Thuốc giảm mỡ máu điều trị mỡ máu cao ở người béo phì người cao tuổi...
Trungtamthuoc.com - Rối loạn chuyển hóa lipid là căn bệnh phổ biến hiện nay nhiều người đang mắc phải. Hiểu rõ về căn bệnh máu nhiễm mỡ sẽ giúp người bệnh lựa chọn được các phương pháp và dùng thuốc điều trị mỡ máu hiệu quả hơn. Bài viết này, trungtamthuoc sẽ chia sẻ tới các bạn các thuốc giảm mỡ máu tốt nhất được ứng dụng trên lâm sàng hiện nay
1 Tổng quan về rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu)
Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng nồng độ cholesterol, triglycerid (TGs) trong huyết tương hoặc cả hai hoặc là tình trạng giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng (phân tử lượng) cao (HDL-C), tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) từ đó làm tăng nguy cơ hoặc thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lipid máu có thể do tiên phát hoặc thứ phát.
Rối loạn mỡ máu được chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm định lượng nồng độ cholesterol, triglycerid và các thành phần lipoprotein trong máu. Rối loạn các thành phần lipid máu này là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành các bệnh lý tim mạch.
Điều trị rối loạn lipid máu bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc hạ lipid máu, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều trị căn nguyên gây bệnh.
===> Mời quý bạn đọc xem thêm: Rối loạn lipid máu và đại cương các thuốc điều trị
Nguyên tắc điều trị cho người mỡ máu cao:
- Trước hết phải xác định rối loạn lipid máu có phải là thứ phát hay không? Nếu là nguyên nhân thứ phát, cần điều trị nguyên nhân này.
- Thay đổi lối sống là một phần quan trọng và cốt lõi của điều trị, bao gồm chế độ ăn uống phù hợp và thường xuyên tập thể dục.
- Cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.
- Sử dụng các bằng chứng lâm sàng để đạt được hiệu quả tối ưu, trong đó vai trò của statin và statin liều cao vẫn là trọng tâm trong việc giảm nguy cơ biến chứng tim mạch (ASCVD).
- Theo dõi và tuân thủ điều trị trong thời gian dài là yếu tố quan trọng.
2 Phân loại các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu
2.1 Tổng quan
Phòng ngừa và điều trị rối loạn lipid máu nên được coi là một phần không thể thiếu trong các biện pháp can thiệp phòng ngừa tim mạch riêng lẻ, cần được giải quyết chủ yếu cho những người có nguy cơ cao hơn và được hưởng lợi nhiều nhất. Cho đến nay, statin vẫn là liệu pháp được lựa chọn đầu tiên vì chúng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các biến cố mạch máu lớn bằng cách giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL-C). Tuy nhiên, do tuân thủ điều trị bằng statin hoặc kháng statin, nhiều bệnh nhân không đạt được mức LDL-C mục tiêu. Ezetimibe, fibrate và axit nicotinic là những thuốc lựa chọn thứ hai được sử dụng kết hợp với statin nếu không thể đạt được mục tiêu lipid. Ngoài ra, thuốc kháng PCSK9 (evolocumab và alirocumab) mang lại giải pháp hiệu quả cho bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình (FH) và không dung nạp statin có nguy cơ tim mạch rất cao. Gần đây, các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của hai chất hạ lipid mới (lomitapide và mipomersen) trong việc kiểm soát FH đồng hợp tử bằng cách giảm giá trị LDL-C và giảm các biến cố tim mạch. Tuy nhiên, chi phí cho những liệu pháp mới này khiến cuộc tranh luận về chi phí-hiệu quả trở nên phức tạp hơn.
2.2 Phân loại
Các thuốc hạ lipoprotein máu có thể được chia thành các nhóm sau dựa vào cơ chế hạ lipoprotein máu:
- Thuốc làm giảm hấp thu và tăng thải lipid ở đường tiêu hóa: Bao gồm cholestyramine, colestipol và Neomycin. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hấp thụ cholesterol và tăng cường tiết lipid qua đường tiêu hóa.
- Thuốc ức chế tổng hợp lipid: Bao gồm các dẫn xuất của acid fibric và các statin. Nhóm thuốc này tác động vào quá trình tổng hợp lipid trong cơ thể, giúp giảm sản xuất cholesterol và các lipoprotein tỷ trọng cao.
- Các thuốc khác: Bao gồm Probucol, Dioparin, acid oxiniacic, benfluorex và các thuốc khác. Nhóm này có tác động khác nhau đến chất béo và lipoprotein máu, nhưng chúng không thuộc vào nhóm chất hấp thụ hoặc ức chế tổng hợp lipid như các nhóm trên.
Hoặc có thể phân loại các thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu theo cấu tạo hóa học thành các nhóm như sau:
- Statin (Statins ức chế HMG-CoA reductase) là thuốc hàng đầu trong điều trị rối loạn lipid máu: Giống như Thuốc giảm mỡ máu Atorvastatin, Simvastatin, Rosuvastain, Lovastatin, Pravastatin, Fluvastatin...
- Nhóm thuốc fibrate: Fenofibrate. Ciprofibrat. Bezafibrate... có tác dụng giảm triglycerid, LDL, tăng HDL
- Nhóm axit nicotinic (Vitamin PP, Vitamin B3, Niacin) có tác dụng hạ mỡ máu
- Nhóm Renin - nhóm gắn axit mật: Giống Cholestyramine. Colestipol.
- Nhóm ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe.
- Các acid béo không no đa trị họ omega - 3
3 Dược lý các loại thuốc hạ mỡ máu
Dưới đây, chúng tôi trình bày phân loại dược lý các nhóm thuốc hạ mỡ máu dựa trên cấu trúc hóa học của chúng.
3.1 Statin (Atorvastatin, Rosuvastatin, Pravastatin,...)
Statin là một trong những nhóm thuốc giảm cholesterol/ hạ cholesterol được dùng phổ biến. Cơ chế hoạt động của chúng là ngăn chặn hoạt động của enzym HMG-CoA-reductase, một enzym gan sử dụng để tổng hợp cholesterol. Vì vậy, hoạt chất này còn được gọi là chất ức chế HMG CoA reductase.
