Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Trungtamthuoc.com - Nhiễm giun đường ruột ở trẻ em là tình trạng bệnh lý phổ biến ở nước ta, đặc biệt với những trẻ ở vùng nông thôn. Vậy làm thế nào để biết được trẻ đang bị nhiễm giun? Và khi trẻ bị nhiếm giun phải điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1 Tổng quan về tình trạng nhiễm giun ở trẻ em
Tình trạng trẻ em bị nhiễm giun thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ nhiễm rất cao, ở nhiều nơi còn lên đến 90% số trẻ là bị nhiễm giun ở đường tiêu hóa. Tùy vào điều kiện môi trường ở từng vùng miền mà trẻ sẽ nhiễm những loại giun đặc trưng khác nhau.
Mỗi trẻ có thể nhiễm một hoặc nhiều loại giun cùng lúc. Thường gặp nhất là giun kim, giun đũa, giun móc...
Chúng vào cơ thể của bé chủ yếu chủ yếu qua đường tiêu hóa là miệng, khi trẻ ăn phải đồ ăn không được nấu chín kĩ, hay khi ngậm các đồ vật nhiễm bẩn có giun. Không những thế, có những loại giun có thể lây nhiễm vào cơ thể của bé qua da khi bé bò, hay đi trên đất như giun móc, giun lươn.[1]
1.1 Nguyên nhân bị nhiễm giun ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị nhiễm giun đường ruột. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
Khi trẻ ăn phải những đồ ăn chưa được nấu chín. Những ấu trùng giun sán còn sống, tồn tại trong những loại thực phẩm này, sẽ vào đường ruột của trẻ cùng với thức ăn. Hoặc cả kể khi bé chơi các đồ chơi bị nhiễm bẩn, ngậm vào miệng, nhiễm vào tay rồi cầm nắm thức ăn cũng sẽ khiến bé bị nhiễm giun sán.

Trẻ không được tẩy giun định kỳ: Các bé từ 2 tuổi trở lên cần phải được tẩy giun định kỳ 6 tháng mỗi lần. Bởi bạn cũng biết, trẻ nhỏ rất năng động và hiếu kì, đồng thời, sức đề kháng của trẻ lại yếu. Vậy nên trẻ rất dễ bị nhiễm các mầm bệnh, trong đó có giun sán.
Trẻ bị nhiễm giun từ vật nuôi. Các vật nuôi trong gia đình bạn là vật chủ của rất nhiều loại giun. Trong khi trẻ thường rất thích chơi đùa cùng các con vật này, nếu chúng bị nhiễm giun thì nguy cơ trẻ bị nhiễm là rất cao. Không chỉ như vậy, phân của các con bị nhiễm giun sán cũng chứa rất nhiều ấu trùng giun. Khi chúng thải phân ra môi trường, thì đó chính là nguồn lây nhiễm rất nguy hiểm cho con người.
Ấu trùng giun sán xâm nhập qua da của trẻ. Khi trẻ vệ sinh cá nhân, cầm nắm đồ vật không sạch sẽ, hay có những vùng da bị trầy xước lúc chơi đùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ấu trùng giun sán xâm nhập qua da vào cơ thể.
Do bé tiếp xúc với người mang bệnh, cũng có thể là từ cha mẹ, đặc biệt là người đang bị nhiễm giun kim. Các ấu trùng giun này, bị nhiễm ở quần áo, giường chiếu của người mang bệnh. Khi trẻ tiếp xúc với các đối tượng, đồ vật này sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm cao.
Dựa vào đâu để cha mẹ biết được trẻ đang có dấu hiệu bị nhiễm giun đường ruột? Hãy cùng tìm câu trả lời qua phần dưới đây nhé.
1.2 Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị nhiễm giun
Như ở trên chúng tôi đã trình bày, trẻ có thể bị nhiễm một hoặc nhiều loại giun khác nhau. Mỗi loại giun thường gây cho trẻ các triệu chứng khác nhau. Dưới đây là các biểu hiện khi nhiễm một số loại giun thường gặp.

Khi trẻ bị nhiễm giun kim: Triệu chứng điển hình nhất của những người bị nhiễm giun kim là ngứa hậu môn, thường ngứa vào ban đêm từ 22h trở ra. Bởi ban đêm là khoảng thời gian mà những con giun kim sẽ bò ra hậu môn người bệnh và đẻ trứng ở đó. Như vậy, chúng sẽ khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó ngủ, quấy khóc về đêm. Thậm chí, cha mẹ có thể nhìn thấy được các vết đốt nhỏ li ti ở rìa hậu môn của trẻ do các con giun này gây ra. Loài giun này có tính chất lây nhiễm gia đình.
