1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Nỗi lo lắng mang tên Tiền mãn kinh - Mãn kinh ở hầu hết chị em phụ nữ

Nỗi lo lắng mang tên Tiền mãn kinh - Mãn kinh ở hầu hết chị em phụ nữ

Nỗi lo lắng mang tên Tiền mãn kinh - Mãn kinh ở hầu hết chị em phụ nữ

Đại học Huế - Trường ĐH Y Dược

Đồng chủ biên

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy

GS.TS. Cao Ngọc Thành

PGS.TS. Lê Minh Tâm

PGS.TS. Trương Thành Vinh

Cùng nhiều tác giả tham gia biên soạn

1 ĐẠI CƯƠNG 

1.1 Tiền mãn kinh 

Thời kỳ tiền mãn kinh (tiền mãn kinh) là thời gian trước khi mãn kinh, do sự thay đổi nội tiết tố trong trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Trên lâm sàng, một phụ nữ có thể nhận thấy những thay đổi về triệu chứng và chu kỳ kinh nguyệt như bốc hỏa và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm. Về mặt sinh lý, có sự thay đổi rõ rệt trong bài tiết hormone kích thích nang noãn (FSH) và sản xuất estradiol. 

Thời kỳ tiền mãn kinh xảy ra trung bình trong 4 năm trước khi mãn kinh. Mặc dù có sự thay đổi nội tiết tố, nhưng không phải tất cả phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Thực tế, khoảng 10% phụ nữ vẫn duy trì kinh nguyệt đều đặn cho đến thời điểm mãn kinh. 

1.2 Mãn kinh 

Mãn kinh là sự chấm dứt vĩnh viễn kinh nguyệt, do mất sản xuất hormone buồng trứng. Mãn kinh được xác định hồi cứu khi mất kinh nguyệt trong 1 năm do giảm nội tiết tố nữ estrogen và giảm hoạt động vùng dưới đồi - tuyến yên. 

Khoảng 90% phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh trong độ tuổi 45-55 tuổi. Tuổi mãn kinh trung bình ở các nước phát triển là 51- 52 tuổi. Ở Việt Nam, tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam là 48-50. 

Mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm được xác định là sự chấm dứt vĩnh viễn của kinh nguyệt xảy ra trước 40 tuổi do mất chức năng buồng trứng. 

Mãn kinh có thể tự phát hoặc do phẫu thuật hóa trị, xạ trị hoặc các viêm nhiễm ngoại sinh khác. 

1.3 Hậu mãn kinh 

Thời kỳ hậu mãn kinh bắt đầu với chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng và tiếp tục trong suốt quãng đời còn lại của người phụ nữ. 

2 SINH LÝ TIỀN MÃN KINH 

Buồng trứng chịu trách nhiệm sản xuất hormone và rụng trứng. Hai chức năng này thay đổi trong giai đoạn tiền mãn kinh và cuối cùng chấm dứt ở thời kỳ mãn kinh. 

2.1 Chức năng ngoại tiết của buồng trứng 

Số lượng noãn bào, từ 2 triệu khi mới sinh giảm xuống còn 400.000 ở tuổi dậy thì thông qua quá trình thoái triển và phóng noãn. Mức độ thoái triển tăng lên ở tuổi 35 hoặc khi còn lại khoảng 25.000 noãn bào. Khoảng 1.000 noãn bào vẫn còn ở tuổi mãn kinh. 

Chu kỳ có phóng noãn giảm dần và vẫn có thể có thai mặc dù khả năng rất thấp. Tỷ lệ noãn bình thường rất thấp, làm giảm khả năng thụ tinh, tăng nguy cơ sẩy thai và thai lệch bội ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. 

2.2 Chức năng nội tiết của buồng trứng 

Một số thay đổi chính về mặt nội tiết trong giai đoạn tiền mãn kinh như sau: 

  • Hormone Inhibin được sản xuất bởi buồng trứng và tạo ra điều hòa ngượcâm tính lên sự chế tiết FSH từ tuyến yên. Nồng độ Inhibin B giảm khi buồng trứng “lớn tuổi” dẫn đến sự gia tăng chung về nồng độ FSH. 

  • LH không chịu sự ảnh hưởng của điều hòa ngược âm tính của Inhibin và nồng độ LH không bị ảnh hưởng bởi sự mất sản xuất Inhibin. Sự gia tăng nồng độ FSH xảy ra trước khi tăng LH đến 10 năm. 

