Nhiễm khuẩn sơ sinh: chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Trungtamthuoc.com - Các nhiễm khuẩn sơ sinh thường biểu hiện không điển hình, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vậy nhiễm khuẩn sơ sinh là gì? Điều trị như thế nào?
1 Nhiễm khuẩn sơ sinh là gì?
Nhiễm khuẩn sơ sinh là bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm, gây viêm một hay nhiều cơ quan trong cơ thể ở thời kỳ sơ sinh. Các nhiễm khuẩn này trẻ có thể nhiễm từ trước, trong hoặc sau khi sinh xong. Nhiễm khuẩn sơ sinh sớm là bệnh xuất hiện trong vòng 3 ngày đầu sau khi sinh, tỷ lệ tử vong ở những đối tượng này lên đến 25 - 50%.
2 Tác nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh ở trẻ
Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn sơ sinh đó là do trẻ bị nhiễm một hay một số loại vi khuẩn như thủy đậu, viêm gan, Haemophilus Influenzae, phế cầu, sốt rét…
Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn do mẹ bị rò rỉ hay vỡ ối sớm. Nếu mẹ bị vỡ ối sớm và kéo dài làm các vi khuẩn từ đường sinh dục nhiễm vào dịch ối, làm nhiễm khuẩn dịch ối và ảnh hưởng đến thai nhi.
Hay có những trường hợp mẹ khó sinh, trẻ có thể bị nhiễm dịch ối có lẫn phân su, dịch ối nhiễm khuẩn và gây viêm đường hô hấp…
Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn do vệ sinh kém, vô tình nhiễm khuẩn khi đặt nội khí quản, thở oxy…
Thậm chí, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn do mẹ bị nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai, truyền qua máu, rau thai. Hoặc nhiễm phải vi khuẩn ở đường sinh dục của mẹ trong lúc sinh.[1]
3 Nhiễm khuẩn sơ sinh ở trẻ có biểu hiện như thế nào?
Các nhiễm khuẩn sơ sinh thường biểu hiện không điển hình, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Giống như các bệnh lý nhiễm khuẩn khác, trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh có biểu hiện toàn thân là sốt, nhiệt độ thay đổi hoặc hạ thân nhiệt.
Đôi khi da xanh tái, vàng hoặc rải rác các nốt mủ, xuất huyết dưới da, hay phù cứng bì.
Triệu chứng thần kinh như dễ bị kích thích, hoặc li bì, giảm trương lực cơ, co giật và hôn mê, nếu trẻ bị viêm não thì thóp bị phồng.
Hoặc biểu hiện trên hệ hô hấp như da tím tái do thiếu oxy, thở rên, rối loạn nhịp thở, nếu trẻ bị viêm phổi sẽ nghe thấy phổi có những tiếng ran ẩm.
Các triệu chứng tim mạch có thể gặp như xanh tái, xanh tím hay da nổi vân, nhịp tim nhanh và huyết áp hạ.
Hoặc trẻ có thể có biểu hiện suy giảm chức năng hệ tiêu hóa như kém ăn, bỏ bú, nôn, đầy hơi chướng bụng hay gan và lá lách to.
Hay một số trẻ trong bệnh lý nhiễm trùng còn có biểu hiện trên hệ tiết niệu như thiểu niệu, vô niệu hay đái ra máu.
Không chỉ vậy, trẻ còn có thể có những ổ nhiễm trùng như rốn sưng lên, có mùi hôi khó chịu, mụn mủ trên da thậm chí là hoại tử da.[2]
4 Chẩn đoán trẻ nhiễm khuẩn sơ sinh
Dựa vào các biểu hiện lâm sàng ở, đồng thời cấy tìm vi khuẩn trong dịch não tủy, máu, dịch mủ để tìm chính xác vi khuẩn.
Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng trên 25000/mm3, dưới 5000/mm3; tiểu cầu thấp dưới 100.000/mm3, CRP dương tính và trên 10mg/l.
