1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Nhiễm khuẩn huyết: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Nhiễm khuẩn huyết: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Nhiễm khuẩn huyết: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Nhiễm trùng huyết là tên gọi lâm sàng của tình trạng nhiễm độc máu do vi khuẩn. Đây là phản ứng cực đoan nhất của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng huyết tiến triển thành sốc nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong cao tới 50%, tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và cần được điều trị y tế khẩn cấp. Nếu không điều trị, nhiễm trùng huyết có thể nhanh chóng dẫn đến tổn thương mô, suy cơ quan và tử vong. [1]

1 Nhiễm khuẩn huyết là gì?

Nhiễm khuẩn huyết là bệnh hệ thống do vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng. Trong thời gian nhiễm trùng huyết, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng, giải phóng rất nhiều hóa chất vào máu. Điều này gây ra tình trạng viêm lan rộng có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan. Các cục máu đông làm giảm lưu lượng máu đến các chi và các cơ quan nội tạng, khiến chúng không nhận được chất dinh dưỡng và oxy cần thiết [2]

Nhiễm khuẩn huyết không được điều trị có thể tiến triển thành hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS), nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan (MODS), gây có nguy cơ tử vong cao. [3] [4]

Nhiễm khuẩn huyết có nguy cơ tử vong cao.

2 Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn Gram âm là chiếm đến trên 60% số các trường hợp bị nhiễm trùng huyết. Trong đó Pseudomonas và Escherichia coli là những vi khuẩn thường gặp nhất, chúng gây nhiễm trùng hô hấp, máu, sinh dục.

Vi khuẩn Gram dương gây nhiễm trùng huyết nhiều nhất là Staphylococcus aureus, liên cầu, Clostridium perfringens.

Ngoài ra, nhiễm trùng huyết còn gặp do một số vi khuẩn như Haemophilusinfluenzae, Chlamydia pneumoniae, Enterobacteriae...

Các đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn bao gồm:

  • Người bệnh ung thư, bệnh bạch cầu, nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma tuý, suy dinh dưỡng...
  • Người mắc bệnh mãn tính như xơ gan, tiểu đường, nghiện rượu, cắt lách, hôn mê, viêm phế quản mạn tính...
  • Hay người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh sức đề kháng kém cũng có nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn.

3 Chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết

3.1 Chẩn đoán xác định

Để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết cần căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng và xác định vi khuẩn bằng cách cấy máu.

Người bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng với biểu hiện bao gồm:

  • Sốt cao, rét run kéo dài, da lạnh toát và đổ nhiều mồ hôi có thể hạ nhiệt độ đặc biệt với người người cao tuổi và trẻ em.
  • Người bệnh khó thở, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp thấp hơn bình thường.
  • Người bị nhiễm trùng huyết thường xuyên mệt mỏi, kém ăn, môi khô lưỡi bẩn, vật vã, bất ổn tâm thần, tiểu ít.

Ban đầu, người bệnh có các triệu chứng như tiểu buốt nếu nhiễm trùng tiết niệu, ho khi nhiễm trùng hô hấp, hội chứng màng não...

Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết ở hệ liên võng nội mô bao gồm gan lách to, mật độ gan mềm.

Người bệnh có thể có các ổ bệnh áp xe ở các bộ phân trong cơ thể như: áp xe phổi, não, gan, lách, đường mật, thận, tắc mạch...

Nhiễm khuẩn huyết có các triệu chứng như thế nào?

3.2 Các dấu hiệu cận lâm sàng

Người bệnh nhiễm khuẩn huyết cần cấy máu tìm vi khuẩn trước khi dùng kháng sinh, sau đó chẩn đoán xác định và làm kháng sinh đồ.

Những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, khi xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, trong đó đa phần là bạch cầu đa nhân trung tính.

Đồng thời, người bệnh cũng cần được đánh giá chức năng gan, thận, rối loạn đông máu để có phương pháp điều trị phù hợp.

