Nhịp nhanh thất ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Nhịp nhanh thất là một trong những hậu quả của bệnh động mạch vành, cơ tim dãn, loạn sản thất phải, bệnh Chagas, hay sau phẫu thuật… Vậy nhịp nhanh thất ở trẻ điều trị như thế nào?
1 Nhịp nhanh thất là gì?
Nhịp nhanh thất là một loại rối loạn nhịp tim, khi có tối thiểu ba phức bộ QRS liên tiếp nhau xuất phát từ thất. Lúc này nhịp tim thường từ 150 đến 250 lần mỗi phút với đặc điểm là khoảng QRS rộng, nhĩ - thất phân ly, và có nhịp chập, nhịp bắt. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh thì nhịp nhanh thất có thể có khoảng QRS hẹp.
2 Nguyên nhân gây nhịp nhanh thất ở trẻ em
Nhịp nhanh thất là một trong những hậu quả của bệnh động mạch vành, cơ tim dãn, loạn sản thất phải, bệnh Chagas, hay sau phẫu thuật… Do có cơ chế vòng lại hay lạc chỗ ổ phát xung điện.[1]
Nhịp nhanh thất đơn dạng có biểu đồ QRS không thay đổi trong khi có cơn nhịp nhanh. Trẻ thường có tình trạng này khi có u tim, viêm cơ tim, tứ chứng Fallot, loạn sản thất phải, sau mổ tim. Ngoài ra khi có rối loạn chuyển hóa như giảm oxy máu, toan máu, rối loạn Kali máu, hậu quả dùng thuốc cũng có thể khiến trẻ nhịp nhanh thất đơn giản. Ở các bé từ 6 đến 18 tháng tuổi có thể có triệu chứng này mà không rõ nguyên nhân.
Nhịp nhanh thất đa dạng có biểu đồ của phức bộ QRS thay đổi liên tục. Trẻ thường gặp tình trạng này khi gắng sức, làm tăng hoạt động của catecholamin, hay hội chứng QT dài.[2]
3 Chẩn đoán trẻ bị nhịp nhanh thất
Nếu trẻ bị có hiện tượng nhịp nhanh thất sẽ có các triệu chứng suy tim rõ rệt, với các bé lớn hơn còn có triệu chứng giảm cung lượng tim.
Trên điện tâm đồ cho thấy có tối thiểu 3 ngoại tâm thu thất liên tiếp trở lên, QRS biến dạng và giãn rộng ra.
Tùy thuộc biểu đồ mô tả QRS người ta chia thành nhịp nhanh thất đơn dạng và nhịp nhanh thất đa dạng.[3]
4 Phương pháp điều trị nhịp nhanh thất ở trẻ
4.1 Điều trị tổng quát nhanh nhịp thất ở trẻ
Cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng, điều chỉnh lại nồng độ kali, Canxi trong cơ thể. Đồng thời làm giảm kích thích, giảm đau, điều trị các nguyên nhân các rối loạn chuyển hóa, không sử dụng các thuốc nghi ngờ hay nguy cơ gây loạn nhịp.
Chỉ những bé có nhịp nhanh thất dài hơn 30 giây, hoặc ngắn hơn nhưng lặp lại nhiều lần thì mới điều trị.
4.2 Điều trị nhịp nhanh thất đơn dạng cho trẻ
Kiểm tra lại điện tâm đồ và đáp ứng điều trị của những cơn nhịp nhanh trước trước đó như thế nào. Thông thường trẻ sẽ có hiệu quả với các thuốc dùng cho lần nhịp nhanh trước mà đáp ứng tốt.
Nếu xác định chính xác trẻ bị nhịp nhanh thất thì điều trị nhịp nhanh thất.
Trường hợp vẫn chưa phân biệt được với nhịp nhanh trên thất dẫn truyền lệch hướng thì tiêm nhanh ATP 20mg mỗi ống 2ml với liều 0,1 mg/ kg. Nếu trẻ không có cải thiện thì sau 3 đến 5 phút tăng lên liều là 0,2 mg/kg, có thể dùng lại nhưng liều tối đa là 0,4 mg/kg. Nếu trẻ vẫn không cải thiện thì điều trị như nhịp nhanh thất:
Nếu trẻ có huyết động học bị rối loạn:
- Lúc này cần sốc điện đồng bộ cho trẻ với liều đầu tiên là 0,5 joules/kg. Nếu sau 3 phút mà trẻ không có đáp ứng thì làm tiếp lần 2 với liều tăng gấp đôi. Nếu sau 3 phút trẻ vẫn không có đáp ứng thì lại sốc điện liều 3 gấp đôi liều thứ 2.
