1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Định nghĩa, phân loại rối loạn chức năng tình dục nữ theo DSM-IV và DSM-V

Định nghĩa, phân loại rối loạn chức năng tình dục nữ theo DSM-IV và DSM-V

Định nghĩa, phân loại rối loạn chức năng tình dục nữ theo DSM-IV và DSM-V

Trungtamthuoc.comRối loạn chức năng tình dục nữ có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ. Tuy vậy, phần lớn các trường hợp này không được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bài viết sau đây giúp tìm hiểu định nghĩa, phân loại, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến chứng năng tình dục nữ

Tải bản PDF TẠI ĐÂY

Nguồn: Sách Đại cương sức khỏe tình dục - Chương 2: Rối loạn chức năng tình dục nữ

Nhà xuất bản Y học

Chủ biên: PGS.TS.BS. Lê Minh Tâm

Biên soạn: 

PGS.TS.BS. Tôn Nữ Vân Anh

ThS.BS. Hồ Trần Tuấn Hùng

ThS.BS. Nguyễn Đắc Nguyên

ThS.BS. Trần Thị Như Quỳnh

1 ĐẠI CƯƠNG

Rối loạn chức năng tình dục nữ (FSD - female sexual dysfunction) có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ. Tuy vậy, phần lớn các trường hợp này không được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Định nghĩa và hệ thống phân loại của FSD có thể khó hiểu và phức tạp, cản trở quá trình chẩn đoán lâm sàng chính xác. Gần đây, một số phương pháp điều trị FSD đã được áp dụng và liệu pháp điều trị hỗ trợ phát triển khá mạnh mẽ. Việc phát triển các phân độ lâm sàng rõ ràng và hướng dẫn chẩn đoán FSD là điều quan trọng.

2 ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI

2.1 Định nghĩa

Theo phân loại của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê những rối loạn tâm thần của Hoa Kỳ (DSM) gồm DSM - IV, DSM - IV - TR, phù hợp với ICD - 10 (International Classification of Diseases, World Health Organization), Phân loại Bệnh tật Quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn tình dục được phân làm 4 nhóm chính: rối loạn ham muốn tình dục, rối loạn hưng phấn tình dục, rối loạn cực khoái và rối loạn đau liên quan tình dục.

2.2 Định nghĩa - phân loại rối loạn chức năng tình dục nữ theo DSM-IV

Rối loạn ham muốn tình dục (Sexual Desire Disorders)

Rối loạn giảm ham muốn tình dục (Hypoactive Sexual Desire Disorder): là tình trạng thiếu hụt (hoặc không có ) các tưởng tượng về tình dục và ham muốn đối với hoạt động tình dục. Sự giảm ham muốn tình dục ở nữ giới có thể bao gồm nhiều biểu hiện khác nhau như không muốn chủ động quan hệ tình dục, không chấp nhận những kích thích tình dục của bạn tình hoặc không cảm thấy hứng thú với bất kỳ tín hiệu kích thích tình dục nào từ lời nói, phim ảnh đến sách báo. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể xảy ra ngay khi người phụ nữ có những lần giao hợp đầu tiên.

Rối loạn ác cảm tình dục (Sexual Aversion Disorder): là tình trạng cực kỳ ác cảm và tránh né tất cả (hoặc gần như tất cả) các tiếp xúc tình dục với bạn tình ở đường sinh dục. Ở một số trường hợp, người phụ nữ có thể có những nỗi sợ cụ thể khi giao hợp như chứng sợ tinh dịch, do vậy họ có xu hướng không muốn tiếp xúc để giảm nỗi sợ của mình. Ác cảm tình dục ở nữ giới có thể kéo dài suốt đời hoặc trong một khoảng thời gian ngắn tùy thuộc vào bạn tình của họ.

Rối loạn hưng phấn tình dục nữ (Female Sexual Arousal Disorder): là tình trạng không có khả năng đạt được hoặc duy trì đầy đủ sự đáp ứng cương phóng - tiết dịch bòi trơn, giảm cảm giác ở núm vú khi kích thích của hưng phấn tình dục. Trong một số trường hợp, dù cơ thể có đáp ứng với kích thích tình dục nhưng người phụ nữ vẫn không cảm thấy hưng phấn hoặc hứng thú.

Rối loạn cực khoái nữ (Female Orgasmic Disorder): là tình trạng chậm trễ (hoặc không có) đạt cực khoái sau một giai đoạn hưng phấn tình dục bình thường. Ở những trường hợp nhẹ, người phụ nữ vẫn đạt được cực khoái nhưng không thường xuyên hoặc không đủ cường độ phù hợp với tuổi, kinh nghiệm tình dục và tần suất quan hệ tình dục của họ.