Cần phân biệt nhiễm trùng huyết với bệnh sốt rét, thương hàn, sốt do nung mủ sâu, lao toàn bộ và các bệnh nhiễm khuẩn khác...

4 Liệu pháp điều trị bệnh nhiễm khuẩn huyết

4.1 Điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh

Người bệnh nhiễm khuẩn huyết cần phải điều trị sớm và cấy máu trước khi dùng kháng sinh như đã nêu ở trên.

Kháng sinh được dùng cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết cần đúng liều, đúng thuốc, hoặc phối hợp kháng sinh nếu cần.

Khi chưa có kết quả cấy máu điều trị nhiễm khuẩn huyết theo phỏng đoán vi khuẩn dựa vào triệu chứng và thể trạng người bệnh.

Khi đã có kết quả cấy máu thì điều trị nhiễm khuẩn huyết theo kháng sinh đồ tìm được.

Ở những người có chức năng thận bình thường, điều trị ban đầu cho nhiễm trùng huyết như sau:

Cơ địa bệnh nhân

Kháng sinh dành cho người bệnh nhiễm trùng huyết dùng theo đường tĩnh mạch

Đối tượng là người lớn, không mắc bệnh đi kèm khác.

  • Ceftriaxon hoặc ticarcillin-davulanat hoặc piperacillin-tazobactam với liều dùng theo hướng dẫn.
  • Imipenem-cilastatin hoặc Meropenem hoặc Cefepim, có thể kết hợp cùng gentamicin hoặc Amikacin để điều trị cho phù hợp.
  • Nếu người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm β-lactam, dùng ciprofloxacin hoặc Levofloxacin kết hợp Clindamycin. Trường hợp, nghi ngờ người bệnh nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) phối hợp thêm vancomycin nữa.
  • Imipenem-cilastatin hoặc meropenem hoặc cefepim.

Người bệnh có giảm bạch cầu đa nhân trung tính

  • Ticarcillin-clavulanat hoặc piperacillin-tazobactam kết hợp thêm tobramycin.
  • Nếu người bệnh nhiễm khuẩn huyết có nhiễm trùng catheter tĩnh mạch, dùng hóa chất hoặc có tỉ lệ MRSA cao thì dùng thêm vancomycin.

Đối tượng đã cắt lách

  • Cefotaxim hoặc ceftriaxon, nếu người bệnh có nguy cơ nhiễm phế cầu kháng cephalosporin cao thì kết hợp vancomycin.
  • Nếu người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm β-lactam, thì dùng vancomycin kết hợp Ciprofloxacin hoặc levofloxacin hoặc aztreonam.

Người bệnh nhiễm khuẩn huyết nhưng nghiện ma túy

  • Oxacillin phối hợp với Gentamicin hoặc amikacin.
  • Nếu họ dị ứng kháng sinh nhóm β-lactam và tỉ lệ MRSA cao, dùng vancomicin phối hợp với gentamycin hoặc amikacin.

Những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch hay HIV/AIDS

  • Cefepime, ticarcillin-clavulanat hoặc piperacillin-tazobactam phối hợp với tobramycin.
  • Nếu các đối tượng này dị ứng với kháng sinh nhóm -lactam, sử dụng ciprofloxacin 400mg/lần X 2 lần/ngày hoặc levofloxacin 500 - 750mg/lần X 2 lần/ngày phối hợp Vancomycin 15 - 20mg/kg/lần X 2 lần/ngày, tobramycin 5 - 7mg/kg/ngày.
Làm sao để điều trị nhiễm khuẩn huyết.

Các đối tượng bị nhiễm trùng huyết do não mô cầu thì điều trị bằng một trong số kháng sinh sau:

  • Ceftriaxon hoặc cefotaxim hoặc meronem.
  • Não mô cầu nhạy cảm penicillin thì cho dùng penicillin G.

Nếu Staphylococcus aureus là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết thì người bệnh được điều trị:

  • S-aureus nhạy Methicilin cho tiêm tĩnh mạch chậm bằng oxacilin hoặc truyền tĩnh mạch bằng vancomycin theo hướng dẫn.
  • S-aureus kháng Methicilin cho truyền tĩnh mạch vancomycin hoặc daptomycin.

