[Cần biết] Sốt phát ban ở trẻ em - điều trị như thế nào?
Trungtamthuoc.com - Sốt phát ban là một căn bệnh truyền nhiễm nhẹ do virus gây ra. Vậy sốt phát ban có triệu chứng như thế nào? Cần điều trị ra sao?
1 Định nghĩa bệnh sốt phát ban
Sốt phát ban là một căn bệnh truyền nhiễm nhẹ do một trong hai loại virus gây ra. Đặc trưng: sốt phát ban đột ngột khởi phát và thời gian bị bệnh tương đối ngắn.
Sốt phát ban phổ biến nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi, với độ tuổi trung bình là 9 tháng. Ít bị hơn ở trẻ lớn hơn, thiếu niên và hiếm khi ở người lớn.
Bệnh sốt phát ban hay bị nhiều người nhầm lẫn với bệnh sởi - là một bệnh nguy hiểm hơn nhiều.
Sốt phát ban chủ yếu được gây ra bởi một loại virus có tên là Herpes virus 6 (HHV-6) ở người và ít gặp hơn ở người do Herpes virus 7 (HHV-7).[1]
2 Các yếu tố nguy cơ của sốt phát ban
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn những người bị nhiễm vi-rút HHV-6 hoặc HHV-7 không có triệu chứng rõ ràng. Hệ thống miễn dịch của họ làm sạch virus trước khi phát triển bất kỳ triệu chứng nào. Đối với những người phát triển thành bệnh, có thể có một số yếu tố nguy cơ sau: trẻ sơ sinh (6 đến 8 tuần đầu đời), những người điều trị hóa trị, hoặc những người bị bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch (như HIV - AIDS).[2]
3 Phương thức lây lan sốt phát ban
Sốt phát ban lây lan từ người này sang người khác, thông thường qua các giọt bắn nước bọt của người bệnh hoặc dịch tiết mũi khi hắt hơi, ho.
Thời kỳ ủ bệnh từ khi tiếp xúc với vi-rút đến khởi phát triệu chứng là 9 đến 10 ngày.
Con người là những vật chủ tự nhiên duy nhất cho HHV-6 và HHV-7.
Không giống như một số bệnh nhiễm virus khác, bệnh sốt phát ban xuất hiện trong suốt cả năm mà không có biến đổi theo mùa.
4 Triệu chứng sốt phát ban
4.1 Sốt cao đột ngột
Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất là trẻ bị sốt cao đột ngột (thường trên 39,40 độ C).
Sốt có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày rồi sau đó khỏi hẳn mà không cần dùng thuốc.
Trẻ có thể bị ho, đau họng, chảy nước mũi trước hoặc trong thời gian sốt.
Trong một số trường hợp, trẻ cũng có thể bị nổi hạch ở cổ và phát âm ra âm thanh không giống bình thường.
4.2 Phát ban sau sốt
Sau khi các cơn sốt biến mất, phát ban bắt đầu phát triển.
Ban đầu, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những nốt nhỏ màu đỏ, phân bố dàn trải hoặc thành từng mảng lớn trên một vùng da nhất định.
Những nốt đỏ này thường không sưng, có thể xuất hiện chân trắng bao quanh.
Thường thì chúng bắt đầu nổi lên ở vùng lưng, bụng và ngực sau đó lan tràn đến vùng cổ tay, cánh tay. Chân và mặt ít khi xuất hiện phát ban.
Phát ban ở trẻ bị sốt phát ban không gây ngứa và khó chịu, có thể kéo dài nhưng thường ít hơn 3 ngày hoặc chỉ vài giờ tùy tình trạng và cơ địa của từng trẻ.
4.3 Dấu hiệu khác
Ngoài sốt và phát ban, trẻ cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng đưới đây:
- Mệt mỏi, khó chịu, thường xuyên quấy khóc.
- Đi đại tiện tiêu chảy mức độ nhẹ.
- Không muốn ăn, lười ăn và bỏ bú.
- Phần bọng mắt bị sưng lên.
- Trẻ thường xuyên ngủ hoặc buồn ngủ nhiều hơn bình thường.
Một số trẻ có thể bị co giật khi sốt ở nhiệt độ quá cao (thường trên 40 độ C). Mặc dù các cơn co giật do sốt trông có vẻ đáng sợ và nguy hiểm, nhưng trên thực tế nó hiếm khi nghiêm trọng và gây ảnh hưởng có hại cho trẻ em. Tuy nhiên, tốt nhất cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Nếu co giật kéo dài hơn 5 phút, cho trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.[3]
5 Điều trị sốt phát ban
Đối với sốt: có thể dùng các biện pháp hạ sốt như: lau người bằng nước mát kết hợp với sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol hoặc Ibuprofen. Không bao giờ dùng Aspirin cho trẻ bị bệnh do sử dụng trong trường hợp này có liên quan đến hội chứng Reye, có thể dẫn đến suy gan và tử vong. Để hạn chế tình trạng mất nước do sốt cao, cần bổ sung cho trẻ nước, sữa, thức ăn lỏng.
Đối với phát ban trong sốt phát bạn: Không nên dùng các thuốc hay liệu pháp nào để điều trị phát ban vì đây là phát ban lành tính. Và chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tự khỏi.
6 Xử trí khi trẻ co giật do sốt quá cao
Điều khó làm nhất là giữ bình tĩnh trong khi giúp trẻ nằm xuống sàn và nới lỏng quần áo. Loại bỏ bất kỳ vật sắc nhọn nào có thể gây thương tích và nghiêng đứa trẻ sang một bên để nước bọt có thể chảy ra từ miệng. Đặt một chiếc gối hoặc một chiếc áo gấp dưới đầu nhưng không đặt bất cứ điều gì vào miệng của đứa trẻ. Điều tốt nhất là chờ đợi. Hầu hết các cơn co giật do sốt kéo dài dưới 5 phút. Trẻ em thường buồn ngủ và ngủ sau khi bị co giật. Đó là bình thường. Sau cơn co giật, liên lạc với chuyên gia y tế để xác định xem trẻ có nên được khám ngay lập tức hay không.
Chắc hẳn qua bài viết này, bạn đã biết mình cần phải làm gì khi trẻ bị sốt phát ban rồi đúng không nào?
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: John Mersch, MD, FAAP (Ngày đăng: ngày 19 tháng 10 năm 2021). Roseola, Medicinenet. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Tessa B. Mullins, Karthik Krishnamurthy (Ngày đăng: ngày 10 tháng 7 năm 2021). Roseola Infantum, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Julio E. Pajaro, MD (Ngày đăng: tháng 1 năm 2019). Roseola, Kidshealth. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.