Nôn nghén khi mang thai: nguyên nhân và cách cải thiện triệu chứng
Nguồn: Giáo trình Sản phụ khoa - Tập 1: Sản khoa.
Đại học Huế - Trường ĐH Y Dược
Đồng chủ biên:
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy,
GS.TS. Cao Ngọc Thành,
PGS.TS. Lê Minh Tâm,
PGS.TS. Trương Thành Vinh,
Cùng nhiều tác giả tham gia biên soạn.
1 ĐẠI CƯƠNG
Nôn do thai được định nghĩa là sự xuất hiện những cơn buồn nôn đơn thuần hay kết hợp với vài lần nôn vào lúc đầu của thai kỳ. Thống kê cho thấy, khoảng 70% trường hợp xuất hiện triệu chứng buồn nôn ở tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ, 10% trường hợp xuất hiện triệu chứng đến tuần thứ 16, thậm chí kéo dài đến suốt thai kỳ. Ở những thai phụ có cơ địa nhạy cảm, tình trạng buồn nôn, nôn có thể xảy ra nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát.
Tình trạng ốm nghén thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng đầu thai kỳ. Dựa vào mức độ của các triệu chứng gặp phải mà nghén được chia thành hai loại:
Cơn nghén thông thường: Khoảng 80% thai phụ bị nghén ở dạng này. Trong thai kỳ, thai phụ luôn thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải, vẫn còn giữ thức ăn bên trong dạ dày. Do đó, thai phụ không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Sau khoảng 12 tuần sẽ thấy triệu chứng nôn ói giảm dần.
Cơn nghén nặng (hyperemesis gravidium): Khoảng 1 - 1,5% thai phụ bị nghén nặng. Thai phụ thường xuyên nôn ói với mức độ trầm trọng khiến thức ăn bị tống ra hết bên ngoài, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, kết hợp với tình trạng chán ăn do ốm nghén khi mang thai khiến thai phụ sút cân, hay mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm toan, suy nhược và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.
2 NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Cơ chế bệnh sinh của buồn nôn và nôn khi mang thai chưa hoàn toàn được rõ và có thể do nhiều yếu tố. Các giả thuyết chính được đưa ra như sau:
2.1 Tâm lý và sự biến đổi trong thai kỳ
Liệu nhân cách hoặc rối loạn tâm thần có dẫn đến nôn nặng như đã được đề cập trong y văn trong nhiều năm. Hai giả thuyết được chấp nhận rộng rãi đã được đề xuất để giải thích cho nôn do thai như là biểu hiện của bệnh lý tâm thần học, đó là (1) giả thuyết phân tích tâm lý mô tả nôn nặng như một rối loạn bản thể và (2) sự đáp ứng kém của người phụ nữ với stress quá mức trong cuộc sống. Cũng có thể nói nôn do thai là một sự thích nghi thích ứng được tạo ra để bảo vệ người mẹ và thai nhi khỏi những thức ăn có thể gây nguy hiểm tiềm ẩn. Giả thuyết này có thể giải thích sự không ưa thích tạm thời đối với mùi vị mà thai phụ đã tiếp xúc. Những người ủng hộ lý thuyết thích nghi cho thấy nôn do thai là một phản ứng có lợi, có tính bảo vệ. Tuy nhiên, ứng dụng lâm sàng của lý thuyết này có thể dẫn đến việc điều trị không đầy đủ cho những phụ nữ có chất lượng cuộc sống giảm do nôn nặng.
2.2 Thay đổi nội tiết tố
2.2.1 hCG
Do mối liên quan mật thiết về thời gian giữa nồng độ đỉnh của hCG với đỉnh điểm của nôn do thai nên sự tăng dần hCG do nhau thai tiết ra đã được xem là nguyên nhân có nhiều khả năng gây ra kích thích nôn. Vai trò của hCG cũng được gọi ý bởi hầu hết các nghiên cứu về hormone tuyến giáp trong thai kỳ cho thấy có mối liên quan giữa cường giáp thoáng qua và nôn nặng. Rõ ràng hCG là chất kích thích tuyến giáp khi mang thai; vì bản thân cường giáp hiếm khi gây nôn, nên phát hiện này tập trung vào hCG và mối liên quan của nó với nôn. Trong nhiều nghiên cứu so sánh nồng độ hormone ngoài tuyến giáp ở phụ nữ có và không có nôn, chỉ có hCG và Estradiol đã được tìm thấy mối liên quan. Mức độ kích thích của hCG có thể khác nhau bởi tình trạng nhau thai làm tăng nồng độ của hCG (ví dụ: mang thai nhiều lần hoặc thai trứng) và bởi tương tác receptor làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hormon.
2.2.2 Estrogen và progesterone
Nồng độ estrogen và Progesterone trong huyết thanh tăng cao có thể liên quan đến cơ chế bệnh sinh của những rối loạn này. Các hormone liên quan đến thai kỳ làm giãn cơ trơn và do đó làm chậm thời gian vận chuyển qua đường tiêu hóa và có thể làm thay đổi quá trình làm rỗng dạ dày. Mặc dù một số bằng chứng ủng hộ vai trò của hormone đối với mức độ nghiêm trọng của buồn nôn và nôn khi mang thai, đặc biệt là đối với estrogen, nhưng thực tế là nồng độ hormone sinh dục đạt đỉnh trong quý thứ ba, rất lâu sau khi các triệu chứng buồn nôn và nôn mửa hoặc nôn nặng đã điều trị, là không phù hợp với lý thuyết này.
Vai trò của một số hormone khác trong cơ chế bệnh sinh của chứng nôn nghén đã được nghiên cứu, nhưng chưa có kết luận thống nhất.
2.2.3 Nhu động đường tiêu hóa bất thường
Nhu động dạ dày có thể bất thường (chậm hoặc loạn) ở những phụ nữ bị nôn nghén. Các nghiên cứu giải thích rối loạn nhu động đã nêu các ý kiến trái ngược nhau, cho thấy rằng những bất thường này không có khả năng tiên đoán cao về bệnh.
Cơ vòng thực quản dưới bị giãn ra khi mang thai dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ngày càng nhiều, dẫn đến chứng ợ nóng và buồn nôn ở một số người. Tuy nhiên, nếu đây là cơ chế gây nôn, các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn khi thai kỳ tiến triển về các tháng sau, thay vì cải thiện.
2.2.4 Helicobacter pylori
Nhiễm trùng có thể đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh ở một số trường hợp. Trong một số phân tích tổng hợp các nghiên cứu dịch tễ học ghi nhận mối liên hệ có ý nghĩa giữa nhiễm H. pylori và triệu chứng buồn nôn và nôn khi mang thai lần đầu với nhóm chứng không có triệu chứng (OR 3,21, KTC 95%: 2,01 - 5,10). Tuy nhiên, các nghiên cứu không đồng nhất và hầu hết không phân biệt giữa nhiễm khuẩn đang hoạt động và người mang vi khuẩn H. pylori.
