Phương pháp giáo dục Montessori là gì? Giáo dục montessori tại nhà cho trẻ
Trungtamthuoc.com - Trái ngược với mục tiêu của hầu hết các môi trường giáo dục là giúp học sinh đạt thành tích tối đa trong một số môn học nhất định, phương pháp Montessori tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển tối ưu về trí tuệ, thể chất, cảm xúc và xã hội của trẻ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về phương pháp giáo dục Montessori
1 Chương trình dạy học Montessori là gì?
Phương pháp Montessori là phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đề cao việc thực hành trong quá trình học tập, tôn trọng tính độc lập và sự phát triển tâm lý theo hướng tự nhiên ở trẻ. [1]
Phương pháp giáo dục Montessori sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu cá nhân của từng trẻ. Trẻ em được khuyến khích học hỏi bằng cách đưa ra những lựa chọn và khám phá hậu quả của hành động của mình. Giáo viên quan sát từng học sinh và tạo ra một kế hoạch học tập cá nhân hóa kết hợp các điểm mạnh, sở thích và khả năng của các em. Mục đích là giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống như tính độc lập, tính tự giác, giải quyết vấn đề và tự điều chỉnh.
2 Nguyên tắc của phương pháp giáo dục Montessori
2.1 Tôn trọng trẻ
Phương pháp giáo dục Montessori tin vào giá trị và tiềm năng của mỗi đứa trẻ. Tôn trọng trẻ em với tư cách cá nhân, mỗi trẻ có tốc độ phát triển và phong cách học tập riêng biệt, không giống nhau.
2.2 Khả năng tiếp thu kiến thức
Nguyên tắc này đề cập đến khả năng tiếp thu kiến thức từ môi trường xung quanh một cách dễ dàng của trẻ. Phương pháp Montessori cho rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, có khả năng tiếp thu thông tin một cách đáng kể và khả năng này giảm dần khi chúng lớn lên.
2.3 Môi trường giáo dục với đầy đủ giáo cụ
Các lớp học theo phương pháp Montessori được thiết kế chu đáo và cẩn thận để thúc đẩy sự khám phá, tính độc lập và học tập của trẻ. Ngoài ra, các lớp học này cũng được trang bị các tài liệu học tập cụ thể được thiết kế cẩn thận để kích thích các giác quan của trẻ và tạo điều kiện thúc đẩy sự hiểu biết ở trẻ.
2.4 Tự lập trong học tập
Giáo án Montessori đề cao tính tự lập ở trẻ do đó, các giáo viên trong lớp học của Montessori sẽ đóng vai trò là những người đồng hành bồi dưỡng tính tự chủ và chủ động của trẻ.
Trẻ được chủ động tìm tòi những kiến thức mới, nhận thức được sai lầm và sửa sai, kích thích tính tò mò của trẻ.
3 Nội dung của phương pháp giáo dục Montessori
3.1 Ngôn ngữ
Phương pháp giáo dục Montessori đặc biệt chú trọng đến sự phát triển về ngôn ngữ ở trẻ bao gồm cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Ở mỗi kỹ năng, các bài học đều được thiết kế để trẻ dễ hiểu và dễ thực hành nhất. Nội dung này thường có liên kết với nội dung cảm quan, giúp trẻ sử dụng được cả 5 giác quan để học tập hiệu quả hơn.
3.2 Toán học
Phương pháp giáo dục Montessori thường được thiết kế với nhiều hoạt động liên quan đến những con số để cho trẻ làm quen với toán học, kích thích sự phát triển não bộ của con.
3.3 Văn hóa
Montessori cũng cung cấp các bài học để cho trẻ được tiếp cận và làm quen dần với các kiến thức về văn hóa bao gồm lịch sử, khoa học, địa chỉ, nghệ thuật bằng việc sử dụng những giáo cụ (tranh ảnh, băng hình,...) để trẻ mở rộng được sự hiểu biết, kích thích khả năng ghi nhớ.
