Đau đầu ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Đau đầu ở trẻ em rất phổ biến và thường không nghiêm trọng. [1] Thường gặp nhất là do ảnh hưởng của một số bệnh lý thông thường như cảm lạnh, cúm. [2] Nhưng cũng có thể gặp ở trẻ có khối u não, chảy máu não, bệnh lý về mắt gây ra những cơn đau đầu mạn tính. Vậy đau đầu ở trẻ điều trị như thế nào?
1 Đau đầu ở trẻ em là gì?
Đau đầu là một triệu chứng bệnh lý phổ biến ở trẻ em, trong đó có đến 90% số trường hợp bệnh nhi còn ở lứa tuổi đi học. Tuổi khởi phát trung bình là 7 tuổi đối với trẻ trai và 10 tuổi đối với trẻ gái. Thường có tiền sử gia đình mắc chứng đau nửa đầu. [3] Tương tự với người lớn, nhức đầu ở trẻ em có thế gặp nhiều dạng khác nhau như đau nửa đầu, nhức đầu do căng thẳng, hoặc có thể là nhức đầu mạn tính.
2 Các nguyên nhân gây nhức đầu ở trẻ nhỏ
Hiện tượng đau đầu ở trẻ em có thể không rõ nguyên nhân hoặc do hậu quả của một số bệnh lý khác.
Đau đầu ở trẻ em có thể được chia thành các hội chứng đau đầu nguyên phát hoặc đau đầu thứ phát. Các loại đau đầu nguyên phát ở trẻ em gần giống như ở người lớn. Các hội chứng đau đầu nguyên phát thường gặp nhất ở trẻ em là trẻ bị đau nửa đầu, đau đầu kiểu căng thẳng và đau đầu từng cơn. [4]Đau đầu thứ phát có thể xảy ra do các nguyên nhân như
- Đói và mệt,
- Nhiễm trùng như viêm tai, viêm xoang, viêm màng não,
- Khối u não, chảy máu não, bệnh lý về mắt
- Va đập mạnh gây chấn thương đầu, khiến đầu bị sưng lên, có các vết bầm tím cũng gây nhức đầu.
- Trẻ có thể bị nhức đầu trong một số bệnh lý thông thường.
- Ở nhiều trẻ, do căng thẳng, áp lực trong quá trình học tập cũng có thể gây nhức đầu. Đây là một trong những nguyên do đau đầu hay gặp hiện nay với các bé còn đang lứa tuổi học trò.
- Không những thế, trẻ còn có thể đau đầu do ăn những loại thực phẩm có chứa nhiều nitrat, đồ uống có nhiều caffeine…
3 Các bệnh nhức đầu thường gặp ở trẻ nhỏ
3.1 Bệnh nhức đầu lan tỏa và khu trú
Nhức đầu lan tỏa là một triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm não, viêm màng não. Lúc này, trẻ sẽ có thêm các biểu hiện sốt, và dấu hiệu của nhiễm trùng. Trường hợp trẻ bị đau đầu lan tỏa nhưng không có biểu hiện của sốt, ta cần xem xét đến các bệnh tăng huyết áp, chấn thương nội sọ ở trẻ. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng nguyên nhân gây đau đầu.
Nếu trẻ bị các bệnh như viêm tai, viêm xoang hay đau răng thì thường chỉ có hiện tượng đau đầu khu trú ở một số vùng đặc trưng.
3.2 Đau nửa đầu ở trẻ nhỏ
Đau nửa đầu hay còn gọi là nhức đầu Migraine. Bệnh có thể thấy ở những trẻ còn đang đi học, thường xuất hiện các cơn đau nửa đầu vào buổi chiều muộn. Hiện nay, vẫn chưa biết được rõ nguyên nhân gây đau nửa đầu ở trẻ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và môi trường sống được xem là yếu tố tác động đến bệnh lý này. Các yếu tố gây tác động đến thân não và dây thần kinh V - đây là dây thần kinh dẫn truyền đau chính, khiến trẻ bị đau nửa đầu.
Hiện nay, người ta chia chứng bệnh này thành 2 thể là đau nửa đầu đơn thuần và đau nửa đầu kết hợp.
