Bị nấc cụt nhiều lần trong ngày có sao không? Nguyên nhân và cách chữa nhanh khỏi
Trungtamthuoc.com - Nấc cụt là hiện tượng có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây ra nhiều phiền toái với người bị. Thông thường cơn nấc ngẫu nhiên xảy ra sau khi ăn quá no hoặc uống nước có ga. Bên cạnh đó, một vài bệnh lý, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật cũng dẫn đến tình trạng này. Vậy nấc cụt có nguy hiểm không và cách loại bỏ những cơn nấc này như thế nào ? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Bị nấc cụt theo giờ là bệnh gì?
Nấc cụt là những cơn co thắt lặp đi lặp lại của cơ hoành kết hợp với việc dây thanh âm của bạn đóng lại, sẽ phát ra âm thanh như tiếng “hic”. Thông thường, cơ hoành thường di chuyển xuống khi bạn hít vào và di chuyển lên để thở ra. Khi bị nấc, cơ hoành sẽ đột ngột bị kéo xuống, hít không khí vào nhanh hơn, điều này dẫn đến khí quản cũng bị đóng nhanh chóng để không khí không lọt vào và tạo ra âm thanh.
Nấc cụt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cơ hoành bị kích thích sẽ có thể tạo ra một cơn nấc kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nhưng thường không quá 24 giờ. Tần số của một cơn nấc phụ thuộc vào từng người, thường có tần số khoảng 2-60 lần/ phút. Nấc cụt thường không ảnh hưởng đến sức khoẻ và chúng ta không cần phải lo lắng, và không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp nấc cụt kéo dài hơn 48 giờ hoặc lặp lại liên tục trong nhiều ngày, có thể đang cảnh báo những bệnh nghiêm trọng như trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hoá, ung thư phổi, suy thận hay thậm chí viêm não.
Nấc cụt được chia thành các loại sau:
- Những cơn nấc cục thoáng qua (tạm thời) kéo dài vài giây hoặc vài phút.
- Những cơn nấc dai dẳng kéo dài hơn 48 giờ và có thể lên đến một tháng.
- Những cơn nấc mạn tính kéo dài hơn một tháng.
- Những cơn nấc tái phát liên tục quay trở lại, mỗi cơn nấc kéo dài hơn chỉ vài phút.
2 Nguyên nhân gây ra nấc cục
Nấc cụt xảy ra khi có thứ gì đó kích thích dây thần kinh khiến cơ hoành co lại. Đây là biểu hiện không thể kiểm soát một cách có ý thức (như thở, tiêu hóa và nhịp tim), vậy tại sao ở một số trường hơp cơn nấc chỉ thoáng qua, nhưng có những trường hợp kéo dài liên tục? Dưới đây là nguyên nhân gây ra nấc cụt thường gặp:
2.1 Nguyên nhân gây nấc cụt thoáng qua
Thường không có nguyên nhân rõ ràng cho một hoặc hai lần nấc cụt ngẫu nhiên. Nhưng một số tác nhân kích hoạt nhất định có thể đóng một vai trò nào đó, như:
- Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh.
- Ăn thức ăn cay hoặc thức ăn rất nóng hoặc lạnh.
- Uống đồ uống có ga.
- Hút thuốc lá hoặc cần sa.
- Uống đồ uống có chứa cồn.
2.2 Nguyên nhân gây nấc kéo dài
Nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau có thể gây ra nấc dai dẳng, bao gồm:
- Các bệnh về Đường tiêu hóa, như GERD hoặc viêm dạ dày .
- Các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như đột quỵ , bệnh Parkinson
- Các tình trạng về phổi, như viêm phổi , tắc mạch phổi hoặc viêm màng phổi .
- Các khối u hoặc tổn thương, như khối u trung thất , ung thư thực quản hoặc ung thư tuyến tụy .
- Các tình trạng làm gián đoạn quá trình trao đổi chất và truyền tín hiệu thần kinh liên quan, như chứng tăng urê huyết hoặc hạ Canxi máu .
- Một số bệnh nhiễm trùng, như cúm , bệnh Zona và herpes simplex .
