Quá trình hình thành và phát triển của thai giai đoạn sớm
Nguồn: Các vấn đề trọng yếu trong hỗ trợ sinh sản
Chủ biên: PGS.TS.BS. Lê Minh Tâm
Tham gia soạn biên
GS.TS.BS. Cao Ngọc Thành
ThS.BS. Trần Thị Như Quỳnh
ThS.BS. Nguyễn Đắc Nguyên
Quá trình hình thành và phát triển của phôi có thể được phân chia dựa vào phương diện tổ chức hay thời gian. Về phương diện tổ chức, quá trình phát triển của phối được chia làm hai phần:
- Phần phôi sau này trở thành thai.
- Phần phôi sau này trở thành các phần phụ của thai.
Về phương diện thời gian, được chia làm hai thời kỳ:
- Thời kỳ sắp xếp tổ chức: bắt đầu từ lúc thụ tinh đến hết tháng thứ hai.
- Thời kỳ hoàn thiện tổ chức: từ tháng thứ ba trở đi.
1 Thời kỳ sắp xếp tổ chức
Vào ngày thứ 8 sau thụ tinh, phôi nang xâm nhập một phần vào lớp nội mạc tử cung. Phần trên nguyên bào phôi, nguyên bào sinh dưỡng đã biệt hóa thành hai lớp: (1) lớp bên trong gồm tế bào nuôi là các tế bào đơn nhân và (2) lớp bên ngoài gồm hợp bào nuôi là các tế bào đa nhân không có ranh giới riêng biệt. Các tế bào của lớp trong hoặc phôi bào cũng phân hóa thành hai lớp: (1) lớp tế bào hình khối nhỏ tiếp giáp với khoang phôi nang, được gọi là lá thượng bì phôi và (2) lớp tế bào hình trụ cao tiếp giáp với khoang ối, được gọi là lớp hạ bì phôi, các lớp này tạo thành phôi có dạng đĩa phẳng. Đồng thời, một khoang nhỏ xuất hiện trong lá ngoại bì, khoang này mở rộng trở thành khoang ối. Tế bào biểu mô tiếp giáp với nguyên bào nuôi được gọi là nguyên bào ối; cùng với phần còn lại của biểu sinh, chúng xếp thành hàng của khoang ối.
Vào ngày thứ 9, khi các không bào này hợp nhất, chúng tạo thành các hốc lớn, nguyên bào nuôi phát triển và nam sâu hơn trong nội mạc tử cung, các mạch máu xuất hiện, đây là giai đoạn hốc. Trong khi đó, ở cực không phôi, các biểu mô dẹt có nguồn gốc từ lá nội bì tạo thành một màng mỏng, màng khoang ngoại bào (Heuser) lót bề mặt bên trong của tế bào nuôi. Màng này cùng với lá ngoại bì tạo thành lớp lót của khoang ngoại bào, hay còn gọi là túi noãn hoàng nguyên thủy.
Vào ngày thứ 11 - 12, phôi nang nằm hoàn toàn trong lớp nội mạc tử cung, biểu mô bề mặt gần như hoàn toàn bao phủ phần khuyết ban đầu trong thành tử cung. Lúc này, phôi bào tạo ra một chỗ lồi nhẹ vào lòng tử cung. Các hốc trong hợp bào thông với nhau tạo thành hệ thống lỗ lưới, đặc biệt rõ ràng ở cực phôi; ở cực đối phôi, chủ yếu vẫn bao gồm các nguyên bào nuôi. Các tế bào của hợp bào nuôi thâm nhập sâu hơn vào mô đệm và ăn mòn lớp nội mô của các mạch máu mẹ. Những mạch máu này bị tắc nghẽn và giãn ra kiểu xoang. Các lỗ khuyết ở hợp bào nuôi liên tục với các mạch máu, máu mẹ sẽ đi vào hệ thống hốc này. Khi nguyên bào nuôi tiếp tục ăn mòn ngày càng nhiều, tuần hoàn tử cung - nhau thai được thiết lập.