Các trường hợp nhiễm trùng huyết tiêu hóa - tiết niệu do vi khuẩn gram âm thì điều trị bằng kháng sinh:

  • Kháng sinh fluoroquinolon là ciprofloxacin hoặc Pefloxacin hoặc Norfloxacin.
  • Kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, bao gồm ceftriaxon, cefotaxim hay cefepim.
  • Các kháng sinh này có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp giữa 2 nhóm hoặc kết hợp thêm aminoglycosid theo tình trạng của người bệnh như: Gentamicin, amikacin, netilmicin hay tobramycin.

Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết từ gan mật thì điều trị bằng các nhóm kháng sinh tương tự như nguyên nhân ở tiết niệu, tiêu hóa. Tuy nhiên, căn cứ vào tình trạng của người bệnh có thể phối hợp thêm metronidazol cho phù hợp.

Nếu người bệnh có nhiễm khuẩn huyết do đường hô hấp thì sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp các nhóm kháng sinh như sau:

  • Kháng sinh cephalosporin thế hệ 3,4 bao gồm ceftriaxon, ceftazidim hay cefepim.
  • Kháng sinh nhóm fluoroquinolon dùng cho người bệnh này bao gồm levofloxacin, moxifloxacin, grepafloxacin hay Sparfloxacin.
  • Có thể căn cứ vào tình trạng nhiễm trùng huyết của người bệnh mà kết hợp thêm nhóm aminoglycosid cho phù hợp.

Nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn kỵ khí có thể cho uống hoặc truyền tĩnh mạch metronidazol hoặc clindamycin. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn hoại thư sinh hơi thì cho truyền tĩnh mạch penicillin.

Nếu nhiễm khuẩn huyết bệnh viện thì điều trị theo kháng sinh đồ hoặc theo kinh nghiệm nếu không có kháng sinh đồ.

Các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết cần điều trị bằng kháng sinh từ 10-14 ngày hoặc dài hơn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

4.2 Điều trị hỗ trợ cho người bệnh nhiễm trùng huyết

Bổ sung thể tích tuần hoàn để duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm theo tiêu chuẩn.

Có thể hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân nhiễm trùng huyết khi cần bằng thở oxy kính mũi, mask túi, đặt nội khí quản, hút đờm...

Để tránh biến chứng suy thận người bệnh nhiễm khuẩn huyết nếu chưa có nước tiểu, cho dùng furosemid tĩnh mạch để có lượng nước tiểu ổn định. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện suy thận cấp xem xét chỉ định điều trị bằng chạy thận nhân tạo.

Nếu bệnh nhân có đông máu nội mạch rải rác cho dùng heparin, truyền tiểu cầu nếu chúng giảm nghiêm trọng.

Do bệnh nhân nhiễm trùng huyết có thể bị stress gây loét và xuất huyết tiêu hoá do đó cần dùng thuốc bao loét và thuốc kháng H2.

Ngoài ra, người bệnh nhiễm trùng huyết có thể được chỉ định lọc máu ngoài cơ thể để loại bỏ cytokin và hóa chất trung gian.

Hy vọng bài viết này phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh nhiễm trùng huyết nguy hiểm này.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của John Hopkinsmedicine, Septicemia, John Hopkinsmedicine. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Mary Anne Dunkin, Sepsis, WebMD. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021
  3. ^ Tác giả: David A.Smith; Sara M. Nehring, Bacteremia, NCBI. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Dagasso G, Conley J, Parfitt E, Pasquill K, Steele L, Laupland K, Ngày đăng: 29 tháng 8 năm 2018. Risk factors associated with bloodstream infections in end-stage renal disease patients: a population-based study, NCBI. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Sử dụng kháng sinh trong bao lâu để điều trị bệnh nhiễm trùng huyết?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nhiễm khuẩn huyết: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nhiễm khuẩn huyết: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
    LH
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn thông tin nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595