Khi trẻ nhiễm giun đũa: Triệu chứng của nhiễm giun đũa không điển hình. Chúng có thể khiến trẻ bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy hay đi ngoài phân mỡ, thậm chí là gây tắc ruột. Giun đũa có thể đi lạc sang các cơ quan khác của cơ thể. Khi chúng đi lạc lên phổi sẽ gây ra hội chứng Loeffler có các biểu hiện như: khó thở, ho khan, đôi khi ho có đờm lẫn nhầy máu và sốt. Khi chúng chui lên ống mật sẽ gây tắc mật, hoặc nếu chui qua niêm mạc ruột sẽ gây viêm phúc mạc. Ngoài ra, khi bị nhiễm giun đũa, trẻ cũng có thể có biểu hiện trên da như mề đay, mẩn đỏ.
Với trẻ bị nhiễm giun móc: Các biểu hiện trên trẻ sẽ khác nhau theo 3 giai đoạn xâm nhập và phát triển của loài giun này trong cơ thể. Ở giai đoạn đầu tiên, khi chúng chui qua da để vào cơ thể, trẻ sẽ có các nốt mẩn trên da, ngứa ngày, sau khoảng 3 đến 4 ngày thì không còn triệu chứng này nữa. Giai đoạn tiếp theo là khi các ấu trùng giun đi theo máu đến phổi. Triệu chứng lúc này không điển hình, có thể là ho khan, khàn tiếng... Cuối cùng, vào giai đoạn toàn phát của bệnh, trẻ sẽ có các biểu hiện thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, phân đen...
Trẻ nhiễm giun tóc: Khi trẻ nhiễm loài giun này, thường không có triệu chứng điển hình. Nếu nhẹ sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Nếu nặng có thể có rối loạn tiêu hóa, xuất huyết đại tràng...
Giun xoắn: Khi nhiễm giun xoắn, trẻ sẽ có một số triệu chứng rất đặc trưng như: tiêu chảy, sốt cao. Không những thế, ở một số trẻ còn có hiện tượng phù mặt, mí mắt và đau cơ.
Giun lươn: Giun lươn thường nhiễm vào cơ thể của trẻ qua da và niêm mạc. Chúng có khả năng nhân đôi trong cơ thể người. Khi nhiễm giun lươn, thường thì không có triệu chứng hay có triệu chứng chỉ diễn ra rất nhẹ. Các biểu hiện nhìn thấy ngoài da thường gặp là nổi các nốt mề đay ở mông và cổ tay. Ấu trùng giun lươn khi chuyển động sẽ hình thành các đường ngoằn ngoèo như răng cưa, gây ra các biểu hiện hồng ban và ngứa. Những con giun trưởng thành chui vào niêm mạc ruột non gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, viêm xuất huyết đường tiêu hóa. Thậm chí có thể gây tắc ruột và nhiễm trùng huyết nếu nặng.
Vậy khi bị nhiễm giun rồi, làm sao để điều trị đúng cách cho trẻ?
2 Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán tình trạng nhiễm giun ở trẻ, người ra dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm tìm trứng giun trong phân. Hoặc với giun kim có thể làm liệu pháp dán băng dính ở hậu môn của trẻ vào buổi sáng trong vài ngày liên tục.
Khi phát hiện được trẻ nhiễm loài giun gì, ta dùng các thuốc đặc hiệu điều trị nguyên nhân của bệnh, đồng thười ở một số trường hợp có triệu chứng nặng sẽ dùng kèm với thuốc cải thiện triệu chứng.

2.1 Điều trị giun kim
Về nguyên tắc, giun kim mang tính chất gia đình nên cần điều trị tập thể để tránh tái nhiễm.
Với các bé từ 2 tuổi trở lên, cho bé dùng Mebendazole hoặc Albendazol như sau:
- Với Mebendazole, biệt dược được dùng phổ biến nhất là Fugaca, mỗi viên chứa Mebendazole với hàm lượng là 500mg. Cho bé dùng với liều 1 viên duy nhất. Một tháng sau cho bé dùng nhắc lại với liều như trên để dứt điểm.
- Với Albendazole, thuốc thường được dùng phổ biến nhất trên thị trường là Zentel, mỗi viên chứa 200mg hoạt chất Albendazole. Với thuốc này, bạn cho bé dùng 2 viên duy nhất trong 1 lần. Một tháng sau cho bé dùng lại cũng với liều như trên.[2]
Người lớn trong gia đình điều trị đồng thời cũng dùng với liều như trên.
Còn các đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi, cần tham khảo kỹ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cân nhắc điều trị cho bé.
2.2 Liệu pháp điều trị giun đũa
Nguyên tắc điều trị là sử dụng thuốc có hiệu quả với nhiều loại giun khác nhau. Đồng thười nó phải ít độc, sử dụng liều duy nhất mà vẫn cho đáp ứng cao.
