1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic: đại cương và thuốc cụ thể

Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic: đại cương và thuốc cụ thể

Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic: đại cương và thuốc cụ thể

Trungtamthuoc.com - Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic hay còn gọi là thuốc cường giao cảm. Các thuốc này có tính ứng dụng lớn trên lâm sàng. Hãy cùng tìm hiểu dược lý các thuốc qua bài viết dưới đây.

1 Đại cương về nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic

Thuốc kích thích hệ adrenergic hay còn được biết đến với cái tên thuốc cường giao cảm, đây là nhóm các thuốc có tác dụng kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp trên receptor của hệ adrenergic, từ đó làm tăng lượng catecholamin ở synap thần kinh của hệ adrenergic.

Có thể chia các thuốc trong nhóm thành 2 loại [1] dựa trên cơ chế tác dụng của chúng:

  • Nhóm 1: Các thuốc kích thích trực tiếp trên receptor của hệ adrenergic sau synap.
  • Nhóm 2: Các thuốc tác dụng gián tiếp bằng cách kích thích các receptor tiền synap.

Cũng có thể chia các thuốc trong nhóm thành các loại: [2]

  • Thuốc kích thích α và β-adrenergic: Adrenalin, Noradrenalin, dopamine.
  • Thuốc kích thích trực tiếp α1-adrenergic: metaraminol, Phenylephrine, Heptaminol. và kích thích trực tiếp α2-adrenergic: Methyldopa.
  • Thuốc kích thích trực tiếp β-adrenergic
  • Thuốc kích thích gián tiếp hệ adrenergic: Ephedrine, amphetamine. 

2 Thuốc kích thích hệ α và β- adrenergic

2.1 Adrenaline (Epinephrine) 

Nội sinh: adrenalin hay còn được gọi là Epinephrine, được tiết ra ở nhiều nơi như ngọn sợi sau hạch giao cảm, thần kinh trung ương nhưng nhiều nhất là tuyến tủy thượng thận.

Adrenalin dùng làm thuốc được chiết từ tuyến tủy thượng thận của động vật và tổng hợp hóa học. Adrenalin dùng trong y học là loại đồng phân tả tuyền, có hoạt tính mạnh hơn loại đồng phân hữu tuyền 20 lần. Là thuốc độc bảng A.

Cấu trúc của Adrenalin
Cấu trúc của Adrenalin

2.1.1 Dược động học

Hấp thu: Adrenalin bị phân hủy ở đường tiêu hóa, do đó không dùng thuốc theo đường uống. Thuốc có thể được dùng theo đường đặt dưới lưỡi hoặc đường tiêm. Adrenalin chủ yếu dùng dưới dạng đường truyển tĩnh mạch. Nếu dùng theo đường tiêm tĩnh mạch, xuất hiện tác dụng quá nhanh và mạnh nên dễ gây tai biến như phù phổi cấp, giãn mạch mạnh, tai biến mạch máu não. Nếu tiêm bắp, tiêm dưới da, thuốc hấp thu chậm hơn do gây co mạch nơi tiêm.

Chuyển hóa: Dưới tác dụng của 2 enzym là COMT và MAO, adrenalin được chuyển hóa tạo thành các chất không còn hoạt tính.

Thải trừ: con đường thải trừ chính của thuốc thông qua đường nước tiểu. Các sản phẩm thải trừ lầ các chất chuyển hóa không còn hoạt tính.

2.1.2 Tác dụng 

Trên thần kinh giao cảm

Thuốc kích thích cả receptor alpha và beta-adrenergic, nhưng tác dụng trên beta mạnh hơn. Các tác dụng của adrenalin rất phức tạp, tương tự như kích thích hệ giao cảm. Biểu hiện tác dụng của adrenalin trên các cơ quan và tuyến như sau:

- Trên mắt: adrenalin làm giãn đồng tử do làm co cơ tia mống mắt, dẫn đến chèn ép lên ống thông dịch nhãn cầu, gây nên tình trạng tăng nhãn áp.

- Trên hệ tuần hoàn:

  • Trên tim: thuốc kích thích receptor beta-1 ở tim, làm tim đập nhanh hơn, đồng thời tăng sức co bóp của cơ tim, tăng lưu lượng tim, do đó tăng công của tim và tăng mức tiêu thụ oxy của tim. Vì vậy nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn nhịp tim.
  • Trên mạch: adrenalin kích thích receptor alpha-1 gây co mạch một số vùng như mạch ngọai vi, mạch da và mạch tạng, cùng với đó, nó kích thích receptor beta-2 gây giãn mạch một số vùng như mạch não, mạch phổi, mạch vành, mạch máu tới cơ bắp.
  • Trên huyết áp: adrenalin làm tăng HATT, ít ảnh hưởng tới HATTr. Do đó, huyết áp trung bình chỉ tăng nhẹ. Có một điều cần đặc biệt chú ý, adrenalin có thể gây hạ huyết áp do phản xạ.

