1. Trang chủ
  2. Dị Ứng - Miễn Dịch
  3. Phơi nhiễm HIV là gì? Những dấu hiệu phơi nhiễm HIV cần biết?

Phơi nhiễm HIV là gì? Những dấu hiệu phơi nhiễm HIV cần biết?

Phơi nhiễm HIV là gì? Những dấu hiệu phơi nhiễm HIV cần biết?

Trungtamthuoc.com-Phơi nhiễm HIV đang là tình huống mà rất nhiều người lo lắng khi tiếp xúc gần với những bệnh nhân bị nhiễm HIV. Nguy cơ bị phơi nhiễm HIV có thể đến từ đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với người dương tính với HIV như bác sĩ, công an hoặc những người có quan hệ tình dục, gần gũi với những người nhiễm HIV, vô tình bị dính máu, dịch của người bệnh. Khi bị phơi nhiễm HIV, nhiều người cảm thấy rất lo lắng không biết phơi nhiễm HIV có chắc chắn sẽ bị nhiễm HIV không? Phơi nhiễm HIV có biện pháp điều trị không? sẽ được Trung tâm thuốc Central Pharmacy gửi đến bạn thông tin cụ thể về tình trạng phơi nhiễm HIV.

1 Những điều cần biết về phơi nhiễm HIV

1.1 Phơi nhiễm HIV là gì?

Định nghĩa về phơi nhiễm HIV
Định nghĩa về phơi nhiễm HIV

Phơi nhiễm HIV là khái niệm biểu thị việc chất tiết của người bị nhiễm HIV như máu, dịch mủ, dịch mũi họng tiếp xúc với niêm mạc hoặc da người chưa bị nhiễm bệnh dẫn tới nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh cho người khác. Thời gian phơi nhiễm HIV là thời điểm người lành bắt đầu tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh như dịch, máu, mủ của người mang virus HIV.

Những trường hợp được coi là bị phơi nhiễm HIV bao gồm:

  • Bị kim có dính máu của người nhiễm bệnh đam vào khi tiến hành lấy máu, tiêm truyền.
  • Bị bơm kim tiêm của người nhiễm bệnh chọc vào khi làm việc như công an trong quá trình truy đuổi tội phạm bị tấn công bằng kim tiêm, bác sĩ cấp cứu bệnh nhân nhiễm HIV bị tai nạn,…
  • Trẻ sinh thường, bú mẹ bị nhiễm HIV.
  • Người nhận máu truyền từ người nhiễm bệnh.
  • Người bị tổn thương ngoài da, niêm mạc bị dịch, máu của người nhiễm bệnh bắn vào.
  • Vết thương chảy máu do bị vật sắc nhọn, dao mổ đâm vào.
  • Không sử dụng bao cao su khi quan hệ với người bị nhiễm HIV.
  • Người bị dụng cụ đựng dịch, máu của người nhiễm HIV chọc vào gây trầy xước, chảy máu da.

Các trường hợp bị phơi nhiễm HIV không có nghĩa người bệnh chắc chắn sẽ bị nhiễm bệnh mà chỉ là điều kiện có thể để dẫn đến nhiễm HIV. Để đảm bảo an toàn nên đi đến bệnh viện để được làm xét nghiệm xử trí kịp thời.

Các đối tượng phơi nhiễm HIV
Các đối tượng phơi nhiễm HIV

1.2 Dấu hiệu phơi nhiễm HIV

Triệu chứng sau phơi nhiễm HIV là gì? Trong tuần đầu sau khi phơi nhiễm, virus HIV sẽ nhân lên nhanh chóng trong cơ thể, xuất hiện đầu tiên ở dịch não tủy trước khi xâm nhập vào máu. Tuy nhiên giai đoạn này người phơi nhiễm chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng phơi nhiễm HIV rõ ràng nào do virus chưa nhân lên trong cơ thể. Trong khi đó các thuốc chống phơi nhiễm phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất trong khoảng 72 giờ đầu nên nếu không phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Sau 2-6 tuần phơi nhiễm, người bệnh xuất hiện những triệu chứng bệnh giai đoạn đầu với biểu hiện gần giống với mắc cúm, bao gồm:

