Bệnh viêm nha chu: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh viêm nha chu là căn bệnh viêm nhiễm thường gặp. Viêm nha chu lâu ngày có thể gây ra đau nhức khó chịu, kèm hôi miệng, răng dài do bị tụt lợi khiến cho người bệnh mất tự tin và ngại giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của họ. Vậy viêm nha chu có cách phòng ngừa như thế nào? Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1 Bệnh viêm nha chu là bệnh gì?
Nha chu là tổ chức bao quanh răng, có chức năng bảo vệ, giúp răng vũng chắc. Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng tổn thương mô mềm xung quanh răng bao gồm cả viêm nướu, viêm lợi, viêm gai lợi.
Bình thường, nướu răng có màu hồng và chắc, có nhiệm vụ nâng đỡ cho răng chắc khỏe, bảo vệ chân răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Khi bị viêm nha chu, phần nướu này bị sưng, có xu hướng tụt nướu (tụt lợi) làm lộ chân răng, khiến răng dài ra và gây mất thẩm mỹ cũng như gây viêm nhiễm răng miệng nghiêm trọng hơn.
Viêm nha chu nếu không được điều trị kịp thời có thê gây lung lay răng và mất răng hoàn toàn. Lúc này người bệnh phải trồng răng giả gây nhiều tốn kém. Do đó, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cũng như đánh răng đúng cách, khám răng định kỳ là cách để bảo vệ răng miệng của bạn toàn diện nhất.
2 Nguyên nhân gây nên bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu chủ yếu là do vi khuẩn gây ra, [1] các yếu tố thuận lợi làm vi khuẩn dễ dàng gây bệnh đó là:
Vệ sinh răng miệng kém, không tuân thủ đánh răng hàng ngày, tạo điều kiện cho các mảng bám ở kẽ răng tích tụ lại. Các mảng bám thức ăn là nguồn dinh dưỡng nuôi dưỡng vi khuẩn gây viêm nướu răng.
Ngoài ra mảng bám tồn tại trong thời gian dài tạo ra vôi răng, không lấy cao răng định kỳ cũng có thê gây kích thích nướu, nướu viêm đỏ, sưng, lâu ngày chuyển sang viêm nha chu.
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, các chất kích thích, có thói quen ăn uống trước khi đi ngủ mà không đánh răng.
Hở kẽ răng tạo lỗ hổng cho thức ăn dễ bị nhét vào. Ssử dụng tăm xỉa răng đầu to và nhọn là nguyên nhân chủ yếu gây hở kẽ răng, đôi khi vẫn có người bị hở kẽ răng bẩm sinh.
Mắc một số bệnh suy giảm miễn dịch như bệnh như bạch cầu, ung thư, HIV,...
Dùng một số loại thuốc gây khô miệng, tiết ít nước bọt có thể gây viêm nha chu. Do nước bọt có tác dụng trung hòa nồng độ acid trong khoang miệng, đồng thời còn làm sạch một phần mảng bám thức ă trên răng.
3 Chẩn đoán bệnh viêm nha chu
3.1 Triệu chứng lâm sàng viêm nha chu
Vôi răng, dinh bết chân răng.
Nướu bị sưng, đỏ, dễ bị chảy máu, nướu không bao chặt chân răng, nướu tụt xuống dưới làm hàm răng dài hơn bình thường. Nướu có thể có mủ. Túi nha chu sâu ( lớn hơn 4mm).
Chảy máu tự phát không có kích thích.
Chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
Một vị kim loại trong miệng
Chứng hôi miệng , hoặc hơi thở có mùi.
Người đó có thể nói rằng cảm giác "cắn" của họ khác vì răng không vừa khít như trước đây.
Có thể có răng lung lay.
X quang có tiêu xương ít hoặc nhiều theo chiều ngang, dọc.
Miệng hôi (có thể có), đau khi nhai. [2]
3.2 Chẩn đoán xác định
Nha chu viêm khu trú, viêm nha chu toàn bộ, áp-xe nha chu, viêm nha chu hoại tử.
4 Điều trị viêm nha chu
4.1 Loại bỏ cao răng và mủ viêm
Khi viêm nha chu nhẹ có thể được điều trị bằng cách cạo sạch vôi răng để loại bỏ môi trường sinh sống của vi khuẩn, hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh răng miệng đúng cách, thăm khám nha khoa theo lịch tái khám có thể kiểm soát được bệnh.
Nếu tình trạng viêm nha chu đã tiến triển nặng, các túi nha chu sưng và có mủ, cần tiến hành loại bỏ mủ viêm và tái tạo nha chu cho bệnh nhân, Đồng thời, chỉ định bít, trám tuỷ để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào chân răng và tuỷ răng gây viêm tủy răng, hoại tử tủy và mất răng vĩnh viễn.
Giai đoạn viêm nha chu nặng, răng lung lay không giữ được nữa: tiến hành nhổ răng,loại bỏ các ổ viêm, tái tạo nha chu mới và trồng răng giả cho bệnh nhân.
4.2 Điều trị loại bỏ túi nha chu bị viêm
- Khám và làm bệnh án, xét nghiệm máu.
- Vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, đảm bảo môi trường an toàn khi tiến hành thủ thuật.
- Cạo vôi răng, làm sạch răng.
- Gây tê tại chỗ bằng lidocain 2% để giảm đau, tiến hành nạo túi nha chu loại bỏ mô hạt viêm, tái tạo viền nướu (giảm độ sâu túi).
Thuốc dùng trong điều trị: Tùy thực tế trên lâm sàng, có thể lựa chọn thuốc điều trị cho phù hợp (kháng sinh, kháng viêm, giảm đau,..)
Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng nước súc miệng, chế độ ăn phù hợp sau điều trị.
5 Phòng ngừa bệnh nha chu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh răng miệng, bao gồm cả viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng,...
Vệ sinh răng miệng hàng ngày trước khi đi ngủ, lưu ý chọn loại bàn chải răng mềm và tốt để không gây kích ứng nướu có thể dẫn đến viêm nướu, viêm nha chu.
Dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng để làm sạch các mảng thức ăn và vi khuẩn, hạn chế dùng tăm có đầu tăm nhọn và to càng làm cho các kẽ hở giữa hai răng thêm rộng hơn.
Khám răng thường xuyên, lấy cao răng định lỳ ít nhất 6 đến 12 tháng một lần. Trẻ em ngoài 2 tuổi nên cho đi khám răng định kỳ.
Loại bỏ các yếu tố nguye cơ gây viêm nha chu như: hút thuốc, rượu bia,...
Dinh dưỡng toàn thân tốt. Không nên ăn đêm sau khi đã đánh răng. [3]
Tài liệu tham khảo
- ^ Jacquelyn Cafasso (Ngày đăng 23 tháng 5 năm 2017). Periodontitis, Healthline. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021
- ^ Yvette Brazier (Ngày đăng 18 tháng 1 năm 2018). What is periodontitis?, Medical News Today. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021
- ^ CDC (Ngày đăng 10 tháng 7 năm 2013). Periodontal Disease, CDC. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021