1. Trang chủ
  2. Sinh Hóa
  3. Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu

Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu

Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu

Trường Đại Học Y Hà Nội - Bộ môn Khoa học xét nghiệm

Chủ biên PGS.TS.BS Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ

Các tác giả tham gia biên soạn

PGS. TS. BS Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ, TS. BS. Nguyễn Thúy Hương, TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Hải

ThS. Đặng Quang Huy, Ths. BSNT. Nguyễn Quỳnh Giao, Ths. BSNT. Vũ Đức Anh, ThS. Trịnh Thị Phương Dung

Ths. BSNT. Lê Văn Toàn, Ths. BSNT. Ngô Diệu Hoa, BSNT. Phạm Thị Hương Trang, Ths. BSNT. Nguyễn Thị Thu Thảo

Ths. BS. Nguyễn Thị Hảo, CKI. Đỗ Thị Hường, CKI. Nguyễn Thúy Hà, ThS. Vũ Thị Bích Hồng

CN. Lê Thanh Thảo, CN. Nguyễn Hữu Hùng

Máy xét nghiệm đông máu có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện chẩn đoán và xử lý các rối loạn đông máu. Các xét nghiệm đông máu giúp thăm dò, khảo sát chức năng đông máu của người đi xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên, hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.  Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc thông tin nguyên lý của các xét nghiệm đông máu, cấu trúc cơ bản của máy xét nghiệm đông máu và các biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu.

1 Tổng quan 

1.1 Khái quát 

Các xét nghiệm đông máu được sử dụng trên lâm sàng bao gồm các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu. Một số xét nghiệm cơ bản bao gồm: APTT (thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hóa), PT (thời gian Prothrombin), TT (thời gian Thrombin), định lượng nồng độ Fibrinogen. Các xét nghiệm chuyên sâu như: định lượng các yếu tố đông máu, định lượng D-Dimer, protein S, protein C, plasminogen, heparin,... Hiện nay, tất cả xét nghiệm này đều có thể thực hiện trên các máy xét nghiệm đông máu tự động. Chúng sử dụng các nguyên lý khác nhau nhưng được xếp loại vào cùng một phương pháp, gọi là phương pháp phát hiện điểm cuối (end- point detection). Trong khi các xét nghiệm APTT, PT, TT, định lượng Fibrinogen được sử dụng nguyên lý phát hiện cục đông (Clot-based) thông qua quang/cơ học thì định lượng heparin, plasminogen sử dụng nguyên lý sinh sắc tố (Chromogenic), còn xét nghiệm định lượng D-Dimer thường sử dụng nguyên lý miễn dịch (Immunologic).  Lịch sử phát triển của phương pháp 

Thử nghiệm phát hiện cục máu đông thông qua quan sát bằng mắt được bắt đầu vào thế kỷ thứ mười tám. Năm 1780, Hewson đo được thời gian máu đông của người trong 7 phút. Với sự khám phá ra kính hiển vi, các nhà khoa học có thể quan sát sự hình thành cục máu đông một cách rõ ràng hơn. 

Từ năm 1822 đến năm 1921 nhiều tiến bộ đã diễn ra như kiểm soát nhiệt độ trong quá trình hình thành cục máu đông, sử dụng các ống thủy tinh có kích thước và hình dạng khác nhau để quan sát sự hình thành cục máu đông. Vào đầu những năm 1900, các nhà nghiên cứu theo dõi khoảng thời gian máu toàn phần đông trong một ống thủy tinh đặt nghiêng- tiền thân của phương pháp Lee-White (1913). Năm 1910, dụng cụ phát hiện cục máu đông đầu tiên ra đời mang tên “Koagulovis-kosimeter (Kottman) có thể đo đạc sự thay đổi độ nhớt (viscosity) của máu khi nó đang dần đông lại. Quá trình này tạo ra sự thay đổi điện áp được biểu thị bằng đồ thị theo thời gian, từ đó giúp đo lường sự hình thành cục máu đông. 