2.2.5 Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền liên quan đến buồn nôn và nôn khi mang thai và chứng nôn nặng được đề cập dựa trên quan sát nguy cơ tăng chứng nôn nghén ở những người có người thân (mẹ, dì, chị em gái) bị ảnh hưởng bởi chứng buồn nôn hoặc nôn nặng. Tỷ lệ nôn nghén gần như tương tự nhau ở những phụ nữ có thai từ một người chồng hay khi có thai với người chồng khác. Điều này cho thấy yếu tố mẹ đóng một vai trò quan trọng và có thể liên quan đến yếu tố di truyền của mẹ.
Nguyên nhân | Những dấu hiệu gợi ý | Phương pháp chẩn đoán |
Sản khoa | ||
Ốm nghén (buồn nôn và nôn mửa không biến chứng) | Các triệu chứng nhẹ, không liên tục ở những thời điểm khác nhau, trong ngày, chủ yếu là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Các dấu hiệu sinh học bình thường và thể chất bình thường. | Chẩn đoán loại trừ |
Chứng ốm nghén nặng | Nôn và buồn nôn liên tục, kéo dài, không có khả năng ăn uống chất lỏng, thức ăn hoặc cả hai. Thông thường, có các dấu hiệu mất nước (nhịp tim nhanh, khô miệng khát), giảm cân | Xeton niệu, chất điện giải huyết thai, Mg BUN, Creatinin. Nếu tình trạng này vẫn tồn tại, có thể phải xét nghiệm chức năng gan, siêu âm khung chậu |
Thai trứng | Kích thước tử cung lớn hơn so với tuổi thai, không có tim thai và cử động thai. Đôi khi tăng huyết áp, chảy máu âm đạo, tổ chức như chùm nho tại cổ tử cung. | Đo huyết áp, định lượng hCG, siêu âm tiểu khung sinh thiết. |
Không phải sản khoa | ||
Viêm dạ dày ruột | Cấp tỉnh, thường kèm theo tiêu chảy. Bụng bình thường (mềm, không đau, không chướng) | Đánh giá lâm sàng |
Tắc ruột | Cấp tính, nhưng xảy ra ở những bệnh nhân phẫu thuật bụng. Đau bụng, táo bón và bụng căng chướng. Có thể gặp ở bệnh nhân viêm ruột thừa. | Chụp bụng không chuẩn bị siêu âm và có thể CT (nếu kết quả chụp X quang và siêu âm không tương đồng) |
2.2.6 Các yếu tố khác
Một số giả thuyết khác giải thích chứng nôn nghén được đề xuất, bao gồm thiếu hụt chất dinh dưỡng đặc hiệu (ví dụ, Kẽm, vitamin B6), thay đổi nồng độ lipid, thay đổi hệ thần kinh tự chủ và rối loạn điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, phương diện tâm lý học đã chỉ ra rằng buồn nôn có thể là một triệu chứng trầm cảm, mặc dù trầm cảm cũng có thể là một phản ứng của nên mức độ nặng hoặc kéo dài. Dù vậy, những lý thuyết này không chứng minh được liên kết nhất quán hoặc có tính tiên đoán cao về căn bệnh này.
Mức độ bất thường của hormon tuyến giáp cũng đã được báo cáo ở phụ nữ bị nôn nghén, mặc dù quan hệ nhân - quả vẫn còn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng nôn nặng hơn khi lượng đường máu thấp.
3 ẢNH HƯỞNG CỦA BUỒN NÔN VÀ NÔN TRONG THAI KỲ
3.1 Ảnh hưởng đến thai phụ
Mặc dù tử vong do nôn nặng gần đây hiếm gặp, nhưng các tình trạng bệnh nặng như bệnh não Wernicke, đứt lách, vỡ thực quản, tràn khí màng phổi, hoại tử ống thận cấp đã được báo cáo. Bệnh não Wernicke (do thiếu vitamin B1) có liên quan đến nôn nghén nặng dẫn đến tử vong mẹ và khuyết tật thần kinh vĩnh viễn.
Ngoài nguy cơ tăng khả năng nhập viện, một số phụ nữ còn phải trải qua các vấn đề về tâm lý xã hội do nôn nặng, dẫn đến quyết định cần chấm dứt thai kỳ. Một số phản ứng tâm lý của sản phụ bị nôn nặng ở giai đoạn bán cấp như trầm cảm, rối loạn bản thể và chứng lo sợ quá mức.
3.2 Ảnh hưởng đến thai nhi
Ảnh hưởng của tình trạng nôn nghén ở người mẹ đến phôi và thai nhi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nôn nghén mức độ từ nhẹ đến trung bình ít ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ. Kết quả thường được sử dụng nhiều nhất để đánh giá là tỷ lệ trẻ nhẹ cân (LBW). Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhận thấy không có sự gia tăng của LBW khi có tình trạng NVP. Ngược lại, ở phụ nữ nôn nghén nặng đã cho thấy có sự gia tăng của LBW, tình trạng thai nhỏ hơn so với tuổi thai và trẻ sinh non. Trong một nghiên cứu khác, 6,4% trong 81.486 phụ nữ mang thai con so, đơn thai đã trải qua buồn nôn và nôn có LBW, sinh non và tăng huyết áp thai kỳ.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ sẩy thai thấp hơn ở phụ nữ có nôn nghén nặng so với nhóm chứng. Nôn nặng không có khả năng liên quan đến sự gia tăng nguy cơ dị tật ở trẻ. Sức khỏe lâu dài của trẻ hoặc sản phụ sau thai kỳ có tình trạng nôn nặng ít được biết. Mặc dù một số trường hợp tử vong thai nhi vẫn được báo cáo với tình trạng nôn nặng nhưng tỷ lệ này rất hiếm. Cần tư vấn cho sản phụ sự xuất hiện của nôn do thai ngay cả nôn nghén nặng thường báo trước một thai kỳ có dự hậu tốt.
4 TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN
Cần lưu ý đặc biệt những điểm sau:
Khởi phát và thời gian nôn.
Các yếu tố làm trầm trọng thêm hay giảm bớt.
Chất nôn (ví dụ: máu, nước, mật) và số lượng nôn ra.
Tần suất (theo đợt hoặc liên tục).
Các triệu chứng liên quan quan trọng bao gồm tiêu chảy, táo bón, và đau bụng. Nếu có đau, cần tìm điểm đau, hướng lan và mức độ đau. Nên hỏi về những tình huống mang tính chất xã hội có thể ảnh hưởng đến thai phụ như lý do xã hội và gia đình (liệu cô ấy có phải làm việc hay phải chăm con).
Khám toàn thân để tìm kiếm các nguyên nhân không do sản khoa gây buồn nôn và nôn, bao gồm sốt hoặc ớn lạnh, đặc biệt nếu đi kèm với đau bên sườn hoặc các triệu chứng không đặc hiệu (do nhiễm khuẩn tiết niệu hay viêm thận bể thận), và các triệu chứng thần kinh như nhức đầu, suy nhược, không tập trung và nhầm lẫn (đau nửa đầu hoặc xuất huyết não).