Rối loạn đau liên quan tình dục (Sexual Pain Disorders)

Giao hợp đau (Dyspareunia): là tình trạng đau tại cơ quan sinh dục có liên quan đến giao hợp. Cảm giác đau có thể là sự bỏng rát, đau buốt hoặc co thắt mạnh bên trong hoặc bên ngoài âm đạo, sâu hơn và vùng bụng-chậu.

Co thắt âm đạo (Vaginismus): là tình trạng co thắt không tự chủ của các cơ nằm ở một phần ba ngoài âm đạo, làm cản trở việc đưa dương vật vào âm đạo.

Tất cả các rối loạn trên chỉ được xác định khi các tình trạng này tồn tại kéo dài hoặc tái diễn, gây ra đau khổ đáng kể cho bản thân hoặc gây ra khó khăn cho mối quan hệ giữa các cá nhân liên quan. Ngoài ra còn phải loại trừ do các rối loạn trục nội tiết, ảnh hưởng trực tiếp của thuốc hoặc tình trạng sức khỏe chung.

Tất cả các rối loạn trên còn được phân ra là nguyên phát hoặc thứ phát, bối cảnh chung hoặc tình huống chỉ do các yếu tố tâm lý hoặc do các yếu tố phối hợp.

Hình 6.1. Các thể rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới
Hình 6.1. Các thể rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

2.3 Định nghĩa - phân loại rối loạn chức năng tình dục theo DSM-V

Rối loạn ham muốn/hưng phấn tình dục nữ (Female Sexual Interest/Arousal Disorder): là tình trạng thiếu hoặc giảm đáng kể ham muốn/hưng phấn tình dục, được biểu hiện bởi có ít nhất ba trong những triệu chứng sau:

(1) Không có hoặc giảm sự hứng thú đối với hoạt động tình dục.

(2) Không có hoặc giảm những tưởng tượng hoặc ý nghĩ về khiêu dâm/ tình dục.

(3) Không có hoặc giảm sự chủ động bắt đầu hoạt động tình dục và thường không chấp nhận sự cố gắng khởi đầu từ bạn tình.

(4) Không có hoặc giảm sự hưng phấn/thích thú trong lúc hoạt động tình dục trong tất cả hoặc hầu như tất cả các trường hợp (khoảng 75% - 100%).

(5) Không có hoặc giảm phản ứng hứng thú/hưng phấn với bất kỳ tín hiệu khiêu dâm/ tình dục nào (như tín hiệu bằng chữ, lời nói hoặc hình ảnh).

(6) Không có hoặc giảm cảm giác ở đường sinh dục hoặc ngoài đường sinh dục trong lúc hoạt động tình dục trong tất cả hoặc hầu như tất cả các trường hợp (khoảng 75% - 100%).

Rối loạn cực khoái nữ (Female Orgasmic Disorder): khi có một trong những triệu chứng sau và xảy ra trong tất cả hoặc hầu như tất cả các trường hợp (khoảng 75% - 100%)

(1) Chậm trễ đáng kế hoặc không có hoặc hiếm khi đạt cực khoái.

(2) Giảm đáng kể cường độ của cảm giác cực khoái.

Rối loạn giao hợp/đau vùng chậu - sinh dục (Genito-pelvic pain/penetration disorder): khi có ít nhất một trong những triệu chứng sau:

(1) Khó đưa dương vật vào âm đạo trong lúc giao hợp.

(2) Đau đáng kể ở âm hộ - âm đạo hoặc vùng chậu trong lúc giao hợp hoặc cố gắng đưa dương vật vào âm đạo để giao hợp.

(3) Sợ hãi hoặc lo lắng đáng kể về đau âm hộ - âm đạo hoặc vùng chậu do sắp hoặc đang hoặc sau khi đưa dương vật vào âm đạo để giao hợp.

(4) Co thắt đáng kể các cơ sàn chậu trong lúc cố gắng đưa dương vật vào âm đạo để giao hợp.

Tất cả các rối loạn trên chỉ được xác định khi các tình trạng này tồn tại ít nhất 6 tháng và gây ra đau khổ đáng kể cho bản thân. Ngoài ra còn phải loại trừ do các rối loạn tâm thần ngoài tình dục, hậu quả của các yếu tố gây căng thẳng đáng kể và đau khó nghiêm trọng từ mối quan hệ và ảnh hưởng của thuốc hoặc tình trạng sức khỏe chung.

Tất cả các rối loạn trên còn được phân ra là nguyên phát hoặc thứ phát, bối cảnh chung hoặc tình huống các mức độ nhẹ hoặc trung bình hoặc nặng.