Năm 1920, lần đầu tiên xét nghiệm đông máu được thực hiện trên huyết tương thay vì máu toàn phần, khi Gram thêm calci clorua vào huyết tương chống đông ở 37°C rồi đo sự tăng độ nhớt của máu trong quá trình trùng hợp fibrin, đặt cơ sở tiền đề cho phương pháp đo thời gian prothrombin (PT) và thời gian thromboplastin hoạt hóa từng phần (APTT). Nhìn chung trong giai đoạn lịch sử đó, quá trình đông máu được thực hiện bằng cách thêm huyết tương và thuốc thử vào một ống thủy tinh, giữ trong nồi cách thủy 37°C. Sự hình thành cục máu đông được xác định bằng quan sát trực quan và dùng đồng hồ bấm giờ để xác định thời gian đông máu. 

Năm 1920, thiết bị xét nghiệm đông máu Nephelometers ra đời, thay cho xét nghiệm thủ công như trước, thực hiện các xét nghiệm đông máu trên bệnh phẩm huyết tương. Thiết bị này đo ánh sáng phân tán 90 độ do huyền phù keo tạo ra theo thời gian - nguyên lý này vẫn được sử dụng tới ngày nay. Những thiết bị tiếp theo được phát triển dựa trên nguyên lý đo điểm cuối (dựa trên cơ học) tức là dùng một điện cực di động hoặc viên bi thép để phát hiện cục máu đông. Năm 1950, thiết bị BBL Fibrometer đã đánh dấu sự chuyển đổi từ kỹ thuật ống nghiêng thủ công sang thực hiện bán tự động cho kết quả chính xác hơn. 

Ngày nay, các thiết bị xét nghiệm đông máu áp dụng nhiều nguyên lý của những hệ thống phân tích sơ khai như phát hiện sự hình thành cục máu đông bằng quang học hoặc cơ học. Các thiết bị được cải tiến nhằm hạn chế các yếu tố nhiễu trong thao tác pipet và phát hiện điểm cuối, cho phép thực hiện nhiều xét nghiệm đồng thời trên một mẫu bệnh phẩm duy nhất. Ngoài ra, sự phát triển nhiều phương pháp khác như sinh sắc tố và miễn dịch còn giúp định lượng, đánh giá chức năng các yếu tố đông máu mà không bị phụ thuộc vào sự toàn vẹn của quá trình tạo cục đông, từ đó góp phần làm tăng khả năng phát hiện nguyên nhân gây ra rối loạn đông-cầm máu. 

2 Nguyên lý của phương pháp 

Thiết bị xét nghiệm đông máu sử dụng phương pháp chung là phát hiện điểm cuối (end-point detection), chia thành 05 nguyên lý sau: 

  • Cơ học (Mechanical). 
  • Quang học (Photo-optical, turbidometric). 
  • Quang học góc tán xạ (Nephelometric). 
  • Sinh sắc tố (Chromogenic, amidolytic). 
  • Miễn dịch (Immunologic). 

2.1 Cơ học 

Hệ thống phát hiện cục máu đông thông qua cơ điện (electromechanical) đo sự thay đổi độ dẫn điện giữa hai điện cực kim loại trong huyết tương. Đầu dò của thiết bị gồm có một điện cực tĩnh và một điện cực chuyển động. Trong quá trình đông máu, điện cực chuyển động ra vào bệnh phẩm huyết tương trong những khoảng thời gian đều đặn. Dòng điện giữa các điện cực bị phá vỡ khi điện cực chuyển động ra khỏi huyết tương. Khi cục máu đông hình thành, sợi fibrin mới tạo thành có khả năng dẫn điện giữa các điện cực ngay cả khi điện cực đã di chuyển ra khỏi huyết tương. Khi đó, dòng điện tạo thành một mạch kín làm dừng bộ đếm thời gian và thu được thời gian đông máu.

Nguyen-ly-co-hoc-dong-dien
Hình 1. Nguyên lý cơ học dòng điện

 

Một phương pháp phát hiện cục máu đông bằng cơ học khác là sử dụng một cảm biến từ tính theo dõi chuyển động của một viên bi thép trong bệnh phẩm huyết tương, có hai kiểu hệ thống:

  • Hệ thống kiểu thứ nhất: trường điện từ phát hiện dao động của một viên bi thép trong hỗn dịch thuốc thử và huyết tương. Khi các sợi fibrin hình thành, độ nhớt bắt đầu tăng lên, làm chậm quá trình di chuyển. Khi dao động giảm đến một tốc độ xác định trước, bộ đếm thời gian dừng lại, cho biết thời gian đông máu của huyết tương.
Nguyên lý cơ học dòng điện
Hình 2. Nguyên lý cơ học theo dõi tốc độ của viên bi thép
  • Hệ thống kiểu thứ hai: một viên bi thép (bi từ) được đặt trong một giếng nghiêng. Vị trí ban đầu của viên bi được phát hiện bởi một cảm biến từ tính. Khi giếng quay quanh trục, viên bi vẫn ở vị trí góc nghiêng. Khi fibrin hình thành, do bám nhớt nên viên bi bị kéo ra khỏi vị trí cũ. Sự thay đổi vị trí bị phát hiện bởi cảm biến sẽ làm dừng bộ đếm thời gian và thu được thời gian đông máu.
Nguyên lý cơ học theo dõi vị trí viên bi thép
Hình 3. Nguyên lý cơ học theo dõi vị trí viên bi thép

2.2 Quang học 

Máy xét nghiệm đông máu sử dụng nguyên lý quang học phát hiện sự thay đổi của mật độ quang trong quá trình đông máu. Cho một ánh sáng có bước sóng xác định đi qua mẫu huyết tương, cường độ của ánh sáng (OD) được ghi lại bởi một bộ cảm biến trong khoảng thời gian hình thành cục máu đông. OD phụ thuộc vào màu sắc và độ trong của mẫu huyết tương, OD khởi đầu được sử dụng để thiết lập đường cơ sở. Sự hình thành các sợi fibrin làm cho ánh sáng bị tán xạ khiến ít ánh sáng chiếu vào bộ tách sóng hơn, do đó tạo ra sự chênh lệch OD, chênh lệch này trở nên lớn hơn khi cục máu đông hình thành rõ rệt. Khi sự biến thiên của OD đạt tới ngưỡng nhất định so với đường cơ sở thì đồng hồ sẽ dừng lại, cho biết thời gian hình thành cục máu đông. 

Bởi vì OD của ánh sáng sau khi đi qua huyết tương mới được sử dụng để thiết lập đường cơ sở nên giảm thiểu được ảnh hưởng của huyết tương trong bệnh mỡ máu và vàng da đến khả năng đo đạc. Một số hệ thống quang học sử dụng nhiều bước sóng hơn để phân biệt và lọc ra các ảnh hưởng của huyết tương trong bệnh vàng da và mỡ máu.

Nguyen ly do quang
Hình 4. Nguyên lý đo quang

2.3 Quang học góc tán xạ (Nephelometry) 

Nephelometry là một biến thể của nguyên lý quang học, nguyên lý này sử dụng đo độ tán xạ ánh sáng 90 độ hoặc góc chuyển tiếp, mà không sử dụng OD giống như nguyên lý quang học trình bày ở phần trên. Một điốt phát quang tạo ra ánh sáng tới ở bước sóng 600 nm và một bộ cảm biến phát hiện các biến thể trong tán xạ ánh sáng ở góc 90 độ (tán xạ bên) và 180 độ (tán xạ góc tới). Khi sợi fibrin hình thành, tán xạ bên và tán xạ góc tới tăng lên. Bộ đếm thời gian sẽ dừng lại khi tán xạ đạt đến cường độ nhất định và thời gian đông máu được ghi lại. 

Nguyên lý đo quang học góc tán xạ
Hình 5. Nguyên lý đo quang học góc tán xạ 

2.4 Sinh sắc tố

Phương pháp sinh sắc tố sử dụng chất nền oligopeptid tổng hợp được liên hợp với nhóm mang màu, thường là para-nitroaniline (pNA, màu vàng ở dạng tự do). Phương pháp này dùng để đo hoạt động của một yếu tố đông máu cụ thể vì nó khai thác các đặc tính enzym (protease) của yếu tố đó. Chất nền oligopeptide là một chuỗi thường gồm ba acid amin có trình tự khớp với chất nền tự nhiên của yếu tố được đo. Yếu tố đông máu phân cắt chất nền sinh sắc tố tại vị trí liên kết oligopeptide với pNA, giải phóng pNA. pNA tự do có màu vàng. OD của dung dịch tỷ lệ với hoạt độ của Protease và được đo bằng bộ cảm biến ở bước sóng 405 nm. Máy đo quang phổ đơn giản có thể được sử dụng để phát hiện điểm cuối. 

