1. Trang chủ
  2. Tạo Hình Thẩm Mỹ
  3. Phẫu thuật cắt mí trên để khắc phục các vấn đề về lão hoá

Phẫu thuật cắt mí trên để khắc phục các vấn đề về lão hoá

Phẫu thuật cắt mí trên để khắc phục các vấn đề về lão hoá

Nguồn: Nguyên lý và thực hành Phẫu thuật thẩm mỹ Phần 1: Cắt mí và sửa mi hỏng

Chủ biên: H. Ryun Jin

Dịch giả: Bác sĩ Trần Ngọc Trung

1 PHẪU THUẬT CẮT MÍ TRÊN ĐỂ KHẮC PHỤC CÁC VẤN ĐỀ LÃO HÓA

1.1 Tóm tắt ý chính

  • Việc hiểu được những điểm khác biệt về giải phẫu và thay đổi do lão hóa ở mí mắt người Đông Á là chìa khóa để đạt được kết quả tối ưu.
  • Chỉnh sửa quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt. Xu hướng hiện nay trong phương pháp phẫu thuật cắt mí để khắc phục các vấn đề lão hóa ở Châu Á là chỉ loại bỏ da và mỡ ở mức vừa đủ, đem lại kết quả tự nhiên, nếp mí thấp.
  • Mục đích của phương pháp cắt mí nhằm khắc phục các vấn đề lão hóa là khôi phục lại vẻ trẻ trung nhưng vẫn giữ được các nét đặc trưng của người Châu Á.
  • Ở người Châu Á, nếp mí thường ở vị trí rất thấp hoặc không có nếp mí. Nếp mí thấp (chỉ cao khoảng 3 –4mm) và có một vùng da xệ nhẹ bên trên là đặc điểm phổ biến của đôi mắt Châu Á. Nếp mí cao quá 7 –8mm sẽ trông rất không tự nhiên, kể cảở phụ nữ.
  • Xệ chân mày là một vấn đề thường xảy ra bắt đầu từ tuổi trung niên và khiến cho tình trạng da mí mắt chảy xệ và sụp mí trở nên nặng hơn. Vì thế, bác sĩ cần phát hiện vấn đề xệ chân mày trước khi phẫu thuật và quyết định tiến hành nâng chân mày/căng da trán trước hay thực hiện cùng lúc trong quá trình cắt mí.
  • Nhiều người có nhu cầu cắt mí trên thường gặp phải vấn đề sụpmí nhưng không nhận ra.
  • Nếu gặp phải các triệu chứng kích ứng mắt thì nguyên nhân có thể là do các vấn đề với sự tiết nước mắt, ví dụ như chứng khô mắt. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi cắt mí nên cần được điều trị từ trước khi phẫu thuật.
  • Một trong những trường hợp phức tạp nhất khi cắt mí để khắc phục các vấn đề do lão hóa là khikhách hàng đã từng cắt mí trước đây và da, mỡ đã bị cắt đi quá nhiều và nếp mí được tạo ở vị trí quá cao. Trong những trường hợp như vậy thì tiêm mỡ tự thân hoặc tiêm chất làm đầy dọc theo vùng chân mày –mí mắt trên sẽ là giải pháp phù hợp hơn cắt mí.
  • Tuyến lệ nằm ngay đằng sau bờổ mắt và thường không lộ ra trong quá trình phẫu thuật cắt mí. Quá trình lão hóa sẽ gây sa tuyến lệ và có thể bị nhẫm lẫn với hiện tượng thoát vị túi mỡ ở phía đuôi mắt, đặc biệt là ở những người có lớp da dày bên trên tuyến lệ.
  • Các biến chứng sau khi cắt mí vì nguyên nhân lão hóa thường là kết quả do cắt bỏ quá nhiều da và mỡ, không cầm được máu, đánh giá không chuẩn trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc chăm sóc không cẩn thận trong thời gian hậu phẫu. Do đó, cần thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn trong và sau khi cắt mí.

1.2 Giới thiệu

Đôi mắt của người Đông Á có những nét đặc trưng rất riêng, hoàn toàn không giống với mắt ở các vùng khác trên thế giới. Cắt mí là một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến và phát triển nhanh nhất tại các quốc gia Châu Á. Với phương pháp này, việc hiểu được những điểm khác biệt về giải phẫu và thay đổi do lão hóa ở mí mắtngười Châu Á là chìa khóa để đạt được kết quả tối ưu. Một dáng mắt phổ biến ở Châu Á là mắt một mí với nếp rẻ quạt ở khóe mắt. Cải thiện vẻ ngoài trong khi vẫn giữ được những nét riêng là mục tiêu của mọi phương pháp phẫu thuật mí mắt ở người Châu Á. Mặc dù tác dụng chính của phương pháp phẫu thuật cắt mí là tạo mắt hai mí nhưng ngoài ra phương pháp này còn được thực hiện nhằm mục đích khắc phục các dấu hiệu lão hóa và khôi phục lại vẻ trẻ trung của đôi mắt.