Trong khi đó, một quần thể tế bào mới xuất hiện giữa bề mặt bên trong của tế bào nuôi và bề mặt bên ngoài của khoang ngoại bào. Các tế bào này, có nguồn gốc từ tế bào túi noãn hoàng, tạo thành một mô liên kết lỏng lẻo, mịn, trung bì ngoài phôi, cuối cùng lấp đầy không gian giữa nguyên bào nuôi bên ngoài và khoang ối, màng ngoại bào bên trong, và khi chúng hợp lưu tạo thành khoang ngoài phôi, hay khoang màng đệm. Không gian này bao quanh túi noãn hoàng nguyên thủy và khoang ối, ngoại trừ vị trí đĩa phôi nối với nguyên bào nuôi bằng cuống nối. Sự phát triển của đĩa phôi lưỡng bì tương đối chậm so với sự phát triển của nguyên bào nuôi; do đó, đĩa phôi vẫn còn rất nhỏ (0,1 - 0,2 mm). Các tế bào của nội mạc tử cung trở nên đa diện và chứa đầy glycogen và lipid; khoảng gian bào chứa đầy dịch thoát mạch và mô phù nề. Những thay đổi này, được gọi là phản ứng màng rụng, lúc đầu chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh vị trí làm tổ, nhưng sau đó sẽ xảy ra ở toàn bộ nội mạc tử cung.
Đến ngày thứ 13, phần khuyết bề mặt trong nội mạc tử cung thường đã phủ hết. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, chảy máu xảy ra tại vị trí làm tổ do tăng lưu lượng máu vào các hồ huyết. Nguyên bào sinh dưỡng được đặc trưng bởi cấu trúc lông nhung. Các tế bào của nguyên bào nuôi tăng sinh cục bộ và xâm nhập vào hợp bào nuôi, tạo thành các cột tế bào được bao quanh bởi hợp bào. Các cột tế bào này được gọi là nhung mao nguyên phát. Trong khi đó, hạ bì sản sinh ra các tế bào bổ sung di chuyển dọc theo bên trong màng ngoài phôi và dần dần hình thành một khoang mới, gọi là túi noãn hoàng thứ phát. Túi noãn hoàng nguyên thủy bị chèn ép và teo nhỏ. Lớp trung bì ngoài phôi nằm bên trong nguyên bào nuôi được gọi là trung bì màng đệm, lót mặt ngoài màng ối gọi là trung bì màng ối, lót mặt ngoài túi noãn hoàng gọi là trung bì túi noãn hoàng. Ở đuôi phôi, trung bì túi noãn hoàng và trung bì màng ối nối với trung bì màng đệm tạo thành cuống phôi, với sự phát triển của các mạch máu, cuống này sẽ trở thành dây rốn.
Như vậy, vào cuối tuần thứ hai, phôi là một cấu trúc phẳng hình đĩa dẹt, gồm 2 lá phôi: Thượng bì phôi ở mặt lưng và hạ bì phôi ở mặt bụng giai đoạn này gọi là đĩa phôi lưỡng bì.
- Thượng bì phôi tương ứng sàn khoang ối và tiếp với màng ối.
- Hạ bì phôi tương ứng trần túi noãn hoàng.
- Ở phía đầu, nội bì phôi dày lên tạo thành tấm trước dây sống.
2 Thời kỳ hoàn thiện tổ chức
2.1 Sự biệt hóa của lá thai ngoài (ngoại bì)
Ở đầu tuần thứ 3, ngoại bì là một lá biểu mô dẹt, hơi rộng ở vùng đầu phôi, hẹp ở vùng đuôi phôi và phủ mặt lưng của nội bì. Bờ rìa của ngoại bì tiếp giáp với màng ối. Khi dây sống được hình thành xong sẽ kích thích phần ngoại bì ở phía trên làm cho ngoại bì dày lên thành một tấm. Tấm này phát triển rộng ở phần đầu và hẹp ở phần đuôi phôi, gọi là tấm thần kinh. Đây là nguồn gốc của toàn bộ hệ thần kinh về sau.