Xét nghiệm sinh sắc tố trực tiếp (Đo trực tiếp): OD tỷ lệ thuận với hoạt tính của chất phân tích được đo. Ví dụ, hoạt động của protein C được đo bằng chất nền sinh màu đặc trưng cho protein C. 

Xét nghiệm sinh sắc tố gián tiếp (Đo gián tiếp): Protein hoặc chất phân tích được đo ức chế enzym đích. Đó là enzym đích có hoạt động hướng tới chất nền sinh sắc tố. Sự ức chế enzym đích càng lớn thì enzym đích có khả năng phản ứng với cơ chất càng ít. Do đó, sự thay đổi OD tỷ lệ nghịch với nồng độ hoặc hoạt độ của chất được đo. Nguyên tắc này có trong xét nghiệm định lượng Heparin sử dụng xét nghiệm kháng yếu tố Xa. 

Nguyên lý sinh sắc tố sử dụng chất nền tổng hợp
Hình 6. Nguyên lý sinh sắc tố sử dụng chất nền tổng hợp

2.5 Miễn dịch 

Nguyên lý miễn dịch sử dụng các vi hạt latex được phủ bằng các kháng thể chống lại chất phân tích đã chọn (kháng nguyên). Một ánh sáng đơn sắc đi qua huyền phù của các vi hạt latex. Khi bước sóng lớn hơn đường kính của các hạt thì chỉ một lượng nhỏ ánh sáng bị hấp thụ. Tuy nhiên, khi các vi hạt latex được phủ tiếp xúc với kháng nguyên của chúng, kháng nguyên sẽ gắn vào kháng thể và “cầu nối” được hình thành, làm cho các hạt ngưng kết. Đường kính của các hạt ngưng kết tăng lên và lớn hơn so với bước sóng của ánh sáng đơn sắc nên ánh sáng bị hấp thụ. Sự gia tăng độ hấp thụ ánh sáng tỷ lệ thuận với kích thước của các chất ngưng kết và tỷ lệ thuận với mức độ kháng nguyên, nhờ đó tính toán được nồng độ của chất phân tích. 

Nguyên lý miễn dịch ngày càng được sử dụng nhiều để đo các yếu tố đông máu và protein, chẳng hạn như D-Dimer.

3 Ứng dụng của phương pháp 

Các nguyên lý của xét nghiệm đông máu được ứng dụng đa dạng. Mỗi nguyên lý có khả năng ứng dụng cho nhiều xét nghiệm đồng thời một số xét nghiệm có thể ứng dụng bởi nhiều nguyên lý khác nhau. Hiện tại các thiết bị xét nghiệm đông máu hiện đại đều có khả năng tích hợp nhiều nguyên lý và thực hiện hầu hết xét nghiệm trên một hệ thống duy nhất.

Bảng 1. Ứng dụng của các nguyên lý trong một số xét nghiệm đông máu
Nguyên lýXét nghiệm ứng dụng
Cơ học, quang học, Nephelometry APTT, PT, TT, Fibrinogen, protein C, protein S, các yếu tố đông máu
Sinh sắc tốCác yếu tố đông máu, heparin, protein C, antithrombin III, plasminogen 
Miễn dịchD-Dimer, VWF, protein S, homocysteine

4 Cấu trúc cơ bản của hệ thống thiết bị xét nghiệm 

Cấu trúc cơ bản của một hệ thống thiết bị xét nghiệm đông máu tự động thường bao gồm: phần thiết bị xét nghiệm và phần máy tính xử lý thông tin. 

cấu trúc phần thiết bị xét nghiệm
Hình 7. Cấu trúc phần thiết bị xét nghiệm

1. Bộ phận chuyển mẫu

2. Buồng phản ứng

3. Buồng hóa chất

4. Đèn cảnh báo

5. Nút khởi động

6. Nút dừng cơ học

7. Hộp cuvette

8. Thùng rác thải

phan may tinh xu ly thong tin
Hình 8. Phần máy tính xử lý thông tin (IPU) và màn hình điều khiển

5 Nguyên lý vận hành 

5.1 Nguyên lý phân tích 

Nguyên lý phân tích có sự khác nhau giữa các hệ thống. Phần này mô tả ví dụ cho một loại thiết bị sử dụng nguyên lý quang học. 