4 Đặc trưng của phương pháp Montessori
4.1 Tôn trọng trẻ em như những cá thể độc đáo
Cốt lõi của phương pháp Montessori đó là tôn trọng trẻ em với tư cách là những cá thể với khả năng riêng biệt, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện cả về mặt xã hội, cảm xúc, thể chất và nhận thức.
4.2 Chia thành các giai đoạn phát triển chính
Montessori là một phương pháp giáo dục khoa học tập trung vào các giai đoạn phát triển quan trọng mà tất cả trẻ em đều phải trải qua trên quãng đường trưởng thành. Trong mỗi giai đoạn, trẻ em sẽ được học tập các kỹ năng và hoạt động khác nhau nhằm giúp trẻ đạt được cột mốc phát triển tiếp theo. Phương pháp giảng dạy Montessori với việc xây dựng cấu trúc lớp học và tài liệu học tập đã được thử nghiệm, cải tiến, đánh giá và chứng minh ở các nhóm tuổi, quốc gia và nền văn hóa để hỗ trợ và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển toàn diện của trẻ.
4.3 Bồi dưỡng tính tự lập
Bồi dưỡng tính độc lập, khuyến khích học sinh phát huy tiềm năng của bản thân theo tốc độ riêng của mình.
4.4 Tạo ra nhiều phong cách học tập đa dạng
Phương pháp Montessori tạo ra nhiều môi trường và hoạt động khác nhau để thu hút sở thích của từng đứa trẻ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của mỗi đứa trẻ, đồng thời giúp học sinh phát triển các chiến lược tư duy linh hoạt hơn. [2]
4.5 Cải thiện kỹ năng xã hội
Trong phương pháp Montessori, giáo viên đóng vai trò là người tham gia hợp tác trong quá trình học tập, khuyến khích trẻ hình thành thói quen độc lập, tự do trong khuôn khổ để giúp trẻ có môi trường khám phá bản thân.
Trong lớp học Montessori, trẻ em được chia thành các nhóm ở các độ tuổi khác nhau và được khuyến khích hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Cấu trúc môi trường học tập này giúp trẻ chia sẻ và hợp tác làm việc để khám phá các lĩnh vực khác nhau của chương trình giảng dạy Montessori. Dựa trên tính chất của môi trường lớp học, trẻ học cách tôn trọng lẫn nhau, phát triển kỹ năng hợp tác giải quyết vấn đề và xây dựng ý thức cộng đồng.
4.6 Xây dựng được môi trường học tập vững mạnh
Môi trường giáo dục Montessori bao gồm học sinh, giáo viên và phụ huynh. Mục tiêu là tạo ra môi trường thân thiện, giúp đỡ trẻ phát triển toàn diện, cung cấp các phương pháp học tập đa cấp độ, hình thành mối liên kết giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh, giữa học sinh và học sinh. Phương pháp này giúp trẻ tự định hướng việc học của mình giúp trẻ học tập một cách thú vị và phát triển niềm đam mê học tập, cùng với tính tự giác, tính độc lập và lòng tự trọng tích cực.
5 Lợi ích của phương pháp Montessori
5.1 Giúp trẻ học tập theo khả năng của bản thân
Thay vì cho trẻ học tập theo phương pháp truyền thống, Montessori cho trẻ tiếp cận với kiến thức mới theo khả năng của bản thân, mỗi trẻ đều được thiết kế một phương pháp giáo dục cá nhân hóa. Các hoạt động thực hành và kiến thức được thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập và khả năng của con.
5.2 Học đi đôi với hành
Phương pháp Montessori được xây dựng để trẻ vừa có thể học tập vừa có thể vui chơi bằng cách sử dụng các giáo cụ và vật liệu giúp kích thích sự phát triển các giác quan của trẻ. Học tập thông qua các hoạt động thực tế kích thích tính tò mò tự nhiên, khả năng tự giáo dục của con.