Tiền sử y khoa bao gồm nghén hoặc nghén nặng trong những lần mang thai trước đây. Quan tâm về tiền sử phẫu thuật bao gồm các phẫu thuật ổ bụng trước đây để loại trừ trường hợp tắc ruột cơ học.
Kiểm tra các loại thuốc mà bệnh nhân dùng (ví dụ, các hợp chất chứa sắt, thuốc nội tiết) để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc trong lúc mang thai.
Các triệu chứng thường bắt đầu khi tuổi thai được 5 - 6 tuần, đỉnh điểm là khoảng
9 tuần và thường giảm dần sau 16 - 20 tuần. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể tiếp tục cho đến quý 3 ở 15 - 20% phụ nữ và cho đến khi sinh khoảng 5%. Khoảng 60% phụ nữ biểu hiện trong khoảng 6 tuần. Nếu nôn bắt đầu vào nửa sau của thai kỳ và/hoặc kéo dài sau sau khi sinh, thì nên tìm kiếm các nguyên nhân khác.
Trên lâm sàng tùy theo mức độ để chia nôn nhẹ và nôn nặng:
4.1 Nôn nhẹ
Loại này thường gặp hơn. Sau khi tắt kinh vài tuần thai phụ cảm thấy tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn vào buổi sáng, hoặc khi ăn hoặc ngửi thấy thức ăn lạ. Toàn thân ít thay đổi, có thể bị sút ít. Nghén thường tự khỏi lúc thai 14 - 16 tuần.
4.2 Nôn nặng
Hay còn gọi là nôn không cầm được, điều trị khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ.
Bệnh cảnh có thể bắt đầu từ nôn nhẹ hay đột ngột, và có thể chia làm 3 thời kỳ:
Thời kỳ nôn: nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, nôn ra cả mật xanh, mật vàng.
Thời kỳ suy dinh dưỡng: do hậu quả của nôn dẫn đến suy dinh dưỡng và mất nước. Bệnh nhân gầy mòn, mắt lõm, da nhăn nheo, bụng lõm hình thuyền, mạch nhanh 100 - 120 lần/phút.
Thời kỳ biến chứng thần kinh: Đây là hậu quả của quá trình suy dinh dưỡng và mất nước kéo dài. Thai phụ lơ mơ, mê sảng, thở nhanh nông 40 - 50 lần/phút. Mạch nhanh, tiểu ít hoặc vô niệu và bệnh nhân có khi tử vong hôn mê, co giật. Thời kỳ này ngày nay hiếm gặp.
4.2.1 Xét nghiệm
Hồng cầu và HCT tăng.
Dự trữ kiềm giảm.
Ure máu tăng.
Bệnh nhân có nôn nặng, dấu hiệu mất nước, hoặc cả hai thường cần phải làm xét nghiệm. Nếu nghi ngờ bị ốm nghén nặng, cần đo keton nước tiểu; nếu các triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng hoặc kéo dài, làm xét nghiệm điện giải trong huyết thanh. Nếu tim thai không nghe rõ hoặc phát hiện qua Doppler thai, nên làm siêu âm vùng chậu để loại trừ thai trứng.
4.2.2 Chẩn đoán xác định
Buồn nôn và nôn khi có thai là những chẩn đoán lâm sàng, không có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định. Nói chung, đây là một chẩn đoán loại dựa trên sự xuất hiện đầu tiên trong giai đoạn đầu của thai kỳ với sự thuyên giảm dần qua các tuần.
Nôn nghén quá độ là giai đoạn cuối nghiêm trọng của buồn nôn và nôn, mặc dù không có sự phân định rõ ràng giữa chứng "ốm nghén" thông thường liên quan đến thai kỳ và chứng rối loạn bệnh lý ít gặp hơn này. Tiêu chuẩn thông thường để chẩn đoán nôn nghén quá độ là nôn liên tục kèm theo sụt cân vượt quá 5% trọng lượng cơ thể trước khi mang thai và keton niệu không liên quan đến các nguyên nhân khác. Ngoài ra, chẩn đoán có thể được thực hiện ở những phụ nữ bị nôn liên quan đến thai nghén xảy ra hơn 3 lần/ngày với sụt cân trên 3 kg hoặc 5% trọng lượng cơ thể và keton niệu.
4.2.3 Hệ thống thang điểm
Thang điểm Motherisk-PUQE và chỉ số Rhodes là những công cụ có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Chỉ số thang điểm Motherisk-PUQE được thiết kế đặc biệt cho phụ nữ mang thai để đánh giá các triệu chứng trong 12 giờ trước khi đánh giá lâm sàng và đã được sử dụng chủ yếu trong các nghiên cứu. Điểm PUQE sửa đổi được thiết kế để đánh giá các triệu chứng trong toàn bộ ba tháng đầu thai kỳ.
Hệ thống tính điểm dựa trên số giờ người phụ nữ cảm thấy buồn nôn, số lần nôn và số lần bị khô họng trong 12 giờ qua. Nếu điểm cao, cần đánh giá về tình trạng giảm thể tích tuần hoàn và nên kiểm tra nồng độ điện giải trong huyết thanh.
Điểm PUQE và điểm PUQE sửa đổi giúp xác định hướng dẫn xử trí buồn nôn và nôn khi mang thai trên lâm sàng, nhưng không dự đoán được diễn biến của bệnh (thay đổi cân nặng một tuần sau khi nhập viện, thời gian nằm viện và tình trạng tái phát.
| 1 điểm | 2 điểm | 3 điểm | 4 điểm | 5 điểm |
Thời gian nôn trong vòng 12 giờ | 0 | <1 giờ | 2 - 3 giờ | 4 - 6 giờ | 6 giờ |
Số lần nôn trong vòng 12 giờ | 0 | 1-2 | 3-4 | 5-6 | >7 |
Số lần bị trào ngược vòng 12 giờ | 0 | 1-2 | 3-4 | 5-6 | >7 |
| Điểm |
1. Trung bình 1 ngày, thai phụ có cảm giác buồn nôn bao nhiêu lần? | |
Không khi nào | 1 |
≤1 giờ | 2 |
2 - 3 giờ | 3 |
4 - 6 giờ | 4 |
>6 giờ | 5 |
2. Trung bình 1 ngày, thai phụ nên bao nhiêu lần? | |
Không khi nào | 1 |
1 - 2 lần | 2 |
3 - 4 lần | 3 |
5 - 6 lần | 4 |
>7 lần | 5 |
3. Trung bình 1 ngày, thai phụ trào ngược bao nhiều lần? | |
Không khi nào | 1 |
1 - 2 lần | 2 |
3 - 4 lần | 3 |
5 - 6 lần | 4 |
>7 lần | 5 |
4.2.4 Chẩn đoán phân biệt
Buồn nôn và nôn xuất hiện đầu tiên sau 10 tuần tuổi thai không có khả năng do thai kỳ, thường bắt đầu sớm hơn trong thai kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng liên chẳng hạn như buồn nôn nhiều, đau bụng, sốt, nhức đầu, dấu hiệu thần kinh bất thường, tiêu chảy, táo bón, tăng bạch cầu, bướu cổ, tăng huyết áp, cũng cho thấy có khả năng liên quan đến các chẩn đoán khác; nhiều tình trạng không liên quan đến thai kỳ có thể gây buồn nôn và nôn dai dẳng. Hiếm khi, việc sử dụng cần sa mãn tính có liên quan đến việc nôn mửa hàng ngày, đau bụng và thường xuyên tắm vòi hoa Sen trong nước nóng để làm giảm các triệu chứng (hội chứng nôn do cần sa). Việc chẩn đoán phân biệt các tình trạng này, bao gồm cả chỉ định nội soi, được xem xét riêng.