Sau khi ủ huyết tương với một lượng hóa chất tương ứng, hệ thống quang học sẽ chiếu qua hỗn hợp mẫu huyết tương và hóa chất, và phân tích theo nguyên lý phát hiện cục đông, sinh sắc tố hoặc miễn dịch tùy theo xét nghiệm. 

Nguyên lý phát hiện cục đông xác định thời gian đông máu bằng phương pháp phát hiện tỷ lệ phần trăm. Phương pháp sinh sắc tố, miễn dịch tìm ra sự thay đổi của độ hấp thụ ánh sáng trong mỗi phút (20D/min) dùng phương pháp tỉ lệ hoặc Vlin. 

5.1.1 Phương pháp phát hiện phần trăm 

Khi thêm hóa chất vào mẫu, lượng ánh sáng phân tán, được xác định là 0%. Tại thời điểm hoàn thành các phản ứng, lượng ánh sáng tán xạ được xác định là 100%. Trong giai đoạn từ 0% đến 100%, hệ thống sử dụng điểm 50% làm tiêu chuẩn, vì tại đó lượng ánh sáng xuyên thấu trong mỗi đơn vị thời gian có sự thay đổi lớn nhất và tốc độ phản ứng trùng hợp fibrin monomer cao nhất.

Phương pháp phát hiện phần trăm
Hình 9. Phương pháp phát hiện phần trăm

5.1.2 Phương pháp tỉ lệ

Giữa khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc phản ứng, dữ liệu ánh sáng xuyên thấu được phân tích và sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính để tính độ hấp thụ ánh sáng thay đổi trong mỗi phút. 

5.1.3 Phương pháp Vlin 

Theo các điều kiện đã được cài đặt, điểm bắt đầu và điểm kết thúc phản ứng sẽ ghi nhận sự thay đổi tối đa trong hấp thụ và đưa ra đường tuyến tính tốt nhất cho từng mẫu. Giữa khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc phản ứng, dữ liệu ánh sáng xuyên thấu được phân tích và sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính để tính độ hấp thụ ánh sáng thay đổi trong mỗi phút. 

Đường cong chuẩn: Trục X là phần trăm hoạt độ hoặc nồng độ. Trục Y thể hiện thời gian đông máu (nguyên lý phát hiện cục đông) hoặc sự thay đổi hấp thụ ánh sáng (nguyên lý sinh sắc tố, miễn dịch). Đơn vị 2 trục có thể dưới dạng logarit hoặc số thực. Mối tương quan giữa chúng vẽ nên đường cong chuẩn. Có 4 loại đường cong chuẩn: (1) Đường cong chuẩn bình thường “Normal”, (2) Đường cong chuẩn theo tỉ lệ “Ratio”, (c) Đường cong chuẩn theo INR (Normal), (d) Đường cong chuẩn theo INR (ISI input). 

duong chuan the hien thoi gian dong mau
Hình 10. Đường chuẩn thể hiện thời gian đông máu hoặc sự thay đổi độ hấp thụ quang

5.2 Thực hiện phân tích xét nghiệm 

Thực hiện phân tích xét nghiệm theo luồng công việc tham khảo dưới đây 

luồng công việc thực hiện phân tích xét nghiệm
Hình 11. Luồng công việc thực hiện phân tích xét nghiệm

Chuẩn bị hóa chất: Ngoài hóa chất là các lọ thuốc thử còn có nước rửa và chất chuẩn. Một loại thuốc thử có thể được sử dụng cho nhiều thông số xét nghiệm. Ngoài ra, một thông số xét nghiệm có thể sử dụng nhiều lô thuốc thử khác nhau. Do đó, thao tác thiết lập nhóm hóa chất sử dụng nhằm mục đích quản lý việc thực hiện xét nghiệm theo từng nhóm lộ các hóa chất.

Bổ sung Cuvet: Có 2 loại cuvet: cuvet thường và cuvet có chứa thanh khuấy bên trong. Mục đích của việc đặt cuvette này được yêu cầu thực hiện khi cần có sự khuấy trộn trong lúc thực hiện đo. 