  • Nồng độ Estradiol cơ bản bình thường hoặc cao hơn so với chu kỳ rụng trứng bình thường, kết quả của sự gia tăng nồng độ FSH cơ bản. 

  • Nồng độ Progesterone phản ánh tình trạng phóng noãn của chu kỳ cụ thể và sụt giảm trong chu kỳ không phóng noãn. 

  • Nồng độ Androgen không thay đổi hoặc giảm nhẹ trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Hình 1: Sự thay đổi nội tiết tố nữ theo độ tuổi

2.3 Chu kỳ kinh nguyệt 

Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt phản ánh sự thay đổi chức năng buồng trứng, nồng độ hormone sinh dục buồng trứng và hormone hướng sinh dục tuyến yên. 

  • Những thay đổi đầu tiên là chiều dài chu kỳ kinh ngắn lại, do giai đoạn nang noãn ngắn hơn. Giai đoạn hoàng thể thường không đổi, trong khoảng từ 11 đến 14 ngày. 

  • Chu kỳ thường có phóng noãn trong giai đoạn sớm tiền mãn kinh, dù giai đoạn nang noãn rút ngắn. 

  • Chu kỳ không phóng noãn và chu kỳ kéo dài trở nên thường xuyên hơn khi thời kỳ mãn kinh đến gần, dẫn đến kinh thưa. Chu kỳ không phóng noãn trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến người phụ nữ có nguy cơ bị quá sản nội mạc tử cung. 

3 SINH LÝ MÃN KINH 

3.1 Chức năng buồng trứng 

Dự trữ nang noãn bị cạn kiệt dẫn đến vô kinh. 

Một số nang noãn vẫn còn trong buồng trứng sau mãn kinh và không còn đáp ứng mặc dù vẫn có kích thích bởi gonadotropin tăng cao. 

Mô tế bào buồng trứng tiếp tục sản xuất androgen trong vài năm sau mãn kinh 

Chẩn đoán mãn kinh khi sau 1 năm không còn hành kinh và nồng độ FSH liên tục lớn hơn 40 mIU/mL. 

3.2 Nội tiết 

Nồng độ FSH tăng 10-20 lần so với tiền mãn kinh, đạt đến đỉnh từ 1-3 năm sau khi mãn kinh, sau đó giảm dần. Điều này do mất tác dụng điều hòa ngược âm tính của Inhibin và estradiol. Nồng độ FSH không bao giờ trở về giai đoạn tiền mãn kinh, ngay cả khi sử dụng liệu pháp estrogen thay thế. 

Nồng độ LH tăng gấp 2 – 3 lần sau khi mãn kinh, đạt đến đỉnh trong 1-3 năm, sau đó giảm dần do mất tác dụng điều hòa ngược âm tính của estradiol. 

Mặc dù sản xuất estrogen từ buồng trứng không đáng kể sau khi mãn kinh, sự hiện diện nồng độ estrogen lưu hành còn do sự chuyển đổi ngoại biên của tiền chất androgen thành estrone. 

Nồng độ Testosterone ngoại biên bị giảm trong giai đoạn hậu mãn kinh. Nồng độ testosterone lưu hành là kết quả của sản xuất androstenedione và testosterone bởi cả tuyến thượng thận và buồng trứng. 

Globulin liên kết với hormone sinh dục (SHBG) giảm 40% do giảm estradiol. Do SHBG giảm, tỷ lệ androgen tự do so với SHBG tăng lên. 

3.3 Mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm 

Là sự chấm dứt kinh nguyệt ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Suy buồng trứng sớm có thể thoáng qua. Nếu suy vĩnh viễn, buồng trứng không đáp ứng với các gonadotropin nội sinh hoặc ngoại sinh. Tần suất suy buồng trứng sớm là 0,3% và chiếm 5-10% phụ nữ vô kinh thứ phát. 

Hình 2: Suy buồng trứng là nguyên nhân gây mãn kinh sớm 

Hầu hết phụ nữ bị mãn kinh sớm trải qua tình trạng suy giảm noãn và nang noãn do hậu quả của (1) giảm số lượng tế bào mầm ban đầu khi sinh, (2) tăng mất noãn bào sau khi sinh và (3) tế bào mầm sau sinh bị phá hủy hoặc cắt bỏ như trong phẫu thuật buồng trứng hóa trị và xạ trị. 