Tiền sản giật, hội chứng HELLP (tan máu, men gan cao, tiểu cầu thấp) và gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ cũng là những nguyên nhân gây buồn nôn và nôn liên quan đến thai nghén, nhưng khởi phát vào nửa sau của thai kỳ (thường là ba tháng cuối), thường có tăng huyết áp, và giảm tiểu cầu là phổ biến.
Cường tuyến cận giáp trong thai kỳ là không phổ biến, nhưng cần được xem xét, vì tăng calci máu có thể góp phần gây nôn.
Ở những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường lâu năm, kiểm soát kém, chứng rối loạn dạ dày có thể gây buồn nôn và nôn, cảm giác no sớm, no sau ăn, đau bụng hoặc chướng bụng.
Thai trứng: đa số có nôn mửa, siêu âm và hCG giúp chẩn đoán phân biệt.
Một số nguyên nhân thuộc về tiêu hóa: viêm ruột thừa, viêm dạ dày, viêm túi mật, viêm tụy, tắc ruột hay còn là một sự kết hợp một ung thư tiêu hóa và có thai.
Nguyên nhân thuộc gan: viêm gan virus, chúng thoái hóa mỡ cấp tính do thai nghén mà nếu không biết thì tiến triển của nó rất nghiêm trọng. Sau một vài tiến triển: khó chịu, buồn nôn, nôn, rồi bệnh nặng lên nhanh chóng: vàng da rồi bệnh não - gan và các biến chứng ngoài gan của nó như: thiểu năng thận, rối loạn chức năng đông chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, hội chứng HELLP.
Nguyên nhân thần kinh: viêm màng não, tăng áp lực nội sọ,... khi thăm khám một phụ nữ có thai mà có nôn cần phải soi đáy mắt để khỏi bỏ qua đến một u não mà có thể là nguyên nhân tử vong trong thai kỳ.
5 ĐIỀU TRỊ
Khi quản lý thai phụ bị buồn nôn và nôn, các mục tiêu cần đưa ra là:
Xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh: nôn đơn thuần, nôn không giảm thể tích tuần hoàn hoặc nôn có giảm thể tích tuần hoàn.
Điều chỉnh tình trạng giảm thể tích tuần hoàn, nếu có.
Giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, sau đó bắt đầu điều trị bằng thuốc, nếu cần.
Ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của nôn mửa kéo dài và giảm thể tích tuần hoàn, bao gồm các bất thường về điện giải, thiếu hụt vitamin (ví dụ, bệnh não Wernicke) và sụt cân trầm trọng.
Giảm thiểu ảnh hưởng đến thai nhi khi điều trị bằng thuốc cho mẹ.
5.1 Nôn đơn thuần
5.1.1 Thay đổi chế độ ăn uống
Bữa chính và đồ ăn nhẹ:
Các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ nên được ăn chậm và với lượng nhỏ sau mỗi 1 - 2 giờ để tránh tình trạng bụng quá no, điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng buồn nôn đối với một số phụ nữ.
Phụ nữ nên xác định xem mình dung nạp những thực phẩm nào tốt nhất và cố gắng ăn những thực phẩm đó. Các chế độ ăn kiêng giúp ích cho một số phụ nữ bao gồm loại bỏ cà phê và thức ăn cay, có mùi, nhiều chất béo, acid hoặc rất ngọt và thay vào đó tiêu thụ đồ ăn nhẹ/bữa ăn chiếm ưu thế về protein, mặn, ít béo, nhạt và/hoặc khô (các loại hạt, bánh quy, bánh quy giòn, ngũ cốc, bánh mì nướng).
Chất lỏng:
Chất lỏng nên được tiêu thụ ít nhất 30 phút trước hoặc sau khi ăn đặc để giảm thiểu ảnh hưởng của việc đầy bụng. Chất lỏng được dung nạp tốt hơn nếu lạnh, trong và có ga hoặc chua (bia gừng, nước chanh, kem que) và uống với lượng nhỏ; đôi khi sử dụng ống hút/ cốc rất nhỏ.
Tránh các tác nhân gây ra:
Cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống, tránh các tác nhân từ môi trường là biện pháp can thiệp chính để giảm buồn nôn và nôn khi mang thai. Ví dụ: về một số tác nhân gây ra bao gồm phòng kín, ngột ngạt, có mùi (ví dụ: nước hoa, hóa chất, thực phẩm, khói), nhiệt, độ ẩm, tiếng ồn và chuyển động hình ảnh hoặc vật lý (ví dụ, đèn nhấp nháy, lái xe).
Nằm xuống ngay sau khi ăn và nằm nghiêng về bên trái là những yếu tố có thể làm trầm trọng thêm vì những hành động này có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Thay đổi tư thế nhanh chóng và không được nghỉ ngơi hoặc ngủ không đủ giấc cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Đánh răng sau bữa ăn, khạc ra nước bọt và thường xuyên rửa miệng cũng có thể hữu ích. Chuyển sang một loại kem đánh răng khác có thể giúp ích cho những phụ nữ mà kem đánh răng có hương Bạc Hà mạnh là nguyên nhân kích thích.
Nên tránh các chất bổ sung có chứa Sắt cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm vì sắt gây kích ứng dạ dày và có thể gây buồn nôn và nôn. Uống vitamin trước ngủ cùng với một bữa ăn nhẹ, thay vì vào buổi sáng hoặc lúc bụng đói, cũng có thể hữu ích. Một số phụ nữ có thể dùng vitamin trước sinh dạng nhai dễ dung nạp hơn dạng viên nén hoặc viên nang. Nếu ngừng sử dụng vitamin trước khi sinh, thì nên bổ sung thêm Acid Folic (400 - 800 mcg/ngày) cho đến khi các vitamin trước khi sinh được dung nạp trở lại.