Trước đây, nhiều người Châu Á thường mong muốn có đôi mắt to với mí mắt dày như người phương Tây vì họ cho rằng như thế sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, xu hướng ngày nay đối với phương phápcắt mí là chỉ cắt bỏ da và mỡ ở mức độ vừa phải, tạo nếp mí thấp và tự nhiên. Mặt khác, đôi mắt với nếp mí quá cao hiện nay được cho là thiếu tự nhiên và làm mất sự hài hòa của khuôn mặt.

Những thay đổi xung quanh mắt do lão hóa gồm có da chảy xệ, vết chân chim, thoát vị mỡ hốc mắt và những thay đổi ở mí mắt. Mục đích của phương pháp cắt mí trên ở những người đã bị lão hóa để khắc phục các vấn đề này và khôi phục vẻ trẻ trung hơn. Để cải thiện các nếp nhăn quanh mắt và tình trạng hốc mắt trũng thì có thểsẽ cần tiêm thêm chất làm đầy hoặc các loại Botulinum toxin như Botox sau khi cắt mí. Những thay đổi quanh mắt là một phần trong quá trình lão hóa diễn ra trên toàn khuôn mặt, bao gồm cả sự lão hóa của các mô vùng mặt và cấu trúc xương. Hiện tượng mỏng đicủa lớp biểu bì và giảm sản sinh Collagen khiến cho da bị mất đi sự đàn hồi. Mất mỡ, cùng với trọng lực và sự lỏng lẻo của cơ, dẫn đến sự xuất hiện của các nếp nhăn động và nếp nhăn tĩnh. Ngoài mô mềm, quá trình lão hóa còn ảnh hưởng đến cả cấu trúc xương. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những sự lão hóa về cấu trúc xương quanh mắt và giữa mặt chủ yếu là do sự tiêu xương. Việc hiểu được những thay đổi do sự lão hóa gây nên ở từng người là điều rất quan trọng đối với việc xác định nhu cầu và giải pháp điều trịphù hợp, từ đó mới có thể cho ra kết quả tối ưu.

Mí mắt là một bộ phận đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ về chức năng như phân bố nước mắt khi chớp mắt mà còn cả về mặt thẩm mỹ vì mí mắt có ảnh hưởng lớn đến diện mạo của chúng ta. Chân mày và mí mắtxệ sẽ gây cản trở tầm nhìn, khiến vùng quanh mắt trông nặng nề, khuôn mặt kém tươi tắn và còn có thể gây viêm da.

Mí mắt bị bụp, sưng phồng có thể là do vách hốc mắt bị chùng và thoát vị túi mỡ hốc mắt.

Sụp mí là tình trạng mà mí mắt trên bị xệ. Nguyên nhân của dạng sụp mí phổ biến nhất –sụp mí mắc phải (không phải bẩm sinh) là do cân cơ nâng mi tách khỏi sụn mi. Điều này không chỉ gây ra các vấn đề về mặt thẩm mỹ mà còn gây khó chịu và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt là khi nhìn xuống. Một khảo sát tại Hàn Quốc cho thấy rằng những người trên 50 tuổi có tỉ lệ xệ mí khá cao (54.9%) và tuổi càng cao thì tỉ lệ này cũng càng tăng. Bác sĩ cần lưu ý tư thế đầu, cằm và vị trí chân mày của bệnh nhân để phát hiện tình trạng sụp mí.

Đa số mọi người đều cố gắng mở to mắt để khắc phục vấn đề này và nhìn rõ hơn bằng cách nhướng mày, điều này khiến cơ trán phải hoạt động liên tục, lâu dần khiến chân mày bị kéo lên cao và tạo nên các nếp nhăn ngang trên trán (hình 14.1). Ở những vùng khác trên cơ thể, mô mềm đều bị chảy xệ do lão hóa nhưng ở vùng trán thì ngược lại, chân mày thường có xu hướng bị đưa lên cao, đặc biệt là ở phần bên trong và giữa chân mày. Do đó, bác sĩ cần kiểm tra cả tình trạng, vị trí chân mày và tiến hành nâng đuôi chân mày cho những trường hợp cầnthiết để trẻ hóa cho toàn bộ một phần ba bên trên của gương mặt.

Mặc khác, xệ chân mày thường đi kèm với sụpmí mắt nhưng bệnh nhân lại thường bị chẩn đoán nhầm là bị mí mắt trên bị xệ nghiêm trọng mà bỏ qua chân mày, dẫn đến cắt bỏ quá nhiều da mí và khiến cho chân mày càng bị xệ xuống thấp. Vì thế, bác sĩ cần kiểm tra tiền sử liệt dây thần kinh vùng mặt của bệnh nhân trong trường hợp chỉ bị xệ một bên chân mày (hình 14.2). Theo khảo sát về những thay đổi ở mí mắt và chân mày giữa các độ tuổi và giới tính khác nhau tại Hàn Quốc thì mức độ xệ chân mày có sự tăng đáng kể từ sau 70 tuổi ở nam và từ sau 60 tuổi ở nữ. Cụ thể, phần đuôi chân mày xệ nhiều hơn phần giữa. Điều này cũng tương tự với mí mắt.

