1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Tâm thần phân liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tâm thần phân liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tâm thần phân liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Trungtamthuoc.com - Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh rối loạn tâm thần nặng. Bệnh nếu không can thiệp sớm có thể có khuynh hướng tiến triển mãn tính, về lâu dài có thể thay đổi tới nhân cách, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. 

1 Định nghĩa bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh rối loạn tâm thần nặng, với diễn biến bệnh xảy ra từ từ. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được căn nguyên của bệnh. Bệnh có nhiều thể lâm sàng khác nhau, biểu hiện qua các hội chứng dương tính, âm tính, rối loạn cảm xúc, suy giảm hoạt động nhận thức và gây hấn.

Hình ảnh bệnh nhân bị tâm thần phân liệt
Hình ảnh bệnh nhân bị tâm thần phân liệt

Bệnh tác động xấu làm suy giảm và rối loạn khả năng tư duy, cảm xúc, hành vi, các chức năng xã hội và nghề nghiệp. Bệnh diễn biến mạn tính và gây tốn kém cho gia đình và xã hội.[1]

2 Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

2.1 Hoang tưởng

Hoang tưởng là gì? Đó là những ý tưởng không có trong thực tế, do bệnh nhân tự vẽ ra nhưng bệnh nhân lại cho nó là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được.

Bệnh nhân thường gặp các loại hoang tưởng sau đây:

  • Hoang tưởng tự cao: Bệnh nhân tự cho mình có thể làm được những thứ mà vốn dĩ hoàn toàn bệnh nhân không có khả năng. Ví dụ như bệnh nhân không hề học y nhưng lại hoang tưởng mình chữa được ung thư...
  • Hoang tưởng bị hại: Nghĩ rằng người khác đang tìm cách hãm hại mình, luôn ở trong tâm thế đề phòng ngay cả với người thân trong gia đình...
  • Hoang tưởng bị chi phối: Bệnh nhân tưởng tưởng bị kiểm soát hoặc bị chi phối bởi đối tượng hay một thế lực nào đó...
  • Khi có triệu chứng này, bệnh nhân sẽ có những phản ứng lại theo các cách khác nhau như sẽ ăn riêng, cơ lập mình vì sợ bị hại...[2]

2.2 Ảo thanh

Khi bị ảo thanh, bệnh nhân tưởng tượng nghe một hay nhiều giọng nói vang lên trong đầu hay vang bên tai. Những âm thanh nghe được có thể là đe dọa, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng bệnh nhân.

Theo phản xạ, bệnh nhân sẽ phản ứng lại bằng cách bịt tai (khi nghe thấy chửi bới), có hành vi tự vệ (nếu nghe thấy lời đe dọa)...[3]

Triệu chứng ảo thanh của bệnh tâm thần phân liệt
Triệu chứng ảo thanh của bệnh tâm thần phân liệt

2.3 Rối loạn khả năng suy nghĩ

Bệnh nhân nói chuyện khó hiểu, có khi đang nói thì im lặng, đợi một lúc sau mới bắt đầu lại hoặc chuyển sang một chủ đề khác. Có lúc bệnh nhân nói chuyện lung tung khiến người khác không thể hiểu được.

2.4 Các triệu chứng khác 

Mất đi ý muốn làm việc:

  • Triệu chứng này diễn ra nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì không làm tốt nhiệm vụ của mình tại cơ quan, trường học. Nặng hơn sẽ khiến bệnh nhân mất ý muốn làm việc nhà. Nặng nhất là không chú ý đến vệ sinh cá nhân.
  • Mọi người cần lưu ý tình trạng này, vì nó là một tình trạng bệnh lý chứ không phải do bệnh nhân lười biếng.

Giảm sự biểu lộ tình cảm: Khả năng biểu lộ tình cảm của bệnh nhân bị suy giảm. Có thể bệnh nhân không có cảm xúc trước các sự việc dù vui hay buồn. Hoặc có thể bị rối loạn, chuyện nên vui lại buồn, đáng buồn lại tỏ ra vui vẻ.

Sự cách ly xã hội: Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với những người khác, ngay cả đối với những người thân trong gia đình. Hoặc do khả năng nói chuyện bị giảm sút hoặc chứng hoang tưởng sợ bị hãm hại.

3 Nguyên nhân gây bệnh

Các nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa rõ. Có thể do sự kết hợp của các yếu tố sau đây:

Yếu tố di truyền: Có thể có liên quan đến yếu tố di truyền. Người ta thấy rằng, 1% là tỉ lệ mắc bệnh đối với những gia đình bình thường, còn 12% là tỷ lệ con cái mắc phải khi cha hoặc mẹ bị bệnh.

Yếu tố sinh hoá: Dopamine được cho là chất hóa học tác động lên não, liên quan đến tâm thần phân liệt.

