Kinh nguyệt màu đen có sao không? Màu sắc kinh nguyệt cảnh báo điều gì về sức khỏe?
Trungtamthuoc.com - Màu sắc kinh nguyệt bất thường không những gây tâm lý lo lắng cho chị em mà còn là dấu hiệu cảnh báo những bệnh nguy hiểm, có thể liên quan trực tiếp đến khả năng làm mẹ của chị em. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thay đổi màu sắc kinh nguyệt? mỗi màu sắc kinh nguyệt khác nhau phản ánh những vấn đề gì về sức khỏe? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Máu kinh nguyệt là máu gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ, thông thường sẽ lặp lại hàng tháng. Đây là dấu mốc báo hiệu bé gái đã có thể mang thai. Cơ chế của hiện tượng này là do sự tăng sinh của lớp niêm mạc, chuẩn bị cho trứng rụng và thụ thai, nhưng nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp tử cung này sẽ bị loại bỏ và gây ra xuất huyết ở tử cung.
Máu kinh nguyệt là máu chảy ra từ tĩnh mạch tại niêm mạc, nhưng chúng có chứa những thành phần mô bị bong ra từ lớp tử cung, nên về màu sắc và tính chất của máu kinh nguyệt khác hơn so với máu bình thường. Thông thường máu kinh nguyệt sẽ nhầy, đặc và có màu đậm hơn.
Đặc điểm một chu kỳ kinh nguyệt bình thường nếu:
- Có chu kỳ khoảng từ 24 đến 38 ngày
- Kéo dài từ bốn ngày đến tám ngày
- Lượng máu khoảng từ 30 mililít (ml) đến 80ml máu
2 Màu sắc kinh nguyệt như thế nào là bình thường?
Màu máu kinh được coi là bình thường khi có màu giống nhau ở tất cả các chu kỳ kinh nguyệt. Nếu phát hiện màu sắc có sự khác biệt so với các chu kỳ trước như lúc trước màu đỏ nhưng lần sau có màu đen, màu nâu thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý bên trong cơ thể.
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ tìm ra nguyên nhân để điều trị kịp thời. Ngoài ra, bên cạnh việc dựa vào màu máu kinh nguyệt cảnh báo bệnh, bạn cũng có thể dựa vào một số đặc điểm khác của máu kinh như:
- Về tính chất: máu kinh nguyệt thường nhầy, có lượng máu nhiều và có thể kèm theo các cục máu đông nhỏ.
- Về mùi: máu kinh có mùi hơi tanh nhưng không gây khó chịu, nếu xuất hiện các mùi hôi khác thì có thể đã mắc các bệnh lý phụ khoa.
- Về lượng: lượng máu kinh dao động từ 30ml đến 80ml cho mỗi chu kỳ. Một chu kỳ bình thường thì lượng máu sẽ khá ổn định, nếu nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong mỗi lần hành kinh thì cần thăm khám chuyên khoa sớm, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.
3 Hình ảnh màu sắc máu kinh bất thường
Có thể nói rằng, màu sắc của máu kinh là một yếu tố quan trọng phản ánh nhiều bệnh lý ở nữ giới, đặc biệt là khả năng sinh sản. Vì vậy chị em cần nhận biết được các màu sắc kinh nguyệt bất thường sẽ phản ánh những vấn đề gì để có hướng điều trị kịp thời.
3.1 Kinh nguyệt màu đỏ tươi
Kinh nguyệt màu đỏ tươi là báo hiệu sức khỏe bạn bình thường, cơ quan sinh sản hoạt động tốt. Điều này cũng cho thấy lớp niêm mạc bong tróc dễ dàng và không có sự rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, nếu hiện tượng chảy máu tươi kéo dài hơn 1 tuần hoặc sau những ngày đèn đỏ thì có thể bạn đã nhiễm nấm, lậu hay có cục u xơ, polyp ở tử cung. Bên cạnh đó nếu màu máu hàng tháng của bạn làm màu đỏ sẫm nhưng lại chuyển sang đỏ tuôi thì cũng cần chú ý quan sát và nên thăm khám chuyên khoa sớm.