Gừng:
Chúng tôi khuyên những phụ nữ bị buồn nôn nên thử ăn các loại thực phẩm có chứa Gừng (ví dụ: kẹo mút gừng, trà gừng, thức ăn hoặc đồ uống có chứa gừng hoặc xi-rô). Trong một đánh giá có hệ thống năm 2014 và phân tích gộp 12 thử nghiệm ngẫu nhiên (n = 1.278 phụ nữ mang thai), gừng cải thiện tình trạng buồn nôn so với giả dược nhưng không làm giảm đáng kể tình trạng nôn.
5.1.2 Điều trị bằng thuốc
Pyridoxine (vitamin B6)
Pyridoxine có thể cải thiện cảm giác buồn nôn, sẵn có và có tính an toàn tốt với tác dụng phụ tối thiểu; do đó, pyridoxine như là thuốc điều trị đầu tay.
Liều khuyến cáo của pyridoxine là 10 - 25 mg uống mỗi 6 - 8 giờ; liều điều trị tối đa cho phụ nữ có thai là 200 mg/ngày. Bệnh thần kinh cảm giác đã được báo cáo khi uống pyridoxine mãn tính với liều > 500 mg/ngày, nhưng liều tích lũy lên đến 500 mg/ngày có thể an toàn cho người mẹ. Dữ liệu trên người về sự an toàn của thai nhi ở liều cao còn hạn chế. Pyridoxine 100 mg/kg không gây quái thai trong các nghiên cứu trên động vật.
Doxylamine succinate và pyridoxine
Nên kết hợp doxylamine-pyridoxine khi điều trị buồn nôn bằng pyridoxine không cải thiện được các triệu chứng. Ban đầu, kê đơn 2 viên phóng thích chậm (mỗi viên chứa doxylamine 10mg và pyridoxine 10mg) trước khi đi ngủ. Có thể tăng liều lên 4 viên/ngày, nếu cần, đối với chứng buồn nôn nghiêm trọng hơn (1 viên/sáng 1 viên/chiều, 2 viên/trước đi ngủ).
5.1.3 Các can thiệp khác
Châm cứu hoặc bấm huyệt.
Thôi miên đã được báo cáo là hữu ích ở một số bệnh nhân.
Hầu hết các phương pháp tiếp cận thuốc thay thế khác chưa được nghiên cứu nghiêm ngặt về hiệu quả hoặc độ an toàn và nên tránh sử dụng.
Liệu pháp tâm lý có thể là một liệu pháp hỗ trợ hữu ích, đặc biệt nếu các nguồn tâm lý gây lo lắng được xác định và có thể được cải thiện, đồng thời có thể giảm bớt sự lo lắng do buồn nôn, mang thai.
5.2 Nôn không giảm thể tích
5.2.1 Cách tiếp cận ban đầu
Đối với những phụ nữ có triệu chứng chính là nôn mửa nhưng không bị giảm thể tích (không buồn nôn, chóng mặt tư thế, khát nước, nhịp tim nhanh, giảm lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu; có thể giữ được một số chất lỏng), kết quả xét nghiệm (BUN, chất điện giải, cân bằng acid-bazơ) bình thường hoặc gần bình thường, một cách tiếp cận hợp lý ở những bệnh nhân này là tư vấn về việc thay đổi chế độ ăn uống và tránh kích thích, cũng như sử dụng doxylamine-pyridoxine. Nếu doxylamine-pyridoxine không hiệu quả, thì các loại thuốc khác được thêm vào theo từng bước có thể có hiệu quả.
5.2.2 Thêm thuốc kháng histamine (thuốc đối kháng H1)
Đây là thuốc thứ hai cho những phụ nữ bị nôn mửa, ít tác dụng phụ hơn đối với mẹ hoặc an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, nên tránh dùng thuốc kháng histamine ở phụ nữ dùng ondansetron hoặc các thuốc khác kéo dài khoảng QT.
Dimenhydrinate, meclizine và diphenhydramine là những thuốc kháng histamine đã được nghiên cứu rộng rãi nhất để điều trị chứng buồn nôn và nôn của thai kỳ.
Không có dữ liệu về việc sử dụng miếng dán Scopolamine cho buồn nôn và nôn khi mang thai.
Hiệu quả của thuốc kháng histamine được minh họa trong một phân tích dữ liệu tổng hợp từ các thử nghiệm có đối chứng cho thấy việc sử dụng các thuốc này làm giảm đáng kể buồn nôn và nôn liên quan đến thai kỳ (nguy cơ tương đối [RR] 0,34, KTC 95%: 0,27 - 0,43).
Cơ chế chính của thuốc kháng histamine trong điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai là ức chế trực tiếp histamine tại thụ thể H1. Cơ chế thứ cấp là tác động gián tiếp lên hệ thống tiền đình bằng cách giảm kích thích trung tâm nôn mửa. Ngoài ra, những tác nhân này ức chế thụ thể muscarinic, có thể làm trung gian cho phản ứng nôn.
Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này bao gồm an thần, khô miệng, choáng váng và táo bón.
Diphenhydramine
Diphenhydramine có thể được dùng từ 25 - 50 mg uống mỗi 4 - 6 giờ, nếu cần. Nó cũng có thể được tiêm tĩnh mạch 10 - 50 mg sau mỗi 4 - 6 giờ, nếu cần. Diphenhydramine thường được sử dụng trong thai kỳ để điều trị buồn nôn và nôn cũng như các triệu chứng dị ứng (viêm mũi, ngứa) và mất ngủ; không phải là chất gây quái thai.
Dimenhydrinate
Dimenhydrinate có thể được dùng 25 - 50 mg uống mỗi 4 - 6 giờ. Nếu không 50 mg dimenhydrinate được tiêm tĩnh mạch trong 20 phút hoặc 50 - 100 mg đường trực tràng mỗi 4-6 giờ, nếu cần; tổng liều không quá 400 mg/ngày. Nếu người phụ nữ mới dùng doxylamine, tổng liều dimenhydrinate không được vượt quá 200 mg/ngày. Dữ liệu an toàn hiện có đảm bảo rằng nó không phải là chất gây quái thai.
Meclizine
Meclizine được sử dụng chủ yếu để kiểm soát chứng say tàu xe và chóng mặt. Meclizine có thể được cho 25 mg uống mỗi 4 - 6 giờ. Meclizine đã gây ra chứng hở hàm ếch ở chuột nhưng ở mức độ phơi nhiễm cao hơn nhiều so với những người được sử dụng trong điều trị. Dữ liệu trên người về mối liên quan giữa khe hở vòm và meclizine ở ba nghiên cứu lớn không cho thấy tăng nguy cơ dị tật.
5.2.3 Thêm chất đối kháng dopamine
Một số loại chất đối kháng thụ thể dopamine có thể được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai. Ba nhóm chính là benzamide (metoclopramide), phenothiazines (promethazine và prochlorperazine), và butyrophenones (droperidol).