DSM - V có nhiều thay đổi quan trọng, mà nổi bật nhất là về nội dung ham muốn và hưng phấn tình dục. Hợp nhất rối loạn ham muốn và hưng phấn tình dục thành “Rối loạn ham muốn/hưng phấn tình dục nữ” vì sự chồng chéo cao của các nội dung này. Mặc dù ý tưởng này được nhiều chuyên gia hoan nghênh, nhưng chủ yếu văn dựa trên đánh giá lâm sàng chứ không phải dựa vào bằng chứng thực nghiệm đầy đủ. Trong một bài xem xét tổng quan y văn, Derogatis và cs. đã kết luận rằng giảm ham muốn tình dục và giảm hưng phấn tình dục chia sẻ điểm chung ở cấp độ triệu chứng nhưng dữ liệu đã có cho thấy chúng có thể phân biệt được với nhau. Một nghiên cứu gần đây cũng xác định một nhóm phụ nữ với giảm ham muốn tình dục không phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán hợp nhất của DSM - V.

Giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ đã được mở rộng để bao gồm sự thiếu "ham muốn đáp ứng" được xác định bởi Basson, bên cạnh các tiêu chuẩn về ham muốn tình dục tự phát. Đáp ứng tiết dịch bôi trơn của hưng phấn tình dục đã không được đánh giá, vì một số bằng chứng cho thấy mối liên quan không cao giữa cảm nhận chủ quan về hưng phấn tình dục với những thay đổi sinh lý khách quan.

Bảng 6.1. So sánh sự khác biệt giữa phân loại rối loạn chức năng tình dục giữa ICD-10 và DSM-V ở nữ giới
ICD-10DSM-V
Thiếu hoặc mất ham muốn tình dụcKhông đề cập
Ác cảm tình dục và thiếu thích thú tình dụcKhông đề cập
Thất bại trong đáp ứng tình dụcRối loạn ham muốn/hưng phấn tình dục nữ
Rối loạn chức năng cực khoáiRối loạn cực khoái nữ
Co thắt âm đạo không do nguyên nhân thực thểCo thắt âm đạo (không do tình trạng bệnh lý thông thường)
Đau khi giao hợp không thực tổnRối loạn giao hợp/đau vùng chậu - sinh dục
Xu hướng tình dục quá độKhông đề cập
Rối loạn chức năng tình dục khác, không do bệnh lý hoặc rối loạn thực tổnRối loạn chức năng tình dục cụ thể khác
Rối loạn chức năng tình dục không biệt định khác, không do bệnh lý hoặc rối loạn thực tổnRối loạn chức năng tình dục không biệt định
Không đề cậpRối loạn chức năng tình dục do một chất/thuốc
DSM: Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê những rối loạn tâm thần của Hoa Kỳ ICD: Phân loại Bệnh tật Quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới

3 NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TÌNH DỤC NỮ

3.1 Nguyên nhân chung

Nguyên nhân rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới rất phức tạp và thường có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, có thể chia các nguyên nhân này thành ba nhóm chính như sau:

Yếu tố tâm thần - thần kinh

Những lo âu về tình hình công việc, tài chính hay các vấn đề liên quan đến cuộc sống hôn nhân, gia đình như mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, trong cách nuôi dạy con cái ... là những nhân tố tác động tiêu cực đến tâm lý phụ nữ, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tình dục ở giới này. Đối với một số phụ nữ, bối cảnh văn hoá như sự chưa cởi mở trong hoạt động tình dục hay các quy định tôn giáo như không cho quan hệ trước hôn nhân cũng cản trở tâm lý của họ.

Ngoài ra các trải nghiệm tình dục tiêu cực trong quá khứ hay sang chấn tâm lý do bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu có thể dẫn đến sợ hãi, ám ảnh khi quan hệ và ảnh hưởng đến đời sống tình dục về sau. Những yếu tố tâm thần - thần kinh này có thể gián tiếp ức chế sản xuất dopamine - một loại “hormone hạnh phúc” có đường truyền tín hiệu kết nối với hạch hạnh nhân ở não để xử lý cảm xúc. Do đó, khi nồng độ dopamine thấp sẽ gây giảm động lực, giảm nhiệt tình và giảm sự hưng phấn khi tình dục của nữ giới.

Yếu tố nội tiết

Nội tiết tố không ổn định là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh hay giai đoạn sau sinh và cho con bú, cơ thể phụ nữ sẽ có sự thay đổi hormone (chủ yếu là sự suy giảm nồng độ estrogen) làm giảm khả năng ham muốn và đáp ứng tình dục. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt, ăn uống làm việc thiếu khoa học, tập luyện thế lực quá mức cũng có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố và có thể gây rối loạn chức năng tình dục. 