Xác nhận đường cong chuẩn cho máy: Đăng ký và đặt đầy đủ các loại thuốc thử cần thiết cho việc chạy đường cong chuẩn vào khay thuốc thử theo đúng vị trí. Có thể kiểm tra, chỉnh sửa, và xác nhận kết quả chạy đường cong chuẩn trên màn hình. 

Chạy QC: Sau khi thiết lập được các đường cong chuẩn, tiến hành chạy xét nghiệm trên các mẫu nội kiểm để kiểm tra chất lượng xét nghiệm trước khi chạy xét nghiệm trên mẫu bệnh nhân. Nếu kết quả nội kiểm được đánh giá đạt, tiến hành phân tích xét nghiệm cho mẫu bệnh nhân.

6 Yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện xét nghiệm

Xét nghiệm đông máu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thuộc cả ba quá trình trước, trong và sau xét nghiệm. Đối với quá trình trước xét nghiệm, phòng xét nghiệm cần tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật lấy mẫu. Mũi kim quá nhỏ hay xy lanh quá lớn hoặc thời gian rút máu quá lâu có nguy cơ cao khiến mẫu máu bị đông. Ngoài ra tỷ lệ thể tích giữa máu toàn phần và chất chống đông natri Citrate cần đạt chính xác tỷ lệ 9:1. Việc không đảm bảo tỷ lệ này có thể dẫn đến sai lệch với các kết quả xét nghiệm đông máu. Đối với quá trình sau xét nghiệm, việc rà soát và kiểm tra kết quả trước khi trả cho bệnh nhân nên được xây dựng thành quy trình chuẩn và tuân thủ thực hiện nhằm tránh trả sai, trả nhầm kết quả. 

Nội dung phần này trình bày tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm đông máu thuộc quá trình trong xét nghiệm, cụ thể là các yếu tố thuộc hệ thống thiết bị xét nghiệm. 

6.1 Thể tích hút mẫu 

Thiết bị xét nghiệm đông máu thực hiện các xét nghiệm theo quy trình cài đặt sẵn, mỗi xét nghiệm yêu cầu các lượng thể tích hút chính xác của mẫu bệnh phẩm và của hóa chất/thuốc thử. Do đó thể tích hút mẫu không chính xác sẽ làm kết quả không chính xác. Nguyên nhân gây ra thường do: 

  • Kim hút bị tắc, bán tắc hoặc kim bị cong. 
  • Giá đựng mẫu lỏng lẻo khiến ống mẫu bệnh phẩm bị nghiêng, kim hút chạm vào thành ống hút thiếu thể tích. 
  • Ống mẫu không đạt yêu cầu về chiều cao, kim hút bị chạm vào đáy ống hút thiếu thể tích. 
  • Đường ống dây bị hở hoặc bộ tạo áp suất gặp lỗi. 

Biện pháp khắc phục: 

  • Hạn chế tắc kim bằng cách thực hiện lệnh rửa kim định kỳ hoặc sau khi chạy một lượng xét nghiệm lớn. 
  • Để ý theo dõi kim hút và sự di chuyển của kim hút trong quá trình vận hành máy, phát hiện kịp thời sự bất thường. 
  • Định kỳ kiểm tra các giá đựng mẫu có bị lỏng lẻo, nếu không còn đạt chất lượng hay đã quá cũ cần đề xuất thay mới. 
  • Sử dụng loại ống mẫu phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất máy xét nghiệm. 
  • Bảo trì bảo dưỡng định kỳ theo tháng/theo quý cần có kiểm tra toàn bộ hệ thống hút mẫu.

6.2 Hóa chất/thuốc thử 

Chất lượng hóa chất liên quan trực tiếp đến chất lượng xét nghiệm. Một lọ hóa chất sau khi mở nắp có thể cần vài ngày mới sử dụng hết. Hóa chất bị hỏng trong khoảng thời gian trên máy đó thường do buồng hóa chất có vấn đề. Cần phải kiểm tra lại khả năng làm mát và khả năng bảo quản của buồng hóa chất. Đôi khi lọ hóa chất xuất hiện bọt cũng làm thể tích hút hóa chất bị thiếu dẫn đến kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Biện pháp khắc phục: 

  • Phòng xét nghiệm cần thực hiện đánh giá chất lượng lô hóa chất và đánh giá chất lượng lọ hóa chất trước khi đem vào sử dụng cho chạy mẫu bệnh nhân. 
  • Kiểm tra và theo dõi thường xuyên khả năng làm mát của buồng hóa chất. 
  • Kiểm tra có bọt trong lọ hóa chất khi phát hiện bất thường về kết quả. 
  • Thực hiện nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm hàng ngày. 