- Một số loại thuốc cũng có thể gây nấc dai dẳng. Ví dụ: Chất chủ vận Dopamine, benzodiazepin (ở liều thấp), một số loại thuốc hóa trị , Dexamethason, Azithromycin…
- Nấc cụt dai dẳng cũng có thể xảy ra sau một số ca phẫu thuật hoặc thủ thuật nhất định, hay cả những ca cần gây mê toàn thân .
3 Nấc cục có thể tự hết được không? bao lâu thì khỏi?
Những cơn nấc thoáng qua thường biến mất mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị tại nhà hoặc phương pháp điều trị nào khác. Tuy nhiên, những cơn nấc dai dẳng hoặc khó chữa thường cần được điều trị.
Thời gian một cơn nấc bình thường kéo dài khoảng vài phút, có thể vài giờ, nhưng sẽ không quá 24 giờ. Tần số nấc dao động khoảng 2-60 lần/ phút tuỳ vào từng người cụ thể. Những cơn nấc thoáng qua sẽ tự hết mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
4 Tại sao ở trẻ sơ sinh hay bị nấc ?
Nấc cụt là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Chưa có nghiên cứu chính xác để biết chính xác lý do tại sao bé lại bị nấc nhưng có thể đó là do lượng khí trong dạ dày của bé tăng lên. Bé có thể ăn nhiều hoặc nuốt quá nhiều không khí trong khi ăn. Kết quả là bụng của họ nở ra và gây kích ứng cơ hoành.
Ở một số bé, nấc cụt là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp này, bé sẽ có các triệu chứng khác ngoài nấc cụt như ho và khạc nhổ. Hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám bởi các bác sĩ nhi khoa nếu gặp những vấn đề này.
5 Các cách chữa nấc cụt cho người lớn hiệu quả
5.1 Cách điều trị tức thì
Những cơn nấc cụt thoáng qua thường tự biến mất mà không cần phải làm gì để ngăn chặn chúng. Tuy nhiên,người bệnh có thể cảm thấy khó chịu thì có thể sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà rất hữu ích sau:
- Bịt tai để chữa nấc cụt
Đây là biện pháp đơn giản được sử dụng khá phổ biến. Sử dụng 2 ngón tay trỏ nhét vào 2 tai để bịt chặt lại. Lực vừa phải không cần phải quá mạnh gây tổn thương lớp da ngoài tai. Giữ liên tục trong khoảng 3 phút, cơn nấc sẽ biến mất, có thể kết hợp uống vài ngậm nước sẽ có kết quả nhanh hơn. Cơ chế của phương pháp là tác động vào dây thần kinh phế vị.
- Uống nước chữa nấc cụt
Uống nhiều nước nhưng chia thành từng ngụm nhỏ, nuốt xuống liên tục, tạo ra nhịp co thắt thực quản đều đặn, ngăn cơ hoành co thắt lại. Hiệu quả của phương pháp không cao nên cần thực hiện lặp lại nhiều lần.
- Hít thở sâu
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thành công 84% trong số 19 bệnh nhân bằng cách sử dụng kỹ thuật thở này. Với phương pháp này, bệnh nhân thở ra hoàn toàn, sau đó hít một hơi thật sâu; đợi 10 giây và không thở ra, hít vào thêm một chút; đợi thêm năm giây nữa rồi cố gắng hít vào thêm một chút nữa trước khi thở ra.
- Dùng đá lạnh chữa nấc
Ngậm một viên đá lạnh mang lại hiệu quả khá tốt. Nguyên nhân do nhiệt độ từ đá tác động kích thích dây thần kinh giảm tác động vào cơ hoành. Nếu bất ngờ chèn đá lạnh đột ngột, hiệu quả thành công sẽ cao hơn.
- Dùng đường chữa nấc cụt
Phương pháp này thường áp dụng cho trẻ nhỏ, khá hiệu quả trong điều trị nấc. Vị ngọt của đường làm giảm sự tập trung vào cơn nấc và kích thích vùng niêm mạc họng, các xung động thần kinh tới cơ hoành bị gián đoạn, làm giảm nấc.