Đến cuối tuần thứ 3, tấm thần kinh lõm xuống phía trung bì ở đường giữa để tạo thành một rãnh hay máng gọi là rãnh thần kinh hay máng thần kinh. Các tế bào từ hai bên bờ rãnh tăng sinh và di chuyển sang hai bên và tách rời khỏi rãnh để tạo ra hai dải tế bào gọi là mào thần kinh. Hai bờ rãnh thần kinh sau đó từ từ tiến lại gần nhau và hoà nhập vào nhau ở đường giữa. Nơi bắt đầu hòa nhập là vị trí tương ứng với vùng cổ sau này, tức khoảng ngang đôi đốt nguyên thủy thứ tư của trung bì cận trục. Quá trình khép hai bờ rãnh thần kinh tiếp tục từ đây tiến dần về hai cực của phôi. Lúc này rãnh thần kinh trở thành một ống hở hai đầu, gọi là ống thần kinh.
Hai lỗ hở ở hai đầu được gọi là lỗ thần kinh trước và lỗ thần kinh sau tương ứng với vị trí của lỗ ở phần đầu và phần đuôi phôi. Hai lỗ thần kinh trước và sau sẽ đóng kín vào ngày thứ 25 và 27. Do tấm thần kinh ở phía đầu rộng nên khi lỗ thần kinh trước đóng kín sẽ tạo thành những túi não và về sau sẽ tiếp tục biệt hóa và phát triển để tạo ra não bộ, còn phía đuôi hẹp hơn nên sau khi đóng kín ống thần kinh ở vùng này sẽ tạo thành một ống hình trụ, gọi là ống tủy là nguồn gốc của tủy sống sau này.
Khi ống thần kinh đã hình thành xong cũng là lúc ống này bắt đầu tách ra khỏi ngoại bì ở bề mặt và nằm hẳn trong trung bì (và như vậy được ngăn cách với ngoại bì bởi trung bì). Phần mào thần kinh ở hai bên ống thần kinh thì lúc đầu tạm thời nhập vào nhau ở đường giữa, về sau sẽ tách nhau ra và di chuyển về hai bên ống thần kinh trải dài từ túi não cho đến đuôi phôi. Mào thần kinh là nguồn gốc của các hạch thần kinh tủy sống và thực vật, của các phó hạch, và của phần tủy của tuyến thượng thận,...
Phần ngoại bì không tham gia vào sự biệt hóa tạo ra tấm thần kinh sẽ biệt hóa thành ngoại bì da, nguồn gốc của biểu mô da và các phần phụ của da như lông, tóc, móng, tuyến mồ hôi, tuyến bã và tuyến vú. Ngoại bì còn là nguồn gốc của biểu mô giác quan như thính giác, khứu giác, võng mạc mắt; của biểu mô phủ phần trước khoang miệng, khoang mũi, các xoang và các tuyến phụ thuộc vào các biểu mô đó; của các biểu mô phủ các đoạn tận cùng của ống tiêu hóa, hệ tiết niệu và sinh dục.
2.2 Sự biệt hóa của lá thai giữa (trung bì)
Vào khoảng ngày thứ 17, các tế bào trung bì nằm sát trục giữa tăng sinh tạo ra một khối mô dày đặc gọi là trung bì cận trục. Phần trung bì ở phía ngoài trung bì cận trục và gần với bờ dĩa phôi thì mỏng hơn gọi là trung bì bên, đây cũng là phần trung bì trong phôi tiếp nối với trung bì ngoài phôi của màng ối và túi noãn hoàng đã được tạo ra từ trước. Phần trung bì nằm giữa trung bì cận trục và trung bì bên được gọi là trung bì trung gian.