Yếu tố mạch máu

Các bệnh lý như đái tháo đường tăng huyết áp, bệnh lý hệ tiết niệu, tiền sử phẫu thuật buồng trứng hay mổ lấy thai, ... có thể liên quan đến sự cương tụ máu tại cơ quan sinh dục, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác hứng thú khi quan hệ tình dục.

Rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ có thể biểu hiện bởi tình trạng suy giảm ham muốn tình dục, hay suy giảm sự hưng phấn tình dục.

Nguyên nhân chung ảnh hưởng đến chức năng tình dục nữ
Nguyên nhân chung ảnh hưởng đến chức năng tình dục nữ

3.2 Nguyên nhân suy giảm ham muốn tình dục

Tình trạng suy giảm ham muốn tình dục ở nữ giới xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến gây suy giảm ham muốn tình dục bao gồm:

Tâm lý

Cảm giác thiếu gần gũi, thiếu sự kết nối hay thiếu tin tưởng bạn tình; ngại trao đổi về nhu cầu và sở thích tình dục; giảm hấp dẫn đối với bạn tình; các thói quen tình dục nhàm chán hoặc những thay đổi trong hôn nhân chẳng hạn như mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng biến cố trong gia đình hay phải dành nhiều sự quan tâm cho con cái là những yếu tố đã được chứng minh là có tác dụng tiêu cực đến ham muốn tình dục ở phụ nữ.

Bệnh tật

Các bệnh lý nội khoa mãn tính như trầm cảm, đái tháo đường cao huyết áp, nhược giáp, tăng prolactin máu; sự suy giảm đột ngột nội tiết tố (testosterone, estrogen) sau thời kì mãn kinh tự nhiên hoặc do phẫu thuật bệnh lý buồng trứng như lạc nội mạc tử cung u nang bì, ung thư buồng trứng ... hay việc sử dụng một số thuốc như thuốc ức chế dung nạp chọn lọc serotonin, thuốc hạ huyết áp (Conversyl, Amlor), thuốc điều trị trầm cảm (SSRIs), liệu pháp estrogen, thuốc corticoid dài ngày cũng có thể giảm sự ham muốn.

Khác

Một số yếu tố khác cũng được chứng minh là ảnh hưởng đến sự ham muốn tình dục ở nữ giới có thế kể đến như tuổi tác, độ tuổi càng tăng thì ham muốn tình dục càng có chiều hướng suy giảm, yếu tố sinh lý như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hay quá khứ bị sang chấn tâm lý hoặc bị lạm dụng tình dục. 

3.3 Nguyên nhân suy giảm hưng phấn tình dục

Nguyên nhân chủ quan

Sự giảm hưng phấn tình dục chủ quan thường xảy ra do ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá, tâm lý, mối quan hệ xã hội và tôn giáo. Khác với văn hoá phương Tây rất cởi mở trong vấn đề tình dục, góc nhìn của phụ nữ Á Đông có phần e dè khép kín hơn, nhất là khi chịu tác động bởi các quy chuẩn văn hoá xã hội như không quan hệ trước hôn nhân, kìm nén ham muốn tình dục để giữ gìn tình yêu hay luôn ở thế bị động trong một mối quan hệ. Những điều này có thể gây ức chế tâm lý và làm giảm đáp ứng hưng phấn trong hoạt động tình dục, từ đó gây ra các rối loạn chức năng tình dục.

Yếu tố tâm lý như mệt mỏi, trầm cảm hay lo sợ mang thai ngoài ý muốn cũng tác động xấu đến sự hưng phấn trong chu kì đáp ứng tình dục ở nữ giới.

Nguyên nhân khách quan

Giảm tiết dịch bôi trơn trong hoạt động tình dục có thể là hậu quả của việc suy giảm nội tiết tố, viêm nhiễm phụ khoa, sẹo xấu tầng sinh môn sau sinh con... Điều này dẫn đến tình trạng teo niêm mạc âm đạo, gây ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng của các tuyến tiết chất nhờn và làm suy giảm đáp ứng hưng phấn trong hoạt động tình dục.

3.4 Nguyên nhân gây rối loạn cực khoái

Những vấn đề trong quan hệ cá nhân, quan hệ hôn nhân, vấn đề tâm lý, các rối loạn tâm thần, sử dụng thuốc chống trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong đạt cực khoái. Các rối loạn tình dục khác như giảm hưng phấn tình dục, rối loạn đau liên quan đến tình dục cũng có thể là điểm khởi đầu của giảm hoặc mất cực khoái.