- Trên hô hấp:

Adrenalin gây kích thích nhẹ hô hấp, làm giãn cơ trơn phế quản và làm giảm phù nề niêm mạc. Do đó, nó có tác dụng cắt cơn hen phế quản. Tuy nhiên hiện nay ít dùng vì gây nhiều tác dụng không mong muốn do kích thích cả beta-1.

- Trên hệ tiêu hóa: thuốc làm giãn cơ trơn tiêu hóa, giảm tiết dịch tiêu hóa.

- Trên hệ tiết niệu: làm giảm lưu lượng máu tới thận và ảnh hưởng tới mức lọc cầu thận, làm giãn cơ trơn nhưng co cơ vòng bàng quang làm chậm bài tiết nước tiểu, gây bí tiểu.

- Trên tuyến ngoại tiết: giảm tiết dịch ngoại tiết như giảm tiết nước bọt, dịch vị, dịch ruột, nước mắt…

- Trên chuyển hóa: giảm tiết Insulin (hormon duy nhất gây giảm đường huyết), đồng thời tăng tiết glucagon và tăng tốc độ phân hủy glycogen, do đó làm tăng Glucose máu. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng tăng chuyển hóa cơ bản lên 20-30%, tăng tiêu thụ oxy, tăng cholesterol máu, tăng tạo hormon tuyến yên (ACTH) và tuyến tủy thượng thận cortison.

Trên thần kinh trung ương

Ở liều điều trị, adrenalin ít thấm qua hàng rào máu não, do đó hầu như không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khi sử dụng với liều cao, nó gây kích thích thần kinh trung ương, tạo cảm giác hồi hộp, bứt rứt, khó chịu, đánh trống ngực, căng thẳng, run. Tác dụng kích thích thần kinh đặc biệt rõ ở người mắc chứng bệnh parkinson.

Ngoài ra, adrenalin làm tăng khả năng kết dính tiểu cầu. [3] 

Adrenalin cấp cứu trong trường hợp sốc phản vệ hoặc ngừng tim đột ngột
Adrenalin cấp cứu trong trường hợp sốc phản vệ hoặc ngừng tim đột ngột

2.1.3 Chỉ định

Dùng để cấp cứu trong trường hợp sốc phản vệ hoặc ngừng tim đột ngột.

Trước đây được dùng trong điều trị hen phế quản nhưng hiện nay ít dùng do nguy cơ tác dụng phụ, cùng với đó đã có các phương pháp thay thế hiệu quả hơn.

Dùng tại chỗ để cầm máu niêm mạc, trị viêm mũi, viêm mống mắt.

Phối hợp với thuốc tê để tăng cường tác dụng của thuốc tê.

2.1.4 Tác dụng không mong muốn

Lo âu, hồi hộp, loạn nhịp tim, nhức đầu.

Trường hợp tiêm tĩnh mạch nhanh có thể phù phổi, xuất huyết não. 

2.1.5 Chống chỉ định

Mắc bệnh tim mạch nặng, tăng huyết áp.

Xơ vữa động mạch.

Ưu năng tuyến giáp.

Đái tháo đường.

Tăng nhãn áp.

Bí tiểu do tắc nghẽn.

2.1.6 Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc bất lợi có thể xảy ra khi phối hợp, do đó cần thận trọng, chú ý không phối hợp với các thuốc sau đây:

Thuốc ức chế beta-adrenergic loại không chọn lọc: khi dùng phối hợp làm tăng huyết áp mạnh, nguy cơ gây tai biến mạch máu não.

Thuốc gây mê nhóm halogen ví dụ như halothan, isofluran...: vì có thể gây rung tâm thất nặng.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptylin (elavil), Clomipramin (anafranil, clomidep)...: vì có thể gây tăng huyết áp và loạn nhịp tim nặng. [4] 

Chế phẩm chứa Adrenalin
Chế phẩm chứa Adrenalin

2.1.7 Chế phẩm vầ liều dùng

Ống tiêm dưới da, truyền tĩnh mạch 1mg/ml phải kể đến như Adrenalin 1mg/1ml VinphacoAdrenalin 1mg/1ml TW2...

Liều dùng: 1mg/ lần, 2mg/ ngày.

2.2 Noradrenalin

2.2.1 Dược động học

Noradrenalin có các đặc điểm dược động học tương tự adrenalin, chỉ khác noradrenalin gây co mạch mạnh nên không tiêm dưới da và tiêm bắp, chỉ dùng đường tiêm và truyền tĩnh mạch.

2.2.2 Tác dụng

Trên thần kinh trung ương: tương tự như adrenalin.