Trung bì cận trục hình thành nên 2 cặp đốt nguyên thủy đầu tiên ở 2 bên ống thần kinh vào ngày thứ 20. Từ đó, mỗi ngày có 2 - 3 cặp đốt nguyên thủy được hình thành theo hướng đầu - đuôi phôi. Cứ như vậy tới cuối tuần thứ 5, có 42 - 44 đôi khúc nguyên thủy gồm: 4 đôi chẩm, 8 đôi cổ, 12 đôi lưng, 5 đôi thắt lưng, 5 đôi cùng, và 8 - 10 đôi cụt. Mỗi khúc nguyên thủy có dạng hình khối vuông rỗng gồm có 4 thành: thành trong hướng về phía ống thần kinh, thành lưng hướng về phía ngoại bì da, thành ngoài hướng về trung bì trung gian, và thành bụng hướng về nội bì.
Đến tuần thứ 4, những tế bào ở phần thành bụng và thành ngoài của đốt nguyên thủy rời khỏi đốt nguyên thủy để tạo ra trung mô là nguồn gốc của mô liên kết chính thức, mô sụn, mô xương, máu và các mạch máu. Thành trong quặt về phía bụng và áp vào thành lưng để cùng với thành lưng của đốt nguyên thủy tạo thành đốt da - cơ. Các tế bào ở mỗi đốt cơ (thuộc thành trong) lan về phía bụng để biệt hóa tạo ra cơ vân của đoạn thuộc cặp đốt tương ứng. Sau khi đốt cơ đã được tạo ra, các tế bào ở thành lưng của đốt nguyên thủy tạo nên đốt da, tách rời khỏi đốt cơ và phân tán ở ngay khu vực bên dưới ngoại bì da để sau đó biệt hóa tạo ra mô liên kết dưới da.
Trung bì trung gian được biệt hóa theo hướng khác với trung bì cận trục. Vùng cổ và vùng ngực trung bì trung gian tương lai sẽ tạo nên những khối tế bào cũng chia đốt gọi là đốt thận. Nhưng phần trung bì trung gian ở đuôi phôi lại tạo nên những dải mô không chia đốt gọi là dải sinh thận. Những đốt thận và dải sinh thận sẽ biệt hóa tạo nên hệ tiết niệu và một phần của hệ sinh dục. Trung bì trung gian còn là nguồn gốc của phần vỏ tuyến thượng thận.
Trung bì bên sẽ tách làm 2 lá: một lá dán vào ngoại bì và tiếp nối với trung bì màng ối, gọi là lá thành, một lá dán vào nội bì và tiếp nối với trung bì noãn hoàng ở rìa của dĩa phôi tạo nên lá tạng. Khoang ở giữa lá tạng và lá thành, gọi là khoang cơ thể, thông với khoang ngoài phôi ở bờ đĩa phôi. Khi phôi phát triển, khoang cơ thể sẽ được ngăn thành khoang màng phổi, khoang màng tim, khoang màng bụng.
Trong quá trình tạo phôi vị, một số tế bào của trung bì phát sinh từ đường nguyên thủy, sau 1 khi lan rộng ra hai bên ti tiến về phía đầu phôi phần phía trước màng họng, để tạo thành diện tim hay diện mạch. Vào khoảng giữa tuần thứ 3, ở diện mạch, các tế bào trung bì biệt hóa thành tế bào tạo máu và tạo mạch. Các tế bào này tập hợp thành từng đám hay dây tế bào bào gọi là những tiểu đảo tạo máu và tạo mạch. Ở mỗi đám, khoảng gian bào dần dần rộng ra và đẩy các tế bào xa nhau ra. Tế bào ở trung tâm của mỗi đám trở thành hình cầu và biệt hóa thành tế bào máu nguyên thủy. Còn các tế bào ở ngoại vi trở nên dẹt và biệt hóa thành tế bào nội mô mạch máu. Như vậy mỗi tiểu đảo tạo máu và tạo mạch sẽ tạo ra một ống nội mô chứa đầy tế bào máu nguyên thủy. Về sau do sự phát triển của tế bào nội mô, những ống nội mô lân cận thông thương với nhau, tạo ra một hệ thống mạch máu chứa tế bào máu. Tương tự như vậy, những tế bào máu nguyên thủy và mao mạch máu cũng được tạo ra đồng thời trong trung mô ngoài phôi của cuống phôi, của màng đệm, của các nhung mao màng đệm và của thành của túi noãn hoàng. Rồi sau đó mạch máu ngoài phôi sẽ tiếp nối với hệ thống mạch trong phôi.