5.3 Giúp trẻ phát triển các kỹ năng của bản thân
Phương pháp Montessori dạy học theo nhóm tuổi. Trẻ được tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa ở cùng một giai đoạn phát triển. Môi trường này thúc đẩy sự phát triển xã hội của những trẻ nhỏ hơn, giúp trẻ lớn hơn phát huy được khả năng hướng dẫn, lãnh đạo, củng cố sự tự tin.
5.4 Tự do trong giới hạn
Môi trường Montessori được xây dựng để hỗ trợ sự phát triển tự nhiên và động lực học tập của trẻ. Trẻ em được khuyến khích chủ động tìm tòi, tiếp thu những kiến thức mới. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những quy định riêng, giúp trẻ học được tính tự giác, tự chủ và tập trung trong khuôn khổ cho phép.
5.5 Nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập
Thông qua việc sử dụng giáo cụ trực quan, cho trẻ học tập đi đôi với thực hành mà xây dựng được niềm yêu thích, hứng thú với học tập của con giúp duy trì tính tò mò đối với thế giới xung quanh khi trẻ lớn hơn.
6 Nhược điểm của việc dạy con theo Montessori
6.1 Chi phí cao
Đối với các trường áp dụng phương pháp Montessori, chương trình giáo dục thường tốn nhiều chi phí do chuẩn bị tài liệu, giáo cụ, đồ chơi, đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình học cho từng độ tuổi mà không phải cha mẹ nào cũng đủ điều kiện cho con theo học.
6.2 Sự tương tác giữa các cá nhân trong được chú trọng
Phương pháp Montessori giúp trẻ phát triển ý thức và tính độc lập trong công việc tốt. Tuy nhiên, phương pháp này lại không đề cao sự tương tác giữa các cá nhân, giữa các nhóm trẻ với nhau. Đây là hạn chế của phương pháp Montessori vì sẽ gây khó khăn cho trẻ nếu phải làm việc theo nhóm hoặc làm việc dưới quyền hạn của một cá nhân khác.
6.3 Trí tưởng tượng của trẻ bị hạn chế
Trong môi trường giảng dạy Montessori, trẻ chủ yếu được học tập thông qua việc tiếp xúc với các giáo cụ và chương trình học được xây dựng dựa trên năng lực sẵn có của con do đó thiếu đi yếu tố sáng tạo trong quá trình con học tập và phát triển. Để khắc phục nhược điểm này, ngoài giờ học theo phương pháp Montessori, trẻ cần được trải nghiệm, tham gia các hoạt động nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình.
7 Các lĩnh vực trong phương pháp Montessori cho trẻ từ 0-6 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ nhỏ thường tiếp nhận thông tin một cách thụ động, thông qua những gì con nhìn thấy, do đó, trong giai đoạn này, trẻ cần được khuyến khích tự mình khám phá để học hỏi từ mọi thứ và mọi người xung quanh, tiếp thu mọi khía cạnh của môi trường, ngôn ngữ và văn hóa.
Giai đoạn học tập này diễn ra tự nhiên hoặc không cần nỗ lực vì trẻ tiếp thu một cách thụ động mọi thứ chúng nhìn, nghe và chạm vào. Thông qua việc bắt chước và thực hành, trẻ học và phát triển các kỹ năng cơ bản.
7.1 Thực hành cuộc sống
Đối với giai đoạn này, nhiều cha mẹ có tư tưởng do con còn bé nên muốn hỗ trợ hoặc làm thay con tất cả những sinh hoạt hàng ngày do đó hình thành thói quen ỷ lại ở trẻ.
Phương pháp Montessori chú trọng đến lĩnh vực thực hành cuộc sống ở trẻ từ 0-6 tuổi. Giai đoạn này, trẻ sẽ được tiếp cận và thực hành làm những việc cơ bản để phục vụ nhu cầu của bản thân.
