Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh sỏi mật
Trungtamthuoc.com - Túi mật thuộc hệ tiêu hóa, có hình quả lê nhỏ, nằm ở phía bên phải của bụng, ngay bên dưới gan. Túi mật dự trữ dịch mật làm nhiệm vụ nhũ hóa mỡ, tiêu hóa thức ăn. Sỏi mật là một trong những bệnh lý thường gặp về túi mật và đang có xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng nhiễm khuẩn gan mật.
1 Thế nào là sỏi mật? Nguyên nhân gây ra sỏi mật là gì?
1.1 Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là sự hình thành và hiện diện của sỏi ở đường dẫn mật trong, ngoài gan. Tùy theo vị trí sỏi mà có các tên gọi khác nhau như sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi ống túi mật hoặc sỏi đường dẫn mật trong gan.[1] Tỷ lệ từng loại sỏi tùy theo từng nước.
1.2 Đâu là nguyên nhân gây nên sỏi mật?
Hầu hết, sỏi mật là hỗn hợp của cholessterol và sắc tố mật với các tỷ lệ khác nhau. Sau đó sỏi thường bị Calci hóa. Thành phần sỏi mật ở người Việt Nam và người châu Á khác với người châu Âu, Mỹ, gồm các loại:
- Sỏi sắc tố mật và calci thường gặp thường gặp nhất ở Việt Nam (chiếm 60%).
- Hỗn hợp cholesterol - calci - sắc tố mật (22,3%).
- Hoặc chỉ có cholesterol (17,2%).
Các nguyên nhân chính hình thành sỏi bao gồm:
1.2.1 Sự quá bão hòa cholesterol
Bão hòa cholesterol trong thành phần của mật đóng vai trò chủ yếu trong hình thành sỏi cholesterol. Khi quá bão hòa, cholesterol bị tủa và tạo thành sỏi. Sự bão hòa đó là do tế bào gan bài tiết ra quá nhiều cholessterol so với bài tiết muối mật và lecithin hoặc do bài tiết cholesterol bình thường nhưng lượng muối mật và lecithin giảm đi.
Nguyên nhân gây bão hòa cholesterol:
- Chế độ ăn giàu calo làm tăng tổng hợp cholesterol.
- Dùng các thuốc estrogen, clofibrat làm tăng bài tiết cholessterol mật, giảm bài tiết muối mật.
- Phụ nữ: Phụ nữ có nguy cơ sỏi mật hơn so với nam giới do hormon estrogen kích thích gan tăng tiết cholesterol.
- Các bệnh ở ruột gây giảm tái hấp thu muối mật.
- Thể trạng béo làm cho dự trữ muối mật giảm, tăng bài tiết cholesterol.
- Độ tuổi từ 40 trở lên: Tuổi càng cao, nguy cơ bị sỏi mật càng tăng.
- Xơ gan: Ở các bệnh nhân xơ gan, có đến 16,8% bệnh nhân có sỏi mật, người ta đưa ra giả thuyết rằng do gan giảm tổng hợp, vận chuyển muối mật, suy giảm vận động của túi mật.
- Giảm cân nhanh chóng: Giảm cân quá nhanh, khiến quá trình cấn bằng của các thành phần trong dịch mật bị phá vỡ, gay nên tình trạng bão hòa cholesterol. Cùng với đó, những người giảm cân, chế độ ăn cắt hẳn hoàn toàn chất béo, khiến túi mật giảm hoạt động, giảm co bóp, khiến dịch mật ứ trệ, hình thành sỏi.
- Giảm vận động đường mật: Những người ít vận động, ngồi nhiều (điển hình là nhân viên văn phòng hoặc người được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch (người thực vật).
- Ngoài ra chính túi mật tái hấp thu nước làm cholesterol cô đặc hơn, đồng thời tiết ra chất nhầy làm cho cholesterol dễ bị kết tủa.
1.2.2 Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn dẫn đến các men của vi khuẩn biến bilirubin thành bilirubinat dễ kết tủa hình thành sỏi sắc tố mật. Cùng với đó, tế bào viêm kết hợp với chất hoại tử trong ống dẫn mật làm cho sắc tố mật bị kết tủa và hình thành sỏi.