1.3 Đánh giá trước phẫu thuật

1.3.1 Da chảy xệ

Nhiều người thường cho rằng mình bị sụp mí nhưng trên thực tế thì đa phần vấn đề chỉ đơn giản là da và cơ bị chảy xệ. Để phân biệt sụp mí với da, cơ chảy xệ thì có thể thử bằng cách kéo phần da bị xệ lên và đánh giá bờ mi. Nếu vấn đề là da chảy xệ thì khi kéo lên, chiều cao mí mắt sẽ lại trông giống như bình thường. Trong những trường hợp như vậy thì chỉ cần cắt bỏ bớt da và cơ là đủ.

1.3.2 Hốc mắt trũng

Câncơ nâng mi tách ra khỏi sụn mi có thể tạo ra một vùng trũng sâu ở hốc mắt trên (hình 14.3). Điều này còn gây sụp mí, dẫn đến thường xuyên phải nhướng mày để mở to mắt và khiến tình trạng trũng sâu thêm nặng hơn. Đôi khi, việc loại bỏ quá nhiều mỡ trong lần cắt mí trước đó cũng có thể gây ra tình trạng này.

Mức độ sụp mí và chức năng cơ nâng miKhi lão hóa, mí mắt thường bị sụp ở một mức độ nhất định. Cách để kiểm tra mức độ sụp/xệ mí và chức năng cơ nâng mi là thả lỏng mặt và không dùng đến cơ trán. Sau đó kiểm tra xem vị trí của mí mắt dưới có bình thường hay không. Tiếp theo là kiểm tra chỉ số MRD (khoảng cách từ bờ mi đến điểm phản xạ ánh sáng của đồng tử). Đây là cách hiệu quả nhất để đánh giá mức độ sụp mí (hình 14.4). Những người có da mí mắt bị chảy xệ nặng thường cũng bị sụp mí, tuy nhiên, vấn đề này lại hay bị bỏ qua do vấn đề sụp mí bị da chảy xệ che đi. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phát hiện là dùng tay kéo da thừa ở mí mắt lên và xác định khoảng cách chuẩn từ bờ mi đến điểm phản xạ ánh sáng trên đồng tử chứ không phải khoảng cách từ mép vùng da chảy xệ đến điểm phản xạ ánh sáng (hình 14.5). Thứ ba là kiểm tra chức kéo cao cơ nâng mi bằng cách giữ cố định trán bằng ngón tay và xác định khoảng cách (tính bằng mm) giữa vị trí của bờ mi trên khi nhìn lên và nhìn xuống (hình 14.6). Cơ nâng mi suy yếu còn là nguyên nhân khiến lông mi bị hướng xuống dưới –đây là vấn đề xảy ra với cả mắt một mí và mắt hai mí khi lão hóa. Mức độ của vấn đề này tỉ lệ thuận với mức độ sụp mí và sự suy yếu của cơ nâng mi trên.

1.3.3 Vị trí của chân mày

Chân này thường nằm ngang bằng với bờ ổ mắt trên và chân mày của nam thường thấp hơn một chút so với chân mày nữ. Vị trí chân mày là yếu tố quyết định phần nào vẻ trẻ trung cho khuôn mặt. Theo thời gian, phần đuôi chân mày sẽ bắt đầu xệ xuống vì cơ trán không còn nằm ở vị trí này nữa. Xệ chân mày thường bắt đầu xảy ra sau tuổi trung niên và có thể khiến tình trạng sụp mí và da mí mắt chảy xệ thêm nặng hơn. Bác sĩ phải kiểm tra xem chân mày có bị xệ không trước khi tiến hành phẫu thuật cắt mí. Nếu có thì cần quyết định nên thực hiện phương pháp nâng chân mày/căng da trán trước hay thực hiện cùng lúc trong quy trình cắt mí. Ngoài ra cũng phải kiểm tra bệnh sử của khách hàng để xem có bị liệt dây thần kinh vùng mặt hay không trong trường hợp chỉ bị xệ một bên chân mày hoặc mí mắt. Nếu vấn đề chân mày xệ không được phát hiện và khắc phục thì khi cắt mí sẽ phải cắt đi khá nhiều da và cơ, dẫn đến chứng hở mi sau này. Do đó, để có kết quả tối ưu thì phương pháp nâng chân mày cần được thực hiện trước hoặc cùng lúc với ca phẫu thuật cắt mí.