Dược động học
- Các thuốc hạ mỡ máu thuộc nhóm Statin ban đầu là dạng tiền chất, và khi đưa vào cơ thể, chúng sẽ trải qua quá trình chuyển hóa thành các chất có hoạt tính.
- Thuốc nhóm này thường được hấp thu qua Đường tiêu hóa với tỷ lệ từ 40% đến 75%.
- Sinh khả dụng của các statin thường thấp do chúng trải qua chuyển hóa bước đầu qua gan.
- Nồng độ đỉnh của chất có hoạt tính đạt được từ 1 - 4 giờ sau khi uống với mọi statin.
- Các thuốc Statin thường có liên kết mạnh với protein trong huyết tương, chiếm khoảng 95% đến 98%, trừ Pravastatin chỉ chiếm khoảng 55% đến 60%. Các thuốc này cũng có khả năng vượt qua hàng rào máu não, trừ Pravastatin và Fluvastatin.
- Thời gian bán thải của các loại statin dao động từ 1 đến 3 giờ, ngoại trừ Atorvastatin và Rosuvastatin có thời gian bán hủy lâu hơn khoảng 11–20 giờ.
- Các thuốc trong nhóm này thường được loại bỏ qua phân, với khoảng 5% đến 20% được bài tiết ra qua thận.
Tác dụng và cơ chế tác dụng chung
Statin là chất có cấu trúc tương tự chất trung gian HMG-CoA, được hình thành bởi HMG-CoA reductase trong quá trình tổng hợp mevalonate.
Statin làm giảm mức cholesterol thông qua ba cơ chế liên kết với nhau. Đầu tiên là ức chế chọn lọc và cạnh tranh 3-hydroxy-3-methylglutaryl-coenzyme A (HMG-CoA) reductase, một loại enzyme làm hạn chế tốc độ chuyển hóa HMG-CoA thành axit mevalonic, tiền chất của sterol, trong đó có cholesterol. Sự ức chế enzyme này ban đầu dẫn đến giảm cholesterol trong gan rồi gây cản trở quá trình sinh tổng hợp cholesterol trong tế bào. Do thiếu cholesterol nội sinh, các thụ thể cho LDL được tăng tổng hợp để tiếp nhận thêm LDL làm cho LDL được thoái giáng nhiều hơn trong tế bào dẫn đến giảm LDL trong máu lưu hành. Cơ chế thứ 2, statin hoạt động theo cơ chế gián tiếp bằng cách tăng hấp thu LDL qua trung gian thụ thể, do đó làm giảm LDL huyết tương. Nhờ số lượng thụ thể cao hơn, chúng cũng làm giảm VLDL và IDL, là tiền chất của LDL. Cơ chế hoạt động thứ ba này góp phần làm giảm LDL-C trong máu. Đặc biệt, Atorvastatin và Rosuvastatin làm giảm đáng kể lượng triglyceride (TG), một dạng chất béo trung tính, trong máu bởi chúng loại bỏ lượng lớn VLDL giàu triglycerides.
Do sinh tổng hợp cholesterol diễn ra nhiều nhất trong đêm, nên cho uống thuốc vào buổi tối hoặc chiều.
Bảng phân loại cường độ của các Statin
Statin | Statin mạnh (giảm LDL ≥ 50%) | Statin trung bình (giảm LDL 30 - 50%) | Statin thấp (giảm LDL < 30%) |
---|---|---|---|
Atorvastatin | 40 - 80 mg | 10 - 20mg | - |
Rosuvastatin | 20 - 40mg | 5 - 10mg | - |
Simvastatin | - | 20 - 40mg | 10 mg |
Pravastatin | - | 40 - 80 mg | 10 - 20mg |
Fluvastatin | - | 40 mg/12 giờ | 20 - 40mg |
Fluvastatin XL | - | 80mg | - |
Lovastatin | - | 40 - 80mg | 20mg |
Pitavastatin | - | 1 - 4mg | 1mg |
Chỉ định
Tất cả các statin được chỉ định trong trường hợp tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp ở những bệnh nhân không đáp ứng với chế độ ăn kiêng, tập thể dục và các phương pháp không dùng thuốc khác.
Tất cả các statin có thể được sử dụng trong phòng ngừa tim mạch (tai biến mạch vành, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim) như chất bổ trợ để giảm các yếu tố nguy cơ khác bằng các liệu pháp bảo vệ tim mạch khác.
Ngoài các tác dụng trên, Atorvastatin, Rosuvastatin và Simvastatin còn có hiệu quả trong trường hợp tăng cholesterol máu đồng hợp và dị hợp tử có tính gia đình, có lẽ do khả năng làm giảm đáng kể sản xuất cholesterol LDL ở gan.
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với thuốc
- Suy gan, suy thận và transaminase tăng cao
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Tác dụng không mong muốn
- Đau, tiêu cơ vân do tăng phân giải cơ dẫn tới myoglobulin niệu, đau khớp, ban da.
- Rối loạn tiêu hóa: có thể gây buồn nôn, khó tiêu, đau bụng và tiêu chảy.
- Tăng transaminase: các chỉ số transaminase trong máu có thể tăng lên gấp 3 lần so với mức bình thường. Tuy nhiên, sau khi ngừng sử dụng thuốc, các chỉ số này thường trở lại bình thường trong vòng 1-2 tháng.
- Rối loạn thần kinh trung ương: có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, loạn nhịp tim, mất ngủ và suy nhược.
- Rối loạn về máu: có thể gây giảm số lượng bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt và thiếu máu.
- Ngoài ra, thuốc còn có thể gây giảm phosphatase kiềm, rụng lông, tóc
Tương tác thuốc cần chú ý
- Nguy cơ mắc bệnh cơ nghiêm trọng hoặc tiêu cơ vân khi phối hợp thuốc kháng nấm azole, nước ép bưởi, Erythromycin và Clarithromycin với Atorvastatin, Lovastatin và Simvastatin
- Sự kết hợp của statin với axit fusidic, fibrate, niacin hoặc Cyclosporine cũng có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh cơ nặng hoặc tiêu cơ vân.
Chế phẩm và liều dùng
Liều dùng: bắt đầu từ liều thấp sau đó tăng dần sau vài tuần, tùy từng trường hợp cần phải điều chỉnh liều để đưa ra các thông số lipid bệnh lý về giới hạn bình thường, khi đã đạt yêu cầu thì giảm dần liều duy trì.
