Leptospira: nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị
Trungtamthuoc.com - Leptospira có trong nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, chúng xâm nhập vào nước hoặc đất và có thể tồn tại ở đó trong vài tuần đến vài tháng. Nhiều loại động vật hoang dã và nuôi trong nhà mang vi khuẩn, chúng có thể có hoặc không có triệu chứng của bệnh. Con người có thể bị nhiễm Leptospira khi tiếp xúc với nước tiểu, hoặc chất lỏng cơ thể khác trừ nước bọt của động vật nhiễm bệnh.
1 Leptospirosis là bệnh gì?
Leptospirosis là một bệnh truyền nhiễm của người và động vật được gây ra bởi xoắn khuẩn gây bệnh của chi Leptospira. Đây được coi là bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ động vật sang người hoặc ngược lại phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ mắc cao hơn nhiều ở các vùng nhiệt đới. Leptospirosis có ở hầu hết các khu vực nơi dịch bệnh sốt xuất huyết và có thể bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết. Nếu không điều trị, Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.[1]
2 Nguyên nhân và đường lây truyền của Leptospirosis
Leptospira có trong nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, chúng xâm nhập vào nước hoặc đất và có thể tồn tại ở đó trong vài tuần đến vài tháng. Nhiều loại động vật hoang dã và nuôi trong nhà mang vi khuẩn, chúng có thể có hoặc không có triệu chứng của bệnh. Động vật bị nhiễm bệnh có thể tiếp tục bài tiết vi khuẩn vào môi trường liên tục hoặc thỉnh thoảng trong một vài tháng cho đến vài năm. Tiêu biểu, Leptospira thường có trong gia súc, lợn, ngựa, chó, động vật hoang dã...
Con người có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nước tiểu, hoặc chất lỏng cơ thể khác trừ nước bọt của động vật nhiễm bệnh. Hoặc có thể lây truyền khi tiếp xúc với nước, đất, thực phẩm ô nhiễm nước tiểu của động vật mang bệnh.
Các vi khuẩn này xâm nhập vào con người qua da, niêm mạc mắt - mũi - miệng, đặc biệt là những vết cắt hoặc trầy xước trên da. Khi uống nước bị ô nhiễm cũng có thể gây ra nhiễm trùng. Sự bùng phát bệnh Leptospirosis thường được gây ra do tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, đặc biệt mùa nước lũ. Bệnh Leptospirosis hiếm khi lây truyền từ người sang người.[2]
3 Nhiễm Leptospira có triệu chứng như thế nào?
Những người mắc Leptospirosis có tiền sử bị dầm nước, đất ẩm, làm nương rẫy, là công nhân vệ sinh, cầu đường, nạo vét cống rãnh. Hoặc ở những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi, làm nghề giết mổ thú vật...
Ở người, Leptospirosis có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm: Sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, nôn, vàng da, mắt đỏ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phát ban.
Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 4 tuần, bệnh thường bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt và một số triệu chứng khác. Bệnh có hai giai đoạn khác nhau ở thể nhẹ gồm nhiễm trùng huyết cấp tính và giai đoạn miễn dịch. Hai giai đoạn này thường liên tục và không thể phân biệt được. Giai đoạn cấp tính của bệnh kéo dài từ 5 đến 7 ngày, sau đó cải thiện trong 1 đến 3 ngày, người bệnh dần dần giảm thân nhiệt, và triệu chứng. Leptospirosis có thể thoái triển thành bệnh nhẹ hơn, không có nhiều triệu chứng hoặc tiến triển nghiêm trọng hơn.
Giai đoạn miễn dịch, người bệnh thường khởi đầu với tái sốt, có thể có đau cơ thường ít nghiêm trọng hơn, kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Viêm màng não vô khuẩn là hội chứng lâm sàng quan trọng nhất, xuất hiện ở khoảng 50% người bệnh. Có những trường hợp người bệnh thường có biểu hiện liệt dây thần kinh so, liệt mặt ngoại biên, viêm não, rối loạn ý thức, rối loạn tiêu hóa. Một số có tình trạng viêm màng bồ đào, mê sảng nhẹ, hiếm khi tử vong.
Biểu hiện trên thận có thể gặp ở một số người bệnh mắc Leptospirosis với biểu hiện đi tiểu ra máu, thiểu niệu, vô niệu. Nếu giảm Kali máu nghiêm trọng và giảm tưới máu thận có thể gặp phải tình trạng hoại tử ống thận cấp tính.