- Lè lưỡi hết cỡ
Khi gắng sức lè lưỡi sẽ tác động đến các dây thần kinh phế vị, khiến dây thần kinh giãn nở, giảm co thắt với cơ hoành, các cơn nấc cụt được loại bỏ. Cố gắng lè hết sức rồi giữ trong 5-10 giây, lặp lại 5-6 lần / ngày sẽ cảm nhận thấy hiệu quả tức thì.
- Dùng túi giấy chữa nấc
Cơ chế là làm cho lượng CO2 trong máu tăng lên, tạo áp lực làm cơ hoành co bóp để hít vào khí oxy. Thực hiện bằng cách lấy 1 túi giấy có thể túi bóng nilon, túm chặt túi xung quanh miệng hít vào và thở ra chậm rãi. Cách này cho hiệu quả khá nhanh nên được sử dụng phổ biến.
5.2 Thuốc kê đơn điều trị nấc cụt
Những cơn nấc kéo dài hơn hai ngày không chỉ gây phiền toái mà còn có thể cản trở chất lượng cuộc sống, làm mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi. Dưới đây là các loại thuốc chỉ được sử dụng khi có sự kê đơn của bác sĩ trong điều trị nấc cụt:
5.2.1 Thuốc chống loạn thần
- Chlorpromazine (Aminazin) loại thuốc duy nhất được FDA phê chuẩn để điều trị nấc cụt. Liều lượng: 25-50 mg đường uống. Cũng có thể được truyền tĩnh mạch chậm (25-50 mg trong vài giờ). Thuốc chẹn các thụ thể dopamin vùng dưới đồi làm ngừng cơn nấc. Tác dụng phụ như hạ huyết áp, tăng nhãn áp, bí tiểu gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát nên thuốc hiện nay không được là liệu pháp điều trị đầu tiên.
- Haloperidol (Haloperidol) một chất thay thế hữu ích cho chlorpromazine; cho liều tấn công 2-5 mg, sau đó là 1-4 mg đường uống. Thuốc dung nạp tốt hơn Chlorpromazine
5.2.2 Thuốc chống co giật
- Gabapentin (Neurontin) với liều 300-400 mg/ngày đã được mô tả là có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Vai trò kép của nó là thuốc giảm đau có thể làm bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhanh hơn, được các bác sĩ ưu tiên kê đơn. Cơ chế của thuốc là tạo ra sự phong tỏa kênh canxi, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh não, giảm kích thích đến cơ hoành.
- Phenytoin (Phenytoin) được cho là có hiệu quả ở những bệnh nhân bị nấc do nguyên nhân thần kinh trung ương. Liều lượng: 200 mg tiêm tĩnh mạch chậm, sau đó là 300 mg đường uống mỗi ngày.
- Các thuốc khác: Axit Valproic (Depakin) và Carbamazepine ( Tegretol cr) đã được báo cáo là có tác dụng đối với một số bệnh nhân chọn lọc.
5.2.3 Thuốc Baclofen (Bamifen)
Baclofen là loại thuốc duy nhất được nghiên cứu trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng mù đôi để điều trị nấc cụt. 5 mg mỗi 8 giờ không loại bỏ được nấc cụt nhưng giúp giảm triệu chứng ở một số bệnh nhân. Cơ chế hoạt động tương tự một chất dẫn truyền thần kinh, làm tắc nghẽn sự dẫn truyền khác, như tới cơ hoành, từ đó giảm nấc nhanh chóng. Các tác - dụng phụ gặp phải như mê sảng, chóng mặt. Bệnh nhân cần được theo dõi sau khi sử dụng
5.2.4 Thuốc ức chế bơm proton
Thường sử dụng thuốc này khi hiện tượng nấc xảy ra thường xuyên do bị trào ngược dạ dày. Thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh nên những cơn nấc kéo dài cố thể được giảm triệt để. Thuốc thường an toàn, một số tác dụng phụ tiêu hoá hay gặp như buồn nôn, khó tiêu,..