Cách dùng: uống 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, riêng Lovastatin nên uống sau bữa ăn chiều vì thuốc hấp thu tốt khi có thức ăn.
Loại thuốc | Biệt dược | Liều bắt đầu | Liều tối đa | Giảm LDL-C với liều tối đa | Tăng HDL-C với liều tối đa | Khả năng dung nạp |
---|---|---|---|---|---|---|
Simvastatin | Zocor, Simtanin,... | 20mg | 40mg | 47% | 8% | Tốt |
Atorvastatin | Thuốc hạ mỡ máu Lipitor, Lipvar,... | 10mg | 80mg | 50% | 5% | Tốt |
Rosuvastatin | Thuốc hạ mỡ máu Crestor, Rotorlip,... | 5 - 10mg | 40mg | 50 - 55% | 5 - 10% | Kém |
Pitavastatin | Livalo, Pitalip,... | 2mg | 2 - 4mg | 47% | 15,5% | Được - Kém |
Pravastatin | Pravachol, Stavacor,... | 10 - 20mg | 40mg | 34% | 12% | Tốt |
Lovastatin | Mevacor, Vastanic,... | 20mg | 80mg | 40% | 9,5% | |
Fluvastatin | Lescol, Lescol XL,... | 20 - 40mg | 80mg | 36% | 5,6% |
|
3.2 Fibrate (Fenofibrate, Bezafibrate và Gemfibrozil)
Thuốc hạ mỡ máu nhóm Fibrate có thể làm tăng mức HDL - cholesterol “tốt”, đồng thời làm giảm sản xuất LDL - cholesterol “xấu” ở gan. Những người bị bệnh thận hoặc bệnh gan nặng không nên dùng thuốc này.
Dược động học
- Các thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa đặc biệt uống sau bữa ăn.
- Sinh khả dụng tuyệt đối của axit fenofibric là khoảng 81%.
- Thuốc gắn mạnh vào protein huyết tương (95-98%), chủ yếu là Albumin.
- Hầu hết các thuốc thuộc nhóm đều thủy phân thành chất có hoạt tính.
- Sau khi hấp thu, thuốc được chuyển hóa qua gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất liên hợp glucuronic, một phần qua phân.
- Gemfibrozil có thời gian bán thải khá ngắn, khoảng 1,5 giờ. Bezafibrate có thời gian bán thải khoảng 2,1 giờ. Trong khi đó, Fenofibrate có thời gian bán thải lên đến 20 giờ.
Tác dụng và cơ chế tác dụng
Fibrate là một nhóm thuốc hạ lipid máu và phát huy tác dụng chủ yếu bằng cách kích thích các thụ thể để tăng sinh alpha peroxisome, được gọi là PPAR-a, dẫn đến tăng sản xuất và hoạt động của lipoprotein Lipase (LPL) và giảm apoprotein CIII (Apo CIII), các cơ chế này kích thích quá trình phân giải lipid của trigycerid (TG) từ VLDL-cholesterol (VLDL-C) và chylomicron. Chúng cũng hoạt động bằng cách làm giảm quá trình tổng hợp VLDL, vì chúng làm giảm sản xuất TG do kích thích quá trình oxy hóa beta của axit béo trong gan. Chúng làm tăng mức HDL-c bằng cách kích thích PPAR-a, tạo ra sản xuất Apo AI nhiều hơn và bằng cách tăng quá trình phân giải mỡ TG, điều này cũng làm tăng việc cung cấp các thành phần bề mặt HDL. Trong số các tác dụng chính của fibrate, nổi bật là làm tăng bài tiết cholesterol qua mật của gan và giảm dòng axit béo đến gan.
Fenofibrate khi đơn trị liệu làm giảm nồng độ TG huyết thanh khoảng 20–50% và tăng mức HDL-C lên 10–50%.
Chỉ định
Chỉ định chung: Do khả năng làm giảm triglycerid (TG) đáng kể, fibrate là một trong những lựa chọn chính để điều trị bệnh nhân tăng triglycerid máu (được coi như là thuốc giảm mỡ máu triglyceride), có hoặc không có cholesterol cao, bao gồm cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có rối loạn lipid máu.
Hoạt chất | Chỉ định |
---|---|
Fenofibrate | Tăng triglyceride máu nặng. Rối loạn lipid máu hỗn hợp. Tăng cholesterol máu nguyên phát. |
Bezafibrate | Tăng Lipoprotein huyết tuýp IIa, IIb, III, IV và V ở người không thể kiểm soát bằng chế độ không dùng thuốc. |
Gemfibrozil | Tăng triglycerid huyết nặng có kèm theo giảm HDL cholesterol hoặc không; Rối loạn lipid máu thể hỗn hợp khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp với statin; Tăng cholesterol huyết nguyên phát khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp với statin. Gemfibrozil được dùng để ngăn ngừa bệnh tim mạch ở bệnh nhân nam giới có tăng cholesterol không phải HDL-cholesterol khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp với statin. |
Chống chỉ định
- Suy gan, suy thận nặng
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
- Sỏi mật
Tác dụng không mong muốn
- Tác dụng phụ đáng lo ngại nhất khi sử dụng fibrate là tăng aminotransferase (ALT, AST) và creatine kinase (CPK), xảy ra ở khoảng 0,1% bệnh nhân.
- Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, buồn nôn và tiêu chảy nhẹ.
- Gan: tăng transaminase, tắc mật.
- Rối loạn thần kinh trung ương: đau đầu, chóng mặt
Chế phẩm và liều dùng
Các loại thuốc gồm:
Fenofibrate:
- Viên nén: Antara, Tricor, thuốc điều trị mỡ máu Lipanthyl, Fenostad, Hafenthyl Supra, Fenoglide,...
- Viên nang: Fenofibrate 300 A.T, Fenosup Lidose, Fenofibrat Savi 200M,...
- Liều dùng: 200 - 400mg/ngày (sau ăn tối)
Gemfibrozil
- Viên nang cứng: Gemfibstad, Lopid, Lipiden Cap.,...