3.2 Kinh nguyệt màu đen vón cục
Nếu kinh nguyệt có màu đen trong ngày đầu hoặc kinh nguyệt màu đen ngày cuối chu kỳ kinh nguyệt thì không cần phải quá lo lắng, vì máu kinh những ngày này ra ít và chậm, thời gian xuất ra khỏi cơ thể lâu hơn làm chuyển màu sắc máu sang màu đen hoặc màu nâu. Tuy nhiên khi có kèm các biểu hiện bất thường khác như đau bụng dưới, tiểu buốt thì cần phải đi khám tại chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Dưới đây là một số nguyên nhân khác có thể gặp phải khi kinh nguyệt có màu đen
- Rối loạn nội tiết tố: khi thường xuyên căng thẳng, stress do áp lực học tập và công việc cũng gây ra những rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, ít kinh làm máu tử cung chảy chậm và bị oxy hoá thành màu đen khi ra bên ngoài.
- Các bệnh phụ khoa: các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, u nang, polyp tử cung, lạc nội mạc tử cung cũng ảnh hưởng đến màu sắc kinh và thời gian chu kỳ kinh nguyệt. Các bệnh lý này tác động làm lớp niêm mạc bong tróc không đều, lâu lành vết thương hơn dẫn đến thay đổi về màu kinh.
- Cấu tạo tử cung: cấu tạo tử cung bị gập hơn bình thường, làm máu kinh nguyệt ở lại lâu hơn và oxy hoá thành màu đen khi thấy bên ngoài. Những trường hợp này, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng rong kinh kéo dài.
- Tiền sử mổ đẻ cũ: trong một số trường hợp chị em sau khi mổ đẻ xong, có những vết rãnh mổ, khiến máu dễ bị đọng lại và làm máu kinh nguyệt thay đổi màu sắc khi ra bên ngoài.
3.3 Máu kinh nguyệt nhạt như nước
Một số trường hợp màu máu kinh nguyệt có màu trắng và loãng như nước là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị thiếu máu nặng. Ngoài ra có thể quan sát những biểu hiện khác bên ngoài như màu môi, màu da để xác định sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
3.4 Máu kinh màu xám
Các màu sắc kinh nguyệt không phải màu đỏ tươi thì chị em đừng chủ quan mà bỏ qua. Với màu kinh nguyệt là xám có máu đỏ lẫn lộn, có thể là cảnh báo của các bệnh lý như:
- Nhiễm trùng phụ khoa: hiện tượng viêm nhiêm trong tử cung, âm đạo, vùng chậu có thể gây ra hiện tượng máu đỏ xám.
- Dấu hiệu sảy thai: với mẹ bầu khi thấy máu nâu lẫn đỏ xuất hiện cần cẩn trọng có thể đó là mô thai đi ra từ âm đạo.
3.5 Kinh nguyệt có màu nâu
Cũng giống như kinh nguyệt màu đen, hiện tượng kinh có màu nâu là do bị oxy hoá ở đầu kỳ kinh hoặc cuối kỳ kinh thì không cần phải lo lắng. Thời gian này máu ra ít nên sẽ mất thời gian lâu hơn, hoặc sau mỗi lần thức dậy do khi ngủ máu được lưu trong âm đạo nhiều giờ.
Màu sắc này thông thường không phản ánh vấn đề gì về cơ thể, tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài khi đã hết kinh nhiều ngày hoặc bất thường trong tháng thì có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung… cần thăm khám để được điều trị kịp thời.
3.6 Máu kinh màu hồng
Một trong các màu kinh thường gặp là màu hồng, màu sắc này xuất hiện khi vào đầu kỳ kinh thì không cần lo lắng. Trong thời gian đầu chu kỳ kinh, lượng máu trộn với dịch tiết âm đạo sẽ làm nhạt màu máu hơn, và những trường hợp kinh nguyệt ít thì sẽ hay gặp hiện tượng này hơn. Nếu máu kinh màu hồng kéo dài trong nhiều tháng thì có thể là cảnh báo về rối loạn nội tiết tố, lượng estrogen cơ thể thấp. Đối tượng phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng, phụ nữ tiền mãn kinh sẽ thấy máu có màu hồng nhiều hơn.
