ĐH Cambridge: Canxi trong sữa là “rút” từ xương của mẹ để cho con
Phụ nữ có thể bị mất xương hoặc loãng xương trong thời kỳ cho con bú. Nhiều bằng chứng cho thấy, Canxi được vận chuyển từ xương vào sữa mẹ để bổ sung cho con. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về nguy cơ loãng xương khi cho con bú.
1 Cho con bú và nguy cơ loãng xương ở mẹ
Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cho con bú có liên quan đến việc giảm khối lượng xương của mẹ, đặc biệt là ở những vị trí giàu chất béo như xương sống và hông. Mức độ mất xương ở người mẹ có liên quan chặt chẽ với lượng sữa tiết ra và thời gian cho con bú. Tỷ lệ thay đổi vi cấu trúc xương lớn hơn ở những bà mẹ cho con bú hoàn toàn so với những bà mẹ cho con bú ngắt quãng. [1]
1.1 Khoáng chất di chuyển từ xương sang sữa mẹ như thế nào?
Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan đã xác định được cơ chế của quá trình vận chuyển canxi và phốt phát từ xương của người mẹ sang sữa để trẻ bú mẹ nhận được các khoáng chất giúp xương chắc khỏe. Cơ chế này có liên quan đến PTHrP (peptit liên quan đến hormone tuyến cận giáp).
Nghiên cứu báo cáo rằng nồng độ PTHrP tăng cao có liên quan đáng kể đến nồng độ prolactin (hormone kích thích sản xuất sữa) tăng cao và mức độ Estradiol (hormone liên quan đến kinh nguyệt) thấp hơn. Bên cạnh đó, nó cũng có liên quan chặt chẽ với việc giảm mật độ xương và tăng mức độ của các dấu hiệu chu chuyển xương.
Nghiên cứu cho thấy, mật độ khối xương được phục hồi khi nồng độ PTHrP giảm dần.
MaryFran Sowers, Giáo sư dịch tễ học nói rằng: “Phát hiện mới này lần đầu tiên cung cấp lời giải đáp về cách các khoáng chất có thể được chuyển từ mẹ sang con trong thời kỳ cho con bú.” [2]
1.2 Cho con bú ảnh hưởng đến xương của mẹ như thế nào?
Trung bình, một bà mẹ cho con bú sản xuất khoảng 600 ml sữa và 168 miligam canxi mỗi ngày sau khi sinh ba tháng, và một lít sữa và 280 miligam canxi mỗi ngày sau khi sinh được sáu tháng. Sowers nói: “Nồng độ canxi trong sữa được điều chỉnh và dường như khá ổn định, ngay cả khi lượng canxi của người mẹ thay đổi.”
Khi so sánh các thông số trước và sau 6 tháng sau khi sinh, các nhà nghiên cứu thấy rằng, phụ nữ cho con bú từ 6 tháng trở lên có mức độ giảm mật độ khoáng xương trung bình là 5,1% ở cột sống thắt lưng và 4,8% ở cổ xương đùi. Phụ nữ cho con bú từ 0 đến 1 tháng không bị giảm mật độ khoáng xương ở cả hai vị trí này.
Đối với phụ nữ tiếp tục cho con bú trong 9 tháng hoặc hơn, mật độ khoáng xương tại cột sống thắt lưng bắt đầu tăng lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức ban đầu.
Tình trạng mất xương ở phụ nữ cho con bú từ 6 tháng trở lên được cho là không liên quan đến tuổi tác, chế độ ăn uống, kích thước cơ thể hoặc mức độ hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, trong số những phụ nữ cho con bú từ 6 tháng trở lên, có bằng chứng cho thấy mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng trở lại mức bình thường sau 12 tháng sau khi sinh. [3]
Sự giảm mật độ xương ở người mẹ được quan sát thấy trong thời kỳ cho con bú chủ yếu là ở các vùng giàu xương xốp. Sự giảm mật độ xương này được cho là bổ sung vào sữa mẹ để cung cấp cho con. Ngoài ra, cơ thể mẹ còn có nhiều thay đổi khác góp phần tiết kiệm và bổ sung canxi vào dòng sữa. Chẳng hạn như tăng cường hấp thu canxi ở ruột, tăng cường tái hấp thu canxi ở thận. [4]
1.3 Cho con bú có làm tăng nguy cơ loãng xương không?
Giảm mật độ xương tạm thời là một phần bình thường và có thể nói là sinh lý của quá trình cho con bú. Tuy nhiên, mẹ không nên quá lo lắng, bởi mật độ xương thường sẽ được phục hồi trong hoặc sau khi cai sữa. Ngoài ra, các nghiên cứu lớn gần đây cho thấy rằng việc mang thai và cho con bú không liên quan đến việc tăng nguy cơ loãng xương hoặc gãy xương sau này trong cuộc đời. [5]
2 Ai dễ bị loãng xương trong thời kỳ cho con bú?
Một số phụ nữ bắt đầu thời kỳ cho con bú có mật độ xương thấp hơn bình thường do nhiều nguyên nhân. Bao gồm tiền sử gia đình bị loãng xương, tiền sử rối loạn ăn uống, mắc các bệnh về tiêu hóa hoặc bữa ăn không đủ chất,... Mặc dù phụ nữ có thể lấy lại được lượng xương mà họ đã mất trong thời kỳ cho con bú, nhưng ít có khả năng mật độ xương trở lại mức bình thường được. Khi đó, họ cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng của mình ngay từ trước khi mang thai để có kế hoạch bảo vệ xương tốt nhất.
