1. Trang chủ
  2. Nội tiết - Đái Tháo Đường
  3. Nhóm thuốc nào gây tăng đường huyết? Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Nhóm thuốc nào gây tăng đường huyết? Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Nhóm thuốc nào gây tăng đường huyết? Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Trungtamthuoc.com - Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc làm tăng lượng đường trong máu, trong đó có việc sử dụng thuốc. Vậy những nhóm thuốc nào gây tăng đường huyết?  Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1 Khái quát về vấn đề tăng đường huyết 

Tình trạng tăng đường huyết được định nghĩa lâm sàng là khi nồng độ Glucose huyết thanh > 180 mg/dl kéo dài hơn 2 giờ. Không giống như hạ đường huyết, tình trạng tăng đường huyết cấp tính thường lành tính và có thể tồn tại mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng nào đáng kể; tuy nhiên sự phát triển của nhiễm toan đái tháo đường (DKA) hoặc tình trạng tăng đường huyết tăng thẩm thấu (HHS) là những trường hợp tăng đường huyết cấp cứu.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tăng đường huyết thường biểu hiện khi nồng độ glucose huyết thanhnồng độ glucose huyết thanh > 180 mg/dl kéo dài hơn 2 giờ và bao gồm các triệu chứng cổ điển của chứng uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và nhìn mờ. Nó dẫn đến các triệu chứng sau: mệt mỏi, suy nhược, thiếu tập trung, khó thở, buồn nôn và nôn, khô da và đỏ bừng da. [1]

Khái quát về vấn đề tăng đường huyết
Khái quát về vấn đề tăng đường huyết 

2 Các nhóm thuốc gây tăng đường huyết

Một số nhóm thuốc gây tăng đường huyết hiện nay bao gồm:

  • Corticosteroid
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc lợi tiểu thiazid
  • Thuốc hạ lipid máu Statin
  • Thuốc chẹn Beta (beta blocker)
  • Thuốc kháng sinh
  • Một số thuốc khác: Thuốc ức chế calcineurin, thuốc chống viêm không steroid NSAIDS,  thuốc ức chế protease.

3 Corticosteroid

Corticosteroid, điển hình như Methylprednisolone (biệt dược Medrol), Dexamethason (biệt dược Decadron), Prednisolon là thuốc chống viêm có nguồn gốc hormon tuyến thượng thận, có tác dụng kháng viêm mạnh. Các corticosteroid này có khả năng giảm viêm và giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, giúp làm giảm các triệu chứng viêm và cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, cần sử dụng chúng dưới sự giám sát của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Nhóm corticosteroid
Nhóm corticosteroid

Mặc dù được kê đơn rộng rãi vì đặc tính chống viêm và ức chế miễn dịch, glucocorticoid có một số tác dụng phụ, trong đó tăng đường huyết là một trong những tác dụng phụ phổ biến và tiêu biểu nhất.[2]

3.1 Tại sao cortisteroid gây tăng đường huyết?

  • Tăng cường quá trình tạo glucose: Corticosteroid kích thích gan sản xuất nhiều glucose hơn thông qua quá trình tạo glucose, quá trình hình thành glucose từ các nguồn không phải carbohydrate như axit amin và chất béo. Cortisol làm tăng đường huyết chủ yếu nhờ tác dụng tăng tạo đường mới ở gan.
  • Giảm độ nhạy insulin : Corticosteroid gây ra tình trạng kháng insulin bằng cách can thiệp trực tiếp vào các tầng tín hiệu, chủ yếu là chất vận chuyển GLUT4, trong tế bào cơ, sau đó làm giảm 30% -50% sự hấp thu glucose do insulin kích thích và giảm 70% trong quá trình tổng hợp glycogen do insulin kích thích
  • Giảm hấp thu glucose: Corticosteroid có thể ức chế sự hấp thu glucose của các mô cơ và mỡ, góp phần làm tăng lượng đường trong máu.
  • Mức độ tăng glucose phụ thuộc vào tình trạng đường huyết trước khi bắt đầu dùng steroid, liều lượng và thời gian điều trị bằng glucocorticoid, và tình trạng bệnh đi kèm, cùng nhiều yếu tố khác.