3.7 Kinh nguyệt màu cam
Màu sắc này rất hiếm gặp trong chu kỳ kinh, nến nếu có gặp tình trạng này, người bệnh có thể nghĩ ngay đến các nguyên nhân như:
- Nhiễm trùng: các viêm nhiễm do nấm, vi khuẩn hoặc bệnh viêm nhiễm khác qua đường tình dục đều có thể là nguyên nhân.
- Dấu hiệu mang thai: trong khoảng từ 10-14 ngày khi trứng đã được thụ thai thì có thể gặp các đốm màu cam trong máu kinh nguyệt.
3.8 Kinh nguyệt có cục máu đông
Ngoài màu sắc thì tính chất của máu cũng nên quan sát tính chất của kinh nguyệt. Trong thời kỳ kinh nguyệt, sự tách biệt của nội mạc tử cung khỏi thành tử cung có thể làm rách các mạch máu nhỏ. Chúng chảy máu và cục máu đông hình thành để ngăn máu chảy. Sau đó, chúng được thải ra ngoài cùng với máu kinh nguyệt của bạn. Khi thấy các cục máu đông có kích thước lớn và nhiều, liên tiếp trong nhiều chu kỳ kinh thì nên đến các chuyên khoa thăm khám kịp thời.
3.9 Mùi máu kinh khác lạ
Khi thấy kinh nguyệt có mùi bất thường như mùi tanh, mùi hôi, chua… có thể là dấu hiệu các bệnh về âm đạo chị em cần nhanh chóng điều trị. Nếu có kèm ngứa thì nguy cơ nhiễm nấm, có mùi khó chịu thì khả năng bị trùng roi âm đạo.
4 Cần làm gì khi thấy kinh nguyệt bất thường?
Khi nhận thấy sự khác thường về màu sắc kinh nguyệt, chị em nên lưu ý thực hiện các bước sau:
- Quan sát và theo dõi chu kỳ kinh: người bệnh ghi lại những thông tin như thời gian, lượng máu, màu sắc kinh nguyệt để cung cấp cho bác sĩ để thăm khám được chính xác nhất.
- Điều trị tại bệnh viện chuyên khoa: nhờ sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh giảm lo lắng cũng như có phương pháp điều trị tốt nhất. Trong những trường hợp đau dữ dội vùng bụng dưới, có cục máu đông hoặc mùi hôi ở kinh nguyệt thì cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Các biện pháp điều trị áp dụng như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, phẫu thuật…
- Khám sức khỏe định kỳ: các hiện tượng bất thường về cả màu sắc và chu kỳ đều có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn, bạn nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ đảm bảo không gặp bất cứ bệnh lý nào.
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh: duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đa dạng dinh dưỡng, giảm căng thẳng trong công việc cũng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
5 Màu sắc kinh nguyệt như thế nào thì cần liên hệ với bác sĩ?
Màu sắc kinh nguyệt cũng phản ánh tình trạng sức khoẻ của cơ thể, bao gồm các bệnh lý nguy hiểm mà chị em không nên chủ quan vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản về sau. Dưới đây là một số dấu hiệu cần tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Mất kinh: kinh nguyệt ít hoặc thậm chí không có kinh nguyệt trong từ 3 tháng đến 6 tháng thì cần liên hệ sớm với bác sĩ để kiểm tra.
- Rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều trong một thời gian ngắn hay thời gian dài đều cảnh báo những dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn, chị em đừng chủ quan mà nên đi thăm khám sớm.
- Chảy máu bất thường: xuất hiện máu ở âm đạo khi chưa tới kỳ kinh là hiện tượng nguy hiểm cần có sự tư vấn của chuyên khoa.