- Sau khi sốc điện tiêm mạch cho trẻ Lidocaine với liều ban đầu là 1 mg/kg, như vậy lần sốc điện thứ 2 có thể có đáp ứng tốt hơn. Sau 15 phút kể từ liều thứ nhất, tiêm Lidocain cho trẻ lần 2 với liều 0,5 mg/kg. Sau đó lại tiếp tục truyền tĩnh mạch với liều duy trì mỗi phút là từ 20 đến 40 µg/kg. Nếu trẻ bị tái phát thì cần làm lại như trên.
Nếu trẻ có huyết động ổn định và nhịp nhanh thất dài hơn 30 giây, lặp lại nhiều lần và có triệu chứng:
- Dùng Lidocain cho trẻ với liều như hướng dẫn ở trên.
- Nếu không cải thiện thì phối hợp thêm Propranolol với liều 0,01 mg/kg pha trong Glucose 5% để tiêm mạch chậm trong 15 phút. Nếu có đáp ứng tốt, thì duy trì Propranolol bằng đường uống với liều mỗi ngày từ 3 đến 5 mg/kg, chia đều ra 3 lần dùng.
- Hoặc cho trẻ dùng Sotalol bằng đường uống với liều mỗi ngày từ 6 đến 8 mg/kg chia làm 2 đến 4 lần.
- Hoặc truyền tĩnh mạch Amiodarone trong 20 đến 30 phút với liều tấn công là 5mg/kg pha trong Glucose 5%. Nếu cho đáp ứng tốt thì duy trì truyền tĩnh mạch liên tục Amiodarone trong vài ngày với liều từ 10 đến 20 mg/kg mỗi ngày.
- Hoặc truyền tĩnh mạch Phenytoin liều 15mg/ kg trong 60 phút. Nếu đáp ứng tốt thì duy trì phenytoin mỗi ngày từ 5 đến 7 mg/kg bằng đường truyền tĩnh mạch hoặc uống.
- Hoặc truyền tĩnh mạch trong 30 đến 60 phút Procainamide với liều 15 mg/kg. Sau đó duy trì truyền tĩnh mạch Procainamide với liều 20 đến 80 µg/ kg.
- Hoặc có thể cho trẻ sốc điện đồng bộ.
Nếu khi sử dụng các phương pháp trên mà trẻ vẫn không cải thiện thì cần kích thích thất vượt tần số với điện cực ở thất.
4.3 Điều trị nhịp nhanh thất đa dạng cho trẻ
Trong trường hợp này, cũng điều trị cho trẻ như với nhanh nhịp thất đơn dạng nhưng không dùng Procainamide. Trường hợp này thông thường cho đáp ứng tốt với Propranolol.
Nếu trẻ có hiện tượng xoắn đỉnh thì tiêm tĩnh mạch Lidocain. Hay truyền tĩnh mạch từ 10 đến 20 phút bằng Magnesium sulfate nồng độ 2% với liều từ 25 đến 50 mg/kg. Hoặc phá rung thất không đồng bộ hay dùng Propranolol theo đường tĩnh mạch.
5 Phòng ngừa tái phát nhịp nhanh thất ở trẻ em
Trường hợp trẻ bị nhịp nhanh thất một dạng, tái phát thường xuyên kéo dài, trong cơn nhịp nhanh có hiện tượng rối loạn huyết động thì cần dùng thuốc phòng ngừa.
Tùy từng tình trạng bệnh của trẻ mà thời gian điều trị duy trì khác nhau, nhưng thông thường từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó giảm liều từ từ và dừng thuốc.
Các thuốc dùng trong trường hợp này thường là Sotalol với liều mỗi ngày từ 2 đến 5 mg/kg, chia làm 2 lần. Hoặc có thể thay thế bằng Metoprolol với liều từ 2 đến 3mg/kg mỗi ngày và chia làm 2 lần dùng.
Nếu trẻ bị nhịp nhanh thất đa dạng thì dùng Metoprolol với liều như trên và không được dùng các thuốc gây Q-T kéo dài như Amiodarone. Nếu trẻ thường có hiện tượng xoắn đỉnh thì cần phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn hay phẫu thuật loại bỏ hạch sau trái.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có hiểu rõ hơn về nhịp nhanh thất ở trẻ để điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: S. LeRoy RN, MSN, CPNP (Ngày đăng: tháng 9 năm 2012). Ventricular Tachycardia, C.S Mott Children Hospital. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Mark E Alexander, MD (Ngày đăng: Ngày 10 tháng 2 năm 2021). Pediatric Ventricular Tachycardia Overview of Ventricular Arrhythmias, Medscape. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của UCSF Benioff Childrens. Ventricular tachycardia, UCSF Benioff Childrens. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.