- Liều dùng: 300 - 1200mg/ngày (sau khi ăn tối)
3.3 Thuốc ức chế PCSK9
Đặc điểm chung:
Chất ức chế PCSK9 là kháng thể đơn dòng đối với proprotein Convertase-subtilisin/kexin loại 9 (PCSK9), làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol LDL in vivo bằng cách ức chế sự thoái hóa của thụ thể LDL trong tế bào gan. Nhóm thuốc này có thể được sử dụng cùng với statin và thường dành cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim, những người không thể giảm cholesterol của họ dù đã sử dụng các biện pháp khác.
Chỉ định chung:
- Tăng cholesterol máu có tính gia đình loại đồng hợp tử
- Rối loạn lipid máu tiên phát khó đáp ứng với các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu khác
- Kiểm soát nồng độ LDL-C mục tiêu khi khó kiểm soát bởi nhóm statin đơn thuần.
- Dự phòng các biến cố tim mạch thứ phát
3.3.1 Alirocumab (Praluent)
Dược động học và cơ chế tác dụng:
Sau khi tiêm dưới da (SC), alirocumab được hấp thu vào máu và đạt nồng độ tối đa trong thời gian trung bình là 3-7 ngày.
Alirocumab có sinh khả dụng gần 90% và thời gian bán hủy dài (khoảng 17–20 ngày)
Alirocumab là một kháng thể đơn dòng IgG1 hoàn toàn của con người, liên kết với ái lực và độ đặc hiệu cao với proprotein Convertase subtilisin/kexin loại 9 (PCSK9) bằng cách ức chế nó. PCSK9 thường liên kết với các thụ thể lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-R) trên bề mặt tế bào gan và có thể thúc đẩy sự thoái hóa của các thụ thể đó trong gan. LDL-R là thụ thể chính giúp loại bỏ LDL trong huyết tương. Alirocumab ức chế liên kết PCSK9 với LDL-R, do đó làm tăng số lượng LDL-R có sẵn để loại bỏ LDL, do đó làm giảm mức LDL-C. Do đó, bằng cách ức chế hoạt động của PCSK9, Alirocumab cho phép gan tái hấp thu LDL-C nhiều hơn và tạo điều kiện cho tỷ lệ thanh thải cao hơn.
Các thụ thể LDL-R cũng liên kết các gốc VLDL giàu triglycerid và lipoprotein tỷ trọng trung bình (IDL). Do đó, điều trị bằng Alirocumab có thể làm giảm lượng dư lượng lipoprotein này, được chứng minh bằng việc giảm apolipoprotein B (Apo B) và trigltcerid (TG).
Chế phẩm và liều dùng:
Praluent được biết đến là biệt dược gốc của Alirocumab, nó được sản xuất với 2 loại hàm lượng là 75mg Alirocumab hoặc 150mg Alirocumab trong 1 ml.
Cách dùng: tiêm dưới da
Liều dùng:
- Liều dùng ban đầu 75mg được tiêm dưới da hai tuần một lần. Ở những bệnh nhân cần giảm đáng kể LDL-C (>60%), liều ban đầu 150mg tiêm dưới da, có thể được tiêm hai tuần một lần.
- Liều duy trì: 75 - 150mg mỗi 2 tuần tiêm dưới da.
3.3.2 Evolocumab (Repatha)
Dược động học và cơ chế tác dụng:
Evolocumab có sinh khả dụng 70% và thời gian bán hủy dài (khoảng 11–17 ngày)
Evolocumab liên kết có chọn lọc với PCSK9 và ngăn chặn sự liên kết của nó với LDL-R. Evolocumab dẫn đến giảm PCSK9, LDL-C, cholesterol toàn phần (TC), ApoB và cholesterol không HDL trong máu, đồng thời tăng HDL-C và Apo11 ở những bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:
- Đau cơ, đau lưng.
- Sưng tại chỗ tiêm và các triệu chứng giống như cảm lạnh.
Chế phẩm và liều dùng
Evolocumab có biệt dược gốc là Repatha. Với mỗi ống tiêm dưới da thuốc Repatha sẽ gồm 140 mg/1ml Evolocumab và các tá dược vừa đủ.
Cách dùng: tiêm dưới da
Liều dùng:
- Đối với chứng tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp: Liều evolocumab được khuyến nghị cho người lớn là 140 mg mỗi hai tuần hoặc 420 mg mỗi tháng một lần
- Đối với tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử ở người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, liều khởi đầu khuyến cáo là 420 mg mỗi tháng một lần. Sau 12 tuần điều trị và không có đáp ứng liên quan đến lâm sàng, có thể tăng tần suất dùng thuốc lên 420 mg mỗi hai tuần
3.4 Nhóm Resin (gắn acid mật)
Nhóm thuốc này hoạt động bên trong ruột bằng cách tự gắn với mật, giảm cholesterol LDL và tăng nhẹ mức cholesterol HDL.
Dược động học
Đặc điểm chung: không hoặc rất ít hấp thu qua đường tiêu hóa
Tác dụng và cơ chế tác dụng
Các thuốc thuộc nhóm Resin không được hấp thụ một cách có hệ thống cũng như không được chuyển hóa bởi các enzyme tiêu hóa. Ở trong ruột, chúng liên kết với hai axit mật chính (axit glycocholic và axit taurocholic) tạo thành một phức hợp chelat không hòa tan, cản trở viêc nhũ hóa lipid ở ruột dẫn đến giảm hấp thu và tăng thải trừ lipid qua phân.
Mặt khác enzyme hydroxylase trong gan có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp acid mật từ cholesterol. Khi mức acid mật thấp, hoạt động của enzyme này được kích hoạt để tăng tổng hợp acid mật. Các thuốc trong nhóm này có tác dụng tăng hoạt động của enzyme và ức chế chu kỳ gan - ruột của acid mật. Điều này dẫn đến việc tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol và từ đó giảm mức cholesterol trong máu.
Chỉ định
Cholestyramine và Colestipol được chỉ định ở những bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với việc điều chỉnh chế độ ăn uống để điều trị tăng cholesterol máu nguyên phát - tăng cholesterol máu liên quan đến tăng triglyceride máu. Cụ thể:
- Cholestyramin: tăng lipoprotein máu typ IIa, tăng bilirubin máu không kèm tắc mật hoàn toàn.
- Colestipol: Tăng lipoprotein máu typ II, xơ cứng mạch máu
Chống chỉ định
- Không sử dụng Cholestyramin cho bệnh nhân cường tuyến cận giáp, nhiễm Canxi thận, tắc mật hoàn toàn.