Tim và các mạch máu lớn được tạo ra từ diện mạch, lúc ban đầu cũng là những ống nội mô. Về sau do mô liên kết và mô cơ, được biệt hóa từ trung bì, đắp thêm vào mặt ngoài của ống nội mô để tạo nên thành của tim và của các mạch máu.
2.3 Sự biệt hóa của lá thai trong (nội bì)
Sau giai đoạn phôi vị, nội bì là một phần của thành túi noãn hoàng và tiếp giáp với nội bì noãn hoàng ở bờ của đĩa phôi. Ở mặt lưng, nội bì tiếp xúc với trung bì, ngoại trừ hai vị trí là màng hầu và màng nhớp. Nội bì phát triển và biệt hóa cho ra:
- Biểu mô phủ tai giữa, các xoang mặt và vòi Eustache.
- Biểu mô tuyến của tuyến giáp, cận giáp và tuyến ức.
- Biểu mô phủ và biểu mô tuyến của đường hô hấp từ họng đến phế nang.
- Biểu mô phủ ống tiêu hóa, trừ biểu mô khoang miệng và đoạn thấp của ống hậu môn.
- Biểu mô tuyến của các tuyến thuộc thành của của các đoạn ống tiêu hóa như tuyến thực quản, tâm vị, môn vị, đáy vị, tuyến Lieberkuhn, Brunner; và các tuyến nằm ngoài đường tiêu hóa như gan, tụy, tuyến nước bọt trừ tuyến mang tai.
- Biểu mô phủ bàng quang, một phần âm đạo, toàn bộ niệu đạo ở nữ nhưng chỉ một phần niệu đạo ở nam, trừ đoạn niệu đạo dương vật.
3 Sự khép mình của phôi
Phôi khép mình do sự tăng trưởng của các phần khác nhau:
Cuối tuần thứ 3, phôi vẫn còn là đĩa phôi ba lá hình bầu dục và dẹp. Sang tuần thứ 4, đĩa phôi tăng trưởng nhanh, nhất là chiều dài và khép mình lại do sự tăng trưởng không đồng bộ của các cấu trúc trong và ngoài phôi: đĩa phôi và túi ối tăng trưởng nhanh nhưng túi noãn hoàng thì hầu như không to thêm.
Sự phát triển mạnh theo chiều dài của ống thần kinh làm cho phôi cong lên thành hình chữ C. Đặc biệt là ở vùng đầu phôi, các túi não phát triển mạnh và nở to ra làm cho đầu phôi gập về phía bụng. Do vậy, diện tim lúc đầu nằm ở phía trước màng hầu, khi đầu phôi gập vào sẽ làm cho diện tim nằm ở phía sau màng hầu và màng này cũng bị xoay một góc 180° quanh trục vuông góc với trục giữa của phôi. Đồng thời sự cong lên của đuôi phôi về phía bụng đã đưa cuống phôi có chứa niệu nang về phía túi noãn hoàng đang bị thu hẹp vào thân phôi.
Ở hai bên ống thần kinh, các đốt nguyên thủy của trung bì cận trục cũng phát triển mạnh cùng với sự phát triển của buồng ối làm cho phôi gấp lại ở hai bên sườn nhờ trục là ống thần kinh, dây nguyên sống, và các đốt nguyên thủy. Các bờ 2 bên dĩa phôi khép lại ở phía bụng cùng với sự khép lại theo hướng đầu đuôi nêu trên làm cho túi noãn hoàng bị thu hẹp lại thành một ống hẹp, gọi là ống noãn hoàng. Tại vị trí đầu phôi, hai bờ rìa của phôi khép lại và dính lại, cứ như vậy hai bờ rìa của phôi tiếp tục khép dần xuống phía rốn. Khi các bờ này dính lại với nhau thì ngoại bì, trung bì và nội bì của 2 bên cũng nối với nhau tương ứng. Kết quả này làm cho phôi trở thành một ống gồm ba lớp: lớp ngoài là ngoại bì bao bọc mặt ngoài toàn bộ phôi, ngoại trừ vùng rốn nơi có túi noãn hoàng và cuống phôi; trung bì và nội bì.