1.3.4 Nếp gấp mí mắt

Nếp gấp mí mắt trên được tạo nên nhờ sự liên kết giữa cân cơ nâng mi và da. Nếp mí ở phụ nữ thường cao hơnso với của nam giới. Ở đa số người Châu Á, nếp mí thường ở rất thấp hoặc không có. So với người phương Tây thì nếp mí của người Châu Á thấp hơn khoảng 2mm,12cụ thể, ở nữ thì nếp mí thường cao khoảng 6 –8mm còn ở nam thì cao khoảng 4 –6mm. Chiều cao nếpmí không đối xứng hoặc có nhiều nếp mí phản ánh tình trạng giãn hoặc cân cơ nâng mi không bám vào da. Nếp mí thường có xu hướng dịch chuyển lên cao khi lão hóa nhưng có thể không nhận thấy được do bị da mí mắt bị chảy xệ che đi. Nếp mí ba và bị cao là do cân cơ nâng mi không đi vào da.

Ở những người đã từng phẫu thuật tạo mắt hai mí trước đây thì quy trình cắt mí để khắc phục các vấn đề lão hóa sẽ được thực hiện theo cùng một cách với những trường hợp có nếp mí tự nhiên. Tuy nhiên, một trong những vấn đề phức tạp nhất của quy trình cắt mívì lý do lão hóa ở những người đã từng tạo mắt hai mí khi còn trẻ là nếp mí nằm quá cao do đã cắt đi nhiều da và mỡ. Hậu quả là da mí mắt còn lại rất ít, không thể cắt được nữa và da có thể còn dính với cấu trúc mô bên dưới. Lúc này, việc tiếp tục cắt bỏ da hay nâng chân mày sẽ khiến cho sự không tự nhiên ở mí mắt trở nên rõ rệt hơn. Thay vào đó thì nên để nguyên như vậy, không nên cắt mí nữa vì phần da xệ bên trên sẽ làm cho nếp mí tự nhiên hơn và không quá cao. Bên cạnh đó có thể tiêm mỡ tự thân hoặc tiêm chất làm đầy dọc theo vùng chân mày và mí mắt trên để cải thiện tính thẩm mỹ. Chỉ khi bị sụp mí nặng thì mới cần phẫu thuật một lần nữa để khắc phục.

1.3.5 Thoát vị mỡ hốc mắt

Mỡ hốc mắt là một phần rất quan trọng trong quy trình cắt mí, đặc biệt là ở những người đã bị lão hóa vùng quanh mắt. Ở một số người, vùng mỡ dưới chân mày xệ xuống vách hốc mắt và khiến cho mí mắt trên bị sưng phồng hay còn gọi là mí mắt bụp. Tuy nhiên, vấn đề này khác với thoát vị mỡ hốc mắt.

Các túi mỡ trước cân cơ nâng mi (pre-aponeurotic fat pockets) là phần đóng vai trò làm điểm mốc trong quá trình tiến hành phẫu thuật vì dựa vào đó, bác sĩ có thể xác định lớp ngay đằng sau vách hốc mắt và lớp ngay đằng trước cân cơ nâng mi. Có hai túi mỡ ở mí mắt trên, một là túi mỡ trong và hai là túi mỡ giữa, chúng được tách ra bởi lớp mô liên kết nối liền với ròng rọc. Túi mỡ trong có màu nhạt hơn túi mỡ giữa. Trong quá trình lão hóa, vách hốc mắt trở nên mỏng và chùng, dẫn đến hiện tượng thoát bị mỡ hốc mắt và mắt bụp. Mặc dù mí mắt trên không có túi mỡ ngoài nhưng túi mỡ giữa có thể mở rộng ra vùng đuôi mắt và che đi phần đằng trước của tuyến lệ. Trong nghiên cứu được thực hiện ở những người cao tuổi tại Hàn Quốc thì mỡ thường nhô ra nhiều nhất ở vùng bên dưới, chính giữa của mí mắt.

1.3.6 Cơ chế bảo vệ giác mạc

Sự linh hoạt của mắt và hiện tượng Bell (sự chuyển động lên trên của nhãn cầu khi nhắm mắt) cần được kiểm tra cẩn thận trước ca phẫu thuật. Ngoài ra còn cần đảm bảo mí mắt đóng lại hoàn toàn khi nhắm mắt. Nếu hiện tượng Bell hoạt động kém thì khách hàng có thể bị viêm giác mạc hoặc loét giác mạc sau khi phẫu thuật cắt mí.

1.3.7 Sự tiết nước mắt

Nếu như gặp phải hiện tượng kích ứng, khó chịu ở mắt thì có khả năng nguyên nhân là do có các vấn đề về sự tiết nước mắt ví dụ như chứng khô mắt. Thời gian vỡ màng film nước mắt, chứng hở mi và các triệu chứng khô mắt cần được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cắt mí. Nếu không, tình trạng khô mắt có thể trở nên trầm trọng hơn sau phẫu thuật, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Những bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm với những vấn đề này có thể cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa. Ngoài ra, bác sĩ cần cho khách hàng biết rằng phương pháp cắt mí không thể điều trị được các triệu chứng kể trên và thậm chí còn làm cho vấn đề thêm nặng hơn. Sau khi thảo luận kỹ về các yếu tố rủi ro thì khách hàng sẽ đưa ra quyết định có phẫu thuật cắt mí hay không.