- Colestipol chống chỉ định với bệnh nhân suy tụy, người mang thai và đang cho con bú
Tác dụng không mong muốn
- Đau họng, nghẹt mũi.
- Tác dụng phụ đáng kể về đường tiêu hóa, bao gồm đau bụng, ợ chua, đầy hơi, uồn nôn, nôn, đau dạ dày và táo bón
- Giảm cân.
- Việc sử dụng các thuốc thuộc nhóm Resin lâu dài có thể cản trở quá trình tiêu hóa, hấp thu chất béo và các vitamin tan trong mỡ (Vitamin A, D, K, K1), những chất này gây ra sự gia tăng xu hướng chảy máu do hạ đường huyết do thiếu Vitamin K
Chế phẩm và liều dùng
- Cholestyramine (Questran)
- Colestipol (Colestid)
Dạng bào chế: thường là bột pha để uống
Liều khởi đầu được khuyến nghị cho người lớn là từ 4 đến 10g mỗi ngày trước bữa ăn. Hiệu quả rõ rệt hơn có thể đạt được ở liều khuyến cáo tối đa lần lượt là 24 và 30 g/ngày đối với cholestyramine và colestipol. Liều khuyến cáo cho bệnh nhân từ 10–16 tuổi là 4 g đến 10 g.
3.5 Axit nicotinic (còn gọi là niacin) (Advicor, Niaspan,...)
Axit nicotinic, còn được gọi là niacin, Vitamin B3 giúp giảm cholesterol LDL và triglycerid và tăng HDL. Bệnh gút hoặc bệnh gan nặng, bạn không nên dùng niacin.
Dược động học
Sau khi uống, niacin được hấp thu nhanh chóng để đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 30–60 phút. Thời gian bán hủy trong huyết tương sau khi dùng 1 g axit nicotinic là khoảng 1 giờ
Tác dụng và cơ chế tác dụng
Niacin, còn được gọi là vitamin B3, PP hoặc axit nicotinic, làm tăng đáng kể mức HDL trong khi giảm mức VLDL và LDL với các cơ chế không liên quan đến sinh tổng hợp hoặc dị hóa cholesterol. Trên thực tế, phân tử này ngăn ngừa quá trình phân giải lipid trong mô mỡ vì nó là chất ức chế mạnh mẽ hệ thống lipase nội bào, tạo ra nhiều tác dụng mà cuối cùng dẫn đến giảm cholesterol và triglyceride trong máu. Giảm quá trình phân giải mỡ làm giảm huy động FFA, làm giảm nồng độ của chúng trong gan, dẫn đến giảm tổng hợp triglycerid ở gan dẫn đến giảm sản xuất VLDL. Một cơ chế hoạt động khác của niacin bao gồm khả năng của axit nicotinic kích thích hoạt động của lipoprotein lipase, do đó làm tăng Độ thanh thải VLDL: lượng VLDL thấp hơn dẫn đến giảm mức LDL.
Chỉ định
- Điều trị tăng cholesterol máu và tăng triglycerid máu
- Chứng tăng lipid máu kết hợp mang tính chất gia đình ở những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp không dùng thuốc như chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
- Điều trị tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử
Chống chỉ định
- Bệnh nhân mắc bệnh gan, vì nó thường gây ra sự gia tăng có hồi phục nồng độ AST, ALT, LDH và phosphatase kiềm trong huyết tương.
- Nên thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân đái tháo đường và bệnh gút, do khả năng làm tăng Glucose và nồng độ axit uric của nó.
Tác dụng phụ khi dùng
- Tác dụng phụ thường gặp nhất của niacin là giãn mạch da, đỏ bừng mặt và phần trên cơ thể.
- Các vấn đề về da, chẳng hạn như ngứa hoặc ngứa ran.
- Đau đầu.
- Đau dạ dày.
- Có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
- Ho khan.
Chế phẩm và liều dùng
Niacin nên được dùng với nhiều liều trong ngày, bắt đầu từ 50–100 mg 2–3 lần một ngày và tăng dần liều.
Các loại thuốc:
- Niacin phóng thích kéo dài (Advicor, Niaspan)
- Niacin phóng thích ngay lập tức (Niacor)
Tuy nhiên, các sản phẩm trong nhóm này không phổ biến tại Việt Nam.
3.6 Ezetimibe - thuốc ức chế hấp thu cholesterol có chọn lọc (Ezetrol, Lypqozet,...)
Dược động học
- Sau khi dùng liều duy nhất 20mg ezetimibe lúc đói, thuốc được hấp thu nhanh chóng và chuyển hóa mạnh bằng quá trình glucuronid hóa (Cmax 2–3 giờ).
- Cả ezetimibe và ezetimibe-glucuronide đều có thời gian bán hủy xấp xỉ 22 giờ.
- Ezetimibe được bài tiết chủ yếu qua phân, một phần nhỏ xuất hiện trong nước tiểu.
Tác dụng và cơ chế tác dụng
Ezetimibe có tác dụng hạ cholesterol trong máu bằng cách ức chế có chọn lọc sự hấp thu cholesterol và phytosterol ở ruột non mà không làm thay đổi sự hấp thu các vitamin và chất dinh dưỡng tan trong chất béo. Nhóm thuốc này hoạt động trong ruột để ngăn cơ thể hấp thụ cholesterol, làm giảm cholesterol LDL, nhưng cũng có thể giúp cải thiện triglyceride và cholesterol HDL và có thể được kết hợp với statin.
Mục tiêu phân tử Ezetimibe là chất vận chuyển sterol, Niemann-Pick C1-Like 1 (NPC1L1), chịu trách nhiệm thu giữ cholesterol trong ruột và hấp thu phytosterol. Sự hấp thu cholesterol giảm dẫn đến tăng sự hấp thu LDL qua trung gian thụ thể, nhưng nếu thuốc được sử dụng đơn trị liệu, sự hấp thu cholesterol thấp hơn có thể được bù đắp bằng sự tăng sinh tổng hợp.
Chỉ định
Ezetimibe được chỉ định để giảm cholesterol toàn phần, LDL-C và apoB ở những bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát (dị hợp tử gia đình hoặc không gia đình) không được kiểm soát đầy đủ chỉ bằng statin.
Chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử kết hợp với atorvastatin hoặc simvastatin và tăng sitosterol máu gia đình đồng hợp tử.
Chống chỉ định
- Trẻ dưới 10 tuổi
- Bệnh gan từ trung bình đến nặng.
Tác dụng không mong muốn
- Tiêu chảy
- Triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng
- Đau ở cánh tay hoặc chân
- Đau khớp
- Đau cơ khi dùng ezetimibe với statin
Chế phẩm và liều dùng
Liều khuyến cáo cho người lớn là một viên Ezetimibe 10 mg mỗi ngày một lần.
Có thể được dùng độc lập với bữa ăn vì chúng không ảnh hưởng đến sinh khả dụng đường uống của nó.
Hiện có một sản phẩm có chứa Ezetimibe trên thị trường như: viên nén: Zetia, Sezstad,...
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả điều trị, người ta thường sản xuất Ezetimibe dưới dạng kết hợp với hoạt chất nhóm statin như kết hợp với Simvastatin (viên nén Etivas, Ezensimva, Ridolip S,...) hoặc kết hợp với Atovastatin như Viên nén bao phim Gon Sa Atzeti, Ezenstatin,...
3.7 Axit béo omega 3 và este axit béo
Acid béo omega-3 là axit béo không bão hòa đa có liên kết đôi ở nguyên tử carbon thứ ba tính từ cuối chuỗi carbon. Chúng trở thành một phần của màng tế bào, cũng như các axit béo khác, và nhờ các đặc tính vật lý hóa học của chúng, chúng quyết định tính chất của màng.
Cơ chế tác dụng:
Cơ chế mà axit béo không bão hòa đa omega-3 có tác dụng bảo vệ tim mạch có thể được giải thích từ hai khía cạnh: chức năng và trao đổi chất.
- Về chức năng:
Axit béo không bão hòa đa omega-3 giúp tạo ra một màng tế bào có tính lưu động cao hơn, cải thiện chức năng nội mô và điều chỉnh quá trình kết tập tiểu cầu.
Chúng cũng có khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa eicosanoids và ổn định các tổn thương xơ vữa.
- Về trao đổi chất:
Omega-3 chủ yếu làm giảm mức triglyceride trong huyết thanh bằng cách tăng quá trình oxy hóa axit béo, từ đó làm giảm quá trình tổng hợp triglyceride và điều chỉnh thành phần của Phospholipid trong màng tế bào.
Ngoài ra, omega-3 còn làm tăng đường kính của LDL, một đặc tính làm giảm tính gây xơ vữa của nó, mà không làm giảm nồng độ LDL trong máu.
Các acid béo không no họ omega - 3 hay dùng:
- Icosapent etyl (Vascepa )
- Omega-3-axit etyl este (Lovaza)
- Axit eicosapentaenoic (EPA)
- Axit docosaexaenoic (DHA)
Các tác dụng phụ thường gặp là: các vấn đề về dạ dày, khó tiêu (khó tiêu) và buồn nôn. Tác dụng phụ không phổ biến là đau bụng và đau dạ dày, phản ứng dị ứng, chóng mặt, các vấn đề về vị giác, tiêu chảy và nôn mửa.
3.8 Thuốc ức chế adenosine triphosphate-citrate lyase (ACL)
FDA đã phê duyệt axit bempedoic (Nexletol) để giảm cholesterol do thuốc này hoạt động tại gan để làm chậm quá trình sản xuất cholesterol. Thuốc thường được dùng với thuốc statin, nhưng có những giới hạn về liều lượng nếu dùng với simvastatin hoặc pravastatin.
Dược động học:
- Đường dùng bằng đường uống
- Liên kết với protein 99,3%
- Chuyển hóa qua gan (glucuronidation)
- Thời gian bán thải: 21±11 giờ
- Bài tiết 70% nước tiểu, 30% phân
Axit Bempedoic hoạt động theo cơ chế tương tự như statin và nó ngăn chặn enzyme chủ chốt được sử dụng để sản xuất cholesterol
Một số tác dụng phụ thường gặp là:
- Co thắt cơ, đau lưng hoặc chi
- Các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau dạ dày
- Tăng nồng độ axit uric.
- Tổn thương gân.
3.9 Kết luận
Đặc tính của các nhóm điều trị rối loạn lipid máu trên từng thành phần lipid máu và khả năng dung nạp điều trị
Nhóm thuốc | TC | LDL-C | HDL-C | TG | Sử dụng hiệu quả | Khả năng dung nạp |
---|---|---|---|---|---|---|
Statin | ↓ 19 - 37% | ↓ 25 - 50% | ↑ 4 - 12% | ↓ 14 - 29% | Giảm LDL - C, giảm vừa phải triglyceride và tăng vừa phải HDL | Tốt |
Ezetimibe - ức chế hấp thu cholesterol | ↓ 13% | ↓ 18% | ↑ 1% | ↓ 9% | Giảm LDL một cách có chọn lọc | Tốt |
Thuốc gắn acid mật - Resin | ↓ 7 - 10% | ↓ 10 - 18% | ↑ 3% | Trung tính | Giảm LDL ít hơn statin, có thể làm tăng triglycerid | Kém |
Niacin | ↓ 10 - 20% | ↓ 10 -20% | ↑ 14 - 35% | ↓ 30 - 70% | Giảm Triglyceride và tăng HDL-C, giảm LDL-C vừa phải | Được - Kém |
Fibrate | ↓ 19% | ↓ 4 - 8% | ↑ 11 - 13% | ↓ 30% | Giảm Triglyceride, tăng HDL, nhưng không hiệu quả bằng niacin | Tốt |
4 Điều trị rối loạn lipid máu bằng các bài thuốc dân gian (thuốc nam)
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng các loại cây, thảo dược để điều trị các bệnh như dùng Hoàng Liên chữa tiêu chảy, Tâm Sen để điều trị bệnh mất ngủ, Ba Kích giúp tăng cường sinh lý,... Các bài thuốc hạ mỡ máu cũng được lưu truyền trong dân gian, được sử dụng để hỗ trợ giảm mỡ máu ở những người bị bệnh nhẹ cũng rất hiệu quả.
