Tê bì chân tay: Nguyên nhân và cách điều trị bằng mẹo dân gian hiệu quả
Đôi khi cảm giác tê bì hoặc ngứa ran ở lòng bàn chân hoặc bàn tay có thể khiến bạn khó chịu nhưng chúng sẽ hết ngay và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, tê bì dữ dội hoặc dai dẳng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như dây thần kinh bị chèn ép, thiếu vitamin hoặc biến chứng tiểu đường. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về tình trạng tê bì tay chân.
1 Tê bì chân tay là bệnh gì?
Tê bì chân tay khi ngủ hoặc ngồi sai tư thế là hiện tượng khá phổ biến. Điều này được giải thích là do áp lực lên dây thần kinh và mạch máu lớn tạo cảm giác tê bì hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay. Một số người gọi tình trạng này là “châm kim”. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay[1] .
1.1 Dây thần kinh bị chèn ép
Cảm giác ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay do dây thần kinh ở lưng bị chèn ép có thể xảy ra khi chấn thương hoặc sưng tấy. Đây là một trong những nguyên nhân tê bì chân tay phổ biến nhất. Bên cạnh tê bì, các triệu chứng khác của tình trạng dây thần kinh bị chèn ép bao gồm đau và vận động khó khăn.
Dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể và có thể ảnh hưởng đến bàn tay hoặc bàn chân, gây ngứa ra, tê hoặc đau. Nếu một dây thần kinh ở cột sống bị chèn ép, cảm giác này có thể lan xuống đùi và bàn chân của bạn.
Ngoài ra, hội chứng ống cổ tay cũng là hệ quả của tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Những người mắc hội chứng ống cổ tay có thể cảm thấy tê hoặc ngứa ra ở bốn ngón tay đầu tiên của bàn tay.
Các phương pháp điều trị khi dây thần kinh bị chèn ép bao gồm: nghỉ ngơi nhiều hơn, sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu.
1.2 Nhiễm độc
Nếu bạn nuốt phải thứ gì đó có độc hoặc khi chất độc được hấp thụ qua da, cảm giác tê bì ở lòng bàn chân hoặc bàn tay có thể xảy ra. Một số loại độc tố có thể gây ra tình trạng này bao gồm: thủy ngân, thạch tín, chì, asen, ethylene glycol,... Khi đó, người bệnh có thể cảm thấy nôn nao, choáng váng, khó thở,... và cần được can thiệp y tế khẩn cấp.
1.3 Nghiện rượu
Rượu đối với cơ thể là một chất độc và có thể làm hỏng các mô thần kinh. Cụ thể, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến một loại bệnh thần kinh ngoại vi được gọi là bệnh thần kinh do rượu.
Tình trạng này có thể gây đau và ngứa ran ở tứ chi, bao gồm cả lòng bàn tay và bàn chân. Những triệu chứng này xảy ra là do các dây thần kinh ngoại vi đã bị tổn thương do tác động của rượu.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người nghiện rượu lâu năm có khả năng bị bệnh thần kinh do rượu tăng 25-66%. Việc ngừng uống rượu là một trong những giải pháp tốt để giảm triệu chứng tê bì chân tay.
1.4 Mang thai
Cảm giác tê bì và ngứa ran ở bàn chân thường xảy ra ở người phụ nữ khi mang thai. Vì khi em bé lớn dần, tử cung có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở chân khiến bạn cảm thấy tê bì.
Uống đủ nước và thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm với tư thế kê cao một chân có thể giúp hạn chế cảm giác tê bì. Tuy nhiên, nếu chân tay bị sưng hoặc khó cử động, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc trao đổi với bác sĩ.
1.5 Thiếu vitamin
Nếu bạn thắc mắc rằng Hay bị tê bì chân tay là thiếu chất gì, thì câu trả lời có thể là thiếu vitamin. Cụ thể, thiếu Vitamin E hoặc vitamin B có thể gây ngứa ran và tê bì ở bàn tay, bàn chân. Đó là bởi những vitamin này rất quan trọng đối với chức năng của hệ thần kinh. Đặc biệt, thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến các bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Một số loại vitamin quan trọng với sức khỏe của dây thần kinh bao gồm[2]:
- Vitamin B12: cần thiết để tế bào sản xuất năng lượng và cần thiết cho quá trình tạo máu. Vitamin B12 được tìm thấy trong các sản phẩm nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng. Vì thế, người ăn chay có thể cần sử dụng các sản phẩm bổ sung thêm vitamin B12.