Trong đó thường gặp nhất là bệnh đau nửa đầu đơn thuần. Bệnh có thể khởi phát do sự ảnh hưởng khi lo lắng, mất ngủ, do ánh sáng gắt chiếu vào mắt, có chu kỳ kinh nguyệt, ăn thức ăn không đảm bảo… Trẻ thường đau đầu đột ngột, theo kiểu mạch đập, nhức đầu ở một bên trong, thường ở vùng trán và lan tỏa. Các cơn đau đầu có thể kéo dài hàng giờ, làm trẻ mệt mỏi, giảm cân, xu hướng tìm đến chỗ yên tĩnh hoặc bóng tối. Đôi khi, kèm theo các cơn nhức đầu, trẻ thường cảm thấy đau bụng, buồn nôn, nôn... Hoặc hiện tượng rối loạn thị giác xuất hiện trước hoặc trong các cơn đau. Trong các trường hợp này, khi cho trẻ đi khám thần kinh không thấy dấu hiệu bị tổn thương.
Còn chứng đau nửa đầu kết hợp thì hiếm gặp hơn, chúng thường đi kèm theo là hiện tượng liệt nửa thân. Triệu chứng liệt này thường xuất hiện nhanh chóng, có thể xảy ra trước hoặc đi cùng với cơn đau. Các cơn đau kéo dài trong vài tiếng đồng hồ, thậm chí là một đến hai ngày nhưng hiếm khi gặp. Trẻ có thể gặp một số chứng đau nửa đầu kết hợp như đau nửa đầu cùng nền sọ, đau nửa đầu vùng mắt… Bệnh lý đau nửa đầu kết hợp có tính chất di truyền.
3.3 Trẻ bị nhức đầu trong bệnh động kinh
Hiếm khi trẻ gặp phải tình trạng này. Các cơn nhức đầu có thể riêng biệt với cơn động kinh. Chúng có thể xuất hiện trước vài giờ khi trẻ động kinh như một dấu hiệu tiền triệu hoặc có thể xuất hiện ngày sau cơn động kinh. Trường hợp này được điều trị tương tự như điều trị động kinh ở trẻ.
Để chẩn đoán phân biệt giữa đau nửa đầu và đau đầu trong cơn động kinh có thể gặp khó khăn. Khi trẻ bị đau nửa đầu có thể dẫn đến hiện tượng thiếu máu não và khi đó sẽ gây ra các cơn co giật lúc đang đau.
3.4 Hiện tượng nhức đầu cụm ở trẻ
Nhức đầu cụm là hiện tượng ít khi gặp phải ở trẻ em, và thấy ở bé trai gặp nhiều hơn là bé gái. Các cơn nhức đầu thường xuất hiện ở một bên, đột ngột và cường độ mạnh, khiến trẻ không chịu được. Lúc đầu sẽ xuất hiện ở vùng trong và quanh mắt, sau đó sẽ lan ra mặt, nửa đầu và nửa cổ cùng một bên. Lúc này trẻ thường ở trạng thái kích thích và tìm mọi cách để giảm nhức đầu.
Trong lúc đau đầu, trẻ thường có biểu hiện tắc mũi, đỏ mặt, hay co đồng tử, sụp mí, lồi mắt cùng phía. Các cơn đau đầu này xảy ra trong vài giờ, tái phát nhiều ngày thường cùng một khoảng thời gian, nhiều nhất là buổi sáng ngủ dậy.
3.5 Tình trạng nhức đầu mạn tính ở trẻ
Ở đây, trẻ sẽ có biểu hiện đau đầu thường xuyên, đau ngày một nhiều, và cần phải đi khám với các xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Nếu trẻ bị đau đầu do tăng áp lực nội sọ, thì cơn đau thường xảy ra nhiều vào ban đêm đến gần sáng hoặc lúc ngủ dậy, và kèm theo nôn. Khi nôn ra xong trẻ sẽ thấy cơn đau giảm nhẹ hơn. Các cơn đau mức độ vừa và nhẹ diễn ra liên tục thường xuyên trong ngày. Cần phải tìm nguyên nhân của hội chứng tăng áp lực nội sọ.
Hoặc trẻ có thể bị đau đầu mạn tính sau khi chấn thương đầu gây biến chứng sọ não, tụ máu nội sọ. Nhức đầu sau chấn thương là biến chứng của chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ hoặc di chứng sau chấn động. Ngoại lệ, có trường hợp nhức nửa đầu sau chấn thương.
Hay khi bị mắc các chứng bệnh về mắt, tai mũi họng, hay các bệnh lý về tim mạch, huyết áp cũng có thể khiến trẻ bị đau đầu mạn tính.
Đặc biệt, ở trẻ lớn thường gặp đau đầu mạn tính còn có thể do ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Khi đó, trẻ thường đau đầu từ từ, lan tỏa ở vùng trán, vùng chẩm vào buổi sáng khi ngủ dậy hoặc sau khi tan học buổi chiều hàng ngày. Trẻ thường có cảm giác nặng đầu, mệt mỏi.