Bài thuốc 1: Bài thuốc dân gian giúp làm giảm mỡ máu từ chanh và tỏi
- Nguyên liệu: 4 củ tỏi, 4 quả chanh
- Cách làm: bỏ hết vỏ ở tép tỏi, rửa sạch, rửa qua nước sôi để tiệt trùng, cho vào máy xay xay nhuyễn cùng 4 quả chanh (đã cắt lát và được rửa sạch). Cho hỗn hợp ra khay, mỗi lần uống pha với một nước cho dễ uống, có thể bảo quản hỗn hợp này trong tủ lạnh thời gian không quá 3 ngày.
- Cách dùng: Uống ngày 3 lần trước bữa ăn, mỗi lần uống không quá 15ml. Thời gian uống cần liên tục trong 30 ngày. Một năm chỉ nên dùng bài thuốc này 1 lần.
Bài thuốc 2: Bài thuốc từ đậu xanh và lá sen cho người bị mỡ máu tăng cao
- Đậu xanh kết hợp cùng lá sen có công dụng giảm mỡ máu rất tốt, được áp dụng phổ biến trong dân gian, hơn nữa, hôn hợp này cũng dễ uống hơn hỗn hợp chanh tỏi ở bài thuốc 1.
- Nguyên liệu: lá sen, đậu xanh đồng hàm lượng.
- Cách làm: rửa sạch lá sen thái nhỏ, sao đậu xanh qua đến ngửi mùi thơm. Khi dùng thì cho đồng hàm lượng hai loại này vào hãm như pha trà và uống.
Hai bài thuốc dân gian trên được chế biến từ nguyên liệu thảo dược nên an toàn và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, chỉ giúp hỗ trợ làm giảm mỡ máu ở những người bệnh nhẹ, đồng thời người bệnh cần kiêng ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ để đạt hiệu quả tốt.
Ngoài ra, Theo kinh nghiệm dân gian của ông cha ta truyền lại, uống các lá sau giúp ích cho việc hạ mỡ máu đó là:
- Lá sen: với cách pha là hãm như pha trà uống, bạn có thể tự pha được để uống hàng ngày. Cần chuẩn bị nguyên liệu như sau: lá sen (tươi hoặc khô), vỏ đậu xanh, mỗi lần pha cần khoảng 10-20g mỗi loại. Lá Sen giúp giảm LDL cholesterol, là loại cholesterol xấu trong cơ thể.
- Rễ cây trạch tả: đây là cây thuốc nam quý, hay còn được gọi là mã đề. Rễ cây này phơi khô, thả vài lát vào ấm trà và hãm làm nước uống hàng ngày có tác dụng giảm mỡ máu hiệu quả.
- Rễ cây thảo quyết minh: rễ cây Thảo Quyết Minh cũng có tác dụng giảm mỡ máu hiệu quả, được dân gian áp dụng từ xưa.
Cả 3 loại nước uống trên đều có nguồn nguyên liệu dễ kiếm, vì vậy bạn có thể dễ dàng sử dụng được hàng ngày.
Bên cạnh đó, các sản phẩm hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, được sản xuất từ nguồn dược liệu, đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu và tiện lợi cho người sử dụng. Dưới đây là một số sản phẩm ví dụ:
- HT Strokend: Sản phẩm này đã được nghiên cứu bởi Học viện Quân Y và được sản xuất dưới dạng viên nang cứng. Hiện nay, giá của sản phẩm trên thị trường là khoảng 900.000 đồng cho một hộp chứa 60 viên.
- Viên nang cứng Anti Choles: Được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Sản xuất Dược liệu Trung Ương 28, sản phẩm này chứa các dược liệu như nghệ, lá sen, giảo cổ lam, táo mèo, hòe hoa. Một hộp chứa 60 viên có giá khoảng 199.000 đồng.
- Ngưu tất, nano Curcumin, Rutin, Giảo Cổ Lam là những thành phần có trong viên nang cứng Hamoic Danapha Viva, sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Danapha. Sản phẩm này hiện có sẵn tại các nhà thuốc với giá khoảng 140.000 đồng cho một lọ chứa 40 viên.
Lưu ý khi dùng sản phẩm thảo dược cho người mắc bệnh mỡ máu:
- Hầu hết các thực phẩm bổ sung sức khỏe trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc từ các dược liệu thiên nhiên ít gây ra các tác dụng phụ cho người sử dụng.
- Các thảo dược đều được nghiên cứu công dụng rõ ràng, chiết tách được hoạt chất có tác dụng, do đó người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
- Bên cạnh đó, vì nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên nên tác dụng phụ là rất ít, đôi khi còn không có tác dụng phụ, người bệnh dùng lâu dài cũng không phải lo về việc tích tụ thuốc trong cơ thể.
- Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin của người dùng mà hiện nay các sản phẩm từ thảo dược, bài thuốc đông y gia truyền không rõ xuất xứ trà trộn vào thị trường không những không đem đến hiệu quả mà con gây độc đối với cơ thể con người. Do vậy. người dùng chỉ nên tìm mua các sản phẩm thuốc, thực phẩm bổ sung sức khỏe ở những địa chỉ bán uy tín.
5 Giải đáp thắc mắc thường gặp ở người mắc bệnh mỡ máu
Bên cạnh cung cấp cho bạn đọc kiến thức và các thuốc giúp giảm mỡ máu tốt nhất hiện nay, bài viết này cũng tổng hợp và giải đáp một số câu hỏi thường gặp trong việc làm thế nào để giảm mỡ máu.
5.1 Omega-3 có giúp hạ mỡ máu không?
Omega-3 là tên gọi chung của các acid béo không bão hòa, phổ biến nhất đó là EPA, DHA, ALA. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra công dụng tuyệt vời của omega-3 trong tác dụng phòng ngừa các bệnh tim mạch, trầm cảm hay ung thư.
Bên cạnh đó, omega-3 cũng có tác dụng hạ mỡ máu, do cơ chế làm giảm hoạt động sản xuất chất béo trong cơ thể, giảm tổng hợp cholesterol và triglycerid.
Mặc dù là acid béo rất tốt cho sức khỏe, nhưng cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được omega-3. Mà chỉ có thể bổ sung từ thức ăn hoặc các thực phẩm giàu omega-3 như Dầu Cá, cá hồi,...