Việc sử dụng các loại thuốc này dựa trên quan sát rằng cơ chế dopaminergic có liên quan đến việc điều hòa nhu động đường tiêu hóa. Trong dạ dày, chất chủ vận thụ thể dopamine ức chế nhu động dạ dày, ngược lại các chất đối kháng thụ thể dopamine kích thích nhu động dạ dày và làm rỗng và do đó có tác dụng chống nôn. Phong tỏa các thụ thể dopamine 2 cũng xuất hiện để ngăn chặn tín hiệu nôn.
Metoclopramide
Metoclopramide 5 - 10 mg uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp (lý tưởng là 30 phút trước bữa ăn và trước khi đi ngủ) 6 - 8 giờ một lần cho các trường hợp buồn nôn và nôn khi mang thai. Trong các thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá thuốc này ở phụ nữ bị nôn, metoclopramide 10mg có hiệu quả như promethazine 25mg và ondansetron 4mg.
Trong một loạt nghiên cứu, liệu pháp phối hợp với metoclopramide và pyridoxine có hiệu quả vượt trội hơn so với đơn trị liệu với prochlorperazine hoặc promethazine trong việc giảm số lần nôn.
Trong các nghiên cứu thuần tập lớn, thai kỳ tiếp xúc với metoclopramide trong ba tháng đầu của thai kỳ không làm tăng đáng kể nguy cơ dị tật bẩm sinh nặng, sẩy thai hoặc thai chết trong tử cung so với nhóm chứng không sử dụng.
Các tác dụng phụ đối với mẹ là một mối quan tâm, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Metoclopramide chiếm gần 1/3 các trường hợp rối loạn vận động do thuốc; loạn trương lực cơ phổ biến hơn với promethazine so với metoclopramide (14/73 [19,2%] so với 4/70 [5,7%]). Phát hiện sớm và ngừng metoclopramide là rất quan trọng để ngăn ngừa rối loạn vận động vĩnh viễn.
Metoclopramide có thể có hiệu quả trong trường hợp liệt dạ dày do tiểu đường tuy nhiên, mức độ chậm làm rỗng dạ dày liên quan đến buồn nôn và nôn của thai kỳ không phụ thuộc vào chứng liệt dạ dày vẫn chưa được biết.
Domperidone là một tác nhân thúc đẩy khác, nhưng không có thông tin về tính an toàn hoặc hiệu quả để điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai.
Promethazine
Promethazine chủ yếu là một chất ngăn chặn thụ thể H1, nhưng nó cũng là một chất đối kháng dopamine yếu. Đường dùng an toàn nhất và ưu tiên là uống hoặc đặt trực tràng, 12,5 - 25mg mỗi 4 giờ. Nếu dùng đường tiêm, đường tiêm bắp được ưu tiên. Đường tiêm tĩnh mạch chỉ nên được sử dụng như một biện pháp cuối cùng vì tiêm vào động mạch không cẩn thận có thể dẫn đến hoại tử chi bị ảnh hưởng và cũng có liên quan đến các phản ứng thoát mạch nghiêm trọng. Chống chỉ định tiêm dưới da vì có thể gây hoại tử mô nghiêm trọng.
An toàn cho thai nhi và hiệu quả giảm buồn nôn và nôn ở người mẹ đã được bảo cáo. Nhược điểm bao gồm an thần và nguy cơ phản ứng loạn dưỡng.
Prochlorperazine
Prochlorperazine 5 - 10mg uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi sáu giờ hoặc 25mg/ lần trực tràng hai lần mỗi ngày. Thông tin an toàn còn hạn chế. Nhìn chung prochlorperazine được dung nạp tốt với các tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp, mặc dù QT kéo dài là một tác dụng phụ tiềm ẩn.
Các tác dụng phụ nhẹ thường gặp bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu và bí tiểu. Một số bệnh nhân gặp phải các triệu chứng ngoại tháp, nhưng điều này là không phổ biến.
5.2.4 Chất đối kháng serotonin
Ondansetron, Granisetron và dolasetron là những chất đối kháng chọn lọc tại thụ thể serotonin 5-hydroxytryptamine-3 (5-HT3). Nhóm thuốc này có đặc điểm an toàn - hiệu quả thuận lợi ở những người không mang thai bị buồn nôn và nôn do các nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Ondansetron
Nếu không thành công khi kết hợp hai loại thuốc uống thì có thể bắt đầu dùng ondansetron đường uống ở thai kỳ dưới 10 tuần. ACOG khuyến nghị thảo luận về dữ liệu có sẵn với bệnh nhân và cân nhắc những nguy cơ tiềm ẩn đối với hiệu quả của ondansetron trong việc điều trị buồn nôn và nôn trên cơ sở từng trường hợp ở phụ nữ mang thai dưới 10 tuần tuổi. Một số tổ chức khác đã khuyến cáo tránh sử dụng trong ba tháng đầu hoặc sử dụng như một tác nhân thứ hai vì có thể làm tăng nhỏ sứt môi và có thể có nguy cơ dị tật thông liên thất.
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ, sử dụng ondansetron làm giảm đáng kể về mặt lâm sàng cả buồn nôn và nôn so với khi kết hợp doxylamine và pyridoxine. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên khác, nó có hiệu quả hơn metoclopramide trong việc giảm nôn nhưng không giảm buồn nôn.
Ondansetron 4mg có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch bằng cách tiêm bolus mỗi 8 giờ, khi cần thiết. Tăng liều nếu cần thiết, nhưng giới hạn ở ≤ 8mg/liều.
Nhức đầu, mệt mỏi, táo bón và buồn ngủ là những tác dụng phụ liên quan đến thuốc phổ biến nhất.
Ondansetron có thể gây kéo dài QT, đặc biệt ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ rối loạn nhịp tim tiềm ẩn, chẳng hạn như tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc hội chứng QT dài, hạ kali máu hoặc hạ kali máu, suy tim, sử dụng đồng thời các thuốc dẫn đến kéo dài QT và sử dụng nhiều liều hoặc ondansetron tiêm tĩnh mạch. Theo dõi điện tim và điện giải được khuyến cáo ở những bệnh nhân này. Hội chứng serotonin là một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng liên quan đến việc sử dụng các tác nhân serotonergic và biểu hiện bằng tăng hoạt động serotonergic trong hệ thần kinh trung ương
Một nghiên cứu thuần tập hồi cứu bao gồm hơn 1,8 triệu phụ nữ mang thai đã kết luận rằng việc tiếp xúc với ondansetron đường uống trong ba tháng đầu mang thai không liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật tim hoặc dị tật bẩm sinh nói chung sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu đã biết.
Dữ liệu hiện có cho thấy rằng sử dụng ondansetron trong thời kỳ đầu không liên quan đến nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, nhưng có thể có một sự gia tăng tuyệt đối nhỏ về nguy cơ dị tật tim mạch (đặc biệt là dị tật vách ngăn) và hở hàm ếch. Một đánh giá về dữ liệu có sẵn đến năm 2020 đã ước tính rằng sự gia tăng nguy cơ tuyệt đối trên mức cơ bản đối với dị tật xương hàm có thể chỉ là 0,03% và đối với dị tật thông liên thất có thể là 0,3%.