4 Cách chữa nhức đầu ở trẻ em
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau đầu, đối tượng bị đau đầu thuộc lứa tuổi nào và đặc trưng của cơn đau đầu mà có phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó phải kết hợp điều trị nguyên nhân và cải thiện triệu chứng của bệnh. Dưới đây là các cách chữa một số chứng nhức đầu thường gặp ở trẻ.
4.1 Điều trị nhức đầu do căng thẳng
Nếu bé gặp phải hiện tượng nhức đầu do căng thẳng, áp lực thì thường cho trẻ dùng thuốc giảm đau có thành phần là Acetaminophen hoặc ibuprofen. Ít khi dùng Aspirin cho trẻ, đặc biệt là các bé dưới 18 tuổi vì có thể khiến trẻ có nguy cơ trẻ mắc hội chứng Reye.
Liều dùng của Acetaminophen hoặc Ibuprofen được tính theo trọng lượng cơ thể như sau:
- Với Acetaminophen, mỗi lần cho trẻ dùng từ 8 đến 10mg/kg trọng lượng cơ thể, mỗi ngày có thể dùng từ 2 đến 3 lần, cách mỗi 6 tiếng.
- Hoặc Ibuprofen với liều mỗi lần 10mg/kg, mỗi ngày uống từ 2 đến 3 lần, cách nhau 6 tiếng khi có cơn đau.
Nếu trẻ bị nhức đầu mạn tính thì kết hợp với dùng thuốc cần phải cho trẻ chăm sóc tâm lý, thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp liên hệ phản hồi sinh học để giúp cho bé có khả năng tự kiểm soát tần số tim, huyết áp, sự căng cơ.
Trường hợp nếu trẻ không cải thiện được triệu chứng đau đầu với các phương pháp trên thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ có thể cân nhắc cho trẻ dùng liều nhỏ thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptyline.
4.2 Chữa chứng đau nửa đầu trẻ em
Trong điều trị đau nửa đầu cho trẻ người ta có 2 liệu pháp điều trị là điều trị cắt cơn và điều trị phòng tái cơn.
4.2.1 Thuốc điều trị cắt cơn nhức đầu cho trẻ:
Các thuốc được lựa chọn ban đầu là acetaminophen và ibuprofen với liều như hướng dẫn ở trên.
Trường hợp trẻ có cảm giác buồn nôn và nôn thì cho trẻ dùng thuốc chống nôn. Thuốc chống nôn được dùng cho các bé lớn hơn 2 tuổi là thuốc chứa promethazin dạng siro hoặc đặt hậu môn - trực tràng. Hoặc có thể sử dụng viên nén để uống chứa metoclopramid với liều từ 0,15 đến 0,2 mg/kg.
Nếu hiện tượng nhức đầu không nhẹ đi hoặc trẻ nôn nhiều, thì thường cho trẻ dùng Triptan. Đây là thuốc hiệu quả và an toàn trong chữa đau nửa đầu cho trẻ trên 6 tuổi. Ngoài ra có thể cân nhắc lựa chọn các thuốc chẹn beta để điều trị cho trẻ.
Cho trẻ vui chơi để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
4.2.2 Phương pháp điều trị phòng ngừa cơn đau nửa đầu
Trong trường hợp này, cho trẻ dùng cyproheptadin, Propranolol. Lưu ý, với 2 thuốc này thì không được dùng cho các bé bị bệnh hen hoặc tiểu đường. Ngoài ra có thể cho trẻ dùng liều thấp amitriptyline để giảm các cơn đau nặng, giảm tần suất và thời gian xảy ra cơn đau đầu. Amitriptyline có thể gây tác dụng phụ là buồn ngủ, do đó nên cho trẻ dùng vào buổi tối.
4.3 Phương pháp điều trị nhức đầu mạn tính cho trẻ em
Để điều trị nhức đầu mạn tính cho trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn bé thay đổi cách sống như uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích. Đồng thời trẻ phải tập thể dục mỗi ngày, và ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc sinh hoạt để nâng cao sức khỏe.
Song song với công việc, học tập trẻ cần được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để giảm bớt căng thẳng.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn để biết được cách chữa nhức đầu cho trẻ phù hợp và hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Headaches in children, Mayoclinic. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, What Should I Do for My Child’s Headaches?, WebMD. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Hopkinsmedicine, Headaches in Children, Hopkinsmedicine. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Choon How How, MMed, FCFP, Wei Shih Derrick Chan, Headaches in children, NCBI. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021