Trên thần kinh thực vật: thuốc kích thích cả thụ thể alpha và beta- adrenergic nhưng tác dụng trên hệ beta rất yếu nên thực tế có thể coi là chỉ tác dụng trên hệ alpha. Biểu hiện tác dụng trên các cơ quan như sau:

Trên hệ tuần hoàn: noradrenalin ít ảnh hưởng tới tim (do ít tác dụng trên hệ beta), nhưng gây co mạch mạnh hơn adrenalin (do tác dụng chủ yếu trên thụ thể alpha). Gây co tất cả các mạch máu, co mạch vành, làm tăng sức cản ngoại vi, gây tăng cả huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, tăng huyết áp trung bình và không gây phản xạ hạ huyết áp bù trừ.

Các tác dụng khác tương tự adrenalin nhưng yếu hơn. [5]

Cấu trúc Noradrenalin
Cấu trúc Noradrenalin

2.2.3 Chỉ định

Hạ huyết áp, trụy tim mạch do các nguyên nhân như chấn thương, nhiễm khuẩn, quá liều thuốc phong bế hạch, quá liều thuốc hủy phó giao cảm….

Phối hợp với thuốc tê để kéo dài tác dụng của thuốc tê.

Cầm máu niêm mạc.

2.2.4 Tác dụng không mong muốn

Khi sử dụng thuốc có thể gây tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp, đau đầu nhưng ít hơn adrenalin.

2.2.5 Chế phẩm và liều dùng

Ống tiêm 1mg/ ml, khi dùng pha trong glucose đẳng trương hoặc truyền tĩnh mạch như Noradrenaline Base Aguettant 1 Mg/Ml Levonor 1mg/Ml...

Liều dùng: 1-4mg/ ngày, liều tối đa 10mg/ ngày.

Chế phẩm chứa Noradrenalin
Chế phẩm chứa Noradrenalin

2.3 Dopamin

2.3.1 Dược động học

Dopamin là tiền chất tạo thành noradrenalin và là chất trung gian của hệ dopaminergic. Dopamin có rất ít ở ngọn giao cảm, mà tập trung chủ yếu ở thần kinh trung ương và có vai trò quan trọng đối với bệnh parkinson. [6]

2.3.2 Tác dụng

Trong phần này chỉ trình bày tác dụng trên hệ giao cảm mà chủ yếu là tác dụng trên tim, mạch và huyết áp. Tác dụng của dopamin phụ thuộc vào liều dùng:

Liều thấp: Thuốc tác dụng chủ yếu trên receptor D1, gây giãn mạch vành, mạch nội tạng, đặc biệt mạch thận làm tăng tốc độ lọc và tăng lưu lượng thận.

Liều trung bình: tác dụng chủ yếu trên receptor beta-1 làm tăng cả nhịp tim và sức co bóp tim. 

Liều cao: tác dụng trên alpha-1 gây co mạch, tăng huyết áp. 

Công thức cấu tạo Dopamin
Công thức cấu tạo Dopamin

2.3.3 Chỉ định

Dopamin chủ yếu được chỉ định trong sốc các loại, đặc biệt là sốc kèm theo giảm thể tích máu hoặc vô niệu.

2.3.4 Tác dụng không mong muốn

Tác dụng không mong muốn thường xảy ra khi dùng liều cao. Có thể gặp buồn nôn, nôn, đau đầu, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, do kích thích mạnh hệ giao cảm. Không dùng cùng thuốc ức chế MAO và phải chỉnh liều khi dùng cùng thuốc chống trầm cảm ba vòng.

2.3.5 Chế phẩm và liều dùng

Dung dịch tiêm, truyền tĩnh mạch với ống tiêm 40, 60, 80mg/ml.

Liều dùng tùy vào bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ PSG.TS Mai Tất Tố, TS Vũ Thị Trâm (Xuất bản năm 2007). Sách Dược lý học tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021
  2. ^ PSG.TS Mai Tất Tố, TS Vũ Thị Trâm (Xuất bản năm 2007). Sách Dược lý học tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021
  3. ^  DrugBank. Epinephrine, DrugBank. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  4. ^  Rajeev Dalal ; Dejan Grujic .(Ngày đăng 7 tháng 5 năm 2021). Epinephrine, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2021
  5. ^  Matthew D. Smith ; Christopher V. Maani ( Ngày đăng 9 tháng 9 năm 2020). Norepinephrine, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
  6. ^   James Sonne ; Amandeep Goyal ; Pankaj Bansal ; Wilfredo Lopez-Ojeda ( Ngày đăng 7 tháng 7 năm 2021). Dopamine, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    nhà thuốc ơi cho tôi hỏi uống thuốc Dopamin có thể có tác dụng phụ nào không?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic: đại cương và thuốc cụ thể 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nhóm thuốc kích thích hệ adrenergic: đại cương và thuốc cụ thể
    QT
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, nhiều loại thuốc, thuốc Noradrenalin chất lượng tốt

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633