Nội bì khép lại tạo nên ruột nguyên thủy là ống ruột kín gồm ruột trước và ruột sau do sự khép lại của phôi ở vùng đầu, đuôi và hai bên. Lúc đầu ở khu vực giữa hở rộng do thông thương với túi noãn hoàng. Về sau khi hai mép nội bì ở đoạn này dần dần khép lại sẽ làm cho đoạn ruột ở đây trở thành dạng ống thông thương với túi noãn hoàng qua ống noãn hoàng mà thôi. Đầu trên của ống ruột có màng hầu sẽ trở thành miệng vào khoảng tuần thứ 4, còn đầu dưới của ống ruột có màng nhớp sẽ tạo nên hậu môn và lỗ tiểu trong tuần thứ 7.
Khi cuống phôi bị đưa về phía túi noãn hoàng thì trung bì cuống phôi sáp nhập vào trung bì noãn hoàng và bao quanh ống noãn hoàng. Cuống phôi và ống noãn hoàng tạo thành dây rốn nối phôi với nhau và được bao bọc bên ngoài là màng ối. Nơi dậy rốn dính vào phôi gọi là rốn phôi.
Buồng ối tiếp tục phát triển rộng ra và chứa đựng toàn bộ phôi.
4 Sự phát triển của phần phụ
4.1 Nhau thai
4.1.1 Sự phát triển của nguyên bào nuôi (Trophoblast)
Một trong những đặc điểm đặc trưng nhất của quá trình phát triển phôi thai người là mối quan hệ mật thiết giữa phôi và mẹ. Để tồn tại và phát triển trong tử cung, phôi thai phải duy trì một mối quan hệ ký sinh cơ bản với cơ thể của người mẹ để thu nhận oxy và chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Nó cũng phải tránh bị hệ thống miễn dịch của vật chủ mẹ đào thải như một vật thể lạ. Những yêu cầu chính xác này được đáp ứng bởi nhau thai và các màng ngoài tế bào máu bao quanh phôi và đóng vai trò là giao diện giữa phôi và mẹ.
Bắt đầu tháng thứ 2, nguyên bào nuôi hình thành nhiều lông nhau cấp 2 và cấp 3 tỏa ra xung quanh. Lông nhau bám kéo dài từ trung mô của đĩa đệm đến lớp màng rụng đáy (cytotrophoblast shell). Bề mặt của lông nhau được cấu thành bởi lớp lá nuôi hợp bào tựa lên lớp lá nuôi tế bào rồi đến mô liên kết lõi gai nhau của trung mô mạch máu. Sự phát triển hệ thống mao mạch trong lõi của lông nhau bám diễn ra nhanh chóng rồi thông với mao mạch của đĩa đệm và cuống phôi (connecting stalk), tăng mạch máu ngoài phôi.
Máu của mẹ được phân phối vào bánh nhau bởi các động mạch xoắn trong tử cung các động mạch này đổ máu trực tiếp vào hồ máu được lót bên trong bởi lớp lá nuôi hợp bào. Những tế bào này, xuất phát từ đầu tận của lông nhau bám, xâm nhập vào đầu tận của động mạch xoắn, và thay thế những tế bào nội mô trong lòng mạch máu của mẹ, tạo nên những mạch ghép có cả những tế bào của mẹ và con. Để làm được điều này, nguyên bào nuôi di chuyển qua biểu mô để chuyển thành nội mô. Sự xâm nhập của nguyên bào nuôi vào trong động mạch xoắn đã làm chuyển dạng những mạch máu này từ đường kính nhỏ có trở kháng cao thành đường kính lớn và có sức đề kháng thấp làm tăng lưu lượng máu đổ vào các khoảng trống quanh lông nhau.