- Vitamin B1: có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền xung thần kinh và sửa chữa tế bào thần kinh. Thịt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt là nguồn cung cấp Vitamin B1 dồi dào. Những người có chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế có nhiều khả năng bị thiếu vitamin B1, dẫn đến đau hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
- Vitamin B9: thiếu Vitamin B9 có thể gây đau và tê bì chân tay, đặc biệt là ở những người dưới 40 tuổi. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B9 bao gồm rau có màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, đậu hũ, đậu phộng, dầu hạt hướng dương, gan và hải sản.
- Vitamin E: thiếu vitamin E dễ gây châm chích, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Các trường hợp thiếu hụt vitamin E thường liên quan đến tình trạng rối loạn hấp thu tại ruột. Nguồn thực phẩm giàu vitamin E bao gồm các loại hạt, dầu thực vật và rau có màu xanh đậm.
Bên cạnh tê chân tay, thiếu vitamin còn gây ra nhiều triệu chứng khác như chóng mặt, hụt hơi, mệt mỏi, đau đầu, tức ngực, rối loạn tiêu hóa,... Bạn có thể bổ sung vitamin từ chế độ ăn uống hoặc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung.
1.6 Suy thận
Tê bì chân tay có thể do chức năng thận suy giảm trong bệnh suy thận, đái tháo đường hoặc huyết áp cao. Khi thận của bạn không hoạt động bình thường, chất lỏng và chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tổn thương thần kinh. Tình trạng tê bì, ngứa ran do suy thận thường xảy ra ở chân hoặc bàn chân.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác của tình trạng suy giảm chức năng thận là chuột rút, co giật cơ, yếu cơ,...
1.7 Bệnh đái tháo đường
Hàm lượng đường trong máu cao ở bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương dây thần kinh, đặc biệt ở các chi. Kết quả là những người mắc bệnh tiểu đường có thể hay bị tê chân hoặc ngứa ran dai dẳng ở bàn chân.
Ngoài việc làm tổn thương dây thần kinh, đường huyết cao còn có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho dây thần kinh. Khi các tế bào thần kinh không nhận đủ oxy, chúng có thể không hoạt động tốt. Thống kê cho thấy, có tới 50% số người mắc bệnh tiểu đường có bệnh thần kinh ngoại vi.
Cùng với cảm giác tê bì, người bị tiểu đường còn có các triệu chứng khác bao gồm: khát nước, đi tiểu nhiều, thường xuyên cảm thấy đói, mệt mỏi, hoa mắt, vết thương chậm lành hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
1.8 Bệnh tự miễn dịch
Bệnh tự miễn dịch xảy ra khi cơ thể tự tấn công chính nó. Và ngứa ran ở lòng bàn tay, bàn chân có thể là một trong nhiều triệu chứng của bệnh tự miễn.
Các bệnh tự miễn dịch có thể gây ngứa ran bao gồm: bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh celiac, bệnh viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng,...
- Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn dịch gây sưng và đau khớp. Nó thường xảy ra ở cổ tay và bàn tay, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả mắt cá chân và bàn chân.
- Đa xơ cứng
Đa xơ cứng là một bệnh lý thần kinh mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng não và tủy ống. Trong đó, tê bì và ngứa ran ở gan bàn chân là triệu chứng ban đầu và khá phổ biến của bệnh đa xơ cứng.
Các triệu chứng khác của bệnh đa xơ cứng bao gồm: suy giảm thị lực, chóng mặt, khó thăng bằng, đau, mệt mỏi, rối loạn nhiều chức năng và suy giảm nhận thức.
- Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus là một tình trạng tự miễn dịch trong đó hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các mô của cơ thể. Nó có thể gây tổn thương đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, kể cả hệ thần kinh.
Hiện tượng tê bì ở bàn tay hoặc bàn chân có thể là do các dây thần kinh gần đó bị chèn ép di viêm hoặc sưng do bệnh lupus.
- Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến ruột non. Khi một người mắc bệnh Celiac ăn thực phẩm chứa gluten, các phản ứng miễn dịch sẽ xảy ra.
Một số người mắc bệnh Celiac có thể có các triệu chứng của bệnh thần kinh, bao gồm ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Thậm chí, cảm giác tê bì này cũng có thể xảy ra ở những người không có bất kỳ triệu chứng nào trên tiêu hóa.
1.9 Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây tổn thương dây thần kinh, khiến bạn có cảm giác ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân. Chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc chống co giật (ví dụ như Phenytoin), thuốc tim mạch (ví dụ như Amiodarone hoặc hydralazine), thuốc huyết áp, thuốc kháng sinh (ví dụ như Metronidazole và dapsone),...
1.10 Các nguyên nhân có thể khác
Dấu hiệu tê bì chân tay có thể là triệu chứng không điển hình của một số bệnh lý khác như: suy giáp, đau cơ xơ hóa, u nang hạch, thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng Raynaud, viêm mạch, hội chứng Guillain-Barré,...
2 Chẩn đoán nguyên nhân tê bì tay chân
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tê tay, tê chân, bác sĩ cần thu thập thông tin về tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, môi trường làm việc, lối sống (bao gồm việc sử dụng rượu), nguy cơ tiếp xúc với chất độc, nguy cơ nhiễm HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: để phát hiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, thiếu hụt vitamin, rối loạn chức năng gan thận, rối loạn chuyển hóa và các dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch.
- Xét nghiệm dịch não tủy: có thể xác định các kháng thể liên quan đến bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Điện cơ đồ (EMG): để đánh giá chức năng thần kinh cơ.
- Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh (NCV).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Sinh thiết thần kinh.
- Sinh thiết da để xem xét các đầu sợi thần kinh.
3 Điều trị tê bì tay chân
Cách chữa tê bì chân tay phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán nguyên nhân. Ngoài ra, nếu các tế bào thần kinh ngoại vi chưa bị phá hủy, chúng có thể được phục hồi về trạng thái ban đầu.[3]
Hiện nay, không có phương pháp điều trị cho các bệnh lý thần kinh ngoại vi mang tính di truyền. Tuy nhiên, nhiều loại bệnh mắc phải khác có thể cải thiện tốt khi điều trị. Ví dụ như việc kiểm soát tốt mức đường huyết ở bệnh tiểu đường có thể ngăn chặn bệnh thần kinh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn. Hoặc việc bổ sung vitamin có thể điều chỉnh bệnh thần kinh ngoại vi ở những người bị thiếu vitamin.
Các khuyến nghị chung về lối sống bao gồm: kiểm soát tốt cân nặng, tránh tiếp xúc với chất độc, tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc, ăn uống khoa học và hạn chế uống rượu.
Trong một số trường hợp, cảm giác tê bì chân tay và các triệu chứng khác của bệnh thần kinh ngoại vi có thể cải thiện tốt bằng các thuốc điều trị động kinh và trầm cảm.
Một số phương pháp khác như phẫu thuật, sử dụng thuốc giảm đau,... cũng có thể được sử dụng để giảm bớt chứng ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
4 Mẹo chữa tê bì tay chân
Tình trạng tê bì hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân có thể khiến bạn khó chịu. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát chúng bằng một số mẹo chữa tê tay chân sau đây[4] :
4.1 Chườm ấm
Chườm ấm giúp tăng lưu lượng máu đến các chi và giúp thư giãn các dây thần kinh trong khu vực. Bạn có thể sử dụng túi chườm hoặc nhúng một chiếc khăn mềm vào nước ấm. Chườm ấm trong khoảng 5-7 phút, cảm giác tê bì hoặc đau nhức sẽ giảm đi đáng kể. Chườm ấm có thể giúp người bị đau mỏi vai gáy tê bì chân tay cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
4.2 Chườm lạnh
Trong trường hợp tê bì tay chân là do sưng tấy, thì chườm lạnh lại là một giải pháp hiệu quả. Hơi lạnh có thể giúp giảm sưng, giảm áp lực lên các dây thần kinh. Bạn có thể sử dụng túi chườm hoặc bọc đá trong một cái khăn mềm và chườm lên vùng bị sưng trong khoảng 10-15 phút.