Thời gian cho con bú kéo dài cũng là một yếu tố khiến mẹ bị mất xương nhiều hơn. Một nghiên cứu từ Hàn Quốc đã phát hiện ra rằng việc cho con bú kéo dài (được định nghĩa là hơn 37 tháng), có liên quan đến mật độ khoáng xương thấp ở cột sống thắt lưng và tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Số lần sinh nở không ảnh hưởng đến mật độ khoáng của xương.
Ngoài ra, việc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc bị thiếu vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cho con bú.
Bên cạnh đó, thanh thiếu niên mang thai có nguy cơ bị loãng xương cao hơn vì họ vẫn đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và cụ thể là phát triển xương.
Vì thế, những đối tượng này cần chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày.
3 Mất xương trong thời kỳ cho con bú có sao không?
Hiện nay, một điều tích cực là nhiều phụ nữ đã chủ động bổ sung canxi và nhiều khoáng chất khác trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Vì thế loãng xương sau do mang thai và cho con bú hiện nay khá hiếm gặp. Các chuyên gia cho biết, có thể mất đến 1 năm để mật độ xương của người phụ nữ phục hồi lại sau khi sinh con. Vì thế, bạn không nên quá lo lắng nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mật độ xương thấp trong thời gian cho con bú. Thông thường, nếu bạn cho con bú thì mật độ xương của bạn sẽ trở lại bình thường sau khi con bạn cai sữa. Điều cần làm là trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hậu quả của mất xương trong thời kỳ mang thai và cho con bú có thể nghiêm trọng. Một số người có thể cảm thấy đau lưng dữ dội, đau vùng chậu, hoặc có nguy cơ gãy xương cao. Mặc dù hiếm gặp, nhưng bệnh loãng xương do cho con bú có thể không được chẩn đoán đúng mức hoặc bị bỏ qua.
4 Làm sao để bảo vệ xương khi cho con bú?
Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú phải đảm bảo được cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D. Bao gồm cả thực phẩm ăn uống hàng ngày và các sản phẩm bổ sung. Sau đây là những điều phụ nữ mang thai và cho con bú cần làm để bảo vệ xương của mình:
4.1 Ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Các nguồn cung cấp canxi tuyệt vời bao gồm các sản phẩm từ sữa, đậu phụ, rau lá xanh, các loại cá, tôm, trứng,... Ngoài ra, phụ nữ cho con bú nên sử dụng thêm các sản phẩm tăng cường canxi.
Vitamin D rất cần thiết để canxi được hấp thụ vào cơ thể và vận chuyển tới xương. Những người mang thai và cho con bú có thể cần bổ sung vitamin D để xương chắc khỏe. Thực phẩm giàu vitamin D bao gồm các loại cá béo như cá ngừ, cá thu và cá hồi, trứng, pho mát, sữa và ngũ cốc tăng cường.
4.2 Thường xuyên hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất là cách để có một thai kỳ khỏe mạnh. Phụ nữ sau sinh nên bắt đầu với những bài tập thể chất nhẹ nhàng như chạy bộ, đạp xe, tập yoga,... Hoạt động thể chất giúp tăng cường hấp thu canxi và vitamin D, giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn và tăng cảm giác ngon miệng.
4.3 Uống nhiều nước
Uống nhiều nước rất quan trọng để tăng cường hấp thu canxi và các khoáng chất thiết yếu cho xương. Ngoài ra, uống nhiều nước giúp cơ thể cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn hơn và tăng cảm giác ăn uống.
Nhu cầu canxi cao trong thời kỳ mang thai và cho con bú khiến phụ nữ dễ bị tiêu xương và loãng xương sau này. Mặc dù những thay đổi nội tiết tố gây mất canxi và dẫn đến tăng quá trình tiêu xương, nhưng quá trình tiêu xương có thể bị đảo ngược sau khi sinh.
>>> Xem thêm: Loãng xương: Rối loạn chuyển hóa xương phổ biến nhất
Tài liệu tham khảo
- ^ E M Winter, A Ireland, [...] (Ngày đăng: Tháng 07 năm 2020). Pregnancy and lactation, a challenge for the skeleton, Endocrine Connections. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 05 năm 2023
- ^ Michigan News (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 01 năm 2007). Minerals move from nursing mother’s bones to her breast milk, Michigan News. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 05 năm 2023
- ^ Sowers M, Corton G, Shapiro B, [...]. Changes in bone density with lactation, UptoDate. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 05 năm 2023
- ^ Hanna Olausson, Gail R. Goldberg, [...] (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 07 năm 2012). Calcium economy in human pregnancy and lactation, Cambridge University Press. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 05 năm 2023
- ^ NIH (Ngày đăng: Tháng 05 năm 2023). Pregnancy, Breastfeeding, and Bone Health, NIH. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 05 năm 2023