4 BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA TIỀN MÃN KINH 

4.1 Biểu hiện của sự cường estrogen 

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, một số phụ nữ biểu hiện cường estrogen tạm thời do tăng nồng độ FSH. 

4.1.1 Chảy máu tử cung bất thường (Chảy máu tử cung bất thường) 

Là chảy máu bất thường về số lượng thời gian và tần suất, xảy ra do sự kích thích niêm mạc tử cung kéo dài bởi estrogen mà không có vai trò đối kháng của progesterone. Chảy máu tử cung bất thường cũng có thể là do bất thường về cấu trúc hoặc bệnh lý toàn thân. 

4.1.2 Quá sản nội mạc tử cung 

Sự kích thích estrogen kéo dài dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung quá mức và gây bệnh lý nội mạc tử cung hoặc Chảy máu tử cung bất thường. 

Phụ nữ trên 40 tuổi hoặc người có các yếu tố nguy cơ (tiền sử không phóng noãn mãn tính hoặc phơi nhiễm estrogen kéo dài, chảy máu kéo dài, béo phì) phải được khám vùng chậu, thử thai, siêu âm vùng chậu và sinh thiết nội mạc tử cung. 

  • Quá nội mạc tử cung đơn thuần có nguy cơ thấp (3-5%) tiến triển thành ung thư biểu mô nội mạc tử cung và có thể điều trị nội khoa. 

  • Quá sản nội mạc tử cung phức tạp không kèm bất điển hình mô học có 10% nguy cơ tiến triển thành ung thư biểu mô nội mạc tử cung. 

  • Quá sản nội mạc tử cung phức tạp kèm bất điển hình về mô học tăng nguy cơ ung thư biểu mô nội mạc tử cung khoảng 25%. Cần chỉ định cắt tử cung. 

4.2 Biểu hiệu của sự thay đổi nội tiết tố 

4.2.1 Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt 

Là biểu hiện phổ biến nhất của tiền mãn kinh, xảy ra ở 90% phụ nữ, gồm thay đổi về tần số, thời gian và lượng máu kinh. 

  • Rong kinh được xác định khi chảy máu kéo dài hơn 7 ngày hoặc tăng lượng máu (hơn 80ml) trong chu kỳ có phóng noãn. 

  • Rong huyết là tình trạng chảy máu xuất hiện với thời điểm và kéo dài bất thường. Chu kỳ ngắn lại là biến đổi thường gặp và sớm trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. 

  • Kinh thưa là sự giảm tần suất kinh nguyệt và thường gặp ở giai đoạn muộn tiền mãn kinh. 

  • Vô kinh là không xuất hiện kinh nguyệt trên 3 chu kỳ liên tiếp. 

4.2.2 Các triệu chứng khác 

Xuất hiện ở nhiều phụ nữ vẫn đang có kinh nguyệt. 

  • Bốc hỏa: Là triệu chứng rối loạn vận mạch, phổ biến thứ hai, gặp ở 75% phụ nữ quanh mãn kinh, có thể kéo dài tới 2 năm sau MK, cá biệt đến 10 năm. 

  • Nhức đầu: Có thể nặng trong thời kỳ tiền mãn kinh, cải thiện sau khi mãn kinh. 

  • Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, có hoặc không kèm bốc hỏa, gặp ở 1/3 đến ' các trường hợp quanh mãn kinh. 

  • Rối loạn tâm sinh lý: Gặp ở 10% phụ nữ quanh mãn kinh, gồm các triệu chứng khó chịu, trầm cảm, mất ngủ, mệt mỏi và khó nhớ hoặc khó tập trung. 

  • Rối loạn chức năng tình dục: Như giảm ham muốn tình dục, giảm bôi trơn hay độ đàn hồi âm đạo, ở giai đoạn tiền mãn kinh. Những thay đổi này có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm thay đổi nội tiết tố, thuốc, rối loạn giấc ngủ và căng thẳng cuộc sống. 

4.3 Điều trị 

4.3.1 Bổ sung progestogen 

Gồm progesterone tự nhiên hoặc progestin tổng hợp trong trường hợp cường estrogen thiếu progesterone. 