1.3.8 Vị trí tuyến lệ

Tuyến lệ nằm ở phía đuôi mắt, ngay bên dưới bờ ổ mắt và thường không thể nhìn thấy được khi tiến hành phẫu thuật. Khi lão hóa, cấu trúc mô liên kết hỗ trợ tuyến lệ bị mỏng đi khiến cho nó bị sa và có thể gây nhầm lẫn với thoát vị mỡ, đặc biệt là ở những người có da dày bên trên tuyến lệ và tình trạng sa tuyến lệ này thường rất dễ bị bỏ qua.

1.3.9 Nếp nhăn mí mắt

Một số dấu hiệu lão hóa điển hình ở vùng quanh mắt là các nếp nhăn ngang và dọc do cơ mảnh khảnh và cơ mày gây ra ở vùng giữa hai đầu lông mày cùng với các đường chân chim do cơ vòng mi gây ra ở đuôi mắt. Những nếp nhăn này có thể được xóa bỏ phần nào với phương pháp cắt mí, nhưng đa phần thì sẽ vẫn cần tiêm thêm chất làm đầy hoặc botulinum toxin.

1.3.10 Kết cấu bề mặt da và độ dày của da

Những thay đổi về kết cấu bề mặt da do lão hóa ở mỗi người là khác nhau nhưng thường tỉ lệ thuận với mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.13Sự mỏng đi của lớp biểu bì và suy giảm lượng collagen khiến cho da mất đi độ đàn hồi. Ngoài ra, tình trạng mất mỡ, cùng với tác động của trọng lực và sự chùng nhão của cơ dẫn đến sự hình thành các nếp nhăn động và tĩnh. Ở những người có da dày thì nên tạo nếp mí ở vị trí thấp và cắt bỏ da ở mức tối thiểu.

1.4 Quy trình phẫu thuật

1.4.1 Gây tê

Quy trình cắt mí có thể được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân, tiền mê hoặc gây tê tại chỗ nhưng gây tê tại chỗ là phổ biến nhất. Gần đây, phương pháp chăm sóc gây mê có theo dõi (monitored anesthesia care) được sử dụng rất phổ biến trong phương pháp cắt mí. Đây là một quy trình được lên kế hoạch từ trước, trong đó khách hàng được gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê và thuốc giảm đau. Bệnh nhân vẫn nhận thức được để đáp lại các yêu cầu của bác sĩ và chiều cao cũng như là dáng mí mắt có thể được kiểm tra khi bệnh nhân ở tư thế ngồi trong quá trình phẫu thuật. Thuốc gây tê được sử dụng là dung dịch hỗn hợp lidocaine2% và epinephrine 1:100.000, được tiêm từ từ để không gây đau và không tiêm vào lớp cơ để tránh chảy máu. Sau khi tiêm, vị trí tiêm được ấn nhẹ để ngăn ngừa áp lực và phân tán thuốc tê đều khắp vùng phẫu thuật.

1.4.2 Xác định và tạo đường rạch

Bước quan trọng nhất trong quy trình cắt mí là xác định đường rạch, đây cũng là bước xác định lượng da và cơ cần cắt bỏ. Chú ý, da thừa ở bên trái và phải có thể khác nhau nên phải cắt sao cho lượng da còn lại ở giữa chân mày và mí mắt đều cân bằng nhau ở cả hai bên chứ không được cắt đi lượng da giống nhau (hình 14.7). 

Sau khi xác định đường rạch khi bệnh nhân nằm ngửa, đưa bệnh nhân về tư thế ngồi. Bác sĩ nhéo da lên và xác định da thừa cần cắt bỏ trong khi bệnh nhân nhắm và mở mắt. Khi nhéo da lên để cắt thì mí mắt sẽ bị hở khoảng 1mm và hơi lật ra ngoài. Cần lưu ý chừa lại ít nhất 15mm da giữa chân mày và nếp mí. Trong trường hợp tạo mắt hai mí thì cần tạo nếp mí với chiều cao đều nhau ở hai bên mắt. Đường rạch thường được đánh dấu ở độ cao 4 –7mm tính từ bờ mi và không nên cao quá 10mm. Nếu như bệnh nhân muốn mí mắt thật tự nhiên thì đường rạch có thể được tạo gần hơn với bờ mi. Nếu mí bị sụp ở phần đuôi mắt thì có thể kéo dài đường rạch về phía đuôi nhưng không được quá 1cm tính từ góc đuôi mắt. Với đường rạch này thì phần đuôi mắt sẽ bị cắt đi nhiều da hơn so với phần giữa và phần trong.

Bác sĩ sử dụng kẹp phẫu tích không mấu để nhíu và đánh dấu da thừa. Sau đó, tiêm dung dịch lidocaine2% và epinephrine 1:100.000vào bên dưới da dọc theo đường đã đánh dấu và tạo đường rạch bằng lưỡi dao mổ số 15 hoặc kéo. Gần đây, laser CO2và sóng radiofrequency cũng được sử dụng làm công cụ cắt rạch để hạn chế chảy máu.