5.2.5 Nifedipine (Adalat)
Dùng liều từ 10 -20 mg đường uống hoặc ngậm dưới lưỡi có thể mang lại tác dụng giảm nấc rõ rệt. Nguyên nhân là do thuốc làm đảo quá trình khử cực trong phản xạ nấc. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như hạ huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn.. Vì vậy thuốc chỉ được sử dụng khi có sự giám sát và cho phép của bác sĩ.
5.2.6 Dexamethasone (Dectancy)
Sử dụng các thuốc corticoid cũng là nguyên nhân gây nấc, nhưng Dexamethasone đã được chứng minh giảm nấc ở một số đối tượng bị bệnh não chất trắng có liên quan đến bệnh ADIS.
5.2.7 Sertralin (Zoloft )
Sertraline cũng mang lại tác dụng giảm nấc đáng kể, thuốc tác động thông qua thụ thể serotonin tại đường tiêu hoá, kích thích giảm vận động hệ dạ dày, thực quản, kể cả cơ hoành.
Ngoài ra các chất khử bọt như simethicon có thể hữu ích nếu có hiện tượng chướng bụng. Kết hợp thuốc tăng nhu động như Domperidon và Metoclopramide, giúp làm rỗng dạ dày các chất chứa trong đó.
6 Cách phòng tránh bị nấc cục
Có thể ngăn ngừa những cơn nấc cụt bằng cách:
- Làm chậm tốc độ của bạn khi bạn ăn hoặc uống.
- Hạn chế đồ uống có ga và đồ uống có chứa cồn.
- Ăn các phần nhỏ hơn tại một thời điểm
- Tránh thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.
- Điều trị bệnh lý làm tăng nguy cơ bị nấc như trào ngược dạ dày, chướng bụng, rối loạn tiêu hoá
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dụng thường xuyên, hạn chế stress
7 Mẹo chữa nấc cụt bằng thảo dược dân gian
7.1 Dùng lá bạc hà
Lá Bạc Hà được ứng dụng trong chữa nấc cụt khá hiệu quả. Tinh dầu của bạc hà làm dịu kích thích cơ hoành, từ đó loại bỏ các cơn nấc nhanh chóng.
Cách làm: pha một cốc nước ấm, vắt chanh và cho thêm chút muối hạt. Thêm một ít lá bạc hà, uống khi nấc, các triệu chứng nấc sẽ sớm cải thiện.
7.2 Uống nước mật ong
Mật Ong được biết đến như thần dược trong đông y, trong đó tác dụng loại bỏ những cơn nấc cũng rất hiệu quả. Nguyên nhân do mật ong kích thích dây phế vị, ức chế các kích thích xuống cơ hoành, chỉ cần thực hiện vài lần sẽ thấy hiệu quả
7.3 Giảm nấc bằng chanh
Trong chanh có hàm lượng axit cao, làm rối loạn sự tập trung vào của dây thần kinh phế vị vào cơ hoành, giảm các rối loạn cơn co thắt, từ đó nấc cụt được loại bỏ.
Cách làm rất đơn giản, chỉ cần ngậm chanh trong miệng vài giây.
7.4 Dùng giấm giảm nấc cụt
Uống vài giọt giấm cũng là mẹo điều trị nấc rất hiệu quả. Vị chua trong giấm, làm rối loạn các kích thích thần kinh không tự chủ của cơ hoành, từ đó kiểm soát nhanh chóng nấc cụt.
8 Kết luận
Nấc cục là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thông thướng nấc tự khỏi mà không cần điều trị , tuy nhiên tình trạng kéo dài và có dấu hiệu liên tục tăng dần là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. Mong rằng bài viết đã cung cấp đến người đọc những thông tin hữu ích về nấc cụt và các mẹo trị an toàn và hiệu quả.
9 Tài liệu tham khảo
Tác giả Cornelius J. Woelk (Ngày đăng tháng 6 năm 2011), Managing hiccups, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024
Tác giả Garry Wilkes (Ngày đăng 13 tháng 12 năm 2023), Hiccups Medication. Mescape. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024
Tác giả Full-Young Chang , Ching-Liang Lu (Ngày đăng 9 tháng 4 năm 2012), Hiccup: mystery, nature and treatment.PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024