  1. Chảy máu tử cung bất thường do rối loạn chức năng cần được điều trị bằng progestogen theo chu kỳ trong 12-14 ngày mỗi tháng. Chẳng hạn Medroxyprogesterone acetate (MPA), Norethindrone acetate, Progesterone vi hạt hoặc dụng cụ tử cung có chứa progestin cung cấp progestin liều thấp liên tục (Levonorgestrel) trực tiếp đến nội mạc tử cung.

  2. Quá sản đơn thuần và phức tạp có thể được điều trị hiệu quả bằng việc bổ sung progestogen. Thực hiện sinh thiết sau 3 tháng điều trị để xác định bản chất quá sản. 

  3. Quá sản phức tạp không điển hình có thể được điều trị bằng progestogen liều cao nếu đã loại trừ ung thư biểu mô bằng nạo niêm mạc và không chỉ định phẫu thuật. Bắt buộc sinh thiết theo dõi sau 3 tháng điều trị để xác định hướng giải quyết tiếp theo. 

4.3.2 Thuốc tránh thai nội tiết kết hợp (estrogen, progestin) 

Rất hữu ích cho cả mục đích tránh thai và điều trị triệu chứng ở phụ nữ quanh mãn kinh, những người không hút thuốc và không có các yếu tố nguy cơ khác. Lựa chọn bao gồm thuốc tránh thai uống, vòng âm đạo và miếng dán tránh thai. Viên tránh thai kết hợp liều thấp (< 35kg ethinyl estradiol) có thể hiệu quả trong điều trị ra máu bất thường và bốc hỏa quanh mãn kinh. 

  • Liệu pháp hormone sử dụng liệu pháp estrogen đơn thuần 

  • Không kèm progestogen, thường chỉ được áp dụng ở những phụ nữ đã cắt tử cung 

4.3.3 Kháng viêm non-steroid (NSAID) 

Làm giảm lượng máu kinh nguyệt trong 40-60% ở phụ nữ có phóng noãn. NSAID ngăn chặn hoạt động tổng hợp Prostaglandin và được dùng vào đầu chu kỳ kinh nguyệt. NSAID có thể hữu ích trong điều trị chứng đau nửa đầu liên quan đến kinh nguyệt. 

5 BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA MÃN KINH 

5.1 Vô kinh 

Đây là triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh. Nhiều trường hợp phụ nữ gặp phải tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tính tình, đau đầu và rối loạn chức năng tình dục. 

5.2 Đáp ứng của cơ quan đích đối với sự giảm estrogen 

Các mô có đáp ứng với estrogen có mặt hầu hết khắp cơ thể. Giảm estrogen mãn tính có thể dẫn đến bất kỳ biểu hiện: 

5.2.1 Teo niệu sinh dục  

 Âm đạo, niệu đạo, bàng quang và vùng chậu là các mô đáp ứng estrogen. Giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh dẫn đến teo các cấu trúc này. Khoảng 25% phụ nữ cần hỗ trợ điều trị. Những triệu chứng này thường cải thiện khi sử dụng estrogen tại chỗ hoặc toàn thân. 

  • Giảm độ dày của biểu mô âm đạo và lưu lượng mạch máu âm đạo, tăng pH âm đạo. Biểu mô âm đạo mất độ bóng và độ đàn hồi. Sau khi mãn kinh, giảm chỉ số trưởng thành, tăng hiện diện các loại tế bào chưa trưởng thành (tế bào đáy và cận đáy). 

  • Thành âm đạo mất tính đàn hồi và âm đạo trở nên nhỏ hơn, dẫn đến tăng khả năng chấn thương, nhiễm trùng, chứng giao hợp đau và đau vùng chậu. 

  • Âm hộ nhạt màu, khô, mỏng và giảm lượng mỡ của môi lớn. 

  • Các mô và dây chằng vùng chậu nâng đỡ tử cung và âm đạo có thể bị mất trương lực, dẫn đến rối loạn giãn vùng chậu. 

  • Biểu mô niệu đạo và niêm mạc bàng quang teo, mất tính đàn hồi thành niệu đạo và bàng quang. 

  • Có thể xuất hiện các triệu chứng đường tiết niệu như khó tiểu, tiểu đêm, tiểu rắt, tiểu gấp và tiểu không tự chủ. 

  • Tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ sau mãn kinh. 

5.2.2 Thay đổi từ cung 

  • Nội mạc tử cung trở nên mỏng và teo về mặt mô học, độ dày dưới 4mm. 

  • Từ cung giảm kích thước, đảo ngược tỷ lệ chiều dài thân tử cung và cổ tử cung.

  • Ranh giới giữa biểu mô lát – trụ ở cổ tử cung di chuyển cao hơn trong ống cổ tử cung; lỗ ngoài cổ tử cung trở nên hẹp. 

  • U xơ tử cung nếu có, có thể giảm kích thước nhưng không biến mất hoàn toàn.

5.2.3 Thay đổi vú 

Mô mỡ thay thế dần mô vú với tình trạng teo các tuyến, xơ hóa ống hay nang tuyến vú. Sau khi mãn kinh, chụp nhũ ảnh sẽ cho hình ảnh giảm mật độ vú. Điều trị nội tiết thay thế làm tăng mật độ vú và giảm độ nhạy của chụp X-quang tuyến vú. 

5.2.4 Thay đổi da và tóc 

  • Hàm lượng Collagen của da và độ dày của da giảm tỷ lệ thuận với thời gian sau khi mãn kinh. 

  • Khi estrogen giảm, androgen tự do lưu thông tăng lên gây tăng phát triển lông tóc trên khuôn mặt và gây rụng tóc. 

5.2.5 Thay đổi hệ thần kinh trung ương 

Do các thụ thể estrogen hiện diện khắp não, chức năng nhận thức và trí nhớ có thể suy giảm theo tuổi khi nồng độ estrogen giảm. 

5.2.6 Bệnh tim mạch 

Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng ở phụ nữ sau tuổi 50, đặc biệt ở những phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng trong giai đoạn sinh sản. Đây là nguyên nhân gây ra số ca tử vong lớn nhất ở phụ nữ mãn kinh. 

Sự hiện diện estrogen nội sinh giúp bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ tiền mãn kinh. Tuy nhiên, khi dùng estrogen ngoại sinh cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, nó có thể làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch ở phụ nữ đang mắc bệnh lý tim mạch. 

5.2.7 Triệu chứng vận mạch/bốc hỏa 

Bốc hỏa là triệu chứng phổ biến thứ 2 ở phụ nữ quanh và sau mãn kinh. Có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh tùy theo chủng tộc. Đặc biệt có sự liên quan chặt giữa triệu chứng bốc hỏa và chỉ số khối cơ thể (BMI). 

Bốc hỏa thường xuất hiện vào đầu buổi tối, kéo dài 1- 2 năm nhưng có thể tồn tại đến 10 năm. Nguyên nhân là do sự đáp ứng không phù hợp của trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi trong cơ chế giải phóng nhiệt. Mặc dù nhiệt độ trung tâm vẫn bình thường, cơ thể bị kích thích để mất nhiệt. 

Hình 3: Nguyên nhân gây bốc hỏa, đổ mồ hội ở phụ nữ mãn kinh

Triệu chứng vận mạch đặc trưng bởi sự giãn mạch của da vùng đầu, cổ và ngực, gây ra sự gia tăng nhiệt độ da, đi kèm với da đỏ, cảm giác nóng dữ dội và đổ mò hỏi. Đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh có thể xuất hiện cùng với bốc hỏa. 

Điều trị: 

  1. Thay đổi lối sống như tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc lá, mặc quần áo mát mẻ và hạ nhiệt độ không khí trong phòng có thể giúp giảm các triệu chứng 

  2. Điều trị nội tiết thay thế hoặc estrogen giúp giảm bốc hỏa, cũng có thể dùng viên tránh thai nội tiết kết hợp. Kết quả phụ thuộc vào mức độ, liều dùng và có thể mất vài tuần. 

  3. Progestogen được sử dụng để điều trị bốc hỏa ở phụ nữ chống chỉ định dùng estrogen. Hiệu quả có thể kém hơn 

  4. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) liều thấp, có hiệu quả trong việc làm giảm hoặc loại bỏ rối loạn vận mạch ở 60% phụ nữ có triệu chứng.

5.2.8 Rối loạn kinh nguyệt chức năng 

Nếu chảy máu âm đạo bất thường hoặc chảy máu sau 6 tháng vô kinh, cần loại trừ các bệnh lý nội mạc tử cung (polyp, tăng sản hoặc tân sinh). 