3.5 Nguyên nhân gây giao hợp đau

Đau khi quan hệ thường bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan đến:

Sẹo xấu tầng sinh môn sau sinh, viêm tuyến Bartholin, viêm âm đạo, viêm niệu đạo, viêm bàng quang viêm cổ tử cung viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung.

Tình trạng khô âm đạo do thiếu estrogen, thường xảy ra trong thời kỳ hậu sản hoặc do buồng trứng sau mãn kinh cũng làm cho giao hợp khó khăn và đau đớn.

Trạng thái tâm lý: những cảm xúc như sợ hãi, bối rối, xấu hổ khi quan hệ tình dục có thể gây

căng thẳng cho người phụ nữ và ảnh hưởng đến quá trình giao hợp.

Đau khi quan hệ tình dục không chỉ ảnh hưởng đến cuộc yêu, mà lâu dần sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như giảm ham muốn tình dục cũng như rối loạn chức năng tình dục.

4 MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỨC NĂNG TÌNH DỤC Ở NỮ GIỚI

Hoạt động tình dục lành mạnh và đúng cách là một trong những dấu hiệu của sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố có thể kể đến như tuổi, đặc điểm nhân khẩu xã hội học, yếu tố về bạn tình, các rối loạn tâm lý, bệnh lý mạn tính và có thai.

4.1 Độ tuổi

Rối loạn chức năng tình dục có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả những người trẻ, liên sự lo lắng vì thiếu kinh nghiệm trong chuyện chăn gối và áp lực từ công việc, con cái, gia đình chồng cuộc sống mới sau hôn nhân. Đau khi quan hệ là rối loạn thường gặp ở phụ nữ độ tuổi này, tuy nhiên điều đó gây ảnh hưởng không đáng kể đến cả đời sống tình dục của họ.

Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở độ tuổi từ 40-45 sẽ bắt đầu xuất hiện các rối loạn tình dục như không có khoái cảm thứ phát do nguyên nhân khách quan, đau và không thoả mãn khi quan hệ tình dục. Nguồn gốc của các rối loạn tình dục trong giai đoạn này phần lớn do sự sụt giảm các hormone trong cơ thể, đặc biệt là nội tiết tố estrogen gây ra tình trạng khô âm đạo. Sau độ tuổi 45, rối loạn tiền mãn kinh thường bắt đầu xảy ra với các biểu hiện khác nhau như: bốc hoả, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo lăng âm đạo khô và đau, dễ nhiễm trùng và ngứa ... càng làm trầm trọng thêm tình trạng đau rát khi giao hợp.

Bên cạnh đó, quá trình lão hóa di kèm với tăng nguy cơ các bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung lạc nội mạc tử cung ung thư phụ khoa ... và các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường bệnh lý tim mạch góp phần vào sự hình thành các rối loạn trong đời sống tình dục. Nhiều người quan niệm rằng tuổi già đi kèm với sự suy giảm khả năng tình dục, tâm lý an phận khiến cho phụ nữ xem các biểu hiện suy giảm trong đó là điều đương nhiên, do đó họ không tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tình dục. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng ở độ tuổi này thường cảm thấy thoải mái hơn vì kinh tế dần ổn định, không có nỗi lo của thai nghén, con cái đã lớn nên có nhiều thời gian bên nhau hơn. Vì vậy, nếu có nhận thức đúng đắn và điều trị kịp thời các biểu hiện rối loạn thì các cặp vợ chồng vẫn có thể duy trì đời sống tình dục viên mãn.

4.2 Đặc điểm nhân khẩu - xã hội học

Trình độ học vấn

Phụ nữ có trình độ học vấn thấp làm tăng nguy cơ rối loạn tình dục do thiếu kiến thức về sinh lý tình dục bình thường đồng thời nhận thức kém về các quyền sức khỏe tình dục, không dám tâm sự, bộc lộ với chồng về nhu cầu và cảm xúc của bản thân dẫn đến mâu thuẫn trong hôn nhân. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng xác định được rằng vợ chồng có cùng trình độ học vấn thì sẽ hạnh phúc hơn so với những người có tay nghề và học vấn chênh lệch. Theo một phân tích gần đây cho thấy, việc trang bị kiến thức liên quan đến sức khỏe tình dục có hiệu quả đối với những phụ nữ mắc rối loạn ham muốn. Điều đó cho thấy việc thành lập các đơn vị tư vấn và giáo dục sức khoẻ tình dục ở các trung tâm y tế là cần thiết với vai trò cung cấp kiến thức và định hướng điều trị các rối loạn chức năng tình dục của các cặp vợ chồng