Ngoài ra còn làm các xét nghiệm khác như khí máu, protein, ure, creatinin hay men gan...
5 Điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh cho trẻ
5.1 Điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn
Trong điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh cần phải lựa chọn các kháng sinh phù hợp.
Với các nhiễm trùng sơ sinh sớm thường cho trẻ dùng 2 loại kháng sinh phối hợp với nhau là β-lactam và Aminosid. Nếu chưa có kháng sinh đồ, có thể dùng phối hợp mỗi thuốc trong 2 nhóm này với nhau, nhóm 1 gồm penicillin, Ampicilin, còn nhóm 2 là Gentamycin, Amikacin. Nếu trước đó mẹ có dùng kháng sinh trong khi trẻ nghi ngờ nhiễm khuẩn E-coli, Enterobacter thì cho trẻ dùng: Aminosid kết hợp với Claforan, Ceftriaxone, Imipenem.
Điều trị kháng sinh phù hợp cho trẻ nhiễm khuẩn sơ sinh.
Nếu trẻ bị nhiễm trùng muộn hay còn gọi là nhiễm trùng mắc phải thì điều trị như sau:
Trường hợp nhiễm tụ cầu thì dùng phối hợp 3 kháng sinh là Aminosid, Vancomycin và Cephalosporin thế hệ 3.
Trường hợp trẻ bị nhiễm Gram âm thì phối hợp Cephalosporin thế hệ 3 và Imipenem. Hoặc một số trường hợp có thể kết hợp Quinolon với Aminosid.
Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm các loại vi khuẩn kỵ khí thì dùng kháng sinh Metronidazol phối hợp.
Những trường hợp trẻ sử dụng kháng sinh kéo dài mà tình trạng bệnh không cải thiện, thậm chí còn nặng lên thì dùng phác đồ gồm kháng sinh kết hợp với thuốc chống nấm nhóm Conazole..
Sau khi có kết quả của kháng sinh đồ rồi thì thay đổi phác đồ sao cho phù hợp, hiệu quả điều trị cao.
Các kháng sinh trên được sử dụng với liều như sau:
- Ampicillin mỗi ngày cho trẻ dùng từ 75mg đến 100mg/kg.
- Cefotaxime có liều dùng trong 1 ngày là từ 100mg đến 200mg/kg.
- Ceftriaxone có liều dùng mỗi ngày từ 50 đến 100mg/kg.
- Amikacin mỗi ngày cho trẻ dùng 15mg/kg.
- Gentamycin và Kanamycin mỗi ngày sử dụng từ 4 đến 5mg/kg.
- Vancomycin thì liều dùng cả ngày 10mg/kg.
Thời gian dùng kháng sinh ở các bệnh lý nhiễm khuẩn sơ sinh:
- Nếu trẻ bị nhiễm trùng máu thì cần dùng kháng sinh trong 10 ngày.
- Trường trẻ bị viêm màng não mủ thì mỗi đợt sử dụng kháng sinh kéo dài từ 14 đến 21 ngày.
- Còn trẻ bị nhiễm khuẩn gây viêm phổi thì cần dùng kháng sinh điều trị trong vòng từ 7 đến 10 ngày.
- Với các bé bị nghi ngờ nhiễm khuẩn máu, tuy nhiên khi cấy máu lại cho kết quả âm tính thì xem xét sử dụng phối hợp kháng sinh kéo dài từ 5 ngày trở lên.
- Trường hợp trẻ bị nhiễm tụ cầu vàng thì đợt điều trị phải kéo dài từ 3 đến 6 tuần.
- Do kháng sinh nhóm Aminosid có nguy cơ gây điếc do đó trẻ sơ sinh không được dùng quá 7 ngày, và phải dừng trên 2 ngày mới được sử dụng đợt tiếp theo.
5.2 Phương pháp vệ sinh trong điều trị các nhiễm khuẩn sơ sinh
Cha mẹ cần rửa vệ sinh, sát khuẩn tay trước khi động vào trẻ, hoặc chuyển tay từ trẻ bị nhiễm bệnh sang các trẻ khác.
