1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị bệnh Mồ hôi sắc tố (Chromhidrosis)

Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị bệnh Mồ hôi sắc tố (Chromhidrosis)

Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị bệnh Mồ hôi sắc tố (Chromhidrosis)

Trungtamthuoc.com - Mồ hôi bình thường không có màu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có các màu sắc đặc biệt như vàng, nâu, đen, xanh. Đó là tình trạng mồ hôi sắc tố. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Chương 6. BỆNH DA HIẾM GẶP KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN, MỒ HÔI SẮC TỐ (Chromhidrosis), trang 237-240, Sách BỆNH DA HIẾM GẶP

Nhà xuất bản Y học Hà Nội - 2024

Chủ biên: Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Khang - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

Tải bản PDF TẠI ĐÂY

1 ĐẠI CƯƠNG

Thông thường cơ thể có hai loại tuyến mồ hôi có cấu tạo và chức năng khác nhau. Tuyến mồ hôi nước (eccrine) phân bố trên bề mặt da với mật độ khác nhau, trong khi đó, tuyến mồ hôi dầu (apocrine) chỉ khu trú ở các nếp gấp như nách, bẹn, xung quanh vùng hậu môn - sinh dục, núm vú, quầng núm vú và phát triển từ tuổi dậy thì. Mồ hôi nước và mồ hôi dầu khác nhau về thành phần, nhưng cả hai đều không có màu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cả hai loại mồ hôi này có thể có các màu sắc đặc biệt như vàng, nâu, đen, xanh (xanh dương và xanh lá cây). Đó là mồ hôi sắc tố (chromhidrosis), một hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Theo hội tăng tiết mồ hôi quốc tế (International Hyperhidrosis Society), mồ hôi sắc tố mặc dù ít gặp, nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào, lứa tuổi nào, ở cả hai giới.

2 PHÂN LOẠI

Mồ hôi sắc tố được Yonge mô tả lần đầu vào năm 1709. Sau đó Shelley và Hurley xác định được nguyên nhân của hiện tượng này vào năm 1954.

Tùy theo căn nguyên, người ta chia mồ hôi sắc tố thành 3 loại sau:

- Mồ hôi dầu có màu (apocrine chromhidrosis): mồ hôi có màu khác nhau, xuất hiện ở vùng tuyến apocrine khu trú như: nách, núm vú, xung quanh núm vú, hậu môn sinh dục.

- Mồ hôi nước có màu (eccrine chromhidrosis): mồ hôi có màu xuất hiện bất

kỳ vùng da nào có tuyến eccrine hiện diện trên cơ thể.

- Mồ hôi "giả" sắc tố (pseudochromhidrosis): loại này hay gặp nhất khi mồ hôi nước được tiết ra kết hợp với các hóa chất, thuốc nhuộm hay vi khuẩn có khả năng tạo màu khu trú trên da.

3 CĂN NGUYÊN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

3.1 Mồ hôi dầu có màu

Nguyên nhân chính là do tổng hợp và giáng hóa chất màu lipofuscin tăng lên trong các tuyến apocrine. Lipofuscin là một chất có màu vàng nâu, mịn. Nó là sản phẩm giáng hóa các lipid tích tụ trong lysosome của tế bào.

Những nguyên nhân có liên quan đến hiện tượng tăng lipofuscin bao gồm:

- Cọ xát mạnh lên da vùng có tuyến apocrine.

- Tắm nước nóng thường xuyên.

- Stress hay trầm cảm.

- béo phì.

Khi chất màu lipofuscin tăng trong tuyến apocrine, chúng được tiết ra theo mồ hôi làm cho mồ hôi có màu.

3.2 Mồ hôi nước có màu

Hiện tượng này hay gặp ở những người ăn uống các chất có màu như:

- Thức ăn có chứa kim loại nặng như đồng.

- Thức ăn có nhuộm các chất màu.

- Thức uống có màu.

- Sử dụng một số thuốc.

Một số sản phẩm của những chất có màu trên được chuyển hoá và bài tiết qua mồ hôi nước làm cho mồ hôi có màu.

3.3 Mồ hôi “giả” sắc tố

Thể này thực sự không phải là mồ hôi màu, vì khi được bài tiết ra bởi tuyến eccrine, nó vẫn có màu trong. Tuy nhiên, khi mồ hôi được tiết ra kết hợp với chất màu có mặt trên da làm nó có sắc tố, đó là:

- Hóa chất.

- Thuốc nhuộm.

- Các vi sinh vật ký sinh trên da có khả năng bài tiết các chất màu như: Serratia marcescens, Bacillus species, Corynebacterium species, nấm nông Malassezia furfur...

4 BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

- Mồ hôi có màu (vàng hoặc nâu, đen, xanh) ở các vị trí tùy theo căn nguyên.

+ Vị trí thông thường nhất của mồ hôi dầu có sắc tố vàng, xanh, đen là hõm nách, xung quanh vùng hậu môn sinh dục, núm vú.

+ Sắc tố của mồ hôi nước (xanh, vàng hay nâu) hay xuất hiện ở vùng lưng, bụng, trán, đầu.

+ Còn mồ hôi "giả" sắc tố có thể hiện diện bất kỳ vùng nào trên cơ thể có các yếu tố tiếp xúc.

- Rối loạn tâm/tinh thần: với các biểu hiện rất hiếm gặp của mầu sắc mồ hôi, tái đi tái lại nhiều lần, nhiều trường hợp lo lắng, buồn phiền, ngại giao tiếp, có thể dẫn đến trầm cảm...

Hình 6.28. Mồ hôi màu đen vùng má khi gắng sức nhẹ (Nguồn: Wang A và cộng sự, 2014, International Society of Dermatopathology)
Hình 6.28. Mồ hôi màu đen vùng má khi gắng sức nhẹ (Nguồn: Wang A và cộng sự, 2014, International Society of Dermatopathology)
Hình 6.29. Mồ hôi màu xanh vùng má (Nguồn: DermNet)
Hình 6.29. Mồ hôi màu xanh vùng má (Nguồn: DermNet)
Hình 6.30. Mồ hôi màu xanh vùng đầu (Nguồn: DermNet)
Hình 6.30. Mồ hôi màu xanh vùng đầu (Nguồn: DermNet)
Hình 6.31. (1-3) Bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Nguồn: tác giả)
Hình 6.31. (1-3) Bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Nguồn: tác giả)

5 ĐIỀU TRỊ

5.1 Mồ hôi dầu sắc tố

- Bôi kem capsaicin 1% và/hoặc aluminium chloride.

- Tiêm tại tuyến apocrine: botulinum botox.

5.2 Mồ hôi nước sắc tố

Cần loại trừ các chất màu, chất tạo màu trong thức ăn, đồ uống.

5.3 Mồ hôi "giả" sắc tố

- Điều trị các nhiễm khuẩn, nấm trên da.

-Loại bỏ các yếu tố có màu trên da.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Hội chứng Laugier - Hunziker (Laugier - Hunziker's syndrome) TẠI ĐÂY


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633