1.4.3 Cắt da thừa

Da và cơ vòng miđược rạch và bóc tách khỏi vách hốc mắt (hình 14.8). Sau đó, phần da và cơ này được cắt bỏ cùng một lúc (thành một lớp liền nhau). Kỹ thuật cắt da –cơ này gây chảy máu ít hơn và cũng dễ bảo vệ được vách hốc mắt hơn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cần cẩn thận không gây tổn thương đến vách hốc mắt.

1.4.4 Lấy mỡ

Lúc này, mỡ hốc mắt sẽ lộ ra ở đằng sau lớp vách hốc mắt mỏng. Mỡ sẽ nhô lên khi ấn nhẹ lên nhãn cầu (hình 14.9a). Khi rạch vách hốc mắt, chú ý tạo đường rạch bên trên vị trí mà cân cơ nâng mi và vách hốc mắt bắt đầu hợp nhất.Dùng bồ cào 4 răng đặt vào mép bên trên của đường rạch và nhẹ nhàng kéo lên trên trong khi yêu cầu bệnh nhân nhắm và mở mắt. Sau đó sẽ nhìn thấy một đường lõm,đây là đường mà cân cơ nâng mi và vách hốc mắt bắt đầu hợp nhất. Đường rạch cần được tạo ở bên trên đường lõm nhau này để tránh gây tổn hại đến cân cơ nâng mi.

Sau đó, vách hốc mắt sẽ được mở ra một phần và mỡ được cắt bỏ (hình 14.9b). Cắt mỡ hốc mắt là một bước rất cần thiết và được thực hiện tùy thuộc vào lượng mỡ bị sa hoặc tùy theo mong muốn của từng người. Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là lượng và sự phân bố của phần mỡ còn lại phải bằng nhau ở hai bên mắt. Một khi đã xác định và tách mỡ khỏi cấu trúc mô xung quanh như vách hốc mắt và cân cơ nâng mi thì dùng kìm kẹp kim mấu nhỏ kẹp lấy mỡ (hình 14.9c) và cắt bằng kéo hoặc dao đốt điện. Đốt điện lên phần mỡ còn lại trong khi vẫn tiếp tục kẹp (hình 14.9d). Sau khi đã cầm máu hoàn toàn thì có thể tháodụng cụ kẹp. Quá trình này có thể gây đau nên cần tiêm thêm thuốc gây tê trước khi loại bỏ mỡ.

1.4.5 Tạo nếp mí

Có nhiều cách khác nhau để tạo nếp mí và hai cách được sử dụng nhiều nhất là cố định da vào cơ nâng mi hoặc vào sụn mi. Chúng tôi thường chủ yếu dùng cách cố định vào sụn mi: dùng chỉ không tự tiêu như chỉ nylon 7/0, xuyên chỉ qua mép da trên, sụn mi và mép da dưới (hình 14.10). Với phương pháp cố định da với cơ nâng mi thì khâu ở giữa điểm cuối của lớp vách hốc mắt –cân cơ nâng mi và lớp mô dưới da ở mép bên dưới đường rạch.

1.4.6 Đóng đường rạch

Đường rạch được đóng lại bằng chỉ không tự tiêu 6/0 hoặc 7/0 và vết mổ được bôi thuốc mỡ kháng sinh (hình 14.11). Trước khi khâu đóng đường rạch, bệnh nhân sẽ cùng với bác sĩ kiểm tra kỹ đường nét, sự cân đối cũng như là chiều cao của nếp mí. Chú ý không khâu phải vách hốc mắt.

1.4.7 Chăm sóc hậu phẫu

Sau khi phẫu thuật cắt mí, cần chườm đá trong suốt 48 tiếng đầu tiên để hạn chế chảy máu và sưng phù. Ở những người không bị tiểu đường thì có thể tiêm steroid để giảm viêm và sưng phù. Chỉ thường được tháo bỏ sau 5 -7 ngày.

1.5 Những điều quan trọng cần lưu ý

  1. Xác định đường rạch là bước quan trọng nhất trong phương pháp cắt mí. Khi xác định lượng da và cơ cần cắt thì phải chú ý làm sao để phần da còn lại giữa chân mày và bờ mí ở hai bên mắt đồng đều nhau chứ không được cắt một lượng da giống nhau ở cả hai bên.
  2. Trong trường hợp cần tạo nếp mí cho người mắt một mí thì đường rạch được tạo ở vị trí cách bờ mí 4 –7mm, không cao quá 10mm.
  3. Mỡ được cắt bỏ sau khi kéo lên bằng kìm kẹp kim mấu nhỏ và lượng mỡ còn lại được đốt điện trong khi vẫn giữ nguyên kẹp. Sau khi đã cầm máu thì có thể tháo dụng cụ kẹp.
  4. Ở bước cuối của ca phẫu thuật, bệnh nhân cùng bác sĩ kiểm tra đường nét, sự cân đối và chiều cao của nếp mí.