Tình trạng con cái ngủ chung với bố mẹ

Trên thế giới, ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau sẽ có những thói quen sinh hoạt khác nhau. Đa số con cái ở các nước phương Tây có thói quen ngủ riêng với cha mẹ ngay từ thuở nhỏ, ngược lại, phần lớn trẻ em châu Á đều ngủ chung với cha mẹ mà Việt Nam là một ví dụ. Các cặp vợ chồng có con ngủ chung có khả năng làm tăng nguy cơ rối loạn tình dục cả hai vợ chồng vì quá trình quan hệ có thể bị gián đoạn do con chợt khóc, tỉnh giấc hay diễn ra trong trạng thái lo lắng, bồn chồn, đốt cháy giai đoạn vì sợ con bắt gặp.

Theo chu kỳ đáp ứng tình dục nữ, một lần hoạt động tình dục cần có thời gian đủ dài để các thay đổi về sinh lý, giải phẫu được hoàn thiện nhằm giúp người nữ dễ dàng đạt khoái cảm và thỏa mãn sau khi giao hợp. Việc con cái ngủ chung gây tâm lý e ngại cho các cặp vợ chồng khiến cho “cuộc yêu” đôi khi gấp gáp, không đạt được sự thỏa mãn như mong đợi trong đời sống tình dục.

Hình 6.2. Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn chức năng tình dục nữ
Hình 6.2. Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn chức năng tình dục nữ

Ảnh hưởng tôn giáo - văn hóa - xã hội

Sự cởi mở của người vợ khi tâm sự với chồng về lĩnh vực tình dục, cũng là một yếu tố khác biệt giữa các nước phương Đông với các nước phương Tây. Đối với phụ nữ Á Đông do truyền thống văn hóa, sự phân biệt giới tính trong xã hội và một phần ảnh hưởng của tôn giáo, tình dục luôn là vấn đề khó nói, ngay cả với chồng của mình. Việc không dám tâm sự thẳng thắn với chồng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tận hưởng và thỏa mãn cuộc sống tình dục của người phụ nữ. Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn tình dục, sự chia sẻ, thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau từ hai phía thực sự là điều cần thiết cho một cuộc sống tình dục hạnh phúc.

4.3 Yếu tố về bạn tình

Rối loạn cương dươngxuất tinh sớm ở nam giới là những yếu tố liên quan chặt chẽ nhất trong tất cả các nhóm ảnh hưởng đến rối loạn tình dục nữ. Trên thực tế, khả năng tình dục của người chóng đóng vai trò không nhỏ trong sự hòa hợp tình dục. Quan hệ tình dục giúp tình cảm vợ chồng khăng khít hơn và là cầu nối bền chặt của cuộc sống hôn nhân. Sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý của người chồng ở các phụ nữ có hoạt động tình dục bình thường sẽ mang lại sự thỏa mãn trong quan hệ tình dục cũng như sự ổn định trong cuộc sống hằng ngày cho người vợ. Tuy nhiên, phụ nữ cũng không nên tỏ ra thất vọng hay gây áp lực vào thời điểm người chồng đang gặp trục trặc về sinh lý, thay vào đó hãy động viên và có trách nhiệm với vấn đề của chồng. Gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi cả hai đều cảm thấy thỏa mãn và được yêu thương.

4.4 Rối loạn tâm lý

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động tình dục của người phụ nữ mang yếu tố tâm lý tình cảm nhiều hơn so với đàn ông. Cụ thể, đôi khi người phụ nữ không có ham muốn tình dục nhưng sự kích thích tình dục lại có thể được thúc đẩy nhờ vào tình cảm trong mối quan hệ yêu đương. Khi phụ nữ có các thay đổi tâm sinh lý như buồn bực, chán nản hoặc các biểu hiện của trầm cảm, tự kỷ có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục. Những biến đổi cảm xúc và rối loạn tâm trí thường đi đôi với những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan với các biểu hiện như: đau đầu, mất ngủ, đau ngực, đau cơ xương khớp, tăng tiết mồ hôi, đặc biệt là rối loạn và suy giảm tình dục.

Trầm cảm là nguyên nhân tâm lý hàng đầu gây rối loạn chức năng tình dục. Khi bị trầm cảm, các chất dẫn truyền thần kinh thiếu hụt là nguyên nhân khiến não bộ khó gửi tín hiệu đến các cơ quan sinh dục, do đó làm giảm ham muốn và người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, trầm uất, buồn bã vô cớ nên không muốn quan hệ vợ chồng. Bên cạnh đó, các nhóm thuốc chống trầm cảm cũng có ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục của bệnh nhân ở các mức độ khác nhau. Nam giới nổi bật với triệu chứng khó cương dương vật, giảm ham muốn và khó xuất tinh, tương ứng với các triệu chứng giảm hoặc mất hoàn toàn ham muốn, khô âm đạo ở phụ nữ gây cảm giác đau rát và khó khăn khi quan hệ tình dục.