Granisetron
Giống như ondansetron, granisetron là một chất đối kháng 5-HT3 được sử dụng chủ yếu để ngăn ngừa buồn nôn và nôn liên quan đến hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Nó có sẵn ở dạng uống, tiêm tĩnh mạch và thẩm thấu qua da. Ưu điểm duy nhất của nó so với ondansetron là khả năng thẩm thấu qua da. Một nghiên cứu quan sát nhỏ duy nhất đã báo cáo giảm đáng kể các triệu chứng ở phụ nữ mang thai được điều trị bằng granisetron tiêm tĩnh mạch hoặc qua da. Công thức thẩm thấu qua da rất tiện lợi cho những phụ nữ không chịu được thuốc uống và hiệu quả, nhưng rất đắt.
Dữ liệu về tác động sinh sản ở người còn rất ít. Một nghiên cứu trên 100 trường hợp mang thai tiếp xúc với granisetron (88 trường hợp tiếp xúc trong quý đầu tiên) cho biết không có sự gia tăng các dị tật bẩm sinh lớn hoặc nhỏ so với các trường hợp thai không bị phơi nhiễm.
5.2.5 Điều trị hỗ trợ
Thuốc giảm acid
Ở những phụ nữ bị ợ chua/trào ngược acid và buồn nôn - nôn khi mang thai, một nghiên cứu quan sát cho thấy rằng liệu pháp dược lý giảm acid (ví dụ: thuốc kháng acid, thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm proton) kết hợp với liệu pháp chống nôn dẫn đến cải thiện đáng kể các triệu chứng đến 4 ngày sau khi bắt đầu điều trị.
Thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc Canxi an toàn cho phụ nữ mang thai và tốt hơn so với những thuốc có chứa Bismuth hoặc bicarbonate, có thể có tác dụng phụ đối với thai nhi/sơ sinh.
5.3 Nôn có giảm thể tích
5.3.1 Cách tiếp cận chung
Khi các thai phụ buồn nôn và nôn mửa phải báo cáo với khoa cấp cứu nếu họ có các triệu chứng của giảm thể tích tuần hoàn (ví dụ: buồn nôn, chóng mặt tư thế, khác nước, nhịp tim nhanh, giảm lượng và tần suất nước tiểu) hoặc nếu họ không thể giữ thức ăn/chất lỏng. trong hơn 12 giờ. Thử nghiệm dịch thay thế và liệu pháp chống nôn tĩnh mạch tại khoa cấp cứu trước khi nhập viện là hợp lý cho những phụ nữ có mức điện giải bình thường và cân bằng acid-base bình thường.
Đối với những phụ nữ bị nôn liên tục sau khi điều trị nội trú, điều quan trọng là phải loại trừ các bệnh tiềm ẩn có thể gây nôn. Tuy nhiên, một đợt điều trị nội trú thường không ổn định kéo dài; trong một tổng quan tài liệu, khoảng 25% bệnh nhân nhập viện để điều trị chứng nôn ói cần được điều trị khỏi các triệu chứng dai dẳng hoặc tái phát.
5.3.2 Liệu pháp thay thế dịch và dinh dưỡng
Hầu hết bệnh nhân đáp ứng với việc truyền nước qua đường tĩnh mạch và nghỉ ngơi trong thời gian ngắn của ruột, sau đó là tái sử dụng đường uống và liệu pháp dược lý.
Dịch truyền và chất điện giải
Giảm thể tích máu xảy ra khi lượng dịch ra vượt quá lượng dịch nạp vào và thường liên quan đến các bất thường về chất điện giải, mệt mỏi, chóng mặt và suy nhược. Có thể điều chỉnh tình trạng giảm thể tích tuần hoàn bằng Lactate Ringer lên đến 2 lít truyền tĩnh mạch trong 3 - 5 giờ, bổ sung các chất điện giải và vitamin thích hợp.
Nước muối đẳng trương được sử dụng để điều trị hạ natri máu ở những bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn có ít hoặc không có triệu chứng và nồng độ Nat máu > 120 mEq/L, những người có nguy cơ biến chứng do hạ natri máu không được điều trị hoặc điều chỉnh hạ natri máu nhanh quá mức, chẳng hạn như hội chứng khử mỡ thẩm thấu (phù não và các triệu chứng thần kinh).
Sau khi điều trị bằng dịch thay thế ban đầu bằng Ringer lactat, dùng dextrose 5% trong dung dịch muối 0,45% với 20 mEq Kali clorid ở 150 ml/giờ cho bệnh nhân có nồng độ kali bình thường. Tốc độ truyền được điều chỉnh để duy trì lượng nước tiểu ít nhất 100 ml/giờ.
Cần thận trọng tránh sử dụng dextrose trong dịch thay thế ban đầu vì gây ra bệnh não Wemicke do truyền dextrose trong tình trạng thiếu thiamine. Trì hoãn việc truyền dextrose cho đến khi bệnh nhân đã nhận được thiamine trong dịch thay thế ban đầu.
Hầu hết bệnh nhân hạ kali máu có nồng độ kali huyết thanh từ 3,0 - 3,4 mEq/L. Mức độ suy giảm kali này thường không gây ra triệu chứng. Xử lý thường được bắt đầu với 10 - 20 mEq Kali cho 2 - 4 lần mỗi ngày (20 - 80 mEq/ngày), tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hạ kali máu. Kali phải được cung cấp nhanh hơn cho những bệnh nhân bị hạ kali máu nặng (kali huyết thanh dưới 2,5 - 3,0 mEq/L) hoặc có triệu chứng. Nên sử dụng nước muối thay vì dung dịch dextrose để điều trị ban đầu hạ kali máu vì việc sử dụng dextrose kích thích giải phóng Insulin để đẩy kali ngoại bào vào tế bào, điều này có thể dẫn đến giảm kali huyết thanh nhất thời từ nồng độ 0,2 - 1,4 mEq/L, đặc biệt nếu dung dịch chỉ chứa 20 mEq/L kali. Theo dõi tuần tự kali huyết thanh là cần thiết để xác định đáp ứng.
Vitamin và khoáng chất
Nếu bệnh nhân bị nôn liên tục, điều quan trọng là phải bổ sung lượng vitamin (đặc biệt là thiamine) và khoáng chất. Ngoài ra, việc phục hồi dinh dưỡng ở những người bị suy dinh dưỡng có thể gây ra sự thay đổi dịch và điện giải dẫn đến giảm phosphat máu, hạ kali máu và các biến chứng khác (hội chứng cho ăn).
Thiamine
Bổ sung thiamine (Vitamin B1) bằng cách tiêm 100 mg vào tĩnh mạch với dịch thay thế ban đầu và 100 mg/ngày trong 2 - 3 ngày tiếp theo. Việc sử dụng sớm thiamine là quan trọng để ngăn ngừa một biến chứng hiếm gặp ở mẹ, bệnh não Wernicke.