Trong suốt những tháng tiếp theo, các lông nhau ngày càng phát triển chia nhánh nhiều hơn tạo ra nhiều lông nhau tự do tủa vào trong hồ máu. Ban đầu, lông nhau tự do mới được hình thành có cấu tạo đơn giản, nhưng bắt đầu tháng thứ 4, nguyên bào nuôi và một vài tế bào mô liên kết thoái hóa. Thành hợp bào nuôi và nội mô của mạch máu là lớp ngăn cách chủ yếu giữa tuần hoàn mẹ và con. Dần dần lớp hợp bào nuôi rất mỏng và có những phần chứa một vài nhân lớn vỡ ra rơi vào trong hồ máu quanh các lông nhau. Những mảnh vụn này, được biết như nút hợp bào, có thể đi vào vòng tuần hoàn mẹ và thường thoái hóa, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì cho mẹ.
Sự phát triển đĩa đệm và màng rụng đáy (chorion frondosum and decidua basalis) Trong những tuần đầu của thai kỳ, lông nhau có ở toàn bộ bề mặt của lớp đệm. Khi thai lớn lên, lông nhau phát triển vượt trội ở cực phôi, đĩa đệm phát triển giống hình cây có nhiều nhánh (bush chorion). Lông nhau cực đối phôi thoái hóa ở tháng thứ 3 làm cho lá đệm ở phía này nhẵn (màng đệm nhẵn).
Khác biệt giữa cực phôi và cực đối phôi của màng đệm là cấu trúc của màng rụng chính là lớp chức năng của nội mạc tử cung, nó được bong ra trong suốt thời kỳ sinh sản sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Màng rụng phủ đĩa đệm cực phôi là màng rụng đáy, gồm lớp đặc với những tế bào lớn, những tế bào màng rụng dự trữ 1 lượng lớn lipid và glycogen. Lớp này, đĩa màng rụng liên kết chặt với lớp đệm. Lớp màng rụng phủ cực đổi phôi là màng rụng bao. Với sự phát triển của túi đệm, lớp này trở nên căng ra. Rồi sau đó, nó dính sát vào màng rụng thành ở cực đối phôi, xóa đi khoang tử cung. Vì vậy, bánh nhau được hình thành từ đĩa đệm cực phôi và màng rụng đáy. Còn màng ối và màng đệm hình thành màng nhau (amniochorionic membrane) xóa đi khoang đệm.
Khi thai tiếp tục phát triển và lớn lên trong tử cung, bánh nhau cũng lớn lên, làm tăng sự gồ ghề của bề mặt và trải rộng hơn trong tử cung. Một thai kỳ đủ tháng bánh nhau có thể chiếm từ 15 - 30% diện tích bề mặt trong lòng tử cung. Sự tăng bề dày của nhau là kết quả của sự phát triển cây lông nhau nhưng không ăn sâu vào mô mẹ.
4.1.2 Hoạt động chức năng nhau thai
Sự vận chuyển các chất từ thai nhi sang máu mẹ phải diễn ra qua lớp nội mạc mạch mẫu thai nhi, lớp nền và các mô tế bào nuôi dưỡng trước khi đến máu mẹ. Sự chuyển giao các chất được thực hiện theo cơ chế thụ động và chủ động. Ngoài các chất thông thường, rượu, một số loại thuốc và một số tác nhân lây nhiễm có thể đi từ máu mẹ vào hệ tuần hoàn của thai nhi và cản trở sự phát triển bình thường. Nếu thai nhi có Rh dương trong khi mẹ âm tính với Rh, các kháng thể chống Rh của mẹ từ lần mang thai trước có thể truyền sang thai nhi gây ra hiện tượng tan máu thai nhi.
Nhau thai sản xuất nhiều loại hormone, thường được tổng hợp ở vùng dưới đồi và tuyến yên trước. Hormone đầu tiên được tiết ra là hCG, là cơ sở của xét nghiệm mang thai. Các hormone nhau thai khác là somatomammotropin màng đệm (lactogen nhau thai người), hormon steroid, hormone tăng trưởng nhau thai người, thyrotropin màng đệm và corticotropin.