4.5 Một số bệnh lý

Bệnh mạn tính

Các bệnh lý mạn tính như viêm khớp, bệnh tim mạch gây giảm tưới máu cho cơ quan sinh dục bệnh đái tháo đường suy giáp, cường giáp, hội chứng Cushing gây thương tổn thần kinh; những bệnh phụ khoa như nhiễm khuẩn âm đạo mãn tính, di chứng phẫu thuật vùng âm đạo - tiểu khung gây dính, xơ hóa các cơ quan có thể dẫn tới đau khi giao hợp, đều ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Ngoài ra, một số bệnh lý mạn tính là yếu tố làm dễ cho các tình trạng viêm nhiễm tại đường sinh dục của người phụ nữ như bệnh đái tháo đường. Bệnh này có thể gây khô âm đạo làm cho người phụ nữ bị đau rát, sưng đỏ vùng kín mỗi khi quan hệ, thậm chí khiến họ cảm thấy sợ mỗi khi gần gũi chồng.

Ung thư

Phụ nữ khi điều trị ung thư thường phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Quá trình điều trị kéo dài kèm theo các tác dụng phụ của thuốc hoá trị, xạ trị khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy giảm thế lực, thay đổi cảm xúc và lo sợ bệnh trở nặng là những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân không còn thích thú với chuyện chăn gối như trước kia.

Trong ung thư vú, sự đối mặt với phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả hai bầu vú có thể khiến cho người bệnh sinh ra cảm giác tự ti với bạn tình về ngoại hình của mình. Một số loại ung thư khác tại cơ quan sinh dục như ung thư buồng trứng ung thư cổ tử cung ... có thể gây ra tình trạng rối loạn hormone sinh dục, dẫn đến tình trạng khô âm đạo, đau rát khi quan hệ, giảm ham muốn, giảm cực khoái, do đó làm thay đổi chức năng tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ mắc ung thư vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng ở mức độ phù hợp tùy từng trường hợp, vì vậy người bạn đời biết quan tâm, thấu hiểu sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy lạc quan, yêu đời, dễ tìm lại được cảm xúc và duy trì được đời sống tình dục.

Mang thai

Việc mang thai và sinh con có ảnh hưởng lớn đến đời sống tình dục nữ giới, nhưng ở mỗi người lại biểu hiện khác nhau. Về mặt sinh lý, cơ thể và nội tiết tố sẽ thay đổi trong suốt thai kỳ. Điều đó có nghĩa là ham muốn tình dục đôi khi gia tăng trong giai đoạn giữa thai kỳ và có thể suy giảm ở những giai đoạn khác. Nhiều phụ nữ cũng có thể lo lắng về việc quan hệ tình dục khi đang mang thai có an toàn hay không. Cho con bú, nuôi con và các công việc khác cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian, năng lượng và sự hứng thú về tình dục của họ. Trừ những trường hợp mắc bệnh lý trong thai kỳ như ra máu âm đạo, rỉ ối, viêm nhiễm phụ khoa, đau bụng cơn go tử cung hoặc do tâm lý lo sợ của phụ nữ mang thai do con quý hiếm thì giao hợp nhẹ nhàng vẫn được khuyến khích. Điều này sẽ giúp cân bằng lại nội tiết trong cơ thể, đáp ứng được nhu cầu của cả hai và giữ hạnh phúc cho đời sống vợ chồng.

5 KẾT LUẬN

Tóm lại, rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ có thể biểu hiện bởi tình trạng suy giảm ham muốn tình dục, suy giảm sự hưng phấn khách quan hoặc chủ quan xuất phát từ những vấn đề từ tâm lý đến bệnh lý, từ cơ bản đến phức tạp trong cuộc sống làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc yêu. Mặc dù không phải bệnh lý có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các rối loạn tình dục lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống của chị em phụ nữ, thậm chí có thể dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Mặt khác, nguyên nhân và các yếu tố liên quan đến rối loạn tình dục ở nữ thường bị xã hội, người bệnh và có thể chính các chuyên gia y tế bỏ qua. Vì vậy, mỗi người phụ nữ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về tình dục giúp gỡ bỏ những rắc rối trong các cuộc yêu và tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia để được chẩn đoán và định hướng phương pháp điều trị phù hợp khi có rối loạn. Cán bộ y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và tư vấn các tình trạng rối loạn liên quan đến tình dục, đồng thời, đưa ra phương hướng điều trị phù hợp giúp cuộc sống trở nên giàu cảm xúc và hạnh phúc hơn.