Magnes và canxi
Hạ Magnes máu là nguyên nhân phổ biến của hạ canxi máu. Đầu tiên điều chỉnh mức magnes thấp bằng cách truyền 2 g dung dịch magnes sulfat 10%/10 - 20 phút, tiếp theo là 1 g (8 mEq) trong 100 ml dịch mỗi giờ. Việc bổ sung magnes được tiếp tục nếu mức magnes huyết thanh thấp hơn 0,8 mEq/L (1 mg/dL hoặc 0,4 mmol/L).
Khi mức magnes huyết thanh được phục hồi, chúng tôi sẽ đánh giá lại mức canxi. Nếu canxi huyết thanh vẫn còn thấp, dùng 1 - 2 g canxi gluconat trong 50 ml dung dịch dextrose 5% trong vòng 10 - 20 phút.
Phốt pho
Nếu mức phốt pho thấp, phốt pho có thể được thay thế trong quá trình hydrat hóa tĩnh mạch bằng natri phosphate hoặc kali phosphate ở 20 - 40 mmol/ngày. Nếu bệnh nhân có thể chịu được việc thay thế bằng đường uống, có thể thay thế photpho bằng natri photphat/kali photphat đường uống một đến hai viên, uống 4 lần/ngày.
5.3.3 Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống cố gắng giảm thiểu buồn nôn và nôn có thể được tiếp tục lại sau một thời gian ngắn cho đường ruột nghỉ ngơi. Phụ nữ thường bắt đầu ăn kiêng bao gồm chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng và sau đó tăng cường chế độ ăn kiêng của họ theo mức dung nạp. Lượng protein phù hợp là chìa khóa giúp ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.
Bệnh nhân không ăn trong vài ngày có thể bị phù khi tiếp tục cho ăn với carbohydrate. Điều này là kết quả của việc giữ lại natri trong lúc đói kết hợp với tăng cường tái hấp thu natri do hoạt động của insulin khi carbohydrate được đưa vào trở lại. Không cần can thiệp; tình trạng phù nề sẽ dần dần hết.
5.3.4 Điều trị bằng thuốc
Các đường dùng không qua đường uống là cần thiết cho những phụ nữ bị nôn liên tục. Bắt đầu dùng ondansetron 4 - 8 mg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ một lần khi nhập viện để điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch. Sau khi sản phụ đã ổn định, ondansetron được ngừng sử dụng. Theo hướng dẫn của ACOG, nguy cơ: lợi ích nên được cân nhắc đối với những phụ nữ có thai dưới 10 tuần tuổi, do có nhiều tranh cãi về nguy cơ tiềm ẩn gia tăng một chút dị tật bẩm sinh. Dimenhydrinat tiêm tĩnh mạch 50 mg sau mỗi 4 - 6 giờ, metoclopramide 5 - 10 mg mỗi 8 giờ, hoặc promethazine 12,5 - 25 mg mỗi 4 - 6 giờ là một phương án thay thế cho ondansetron.
Nếu các triệu chứng tái phát, thuốc chống nôn cũng giống như thuốc dùng để điều trị phụ nữ bị nôn thường xuyên mà không giảm thể tích tuần hoàn hoặc các di chứng nghiêm trọng khác. Thuốc uống được bắt đầu ở những phụ nữ có thể dung nạp được. Các loại thuốc uống này sau đó có thể được sử dụng tại nhà khi bệnh nhân xuất viện.
Thuốc | Liều |
Vitamin B6 (pyridoxin) | 25 mg ba lần một ngày |
Doxylamine | 25 mg uống trước khi ngủ |
Promethazine | 12,5 - 25 mg uống hoặc tiêm bắp hoặc đặt hậu môn mỗi 6 giờ nếu cần |
Metoclopramide | 5 - 10 mg uống mỗi 8 giờ hoặc tiêm bắp |
Ondansetron | 8 mg uống hoặc tiêm bắp mỗi 12 giờ khi cần |
5.4 Điều trị sản khoa
Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe thai phụ thì phải đình chỉ thai. Tuy nhiên, đây là một quyết định khó khăn và gây nhiều tranh cãi. Thường thì sau đình chỉ thai, bệnh giảm rất nhanh.
5.5 Phòng bệnh
Vì chưa rõ nguyên nhân nên vấn đề phòng bệnh chủ yếu là phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh bệnh nặng lên. Điều trị các nguy cơ nếu có thể.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên được khuyên dùng một loại vitamin tổng hợp hàng ngày với acid folic bắt đầu ít nhất một tháng trước khi thụ thai; điều này làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ống thần kinh và có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Những tác động tích cực của vitamin tổng hợp có thể là do sự tối ưu hóa chung của tình trạng dinh dưỡng và sự trao đổi chất.
Ngoài ra, chứng ợ nóng và trào ngược acid có liên quan đến việc tăng mức độ nghiêm trọng của buồn nôn và nôn khi mang thai, điều này cho thấy rằng việc kiểm soát những rối loạn này trước khi mang thai có thể ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
6 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Agmon N, Sade S, Pariente G, et al. Hyperemesis gravidarum and adverse pregnancy outcomes. Arch Gynecol Obstet. 2019. 300:347.
2. Association of Professors of Gynecology and Obstetrics. Nausea and vomiting of pregnancy. https://www.apgo.org/ (Accessed on December 05, 2016).
3. Boelig RC, Barton SJ, Saccone G, et al. Interventions for treating hyperemesis gravidarum. Cochrane Database Syst Rev. 2016.
4. Bonthala N, Wong MS. Gabbe's Obstetrics: Normal and Problem Pregnancies. 2021.53:1018-1037.e5.
5. Committee on Practice Bulletins-Obstetrics. ACOG Practice Bulletin No. 189: Nausea And Vomiting Of Pregnancy. Obstet Gynecol 2018; 131:e15. Reaffirmed 2020.
6. Holmgren C, Aagaard-Tillery KM, Silver RM, et al. Hyperemesis in pregnancy: an evaluation of treatment strategies with maternal and neonatal outcomes. Am J Obstet Gynecol. 2008; 198:56.e1.
7. McParlin C, O'Donnell A, Robson SC, et al. Treatments for Hyperemesis Gravidarum and Nausea and Vomiting in Pregnancy: A Systematic Review. JAMA. 2016; 316:1392.
8. Nurmi M, Rautava P, Gissler M, et al. Recurrence patterns of hyperemesis gravidarum. Am J Obstet Gynecol. 2018. 219:469.el.
9. Sun L, Xi Y, Wen X, Zou W. Use of metoclopramide in the first trimester and risk of major congenital malformations: A systematic review and meta-analysis. PLoS One. 2021. 16:e0257584.
10. Vandraas KF, Vikanes AV, Vangen S, et al. Hyperemesis gravidarum and birth outcomes-a population-based cohort study of 2.2 million births in the Norwegian Birth Registry. BJOG. 2013. 120:1654.