Polyp túi mật: yếu tố nguy cơ, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Mặc dù Polyp túi mật là bệnh khá hiếm, tuy nhiên căn bệnh này lại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người bệnh. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về bệnh Polyp túi mật qua bài viết sau đây.
1 Polyp túi mật là gì?
1.1 Định nghĩa
Túi mật là nơi dự trữ mật, có nhiều vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn của con người, đặc biệt là tiêu hóa thức ăn chứa lipid. Polyp túi mật hay nói một cách dễ hiểu đó là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là những tổn thương xảy tại niêm mạc túi mật, tổn thương đó có thể tồn tại dạng u hoặc giả u.
Tỷ lệ mắc polyp túi mật là 4,3 - 6,9 %. Tỷ lệ mắc polyp túi mật ít hơn so với sỏi túi mật. Thông thường độ tuổi trung bình của những bệnh nhân bị bệnh polyp túi mật khoảng 49 tuổi. Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, tuy nhiên, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ (nam/nữ khoảng 1,15/1). [1]
Các polyp túi mật có kích thước và số lượng khác nhau giữa các bệnh nhân. Kích thước thường thấy của các polyp túi mật dưới 10 mm, tuy nhiên có người lại lên đến 20-40 mm, thậm chí lại kèm cả sỏi mật.
Polyp túi mật có những trường hợp lành tính và cũng có những trường hợp ác tính. Nhìn chung, các polyp túi mật là lành tính chiếm đến 92% các trường hợp, có khoảng 8% còn lại là phát triển thành ác tính.
1.2 Các dạng polyp túi mật
Polyp túi mật được phân loại là lành tính hoặc ác tính.
- Lành tính có nghĩa là polyp không phải là ung thư hoặc không có hại.
- Ác tính có nghĩa là nó là ung thư.
Các dạng polyp túi mật có thể là:
- Cholesterolosis và giả tạo máu.
- Polyp viêm.
- Polyp dị dạng.
- Polyp ác tính.
- Adenomyomatosis. [2]
1.3 Polyp túi mật có tự hết không?
Hầu như bệnh không tự hết. Một số trường hợp cần cắt bỏ, một số loại polyp lành tính có thể chung sống mà không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
2 Nguyên nhân gây bệnh polyp túi mật
Các yếu tố nguy cơ của sự hình thành polyp túi mật bao gồm:
Quá trình chuyển hóa chất béo như mỡ máu cao, béo phì.
Thói quen ăn uống không điều độ, ăn uống không lành mạnh...
Tiền sử gia đình.
Hội chứng polyp bẩm sinh như hội chứng Peutz-Jeghers và Gardner.
Viêm gan B mãn tính.
Tuổi (trên 60 tuổi).
Sỏi mật, viêm đường mật xơ cứng. [3]
3 Triệu chứng của polyp túi mật
3.1 Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng của polyp túi mật không rõ ràng, dường như không có triệu chứng gì nổi bật, bệnh nhân hầu như chỉ phát hiện bệnh khi đi siêu âm. Các triệu chứng chỉ xuất hiện trên lâm sàng khi polyp gây nên các rối loạn bài tiết, bài xuất mật hoặc kèm theo sỏi túi mật, viêm túi mật:
Polyp túi mật có ảnh hưởng gì không? Gần 80 % các trường hợp có đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc đau vùngthượng vị, các cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn.
Có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
Toàn thân: Bệnh nhân thường không có sốt và không có dấu hiệu tắc mật.
Khi thăm khám, đa số bệnh nhân không có các dấu hiệu bất thường, chỉ đau tức nhẹ khi ấn vùng hạ sườn phải.
3.2 Triệu chứng cận lâm sàng
Siêu âm ổ bụng: Đây là phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao (chính xác lên đến 90%) trong chẩn đoán các bệnh lý về túi mật như sỏi mật, polyp túi mật. Siêu âm giúp chẩn đoán phân biệt polyp với sỏi, giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng cảu polyp. Ngoài ra phương pháp này còn giúp theo dõi diễn biến của bệnh, theo dõi được chức năng và các bất thường ở gan.
Trên hình ảnh siêu âm, có đến 95% trường hợp polyp túi mật có hình tăng âm, không có bóng cản như đối với sỏi túi mật, đồng thời không di động khi thay đổi tư thế.
Một số phương pháp khác được sử dụng như chụp đường mật cản quang qua đường uống, chụp đường mật ngược dòng qua nội soi, chụp MRI, chụp cắt lớp,..
4 Điều trị Polyp túi mật
4.1 Điều trị tại viện
Phần lớn polyp túi mật là lành tính, do đó không cần thiết phải cắt bỏ, hoàn toàn có thể sống chúng với nó, bởi vì vai trò của nó vô cùng quan trong. Can thiệp cắt bỏ chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ điều trị với các trường hợp như: Kích thước polyp lớn, phát triển nhanh hoặc có nhiều polyp để giảm thiểu tối đa nguy cơ chuyển biến ác tính hoặc trên hình ảnh siêu âm phát hiện thấy tính chất ác tính cảu polyp như chân lan rộng, phát triển nhanh, hình không đều đặn.
Sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật nội soi, một phương pháp phẫu thuật hiện đại ít xâm lấn, nhanh hồi phục và tỷ lệ thành công cao, đây được coi là tiêu chuẩn vàng để cắt túi mật polyp.
4.2 Khắc phục tại nhà
Mặc dù các phương pháp điều trị tự nhiên không chữa khỏi tuy nhiên có thể giảm mức độ khó chịu của người bệnh. Các biện pháp như:
- Chườm ấm bụng.
- Uống nước ép lê hoặc ăn lê.
- Uống dầu ô liu chưa tinh chế khi bụng đói.
- Uống nước củ cải đường hoặc ăn củ cải đường. [4]
5 Phòng bệnh Polyp túi mật
Phòng ngừa tự nhiên để giúp giảm polyp túi mật, bao gồm:
- Tránh thức ăn chiên hoặc béo.
- Tránh thực phẩm giàu cholesterol và thực phẩm làm sẵn.
- Tránh các sản phẩm sữa đầy đủ chất béo.
- Tránh đồ uống có ga.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả.
- Tăng lượng axit béo omega-3.
- Tăng lượng Gừng và nghệ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Åke Andrén-Sandberg, Diagnosis and Management of Gallbladder Polyps, NCBI. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Melinda Ratini (Ngày đăng 25 tháng 5 năm 2021). What to Know About Gallbladder Polyps, WebMD. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Jessica Caporuscio, (Ngày đăng 28 11 năm 2021). What to know about gallbladder polyps, Medical News Today. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Scott Frothingham (Ngày đăng 5 tháng 4 năm 2018). Gallbladder Polyps, Healthline. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021