6.3 Buồng ủ 

Cuvet chứa hỗn hợp mẫu bệnh phẩm và hóa chất/thuốc thử sẽ được ủ tại nhiệt độ thích hợp trong khoảng thời gian xác định. Nhiệt độ buồng ủ không đạt hoặc không ổn định ảnh hưởng tới phản ứng và từ đó ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. 

Biện pháp khắc phục: 

  • Theo dõi nhiệt độ buồng ủ thường xuyên trong quá trình vận hành. 
  • Bảo trì bảo dưỡng định kỳ theo tháng/theo quý cần có kiểm tra hệ thống buồng ủ.

6.4 Cuvet

Cuvet là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến xét nghiệm đông máu. Cuvet bị bẩn, bị lỗi gây ảnh hưởng đến phản ứng của hỗn hợp trong cuvet, nhất là trong máy xét nghiệm sử dụng nguyên lý đo quang sẽ ảnh hưởng đến tín hiệu thu nhận. Đối với cuvet chứa sẵn viên bi từ (có ở các máy xét nghiệm sử dụng nguyên lý đo cơ) mà bi từ bị lỗi trong quá trình sản xuất cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Cuvet bị nứt, vỡ hiếm khi xảy ra nhưng phòng xét nghiệm vẫn nên kiểm tra cẩn thận trước khi lắp lên thiết bị vì tiềm ẩn nguy cơ lỗi xét nghiệm và rò rỉ gây ô nhiễm thiết bị. Sai số kết quả do cuvet đôi khi khó phát hiện vì trong một bộ cuvet có rất nhiều cuvet lại chỉ có một hoặc một vài cuvet bị gặp vấn đề.

Biện pháp khắc phục: 

  • Kiểm tra bằng cách quan sát kỹ bộ cuvet trước khi lắp lên máy xét nghiệm. Thay cuvet khác nếu phát hiện tình trạng cuvet bẩn, đục, bị lỗi, bị nứt vỡ,...

6.5 Bóng đèn 

Đối với các thiết bị xét nghiệm đông máu sử dụng nguyên lý đo quang thì bóng đèn là yếu tố không thể bỏ qua khi tìm hiểu nguyên nhân gây ra sai số trong xét nghiệm, nhất là các sai số thuộc sai số hệ thống. Bóng đèn đóng vai trò là nguồn sáng, nếu cường độ ánh sáng không giữ được ổn định trong quá trình đo hoặc tia sáng không đạt được bước sóng cài đặt thì tín hiệu thu được cũng như kết quả báo cáo không thể tin cậy. Nguồn điện hoặc dòng điện trong thiết bị không ổn định cũng có thể gây ra sự mất ổn định của nguồn sáng. Trường hợp này các máy xét nghiệm sử dụng nguyên lý đo cơ cũng bị ảnh hưởng lớn. 

Biện pháp khắc phục: 

  • Từ dữ liệu nội kiểm hàng ngày nếu phát hiện các xu hướng lỗi hệ thống thì việc điều tra nguyên nhân nên có bao gồm kiểm tra bóng đèn. 
  • Bảo trì bảo dưỡng định kỳ tháng/quý cần có kiểm tra bóng đèn. 

6.6 Rửa kim 

Quá trình rửa kim trên thiết bị xét nghiệm tự động được thực hiện sau mỗi bước nhất định theo những quy trình cài đặt sẵn của từng loại xét nghiệm. Chỉ có một quy trình rửa cố định nhưng sự bám dính của bệnh phẩm lại đa dạng thậm chí có hiện tượng “cộng dồn”, do đó đôi khi việc rửa kim không sạch hoàn toàn, đặc biệt là khi chạy liên tục số lượng mẫu bệnh phẩm lớn. Hậu quả của việc rửa kim không đạt đó là tắc, bán tắc kim, nhiễm từ mẫu trước sang mẫu sau, gây ảnh hưởng kết quả xét nghiệm. 

