha khoa Premier Oral Surgeryct. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021
- ^ Evan Frisbee, DMD (Ngày đăng 30 tháng 7 năm 2021). Dental Health and Wisdom Teeth, WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021
- ^ Nha khoa By Gardens (Ngày đăng 26 tháng 12 năm 2019). Can Wisdom Tooth Extraction Cause Teeth To Become Misaligned, Nha khoa Gardens. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021