  • Sốt, cảm giác ớn lạnh: Thân nhiệt tăng lên 37,5-38 độ C kèm theo cảm giác ớn lạnh có thể xuất hiện trong ngày hoặc kéo dài 1-2 tuần.
  • Mệt mỏi: Biểu hiện mệt mỏi là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng lại với những tác nhân gây bệnh.
  • Nổi hạch ở nách, cổ, bẹn.
  • Đau nhức cơ bắp, các khớp.
  • Buồn nôn, tiêu chảy: Xuất hiện ở rất nhiều người bệnh nhiễm virus HIV giai đoạn đầu.
  • Phát ban: Nổi ban đỏ kèm theo cảm giác ngứa trên da là triệu chứng khá phổ biến sau 2-3 tuần bị phơi nhiễm HIV.

Sau giai đoạn này, các triệu chứng bệnh sẽ biến mất và biểu hiện trầm trọng trở lại khi bệnh bắt đầu chuyển sang giai đoạn AIDS.

1.3 Xử lý sau khi phơi nhiễm HIV

1.3.1 Với tổn thương dẫn đến chảy máu trên bề mặt da

Rửa  vết thương dưới vòi nước chảy một lúc, ít nhất 5 phút.

Dùng xà phòng rửa sạch lại vết thương sau đó sát trùng bề mặt da bằng các dung dịch sát khuẩn y tế như Javel 1/10, Daikin, cồn y tế,… trong thời gian tối thiểu khoảng 5 phút.

1.3.2 Với phơi nhiễm HIV xuất hiện tại niêm mạc mắt

Dùng nước muối sinh lý hoặc nước cất rửa mắt liên tục trong khoảng 5 phút.

1.3.3 Với phơi nhiễm HIV xuất hiện tại niêm mạc mũi, miệng

Niêm mạc mũi: Dùng nước muối sinh lý hoặc nước cất rửa sạch bên trong mũi liên tục trong ít nhất 5 phút.

Niêm mạc miệng: Súc miệng nhiều lần cho thật lỹ với nước muối sinh lý.

1.4 Nguy cơ phơi nhiễm HIV

1.4.1 Nguy cơ thấp

Da tổn thương, chảy máu ít hoặc không có máu.

Bị chất tiết: Dịch, máu của người bị bệnh bắn vào vùng da, niêm mạc không bị tổn thương.

1.4.2 Nguy cơ cao

Da tổn thương sâu, máu chảy nhiều.

Dịch hoặc máu của người nhiễm HIV bắn vào vị trí bị thương, niêm mạc bị loét.

1.5 Xét nghiệm phơi nhiễm HIV

Xét nghiệm máu tìm sự có mặt của virus HIV
Xét nghiệm máu tìm sự có mặt của virus HIV

Trong 6 tuần đầu từ khi phơi nhiễm, người bệnh được cho đang mắc HIV giai đoạn đầu nên xét nghiệm tìm virus HIV ở giai đoạn này có độ chính xác không cao. Kết quả xét nghiệm HIV sẽ đạt độ chính xác nhất sau khi người bệnh bị phơi nhiễm khoảng 2-3 tháng. Số còn lại sau khoảng vài năm mới tìm được sự có mặt của virus HIV.

Xét nghiệm máu tìm virus HIV thường diễn ra qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Test nhanh 2 lần để xác định bệnh nhân âm tính hay dương tính với virus HIV.

Giai đoạn 2: Sau khi thu được kết quả dương tính ở gai đoạn 1 sẽ tiếp tục tiến hành các xét nghiệm ở giai đoạn 2 để xác định mức độ nhiễm bệnh của người bệnh.