Như vậy, omega-3 là chất có lợi cho cơ thể và có tác dụng giúp hạ được mỡ máu. Tuy nhiên, nếu dùng omega-3 để hỗ trợ điều trị mỡ máu tăng cao, người bệnh vẫn nên tham khảo sự tư vấn từ nhân viên y tế.
===> Xem thêm bài về bài Omega 3: Chất béo omega-3: bản chất, lợi ích, nguồn cung cấp và tác dụng phụ
5.2 Uống nước ép bưởi có làm giảm mỡ máu?
Theo nghiên cứu, nước ép bưởi và vỏ bưởi có tác dụng làm giảm mỡ máu, do cơ chế làm giảm LDL cholesterol, một loại cholesterol xấu trong cơ thể.
Bưởi có thành phần hóa học chính là Flavonoid, chất này có tác dụng chống oxy hóa, làm bền thành mạch, giảm nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, các chất trong bưởi còn làm giảm tổng hợp chất béo, từ đó có tác dụng làm hạ mỡ máu.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khi uống nước ép bưởi giúp giảm mỡ, thon gọn vòng eo. Do đó, uống nước ép bưởi còn giúp các chị em phụ nữ đẹp da, cải thiện vóc dáng.
Nhưng bên cạnh đó, khi nghiên cứu về tương tác giữa nước ép bưởi với việc dùng thuốc, các nhà khoa học phát hiện ra nước ép bưởi chùm (loại bưởi có ruột đỏ hồng, tên khoa học là Citrus paradisi) có thể tương tác với một số thuốc như fenofibrate, atorvastatin,...
Mặc dù vậy, bưởi chùm là loại quả không sẵn có ở Việt Nam, nước ép bưởi chùm thường gặp cũng là loại nước ép sẵn có bán trong các cửa hàng. Vì thế, với nước ép bưởi thông thường, bạn không cần quá lo lắng về việc xảy ra tương tác. Nhưng để đảm bảo an toàn tốt nhất, vẫn nên uống thuốc với nước lọc, và dùng nước ép bưởi hoặc các loại thức uống khác cách xa thời điểm uống thuốc.
5.3 Tỏi đen có công dụng hạ mỡ máu như thế nào?
Tỏi được sử dụng từ lâu với công dụng chính là làm gia vị trong các món ăn. Gần đây, tác dụng dược lý của tỏi được nghiên cứu rộng rãi hơn. Đặc biệt, tỏi qua quá trình lên men chuyển thành màu đen được chứng minh có tác dụng hạ mỡ máu hiệu quả.
Bằng cách thực hiện phản ứng Maillard, nung nóng trong nhiệt độ nhất định, màu của củ tỏi sau quá trình này chuyển qua màu đen, giảm được mùi hắc, có vị ngọt như siro dễ ăn.
Trong tỏi có hoạt chất allicin, hoạt chất này có công dụng chống oxy hóa, làm bền thành mạch, do đó bên cạnh tác dụng làm hạ mỡ máu, Tỏi Đen còn có công dụng phòng ngừa ung thư, ngăn ngừa đột quỵ.
Qua quá trình lên men chuyển màu đen thì hàm lượng allicin trong tỏi tăng cao hơn, cho tác dụng mạnh và hiệu quả hơn.
6 Điều trị mỡ máu cao không dùng thuốc
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh, điều trị và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra trong bệnh rối loạn lipid máu.
Ăn gì để giảm mỡ máu?
Như đã nói ở trên, chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân gây nên bệnh máu nhiễm mỡ. Do vậy, các loại thực phẩm giúp hạ mỡ máu mà không cần dùng thuốc nên bổ sung để bảo vệ bản thân đó là:
- Các loại thịt trắng, như thịt gà, cá,... các loại thịt này chứa lượng vừa phải các chất dinh dưỡng, do đó giúp cơ thể hấp thụ và tiêu hóa tốt.
- Ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả hàng ngày.
- Các thực phẩm có chứa lượng cholesterol ít như bột yến mạch, cá hồi, nước cam, giá đỗ, ngũ cốc, đậu xanh, đậu nành,...
- Bổ sung các loại cá thu, cá hồi, cá cơm, hạt chia, quả óc chó vì những thực phẩm này giàu omega 3 và omega 6 tốt cho cơ thể.
Luyện tập thể dục thể thao giúp hạ mỡ máu
- Thể thao không chỉ giúp ích cho bệnh mỡ máu, mà còn giúp ích cho các cơ quan khác, giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe mỗi người nên chọn các bài tập phù hợp với mình như đi bộ, chạy bộ, tập yoga, bơi lội, tập dưỡng sinh,...và nên duy trì tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần (nên vận động 30-60 phút mỗi ngày và 5-7 ngày/tuần)
7 Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia Cleveland Clinic (Ngày đăng 28 tháng 07 năm 2020). Cholesterol-Lowering Drugs, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- Bệnh viện Bạch Mai (Xuất bản năm 2022), Chương 4 Tim mạch - Rối loạn lipid máu, Nhà xuất bản Y học.
- Mayank Kulshreshtha (Đăng ngày 18 tháng 3 năm 2022). An Update on New Cholesterol Inhibitor: Bempedoic Acid, NCBI. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.
- Hermes Toros Xavier (Đăng tháng 10 năm 2005). [Pharmacology of fibrates], NCBI. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.
- Donatella Zodda và cộng sự (Đăng tháng 3 năm 2018). Treatment Strategy for Dyslipidemia in Cardiovascular Disease Prevention: Focus on Old and New Drugs, NCBI. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.
- Chuyên gia của drugs.com. Omega-3 polyunsaturated fatty acids, Drugs.com. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- Chuyên gia của Drugs.com. Grapefruit and Grapefruit Juice, Drugs.com. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- Chuyên gia của Drugs.com. Garlic, Drugs.com. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
Có tổng: 274 sản phẩm được tìm thấy
- 12 Thích
Bố tôi mới đi khám bị mỡ máu. tôi đã gửi đơn. Nhờ nhà thuốc tư vấn giùm tôi.
Bởi: Nguyen Thao vào
Thích (12) Trả lời
- PT
Thuốc nhà thuốc An Huy gửi cho tôi dùng hiệu quả, giao hàng nhanh. Dược sĩ nhà thuốc An Huy tư vấn nhiệt tình, mình thấy khá hài lòng và yên tâm.
Trả lời Cảm ơn (12)