1.2.3 Ký sinh trùng đường mật
Sự xâm nhập của các ký sinh trùng vào đường mật, nhất là giun đũa kéo theo các vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân hay gặp trong sỏi mật ở nước ta. Sự xuất hiện của sỏi trong đường dẫn mật dẫn tới bệnh lý nhiễm trùng và tắc đường mật.[2]
2 Triệu chứng sỏi mật
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Tùy thuộc vào vị trí, số lượng hay tính chất của sỏi mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Trường hợp điển hình được biểu hiện bởi 3 triệu chứng sau:
- Cơn đau quặn gan: đau đột ngột dữ dội ở vùng sườn phải, lan lên vai hoặc bả vai phải. Vì đau nên bệnh nhân không dám thở mạnh, không dám cử động mạnh. Cơn đau hay xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ, vào khoảng 22 - 24 giờ đêm, kéo dài vài giờ đến vài ngày rồi hết nhưng có thể tái phát trở lại.
- Sốt: khoảng 12h sau cơn đau có sốt cao rét run do viêm đường mật hoặc viêm túi mật.
- Vàng da: 24 giờ sau khi xuất hiện cơn đâu, có tình trạng vàng da với các mức độ khác nhau, vàng nhẹ hoặc đậm, đồng thời có thể kèm theo phân bạc màu, ngứa trên da.[3]
Ngoài ra có thể có các triệu chứng: rối loạn tiêu hóa (chán ăn, sợ mỡ, táo bón hoặc tiêu chảy), cơn đau nửa đầu.
Các triệu chứng trên có thể tái phát nhiều lần, khoảng cách giữa các đợt tiến triển từ vài thàng đến vài năm.
Khi thăm khám lâm sàng có thể thấy:
- Túi mật to và đau, nghiệm pháp Murphy (+).
- Gan to đều, mặt nhẵn, mật độ chắc, bờ tù, mức độ gan to tùy thuộc mức độ tắc mật.
2.2 Cận lâm sàng
Siêu âm: Phát hiện được số lượng, vị trí, kích thước sỏi và những tổn thương kèm theo.
Chụp đường mật cản quang: Thấy hình ảnh sỏi ở đường mật.
CT Scan: Phát hiện sỏi đường mật tốt.
Xét nghiệm chức năng gan: Billirubin kết hợp tăng, AST, ALT tăng.
2.3 Các thể lâm sàng và biến chứng
2.3.1 Thể lâm sàng
Có 2 thể lâm sàng gồm thể điển hình và các thể không điển hình.
Thể điển hình: Với 3 triệu chứng gồm cơn đau quặn gan, sốt, vàng da như đã mô tả ở triệu chứng lâm sàng.
Các thể không điển hình:
- Cơn đau quặn gan không điển hình: Chỉ đau âm ỉ làm người bệnh khó chịu phải đi nằm nghỉ. Vị trí đau ở vùng thượng vị lan sang hạ sườn phải.
- Có cơn đau quặn gan nhưng không vàng da.
- Triệu chứng nghèo nàn: đau âm ỉ hạ sườn phải hoặc chỉ có rối loạn tiêu hóa, phát hiện tình cờ
2.3.2 Biến chứng
Sỏi mật rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
- Viêm túi mật cấp: Viên sỏi mật sẽ bị kẹt ở cổ túi mật gây viêm túi mật, viêm túi mật có thể gây đau và sốt dữ dội.
- Viêm màng bụng mật.
- Viêm đường mật do nhiễm trùng nặng có thể gây áp-xe đường mật.
- Dò mật vào dạ dày, tá tràng: Sỏi mật có thể ngăn chặn các ống dẫn, do đó tắc nghẽn ống mật làm mật chảy từ túi mật hoặc gan vào dạ dày, tá tràng.
- Xơ gan ứ mật.
3 Điều trị
3.1 Điều trị triệu chứng
Giảm đau bằng các thuốc chống co thắt: Atropin, Papaverin.
Chống nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh liều cao, nhanh, mạnh. Do vi khuẩn thường gặp là gram âm, thường dùng: Cephalosporin thế hệ 3, Quinolon, Aminosid.