Các mô của bào thai và nhau thai khác nhau về mặt miễn dịch học của người mẹ, nhưng nhau thai và thai nhi không bị loại bỏ về mặt miễn dịch học. Nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ, nhưng một số giải thích liên quan đến việc giảm tính kháng nguyên của các mô tế bào sinh dưỡng, hệ thống miễn dịch của người mẹ bị tê liệt trong thời kỳ mang thai và các rào cản miễn dịch địa phương giữa thai nhi và mẹ.
4.1.3 Màng ối, nước ối và dây rốn
Vào tuần thứ 5, các cấu trúc đi theo cuống phôi nguyên thủy bao gồm: (a) ống mô liên kết, chứa đựng niệu nang và mạch rốn gồm 2 động mạch và 1 tĩnh mạch; (b) ống noãn hoàng (Vitelline duct), kèm theo mạch máu của noãn hoàng; (c) kênh liên kết trong phôi và khoang ngoài phôi là khoảng giữa màng ối và đĩa đệm. Mặc dù hàng rào nhau thai như một cơ chế bảo vệ chống lại các yếu tố gây hại, nhưng nhiều loại virus - chẳng hạn như rubella, cytomegalovirus, coxsackie, variola, varicella, virus sởi, và bệnh bại liệt có thể đi qua nhau thai mà không gặp khó khăn. Điều này làm tăng nguy cơ thai chết hoặc mắc dị tật bẩm sinh.
Trong suốt thời kỳ phát triển, khoang ối lớn lên nhanh chóng làm hẹp dần khoang đệm và khoang ối bắt đầu bao lấy cuống phôi nguyên thủy, sau đó phát triển thành dây rốn nguyên thủy. Phần xa phôi, dây rốn chứa đựng ống túi noãn hoàng và các mạch máu rốn. Đoạn gần, nó chứa một vài quai ruột và vết tích của niệu nang. Túi noãn hoàng được tìm thấy trong khoang ối được liên kết với dây rốn bởi ống túi noãn hoàng. Kết thúc tháng thứ 3, màng ối được mở rộng đến tiếp xúc với màng đệm, xóa đi khoang đệm, túi noãn hoàng co lại và tiêu biến từ từ.
Khoang bụng tạm thời quá nhỏ so với sự phát triển nhanh của quai ruột nên một số chúng bị đẩy ra khoảng ngoài phôi trong dây rốn. Những quai ruột bị đẩy ra gây thoát vị rốn sinh lý. Gần kết thúc tháng thứ 3, quai ruột rút vào trong mình phôi, và khoang trong dây rốn bị tiêu biến. Có một chất nền bao quanh các mạch máu của dây rốn được gọi là thạch Wharton, mô này rất giàu proteoglycan có nhiệm vụ bảo vệ các lớp mạch rốn. Thành của động mạch có cơ, chứa nhiều sợi chun có khả năng co dãn tốt khi dây rốn co dãn.
Khoang ối được lấp đầy bởi dịch lỏng và sạch được sản xuất ra bởi những tế bào màng ối, nguyên liệu được lấy từ máu mẹ. Lượng nước ối tăng từ 30ml (tuần 10) đến 450 ml (tuần 20) và đến 800 - 1000ml (tuần 37). Trong suốt những tháng đầu của thai kỳ, phôi treo lơ lửng bởi dây rốn của nó trong nước ối, có vai trò bảo vệ phôi: (a) giảm sóc (b) ngăn không cho sự kết dính của phôi với màng ối, và (c) cho phép thai cử động dễ dàng. Thể tích nước ối được thay đổi mỗi 3 giờ.
Từ đầu tháng thứ 5, thai nhi nuốt nước ối khoảng 400 ml/ngày. Nước tiểu của thai cũng được thêm vào trong nước ối ở tháng thứ 5, khi bánh nhau có chức năng sẽ đào thải được những chất chuyển hóa. Trong suốt quá trình chuyển dạ, nước ối hình thành đầu ối giúp cổ tử cung xóa mở.