1.5.1 Quy trình xét nghiệm tìm virus HIV

Khi đến cơ sở y tế đăng ký làm xét nghiệm HIV, người bệnh sẽ được hướng dẫn tiến hành xét nghiệm theo các bước sau:

Bước 1: Sau khi lấy phiếu xét nghiệm tại bàn, người được làm xét nghiệm phơi nhiễm HIV sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin và được tư vấn cụ thể một số vấn đề thắc mắc trước khi làm xét nghiệm.

Bước 2: Sau khi người làm xét nghiệm đồng ý với chỉ định của bác sĩ sẽ được nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu máu theo đúng quy trình mang đi xét nghiệm.

Bước 3: Xét nghiệm chẩn đoán sự có mặt của virus HIV sẽ bao gồm cả xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm HIV và xét nghiệm khẳng định tình trạng mắc HIV. Thời gian chờ kết quả khoảng 30 phút tùy vào địa chỉ, các loại xét nghiệm tiến hành.

Bước 4: Thông báo kết quả xét nghiệm và nhận tư vấn của bác sĩ sau khi có kết quả.

1.6 Điều trị phơi nhiễm HIV

Hai phương pháp điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV
Hai phương pháp điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV

Điều trị phơi nhiễm HIV có khỏi không? Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV là việc sử dụng các thuốc kháng virus để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người lành không nhiễm HIV đang bị phơi nhiễm. Điều trị dự phòng phơi nhiễm sử dụng các thuốc kháng virus HIV ngay sau khi mới bị phơi nhiễm để ngăn cản không cho virus HIV xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể.

Với trường hợp bệnh nhân bị phơi nhiễm nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao sẽ được điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV viết tắt là ARV. ARV nên được điều trị càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở những người có nguy cơ phơi nhiễm cao. Nên điều trị bằng ARV trong khoảng 2-6 giờ đầu sau khi phơi nhiễm là tốt nhất và không được để quá 72 giờ mới điều trị sẽ làm giảm hoặc mất đi tác dụng. Thời gian điều trị phơi nhiễm bằng ARV kéo dài khoảng 4 tuần theo phác đồ chỉ định của bác sĩ tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Người bệnh cần phân biệt rõ tình trạng hiện phơi nhiễm với HIV hiện tại để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV là PrEP (phương pháp dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV) và PEP (phương pháp dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV) mọi người cần nắm rõ sự khác biệt giữa 2 cách điều trị này để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng hiện tại.

Giống nhau:

Cả PrEP và PEP đều có tác dụng dự phòng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV bằng các thuốc kháng virus HIV (ARV).

Cả PrEP và PEP đều sử dụng cho những đối tượng chưa dương tính với HIV nhưng đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Khác nhau

Đặc điểmPrEPPEP
Tên gọiPhương pháp điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV.Phương pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV.
Thời gian uống

Uống trước khi phơi nhiễm HIV.

Uống hàng ngày trước khi bị phơi nhiễm với HIV.

Uống sau khi phơi nhiễm HIV.

Uống trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV, duy trì liên tục trong 4 tuần để điều trị dự phòng khẩn cấp, giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

Đối tượng

Người chưa bị nhiễm HIV đã:

Từng quan hệ với người bị mắc HIV.

Từng quan hệ với người không xác định rõ tình trạng mắc HIV.

Dùng chung bơm kim tiêm với người khác.

Người chưa bị nhiễm HIV nhưng đã tiếp xúc với dịch, máu của người nhiễm HIV bị phơi nhiễm với HIV khi:

Không sử dụng bao cao su khi quan hệ với người dương tính với HIV.

Bị xâm hại, lạm dụng tình dục.

Tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm với người khác trong quá trình tiêm chích ma túy.

Điều kiện phải thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh.[1]

Đáp ứngGiảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy đạt ít nhất 74% và 99% qua quan hệ tình dục.[2]Phòng ngừa nguy cơ bị lây nhiễm HIV khi sử dụng đúng thời gian, theo chỉ định của bác sĩ.