Trong giáo án thực hành cuộc sống, phương pháp Montessori tập trung để trẻ hình thành tính tự lập thông qua việc tự làm các sinh hoạt như đánh răng, thu gọn đồ chơi, sắp xếp quần áo,...
7.2 Phát triển khả năng vận động
Để con có nhiều không gian di chuyển nhưng phải đảm bảo an toàn.
Cho con mặc quần áo rộng rãi để con tham gia được nhiều hoạt động nhất có thể.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hoạt động ngoài trời, phải triển khả năng phối hợp và giữ thăng bằng.
7.3 Phát triển ngôn ngữ
Trong những tháng đầu đời, trẻ bắt đầu bị chú ý bởi những âm thanh xung quanh, do đó, cha mẹ nên để con tiếp xúc với ngôn ngữ nhiều nhất có thể, dành nhiều thời gian giao tiếp với trẻ.
Đối với trẻ lớn hơn (khoảng 2 tuổi), đây là thời gian con phát triển mạnh mẽ khả năng giao tiếp, thu thập vốn từ ngữ, do đó, cha mẹ nên tăng cường trò chuyện với con, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực khi có trẻ bên cạnh, cha mẹ có thể đọc sách mỗi ngày cho con nghe
7.4 Phát triển giác quan
Ở giai đoạn này, trẻ học tập chủ yếu thông qua các giác quan, luôn muốn khám phá đồ vật và thế giới thông qua thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác,...
Cha mẹ nên để cho trẻ có thời gian, không gian để khám phá những thứ xung quanh, điều quan trọng là chuẩn bị môi trường để con có thể khám phá một cách an toàn và độc lập.
7.5 Tương tác với xã hội
Ở giai đoạn từ 2-6 tuổi, trẻ thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh ngoài cha mẹ, do đó, mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với nhiều người để xây dựng được sự tự tin.
8 Áp dụng chương trình Montessori cho trẻ 0-6 tuổi như thế nào?
Ngay từ giai đoạn sơ sinh, cha mẹ đã có thể giáo dục Montessori tại nhà cho trẻ nhằm thúc đẩy khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để áp dụng, cha mẹ có thể chia nhỏ giai đoạn phát triển của con:
Giai đoạn | Các yếu tố cần xây dựng |
0-12 tháng | Đây là giai đoạn đầu đời, trẻ tiếp thu kiến thức một cách thụ động, do đó cha mẹ cần: Xây dựng môi trường yên tĩnh, có thể để con tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên. Lựa chọn đồ chơi bằng các vật liệu an toàn với sức khỏe, thiết kế mềm mại, không gây nguy hiểm. Có thể kích thích khứu giác của con bằng việc cho con tiếp xúc với những mùi hương dễ chịu, an toàn. Kích thích thính giác thông qua việc trò chuyện hàng ngày, mở nhạc với âm lượng vừa phải. |
1-2 tuổi | Giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu vận động nhiều hơn, do đó cha mẹ cần: Xây dựng môi trường vui chơi, lựa chọn và sắp xếp các vật dụng an toàn để con có thể phát triển khả năng vận động. Cha mẹ chỉ hỗ trợ khi con thực sự gặp khó khăn, liên tục động viên để con tự đứng lên khi vấp ngã. Đồ chơi: Mẹ có thể làm đồ chơi montessori để làm giáo cụ montessori cho trẻ dưới 1 tuổi. Giao tiếp: Thường xuyên trò chuyện, dạy trẻ nói những từ cơ bản, khuyến khích bé sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Để con tự do trải nghiệm mọi thứ để thỏa mãn khả năng học tập, tìm tòi những thứ mới mẻ của con. |