Với các bé dưới 2 tuổi, bạn không được cho bé dùng thuốc giun nếu chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Với các bé từ 2 tuổi trở lên và người lớn thì dùng với liều như sau:
Dùng liều duy nhất Menbendazol với hàm lượng 500mg trong mỗi viên, hoặc Albendazole với hàm lượng mỗi viên là 400mg. Mỗi lần sử dụng 1 viên duy nhất.
Hoặc có thể cho trẻ dùng Pyrantel pamoate với liều duy nhất và tính theo cân nặng của trẻ là 10mg/kg.
2.3 Điều trị giun móc cho trẻ
Để điều trị giun móc ta căn cứ vào tình trạng của trẻ là nặng hay nhẹ mà cho trẻ trên 2 tuổi dùng như sau:
- Mebendazole có hàm lượng 500mg (Fugacar) mỗi lần dùng 1 viên. Hoặc Albendazole (Zentel) viên chứa 200mg, 2 viên cho mỗi lần dùng. Hoặc có thể cho bé dùng Pyrantel pamoat (Combantrin, Helmintox) với liều lượng tính theo trọng lượng cơ thể là 10mg/kg.
- Với các đối tượng bị nhiễm giun móc ở mức độ nhẹ, ta chỉ dùng liều như trên 1 lần duy nhất.
- Với những trẻ bị nhiễm giun móc ở mức độ nặng, hoặc bị nhiễm đồng thời giun móc, giun đũa, giun tóc, ta dùng liều như trên 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày dùng 1 lần.[3]
Nếu trường hợp trẻ có dấu hiệu thiếu máu, bạn phải điều trị cả thiếu máu cho trẻ.
2.4 Dùng thuốc điều trị giun xoắn cho trẻ trên 2 tuổi
Dùng Prazilquantel với liều theo cân nặng của trẻ là 10mg/kg mỗi ngày, dùng 2 ngày liên tiếp và phối hợp với Corticosteroides để giảm các triệu chứng dị ứng.
Hoặc Albendazole với liều 15mg cho mỗi kg thể trọng của trẻ mỗi ngày, dùng liều như vậy trong vòng 1 tuần.

2.5 Điều trị giun lươn cho trẻ
Albendazole hàm lượng 400mg, mỗi ngày dùng 1 viên, cho trẻ dùng 3 ngày liên tiếp.
Hoặc Menbendazole với hàm lượng 500mg trong mỗi viên, dùng 1 liều duy nhất. Sau 1 tháng cho trẻ uống lại với liều trên 1 lần nữa.
Lưu ý: Chỉ điều trị liều trên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, còn với các bé dưới 2 tuổi bạn cần cho bé đến bệnh viện để được điều trị cụ thể.
2.6 Phác đồ điều trị giun chó
Thường gặp ở những trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Khi trẻ bị nhiễm giun chó, ta cho trẻ dùng thuốc như sau:
Albendazole mỗi lần dùng 500mg, mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Hoặc Mebendazol mỗi ngày dùng 1 lần dùng 400mg. Điều trị liên tục trong 3 đến 4 tuần liên tiếp.
Do trẻ nhiễm giun, sau mỗi lần điều trị đều có thể tái phát trở lại. Thậm chí là tái phát sau một thời gian ngắn kể từ đợt điều trị trước. Vậy làm sao để hạn chế sự tái phát nhanh chóng này?
3 Phương pháp đề phòng tái nhiễm giun ở trẻ nhỏ
Để dự phòng tái phát cho trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, giặt chăn màn thường xuyên. Đặc biệt, trong gia đình nếu có người nhiễm giun, khi điều trị đồng thời vệ sinh toàn bộ vật dụng cá nhân của người đó, và vật dụng gia đình.
- Vệ sinh sạch sẽ mọi đồ chơi của trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.
.jpg)
Dạy cho trẻ cho thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn. Không đưa tay và các vật đụng khác vào miệng.
Cho bé ăn chín uống sôi. Đồng thời người chuẩn bị đồ ăn cho bé cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đưa đồ ăn cho bé.
Với các bé từ 2 tuổi trở lên, tấy giun cho bé đúng chu kỳ mỗi lần.
Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng các bậc cha mẹ đã biết làm sao chăm sóc cho trẻ nhiễm giun đường ruột và làm thế nào để phòng tránh tái phát ở trẻ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Jill E Weatherhead, Peter J Hotez (Ngày đăng: tháng 8 năm 2015). Worm Infections in Children, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
- ^ Tác giả: Sebastian Wendt, Henning Trawinski (Ngày đăng: ngày 29 tháng 3 năm 2019). The Diagnosis and Treatment of Pinworm Infection, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
- ^ Tác giả: Daniel Murrell, MD (Ngày đăng: ngày 8 tháng 3 năm 2019). Hookworm Infections, Healthline. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.