- Lượng máu nhiều hơn bình thường: mỗi người sẽ có lượng kinh nguyệt khác nhau, và có thể dao động trong mỗi chu kỳ nhưng nếu thấy lượng máu hơn mức bình thường quá nhiều, làm mệt mỏi, suy nhược cũng cần phải được kiểm tra và theo dõi.
- Cục máu đông > 2,5cm: trong các bệnh như u xơ tử cung hoặc cổ tử cung, polyp hoặc ung thư đều có biểu hiện cục máu đông âm đạo, nên cần thận trọng khi có dấu hiệu này.
- Các dấu hiệu khác như sốt, mệt mỏi, đau tức vùng bụng dưới và thắt lưng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng cần khám ngay lập tức.
6 Các câu hỏi thường gặp khi phát hiện màu máu kinh bất thường
6.1 Kinh nguyệt màu đen có thai không?
Nếu xuất hiện máu màu nâu đen có thể không trùng ngày hành kinh thì có thể là máu báo thai. Có thể không phải do đang trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường thì có thể là máu báo thai. Cụ thể khi thấy máu màu đen ở âm đạo với số lượng ít, trong khoảng từ 1-3 ngày rất khả năng là quá trình thụ thai diễn ra, báo hiệu thai kỳ.
6.2 Máu báo thai và máu kinh nguyệt khác nhau như thế nào?
Về thời gian, máu báo thai thường xuất hiện sớm hơn so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường và chỉ kéo dài khoảng 3 ngày trở xuống. Còn máu kinh xuất hiện kéo dài 2-7 ngày tùy theo từng người.
Về mặt tính chất, máu báo thai ở dạng đốm nhỏ và không lẫn dịch nhầy và không vón cục, ngược lại, máu kinh nguyệt thường nhầy hoặc kèm các cục máu đông. Trường hợp bất thường vón cục hoặc đỏ tươi kèm đau bụng dữ dội hay sốt rất có thể là dấu hiệu sảy thai.
6.3 Máu màu nâu sau kỳ kinh nguyệt 10 ngày là bệnh gì?
Thông thường hiện tượng này không báo hiệu gì về sức khỏe, chị em không cần quá lo lắng. Sau khi kết thúc kỳ kinh, vẫn có thể xót lại một ít máu trong tử cung, sau một thời gian chúng mới được đẩy ra ngoài. Vì thời gian tồn tại trong tử cung lâu nên bị oxy hoá và chuyển màu nâu hoặc đen. Nếu bạn có sử dụng cấy que tránh thai, đặt vòng, hoặc giai đoạn tiền mãn kinh thì sẽ gặp nhiều hơn.
6.4 Lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt ít có sao không?
Lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt thường từ 30ml - 80ml, nhưng nếu thấy ít hơn bình thường thì có thể bạn đang bị rối loạn nội tiết tố do căng thẳng, stress thường là nguyên nhân hay gặp nhất. Nếu sau 2-3 chu kỳ mà lượng máu kinh vẫn ra ít thì bạn nên đi thăm khám vì có thể là cảnh báo các bệnh tuyến giáp, buồng trứng đa nang nguy hiểm.
7 Kết luận
Máu ở kinh nguyệt có thể có các màu sắc khác nhau như máu kinh nguyệt màu đen, màu nâu, màu cam hoặc bất cứ màu nào khác. Nếu chỉ trong thời gian ngắn thì có thể không cần quá lo lắng nhưng nếu nhận thấy có kèm các dấu hiệu khác như cục máu đông, mùi hôi, ngứa âm đạo thì có thể là cảnh báo một vấn đề sức khỏe. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
8 Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia Cleveland Clinic (Ngày đăng 28 tháng 9 năm 2020) What Does the Color of Your Period Mean?. Cleveland Clinic. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
- Tác giả Sonya S. Dasharathy, Sunni L. Mumford và cộng sự (Ngày 15 tháng 3 năm 2012) Menstrual Bleeding Patterns Among Regularly Menstruating Women. Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
- Tác giả Giuseppe Giuffrè , Luigi Di Rosa, Fabio Fiorino (Ngày đăng năm 2007) Changes in colour discrimination during the menstrual cycle. Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.