2-3 tuổi | Đây là thời kỳ để con rèn luyện tính tự lập, cha mẹ cần xây dựng được các yếu tố: Môi trường: Tạo môi trường an toàn để con tự do khám phá và trải nghiệm. Xây dựng phòng ngủ riêng cho con, cho con học cách tự đánh răng, tự sắp xếp quần áo và đồ chơi của mình. Đồ chơi: Cha mẹ nên chuẩn bị những bộ đồ chơi để giúp con tăng khả năng nhận biết và phân loại. Giao tiếp: Đây là thời điểm con phát triển mạnh về ngôn ngữ, vốn từ ngữ cũng đã nhiều hơn so với các giai đoạn trước nên cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ. |
3-6 tuổi | Tập trung củng cố những gì con đã học được ở các giai đoạn trước thông qua việc thực hành các kỹ năng hàng ngày: Môi trường: Thiết kế phòng ngủ, góc học tập sao cho phù hợp với sở thích của con. Cho trẻ chơi những trò chơi giúp phát triển trí não thông qua giáo cụ trực quan. Đọc truyện, đọc sách, tích cực giao tiếp với con, có thể chuẩn bị những bộ trò chơi giúp con phát triển khả năng giao tiếp, thu thập vốn từ ngữ. |
9 Một số câu hỏi thường gặp về chương trình Montessori
9.1 Cảm nhận về phương pháp Montessori
Montessori có nhiều ưu điểm khác nhau bao gồm: kích thích tính tò mò, tạo niềm đam mê với học tập, giúp con rèn luyện được tính tự lập nhưng có nhiều nhược điểm.
Những năm gần đây, phương pháp Montessori ở Việt Nam cũng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lựa chọn phương pháp giáo dục nào cho con cũng cần phù hợp với điều kiện, sự phát triển của trẻ để con phát huy được hết khả năng của bản thân.
9.2 Cách làm đồ chơi montessori
Ngoài việc mua sẵn các bộ dụng cụ học tập cho con, cha mẹ có thể học cách làm đồ chơi Montessori tăng hứng thú cho con.
9.2.1 Làm đồ chơi Montessori kích thích khả năng sáng tạo
Bố mẹ có thể chuẩn bị một quyển sổ, vẽ hình động vật hoặc bất kỳ đồ vật nào, sau đó cho con tô màu theo ý thích.
Tạo hình đồ vật bằng lá cây khô: Thu thập lá cây khô, sau đó cắt ghép thành những hình thù ngộ nghĩnh.
9.2.2 Làm đồ chơi phân loại
Làm đồ chơi phân loại giúp kích thích khả năng tư duy và nhận định của con. Một số trò chơi cha mẹ có thể chuẩn bị cho con như:
- Trộn các loại nắp chai có màu sắc khác nhau để con phân loại.
- Trộn các đồ chơi có kích thước khác nhau để con phân loại.
9.3 Sự khác biệt giữa phương pháp Montessori so với phương pháp giảng dạy truyền thống
So với phương pháp giảng dạy truyền thống, học sinh được học tập với các bạn cùng độ tuổi, dưới cùng một giáo án, giáo viên đóng vai trò là người giảng dạy thì trong phương pháp Montessori, trẻ được học tập cùng với các bạn đang trong cùng giai đoạn phát triển, các bài học được xây dựng cá nhân hóa, trẻ được chủ động học tập, tìm tòi kiến thức, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn và đồng hành cùng với con.
10 Kết luận
Phương pháp Montessori chú trọng đến vai trò của tính độc lập, tự do trong khuôn khổ trong việc hình thành tư duy và nhân cách của trẻ. Ngoài ra, phương pháp này cũng tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, cung cấp những tài liệu, giáo cụ trực quan để con phát triển toàn diện. Chương trình montessori trong giáo dục mầm non cũng được nhiều trường chú trọng phát triển.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Chloë Marshall và cộng sự (Ngày đăng 27 tháng 9 năm 2017). Montessori education: a review of the evidence base, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2024
- ^ Tác giả Justus J. Randolph và cộng sự (Ngày đăng 7 tháng 8 năm 2023). Montessori education's impact on academic and nonacademic outcomes: A systematic review, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2024