Do đó, những đối tượng sau khi bị phơi nhiễm HIV muốn điều trị để ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc HIV thì cần lựa chọn phương pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm PEP còn nếu muốn phòng ngừa nguy cơ bị lây nhiễm HIV dù chưa bị phơi nhiễm thì dùng các thuốc PrEp dự phòng trước phơi nhiễm để giảm thiểu nguy cơ mắc HIV. 

1.7 Phơi nhễm HIV có nguy hiểm không?

Kết quả xét nghiệm ngay khi vừa mới phơi nhiễm HIV thường là âm tính. Điều này không có nghĩa là người bị phơi nhiễm chắc chắn sẽ không bị nhiễm HIV. Trong khoảng 1-3 tuần đầu tiên sau khi phơi nhiễm HIV được coi là thời điểm chuyển đảo huyết thành, nghĩa là cơ thể người bị phơi nhiễm bắt đầu sản sinh ra các kháng thể chống lại virus HIV, thời điểm này ở một số người có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Lúc này có thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu gần giống với cảm cúm như sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể,... để phản ánh cho cơ thể biết về sự có mặt của virus HIV.

Ngay sau khi phơi nhiễm, nếu người bệnh không sử dụng các thuốc kháng virus HIV để điều trị dự phòng, giảm thiểu nguy cơ mắc HIV thì nguy cơ dương tính với HIV. Theo một thống kê, tỷ lệ người bị mắc HIV sau khi phơi nhiễm là khoảng 1%, nghĩa là cứ 100 người phơi nhiễm HIV sẽ có 1 người bị dươngg tính với HIV.[3] Khi bị HIV, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hoại nghiêm trọng, tổn thương nặng nề. Đây là bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch chưa có thuốc đặc trị nên khi bị bệnh sứ ckhỏe sẽ suy yếu dần, tuổi thọ giảm đi nhanh chóng.

2 Vài nét về thuốc chống phơi nhiễm HIV

2.1 Thuốc chống phơi nhiễm HIV là gì?

Thuốc điều trị phơi nhiễm HIV  thuốc có tác dụng kìm hãm tối đa sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, từ đó giúp người bệnh phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm HIV. Người bị phơi nhiễm với HIV phải được uống thuốc phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ đầu, càng sớm càng tốt và duy trì liên tục trong 28 ngày. Thuốc chỉ dùng trong giai đoạn phơi nhiễm, khi đã phát hiện bị nhiễm HIV thì không tiếp tục dùng thuốc mà chuyển sang các thuốc điều trị cho người bị HIV.

2.2 Các loại thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV

2.2.1 Các thuốc chống phơi nhiễm HIV (PrEP)

Sử dụng PrEP điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV
Sử dụng PrEP điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV

Các thuốc điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV được chỉ định để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho những đối tượng âm tính chưa mắc bệnh nhưng thường xuyên có các hành vi làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm HIV như khi quan hệ đồng giới qua đường hậu môn, người thường xuyên thực hiện hoạt động bán dâm, người thường xuyên tiêm chích ma túy, người quan hệ với những người nhiễm HIV,…

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo những người thường xuyên tiếp xúc gần với người bệnh mắc HIV nên bắt đầu sử dụng các thuốc kháng virus HIV (ARV) để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.[4]

Hiện nay có 2 loại thuốc được chấp thuận trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là:

  • Truvada: Chỉ định cho những đối tượng có nguy cơ mắc HIV qua tiêm chích ma túy hoặc qua đường tình dục.
  • Descovy: Dành riêng cho những trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục.[5]
2.2.1.1 Các đối tượng được chỉ định đủ điều kiện sử dụng PrEP 

Kết quả âm tính xét nghiệm HIV cùng với một trong các điều kiện sau:

Trong vòng nửa năm qua đã từng:

  • Quan hệ với những đối tượng có nguy cơ cao mắc HIV như: Quan hệ tình dục đồng giới nam, người thường xuyên tiêm chích ma túy,…
  • Quan hệ với người nhiễm HIV đã được điều trị bằng ARV tuy nhiên tải lượng HIV lớn hơn 200 bản sao/ml hoặc chưa làm xét nghiệm xác định tải lượng HIV hoặc người nhiễm HIV chưa được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV.
  • Sử dụng chung kim tiêm với người khác.
  • Thuộc một trong các trường hợp sau: Quan hệ tình dục không dùng bao cao su qua đường âm đạo hoặc hậu môn với ít nhất 1 bạn tình, đã hoặc đang điều trị các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục, Sử dụng ma túy, các chất kích thích khi quan hệ, người đã từng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), Quan hệ để đổi lấy tiền hoặc tài sản, Người có nhu cầu muốn sử dụng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
2.2.1.2 Không sử dụng PrEP cho những đối tượng:

Cân nặng dưới 35kg.

Người dương tính với HIV.

Dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong phác đồ điều trị PrEP.

Hoạt độ Creatinin huyết tương ước tính nhỏ hơn 60ml/phút.

Đối tượng nghi ngờ mới nhiễm HIV, người có biểu hiện nhiễm HIV cấp tính.

2.2.1.3 Cách uống PrEP

Sử dụng PrEP uống hàng ngày

  • Để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm HIV trước khi bị phơi nhiễm, người bệnh uống thuốc đều đặn hàng ngày trong 21 ngày, mỗi ngày 1 viên theo một trong các phác đồ chỉ định của bác sĩ.
  • Khi quên uống thì cần uống bù ngay khi nhớ ra nhưng không được sử dụng quá 2 viên/ngày. Khi nhớ ra quên liều mà đã chuyển sang ngày hôm khác thì tiếp tục uống như bình thường bỏ qua liều đã quên hôm trước. 
  • Với những đối tượng đủ điều kiện sử dụng PrEP tính huống nhưng muons dùng PrEP hàng ngày thì có thể uống 2 viên ngày đầu và 1 viên vào những ngày tiếp theo.

Sử dụng PrEP tình huống

Sử dụng PrEP dự phòng trước phơi nhiễm áp dụng theo công thức: 2+1+1, nghĩa là:

  • Uống liền một lúc 2 viên trước khi quan hệ từ 2-24 giờ.
  • Uống viên thứ 3 sau khi uống liều đầu 24 giờ.
  • Uống viên thứ 4 sau khi uống liều thứ 2 khoảng 24 giờ.[6]

2.2.2 Các thuốc dự phòng sau phơi nhiễm HIV

Sử dụng PEP điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV
Sử dụng PEP điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV là việc sử dụng thuốc kháng virus ARV để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc HIV sau khi phơi nhiễm. PEP được khuyến cáo sử dụng trong vòng 72 giờ đầu tiên ngay sau phơi nhiễm, các trường hợp khẩn cấp khi bị phơi nhiễm[7] và dùng liên tục trong 28 ngày để đáp ứng đủ liệu trình phòng ngừa nhiễm virus HIV nên còn được gọi là thuốc chống phơi nhiễm HIV 72 giờ.

Để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh sử dụng kết hợp 2 hoặc 3 loại thuốc kháng virus HIV với nhau để đạt được hiệu quả dự phòng tối ưu nhất. 2 nhóm thuốc phơi nhiễm HIV phổ biến nhất phải kể đến là:

Nhóm thuốc ức chế men sao chép ngược nucleotide (Nucleoside RTI) gồm các thuốc là:

  • Tenofovir hay TAF (Vemlidy) hoặc TDF (Vitread).
  • Emtricitabine hay FTC (Emtriva).
  • Abacavir hay ABC (Ziagen).
  • Zidovudine hay AZTor ZDV (Retrovir).
  • Lamivudine hay 3TC (Epivir).
  • Didanosine hay ddl (Videx).
  • Stavudine hay d4T (Zerit).