1.6 Các vấn đề và cách xử lý

Có nhiều kỹ thuật cắt mí khác nhau và tất cả đều có đi kèm với biến chứng hay các vấn đề không mong muốn nhưng đây đều là những vấn đề hoàn toàn có thể tránh được. Dưới đây là một số biến chứng và vấn đề phổ biến nhất của phương pháp cắt mí, kèm theo cách phòng tránh và xử lý.

1.6.1 Không khắc phục được hết vấn đề hoặc bệnh nhân không hài lòng

Đôi khi, vấn đề ban đầu có thể khôngđược khắc phục hoàn toàn sau khi cắt mí hoặc đã khắc phục được nhưng kết quả vẫn không đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân. Mặc dù ở người lớn tuổi thì mục đích chính của phương pháp cắt mí là giúp đôi mắt mở to hơn, giải quyết vấn đề tầm nhìn bị che khuất do sụp mí nhưng phần lớn mọi người vẫn có yêu cầu cả về tính thẩm mỹ nữa. Điều quan trọng là trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần thảo luận và giải thích để khách hàng có kỳ vọng thực tế về kết quả mà mình sẽ có được. Thông thường nếp mí cao quá 7 –8mm sẽ gây mấttự nhiên đối với người Châu Á, kể cả ở nữ giới. Nếp mí thấp, khoảng 3 –4mm sẽ tự nhiên hơn.

1.6.2 Mí mắt không cân hoặc không tự nhiên

Trước khi phẫu thuật, hai mí mắt có thể vốn đã không cân nhau nhưng không lộ rõ lắm do da chảy xệ và nhiều người còn không nhận thấy điều này. Trong những trường hợp này thì bác sĩ cần cẩn thận để làm sao tạo được sự cân đối tối đa sau phẫu thuật thay vì cắt bỏ cùng một lượng da và mỡ ở cả hai bên. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần chú ý đến vị trí của chân mày vì chân mày lệch cũng có thể khiến mí mắt không đều sau khi cắt mí hoặc không khắc phục được hết vấn đề. Quy trình cắt mí nhằm mục đích khắc phục các vấn đề lão hóa thường gồm có bước chỉnh sửa cân cơ nâng mi và việc khâu cân cơ nâng mi với sụn mi có thể dẫn đến kết quả không đều hoặc không tự nhiên. Vì thế, để tránh xảy ra vấn đề này thì cần hết sức chú ý trong bước khâu cố định.

1.6.3 Cắt quá nhiều da

Cắt bỏ quá nhiều da là một vấn đề nghiêm trọng và rất khó khắc phục. Khi cắt mí, cần giữ lại khoảng 20mm da để duy trì chức năng bình thường của mí mắt trên. Nếu như chân mày bị xệ thì bác sĩ cần thảo luận với khách hàng để quyết định xem có muốn nâng chân mày/căng da trán hay không. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả nâng chân mày mà xác định lượng da thừa cần cắt.

1.6.4 Hở mi

Hở mi không phải là một biến chứng nhưng cũng là một trong những vấn đề khá phổ biến sau khi cắt mí, đặc biệt là ở những người mà chức năng cơ nâng mi đã bị suy giảm. Vấn đề này thường xảy ra trong giai đoạn đầu sau cắt mí, có thể cải thiện bằng thuốc nhỏ bôi trơn mắt và thuốc mỡ tra mắt, sẽ tự khỏi sau một thời gian mà không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong những trường hợp hở mi và viêm giác mạc nghiêm trọng do cắt đi quá nhiều da thì có thể cần phải ghép da.

1.6.5 Xuất huyết hốc mắt

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu,aspirin và thuốc chống viêm không steroidlà những loại thuốc được nhiều người lớn tuổi sử dụng. Bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng bệnh sử của khách hàng và đưa ra lời khuyên về việc tạm ngừng sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự đông máu. Ngoài ra còn phải đảm bảo huyết áp của khách hàng ở mức bình thường cả trước và trong khi phẫu thuật. Một điều quan trọng nữa là phải xác định chính xác cấu trúc mạch máu ở mí mắt trên. Trong quá trình cắt và đốt điện mỡ hốc mắt thì vẫn luôn phải giữ bằng kìm kẹp kim và sau khi nới lỏng thì phải đảm bảo chắc chắn rìa của phần mỡ còn lại đã ngừng chảy máu. Nếu không thì sẽ dẫn đến hiện tượng xuất huyết sau nhãn cầu và chèn ép lên dây thần kinh thị giác, gây suy giảm thị lực. Nếu nghi ngờ xảy ra hiện tượng này thì cần mở lại vết mổ để kiểm tra và can thiệp ngay lập tức.