6 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sungur MZ, Gündüz A (2014), "A comparison of DSM-IV-TR and DSM-5 definitions for sexual dysfunctions: critiques and challenges", J Sex Med, 11(2):364-73.

2. American Psychiatric Association (2013): Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition. Arlington, VA, American Psychiatric Association.

3. Hồ Thị Thanh Tâm, Lê Minh Tâm, Trương Quang Vinh (2018). Áp lực tâm lý ở cặp vợ chồng vô sinh và mối liên quan với rối loạn tình dục. Tạp chí Phụ Sản, tập 16, số 2:128-137. https://doi.org/10.46755/vjog.2018.2.520.

4.Hồ Thị Thanh Tâm, Lê Minh Tâm, Trương Quang Vinh, Cao Ngọc Thành. Tilệ và mối liên quan giữa các hình thái rối loạn tình dục nam ở cặp vợ chồng vô sinh. Tạp chí Y Dược học, Tập 8(01),11-2017.

5. Hồ Thị Thanh Tâm, Lê Minh Tâm, Trương Quang Vinh, Lê Đình Dương Cao Ngọc Thành. Mối quan giữa rối loạn tình dục nam và nữ ở cặp vợ chồng vô sinh. Tạp chí Y học Việt Nam, Số đặc biệt, 10- 2017. Tập 458: 289-295. ISSN: 1859-1868.

6. Lê Minh Tâm, Nguyễn Văn Tuân, Cao Ngọc Thành (2015) Nghiên cứu khả năng tình dục của nam giới ở các cặp vợ chồng vô sinh và một số yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí Phụ sản, tập 13 (01), 05-2015: 60-63. https://doi.org/10.46755/vjog.2015.1.830

7. Nguyễn Thị Lê Na, Hồ Thị Thanh Tâm, Lê Minh Tâm, Cao Ngọc Thành (2017).Kiến thức, thái độ và mức độ phiền muộn của các cặp vợ chồng vô sinh. Tạp chí Phụ sản. Tập 14 4/2017 (04): 64-69. https://doi.org/10.46755/vjog.2017.4.446

8. Nguyễn Thị Ni, Lê Minh Tâm. Nghiên cứu tình trạng rối loạn tâm lý ở bệnh nhân vô sinh bằng thang điểm Beck Depression Inventory (BDI). Tạp chí Phụ sản 2020; 18(2):67-73. doi 10.46755/vjog.2020.2.1118

 

7 CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

Câu 1. Câu nào sau đây sai khi nói về định nghĩa rối loạn chức năng tình dục nữ theo Tiêu chuẩn DSM- IV?

A. Rối loạn giảm ham muốn tình dục là tình trạng thiếu hụt hoặc hoàn toàn không có những tưởng tượng về tình dục và sự ham muốn hoạt động tình dục.

B. Rối loạn ham muốn tình dục bao gồm rối loạn giảm ham muốn tình dục và rối loạn ác cảm tình dục. C. Rối loạn hưng phấn tình dục là tình trạng không có khả năng đạt được hoặc duy trì đầy đủ sự đáp ứng khi đạt cực khoái.

D. Rối loạn đau liên quan đến tình dục có thể là tình trạng co thắt âm đạo không tự chủ, cản trở quá trình giao hợp.

Câu 2. Trong các nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục nữ, đâu là câu trả lời sai:

A. Lo âu về tình hình công việc, vấn đề tài chính hay những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình.

B. Tiền sử sử dụng thuốc như thuốc chống trầm cảm, Paracetamol, corticoid kéo dài, ...

C. Các sang chấn trong quá khứ bị lạm dụng tình dục.

D. Bệnh nội khoa mãn tính như đái tháo đường tăng huyết áp, tăng prolactin máu,...

Câu 3. Trong những câu sau đây, câu nào là câu sai khi nói về nguyên nhân trực tiếp gây đau khi giao hợp:

A. Sẹo xấu tầng sinh môn sau sinh.

B. Viêm tuyến Bathorlin.

C. Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis.

D. U lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng.

Câu 4. Các yếu tố xã hội liên quan đến rối loạn chức năng tình dục nữ, ngoại trừ:

A. Trình độ học vấn.

B. Độ tuổi.

C. Tình trạng con cái ngủ chung với bố mẹ.

D. Tôn giáo.

Câu 5. Một số bệnh lý là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới, ngoại trừ:

A. U xơ tử cung nhỏ.

B. Lạc nội mạc tử cung sâu.

C. viêm âm đạo do nấm.

D. Trầm cảm.
 


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633