Yếu tố gia đình: Với những gia đình luôn trong tình trạng không khí căng thẳng, nặng nề sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh TTPL. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa tâm thần phân liệt và mối quan hệ gia đình.

Yếu tố môi trường: Môi trường áp lực, căng thẳng, stress như công việc, gánh nặng cơm áo gạo tiền, kết quả học tập... cũng khiến con người dễ rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt.

Áp lực từ môi trường bên ngoài
Áp lực từ môi trường bên ngoài

4 Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

4.1 Nguyên tắc chung

Từ những tiếp cận lâm sàng trên, diễn tiến của 1 bệnh nhân TTPL có thể xem như có 4 giai đoạn (GĐ): GĐ không triệu chứng, GĐ tiền triệu, GĐ bộc phát, GĐ di chứng. Trước sự đa dạng trên của diển biến bệnh, một tổng thể các phương án điều trị bao gồm:

  • Điều trị nội trú hay ngoại trú.
  • Hóa dược liệu pháp.
  • Tâm lý liệu pháp nâng đỡ.
  • Hợp tác chặt chẽ với thân nhân.
  • Tái phục hồi chức năng - tái hội nhập xã hội.

Các phương án điều trị được đưa ra chủ yếu nhằm đáp ứng 3 mục tiêu điều trị sau:

  • Giảm các triệu chứng cấp tính (điều trị nội trú, sử dụng thuốc).
  • Ổn định triệu chứng rối loạn tâm thần bằng cách dùng thuốc, tái thích ứng.
  • Giúp bệnh nhân bù trừ lại các khiếm khuyết tâm thần bằng cách tái thích ứng và tâm lý nâng đỡ.

4.2 Hóa liệu pháp

Hóa liệu pháp thường sử dụng các loại thuốc chống loạn thần. Ngoài ra có thể phối hợp với các thuốc khác nếu có chỉ định như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh Parkinson...

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Trước khi chỉ đinh dùng thuốc chống loạn thần, bệnh nhân phải được khám thần kinh, nội khoa và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bệnh nhân từ chối hợp tác có thể cho dùng thuốc chống loạn thần để khống chế.

Ưu tiên sử dụng một loại thuốc chống loạn thần. Chỉ phối hợp khi cần thiết để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra.

Nên sử dụng khởi đầu với liều thấp, tăng dần đến khi đạt hiệu quả lâm sàng và tăng nhanh khi cần thiết. Liều dùng tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân và các nguy cơ các tác dụng phụ gặp phải.

Thời gian tối thiểu để đánh giá hiệu quả của thuốc là 4 tuần với liều thích hợp. Trong trường hợp bệnh nhân gia tăng triệu chứng, khó chịu, loạn cảm, tác dụng phụ nhiều, tác dụng độc thì có thể chuyển thuốc trước 4 tuần.

Thận trọng khi dùng thuốc ở người già, trẻ em và bệnh nhân có bệnh lý cơ thể đi kèm vì đây là những đối tượng rất nhạy cảm với tác dụng của thuốc.

Thuốc chủ yếu được dùng theo đường uống. Chỉ sử dụng kỹ thuật tiêm bắp khi bệnh nhân không chịu uống thuốc. Trường hợp tiêm bắp, phải theo dõi mạch, huyết áp trước khi tiêm và 1 giờ sau tiêm.

Điều trị giai đoạn cấp có thể kéo dài từ 4 - 8 tuần. Khi đạt được liều điều trị hiệu quả cần thiết nên duy trì khoảng 1 năm sau đó giảm liều từ từ có thể từ 10 - 20% cho mỗi tháng. Liều duy trì thấp nhất được đề nghị là tương đương 300 - 600mg Chlopromazine tuy nhiên đối với từng bệnh nhân liều thấp nhất có hiệu quả là tối ưu nhất.

Nếu kháng trị dùng Clozapine, theo dõi huyết đồ trong 18 tuần đầu tiên, mỗi tuần một lần.

4.3 Điều trị tâm lý xã hội

Liệu pháp tâm lý cá nhân: liệu pháp nâng đỡ, bao gồm giải thích hợp lý tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân và thân nhân. Giúp bệnh nhân an tâm điều trị, tin tưởng vào thầy thuốc, tuân thủ liệu pháp điều trị.

Điều trị tâm lý xã hội
Điều trị tâm lý xã hội

Liệu pháp nhóm.

Liệu pháp gia đình.

Liệu pháp tái thích ứng xã hội: thông qua lao động liệu pháp như dạy nghề, hướng nghiệp...

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của NIMH (Ngày đăng: tháng 5 năm 2020). Schizophrenia, NIMH. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Smitha Bhandari, MD (Ngày đăng: ngày 21 tháng 1 năm 2020). Schizophrenia: An Overview, WebMD. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Frances R Frankenburg, MD (Ngày đăng: Ngày 26 tháng 7 năm 2021). Schizophrenia, MedsCape. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633