5.2.9 Rối loạn chức năng tình dục 

Là than phiền phổ biến ở phụ nữ mãn kinh. Mất ham muốn tình dục do thiếu sản xuất testosterone và estrogen từ buồng trứng. Đau khi giao hợp xảy ra do teo niêm mạc âm đạo. 

5.2.10 Loãng xương 

Mật độ xương bị phá hủy dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương có thể là một tình trạng bệnh nguyên phát, do thiếu hụt estrogen hay lão hóa, hoặc có thể là thứ phát sau các bệnh lý hoặc thuốc khác ảnh hưởng đến chuyển hóa Canxi và xương.

Hình 4: Triệu chứng của giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ

6 LIỆU PHÁP NỘI TIẾT 

6.1 Lợi ích và chỉ định 

Mục tiêu của liệu pháp nội tiết là (1) giảm các triệu chứng do sự suy giảm estrogen như bốc hỏa, mất ngủ và rối loạn cảm xúc; (2) điều trị khô và teo âm đạo; và (3) giảm nguy cơ có thể xảy ra trong điều trị bằng liệu pháp nội tiết. 

Liệu pháp nội tiết hoặc bổ sung estrogen là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng liên quan đến mãn kinh và loãng xương do mãn kinh. Tuy nhiên, mỗi trường hợp cụ thể có thể có những nguy cơ khác nhau. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi chỉ định liệu pháp nội tiết. 

6.2 Nguy cơ và chống chỉ định 

Chống chỉ định tuyệt đối liệu pháp nội tiết bao gồm: 

  • Chảy máu sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán. 

  • Xác định hoặc nghi ngờ ung thư vú hoặc tân sinh phụ thuộc estrogen. 

  • Tiền sử huyết khối. 

  • Tiền sử đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. 

  • Rối loạn chức năng gan. 

  • Xác định hoặc nghi ngờ có thai. 

  • Dị ứng với liệu pháp nội tiết. 

  • Ung thư nội mạc tử cung: điều trị với estrogen không kèm theo progesterone làm tăng nguy cơ quá sản nội mạc tử cung và ung thư biểu mô ở phụ nữ còn tử cung.

6.3 Cách sử dụng 

Cần xét nghiệm máu, tiểu cầu, fibrinogen và D.Dimer bình thường trước khi chỉ định liệu pháp nội tiết. 

6.3.1 Estrogens 

Có thể sử dụng đường uống như estradiol valerate (Progynova, Valiera 1 hoặc 2mg), estrogens liên hợp (Premarin 0,625mg), hoặc dán da, thoa da, đặt âm đạo. Estrogens thường được kết hợp với progestogens trong mỗi viên thuốc. 

Tác dụng có lợi của estrogens khi được sử dụng sớm, trước 60 tuổi và mãn kinh dưới 10 năm: điều trị hiệu quả các triệu chứng cơ năng của mãn kinh, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, loãng xương, sa sút trí tuệ, cải thiện tình trạng mỡ bụng dày, giữ đường huyết ổn định và giảm đề kháng Insulin

Nên sử dụng estrogen dán da cho phụ nữ mãn kinh có tiền sử hoặc nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch như béo phì kèm các bệnh chuyển hóa, có hút thuốc, cao huyết áp, triglycerides cao sẵn hoặc cao sau khi uống nội tiết. 

Không chỉ định sử dụng estrogen uống cho các phụ nữ có tiền sử viêm tắc mạch máu, xuất huyết âm đạo bất thường chưa điều trị, viêm gan cấp, nghi ngờ có bệnh ung thư, nghi ngờ có thai. 

Nguy cơ ung thư vú tăng nhẹ khi sử dụng estrogens trên 5 năm ở phụ nữ trẻ, giảm nguy cơ ung thư đại-trực tràng.

6.3.2 Progestogens 

Nếu còn tử cung, phải sử dụng progestogen kèm estrogen. Progestogen có nhiều dạng như kết hợp với estrogen trong mỗi viên nội tiết (Femoston:17 B-estradiol 1mg/dydrogesterone 5mg), hoặc viên Dydrogesterone riêng lẻ (Duphaston 10ng), hoặc progesterone dạng vi hạt (Utrogestan, Progends, Cyclogest 200mg). Một số tác dụng phụ của progesterone là căng đau vú, phù, trầm cảm hoặc nhẹ hơn, buồn bã, cáu gắt, bứt rứt. 