Nhóm thuốc ức chế men sao chép ngược không phải là các nucleotit (Non-Nucleoside RTI) gồm các thuốc:

  • Nelfinavir (Viracept)
  • Atazanavir (Reyataz)
  • Ritonavir (Norvir)
  • Fosamprenavir (Levis)
  • Amprenavir  (Agenerase)
  • Indinavir (Crixivan)
  • Tipranavir (Aptivus)
  • Lopinavir + ritonavir (Kaletra)
2.2.2.1 Đối tượng sử dụng PEP

Người bị phơi nhiễm HIV do:

Quan hệ không sử dụng bao cao su với bạn tình bị nhiễm HIV.

Người thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm HIV, tiếp xúc với dịch, máu của người bệnh.

Dùng chung kim tiêm với người mắc HIV.

Cách sử dụng các thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV

Tùy theo thời gian, mức độ phơi nhiễm mà người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc kháng virus HIV phù hợp với tình trạng của bản thân.

2.2.2.2 Cách sử dụng PEP

Các thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm sẽ được sử dụng trong thời gian 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm, càng sớm càng tốt. Sau đó dùng liên tục trong 28 ngày theo chỉ định của bác sĩ, có thể uống từ 1-2 lần/ngày với tùy từng loại thuốc.

2.3 Uống thuốc phơi nhiễm HIV có hiệu quả không?

Theo hướng dẫn điều trị phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm HIV, sử dụng thuốc chống phơi nhiễm HIV trong 72 giờ đầu và duy trì điều trị trong vòng 28 ngày sau khi phơi nhiễm sẽ đạt hiệu quả giảm thiểu nguy cơ mắc HIV lên đến 90% nếu được điều trị kịp thời, tuân thủ nghiêm ngặt lộ trình điều trị.[8]

Do đó, sau khi phơi nhiễm, uống PEP càng sớm thì khả năng nhiễm HIV sẽ giảm xuống rất thấp, khả năng âm tính rất cao. Tuy nhiên không có nghĩa sau khi uống bạn sẽ hoàn toàn không bị nhiễm bệnh, do đó vẫn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh bị tái nhiễm một lần nữa cũng như hạn chế lây bệnh cho người khác.

2.4 Uống thuốc phơi nhiễm HIV có hại không?

Tác dụng phụ của thuốc phơi nhiễm HIV là gì? Nhiều người băn khoăn không biết khi sử dụng các thuốc chống phơi nhiễm HIV có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Tác hại của thuốc phơi nhiễm HIV là gì? Người được điều trị bằng các thuốc chống phơi nhiễm có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như:

Dấu hiệu toàn thân: Mệt mỏi, mất sức,…

  • Triệu chứng tuần hoàn: Hoa mắt, chóng mặt,…
  • Triệu chứng thần kinh: Đau đầu, mất ngủ,….
  • Triệu chứng tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn,…..
  • Gây hại cho gan do thuốc làm ức chế men protease gây tăng độc tính trên gan, nặng có thể dẫn đến tăng men gan, tổn thương các tế bào gan,… Chính vì thế, người bệnh thường được chỉ định kiểm tra chức năng gan trước khi dùng thuốc để đảm bảo tránh gây hại cho gan trong suốt quá trình điều trị.

Để hạn chế những tác dụng phụ có thể xuất hiện trong quá trình uống thuốc, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất, bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh cùng với chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học để cơ thể nhanh hồi phục. ĐỒng thời hạn chế sử dụng các chất kích thích gây hại đến sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, cà phê, những loại đồ ăn chiên rán khó tiêu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đường ruột.

Các dấu hiệu này có thể biến mất sau 3-4 tuần sử dụng do cơ thể đã quen dần với thuốc. Nếu các triệu chứng này không thuyên giảm, ngược lại còn tiến triển nặng hơn thì hãy báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh để lại hậu quả nặng nề đến sức khỏe, tính mạng.

2.5 Lưu ý khi sử dụng các thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV

Không tự ý sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chỉ dùng thuốc khi cần thiết.