Các nhân viên y tế phải thay quần áo blouse hàng ngày, có đủ các dụng cụ bảo hộ như mũ, khẩu trang hay găng tay khi điều trị cho trẻ.
Hàng ngày đều phải thay chăn, ga, gối mới sạch, diệt khuẩn giường, lồng ấp hàng ngày. Đồng thời, hàng ngày lau sàn nhà bằng có bổ sung thành phần sát khuẩn và không được quét sàn nhà.
Định kỳ mỗi tháng phải tổng vệ sinh phòng, các phương tiện, và trang thiết bị trong phòng và phục vụ điều trị.
Trong quá trình điều trị cho trẻ nằm phòng riêng, không ở cùng người nhà, chỉ nên tham theo giờ.
Nếu trẻ có nhiễm trùng da, có mụn mủ thải chọc mủ, loại bỏ vùng hoại tử, rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già hay thuốc sát trùng tùy thuộc vị trí.
5.3 Các liệu pháp điều trị hỗ trợ khác
Do trẻ có hiện tượng rối loạn thân nhiệt nên cần cân bằng thân nhiệt cho trẻ như sau:
- Nếu bé bị nhiễm khuẩn sơ sinh dẫn đến sốt từ 38,5 độ C trở lên thì cho trẻ dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn.
- Nếu bé bị thân nhiệt xuống dưới 36,5 độ C thì cần ủ ấm cho trẻ, có thể sử dụng bằng lồng ấp.
Điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải và cân bằng acid - base. Cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ qua ăn uống, và kết hợp truyền dịch với liều 50-100ml/kg trong 24 giờ. Nếu trẻ có hiện tượng giảm tưới máu, làm hạ huyết áp thì cho trẻ dùng dopamin với liều từ 5 đến 15µg/kg mỗi phút.
Nếu trẻ có suy hô hấp thì cung cấp cho trẻ oxy qua các thiết bị phù hợp.
Nếu trẻ có hiện tượng rối loạn đông máy thì cung cấp cho trẻ plasma tươi, truyền các yếu tố đông máu, Vitamin K1. Hay khi trẻ có lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3 và có xuất huyết hay dưới 30.000/mm3 không có xuất huyết thì truyền khối tiểu cầu.
Nếu trẻ có nhiễm trùng nặng thì tiến hành thay máu một phần, để làm giảm độc tố và lượng vi khuẩn.
Ngoài ra còn có thể truyền cho trẻ thuốc tăng cường miễn dịch Human Immunoglobulin với liều mỗi ngày từ 300 đến 500mg/kg trong 3 ngày.
6 Phương pháp đề phòng nhiễm khuẩn sơ sinh cho trẻ
Cha mẹ cần lưu ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho cả gia đình và trẻ, nuôi trẻ bằng sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu.
Trong thời kỳ mang thai, định kỳ mẹ phải đi khám đầy đủ để phát hiện các nguy cơ hay các nhiễm trùng kịp thời.
Dự phòng cho mẹ và bé bằng cách tiêm một số vacxin cho mẹ trước khi mang thai theo khuyến cáo của cơ sở y tế.
Khi bé được sinh ra, cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi động vào bé. Đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh cho trẻ mới sinh.
Nếu mẹ bị vỡ ối trên 18 giờ, sốt, nước ối bẩn và nhiễm khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh dự phòng, bởi lúc này trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.
Hy vọng, bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh, phát hiện kịp thời, điều trị và dự phòng trường hợp này xảy ra.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Birth Injuri Justice Center (Ngày đăng: ngày 31 tháng 3 năm 2020). Neonatal Infection, Birth Injuri Justice Center. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Andres Camacho-Gonzalez, MD, MSc.,corresponding author Paul W. Spearman, MD và Barbara J. Stoll, MD (Ngày đăng: ngày 17 tháng 1 năm 2013). Neonatal Infectious Diseases: Evaluation of Neonatal Sepsis, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.