6.3.3 Androgen 

Sử dụng cho phụ nữ có các triệu chứng cơ năng mãn kinh nặng nề dù đã được điều trị bằng estrogen liều cao vẫn không thuyên giảm đau nhức, trầm cảm, nhưng không khuyến cáo sử dụng kéo dài. 

Điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc - SERMs (Selective Estrogen Receptors Modulators): Raloxifene, tamoxifene, lasofoxifene, droloxifene, mới nhất là ospemifene,... có tác dụng chọn lọc trên thụ thể estrogen, vừa đồng vận đối với mô xương nhưng đối vận đối với tuyến vú. SERMs cũng có tác dụng phụ tăng viêm tắc tĩnh mạch tương tự như estrogen. 

Tibolone 25mg/ngày, vừa có tác dụng như estrogen, progestogen và androgen. Tác dụng này có chọn lọc trên mô, giống như SERMs. Không chỉ định tibolone cho phụ nữ có tiền sử ung thư vú. 

Các loại thực phẩm chức năng như phytoestrogens có ít hiệu quả điều trị các triệu chứng mãn kinh; Lepidium Meyenii được cho là có tác dụng điều trị mất ngủ, khô teo niêm mạc âm đạo gây giao hợp đau rát trên phụ nữ mãn kinh. 

7 TƯ VẤN VÀ CHĂM SÓC PHỤ NỮ TIỀN MÃN KINH - MÃN KINH 

Mãn kinh là khoảng thời gian có nhiều biến đổi trong cơ thể của phụ nữ do rối loạn nội tiết buồng trứng làm xuất hiện nhiều triệu chứng cơ năng rất khó chịu và một số bệnh lý tim mạch, loãng xương, sa sút trí tuệ. 

Cần tư vấn cho phụ nữ tuổi mãn kinh: 

  • Luyện tập thể dục đều mỗi ngày, giữ tinh thần thoải mái, chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

  • Tránh các yếu tố nguy cơ cao như ngã gây tăng gãy xương, uống rượu hay hút thuốc làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư sinh dục... 

  • Sử dụng nội tiết phù hợp, nếu cần thiết và theo tư vấn của các chuyên gia về mãn kinh. 

  • Điều trị nội tiết phải được cân nhắc sử dụng sớm, ở lứa tuổi vừa mãn kinh. 

  • Sàng lọc các bệnh lý thường gặp tuổi mãn kinh và các loại ung thư sinh dục để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả. 

8 TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Bộ Y tế, Mãn kinh, Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản quyết định 4128, 2016, tr.202 – 204. 

2. Ee C, Xue C, Chondros P, et al. Acupuncture for Menopausal Hot Flashes: A Randomized Trial. Ann Intern Med 2016; 164:146. 

3. 3. Franco OH, Chowdhury R, Troup J, et al. Use of Plant-Based Therapies and Menopausal Symptoms: A Systematic Review and Meta-analysis. JAMA 2016; 

315:2554. 

4. Kathryn A Martin, Robert L Barbieri, Treatment of menopausal symptoms with hormone therapy, UpToDate, last updated: Jun 24, 2020. 

5. L'Espérance S, Frenette S, Dionne A, et al. Pharmacological and non- hormonal treatment of hot flashes in breast cancer survivors: CEPO review and recommendations. Support Care Cancer 2013; 21:1461. 

6. Lobo RA. Hormone-replacement therapy: current thinking. Nat Rev Endocrinol 2017; 13:220. 

7. Othman AH, Zaky AH. Management of hot flushes in breast cancer survivors: comparison between stellate ganglion block and Pregabalin. Pain Med 2014; 15:410. 

8. Samantha M. Pfeifer "Menopause", NMS Obstertrics and Gynecology Edition 7th, Chapter 37, 2012, pp.425-440.9. Robert F Casper, Clinical manifestations and diagnosis of menopause. UpToDate, last updated: Sep 30, 2021. 

9. Zhu X, Liew Y, Liu ZL. Chinese herbal medicine for menopausal symptoms. Cochrane Database Syst Rev 2016; 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633