Trong quá trình điều trị bằng PrEP, PEP người bệnh vẫn phải sử dụng bao cao su nếu muốn quan hệ tình dục do:

  • Các biện pháp này chỉ giúp phòng ngừa, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV chứ không giúp ngăn ngừa tuyệt đối nguy cơ mắc bệnh nên cần phải sử dụng thêm bao cao su để giúp gia tăng hiệu quả phòng bệnh.
  • Các biện pháp này chỉ giúp dự phòng nguy cơ nhiễm HIV mà không có khả năng phòng ngừa các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như: Lậu, giang mai,….

2.6 Sau khi uống thuốc phơi nhiễm có quan hệ được không?

Sau khi uống các thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV người bệnh vẫn có thể quan hệ bình thường nhưng phải dùng bao cao su để phòng ngừa nguy cơ tái phơi nhiễm lần nữa cũng như đề phòng tránh lây  virus HIV cho người khác. Bên cạnh đó, các thuốc dự phòng phơi nhiễm cùng không có tác dụng bảo vệ tuyệt đối cơ thể khơi virus HIV và các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nên người bệnh cần cẩn thận, dùng bao cao su để đảm bảo an toàn nhất khi quan hệ.

2.7 Giá thuốc chống phơi nhiễm HIV là bao nhiêu?

Ở thời điểm thí điểm chương trình sử dụng PrEP dự phòng trước phơi nhiễm HIV thì người sử dụng sẽ được trợ giá 100% ở thnág đầu tiên, nghĩa là hoàn toàn không mất phí điều trị ở thnág thức nhất và phải trả khoảng 700.000-800.000 đồng cho 1 hộp thuốc điều trị dự phòng từ tháng thứ 2.

Nếu bị phơi nhiễm HIV trong quá trình công tác thì có thể được chi trả toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chống phơi nhiễm HIV với giá cả dao động từ vài trăm đến hơn triệu 1 hộp 30 viên. Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ kiểm tra và được tư vấn cụ thể chi phí điều trị dự phòng HIV đúng tiêu chuẩn với giá cả hợp lý nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Neha Pathak (Ngày đăng 28 tháng 4 năm 2021). First Steps if You Think You've Been Exposed to HIV, WEBMD. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  2. ^ Tác giả của CDC (Ngày đăng 6 tháng 6 năm 2022). PrEP effectiveness, CDC. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  3. ^ Tác giả James Wilton ( Ngày đăng ). Risk of Exposure to HIV/AIDS, Stanfordhealthcare. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  4. ^ Tác giả Neha Pathak (Ngày đăng 27 tháng 6 năm 2022). HIV, WHO. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  5. ^ Tác giả của CDC (Ngày đăng 30 tháng 6 năm 2022). About PrEP, CDC. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  6. ^ Tác giả của CDC (Ngày đăng 1 tháng 6 năm 2022). On-Demand PrEP, CDC. Truy cập ngày 9 thnág 9 năm 2022
  7. ^ Tác giả của CDC (Ngày đăng 25 tháng 5 năm 2021). PEP, CDC. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022
  8. ^ Tác giả  Neha Pathak (Ngày đăng 28 tháng 4 năm 2021). First Steps if You Think You've Been Exposed to HIV, WEBMD. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Các thuốc phơi nhiễm này có bán ở nhà thuốc không?


    Thích (1) Trả lời 1
    • Các thuốc ARV chỉ có tai những nhà thuốc lớn đã được cấp phép lưu hành

      Quản trị viên: Dược sĩ Mai Hiên vào


      Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Phơi nhiễm HIV là gì? Những dấu hiệu phơi nhiễm HIV cần biết? 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Phơi nhiễm HIV là gì? Những dấu hiệu phơi nhiễm HIV cần biết?
    HK
    Điểm đánh giá: 5/5

    Những thông tin này thực sự rất hữu ích để bảo vệ sức khỏe

    Trả lời Cảm ơn (3)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633