3.2 Thuốc làm tan sỏi
Chenodesoxycholic, Ursodesoxycholic: Làm giảm độ bão hòa cholesterol, dẫn đến cholesterol không kết tủa được, sỏi nhỏ dần và hết.
Thông thường một đợt điều trị kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, có một số trường hợp có thể phải kéo dài đến 2 năm.
Thuốc được chỉ định trong những trường hợp nào? Chỉ định dùng thuốc trên các đối tượng bị sỏi túi mật, viên sỏi nhỏ dưới 1 cm, túi mật còn tốt và để dự phòng sỏi tái phát sau mổ.
3.3 Nội soi
Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong thời đại công nghệ phát triển. Phẫu thuật lấy sỏi bằng nội soi qua đường tá tràng đối với sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan.
Cắt túi mật qua soi ổ bụng.
3.4 Phá sỏi bằng siêu âm, laser và cơ học
Dùng sóng siêu âm hoặc laser hoặc tạo áp lực trên viên sỏi làm cho sỏi vỡ ra. Có thể phá sỏi chỉ dùng sóng siêu âm (với sỏi túi mật), hoặc phối hợp nội soi với siêu âm hoặc laser.
3.5 Phẫu thuật
Phẫu thuật nhằm lấy sỏi, tạo lưu thông mật, dẫn lưu để giải quyết tình trạng nhiễm trùng.
Mổ cấp cứu khi có các biến chứng sau:
- Viêm túi mật hoại tử.
- Viêm phúc mạc mật.
- Chảy máu đường mật.
- Áp xe đường mật dọa vỡ.
Mổ theo chương trình với những trường hợp sau:
- Viêm đường mật kéo dài.
- Tắc mật kéo dài.
- Dò mật vào nội tạng.
- Tái phát nhiều làn hoặc tái phát vài lần nhưng đau nhiều.[4]
4 Chế độ ăn cho người sỏi mật
Giảm mỡ: Cần hạn chế các thực phẩm cholesterol như nội tạng động vật, trứng...
Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan.
Giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật. Nhiều chất xơ lại giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón.
Giàu Vitamin C và nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột). Dùng rau và hoa quả tươi rất tốt.
Hạn chế uống trà và các chất kích thích như cà phê, cà cao, chocolate. Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, dầu cọ, dầu dừa, nội phủ tạng động vật, hạn chế ăn lòng đỏ trứng vì giàu cholesterol.
Nên uống các nước hoa quả tươi, ăn rau tươi, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thăn bò, các loại đậu đỗ.
Bệnh nhân có thể ăn một chút thức ăn có chứa chất béo dễ tiêu như bơ, các dầu thảo mộc để kích thích sự co bóp nhẹ nhàng của túi mật.
5 Cách phòng ngừa nguy cơ sỏi mật
Chúng ta có thể giảm nguy cơ sỏi mật nếu:
- Đừng bỏ qua bữa ăn: cố gắng ăn đủ bữa mỗi ngày. Bỏ bữa ăn hoặc ăn chay có thể gia tăng nguy cơ sỏi mật.
- Giảm cân chậm: Nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm từ từ. Việc giảm cân quá nhanh chóng có thể làm xáo trộn sự cân bằng trong dịch mật, khiến dịch mật trở nên quá bão hòa với cholesterol. Cùng với đó, nếu giảm hoàn toàn chất béo, các cơn co của túi mật giảm dần, dịch mật ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành sỏi.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: giảm số lượng calo cho từng bữa ăn và tăng cường vận động để có một cơ thể khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NIH (Ngày đăng: ngày 7 tháng 4 năm 2021). Gallstones, NIH. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Youssef (Joe) Soliman, MD (Ngày đăng: ngày 7 tháng 10 năm 2021). A Guide to Gallstones, Healthline. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Minesh Khatri, MD (Ngày đăng: ngày 16 tháng 2 năm 2020). Gallstones (Cholelithiasis), WebMD. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: chuyên gia y tế của Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 10 tháng 7 năm 2019). Gallstones, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.