3.2 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do corticoid

Sulfonylureas, chẳng hạn như Gliclazide, glipizide hoặc Glimepiride , là phương pháp điều trị đường uống được lựa chọn đầu tiên đối với tình trạng tăng đường huyết do sử dụng steroid vì tác dụng hạ đường huyết của chúng là ngay lập tức và tình trạng tăng đường huyết sau bữa ăn được cải thiện.

Insulin cũng là phương pháp điều trị được lựa chọn cho những người bị tăng đường huyết do steroid , đặc biệt khi mức đường huyết liên tục trên 200 mg/dL.

Việc điều trị thuốc chữa đái tháo đường đồng thời với Corticoid đặt ra một thách thức đối với quản lý đường huyết và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Trong những trường hợp cần thiết, khi cần sử dụng corticoid dài ngày, việc điều chỉnh liều lượng của cả hai loại thuốc là cực kỳ quan trọng để tránh nguy cơ hạ đường huyết hoặc các biến chứng khác. Khi bắt đầu giảm liều corticoid, cần theo dõi sát sao và chú ý đến bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến suy thượng thận, bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và tụt huyết áp. Những dấu hiệu này đều cần được đánh giá một cách cẩn thận và khi cần thiết, bệnh nhân nên đến bệnh viện sớm để kiểm tra và điều trị. Quan trọng nhất, không bao giờ nên tự ngừng thuốc Corticoid đột ngột, đặc biệt là đối với những người đang dùng liều cao hoặc đã sử dụng thuốc trong thời gian dài. Suy thượng thận cấp nặng có thể xảy ra nhanh chóng và gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả.

4 Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần (APD) được kê đơn rộng rãi để kiểm soát các rối loạn tâm thần khác nhau. Vì rối loạn tâm thần là bệnh mãn tính nên những loại thuốc này thường được sử dụng suốt đời. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần có thể gây ra các tác dụng phụ chuyển hóa glucose nghiêm trọng bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và tăng đường huyết tức thời, dẫn đến không tuân thủ điều trị bằng thuốc. 

Một nghiên cứu gần đây trên 307 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần cho thấy Olanzapine gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 (17%), béo phì (48%), rối loạn lipid máu (35%) và tăng huyết áp (32%) với thời gian điều trị trung bình là 7,6 năm, sử dụng các thuốc chống loạn thần khác cũng có những tác dụng phụ tương tự.[3]

4.1 Cơ chế gây tăng đường huyết của thuốc chống loạn thần

Kháng insulin tác động trực tiếp của thuốc chống loạn thần: Akt được kích hoạt làm tăng sự vận chuyển của chất vận chuyển glucose loại 4 (GLUT4) đến màng để tăng sự hấp thu glucose thông qua chất nền Akt AS160. Thuốc chống loạn thần đã được chứng minh là có tác dụng ức chế hoạt động của Akt và do đó gây ra tình trạng kháng insulin trong tế bào cơ.

Kháng insulin do thuốc chống loạn thần gây ra thông qua béo phì: Béo phì có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường thông qua tình trạng kháng insulin và viêm. Trong bệnh béo phì, nồng độ insulin trong máu tăng lên.Nồng độ FFA trong máu tăng lên ở người béo phì do sự giải phóng tăng lên do kích thước và số lượng tế bào mỡ tăng lên. Olanzapine đã được chứng minh là làm tăng quá trình tạo lipid và do đó làm tăng FFA, gây ra tình trạng tăng đường huyết.

Rối loạn chức năng tế bào β và apoptosis do thuốc chống loạn thần gây ra: Clozapine (Clozaril) và Olanzapine (Egolanza) cũng làm giảm bài tiết Insulin tế bào β khi kiểm soát đường huyết cao, cho thấy tổn thương trực tiếp tế bào β đi kèm với tình trạng kháng insulin do clozapine và olanzapine gây ra.

Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần

4.2 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do thuốc chống loạn thần

Amantadine (Gocovri), Metformin (Glucophage), Reboxetine(Edronax), và Topiramate(Topamax) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm tăng cân do thuốc chống loạn thần gây ra. Trong đó Metformin đã được chứng minh là có tác dụng giảm cân tốt nhất so với các thuốc khác. 

Dựa trên vai trò chính của chất đối kháng histamin H1 và 5-HT2C trong việc tăng cân do thuốc chống loạn thần gây ra, một số thử nghiệm lâm sàng hoặc động vật nhắm vào các thụ thể này đã được nghiên cứu gần đây. Người ta đã chứng minh rằng điều trị đồng thời với Betahistine (chất chủ vận H1 và chất đối kháng H3) có thể làm giảm một phần tình trạng tăng cân do Olanzapine gây ra.

5 Thuốc lợi tiểu thiazide

Thuốc lợi tiểu thiazide thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và có thể liên quan đến các biến chứng chuyển hóa gồm hạ Kali máu; tăng cholesterol, tăng triglyceride và các lipid máu khác; cũng như tăng glucose. Một số thuốc lợi tiểu thiazide phổ biến như: Furosemide (Lasix) , Hydrochlorothiazide (Esidrex), Indapamide (Triplixam)

Thuốc lợi tiểu thiazid
Thuốc lợi tiểu thiazid

Cơ chế gây tăng đường huyết của thuốc lợi tiểu thiazide 

Thiazide, một loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị cao huyết áp và bệnh thận, đã được nghiên cứu có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu thông qua một số cơ chế cụ thể, bao gồm suy giảm độ nhạy insulin, tăng sản xuất glucose ở gan và suy giảm hấp thu ngoại biên.

Suy giảm độ nhạy insulin: Thiazide có thể gây ra suy giảm độ nhạy insulin, làm giảm khả năng cơ thể sử dụng insulin để điều hòa đường huyết. Điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết ở những người có nguy cơ tiểu đường hoặc đã mắc bệnh tiểu đường.

Tăng sản xuất glucose ở gan: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiazide có thể tăng sản xuất glucose ở gan, một quá trình có thể góp phần vào tăng đường huyết.

Suy giảm hấp thu ngoại biên: Thiazide có thể ảnh hưởng đến hệ thống thận và gây ra suy giảm hấp thu ngoại biên, dẫn đến tăng lượng natri và kali trong cơ thể, ảnh hưởng đến cân bằng nước và điện giải, và có thể gây ra tăng đường huyết.

5.1 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do thuốc lợi tiểu thiazide

Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về điều trị tăng đường huyết do thuốc lợi tiểu thiazide. Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ nếu có triệu chứng của tăng đường huyết khi sử dụng để thay đổi phác đồ điều trị phù hợp.

6 Thuốc hạ lipid máu Statin

Liệu pháp statin gồm các thuốc Atorvastatin (Lipitor), Rosuvastatin (Crestor) có liên quan với việc giảm độ nhạy insulin và suy giảm bài tiết insulin. Theo các nghiên cứu tổng hợp, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở những người được điều trị bằng thuốc Statin có thể lên đến 9%. Nghĩa là, nếu điều trị 255 bệnh nhân bằng Statin trong vòng 4 năm, có một người có khả năng mắc phải bệnh đái tháo đường mới. Tuy nhiên lợi ích khi sử dụng Statin vẫn được đánh giá cao hơn so với tác dụng phụ hạ đường huyết của nó.

Thuốc hạ lipid máu Statin
Thuốc hạ lipid máu Statin

6.1 Cơ chế gây tăng đường huyết của thuốc hạ lipid máu Statin

Tình trạng kháng insulin do statin gây ra có thể là do ức chế sinh tổng hợp isoprenoid và điều hòa quá trình sản xuất C/EBPα. Giảm tổng hợp isoprenoid có thể tạo ra sự giảm biểu hiện GLUT4 trên tế bào mỡ, dẫn đến giảm sự hấp thu glucose qua tế bào qua trung gian insulin và không dung nạp glucose. 