Đối với kim hút hóa chất nếu rửa không sạch có thể gây nhiễm chéo giữa các lọ hóa chất và gây ra sai sót cho một loạt xét nghiệm chạy trên các lọ hóa chất đó. 

Biện pháp khắc phục: 

  • Quan sát theo dõi các trạm rửa kim trên máy xét nghiệm trong quá trình vận hành. 
  • Định kỳ thực hiện lệnh rửa kim định kỳ hoặc sau khi chạy một lượng xét nghiệm lớn. 
  • Luôn luôn sử dụng hóa chất nước rửa còn hạn sử dụng. 
  • Nhìn chung, các máy xét nghiệm đông máu tự động đều có các chế độ bảo dưỡng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hoặc khi cần thiết. Thực hiện bảo dưỡng giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị xét nghiệm, tăng độ chính xác góp phần nâng cao chất lượng kết quả xét nghiệm. 

Để phòng tránh các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, phòng xét nghiệm cần tham khảo kỹ Hướng dẫn vận hành (Operation Manual) đi kèm theo thiết bị và các thông tin tư vấn của nhà cung cấp để xây dựng quy trình vận hành thiết bị phù hợp và thực hiện đầy đủ, đúng cách các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thiết bị thường xuyên. 

Dưới đây là danh sách các công việc bảo dưỡng thiết bị mang tính tham khảo.

Bảng 2. Bảo dưỡng thiết bị và các công việc cần thực hiện
Hàng ngày

Rửa kim 

Bỏ các cuvet phản ứng 

Đổ bỏ dung dịch thải 

Loại bỏ những cặn bẩn bám trên khay thuốc thử 

Kiểm tra Trap Chamber và lau sạch (nếu có đọng nước) 

Hàng tuần

Vệ sinh máy: bên ngoài, bên trong

Kiểm tra khay: Tùy thuộc vào điều kiện môi trường vận hành của máy, nước từ không khí ẩm trong môi trường có thể được ngưng tụ và được chứa trong khay chứa. Vì thế việc đổ bỏ nước này là cần thiết.

Hàng thángKiểm tra và làm sạch tấm lọc không khí 
Khi cần

Điều chỉnh áp suất 

Các mức áp suất này được giữ ổn định và theo dõi bởi các cảm biến áp suất trong máy. Trong trường hợp nào đó, các mức áp suất này thay đổi vượt khỏi phạm vi cho phép, máy sẽ báo lỗi. 

Mồi các đường dây dẫn 

Thực hiện việc mồi các đường dây trong máy trước khi sử dụng nếu máy ngưng vận hành trong một khoản thời gian lâu hơn một tuần.

Thay thế

Thay đèn và chạy chương trình calib đèn. 

Đèn có tuổi thọ trung bình là 1000 giờ, tuy nhiên đèn cũng có thể bị hỏng trước thời hạn, tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và các yếu tố tác động trong quá trình sản xuất. 

Thay đèn ngay khi máy hiển thị thông báo yêu cầu thay đèn. Chạy chương trình calibration đèn sau khi thay đèn. 

7 Tài liệu tham khảo

 1. PGS. TS. BS. Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ (2023). “Xét nghiệm đông máu”. Kỹ thuật và thiết bị xét nghiệm y học. Nhà xuất bản y học, trang 301-314. Tải bản pdf tại đây.

 2. Clinical Hematology Theory & Procedures, fifth edition, Mary Louise Turgeon.

 3. Rodak's Hematology Clinical Principles and Applications, sixth edition, Elaine M.Keohane.

 4. Instructions for Use Automated Blood Coagulation Analyzer CS-2400/CS-2500. 

 5. Reference manual-STA R Max.


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu 4,5/ 5 2
    5
    50%
    4
    50%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
    • Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu
      KM
      Điểm đánh giá: 5/5

      Thông tin rất hữu ích dành cho cán bộ y tế

      Trả lời Cảm ơn (0)
    • Cấu trúc của máy xét nghiệm đông máu và biện pháp kiểm soát chất lượng xét nghiệm đông máu
      MT
      Điểm đánh giá: 4/5

      Thông tin bài viết hữu ích. Đúng phần mình đang cần tìm đọc

      Trả lời Cảm ơn (0)
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633