Trường hợp người bệnh Leptospirosis nghiêm trọng hay hội chứng Weil sẽ có biểu hiện: Vàng da sâu, rối loạn chức năng thận, hoại tử gan, rối loạn chức năng phổi và xuất huyết. Các biểu hiện ở phổi bao gồm ho, khó thở, đau ngực, đờm có máu, ho ra máu và suy hô hấp.
Khi xét nghiệm ở những bệnh nhân Leptospirosis sẽ thấy bạch cầu máu tăng, men gan, creatinin máu cũng tăng, trong nước tiểu có tế bào máu.
4 Một số biến chứng có thể xảy ra khi nhiễm Leptospira
Nhiễm trùng Leptospira có thể gây hội chứng viêm toàn thân nghiêm trọng với các biểu hiện xuất huyết, có thể đông máu nội mạch lan tỏa.
Một số trường hợp người bệnh bị viêm não mô cầu, gây thay đổi trạng thái tâm thần và báo hiệu nguy cơ tử vong cao.
Xuất huyết phế nang nặng và lan tỏa với xuất huyết khổng lồ có thể xảy ra trong trường hợp không có bệnh Weil điển hình.
Những trường hợp bệnh nặng có thể gặp tình trạng viêm cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim với các mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Ngoài ra, Leptospirosis có thể gây ra một số biến chứng khác như viêm túi mật, viêm tụy, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, viêm màng đệm.
5 Leptospirosis được điều trị như thế nào?
Điều trị bằng kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân bị Leptospirosis. Việc sử dụng kháng sinh nên được bắt đầu ngay từ khi chẩn đoán bệnh, việc điều trị sớm mang lại kết quả lâm sàng tốt nhất.
Leptospirosis nhẹ được điều trị bằng Doxycycline, Ampicillin hoặc Amoxicillin. Đối với bệnh Leptospirosis nặng, người bệnh được tiêm tĩnh mạch bằng penicillin G hoặc có thể điều trị bằng Cephalosporin thế hệ thứ ba Cefotaxime và Ceftriaxone. Phác đồ thay thế là Ampicillin, Amoxicillin hoặc Erythromycin. Một số loại kháng sinh khác có thể cân nhắc điều trị Leptospirosis như Macrolide, Fluoroquinolones và Carbapenems.
Các trường hợp nghiêm trọng của bệnh Leptospirosis có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống cơ quan nào và có thể suy đa cơ quan. Do đó, việc điều trị hỗ trợ và quản lý cẩn thận các biến chứng thận, gan, huyết học và hệ thần kinh trung ương là rất quan trọng.
Người bệnh Leptospirosis cần bù nước, điện giải sớm và đầy đủ để tránh cạn kiệt thể tích, đồng thời cần nghỉ ngơi đến khi được hồi sức.[3]
6 Phòng ngừa bệnh Leptospirosis như thế nào?
Phòng ngừa bệnh Leptospirosis là khó khăn vì sinh vật không thể bị tiêu diệt khỏi các hồ chứa động vật hoang dã, liên tục lây nhiễm cho vật nuôi. Các biện pháp kiểm soát quan trọng bao gồm kiểm soát nhiễm trùng vật nuôi, vệ sinh tốt, tiêm chủng và chăm sóc động vật đúng cách.
Ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh đi tiểu nguồn nước nơi con người sử dụng hoặc tiếp xúc, phun khử trùng khu vực làm việc bị ô nhiễm.
Người dân cần phải thực hành vệ sinh cá nhân tốt và sử dụng thiết bị bảo hộ khi xử lý động vật hoặc mô bị nhiễm bệnh như găng tay, che mặt...
Cần tích cực nỗ lực phát hiện các nguồn dịch phổ biến và thực hiện các biện pháp kiểm soát thích hợp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm: Xác định nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm, kiểm soát loài gặm nhấm, cấm bơi trong hồ hoặc suối nơi có nguy cơ nhiễm trùng cao...
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc nhận biết được rõ nguồn lâu nhiễm, triệu chứng và điều trị bệnh nhiễm Leptospira.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 13 tháng 3 năm 2019). Leptospirosis, CDC. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Sandra G Gompf, MD (Ngày đăng: ngày 8 tháng 7 năm 2021). Leptospirosis, Medscape. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Sicong Wang, Megan A. Stobart Gallagher, Noel Dunn (Ngày đăng: ngày 11 tháng 8 năm 2021). Leptospirosis, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.