1.6.6 Bệnh giác mạc

Cắt mí trên có thể ảnh hưởng đến chức năng chớp mắt và khiến cho tình trạng khô mắt trước đó trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Vì thế, bác sĩ phải kiểm tra thời gian vỡ màng film nước mắt và hiện tượng Bell (khả năng dịch chuyển lên trên của nhãn cầu khi nhắm mắt) trước khi cắt mí. Nếu bị khô mắt thì cần phải điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật.

1.6.7 Tổn thương tuyến lệ

Sa tuyến lệ có thể xảy ra từ trước khi cắt mí nhưng lại không được phát hiện. Nếu như phát hiện ra trong khi phẫu thuật thì cần đưa tuyến lệ về lại vị trí bình thường bằng cách cố định vào màng xương xung quanh và cẩn thận để tránh cắt phải. Tuyến lệ bình thường có màu hồng nhạt, được tạo nên từ cácthùy nhỏ và chắc hơn so với mỡ. Nếu vấn đề sa tuyến lệ không được xử lý thì sau khi cắt mí, phần đuôi mí mắt sẽ vẫn bị sụp. Nếu sau khi phẫu thuật mới phát hiện ra sa tuyến lệ thì khách hàng có thể cần quay lại để được khắc phục.

1.6.8 Nếp mí quá cao

Ở người Châu Á, mắt thường không có nếp mí hoặc nếp mí thấp. Ở những người có mắt một mí thì trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần thảo luận với khách hàng và quyết định xem ngoài việc khắc phục các vấn đề lão hóa quanh mắt ra thì có cần tạo nếp mí không và nếu có thì cần tạo ở vị trí cao bao nhiêu, tránh tạo quá cao và gây mất tự nhiên. Khách hàng có thể dùng tăm để thử và xác định vị trí nếp mí mà mình mong muốn.

1.6.9 Hốc mắt trũng

Cắt bỏ mỡ quá mức là điều hoàn toàn có thể tránh được trong ca phẫu thuật cắt mí. Ngày nay,đa số mọi người đều muốn có mí mắt tự nhiên, trẻ trung và hơi đầy đặn một chút thay vì một đôi mắt trũng sâu. Vì thế, việc loại bỏ mỡ cần được thực hiện chính xác, tránh cắt bỏ đi toàn bộ lượng mô mỡ ở mí mắt. Hơn nữa, cắt quá nhiều mỡ còn có thể gây nên tình trạng mắt nhiều mí, có nghĩa là có nhiều nếp gấp trên da và rất khó sửa lại do sự liên kết chắc chắn giữa cơ nâng mi và cơ vòng mi.

1.7 Các trường hợp thực tế

Trường hợp 1

Một bệnh nhân 65 tuổi muốn cắt mí nhưng không cần tạo nếp mí quá rõ mà chỉ muốn khắc phục sụp mí và tạo mắt hai mí thật tự nhiên để cải thiện tầm nhìn (hình 14.12a). Hai bên chân mày đều nhau và chỉ vị thoát vị mỡ hốc mắt rất nhẹ. Vấn đề chính là sụp mí, gây cản trở tầm nhìn và chàm (eczema) ở vùng đuôi mắt.Trong ca phẫu thuật, da thừa, bao gồm cả phần da xệ ở vùng đuôi mắt được cắt bỏ một cách cẩn thận, để lại phần da cân bằng nhau ở hai mắt.Sau khi cắt da và tạo nếp mí thấp, bệnh nhân đã có thể nhìn rõ hơn và vùng chàm ở đuôi mắt cũng biến mất. (Hình 14.12b)

Trường hợp 2

Một bệnh nhân nam 59 tuổi không có nhu cầu tạo mắt hai mí mà chỉ muốn loại bỏ da chảy xệ ở mí mắt (hình 14.13). Trong ca phẫu thuật, một phần da và cơ khá lớn được cắt bỏ cẩn thận ở vùng đuôi mắt. Sau đó,đường rạch được đóng lại bằng mũi khâu liền mà không tạo nếp mí. (hình 14.13b).

Trường hợp 3

Một bệnh nhân nữ 72 tuổi muốn khắc phục sụp mí và cải thiện vùng bị chàm quanh mắt (Hình 14.14a). Ảnh chụp trước khi phẫu thuật cho thấy hai chân mày không cân và mí mắt phải bị sụp nhiều hơn nhưng trước khi được tư vấn thì khách hàng không hề nhận thấy điều này. Sau khi được tư vấn kỹ thì khách hàng muốn tạo nếp mí nhưng phải tự nhiên và làm cho mắt trẻ trung hơn. Phương án phẫu thuật là cắt bỏ da chảy xệ, bao gồm cả da ở vùng ngoài đuôi mắt và tạo nếp mí cao khoảng 6mm tính từ bờ mi với kỹ thuật cố định vào sụn mi bằng chỉ không tự tiêu. Ngoài ra, còn kéo caocân cơ nâng mi.Sau khi cắt mí, khách hàng thấy thoải mái hơn khi nhìn và vùng da bị chàm ở đuôi mắt cũng như sự không cân ở hai chân mày cũng được cải thiện (hình 14.14b).

 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633