6.2 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do thuốc hạ lipid máu Statin

Việc sử dụng thuốc Statin thường gây ra tăng lượng đường huyết nhẹ. Do đó, nếu bị tăng đường huyết khi sử dụng Statin, bệnh nhân không cần quá lo lắng, tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh liều dùng cho phù hợp.

7 Thuốc chẹn Beta (beta blocker)

Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng khác nhau liên quan đến tim mạch. Các thuốc chẹn beta không giãn mạch như Metoprolol (Egilok) và Atenolol (Atenolol STADA) có khả năng gây ra vấn đề tăng đường huyết cao hơn so với các thuốc chẹn beta giãn mạch.

Thuốc chẹn Beta (beta blocker)
Thuốc chẹn Beta (beta blocker)

Cơ chế gây tăng đường huyết khi dùng thuốc chẹn Beta

Thuốc chẹn β gây ra tình trạng tăng đường huyết bằng cách làm suy giảm sự giải phóng insulin từ tế bào β của tuyến tụy.  Trong một nghiên cứu gần đây, Atenolol cũng được chứng minh là góp phần gây ra bệnh tiểu đường mới khởi phát và làm trầm trọng thêm tình trạng tăng đường huyết ở những người bị béo bụng. Trong nghiên cứu này, các tác dụng bất lợi trên chuyển hóa, bao gồm sự phát triển của tăng đường huyết biểu hiện dưới dạng suy giảm đường huyết lúc đói, rõ ràng trong vòng 9 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị.

7.1 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do thuốc chẹn Beta

Khi có triệu chứng tăng đường huyết, không nên ngưng sử dụng thuốc chẹn beta một cách đột ngột mà thay vào đó nên giảm liều từ từ. Ngưng sử dụng đột ngột có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Việc giảm liều thuốc từ từ sẽ giúp cơ thể thích ứng và giảm nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ không mong muốn. Đồng thời, việc điều chỉnh liều lượng thuốc nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà y tế chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.

8 Thuốc kháng sinh

Uống thuốc kháng sinh có làm tăng đường huyết không? là thắc mắc của nhiều người. Fluoroquinolones là nhóm kháng sinh duy nhất liên quan đến sự phát triển của tăng đường huyết. 

8.1 Cơ chế gây tăng đường huyết khi dùng thuốc kháng sinh

Cơ chế gây tăng đường huyết liên quan đến fluoroquinolone chưa được làm rõ một cách chính xác, nhưng đã có báo cáo về việc tăng đường huyết xảy ra với Gatifloxacin trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Trong một nghiên cứu  liên quan đến cư dân ≥ 66 tuổi ở Ontario, Canada, khi so sánh với kháng sinh macrolide (ví dụ AzithromycinClarithromycin), gatifloxacin có liên quan đến nguy cơ tăng đường huyết tăng lên đáng kể.

8.2 Lưu ý khi bị tăng đường huyết do thuốc kháng sinh

Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về điều trị tăng đường huyết do gatifloxacin (Floxagat) gây ra. Tuy nhiên, việc tránh sử dụng gatifloxacin ở bệnh nhân tiểu đường đã được đề xuất. 

8.3 Một số thuốc khác

Thuốc ức chế calcineurin (CNIs): Calcineurin là một protein phosphatase kích hoạt các tế bào T của hệ thống miễn dịch. Các CNI Cyclosporine, sirolimus và tarcrolimus thường được sử dụng để tránh thải ghép đồng loại trong liệu pháp cấy ghép. Việc sử dụng lâu dài các thuốc này sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường sau ghép tạng. Cơ chế tăng đường huyết được đưa ra là do sự ức chế sự phát triển của tế bào β đảo tụy được thúc đẩy bởi calcineurin. 

Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAID): NSAID có thể ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong huyết tương bằng cách ảnh hưởng đến chức năng kênh ion trong tế bào beta tuyến tụy và do đó ảnh hưởng đến sự tiết insulin, gây ra tăng đường huyết. Đây là giải đáp cho câu hỏi Nhiều người thắc mắc uống thuốc kháng viêm có làm tăng đường huyết không?

Thuốc ức chế protease: Thuốc ức chế Protease là thành phần thiết yếu của liệu pháp kháng vi-rút để điều trị cho người nhiễm HIV và AIDS. Tăng đường huyết liên quan đến thuốc ức chế protease có thể xảy ra ở những người được điều trị có hoặc không có bệnh tiểu đường và xảy ra ở 3–17% sớm trong điều trị hoặc sau khi sử dụng rộng rãi và kéo dài. Thuốc ức chế protease được cho là tạo ra phản ứng làm giảm độ nhạy insulin, do đó thúc đẩy tăng đường huyết liên quan đến kháng insulin. Ritonavir đã được chứng minh là có tác dụng ức chế trực tiếp hoạt động của chất vận chuyển glucose loại 4 trong cơ thể, do đó có khả năng gây tăng đường huyết

9 Lưu ý chung khi sử dụng các nhóm thuốc gây tăng đường huyết

9.1 Theo dõi đường huyết trong quá trình sử dụng thuốc

Thực hiện theo dõi định kỳ đường huyết là cực kỳ quan trọng khi sử dụng các nhóm thuốc có nguy cơ gây tăng đường huyết. Điều này giúp phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn.

Lưu ý chung khi sử dụng các nhóm thuốc gây tăng đường huyết
Lưu ý chung khi sử dụng các nhóm thuốc gây tăng đường huyết

9.2 Tuân thủ lời khuyên của bác sĩ

Luôn tuân thủ hướng dẫn và liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Không bao giờ tự điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc một cách đột ngột mà không có sự chỉ dẫn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Khi tự ý thay đổi liều lượng dùng thuốc  có thể làm suy giảm hiệu quả của điều trị, tăng nguy cơ tái phát bệnh hoặc gây ra các biến chứng không mong muốn.

9.3 Điều chỉnh lối sống

Kết hợp sử dụng thuốc với một lối sống lành mạnh là một phần quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát đường huyết, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ cao về tình trạng này. Một lối sống lành mạnh bao gồm hai yếu tố chính là chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục đều đặn. Điều này bao gồm việc ăn nhiều rau củ và trái cây, chọn lựa các loại thực phẩm giàu chất xơ và thấp đường, hạn chế đường và các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tập thể dục đều đặn cũng là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Hoạt động thể chất giúp cơ thể tiêu hao năng lượng và làm giảm lượng đường trong máu. Điều này cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Việc thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga, hoặc các hoạt động aerobic khác mỗi ngày đều có thể mang lại lợi ích đối với kiểm soát đường huyết.

9.4 Thảo luận với bác sĩ trước khi thay đổi thuốc

Nếu cần thay đổi loại thuốc hoặc liều dùng, cần thảo luận với bác sĩ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả. Khi có nhu cầu thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh liều dùng, việc thảo luận với bác sĩ là cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị. Bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để đưa ra lời khuyên và quyết định phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tiền sử dùng thuốc và các yếu tố cá nhân khác.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Abdur Rehman và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 11 năm 2011), Drug-Induced Glucose Alterations Part 2: Drug-Induced Hyperglycemia, Diabetes Spectrum. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024
  2. ^ Tác giả Héctor Eloy Tamez-Pérez và cộng sự (Ngày đăng 7 tháng 2 năm 2024), Steroid hyperglycemia: Prevalence, early detection and therapeutic recommendations: A narrative review, Pubmed. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024
  3. ^ Tác giả Jiezhong Chen và cộng sự, Molecular Mechanisms of Antipsychotic Drug-Induced Diabetes, Pubmed. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633