4.3 Mát xa
Xoa bóp bàn tay và bàn chân của bạn khi bị tê là một phương pháp dễ dàng nhưng hiệu quả để giảm cảm giác khó chịu này. Đây là cách chữa tê bì chân tay tại nhà đơn giản được nhiều người áp dụng.
Xoa bóp giúp tăng lưu thông máu, kích thích các dây thần kinh và cơ bắp, từ đó giảm tê hiệu quả. Bạn cũng có thể dùng một ít Tinh Dầu Tràm trà khi xoa bóp.
4.4 Tập thể dục
Vận động có thể cải thiện tuần hoàn máu và cung cấp oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Kết quả giúp ngăn ngừa cảm giác tê bì và ngứa ran ở mọi vùng của cơ thể, bao gồm cả bàn tay và bàn chân.
Hơn nữa tập thể dục và kiểm soát cân nặng cũng là cách để tăng cường miễn dịch và hỗ trợ ngăn ngừa một số vấn đề về sức khỏe.
Bạn có thể thực hiện các bài tập tay chân đơn giản trong 15 phút mỗi sáng hoặc trong thời gian nghỉ giải lao tại nơi làm việc. Ngoài ra, bạn có thể tập các bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội mỗi ngày.
4.5 Sử dụng tinh bột nghệ
Một trong những bài thuốc dân gian chữa tê bì chân tay được nhiều người biết tới là sử dụng tinh bột nghệ. Hợp chất Curcumin trong củ nghệ có khả năng cải thiện thiện tuần hoàn máu và chống viêm rất tốt. Từ đó giúp giảm nhanh cảm giác tê bì và đau nhức ở vùng bị ảnh hưởng.
4.6 Dùng muối epsom
Ngân chân trong thau nước ấm với muối epsom có thể giúp giảm tê bì hiệu quả. Các tinh thể Magie sulfat có thể làm tăng hàm lượng magie trong cơ thể và cải thiện lưu thông máu. Từ đó, nhanh chóng giảm cảm giác tê bì hoặc ngứa ran ở lòng bàn chân.
Bạn có thể hòa một nửa chén muối epsom vào một cái thau nhỏ đã đổ đầy nước ấm. Ngâm chân trong dung dịch này khoảng 10 phút bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
4.7 Bổ sung Ginkgo biloba
Ginkgo Biloba là loại thảo mộc phổ biến được biết đến với công dụng tăng cường tuần hoàn máu. Vì thế, bổ sung tinh chất từ Ginkgo biloba có thể cải thiện và ngăn ngừa chứng tê bì chân tay hiệu quả.
Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung Ginkgo biloba trên thị trường rất đa dạng với nhiều mẫu mã và hàm lượng khác nhau. Đối với người hay bị tê bì chân tay, nên sử dụng Ginkgo biloba hàm lượng 40mg, 3 lần mỗi ngày.
4.8 Bổ sung vitamin B
Để ngăn ngừa cảm giác tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân, ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin B là điều cần thiết, đặc biệt là B6 và B12. Những vitamin này cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Các thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: trứng, thịt, cá, hạt, quả hạch, ngũ cốc tăng cường, bơ, chuối, đậu, bột yến mạch, sữa, pho mát, sữa chua,... Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm chức năng bổ sung vitamin B.
>>> Xem thêm: Thoát Vị Đĩa Đệm: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Tài liệu tham khảo
- ^ Seunggu Han (Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 01 năm 2023). What could cause tingling in the feet or hands?, Medical News Today. Ngày truy cập: Ngày 17 tháng 06 năm 20233
- ^ Alana Biggers (Ngày đăng: ngày 03 tháng 02 năm 2022). 25 Causes of Tingling in Hands and Feet, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 17 tháng 06 năm 2023
- ^ Rick Ansorge (Ngày đăng: Ngày 12 tháng 05 năm 2023). Tingling in Hands and Feet, WebMD. Ngày truy cập: Ngày 17 tháng 06 năm 2023
- ^ Cynthia Cross (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 11 năm 2022). Numbness in Hands and Feet: Causes and Ways to Relieve It, eMedi Health. Ngày truy cập: Ngày 17 tháng 06 năm 2023